Giang Hồ Thập Ác
Chương 3 : Đường gươm vạn thắng
Địa phương là một thị trấn nhỏ, rất nhỏ, có lối sinh hoạt oể oải, mỏi mòn. Địa điểm là một ngôi quán, dĩ nhiên phải nghèo nàn vì dân cư nơi đây mệt phờ trong cái việc kiếm ra đồng tiền bát gạo, còn đâu mà phè phỡn bên chén rượu chung trà?
Ngôi tửu quán dựng lên dựa con đường trải đá, con đường duy nhất của thị trấn xác xơ này, thỉnh thoảng tiếp đón một vài viễn khách.
Tửu quán có cái tên khá hấp dẫn là Thái Bạch Cư. Cái tên gọi một nơi cư trú của Lý Thái Bạch, hẳn là phải có một thứ rượu cầu kỳ. Chẳng biết quán có loại rượu cầu kỳ đó chăng, có điều là tửu khách không thường lui tới.
Con đường trước mặt cũng tịch mịch vô cùng. Điều đó chứng tỏ sinh hoạt của dân cư không đặt trọng tâm vào thương mại, và một thị trấn không chuyên về thương mại thì làm sao có cái phồn thịnh của những đô thành?
Trong tửu quán lưa thưa vài tên tiểu nhị ngồi rải rác, mỗi tên dựa một chiếc bàn, đầu gục xuống mặt bàn như tránh bọn ruồi nhặng không tìm được mỡ thịt phải bu vào chúng để rút tỉa thứ chất nhờn lẫn với mồ hôi.
Hôm nay có thể bọn chúng phát tài vì có một tửu khách đang độc ẩm nơi một chiếc bàn đặt trong góc.
Một người khách thì có đòi bao nhiêu người phục dịch đâu.
Bọn tiểu nhị cứ mơ màng, giả như khách có cất tiếng gọi thì một tên nào đó chưa nặng mơ cứ đáp, rồi chầm chậm đứng lên, nặng nề bước tới nghe khách bảo, rồi đi lấy cái gì khách cần mang đến.
Nhàn quá!
Một ngôi tửu quán mà tiểu nhị rất nhàn thì ngôi quán đó phải yểu số.
Huống chi khách lại là người trầm lặng, chỉ có uống chứ biếng nói năng, khác hơn những kẻ khác rượu càng vào thì lời càng ra.
Thì tiểu nhị đã nhàn lại càng nhàn hơn.
Gia dĩ, khách là người quen thuộc, chẳng ngày nào là khách chẳng đến đây thì dù sao sự chiêu đãi cũng kém sốt sắng.
Khách thường ngày chỉ gọi rượu mà không cần thức nhắm nên thấy khách đến, tiểu nhị không cần chờ bảo đã mang bao nhiêu vò rượu đến tại chiếc bàn mà khách ưa ngồi. Có thế thôi! Rồi khách uống, uống xong mấy vò rượu lại ra về để ngày sau lại đến.
Xem ra khách rất nghèo.
Giày bằng cỏ, rách đến mất cả hình dạng lại đầy bụi bám, bụi cũ đen sì, bụi mới trắng mốc, gót lòi ra, một vài móng chân đen thoát ra khỏi chiếc giày thủng mũi.
Khách ghếch chân đặt trên một chiếc ghế bên cạnh, bất chấp bụi rơi trên ghế, bất chấp những chỗ rách của giày.
Cần gì phải giấu diếm? Ngôi quán vắng vẻ quá mà, có ai nhìn đâu?
Phần đông người nghèo đều có mặc cảm tự ti nhưng khách dửng dưng như thường.
Nghèo thì không ăn sang mặc đẹp, có bao nhiêu chi dụng bấy nhiêu, chỉ cần kiếm được tiền bằng những phương tiện lương thiện là đủ.
Khách uống một lúc rồi lim dim đôi mắt như trầm tư, chốc chốc lại mở ra, rồi uống, rồi lại nhắm.
Một con người có thân vóc cao, không ăn uống đầy đủ, tự nhiên phải gầy đến lỏng khỏng. Y phục không lành lặn thì dù cho là bậc hào hùng cũng mất đi phần nào cái oai khí.
Đặc biệt là khách không mất đi oai khí, chỉ có điều là không tỏ lộ ra bên ngoài thôi. Do đó chẳng ai biết rõ khách là một anh hùng mạt lộ hay một kẻ cùng đinh.
Thái dương đã chênh chếch về Tây mà nắng vẫn gay gắt như giữa ngọ, xuyên qua cửa sổ rọi vào.
Không có cảnh nào tiêu điều bằng một quán nghèo, vắng khách, giữa trưa oi nồng, cánh ruồi vo ve và những kẻ hiện diện chập chờn ngủ gà ngủ gật.
Khách ngồi đó, một tay đặt lên đốc kiếm, tay kia sè ra che đôi mắt.
Với tư thế đó, khách lim dim đôi mắt.
Quán im lặng, con đường im lặng, thị trấn im lặng. Không gian như cô đọng giữa vùng nắng thiêu đốt vật và người.
Bỗng có tiếng động phá vỡ cái im lặng đang cô đọng khắp thị trấn.
Tiếng động do nhiều con ngựa nện vó mạnh trên con đường im lặng. Vó ngựa nhanh chứng tỏ kỵ sĩ gấp rút hành trình.
Trong một thị trấn nhỏ, một đoàn người ngựa chợt đến như vậy, lại đang lúc im vắng, phải làm cho mọi người giật mình.
Những ngôi nhà ven đường từ từ hé cửa, một vài bộ mặt lộ ra nhìn một chút, rồi trở lại cái bình thường trong im vắng.
Trong khí đó đoàn kỵ sĩ dừng lại trước quán.
Kỹ sĩ mặc toàn gấm chứng tỏ họ là những tay thừa tiền. Họ xuống ngựa, họ vào quán một cách nghinh ngang.
Họ có quyền nghinh ngang bởi đây là một ngôi quán nghèo trong một thị trấn nhỏ bé. Còn họ là những người được ưu ái thì phải tỏ rõ sự chênh lệch của những hạng người giữa xã hội.
Họ ồ ạt vào, vóc dáng hùng hổ lạ.
Dẫn đầu là một đại hán kiêu hùng đáng khiếp.
Đại hán có gương mặt rỗ chằng rỗ chịt, thêm vào đó là những vết sẹo, to có, nhỏ có, vắt ngang vắt dọc.
Y đem lủng lẳng bên hông một thanh kiếm dài xem chừng cũng có giá trị lắm.
Vừa bước vào cửa quán, đại hán bật cười ha hả:
- Thái Bạch Cư? Thái Bạch nào lại có thể nương mình trong cái chuồng ngựa ọp ẹp như thế này? Nên đổi tên là Lạc Phách Cư thì đúng hơn.
Đi kế đại hán là một gã mặt tròn, cũng có đeo kiếm nhưng dáng người lại giống một chưởng quỹ thu tiền trong các tửu quán hoặc một người quản lý khách điếm.
Không! Tên thứ hai chẳng có vẻ gì là một khách giang hồ.
