Có một lần, Sở Vọng hỏi ngài Saumur vì sao không tiếp tục làm thợ may cho hoàng gia Anh Quốc nữa. Ngài Saumur trả lời, lúc ấy nghe bảo có chiến tranh đánh nhau, ông bèn thỉnh cầu vua George V cho quay về Paris đầu quân, vào đoàn bộ binh đi lính ba năm. Sau khi các nước Đồng Minh chiến thắng, ông trở lại Quận 8 Paris mở một tiệm may. Kể chuyện đó xong, ngày hôm sau ngài Saumur cầm một xấp ảnh đem tới Du Ma Địa, để cô và bà Nguyễn xem ảnh của mình trước khi nhập ngũ và sau khi chiến thắng. Trong hình là ngài Saumur ba mươi tuổi mặc quần bò màu đỏ cùng quân trang màu xanh biển, tay cầm súng trường, sắc mặt kiên nghị. Bà Nguyễn thì thán phục liên hồi, còn Sở Vọng chỉ nghĩ là “Trời ơi là Quận 8* đấy, 3000 ơ-rô một tháng tiền thuê nhà đấy.” Cô lại nhủ tính: Nếu thật sự không được nữa thì cố gắng kiếm tiền trước năm ba mươi mốt tuổi, đợi tới khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc thì đến Paris mua hai căn nhà, cho thuê một căn rồi sống đến hết đời. (*Quận 8 là một quận giàu có của Paris, cũng là nơi làm việc của rất nhiều các cơ quan nhất so với các quận khác.) So với quân trang của Đức Quốc xã thì quân phục nước Pháp có vẻ mờ nhạt hơn, song ngài Saumur trong ảnh vẫn rất tuấn tú. Lâm Sở Vọng hỏi ông có vợ con không, nhưng ngài Saumur lại nhanh chóng nói lảng sang chuyện khác. Đầu tiên là hăm hở khoe vết đạn bắn trên lưng và vết nổ lựu đạn cứa vào tay mình, còn nói từ khi Paris ký “Hòa ước Véc-xây”, có không ít các bà vợ quan ngoại giao Anh và Pháp đến tìm ông đặt làm lễ phục, các bà của hai nước luôn mắng đối phương là “quê mùa”, “không biết thời trang”, hoặc là “quái gở”, “không đủ thể diện”, vân vân… Bà Nguyễn nghe thế thì cười không khép miệng. Nhắc đến Hòa ước Véc-xây, Sở Vọng chợt nhớ tới một chuyện mà mình rất thắc mắc. Là một nước thất bại trong cuộc chiến, Đức phải trả tiền bồi thường đến tận năm 2010 mới xong. Hòa ước Véc-xây đã khiến Đức phải rơi vào cảnh lạm phát dài hơn một thập kỷ, đồng Mác nhanh chóng mất giá, mấy nghìn đồng Mác mà chỉ có thể mua được một ổ bánh mì*, chính điều đó cũng đã gián tiếp dẫn tới cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. (*Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, Đức bị thua và phải ôm một cục nợ khổng lồ. Thêm vào đó, hòa ước Véc-xây đã phạt Đức một khoản nặng 132 tỷ marks (31,4 tỷ USD) tiền bồi thường chiến tranh do đã gây ra nhiều tổn thất cho các nước phe Hiệp Ước.