Gánh Nợ
Chương 1
Tôi là con gái nhà tằm,
Thầy u cho của là trăm mối sầu.
Vâng, là tôi đấy, của nợ của cái nhà này.
Thầy u tôi nghèo, nhưng lại có niềm đam mê chân thành với đường con cái, đẻ tôi ra là để càng nặng nợ với nhau. Thế nên, nhân dịp mới sinh èo uột khó nuôi, liền gọi luôn tôi là con bé Nợ.
Vâng, các cụ bảo đặt như đấy là để lấy khước dễ nuôi, mà lời các cụ là cấm có sai, kể từ dạo ấy nuôi tôi đúng vô cùng dễ.
Nếu không, thầy u tôi sao mà rãnh rỗi tạo thêm bốn cái cục nợ để chơi trong nhà? Nhà người ta không có con trai mới phải cắm đầu mà đẻ, nhưng nhà tôi thì lấy đẻ làm đầu. Trai cả có rồi, đám gái chúng tôi là đẻ vì đam mê tạo nợ.
Có thầy u vô tư như thế, gái lớn tôi đây thật vã cả mồ hôi. Lúc nhỏ thì chưa sao, chị em càng nhiều càng vui hơn cả. Lớn rồi mới biết, ơ thế của nả cho chúng nó đem về nhà chồng đào ở đâu ra...?
Cho nên, gái nhà tằm tôi đây sầu, sầu lắm.
Có đợt tôi níu áo thầy bày tỏ nỗi lo, ông bỗng bế xốc tôi lên cười ngã cười nghiêng, đêm về còn khoe với u tôi rằng, cục nợ nhà ta chóng già thật đấy, nứt mắt đã nôn lấy chồng cho cả đàn em.
Quẫn quá, tôi chả thèm đả động chi nữa. Xem chừng, nhà này chỉ có mỗi tôi biết lo biết nghĩ cho lũ em thơ.
Thì thôi, sinh là gái lớn trong nhà, cố nhiên phải đa mang trách nhiệm. Số mình thế rồi, gánh vậy.
Thế là, mùa xuân năm ấy, tôi bắt đầu sự nghiệp cao cả tích của hồi môn cho đám gái nhà. Dưới tôi tận bốn con hĩm, chẳng tích từ giờ, chờ đến thầy u vọc vào chắc chúng nó thi nhau ế cả. Tết lễ về nhà tổ chơi, các chị giàu sang chi trưởng chẳng đã từng nhìn năm chị em tôi chế rằng, gái mà không của hồi môn, cứ như cái thúng không trôn ai thèm?
Những lúc ấy tôi uất lắm, uất chẳng vì chúng ả chê nhà tôi không của, mà vì chúng ả không thèm cái thúng không trôn. Nhà tôi ngữ phá của như ấy là chỉ có đường chổng mông tầm vông quất đít.
Sầu sầu, tôi đem chuyện kể cho anh Cả nghe, anh chỉ vỗ đầu tôi nhếch cười, thật ra cái nết người vô tích sự. Chả được một góc lão bạn đồng học của anh, vừa nghe tôi tỏ xong đã đường hoàng phán ngay trúng đích.
"Cái thúng không trôn thì chẳng là cái chao đèn? Ối khối người thèm đấy."
Ôi chao là phải, phải quá! Thế mới là thông tuệ uyên bác chứ...!
Tôi cười tít mắt xáp đến xun xoe. "Nhà bâc lấy vợ có cần của hồi môn không? Bảo không em gả luôn ngay tắp lự!"
Chả hiểu lời tôi thấu tình đạt lý là thế, lão ta lừa đá thế nào lại phá lên cười rũ, sau còn nói với tôi thế này.
"Nhà tôi tuổi tận gấp ba cô Hai, ra đường người ta còn nghĩ thầy con một rập, lấy nhau ai xem?"
Tôi xoè tay đếm đếm cho có kiểu rồi làm bộ gật đầu kêu lên ừ nhỉ. Chả biết gấp ba là thế nào, nhưng người có học nói thế thì hẳn là thế rồi.
"Vậy thôi không lấy nữa ạ," tôi ngậm ngùi ngoan ngoãn gửi thưa.
