Hắc Thánh Thần Tiêu
Chương 2 : Đốn cây, đào tận rễ
Vầng trăng lưỡi liềm thượng tuần của Tết đầu xuân buông tỏa ánh sáng nhạt nhòa trên tòa Đặng Uất sơn, một ngọn núi có một vùng nổi tiếng nhất khắp nước.
Ai đã chơi mai vào đầu xuân mà chưa biết đến mai ở Đặng Uất sơn là một khuyết điểm lớn.
Cho nên vào thời kỳ mai nở rộ, Đặng Uất sơn là nơi hò hẹn của mặc khách tao nhân, họ vầy đoàn cùng đến đó ngâm thi nhắm rượu thánh, nhìn mai ngắm nguyệt, lâng lâng hứng ngọn gió lành.
Nhưng xuân qua đã quá nửa độ, mai vàng đã rụng, lá xanh lợp cành, mùa thưởng mai đã dứt, Đặng Uất sơn vắng bóng khách nhàn du.
Thế mà đêm nay vẫn có bóng người và tự nhiên người đó đến đây không thể để thưởng hoa, bởi hoa đâu còn nữa.
Người đó có thân hình cao lớn, tay bế một đứa bé cuộn tròn trong chăn mỏng, đến chân núi dừng lại một lúc.
Người đó không ai khác hơn là Hắc Thánh Thần Tiêu Du Long Tang Cửu, vừa rời gia cư Tiết thần y tại thị trấn Mộc Độc đến đây và đứa bé chính là Châu Châu, đứa con gái duy nhất của Tiết thần y.
Bóng đó dừng lại nhìn khung cảnh Đặng Uất sơn bất giác nhớ đến sự tình mười năm trước.
Cũng một đêm trăng mờ nhạt như đêm nay, ngẫu nhiên đi ngang qua Đặng Uất sơn, Hắc Thánh Thần Tiêu Tang Cửu phát hiện ra bọn Long Môn ngũ quái đang vây đánh một người.
Người bị vây chính là Tiết thần y, người nổi danh thần y trên khắp giang hồ.
Nguyên nhân cuộc xung đột đó phát xuất từ việc Tiết thần y đã chữa trị cho một nhân vật võ lâm, nhân vật này lại là thù địch của bọn Long Môn ngũ quái bị chúng đánh trọng thương may mắn chạy thoát được.
Long Môn ngũ quái căm hận Tiết thần y cứu nạn kẻ thù nên quyết hạ sát Thần y cho bằng được.
Tiết thần y dù cho võ công khá cao, nhưng một không chống nổi năm, mà dù cho một đối một, lão vẫn chưa phải là đối thủ của chúng.
Đang lúc nguy cấp, Hắc Thánh Thần Tiêu xuất hiện đánh bại bọn Ngũ quái Long Môn, giải nạn cho Tiết thần y.
Lão dùng chân vẽ một chữ “Cửu” trên mặt đất, cốt cho bọn Ngũ quái tìm đến lão mà báo thù nếu chúng muốn. Lão không cần nghe lời cảm tạ của Thần y, phóng mình đi mất. Tiết thần y thấy chữ “Cửu” đó ngẫm nghĩ mãi mà không hiểu ân nhân cứu mạng mình là ai, cho đến hôm nay gặp lại chữ “Cửu” bất quá cũng chỉ biết đó là vị ân nhân cứu mạng mình mười năm về trước vậy thôi.
Hắc Thánh Thần Tiêu nhớ lại việc xưa, điểm một nụ cười :
- Giờ thì Tiết Đạo Lăng biết ta là ai rồi!
Lão nghĩ :
- “Một năm sau! Tại Thiên Tân kiều! Ta sẽ gặp lại Thần y. Thần y sẽ vì cái ơn cứu mạng mười năm trước chiếu cố đến đứa bé, ta còn lo ngại làm gì nữa! Huống chi, con gái lão ấy hiện ở trong tay ta”.
Đứa bé bị thương chính là giọt máu duy nhất của đôi vợ chồng, bạn chí thân của Hắc Thánh Thần Tiêu: vợ chồng họ Phạm.
Nếu trên đời này không có vợ chồng họ Phạm, thì vĩnh viễn trên giang hồ sẽ không có Hắc Thánh Thần Tiêu.
Lão hồi ức lại những diễn tiến trong dĩ vãng, một lát lâu mới tiếp tục cuộc hành trình.