Để trả nợ, chính phủ Đức đã giở trò lừa dối, họ bắt đầu in thêm tiền và mua ngoại tệ trả tiền bồi thường chiến tranh. Chẳng mấy chốc, hàng hóa thì ít mà tiền thì lại có quá nhiều, khiến lạm phát tăng vọt, tuột khỏi kiểm soát.) Trong thế chiến thứ nhất, rõ ràng Tư Ưng một mực đề nghị Đoàn Kỳ Thụy tuyên chiến với Đức, nhưng vì sao sau Hòa ước Véc-xây, ông ấy lại muốn đưa Tư Ngôn Tang đến Đức du học? Sở Vọng nhìn ngài Saumur, hỏi ra điều thắc mắc: “Một người trước đó luôn kiên quyết đề nghị tuyên chiến với Đức, nhưng vì sao khi cuộc chiến kết thúc, ông ấy vẫn đưa con trai mình đến đất nước thua cuộc, đến nơi đang giãy giụa trong Hòa ước Véc-xây?” Ngài Saumur ngẫm nghĩ rồi nói: “Có lẽ không muốn để cậu ta tham chính hoặc đầu quân ở độ tuổi thích hợp chăng?” Với địa vị của mình bây giờ trong chính phủ Bắc Dương, nếu Tư Ưng cũng để con trai làm quan thì chẳng mấy chốc sẽ từ mây xanh bay thẳng lên mặt trời. Việc gì phải đưa anh ta đến Đức chịu khổ? Dù hiện tại du học đang là cơn sốt, nhưng đến Anh đến Pháp, thậm chí là đến Mỹ cũng tốt hơn là đi Đức mà. Sở Vọng lại càng thêm khó hiểu. *** Trong vòng hai tháng qua, không ngày nào là bà Kiều không sứt đầu bể trán vì chuyện đám cưới của Kiều Mã Linh, rồi lại còn phải giành chồng với bà hai Mitchell thường xuyên, thậm chí đến ông Kiều cũng không dễ chịu gì cho cam. Kỳ khảo sát chất lượng bằng tiếng Anh của trường nữ sinh tư thục Hương Cảng sắp đến, Tiết Chân Chân và Lâm Doãn Yên được thầy Smith dạy kèm liên tục trước khi nhập học, lịch học kín mít cả ngày lẫn đêm, thậm chí có những hôm không thể tham gia lớp múa ba-lê vào buổi sáng được. Thấy chỉ có một mình Sở Vọng, có vẻ cô Thiệu cũng không vui lắm. Nói chung trong khi mọi người vừa bận rộn vừa tranh thủ bới móc khuyết điểm của Sở Vọng, thì cô lại vui vẻ an nhàn được một thời gian. Sở Vọng thật sự không ngờ rằng mình lại là người đầu tiên trong biệt thự họ Kiều trông thấy chú rể. Buổi chiều hôm đó cô vừa học được cách tạo đường li, đang hào hứng muốn biểu diễn thành quả cho ngài Saumur thì chợt thấy rất nhiều người đổ xô ra đường. Cô cũng thò đầu ra nhìn, ngay lập tức bị chấn động. Một hàng dài xếp từ cửa tiệm cho đến tận cuối con phố mà vẫn chưa hết —— một đoàn người khuân vác từng chiếc rương lớn. Trên rương phủ lụa đỏ thắt nút hoa. Trên khay và trong tủ kính đặt những món đồ sứ tuyệt đẹp, còn có cả những thứ đồ thêu bằng sợi đay. Càng về cuối đội ngũ thì lại càng nhiều những thứ đồ nội thất mà Sở Vọng không biết làm bằng gì, tất cả đều là đồ nội thất kiểu châu Âu vô cùng cổ điển trang nhã, có thể thấy giá trị không hề thấp. Phu khuân vác cũng được chọn rất kỹ, bước đi đồng đều, bước chân vững vàng, dù rương có đựng đồ sứ thượng hạng tới đâu cũng không rất cẩn thận không làm vỡ. Chắc chắn tất cả những thứ này đều là sính lễ của chị cô. Theo như cô nghe được từ người qua đường rỉ tai đồn nhau thì: những thứ này, có mấy thứ chọn từ châu