Gã cũng cười vang như đại hán đi đầu, gã thốt:
- Quắc lão ca khó tính thì thôi. Cần gì phải có Lý Bạch dừng chân nơi đây thì ngôi quán này mới mang được cái tên đó? Giả như chủ quán chép một bài thi nào đó của họ Lý dán vào vách là đã có cái bóng của họ Lý rồi, và con người phần đông đều sốn với ảo tưởng, như vậy là đủ để đặt cho cái tên Thái Bạch Cư rồi. Chúng ta hãy nhìn chiều sâu để biết cái hữu ích của ngôi quán, chứ đừng nhìn chiếu rộng mà phê bình cái dáng bên ngoài. Không có ngôi quán nghèo nàn thì bọn hạ đẳng cùng lưu làm gì có chỗ nghỉ chân lót dạ?
Khinh ngôi quán, khinh luôn thực khách của quán, quán nghèo chỉ để tiếp đón bọn mạt hạng. Bọn này kiêu hãnh quá chừng, xem dưới mắt không người.
Quắc lão ca gật gù:
- Lời biện hộ có lý đó. Rất tiếc không có Lý Thái Bạch để cùng chúng ta chuốc chén một lúc cho vui nhộn lên.
Uống rượu, lại đòi có Lý Thái Bạch cùng đối ẩm. Bọn này quả thất cao ngạo quá chừng.
Gã đi sau vụt quát to:
- Có rượu thì cứ mang ra, có thức gì ăn được thì cứ dọn lân. Ta đang đói, đang khát không tưởng nổi.
Họ ngồi vào bàn, họ uống, họ chậm, chậm và uống liền mấy chén mới ngừng.
Ngừng để khà khà, để chuẩn bị nốc mấy chén kế tiếp.
Từ lúc đầu, người khách quái dị vẫn lim dim như không nghe không thấy gì hết.
Sau cùng y hơi vươn mình thẳng đứng một chút lẩm nhẩm:
- Thúi quá! Cái mùi gì phất qua mũi chịu không nổi.
Bỗng y đập tay xuống bàn, một tiếng bốp vang lớn, rồi giọng y cũng to, vang lên tiếp theo tiếng vỗ bàn:
- Rượu! Mang gấp cho ta! Ta cần có rượu để đuổi cái tục khí vừa chui qua mũi vào mình ta, khó chịu phi thường.
Tiếng quát của y lớn như sấm. Bọn kỵ sĩ giật mình nhấc người lên một chút rồi ngồi xuống.
Bây giờ họ mới lưu ý đến khách.
Trông thấy khách, Quắc lão ca biến sắc mặt ngay. Y vụt đứng lên nhưng gã áo gấm có thân vóc ốm gầy như que củi kéo y ngồi xuống, đoạn thấp giọng bảo:
- Mình sắp hội diện với Tổng tiêu đầu, tuyệt đối không nên sanh sự trước khi việc kia chưa xong.
Hừ thêm một tiếng nữa, y hỏi:
- Tôn lão tam, có đúng là Tổng tiêu đầu hẹn tại đây chứ? Ta chỉ sợ ngươi nghe lầm thôi.
Gã ốm gầy mỉm cười:
- Lầm sao được lão ca! Chính Tiền nhị ca cũng có nghe Tổng tiêu đầu ước hẹn nữa, chứ nào có phải mỗi một mình tiểu đệ đâu.
Người mặt tròn gật đầu:
- Đúng vậy lão ca. Tổng tiêu đầu hẹn chúng ta đến đây. Lão ấy cho biết là đến đây để bái kiến một vị đại anh hùng, cho nên lão sai chúng ta mang lễ vật đi trước.
Quắc lão ca hỏi:
- Lão nhị có nghe Tổng tiêu đầu nói đến danh hiệu của vị đại anh hùng đó chăng?
Tiền lão nhị kề tai Quắc lão ca thì thầm mấy tiếng.
Quắc lão ca trố mắt:
- Người đó? Có thật là người đó không? Ngươi đó lại đến chốn này sao?
Tiền lão nhị gật đầu:
- Dĩ nhiên là vậy rồi. Nếu người đó không đến đây thì lão Tổng lại cất công đi xa làm chi cho mệt chứ?
Cả bọn bây giờ không còn cười nói ồn ào nữa. Họ dè dặt từng lời từng tiếng nhưng rượu thì họ nốc càng lúc càng đậm hơn.
Họ ăn, họ uống, càng ít cười nói thì càng ăn uống nhiều. Thỉnh thoảng một trong ba người mới buông khẽ một câu.
Họ thì thầm với nhau:
- Nghe nói thanh kiếm của người đó vốn là vật của thần tiên tặng, chém sắt như chém bùn, đêm lại chiếu sáng như đèn.
- Hừ! lại còn phải nói. Nếu chẳng phải vậy thì làm sao chỉ trong nửa khắc, người đó lại làm cỏ sạch bọn ác quỷ trên Ấm Sơn.
Không hẹn mà đồng một động tác với nhau, cả ba cùng rút soạt thanh kiếm bên mình ra khỏi vỏ, lau lại trên vạt áo.
Quắc lão ca nhếch mép cười tự đắc:
- Thanh kiếm này cũng có hạng lắm chứ chẳng phải là tầm thường đâu. Nhưng chắc chắn là không sánh được với thanh thần kiếm của người đó. Nếu sánh bằng thì Quắc lão ca này đây lại cứ mãi là một tên vô danh tiểu tốt?
Tiền lão nhị lắc đầu, khoát tay:
- Đừng có mơ mộng! Dù cho đại ca có được một thanh kiếm báu đi nữa thì đã chắc gì đại ca có bản lãnh sử dụng kiếm thuật đến mức linh thông để tỏ rõ giá trị của báu kiếm? Đừng nói gì đến môn nào khác, chỉ nội cái thuật khinh công thôi mà đại ca cũng chẳng bằng ai rồi.
Y nhấn mạnh:
- Đại ca có biết không, thành Bắc Kinh rộng lớn là thế nào? Vậy mà người đó chỉ vào một mình một phát là từ cửa thành này vút sang cửa thành kia nhanh hơn điện chớp.
Quắc lão ca trố mắt lè lưỡi:
- Thật vậy à?
Tiền lão nhị cao giọng:
- Chứ không thật thì bỡn à? Này nhé, lúc hoàng hôn người đ1o còn uống rượu trong một tửu lâu ở thành Bắc Kinh, thế mà màn đêm chưa buông xuống là người đó đã đến Ấm Sơn rồi. Bọn quỷ trên Ấm Sơn chỉ thấy ánh kiếm ngời lên là đầu chúng rơi như sung rụng. Chúng chết mà không hay biết gì cả. Hừ! Theo người tại Ấm Sơn thuật lại thì lúc đó ánh kiếm ngời lên như điện chớp, chiếu xa đến ngoài trăm dặm.
Người khách bần cùng vào quán đầu tiên, lúc đó không hiểu nghĩ sao, cũng rút thanh kiếm bên sườn ra, cũng lau qua lau lại trên vạt áo.