Đi chưa được bao xa, bỗng lão nghe tiếng gọi, tiếng của một nữ nhân :
- Phía trước đó có phải là Tang lão gia không? Xin đợi tiện nữ!
Giọng nói dịu dàng, trầm ấm vô cùng.
Giọng nói đó nếu thốt ra nơi hậu phòng, khi chung gối đối đầu hoặc dưới bóng đèn đối đầu thì sẽ trữ tình gợi cảm biết bao. Song ác thay nó lại vang lên giữa chốn núi non hoang vắng lúc đêm về, nên phát ra nghe lạnh xương sống.
Hắc Thánh Thần Tiêu giật mình quay lại...
Dưới ánh trăng huyền ảo, không biết tự lúc nào xuất hiện một cô gái dáng dấp thật yêu kiều...
Mày nàng cong vút như trăng thượng tuần, mắt xanh như điểm sao, da trắng mịn phớt màu anh đào, môi mọng đỏ như sẵn sàng hé nở một nụ cười xinh hơn khi hoa chớm nở. Nhưng khi cười nói khẽ ẩn nấp một niềm thầm kín, khiến cho toàn thể gương mặt nàng vừa sắc sảo, vừa huyền ảo.
Nàng đẹp một cách phiêu phiêu, phưởng phưởng. Dưới ánh trăng đêm mờ nhạt, nàng hiện ra như cái bóng chập chờn, như tiên nữ sau làn mây mỏng, như hồ tinh trong lớp sương bay.
Hắc Thánh Du Long vô cùng kinh dị...
Cứ theo thân pháp đó, nữ nhân phải là một cao thủ trong võ lâm, nhưng mấy mươi năm ngang dọc trên giang hồ, lão chưa hề nghe nói đến có một cô nương nào vừa xinh đẹp vừa tài cao quán thế.
Hơn thế nữa, cho dù có một cô nương nào tài mạo lưỡng toàn đi nữa, cũng không vận công trang như thế này!
Nàng là ai? Nàng không thể là phần tử của võ lâm, nàng không thể xuất thân từ dân gian phàm tục, thì nàng là ai?
Một con người hiểu nhiều biết rộng như Hắc Thánh Thần Tiêu cũng phải lắc đầu không ước đoán nổi lai lịch của nàng.
Lão cau mày hỏi :
- Cô nương gọi lão phu?
Nữ lang cung trang cười nhẹ :
- Nơi đây ngoài Tang lão gia ra, còn ai nữa chăng?
Hắc Thánh Du Long càng kinh ngạc :
- Cô nương nhận thức lão phu?
Nữ lang bĩu môi :
- Thanh danh trọng vọng như vậy trên đời này còn ai không biết.
Nàng không đáp ngay câu hỏi, chỉ hỏi vặn lại thôi, nhưng những lời vặn lại còn đầy đủ ý nghĩa hơn câu đáp.
Hắc Thánh Du Long lại hỏi :
- Tác phong của cô nương chứng tỏ cô nương không phải hàng phàm tục, có điều nhãn lực lão phu không được tinh vi cho nên không nhận ra được cao nhân, chẳng hay quí tánh phương danh là gì?
Nữ lang giương tròn đôi mắt nhìn lão một thoáng, đoạn điểm một nụ cười :
- Nếu Tang lão gia không hiểu thì thôi, hỏi mà làm gì!
Hắc Thánh Du Long gật đầu :
- Cô nương không muốn nói thì đành vậy, lão phu không cưỡng ép. Nhưng, bỗng nhiên lại gọi lão phu dừng chân chắc có điều chi muốn thỉnh giáo? Tưởng cô nương cho phép lão phu hỏi câu đó chứ?
Nữ lang chớp mắt :
- À! Tang lão gia cũng biết dùng lời khéo.
Không rõ lai lịch, không biết ý tứ nữ lang như thế nào, hỏi nàng không nói, lại cốt cợt với vẻ mỉa mai. Hắc Thánh Du Long cảm thấy bực rồi. Song một người cao niên kỷ không thể phẫn nộ dễ dàng với hậu bối, nhất là kẻ đó lại là một nữ nhân, lão cố dằn lòng bình tĩnh thốt :
- Cô nương có điều chi dạy bảo, lão phu sẵn sàng nghe!