Âu, cũng có những món được vận chuyển từ Việt Nam tới. Tất cả sinh lễ đều được chở tới bằng thuyền – những hai chiếc thuyền, rồi sau đó được tháo xuống ở bến tàu, để phu khuân vác đã thuê trước đó vác từ kho bãi Cửu Long lên núi, rồi dùng xe chở tới đường Burton —— khiến tất cả mọi người ở Hương Cảng đều có thể biết tới sự chịu chơi của tiên sinh Hoàng Hưng. Có vài chiếc xe hơi hãng Dodge chậm chậm đi theo sau đuôi của đội ngũ phu khuân vác. Khi một chiếc xe trong đó chạy ngang qua, bà Nguyễn đột nhiên kích động chỉ vào người đàn ông mặt vuông đầu tóc bóng loáng, nước da hơi ngăm, tuy không đẹp trai nhưng ngũ quan cân đối, nghiêm nghị ngồi trong buồng lái. Khi chiếc xe đi qua cửa tiệm may thì cũng đúng lúc cửa xe hạ xuống, người ngồi bên trong giơ tay trái lên rảy tàn thuốc. Bà Nguyễn chỉ vào anh ta, nói bằng tiếng Pháp: “Dì biết người này, cậu ta tên là Hoàng Mark!” Lúc này Sở Vọng mới biết, thì ra đây chính là anh rể họ tương lai của cô. Bà Nguyễn nói tiếp, “Ở Sài Gòn cậu ta nổi tiếng lắm! Cha cậu ta là ông chủ một công ty thuốc lá lớn, nhà bọn họ cũng có thế lực rất lớn ở Sài Gòn! Năm ngoái cậu ta hẹn hò với bạn gái người Pháp, bị cha bắt được, thế là bị đánh một trận tại chỗ, còn rạch mặt cô gái kia, năm ngoái chuyện này nổi như cồn ở cả đất Sài Thành! Sau có nghe nói cha cậu ta tìm được hôn sự cho cậu ta, cũng không biết là con gái nhà ai ở Hương Cảng nữa…” Đương nhiên ngài Saumur cũng không biết người này chính là con rể rùa vàng tương lai của ông Kiều, nên cũng trêu vài câu như “không có khí phách”. Sở Vọng lại không rõ lắm. Cô nhìn áo cưới sắp thành hình trong tay bà Nguyễn với vẻ mặt phức tạp, lại nhìn đội ngũ đưa sính lễ phách lối như nhà giàu mới nổi ở bên ngoài cửa sổ, rồi lại nhớ đến Kiều Mã Linh xinh đẹp trang nhã, bỗng dưng một nỗi buồn vô cớ bao trùm lấy cô. Có điều cô lại nghĩ, hai người này, một người thì trước khi lấy chồng lén lút hẹn hò với một chàng công tử quốc tịch Anh, một người lại hẹn hò với bạn gái nước Pháp bị cha đánh ngay ngoài đường, cuối cùng đôi bên mất bò mới lo làm chuồng, vì để bù đắp cho sai lầm của của cả hai, cuộc hôn nhân xứng đôi của Kiều tiểu thư và Hoàng tiên phải sinh náo động khắp Nam Dương… Nên nhìn lại cũng không phải là không công bằng. *** Ở đường Bá Tước, chuyện thi đầu vào bằng tiếng Anh và chuyện hôn sự đã vào giai đoạn dầu sôi lửa bỏng. Là ông trùm giới kinh doanh tại vùng đồng bằng Châu Giang, cho nên có kha khá thương giới thượng lưu ở Hương Cảng và Thượng Hải mượn lý do chúc mừng hôn lễ của Kiều Mã Linh để đến kết thân với ông Kiều. Quà tặng đến cửa dỡ còn không kịp, trong vườn hoa nhỏ ở biệt thự họ Kiều có hai ba hôm lại có party —— có điều ba đứa nhỏ không được phép tham gia. Ngày nào Lâm Sở Vọng cũng ở trong phòng tập luyện kỹ năng cắt may trong tiếng nhạc blues, còn Tiết Chân Chân và Doãn Yên sứt đầu mẻ trán học thuộc từ vựng trong tiếng nhạc du dương. Vì từ nhỏ đã tiếp xúc với tiếng Anh nên Tiết Chân Chân học nhanh hơn Doãn Yên nhiều, còn Doãn Yên đã làm tài nữ của thời đại phong kiến quá lâu, vẫn chưa thay đổi tư tưởng, quả thực học rất vất vả. Nhiều lần làm bài kiểm tra nhập học mấy năm của trường nữ sinh tư thục Hương Cảng, Lâm Doãn Yên không qua được, còn Tiết Chân Chân luôn trên tám mươi điểm. Cộng thêm Tiết Chân Chân hay cạnh khóe, ra vẻ ta đây tạo áp lực cho cô nàng, cho nên Lâm Doãn Yên càng học kém đi. Kỳ khảo sát tháng Mười Hai sắp tới, Doãn Yên một lòng chuẩn bị cho kỳ thi nên tạm ngưng học ba-lê, dĩ nhiên cũng không còn tâm trạng đọc báo nữa. Báo buổi sáng ngày mười tám đã bị mấy cái tiêu đề như “Bắc phạt thảo nghịch” “Chiến tranh Trực-Phụng” chiếm lĩnh, Lâm Sở Vọng bình tĩnh đọc hết mẩu tin, sau khi xác nhận được cha mình không đứng nhầm phe thì bình tĩnh đặt báo xuống, cầm sữa tươi lên uống. Còn bà Kiều không có khả năng tiên tri thì lại không thong thả như cô, bà đặt báo xuống rồi lén nhìn Lâm Sở Vọng, mặt mày nhợt nhạt đứng dậy, đi vội lên lầu tìm chồng bàn bạc. Lâm Sở Vọng không nghe thấy bọn họ nói gì, nhưng có lẽ cũng không phải là “nếu như phe nghịch tặc Trực thành công, nhà chúng ta có nên tiếp tục bảo vệ Lâm Du không, hay nên sớm vạch rõ giới hạn”. Bà Kiều lo cũng đúng thôi, nhưng sự thất thố đó cũng chỉ tồn tại trên bàn ăn vào sáng ngày mười tám, về sau bà vẫn đối xử với hai cô con gái nhỏ nhà họ Lâm bình thường. Còn Lâm Sở Vọng không lo lắng cho tiền đồ nhà mình lại nghĩ xa hơn. Cô chợt nhớ tới Trương thiếu soái – một trong tứ soái thời dân quốc, bây giờ mới hai mươi ba tuổi mà đã là chuẩn tướng, thật sự rất điển trai tuấn tú, đúng là thiếu niên anh tuấn. Nếu không phải kết hôn sớm, thì e rằng ông sẽ là chàng rể kim quy lý tưởng có một không hai của các vị phu nhân xã hội thượng lưu. Mà hiện tại cô tư nhà họ Triệu* cũng cùng tuổi với Lâm Doãn Yên, không biết giờ có đang học ở Hương Cảng không, Lâm Sở Vọng lại rất muốn được gặp nàng giai nhân ấy một lần. (*Tức Triệu Nhất Địch, còn được gọi là hoa hậu Triệu Sĩ, có nhan sắc và sự thông minh hơn người. Bà say đắm thiếu soái Trương Học Lương tới nỗi từ bỏ thân phận một tiểu thư đài các, chấp nhận làm người không danh không phận bên cạnh ông suốt 30 năm.) Cũng vì thế nên khi Doãn Yên nói “Hay là để em ba cùng thi khảo sát tiếng Anh lần này đi, cũng tiện để chuẩn bị cho năm sau”, Lâm Sở Vọng không chút suy nghĩ giơ hai tay đồng ý. Ngộ nhỡ, biết