Thanh kiếm của khách khác hơn các thanh kiếm của bọn Quắc lão ca, hai bên bản kiếm có chạm trồm không rõ là hình thù gì.
Lau kiếm chán, khách lại uống.
Bỗng nhiên khách cười to. Dứt tràng cười, khách thốt:
- Trên thế gian làm gì có hạng người như thế? Làm gì có loại kiếm quý như thế? Ha ha!
Khách nói bâng quơ, không hướng vào ai nhưng bọn Quắc lão ca cảm thấy mình bị chạm mạnh. Họ biến sắc, nhìn sang khách.
Quắc lão ca vỗ bàn đánh rầm một tiếng quát:
- Ngươi là ai? Sao bỗng dưng lại chen vào câu chuyện của bọn ta?
Khách vẫn thản nhiên như không nghe không thấy gì cả, vừa lau kiếm trên vạt áo vừa nốc rượu.
Quắc lão ca không chịu nổi thái độ khinh khỉnh của khách vộu đứng lên toan phi thân sang chiếc bàn của khách nhưng Tiền lão nhị đã kịp thời đưa tay nắm Quắc lão ca giữ lại.
Y lấy mắt ra hiệu cho Quắc lão ca, đoạn thong thả đứng lên từ từ tiến về phía khách:
- Luận theo tình hình thì bằng hữu là người từng luyện kiếm, cho nên khi nghe nói đến kiếm thuật là ngứa ngáy và có lẽ kiếm thuật của bằng hữu có hạng lắm nên không phục tuyệt học của kẻ khác, nhưng bằng hữu có biết là chúng tôi đang nói đến nhân vật nào chăng?
Khách từ từ ngẩng mặt lên, nhe hai hàm răng vẽ thành một nụ cười cao ngạo hỏi:
- Ai?
Thái độ khinh khỉnh, câu hỏi buông gọn bằng một tiếng cộc lốc, khách có vẻ xem trời bằng nắm tay, dưới mắt không người.
Nhưng Tiền lão nhị không lấy đó làm điều bận lòng, y nghĩ rằng y đưa danh hiệu nhân vật đó ra thì chắc chắn khách sẽ thẹn mà câm lặng luôn.
Y cười:
- Nhân vật đó là Yến đại hiệp, Yến Nam Thiên đại hiệp! Yến thần kiếm! Ha ha! Bằng hữu là người luyện kiếm chắc bằng hữu có nghe danh hiệu đó chứ?
Khách khẽ chớp mi mắt, ngơ ngác nhì Tiền lão nhị:
- Yến Nam Thiên? Yến Nam Thiên là ai mới dược chứ?
Tiền lão nhị vỗ bụng cười đắc chí:
- Ha ha! Đến danh hiệu của Yến đại hiệp mà bằng hữu còn không biết thì còn hợm mình là người luyện kiếm thế nào nữa?
Khách vẫn điềm nhiên:
- Vậy ra các hạ biết Yến Nam Thiên?
Tiền lão nhị giật mình nhưng y có bao giờ chịu lép? Y không nhận là mình có biết Yến Nam Thiên hay không, chỉ cười đáp vu vơ:
- Việc đó... Ha ha! Ha ha...
Khách dồn thêm:
- Yến Nam Thiên có hình dáng ra sao? Thanh kiếm của Yến Nam Thiên có đặc điểm gì không?
Quắc lão ca thấy Tiền lão nhị quẩn quá vội chen vào:
- Chúng ta tuy không biết mặt Yến Nam Thiên nhưng nghe nói Yến Nam Thiên có thân hình cao lớn, cao hơn ngươi một phần đấy. Còn thanh kiếm của Yến đại hiệp thì dĩ nhiên là phải có giá trị gấp trăm gấp ngàn lần thanh kiếm của ngươi.
Khách cười mỉa:
- Chả trách được ngươi, bất quá ngươi chỉ là một tên bảo tiêu tầm thường nên nhãn lực chẳng có gì xuất sắc! Ta tuy thân hình không được khôi vĩ bằng ai, chứ thanh kiếm này thì...
Quắc lão ca cười lớn:
- Chẳng lẽ ngươi đem thanh kiếm rỉ sét đó so sánh với thanh kiếm của đại hiệp?
Khách vẫn điềm nhiên:
- Thanh kiếm của ta vẫn chém sắt như chém bùn, có thua gì thần kiếm của ai?
Nghe khách khoa trương thanh kiếm, Quắc lão ca bật cười, y gập người xuống, cười đến chảy nước mắt.
Tiền lão nhị cũng bật cười sang sảng. Tôn lão tam cũng phụ họa theo. Ngôi quán đìu hiu suýt tung nóc vì tràng cười của ba tên bảo tiêu. Ho cười cái sự khoát lác của khách. Họ cười cho khách trơ trẽn vì sự khoát lác của mình.
Cười một lúc, Quắc lão ca thốt:
- Nếu thanh kiếm của ngươi chém được sắt như chém bùn thì bọn ta sẽ đãi ngươi một chầu rượu, nhưng...
Khách bỗng đứng lên, đồng thời bảo:
- Được rồi! Ngươi tuốt kiếm của ngươi ra đi, chúng ta thử một tí xem sao.
Thốt xong, khách vùng đứng lên, hiện đúng là một vị hộ pháp khổng lồ. Thân hình cao tám thước của khách khôi vĩ vô tưởng.
Quắc lão ca vốn có thân vóc cũng khá to lớn, vậy mà còn ngán xác khách.
Lúc đó, hắn đã rời bàn, bước đến gần Tiền lão nhị, đối diện với khách. Khi khách đứng lên, hắn nhìn người rồi nhìn lại mình, bất giác hắn kinh hãi lùi lại mấy bước.
Tiền lão nhị tuy không cao lắm, song thân hình phì nộn nên đứng một mình thì hắn vẫn có cái oai vệ như thường. Nhưng thái cực khôi vĩ của khách vừa hiện ra, Tiền lão nhị thấy mình nhỏ bé lại như que củi.
Khách không phải là người thừa da thịt nhưng được cái là xương vóc to lớn, đôi vai rất rộng, đôi tay lại dài quá mức bình thường, nếu xòe thẳng ngón tay xuống quá gối.
Vừa lúc đó, một thiếu niên vận chiếc áo màu xanh, đội mũ nhỏ, gương mặt trắng nhợt từ bên ngoài chạy vào tửu quán, nhìn thoáng qua mọi người, đoạn đứng tực mình vào quày cười tí toét.
Đắn đo một lúc, sau cùng Quắc lão ca cũng rút thanh trường kiếm bằng loại thép quý mang lủng lẳng nơi hông ra khỏi vỏ, đoạn ưỡn ngực tới, dõng dạc thốt:
- Được rồi! Ta bằng lòng làm một cuộc thực nghiệm với ngươi.
Khách thản nhiên bảo:
- Có bao nhiêu công lực, ngươi cứ vận dụng trọn vẹn vung kiếm chém qua đi!
Quắc lão ca bật cười ha hả:
- Thế thì ngươi cẩn thận nhé, giả như có bề gì thì ngươi không trách ta đấy nhé! Ta có muốn vô cớ giết người đâu. Bình sanh ta trọng nhân mạng lắm.