Đến tận lúc lên mười bốn, tôi mới biết gấp ba nó là cỡ nào. Chẳng là sinh thần vừa qua, u ngồi vấn tóc đuôi gà cho tôi rồi nhìn gương ảo não than già, thấm thoát tuổi đã gấp ba con trẻ.
Hoá ra gấp ba là ghê gớm thật. Tôi sao có thể gả cho người bằng vai u mình?
Gặp dịp người ấy đến nhà nhờ vá cái áo, tôi nhận ra cái nón lá Phương Đẩu quen quen, liền toét cười đon đả khoe ngay.
"Chẳng trách ngày đó bác Hai chối lấy cháu đây đẩy, may thế không biết!"
Lão trợn mắt nhìn tôi hỏi may cái gì.
"Thì chuyện hồi lên bảy nhà cháu đòi gả cho bác ý ạ. Bác chẳng từ chối, giờ cháu đã phải đeo mang chồng già. May thế!"
Bàn tay run rẩy, lão xoay đi để dọn phụ mấy nong kén tằm, mặc kệ tôi vừa giở áo khâu vừa tiếp tục líu ríu kêu may.
Mồm mép chán chê, tôi mới chợt nhận ra hình như mình hơi quá. Dẫu gì, già đâu phải là tội? Lão lại là bậc đàn anh thân thiết của anh cả trong nhà, suốt mấy năm qua trông tôi lớn lên, lần nào sang chơi cũng mứt quà phần tôi hơn cả, tôi nỡ lòng nào làm đau tự tôn của lão...?
"Ấy bác Hai ôi, cháu cứ dại mồm bác đừng giận cháu..."
Thế nhưng người đã ra ngõ rời đi từ lúc nào rồi...
Lần ấy hơn tháng chẳng thấy lão sang chơi, tôi sầu lắm. Dẫu gì cũng bậc cha chú quen thân trong nhà, lâu chẳng thấy dáng làm ruột mình cũng hơi nhơ nhớ. Nghĩ tới nghĩ lui, tôi quyết định để nhà cho con Thắm trông, lén thầy u mình cắp nón lên làng trên thăm anh Cả.
Cả tôi vốn người nho nhã, giỏi chữ hay văn nức tiếng cả vùng, khổ điều sống rất kiệm lời kiệm tiếng, bị tưởng ngạo đời nên bạn bè chẳng có mấy ai. Phần lão kể cũng xem là bạn vong niên từng cùng nhau học tập, dù rằng cả hai cách nhau cả ao luống tuổi chứ ít gì.
Tôi đoán thế, vì lão gấp những ba lần tuổi tôi cơ mà, sao xem là đồng trang lứa với Cả tôi cho được? Tôi dở bàn tính thôi, trí tuệ cũng chẳng chột đâu.
Tay biếu tay giao thúng trứng gà cho thằng nhỏ nhà thầy đồ, tôi dúi cho nó mẩu xôi rồi nhờ nó vào gọi ra ông anh cả. Lúc cắp nón đứng chờ bên hông cửa, không ít anh học trò ngang qua đã dừng lại chắp tay lễ chào. Tôi chả nhận ra ai, song cũng theo thói quen nhà buôn cười duyên chào lại, ôi lâu quá không gặp, bác nhớ ghé hàng em mua cho u nhà vài xấp lĩnh làm quà hiếu thảo bác nhé...
Gái hàng tằm duyên ngâm trong kén, tôi sinh ra đã có cái miệng ngọt ngào hay sắn nụ cười, các anh trò vì thế anh nào cũng vui vẻ hứa một hứa hai, mãi đến lúc thằng nhỏ chạy ào hô hoán thầy sắp ra, họ mới vội vã cáo từ. Chẳng là, các anh sợ thầy học thấy mình ve gái trước trường thì phải đòn ấy mà, còn không sớm tránh là va ngay phải vạ.
Tôi thở phào nhẹ nhõm quay sang thằng bé, lại được cho hay anh Cả đã sang Ẻn chạy việc giúp thầy. Trong lòng thất vọng, tôi cụp mắt ảo não quay về.