đâu lúc nhập học có thể tranh tài cao thấp với Triệu tiểu thư thì sao. Rồi sau này cũng có cái để khoe khoang với con cháu! Bà Kiều và Kiều Mã Linh cũng chấp nhận đề nghị này của Lâm Doãn Yên. Dẫu sao mọi người cũng không hy vọng là Lâm Sở Vọng có thể thi đậu. Coi như đi theo cổ vũ cho hai chị gái, cũng làm quen trước để năm sau dễ thi đậu. Vào một ngày trước kì thi, khi Lâm Sở Vọng xin ngài Saumur cho nghỉ thì nhận được một chiếc mũ nồi nhỏ màu đỏ từ ông ấy. Ngài Saumur nói là, nghe bảo người Trung Quốc cảm thấy màu đỏ đại diện cho cát lợi, chiếc mũ đỏ này có ý là “niềm vui từ trên trời rơi xuống”. Cho nên ông đã nhờ bà Nguyễn thêu một chữ “Phúc” nho nhỏ bên dưới vành mũ, đằng sau còn thêu thêm chữ “Lucky~” viết hoa. Điều này khiến Lâm Sở Vọng bất chợt nghĩ đến những người ngoại quốc đua đòi thời sau, không biết học từ đâu mà rất thích xăm chữ Hán lên người. Rất nhiều lần cô bắt gặp những anh chàng người Đức chạy tới khoe chữ “phúc”, “cát tường” hay thậm chí là chữ “hỉ” xăm trên người mình. Có điều ngày hôm sau, Sở Vọng vẫn vui vẻ đội mũ nồi lên đầu, ngồi trong xe hơi của nhà họ Kiều thẳng tiến đến trường nữ sinh tư thục Hương Cảng. Hôm đó là thứ sáu, hai giờ chiều nữ sinh được cho tan học sớm. Nữ sinh mười lăm mười sáu tuổi, để cùng kiểu tóc ngắn cụp, mặc đồng phục thủy thủ trắng xanh xen kẽ. Váy dài quá đầu gối, mặc vớ trắng cao trên bắp chân và đi đôi giày da đầu tròn. Với những cô gái đang dậy thì hoặc đã dậy thì, có thể thấy được ở bọn họ toát lên vẻ giáo dục tốt tu dưỡng tốt. Các cô ấy vừa cười vừa nói đi ngang qua trước mắt những cô bé thấp hơn mình một hai cái đầu, trong tay cầm vợt tennis nhảy lên xe điện. Ba cái đầu nữ bám theo bọn họ một vòng, trên mặt lộ vẻ hâm mộ. Tiết Chân Chân ngẩng đầu lên, “Nhất định mùa hè năm sau phải xin mợ dẫn chúng ta đến vịnh Nước Cạn phơi nắng mới được. Da sạm đi một chút mới là khỏe đẹp.” Doãn Yên thì đang lẩm nhẩm từ vựng: “B-e-a-u-t-u-f-i-l, beautiful.” Tiết Chân Chân liếc nhìn, “Là t-i-f-u-l.” Lâm Sở Vọng ló đầu nhìn quanh, gặp ai cũng hỏi: “Cho hỏi chị có biết cô tư nhà họ Triệu không? Tên là Nhất Địch hay Edith gì đó.” Nhưng cuối cùng Sở Vọng vẫn không tìm được di tích sống của thời dân quốc đâu, còn Doãn Yên bị áp lực thời gian đến mức mặt mày tái mét. Có cả thảy mười hai học sinh mới, mười hai cô bé mười một mười hai tuổi được tu nữ dắt vào tòa nhà như bảo vật cổ xưa, đến phòng học trên tầng hai chia thành ba hàng. Các cô bé thấp hơn nữ tu sĩ một cái đầu, còn Lâm Sở Vọng lại thấp hơn những cô bé kia cũng một cái đầu, chính vì vậy cô rất được các nữ tu quan tâm, cho ngồi vào vị trí rất “nhân vật chính” —— vị trí cuối cùng gần cửa sổ. Bài