Nữ lang cung trang quắc mắt ngời tinh quang kỳ dị, hỏi :
- Tang lão gia từ Xuân Hương cốc tới đây?
Hắc Thánh Du Long nghe đến ba tiếng Xuân Hương cốc giật mình biến sắc.
Xuân Hương cốc là nơi ẩn cư của vợ chồng Phạm lão đệ, một nơi cực kỳ bí mật, tận chốn núi sâu hoang vắng, chỉ có lão là người duy nhất biết được mà thôi.
Nàng... nàng là ai mà biết được Xuân Hương cốc?
Lão chú mắt cố quan sát đối phương trầm giọng đáp :
- Phải! Lão phu từ nơi đó đến đây! Do đâu con người biết?
Nữ lang không đợi lão dứt trọn câu, bật cười lạnh :
- Xuân Hương cốc là gì? Chỗ ở của tiện tỳ mà gọi là Xuân Hương cốc được à? Phải gọi là Xuân Xú cốc mới đúng hơn!
Nàng cười lớn hơn :
- Xuân Xú cốc! Xuân Xú cốc! Ha ha...
Hắc Thánh Du Long quắc mắt nhìn nữ lang. Ánh mắt của nàng ngời lên niềm oán độc hung tàn, ánh mắt đó bốc rực sát khí.
Tự nhiên, lão hiểu ngay, đối phương nói đến Xú tiện tỳ là ám chỉ vào vợ Phạm lão đệ.
Xuân Hương cốc là một sơn cốc nằm tận trong núi thẳm rừng sâu, vợ chồng Phạm lão đệ nhân đi ngang qua vùng phát hiện ra, ghép tên hai người lại đặt thành tên Cốc.
Nay nữ lang có khẩu khí đó, tức có sự hiềm khích với vợ Phạm lão đệ rồi.
Vô duyên, vô cớ, vợ chồng Phạm lão đệ bị người hạ độc thủ, chính Hắc Thánh Du Long đang truy nguyên vụ án. Bây giờ, nữ lang xuất hiện đón đường lão tỏ giọng thù hằn làm cho lão nghi ngờ nàng có liên quan đến cái chết thảm của vợ chồng họ Phạm. Lão hỏi nhanh :
- Cô nương nhận thức Phạm Xuân Hoa, lão đệ của lão phu?
Nữ lang bật cười ha hả, giọng cười lạnh rợn vô cùng :
- Tự nhiên! Chẳng vậy tôi lại bỏ công thu dọn xác chết của hắn à? Vì tôi có đến đó mới thấy bút tích của Tang lão gia trên vách đá. Chắc Tang lão gia không quên mấy chữ do mình lưu lại chứ?
Mấy chữ đó là “Mười năm sau, sẽ vì cố nhân, báo phục mối huyết cừu này”.
Dưới mấy chữ đó còn một chữ “Cửu” đứng riêng biệt, như chữ ký tên người.
Nữ lang nhìn đối phương một chút rồi tiếp nói :
- Thấy chữ “Cửu” tôi ngẫm nghĩ mãi, trên giang hồ chỉ có Tang lão gia mới có cái khẩu khí hào hiệp như thế.
Thu dọn xác chết!
Bốn tiếng đó len lỏi vào trong trí óc Hắc Thánh Du Long như bốn mũi nhọn.
Tại sao nàng biết Phạm Xuân Hoa chết mà nàng đến thu dọn xác chết?
Song, Hắc Thánh Du Long chưa vội tìm hiểu điều đó, y chỉ hỏi gọn :
- Rồi cô nương rời Xuân Hương cốc theo dõi lão phu đến đây?
Nữ lang lạnh lùng gật đầu :
- Phải! Tôi thấy Tang lão gia đắp mộ, lập bia cho Xuân Hoa lòng tôi phẫn nộ. Xú tiện tỳ là ai chứ mà được táng chung với chàng? Tự nhiên tôi không thể để như vậy được, tôi đào mộ, vức xác tiện tỳ đi một nơi.
- Đồng thời, tôi không tìm được xác của đứa bé, nếu nó không được táng chung với cha nó thì nó cũng phải có một ngôi mộ riêng. Nhưng không, ngoài ngôi mộ của Phạm Xuân Hoa, chẳng còn mộ nào quanh đó. Tôi biết ngay nó chưa chết và đã được Tang lão gia mang đi rồi. Cái hẹn mười năm báo oán của Tang lão gia ghi nơi vách đá không ngoài sự chờ đợi đứa bé kia trưởng thành.