Thật thì tôi biết tiếng lão rất được lòng học trò nơi đây, hỏi bừa vài ông cũng ra tin tức. Hiềm nỗi tôi đã gần ra mười lăm, u đã nhiều lần dạy phải biết khép nép giữ mình. Ăn no rửng mỡ cứ đi hỏi tin trai, thiên hạ họ cười cho. Thế nên tôi cũng không dám bừa bãi.
Buổi chiều về đến mà thầy u vẫn chưa thấy, tôi thốt lên may quá, đoạn dặn mấy đứa em không được hé nửa cái răng. Hồi môn của chúng là do tôi lo, chúng phải nghe tôi một phép, đố mà dám cãi.
Thật ra, họ cấm tôi đi một mình cũng phải. Vì mấy năm gần đây, tôi đi đường lúc nào cũng cảm thấy có người theo mình. Nghĩ đấy chính là quỷ vong trong số kiếp, đành thôi mặc kệ. Nhưng hai cụ nhà thì thấp thỏm không thôi, báo hại tôi phải mấy phen cười xoà bảo chắc vì con đẹp quá trai làng theo đuôi cho qua chuyện.
Thật thì tôi cũng sợ, nhưng lại càng sợ không gặp được người ta...
Cất nón, tôi ngồi ngẩn ngơ nhìn cây gạo sau nhà, lát sau quyết định đào năm hũ hồi môn dưới gốc cây lên đếm.
Đáng ra, lão đã hẹn ngày vọng mỗi tháng sẽ sang đếm giúp tôi. Dẫu gì thì ba cái chuyện tính toán tôi dở ghê lắm, vượt qua mười ngón là tôi thua đứ đừ, chịu không sao đếm nữa. Trong hũ ngoài bạc còn có đồng xu và nữ trang, có dùng luôn ngón chân tôi cũng chẳng tính sao ra nổi.
Cầm lấy cái hũ nhẹ nhất vơi nhất, tôi đổ hết đồ bên trong ra đất rồi chia thành hai phần trút vào hai hũ bên rìa.
"Sao lại lấy phần của cô chia cho bọn nhỏ nữa rồi?"
Nhận ra giọng nói quen thuộc, tôi ngoái đầu toét miệng cười toe.
"A, bác Hai sang lấy áo đấy ạ? Lạy bác ạ!"
Lão gật đầu, vén vạt co chân ngồi xổm xuống bên cạnh tôi lặp lại câu hỏi vừa nãy.
Tôi chỉ còn biết chống cằm thở dài.
"Đành thôi bác ạ, sang năm là con Duyên cái Thắm cùng được mười ba rồi, sắp sửa có người sang hỏi tới nơi rồi. Hồi môn mà còn chưa có, nhà chồng họ cười cho."
"Thế cô Hai sang năm lên mấy?"
"Mười lăm ạ."
Cầm cái hũ trống không vừa bị tôi dốc cạn, lão quơ đến trước mặt tôi nói giọng bâng quơ.
"Mười ba thì có người sắp rước, thế mười lăm thì chuẩn bị đẻ đứa thứ hai chưa?"
Tôi đỏ mặt thầm mắng lão già rồi mà nết không nên, lại cứ đi chọc ghẹo con cháu. Dưới nách còn có đàn em thơ dại, bảo tôi đẻ là đẻ thế nào? Huống hồ, muốn lấy chồng cần có của hồi môn, tôi phải gom đủ cho đám gái nhà trước đã, chờ đến lượt mình chắc cũng bẻ gãy chục cái sừng trâu mất rồi.
"Vậy chứ cô toan trồng giá cả kiếp sao?" lão nhếch cười hỏi đểu, nhanh tay nút lại mấy hũ bạc rồi lật đáy lên khắc số lượng cho tôi.
"Cái bác này!" tôi phát nhẹ lên vai lão. "Bác lo cháu làm gì? Lo thân bác đi! Gấp ba lần tuổi cháu đấy mà còn chưa chịu rước cô nào...!"
Thấy lão không đáp mà chỉ cặm cụi vun đất, tôi nom thấy thương thương. U bảo vợ chồng là cái duyên số, người lão hẳn rất cạn số vô duyên, chứ sao đến tuổi này rồi mà vẫn phải ngậm ngùi chịu đời cô lẻ...?