Tuy nói thế nhưng trong thâm tâm y nghe niềm thích thú dâng cao.
Y rất hận khách, cái lối khinh người của khách làm cho y tức lộn ruột từng cơn, song chẳng có cớ gì để gây sự. Bây giờ khách lại thách thức thì đúng là chạm vào chỗ ngứa của y rồi.
Y cầm chắc chỉ một nhát kiếm thôi là y sẽ chặt khách ra làm hai đoạn hoặc chẻ thân hình kia làm hai mảnh, nhất định là phải đồng đều.
Từ xưa đến nay, có khi nào Quắc lão ca xuất thủ mà vô công?
Cánh tay của y được nâng cao từ từ, gân nổi vồng, bắp thịt cuộn tròn, chừng như có tiếng xương chuyển động răng rắc, mặt y phồng lên, mắt trợn lớn.
Cánh tay đó lên cao, bất thình lình, y xoay nửa vòng, chém mạnh xuống đỉnh đầu khách.
Trong khi Quắc lão ca gồng tay lấy tư thế, khách ung dung cầm tay tả, từ từ đưa chén rượu lên miệng, từ từ hớp từng hớp nhỏ. Bàn tay hữu vẫn đặt nơi đốc thanh kiếm rỉ, bàn tay đó khẽ nhích động.
Không ai kịp nhìn xem khách làm một thủ pháp như thế nào, chỉ thấy thanh kiếm rỉ đã lên cao, khỏi đầu khách.
Một tiếng keng vang khẽ.
Khách vẫn ung dung cầm chén, chén vẫn còn kề miệng nghiêng nghiêng, rượu từ từ chui vào miệng.
Tay hữu của khách còn đưa cao, thanh kiếm rỉ còn bên trên đỉnh đầu của khách.
Nhưng Quắc lão ca đã lùi lại hai bước.
Thanh trường kiếm quá dài nơi tay hữu dường như chui vào chuôi, bởi hiện tại chỉ còn cái chuôi kiếm trong tay y, thân kiếm biến đâu mất.
Không, thân kiếm làm gì biến mất, bởi có tiếng keng phát lên rõ ràng. Tiếng keng chứng tỏ một sự va chạm.
Thân kiếm của y ở đâu?
Môi người đều sững sờ, không ai tưởng là một sự thất vừa diễn ra trước mắt họ.
Bây giờ khách mới hạ tay kiếm xuống, uống cạn chén rượu, đặt luôn chén xuống mặt bàn, rồi bật cười ha hả hỏi:
- Thế nào?
Quắc lão ca há hốc mồm, có lẽ y định cất cao giọng, song thay vì thốt oang oang, y lại lẩm nhẩm:
- Quý... kiếm quý... đúng là một thanh kiếm quý.
Y lẩm nhẩm cái tiếng quý luôn mấy lượt, chừng như không tin nổi một thanh kiếm rỉ, bỏ rơi bên vệ đường chắc chắn chẳng có ma nào nhặt, lại có thể tiện đứt thanh kiếm báu làm bằng loại thép hy hữu của y.
Tuy nhiên sự thật đã diễn ra trước mắt, dù không tin cũng phải tin. Bởi khó tin nên y lẩm nhẩm mãi để gây một ấn tượng rõ rệt, để có một xác nhận rõ rệt.
Khách bỗng thở dài, buông bâng quơ:
- Kiếm thì báu thật song người cầm kiếm lại không xứng đáng. Kiếm báu ở bên cạnh kẻ nghèo kể ra cũng tội cho cái số của nó. Cái số của một vật không xứng với người, người không xứng với vật. Uổng thay cho nó! Uổng thay!
Đôi mắt của Quắc lão ca chớp sáng lên, hỏi gấp:
- Bằng hữu nói thế... hẳn... hẳn có cái ý muốn... nhượng nó lại cho một người nào đó?
Khách lại tiếp tục thở dài:
- Có cái ý mà làm gì? Trên đời này có ai tinh mắt thấy cái giá trị của một thanh kiếm rỉ? Đem nó ra đề nghị bán cho thiên hạ thì có khác nào mời thiên hạ cười vào mũi mình? Cho nên cái ý của ta rồi cũng âm trầm như số phận của thanh kiếm.
Quắc lão ca chớp mắt luôn mấy lượt, ánh mắt càng lúc càng sáng hơn:
- Giả như... giả như tại hạ... đề nghị với bằng hữu... giả như tại hạ muốn mua...
Y không dùng cái tiếng ngươi gọi khách cũng chẳng xưng ta, y thừa nhận cái giá trị của thanh kiếm thì đương nhiên y cũng nể luôn chủ nhân của thanh kiếm.
Khách nhìn sang y, nhìn từ trên đầu xuống chân, rồi từ chân trở lên đầu, đoạn đáp:
- Ta xem các ngươi đều có khí khái anh hùng, thanh kiếm này của ta phải là vật tùy thân của các ngươi thì mới xứng người xứng vật. Tuy nhiên bất cứ trong cuộc mua bán nào cũng cần có sự thoả hiệp giữa song phương.
Quắc lão ca hân hoan ra mặt:
- Bằng hữu khỏi lo. Nhất định là bằng hữu phải hài lòng.
Y kéo đồng bọn đi ra ngoài, bàn với nhau một lúc, rồi mỗi người lấy trong mình ra một gói bạc, đếm kỹ.
Khách tựa mình bên cạnh bàn, ung dung rót rượu, ung dung uống.
Khách đến đây trước đã rất lâu, uống chẳng biết bao nhiêu bình rồi, mà bây giờ vẫn còn uống, lại uống ung dung, chừng như tửu lượng của khách to bằng biển.
Khách uống, mơ màng nhìn lên trần nhà, không buồn lưu ý đến bọn Quắc lão ca đang thì thầm bàn luận, đang âm thầm đếm bạc củ mỗi người.
Lâu lắm, Quắc lão ca và mấy đồng bạn bước vào.
Quắc lão ca không ngồi lại bàn mà đi thẳng đến bàn của khách đưa tay gãi đầu, gãi một lúc, y ấp úng thưa:
- Chẳng biết... năm trăm lượng bạc...
Khách làm như giật mình vì có người đến bên cạnh bất ngơ mà chẳng hay biết gì, chừng nghe tiếng nói mới rõ ra.
Đôi mắt đang lim dim, mặt đang ngẩng lên, khách mở rộng mắt nhìn thẳng vào người Quắc lão ca, buông gọn:
- Bao nhiêu?
Có lẽ khách đã nghe con số do Quắc lão ca nói ra, song khách còn vờ vĩnh.
Vì cái vờ vĩnh của khách, Quắc lão ca hơi ngán, sợ mất món hàng, vụt tăng gấp đôi:
- Một ngàn lượng! Chẳng rõ cái số đó có làm cho bằng hữu hài lòng chăng? Chẳng dám giấu cho bằng hữu, bốn anh em tại hạ dốc trọn túi đấy. Nhất định chẳng còn một chút bạc vụn nào trong mình. Chỉ được bấy nhiêu đó thôi bằng hữu ơi. Bằng hữu cũng biết chứ, đi đường có ai lại mang tất cả tài sản theo mình. Nếu phải chi ở tại nhà thì đừng nói là một ngàn, dù cho là nhiều gấp mấy lần nữa thì tại hạ cũng có thể tìm ra...