Nữ lang dừng một chút rồi gằn giọng nói :
- Bây giờ thì Tang lão gia đã hiểu đại khái sự tình rồi chứ! Dù tôi có theo dõi Tang lão gia đó là việc đương nhiên, bất cứ ai ở vào địa vị của tôi cũng phải làm vậy.
Hắc Thánh Thần Tiêu Du Long Tang Cửu càng nghe nữ lang nói càng sôi giận. Nhưng bằng vào kinh nghiệm giang hồ lão phải hết sức nhẫn nại để nghe nữ lang nói nhiều hơn nữa. Càng nghe lão càng hiểu rõ sự tình, có như vậy lão mới truy nguyên ra mọi bí ẩn của cái chết thảm của vợ chồng người bạn thân.
Tuy nhiên, sức chịu đựng của con người có hạn, sau cùng lão không dằn được cơn phẫn nộ dâng tràn. Lão quắc mắt, dựng tóc quát to :
- Ngươi là thủ phạm trong vụ án? Ngươi đã hạ sát vợ chồng Phạm lão đệ của ta?
Nữ lang nhếch môi cười mĩa :
- Vợ chồng gì? Con tiện tỳ đó dụ dỗ quyến rũ Phạm Xuân Hoa, đưa nhau vào sâu trong rừng núi hú hí với nhau, có theo lễ giáo gì mà gọi là vợ chồng?
Hắc Thánh bước tới một bước, rung rung giọng vì phẫn nộ :
- Tại sao ngươi lại hãm hại vợ chồng Phạm lão đệ? Ngươi phải nói cho ta biết!
Nữ lang điểm một nụ cười quái dị, từ từ đưa nhẹ bàn tay đẹp như bạch ngọc vuốt nhẹ mái tóc, giọng nàng vẫn ôn tồn hòa dịu :
- Tôi xin nhắc đến một câu chuyện xa xưa trước khi đề cập đến việc mà ngươi đã hỏi! Ngươi có muốn nghe chăng?
Nữ lang và Hắc Thánh Thần Tiêu đã bỏ cái giọng khách sáo, họ lấy cái tư thế đối lập với nhau rõ rệt, và chắc chắn cuộc gặp gỡ này phải kết thúc bằng một trận giao đấu, có ác liệt hay không tùy vào bản lĩnh của hai bên.
Hắc Thánh lại phải dằn cơn thịnh nộ, thầm nghĩ :
- Bỗng nhiên mà nàng muốn nhắc đến chuyện xa xưa, có lẽ chuyện đó có liên quan đến thảm cảnh của vợ chồng Phạm lão đệ, vậy mình cũng nên nghe nàng nói gì.
Lão gật đầu :
- Ngươi cứ nói!
Nữ lang trầm tĩnh kể :
- “Trong cung của bọn ta có trồng một cây bích đào. Trải qua nhiều năm nó không bây giờ trổ hoa, kết trái. Rồi đến một mùa xuân, bỗng nhiên nó sanh hoa chi chít đầy cành và lạ lùng thay, hoa thì nhiều nhưng lại có một trái đào duy nhất.
- Ngày ngày ta ra gốc đào nhìn trái, từ lúc từ trái còn nhỏ đến lúc, từ lúc nó còn màu xanh cho đến khi nó phớt màu hồng. Trái đào no tròn bóng mượt, nhìn màu hồng của nó ai cũng muốn ăn - Quả đào thì ở tận trên ngọn cây cao mà ta thì lúc đó mới chín tuổi, thuật khinh công ta luyện mới được ba thành. Dù thèm ăn đấy, dù tham ăn đấy, dù muốn hái trộm mà ăn đấy cũng không biết làm cách nào leo đến tận ngọn cây mà hái”.
Nghe mãi những lời vòng vo không đâu của nàng Hắc Thánh Du Long đâm bực nhưng cũng cố dằn lòng nghe tiếp.
Thiếu nữ vẫn đều đều kể tiếp :
- “Có một hôm, sư phụ ta chỉ tay hướng quả đào, bảo ta cùng một đứa sư muội nhỏ hơn ta một tuổi rằng: “Trong hai con, nếu ai nói trúng dùng thủ pháp chỉ để có thể hái trái đào trên cao kia xuống, thầy sẽ thưởng cho người đó ăn”.