thi gồm có hai tờ A4, thời gian trả lời khoảng một tiếng đồng hồ. Bao gồm nghe viết, điền vào chỗ trống, đọc và nhìn ảnh viết văn, độ khó tương đương với đề thi khảo sát cấp hai, nhưng nghe viết sẽ khó hơn, lồng ghép vài điển cố trong thánh kinh —— ví dụ như ở phần viết văn thì bức tranh lại là cảnh đức mẹ Maria ôm chúa Giê-su. Phần kiểm tra nghe do một bà tu sĩ đọc, vì đọc khá chậm nên cũng đơn giản, chỉ có duy nhất một câu phức tạp. Chẳng mấy chốc Sở Vọng đã làm bài xong, thời gian còn lại cô đổi vài câu trả lời đúng thành sai. Cô tính một lượt, khống chế xác suất đạt điểm ở con số 59, cuối cùng nộp bài cho tu sĩ. Mười một cô gái còn lại đều biết cô chỉ thi cho vui, đoán chừng bài thi này sẽ khó khăn với một đứa bé nên cũng không để tâm lắm. Sở Vọng đi bộ một vòng ở giáo đường Thiên Chúa bên cạnh rồi mới quay lại ngoài cổng trường. Tài xế nhà họ Kiều đã chờ sẵn, cô lên xe trước, chốc lát sau cả Chân Chân và Doãn Yên đã xuất hiện trước cửa trường. Cả hai im lặng lên xe, tuy không nói gì nhưng kết quả thi đã viết rất rõ trên mặt hai người. Vào buổi trưa hai hôm sau, bà Kiều cầm ba bảng điểm và hai bức thư thông báo đi vào, nổi giận ngồi xuống bàn ăn. Bà đưa mắt nhìn Tiết Chân Chân, “Ngài Wilson khen Tiết Chân Chân không dứt lời, cháu là người được điểm tiếng Anh cao nhất trong số các nữ sinh lần này, 95 điểm.” Tiết Chân Chân mỉm cười, nhét một miếng thịt bò vào miệng. Rồi bà Kiều hung dữ quay sang nhìn Doãn Yên, “Doãn Yên, cháu… Ôi chao, cháu chỉ thiếu một điểm mà thôi. Tuy kiểu gì ngài Wilson cũng châm chước cho qua, nhưng cháu đấy, học cùng Chân Chân nhưng sao lại tệ thế hả…” Doãn Yên mím môi, khó khăn không để nước mắt rơi xuống thịt bò. Sở Vọng thầm nhủ, sao chị nhà mình cũng tình cờ được 59 điểm thế nhỉ, đúng là không may. Bất thình lình bà Kiều nhìn sang Sở Vọng làm cô run bắn lên. Sở Vọng lại nghĩ: Chẳng lẽ mình và Doãn Yên cùng được 59 điểm nên làm người ta không vui ư? Hay là trong mắt mấy người, thực lực của tôi còn thấp hơn 59 điểm? Bà Kiều thở dài, tiếp tục quở trách Doãn Yên: “Không bằng Chân Chân thì cũng thôi… Nhưng sao cháu… Cháu ba cũng thi đậu, sao cháu còn không bằng cháu ba thế hả?” *Cạch* một tiếng, cả hai chiếc nĩa trong tay Tiết Chân Chân và Lâm Sở Vọng đều rơi xuống đĩa thịt bò. “Không… không thể có chuyện đó được, bác gái, cháu được bao nhiêu điểm?” Sở Vọng suýt nữa đã nói lắp. Cô không thể tính sai được, rõ ràng số điểm là 59 mà. “50/100 là đậu, cháu ba được 59/100.” Bà Kiều bình tĩnh nhìn Doãn Yên nước mắt tuôn trào, nói ra sự thật. Sở Vọng vỗ trán, mình nhớ nhầm mất tiêu rồi. Điểm chuẩn của phương Tây không phải 60 mà là 50, sao cô lại quên mất điều này chứ!