Khách trầm ngâm một lúc, đoạn từ từ thốt:
- Thanh kiếm này thực ra thì là vật vô giá đấy. Song theo lời người xưa thì phấn dồi dành cho mỹ nhân, kiếm báu thì dành cho bậc anh hùng. Các hạ có thừa oai phong, đương nhiên là phải có vật báu này tùy thân. Tại hạ còn biết nói sao hơn. Thôi đành vậy, bao nhiêu đó cũng được, tại hạ cầm như tạo cho mình cái duyên tri ngộ, dù sang nhượng vật dưới cái giá thích đáng cũng chẳng sao. Tại hạ bằng lòng.
Quắc lão ca không ngờ khách đáp ứng hết sức dễ dàng như vậy.
Hắn sợ khách đổi ý, vội trút số bạc lên bàn, rồi cười hì hì bảo:
- Các hạ đếm lại đi, đúng một ngàn lượng đó.
Bên cạnh đống bạc có chiếc bao của Quắc lão ca, khách đùa số bạc vào bao, thản nhiên đáp:
- Đếm làm gì, chắc không thiếu đâu.
Khách trao kiếm ra, tiếp luôn:
- Vật là thần vật, chỉ có người có đức cao mới xứng đáng giữ nó. Từ nay các hạ hãy thận trọng gìn tâm giữ tánh mình tròn hạnh thì kiếm mới linh, minh kém đức thì kiếm chỉ còn là một đoạn thép thông thường.
Quắc lão ca gật đầu:
- Phải! Phải!
Hai tay tiếp kiếm, tim hắn đập mạnh, mắt hắn sáng lên.
Khách lấy trong chiếc bao ra một đĩnh bạc, dằn lên mặt bàn kêu một tiếng bốp, rồi đứng lên, vươn thân hình dài vô tưởng, ngáp một hơi, cười nhẹ thốt:
- Tiền rượu đó, lão gia đi thôi!
Khách bước ra ngoài, không hề quay đầu lại.
Trong quán, Quắc lão ca cười tít.
Thiếu niên mặt trắng nhợt từ lúc vào vẫn tựa mình nơi quầy, không nói một tiếng nào, lúc đó nhìn Quắc lão ca điểm một nụ cười bí hiểm, đoạn bước theo khách.
Tiền lão nhị cũng vui lây với Quắc lão ca.
Nhìn họ Quắc, hắn cười hì hì, tán một câu:
- Lão ca chúng ta có được thanh kiếm này thì cũng như cọp mà mọc thêm hai cánh vậy. Chỉ sợ cái giang hồ sau này sẽ là sản nghiệp của Quắc lão ca chúng ta.
Quắc lão ca bật cười ha hả:
- Lão nhị nói nghe đến là hay. Nếu giang hồ là sản nghiệp của ta thì có khác nào là sản nghiệp của các huynh đệ. Vậy chứ xưa nay, vật gì của ta lại chẳng phải là vật của các huynh đệ sao?
Hắn cười lớn hơn tiếp:
- Mạng vận của ta đã đến hồi tươi sáng rồi. Nếu không thì làm gì có cơ may hi hữu như thế này?
Tiền lão nhị gật gù tiếp:
- Đúng là vận đỏ của lão ca. Yến Nam Thiên nghe lão ca có một thanh kiếm báu như thanh kiếm này cũng phải xám mặt, nói gì đến những kẻ khác. Có lẽ rồi đây Tổng tiêu đầu cũng phải khép nép trước mặt lão ca.
Quắc lão ca như từ chín từng mây thốt vọng xuống:
- Bất cứ thành tựu của ta ở mức độ nào thì ta vẫn không quên các huynh đệ.
Hắn nắm chặt đốc kiếm, sợ nó mọc cánh mà bay. Hắn đứng không yên mà ngồi cũng chẳng lâu. Hắn phải nhích nhích mình, phải đi tới đi lui, chừng như hắn bất động thì niềm cao hứng bốc mạnh lên, phá vỡ huyết quản mà chết.
Hắn cần cử động để phát tiết bớt sự căng phồng bên trong.
Bỗng có tiếng người cười rồi hỏi:
- Việc gì làm cho các vị cao hứng thế?
Liền theo câu nói, một người bước vào.
Người đó có vóc lùn, đôi mắt to và sáng, vận y phục gấm, thân thể bé song khí thái kiêu hùng, bất cứ cử động nào của y cũng biểu lộ một oai nghi thừa gieo khiếp đảm cho những kẻ chung quanh.
Nhìn thoáng qua con người đó, tất cả ai ai cũng biết y sanh ra dưới phàm trần này là để ra lịnh cho kẻ khác chứ y thì chẳng bao giờ thừa lịnh của một ai.
Bởi phong thái của y biểu lộ rõ rệt cái tập quán chỉ huy, cái phong thái của một người không thể chấp nhận một sự lệ thuộc, dù là cái lệ thuộc một chúa tể san hà...
Bọn Tiền lão nhị cũng đứng lên nghinh tiếp.
Hắn nghiêng mình, chưa thốt đã cười, lời chào của hắn tuy thông thường song tỏ rõ một sự khuất phục tuyệt đối:
- A! Tổng tiêu đầu...
Đoạn mỗi người một câu, dứt câu này đến câu khác, không ai nhượng ai, không ai muốn mình bỏ sót một chi tiết. Tất cả cùng một lượt tường thuật lại cuộc kỳ ngộ vừa qua với người khách bần cùng kia.
Tổng tiêu đầu vừa nghe vừa chớp mắt, ánh mắt của y càng lúc càng sáng lên, cuối cùng y nhếch miệng cười tươi tán:
- Có việc như vậy à? Thật vậy chứ? Nếu đúng là thật thì đáng mừng cho các vị lắm lắm.
Bây giờ Quắc lão ca mới nói lên cái hứng của hắn. Nhưng hắn chợt nhận thức ra thân phận của hắn quá kém, thân phận của hắn làm hắn tiu nghỉu, cái hứng cũng sụt độ luôn. Hắn lui về một góc, giương mắt nhìn Tổng tiêu đầu.
Ánh mắt của hắn thoáng lộ vẻ ngài ngại.
Hắn ngại gì?
Để khỏa lấp phần nào cái may to lớn đến với hắn bất ngờ, sợ cái may đó sẽ làm nảy nở một ý niềm ganh tỵ, hắn cười nhẹ thốt:
- Tổng... Trầm huynh khen quá lời! bất quá... bất quá... mạng vận của tiểu đệ chuyển hướng, từ bỉ cực đến thái lai. Trầm huynh ơi, bỉ cực thái lai ấy mà. Trong đời ai ai cũng có một lần may mắn, cũng như tất cả loài hoa, hoa cũng có mùa, đến mùa là nở...