- Ta cạn nghĩ, cho rằng sư phụ đang khảo sát học lực của hai chị em ta, bởi dù bọn ta dù ít tuổi sư phụ vẫn hàng ngày giảng giải từng môn võ học của các môn phái khác trên giang hồ, cho nên người muốn đo lường ký ức của bọn ta xem ai hơn ai kém. Ta đáp ngay: “Đệ tử dùng thủ pháp “Cách Không Thủ Vật” của bổn môn, tự nhiên quả đào sẽ rơi xuống”.
- Sư muội ta bĩu môi, ý chừng cho rằng nàng thừa hiểu điều đó nhưng nàng không kịp nói ra bị ta thốt chận thành ra nàng hậm hực, còn ta nói xong đắc ý vô cùng.
- Nhưng sư phụ cười nhẹ: “Ngươi nói thì được mà làm thì chưa được, vậy nói làm gì”!
- Phải! Lúc đó ta chưa có đủ công lực để thi triển thủ pháp “Cách Không Thủ Vật”, ta chỉ muốn nói lên một phương pháp để cho sư phụ biết học lực của ta, còn thực hành thì còn lâu mới làm nổi. Ta có ngờ đâu sư phụ lại muốn thực hành ngay.
- Sư muội ta lúc đó mới cất tiếng: “Đệ tử cũng dùng thủ pháp của bổn môn như sư tỷ nhưng lại là thủ pháp “Xuyên Vân Xạ Nguyệt”, dùng đá ném trúng cành, cành rung chuyển trái đào rơi xuống. Sau đó dùng luôn thân pháp “Phân Quang Tróc Ảnh” nhảy tới nắm trái đào trong tay”.
- Phương pháp đó có gì là lạ đâu! Đứa trẻ lên ba cũng biết làm như thế, cần gì phải là người học võ công? Vậy mà sư phụ gật đầu khen ngợi...”
Hắc Thánh Thần Tiêu thoáng kinh ngạc. Nữ lang kể ra những thủ pháp, thân pháp “Cách Không Thủ Vật”, “Phân Quang Tróc Ảnh” và “Xuyên Vân Xạ Nguyệt” đều là những chiêu thức đã thất truyền từ lâu trên giang hồ. Thế mà nàng đã luyện được, vậy nàng là ai?
Nữ nhân tiếp nối :
- “Ta tức giận vô cùng, chưa kịp nói gì sư phụ lại bảo sư muội ta lấy đá làm theo phương pháp đó. Ta càng sôi giận hơn, lượm ngay viên đá to ném ngay quả đào. Đào rơi xuống đất nhưng đã tan nát không còn ăn được nữa. Sư phụ không rầy la gì hết mà sư muội cũng chẳng nói chẳng rằng.
- Vậy mà ta vẫn chưa hả giận. Đêm đó ta xách đến cây đào đốn cho nó ngã xuống, lại còn bới đất từ rễ cái đến cái rễ con. Ta nhất định tiêu diệt cây đào đến tận rễ, từ nay không còn ai ăn được quả của nó nữa.
- Ta làm xong việc đó dừng thở mệt một lúc rồi quay đầu nhìn lại sau hoảng sợ thất thần. Sư phụ đã có mặt có lẽ từ lúc từ khi ta mới đốn cây đào. Lạ làm sao, sư phụ đã không quở trách lại còn ôn tồn bảo: “Trên giang hồ nếu muốn xưng hùng xưng bá tạo thanh danh lừng lẫy tất phải tàn nhẫn ác độc, kẻ nào có tâm địa hiền lương quyết không gầy dựng được sự nghiệp nổi. Sư muội của ngươi không bù được ngươi ở điểm này”!”
Hắc Thánh Thần Tiêu lại càng kinh ngạc. Có bao giờ một vị sư phụ lại dạy cho đệ tử mình phải tàn nhẫn ác độc? Thảo nào mà nàng chẳng hung tàn như vậy!
Nữ lang kể đến đó bật cười khanh khách. Nàng chớp chớp đôi mắt, nhìn Hắc Thánh một thoáng, đoạn thốt :
- Qua việc xa xưa do ta vừa kể chắc ngươi đã hiểu rõ nhiều về việc hôm nay chứ? Ta từ ngàn dặm đến đây không ngoài mục đích hủy diệt đến rễ cái, rễ con của cây đào đó.