Cách đây không đầy mấy phút, hắn khi nào dám nói giọng ngang đó. Mở miệng ra là một Tổng tiêu đầu, hai cũng Tổng tiêu đầu, luôn luôn tuân phục, nghiêng mình trước Tổng tiêu đầu.
Bây giờ hắn bỏ cái tiếng Tổng tiêu đầu, bởi gọi như vậy là còn xác nhận sự sai biệt, còn chứng tỏ giai cấp và dĩ nhiên là hắn kém hơn Tổng tiêu đầu.
Bây giờ hắn có thanh thần kiếm rồi. Với thanh thần kiếm, hắn sẽ trở thành một đại anh hùng, không trên Tổng tiêu đầu thì cũng bằng, chứ làm gì có thua kém nữa, làm gì hắn ngán nữa.
Thế thì còn gọi kẻ kia là Tổng tiêu đầu nữa sao được. Gọi như vậy không hợp lý chút nào.
Nếu còn giữ lại cho nhau chút tình ngày trước, ngày còn hành sự chung với nhau thì nên gọi là nhân huynh. Mà đã gọi là nhân huynh thì chắc là sự hiệp tâm không còn nữa, bởi sắp sửa thành đại anh hùng rồi, hắn vẫn còn cúi đầu tuân lịnh mãi sao?
Không, từ nay hắn không còn lệ thuộc vào Tổng tiêu đầu nữa.
Hắn gọi Tổng tiêu đầu bằng Trầm huynh, một huynh đệ họ Trầm, đó là hắn còn giữ tình cảm đấy. Thói đời giàu đổi bạn, sang đổi vợ, không nhìn Tổng tiêu đầu nữa cũng chẳng ai làm gì chi được hắn.
Hắn thay đổi thái độ, những người chung quang làm gì chẳng nhận ra sự kiện đó?
Trầm tổng tiêu đầu không tỏ vẻ gì quan tâm, chỉ cười nhẹ đáp:
- Cái gì đáng mừng thì mình phải nói lên sự vui mừng chứ, người anh em không nên khiêm nhượng.
Y cao giọng hơn một chút tiếp:
- Bình sanh tại hạ chưa từng thấy một vật chí báu như các vị vừa mô tả. Chắc Quắc huynh cũng không ngại gì chẳng cho tại hạ được hân hạnh nhìn qua.
Quắc lão ca hơi do dự một chút.
Nhưng y nghĩ không lẽ Tổng tiêu đầu ngang nhiên cướp đoạt thanh kiếm báu?
Hắn cười ha hả gật đầu:
- Được chứ! Có gì trở ngại đâu, Trầm huynh! Và Trầm huynh có thể làm một thực nghiệm nếu thấy cần.
Trầm tổng tiêu đầu nhìn sang Tiền lão nhị bảo:
- Tiền huynh cho tại hạ mượn tạm thanh kiếm một chút.
Tiếp nhận thanh kiếm của Tiền lão nhị, Tổng tiêu đầu xắn tay áo lên, nhìn Quắc lão ca điểm một nụ cười:
- Quắc huynh cẩn thận nhé, tại hạ thực nghiệm đây.
Y vung kiếm từ bên trên chém xuống như Quắc lão ca đã làm trước đó với người khách cùng đinh. Quắc lão ca cũng y theo người khách, giữ thần sắc thản nhiên, tay tả ung dung nâng chén rượu, từ từ đưa lên miệng, từ từ nhấp, tay hữu nắm chuôi kiếm, từ từ đưa thanh kiếm lên cao, ngăn chặn nhát kiếm của Tổng tiêu đầu.
Một tiếng keng vang lên, một tiếng cộp tiếp theo.
Quả có một thanh kiếm gãy rơi xuống nền.
Nhưng thanh kiếm gãy không phải là của Tổng tiêu đầu mà chính là thanh thần kiếm của Quắc lão ca.
Tiếng keng dĩ nhiên là hai thanh kiếm chạm nhau, phát ra và tiếng cộp là đoạn kiếm gãy rơi đập vào nền nhà.
Bởi mọi người chú ý đến hai thanh kiếm, bởi tiếng keng làm mọi người sửng sốt nên chằng ai nghe lọt một tiếng thứ ba, không nhỏ hơn cho lắm.
Tiếng thứ ba do chén rượu từ tay Quắc lão ca rơi xuống, rượu bắn tung tóe, chén vỡ tan.
Nhưng bây giờ thì ai cũng nghe rõ tiếng thứ tư.
Tiếng thứ tư vang lên nặng nề, do một vật gì rơi xuống như một cái bao bị rất to.
Tiếng thứ tư phát xuất do một cây thịt gây ra. Chính là Quắc lão ca té từ trên ghế xuống nền.
Ngã như thế thì làm gì hắn chết được. Song gương mặt hắn biến thành màu đất, hai con mắt trợn trừng, hai mắt mất thần.
Không bị thương tổn gì cả, hắn lại nằm bất động, mắt không nháy, mồm ngậm câm.
Trầm tổng tiêu đầu quăng luôn thanh kiếm trong tay cười lạnh, gằn giọng hỏi:
- Bảo kiếm mà như thế à?
Quắc lão ca cơ hồ có thể khóc lên được.
Khóc vì tức uất, khóc vì bẽ mặt, chứ không vì hối tiếc ngàn lượng bạc đi đời.
Hắn phải khó khăn lắm mới mở miệng được và mở miệng chỉ để lẩm nhẩm mấy tiếng:
- Rõ ràng là mắt mình thấy! Rõ ràng...
Trầm tổng tiêu đầu lạnh lùng nói tiếp:
- Rõ ràng là mình bị gạt!
Đột nhiên Quắc lão ca vụt đứng lên hét:
- Báo hận! Phải tìm cho được gã lưu manh đó, trị hắn mới được.
Trầm tổng tiêu đầu nạt:
- Đừng có hấp tấp!
Bây giờ người trên hách dịch trở lại, kẻ dưới khiếp phục trở lại, cái mộng thay bậc đổi ngôi đã vỡ tan rồi.
Quắc lão ca trố mắt nhìn họ Trầm:
- Tổng tiêu đầu có cao kiến gì chăng?
Trầm tổng tiêu đầu sá gì sự thay đổi thái độ nơi hắn, vẫn với gương mặt lạnh lùng, y hỏi:
- Người đó có hình dáng ra sao?
Quắc lão ca đáp:
- Hắn có gì đặc biệt đâu. Bất quá chỉ là một gã vô lại, có thân vóc rất cao thôi.
Trầm tổng tiêu đầu suy tư một lúc lâu, bỗng biến sắc mặt, thốt:
- Ngươi mô tả mơ hồ quá! Để ta thử nói xem có đúng hình dáng người đo hay không. Cao, đã đành rồi, nhưng người đó có đôi mày rất đếm, có thể bảo là các ngươi chưa từng thấy ai có đôi mày như vậy. Đôi mắt của y luôn luôn lim dim. Ít ai thấy y mở mắt to một lần nào. Chừng như liên tiếp mấy ngày mấy đêm y không ngủ, và giấc ngủ chỉ chực chờ ở mi mắt. Tuy nhiên lúc mở ra thì đôi mắt đó to vô cùng.
Quắc lão ca hấp tấp đáp:
- Đúng vậy rồi, Tổng tiêu đầu! Thế ra Tổng tiêu đầu có qen hắn à?
Trầm Tổng tiêu đầu nhìn họ Quắc, rồi liếc sang Tiền Lão Nhị, vụt ngẩng mặt lên không, buông tiếng thở dài.
Lâu lắm y mới lẩm nhẩm:
- Rất tiếc cá ngươi từng xuôi ngược khắp sông hồ, nghe cũng lắm mà thấy cũng nhiều. Vậy mà các ngươi ngu xuẩn hơn một ngốc tử. Có mắt cũng như mù, có tai mà như vịt nghe sấm, chẳng lóng cao gạn thấp, chẳng đoán được người qua khẩu khí...
Quắc lão ca lúc đó mặt gầm xuống, nghe họ Trầm chê trách, càng cúi gầm mặt xuống thấp hơn.
Hắn ấp úng:
- Phải! Phải...
Trầm Tổng tiêu đầu hỏi:
- Các ngươi có biết người đó là ai chăng?
Cả bọn nhìn nhau.
Cả bọn cùng hỏi:
- Ai?
Trầm tổng tiêu đầu gằn từng tiếng:
- Y là tay kiếm thần, tay kiếm đệ nhất trong võ lâm đương thời. Y là Yến Nam Thiên đó! Chính hôm nay ta bôn ba lặn lội đến đây là để bái kiến y. Và lễ vật do các y chuyển vận là dành để kính tặng y.
* * * * *
Thiếu niên áo xanh ra ngoài rồi, theo kịp vị khách cùng đinh mạt kiếp.
Cả hai cùng bước những bước dài theo con đường đi. Qua khỏi đầu đường, thiếu niên vượt lên, quay mặt lại, thấp giọng hỏi:
- Yến đại hiệp đây phải không?
Yến Nam Thiên cứ bước đều.
Y không quay đầu nhìn thiếu niên, không đáp, trầm giọng hỏi lại:
- Ngươi có phải là người do Giang nhị đệ của ta sai đi tìm ya chăng?
Thiếu niên đáp:
- Tiểu nhân chính là Giang Cầm, thơ đồng của Giang nhị gia.
Yến Nam Thiên vụt nhìn sang hắn, cao giọng hỏi:
- Tại sao đến giờ phút này ngươi mới đến?
Y quắc mắt trừng trừng nhìn Giang Cầm. Tuy giữa ban ngày mà đôi mắt đó chiếu rực như hai vì sao to.
Giang Cầm kinh hãi, rung rung giọng thốt:
- Tiểu nhân... tiểu nhân sợ... để lộ hành tung cho người ngoài biết nên chẳng dám đi ban ngày, chỉ chờ đêm xuống mới dám bôn ba... Tuy theo Giang nhị gia từ thuở nhỏ, tiểu nhân vẫn chẳng học được thuật khinh công. Do đó... do đó...
Yến Nam Thiên dịu sắc mặt lại phần nào, mi mắt sụp xuống nửa vời như muôn thuở, trầm ngâm một chút lại hỏi:
- Công tử của ngươi sai người mang thơ đến cho ta, hẹn gặp nhau tại đây. Trong thơ không nói rõ nguyên nhân, ta nghĩ sự tình phải vô cùng quan trọng và bí mật. Chắc ngươi có biết là việc gì chứ?
Giang Cầm đáp:
- Chẳng hiểu tại sao công tử của tiểu nhân đột nhiên phân tán hết tất cả gia nhân, chỉ chừa lại có mỗi mình tiểu nhân. Rồi sau đó người bảo tôi đến đây, đón đại hiệp, yêu cầu đại hiệp đi theo con đường hoang phế đến gặp người. Dĩ nhiên là gặp ở dọc đường bởi người cũng đã khởi hành từ nhà đến chỗ hẹn. Người chẳng nói gì cho tiểu nhân biết, song theo tình hình mà suy đoán thì tiểu nhân ngờ rằng công tử muốn tránh một cừu nhân lợi hại.
Yến Nam Thiên giật mình:
- A! Có sự việc như vậy à? Tại sao y không cho ta biết sớm hơn?
Y lẩm nhẩm giọng bực tức hơn:
- Tại sao nhị đệ lại hành động hồ đồ như thế? Dù cho cừu nhân của nhị đệ có lợi hại như thế nào, Yến Nam Thiên này há lại sợ hay sao?
Giang Cầm gật đầu:
- Đại hiệp nói phải đó.
Yến Nam Thiên lại hỏi:
- Như vậy là công tử của ngươi đã lên đường rồi?
Giang Cầm đáp:
- Chắc là vậy rồi, đại hiệp!
Yến Nam Thiên dậm chân:
- Đáng lẽ ngươi phải tìm đến ta gấp. Vạn nhất mà...
Bỗng có tiếng gọi vang lên oang oang:
- Yến đại hiệp! Yến đại hiệp!
Tiếng gọi chưa dứt âm vang, một đoàn gồm bốn năm người chạy tới.
Người đi đầu có thân pháp rất nhanh, y di động nhẹ nhàng như một làn khói cuốn đi.
Người đó không ai khác hơn là Trầm tổng tiêu đầu.
Và theo sau là bọn Quắc lão ca.
Yến Nam Thiên khẽ chau mày, trầm giọng hỏi:
- Có phải là vị Tổng tiêu đầu ba tiêu cục Oai Viễn, Trần Viễn và Ninh Viễn đó chăng? Giang hồ từng ca tụng Tổng tiêu đầu Trầm Khinh Hồng bằng tám tiếng: “Hoa bay đầy trời, rơi không tiếng động”. Tại hạ đã nghe danh từ lâu.
Trầm Khinh Hồng đã đến nơi rồi.
Y nghiêng mình chào, đoạn khiêm nhường cất tiếng:
- Không dám nhận lời khen của đại hiệp! Chính tiểu nhân lá Trầm Khinh Hồng đây. Bọn kia chẳng thấy Thái Sơn trước mắt nên đã xúc phạm thần oai, mong đại hiệp...
Yến Nam Thiên cười lớn:
- Tại hạ nghe chúng đòi mời tiên cùng đánh chén với chúng nên tại hạ có phần nào bất mãn. Vì nể trọng chủ nhân quý tiêu cục nên dằn lòng, không sửa trị chúng đích đáng. Nếu không lấy của chúng mấy lượng bạc thì làm sao tại hạ hả được cái tức khí cho vơi đi?
Trầm Khinh Hồng lại nghiêng mình:
- Phải! Phải! Chúng đáng chết cả. Việc nhỏ mọn kia có đáng gì mà đại hiệp phải nhắc đến.
Yến Nam Thiên hỏi:
- Tổng tiêu đầu tìm tại hạ?
Trầm Khinh Hồng lại gật đầu:
- Tại hạ chuyên trình đến đây cho kịp lúc, mong có dịp bái kiến đại hiệp.