Nàng đưa một ngón tay chỉ vào đứa bé mà Hắc Thánh Thần Tiêu đang bế trước ngực.
Vì bôn hành đêm khuya, Hắc Thánh sợ đứa bé bị nhiễm lạnh nên lấy y phục lão trùm kín nó cho nên nữ lang không nhìn ra được nó là gái, con của Tiết thần y. Nàng thừa hiểu con của Phạm Xuân Hoa là trai, nếu nàng thấy đứa bé chắc nàng cũng không gây sự với Hắc Thánh như thế này.
Dù nàng lầm lạc, nhưng Hắc Thánh căm phẫn nàng có tâm địa tàn khốc không dung tha được một đứa bé vô tội nên theo dõi lão đến đây, quyết đốn cây dứt chồi diệt hậu hoạn.
Lão trợn tròn mắt hét to :
- Liễu đầu độc ác đến thế à? Ta cứ tưởng còn lâu lắm ta mới tìm ra hung thủ, không ngờ hôm nay ngươi bỗng dưng ngươi nạp mạng cho ta! Ta phải giết ngươi để báo thù cho vợ chồng Phạm lão đệ!
Nữ nhân nhướng cao đôi mày cười lớn :
- Ngươi sôi giận làm gì chứ? Bất quá ta chỉ giết có Phạm Xuân Hoa với con tiện tỳ khốn kiếp kia, nếu có tiêu diệt luôn giọt máu hôi tanh của con tiện tỳ thì cũng chỉ ba mạng người là cùng. Ba mạng người có là bao mà ngươi cho là độc ác? Còn như ngươi, suốt mấy mươi năm qua đã hạ sát bao nhiêu người rồi? Như vậy, giữa chúng ta ai tàn độc hơn ai? Tuy nhiên, ngươi đừng lo ngại, rất có thể ta tha cho ngươi đó!
Giọng nói của nàng nghe hách quá, quả quyết quá, nàng xem như mạng sống của Hắc Thánh đang ở trong tay nàng, nàng muốn làm sao thì Hắc Thánh phải làm như vậy.
Suốt mấy mươi năm tung hoành ngang dọc, Hắc, Bạch lưỡng đạo đều gờm oai nể sợ Hắc Thánh Thần Tiêu Du Long Tang Cửu chưa hề nghe một câu nói trịch thượng như vậy.
Giờ đây, một nữ nhân vô danh dám xem thường lão?
Lão thừa hiểu đối phương phải là một tay phi thường, tự tin vào bản lãnh lắm mới dám theo dõi lão đến nơi này, bởi phần đông nhân vật trên giang hồ gặp lão còn phải tránh xa, có bao giờ tìm chạm mặt như nàng?
Lành thì không đến, đã đến hẳn không lành. Hắc Thánh vội lùi lại hai bước, đặt Tiết Châu Châu xuống dựa vào một gốc cây.
Đoạn lão quắc mắt nhìn trừng nữ nhân, tinh quang chớp ngời trông khiếp đảm vô cùng. Lão cao giọng thốt :
- Ta xưa nay không thích nghe những lời khoác lác. Ngươi có bản lĩnh cứ giở ra thi thố xem có làm gì nổi ta chăng? Nếu phải bổ túc cho đủ số bốn nạn nhân như ngươi vừa nói thì ta cũng không tiếc rẻ gì cái sinh mạng này!
Suốt đời ngang dọc, Hắc Thánh vào nguy ra tử biết bao phen, song lần nào cũng như lần nào, lão vẫn khinh thường không xem đối phương ra quái gì.
Nhưng lần này, lão thận trọng hơn bao giờ hết. Buông xong câu nói, lão ngầm vận công tụ khí, bảo vệ các yếu huyệt trong người.
Nữ nhân cười lạt :
- Ta có nói ra ngươi cũng không tin, thà ta không nói nữa là hơn. Nếu không nói thì phải hành động cho ngươi xem ta không khoác lác.
Thế đối lập đã thành hình rõ rệt, khi lối xưng hô đã thay đổi, cuộc giao thủ không thể nào tránh khỏi xảy ra được.
Nàng vung tay, đánh ra một chưởng.
Chưởng thế tung ra rất nhẹ nhàng, không rít gió, không biểu hiện một tiềm lực nào cả, như một kẻ vô sự đưa tay ra hứng lấy chiếc lá vàng rơi.