Yến Nam Thiên cao giọng:
- Làm sao Tổng tiêu đầu biết ta ở đây?
Trầm Khinh Hồng giải thích:
- Tại hạ đang bối rối, chẳng biết tìm Yến đại hiệp ở phương trời nào thì may thay, có một vị tiền bối cho biết là đại hiệp có thể ở tại địa phương này để chờ bằng hữu.
Yến Nam Thiên bật cười:
- Thì ra cũng tại cái lão Tửu Quỷ đó lắm mồm!
Phía sau Trầm Khinh Hồng, cách xa xa Quắc lão ca đang đứng lặng, tay buông thõng, đầu cúi xuống, trong tay y còn cầm đoạn kiếm gãy.
Yến Nam Thiên nhìn hắn, mỉm cười thốt:
- Bây giờ thì chắc ngươi đã rõ là mình nông nổi đến buồn cười rồi chứ?
Quắc lão ca cúi đầu thấp hơn một chút nữa, ấp úng:
- Tiểu nhân...thanh kiếm này... hiện tại thì...
Trầm Khinh Hồng nạt lớn:
- Ngươi còn dám chường mặt bép xép trước mặt Yến đại hiệp nữa à? Ngươi có biết không, bất cứ thanh kiếm nào ở trong tay Yến đại hiệp đều trở thành thanh kiếm thần. Bàn tay của đại hiệp còn lợi hại hơn một thanh kiếm báu.
Yến Nam Thiên cười nhẹ:
- Tổng tiêu đầu đưa tại hạ lên cao quá, chỉ sợ lúc rơi xuống lại tan xương nát thịt mất.
Trầm Khinh Hồng thở dài:
- Không phải tại hạ xu nịnh đâu!
Yến Nam Thiên vẫn cười:
- Dù là Tổng tiêu đầu có thực sự tán dương tại hạ đi nữa, thì cái sự tán dương trong lúc này, thêm cái sự vượt đường xa tìm gặp nhai, hẳn là phải có một mục đích. Thế Tổng tiêu đầu có điều gì yêu cầu nơi tại hạ, xin cứ nói, nói nhanh đi.
Trầm Khinh Hồng lại thở dài rồi tiếp:
- Chẳng dám giấu chi đại hiệp. Tại hạ vừa được giao phó hộ tống một chuyến bảo tiêu, hàng hoá có giá trị bằng một vương quốc. Làm cái việc đó đương nhiên tại hạ phải giữ gìn hết sức bí mật. Song chẳng biết tại sao bọn Thập Nhị Quái Kiệt lại biết được. Họ chuyển cánh thiếp Tinh Thần đến tại hạ, báo tin là họ sẽ cướp tiêu. Do đó tại hạ định hoãn cuộc hành trình.
Yến Nam Thiên chận lại:
- Tổng tiêu đầu muốn nhờ tại hạ hộ tống?
Trầm Khinh Hồng cúi đầu:
- Tại hạ nào dám nói đến cái việc làm phiền đến đại hiệp. Chẳng qua tại hạ biết đại hiệp đang có mặt ở tại địa phương này, mà Thập Nhị Quái Kiệt thì đã xuất hiện cách đây không xa lắm. Do đó tại hạ nghĩ là nên thỉnh cầu đại hiệp rong ngựa nhàn du với tại hạ một đoạn đường, hoặc giả đại hiệp chỉ nhắn gửi một vài lời với Thập Nhị Quái Kiệt tuyệt đối không nên vọng động. Tại hạ tin chắc là họ không dám dòm ngó đến đoàn bảo tiêu của tại hạ đâu.
Yến Nam Thiên trầm giọng hỏi:
- Đã biết mình không làm nổi sao Tổng tiêu đầu còn nhận lãnh hộ tống món hàng đó?
Trầm Khinh Hồng không đáp câu hỏi, cứ van cầu:
- Vụng tính nên phải gặp khó khăn, mong đại hiệp thương tình.
Yến Nam Thiên thốt:
- Bọn Thập Nhị Quái Kiệt từng làm nhiều tội ác, trên giang hồ không ai là không oán hận chúng. Chính tại hạ cũng có ý diệt trừ chúng từ lâu, cho nên gặp trường hợp này, thực ra thì tại hạ không nên từ chối tiếp trợ cho Tổng tiêu đầu một tay.
Trầm Khinh Hồng thấy có hy vọng nên vội thốt lời cảm tạ.
Nhưng Yến Nam Thiên khoát tay:
- Khoan! Không nên cảm tạ tại hạ. Cái tâm của tại hạ muốn giúp Tổng tiêu đầu lắm, song tại hạ đang có việc khẩn cấp nơi mình, chắc chắn là tại hạ không thể bỏ phí một phút một giây nào để lo việc gì khác mà đình hoãn việc đó.
Nói như thế là từ chối rồi. Rất rõ rệt.
Không đợi nghe Trầm Khinh Hồng nói gì, Yến Nam Thiên toan chuyển mình bước đi.
Trầm Khinh Hồng kinh hãi, hấp tấp thốt:
- Khoan đi đã dại hiệp!
Y vẫy tay. Bọn Tiền lão nhị lập tức mang lễ vật bước tới.
Lễ vật đựng trong một chiếc rương to. Lễ vật là những đĩnh vàng, những nén bạc.
Vàng và bạc chớp ngời.
Trầm Khinh Hồng cúi mình, lạy thật sự.
Rồi y đứng lên, cung kính thốt:
- Tại hạ biết là đại hiệp có tánh vung tiền như sỏi đá, cho nên chuẩn bị số bạc vàng này, mang đến đây...
Yến Nam Thiên ngẩng mặt lên không cười dài:
- Trầm Khinh Hồng! Ngươi có thể gom tất cả bạc và vàng trong thiên hạ chất thành núi, thành từng hàng núi cao trước mặt ta, thì ta cũng không thể bỏ nhị đệ của ta mà nấn ná lại đây để tiếp nhận bạc vàng. Không! Nhị đệ của ta quý hơn tất cả, hơn quyền cao vô song, lại to lớn hơn kho tàng vô giá nhất trong thiên hạ. Không! Trầm Khinh Hồng! Ta có thể phụ ngươi chứ ta không thể bỏ mặt nhị đệ của ta. Vàng của ngươi chẳng đổi được nhị đệ của ta.
Day qua Giang Cầm, Yến Nam Thiên vỗ nhẹ lên đầu vai hắn bảo:
- Ta đi trước, ngươi theo sau nhé!
Câu nói gồm bảy tiếng, lại buông nhanh, câu nói còn dội vang tại cục trường thì Yến Nam Thiên đã ở ngoài xa hơn hai mươi trượng.
Trầm Khinh Hồng chết lặng tại chỗ.
Tiền Lão Nhị lẩm nhẩm:
- Con người đó kỳ quái vô tưởng. Số bạc nhỏ mọn thì y lại lừa mà đoạt. Khi người ta mang vàng bạc đến hiến dâng thì y lại từ chối...
Truyện khác cùng thể loại
35 chương
35 chương
116 chương
2484 chương
37 chương
22 chương
27 chương
36 chương
88 chương
88 chương