Hắc Thánh Thần Tiêu Du Long Tang Cửu nhìn thủ pháp của nữ nhân hét lớn :
- Khá lắm đó!
Lão dồn kình lực vào lòng bàn tay hữu đẩy ra một chưởng.
Chừng như nữ nhân không muốn chưởng lực của nàng gặp phải kình đạo của địch, nên chiêu thức xuất phát nửa vời nàng lập tức thu về.
Dù nàng thu về, Hắc Thánh có bao giờ chịu bỏ giở? Lão hét lớn một tiếng đảo bộ tiến tới, bàn tay vung ra, đánh tiếp chiêu thứ hai.
Lão dùng tận lực bình sanh. Gia dĩ đang lúc phẫn nộ, chưởng lực mạnh vô tưởng.
Nhưng, lão bỗng cảm thấy một áp lực vô hình bức nặng nơi ngực, muốn thu chưởng về để hóa giải áp lực đó, nhưng không còn kịp nữa.
Bắt buộc lão phải thoái hậu dần dần theo sức đẩy của luồng áp lực đó, đồng thời tay tả phát ra kình đạo để chống lại.
Nữ nhân đã đoán trước, khi nào nàng rụt tay về thì đối phương cũng tiến theo xuất chiêu công tới nên ngầm vận kình đạo tạo áp lực chận Hắc Thánh lại, đồng thời nàng nhảy tạt sang bên tránh một chiêu phách không chưởng của lão.
Nàng nhảy tạt sang bên không tránh ra xa, trái lại còn đảo bộ đến gần Hắc Thánh đánh nhanh xuống đầu lão một chưởng.
Bị phản công bất ngờ, Hắc Thánh không còn né kịp vào đâu nữa, đành vận dụng tay hữu đánh hất lên một chưởng, đón đỡ chiêu công của địch.
Bốp!
Hai chưởng lực kình chạm nhau. Tuy tiếng vang không lớn lắm, song đôi bên dùng công lực quá dồi dào nên không khí bị dao động mạnh làm tung bay tà áo kêu “lật phật”, không khác gì gió tạt qua tàu chuối.
Nữ lang áp dụng một bộ pháp tân kỳ, lùi lại bốn năm thước, chân nàng đảo nhanh không có vẻ gì là lúng túng hay lảo đảo cả.
Hắc Thánh Thần Tiêu tự thị là công phu thâm hậu, thế mà cũng bị chấn dội mấy bước, dấu chân lão ấn xuống đất một tấc khi lão trụ bộ lại được rồi. Râu tóc dựng đứng lên còn rung rinh một lúc lâu mới rũ xuống.
Nhận xét qua cuộc chạm lực đó, phải cho là Hắc Thánh còn kém nữ nhân một phần, song dù có vững hơn địch một chút, nữ nhân cũng phải phục lão là tay võ công thượng đỉnh.
Hắc Thánh lấy lại bình tĩnh, giương tròn đôi mắt, bậc cười cuồng dại :
- Thảo nào mà ngươi chẳng có thái độ ngông cuồng cao ngạo! Ta thành thật công nhận là suốt hai mươi năm qua ta mới gặp một cao thủ như ngươi.
Lão bỗng đổi sang giọng thê thảm rít lên :
- Hồn oan của Phạm lão đệ có thiên hãy chứng giám cho ngu huynh đêm nay quyết hạ sát yêu nữ để báo thù.
Đôi mắt lão đỏ ngầu, tay tả bắt quyết, tay hữu đưa ra, thân hình bay vọt tới.
Nữ nhân cười lạnh :
- Ngươi đừng nuôi mộng!
Nàng không né tránh, ngang nhiên đảo bộ bước tới, vung tay đón chận chiêu công của Hắc Thánh.
Tự nhiên Hắc Thánh Thần Tiêu muốn kết thúc cuộc đấu nhanh chóng nên lão giở tuyệt học “Hắc Thánh Du Long chưởng pháp” ra thi triển, mỗi chiêu có cái áp lực như dời sơn, gió rít vù vù, kẻ đứng ngoài chứng kiến cũng phải rùng mình rợn óc.
Nữ lang không nao núng, ung dung tiến thoái, đôi tay nhẹ nhàng tát qua phất lại, thực thực hư hư ảo diệu vô cùng.
Truyện khác cùng thể loại
12 chương
40 chương
64 chương
250 chương
35 chương
2672 chương
45 chương
79 chương
642 chương