"Hay là ra giêng, cháu giúp bác tìm một mối cho đỡ cô quạnh? Thật thì trên chợ có mấy cô hàng xáo hàng mật quá thì nom ra người xốc vác ghê lắm, khổ vì nhà lắm em nên đã trễ mất việc cưới xin, tính ra thì cũng đồng trang cùng lứa với bác-"
"Tôi không khiến cô!" lão đột nhiên gầm lên làm tôi nhảy thót. "Nhà đây đang thiếu nợ, đây không cần!"
Lão một nước đứng phắt dậy làm tôi mất điểm tựa ngã bệt ra đất. Giời đất, phải gió giật mông à? Tự dưng ông bác này cáu thế?
"Ơ... nhà bác Hai chẳng phải giàu lắm sao...? Tự dưng lại đổ nợ ạ...?"
Thân hình cao lớn cứ sừng sững ra đấy nhìn tôi rất lâu, lát sau chầm chậm đáp ừ.
Hoá ra là thế! Bảo sao từ hồi đầu năm đến giờ lại cứ đem áo sang đây nhờ tôi vá! Tôi đã bảo mà, vô sự ai đâu lại thế bao giờ...? Dù chưa bao giờ nghe anh Cả và thầy u nói qua, tôi cũng biết đại khái nhà lão có của ăn của để gọi là, it ra nhỏ lớn tôi chưa thấy lão mặc áo rách vá bao giờ. Thế mà đầu năm nay lại cứ lén lút đem manh áo rách sang gạ tôi khâu lại.
Còn bảo, khâu rồi lão sẽ trả công, đến khi lấy chồng lão sẽ giúp cho. Giúp tôi năm thúng xôi vò, ba con lợn béo, một vò rượu tăm. Giúp tôi đôi chiếu để nằm, đôi chăn để đắp, cặp chằm để đeo. Giúp tôi quan tám tiền cheo, quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau...
Đấy, hứa nhiều đến độ làm thành vè thơ bắt tôi thuộc nằm lòng luôn đấy.
Thế mà hoá ra... nhà người ta lại đang sa sút, tôi phận con cháu chẳng giúp thì thôi, lại còn vòi công với cả vòi quà...!
Cục nợ tôi đây hổ quá, vội vã gằm đầu thút thít.
"Thế... thế... cháu không lấy mớ của kia nữa, bác cứ đem áo sang cháu khâu, cháu chẳng lấy bác đồng nào nữa đâu...!"
Nói đoạn chạy ào vào nhà hăm hở lấy cái áo đã sớm vá xong nhét vào tay lão, thấy tay lão run run, nghĩ thương quá, lại chạy vào lôi tấm áo gấm vạn sáng nay mới may xong xếp vào mo cau cúi đầu đưa luôn.
"Áo này...?" giọng lão nâng lên đầy khấp khởi như trẻ con được quà.
"Áo lễ lên lão cháu may sẵn trước cho thầy cháu đấy ạ."
"..."
Thấy lão không ấm ứ gì, tưởng lão chê, tôi vội vã khoả lấp.
"Màu sắc hơi tối, nhưng nghĩ tuổi bác mặc cũng vừa rồi. Bác cứ cầm trước mà mặc lấy khước, thầy cháu chưa cần động đến đâu."
Lần đó xong, không biết có phải vì cảm động quá không, lão ta lại khuất mắt gần hơn hai tháng nữa.
Chuyến này tôi nghe Cả nói là lão theo thầy lên ngược buôn ngô, nghĩ là nhà lão hẳn đang cố sức làm lụng trả nợ đây, bèn cũng an tâm phần nào không lắng lo giùm nữa, tâm tịnh khí hoà qua ngày mà sống.
Tính ra, tôi là một cô gái rất nền đấy chứ. Kính lão đắc thọ, tôi thật đã ra hết tâm can.
Ngày qua ngày, tôi lại cắm đầu tích của cho em, sáng trưa ngồi ở hiệu tơ giúp thầy buôn bán. Năm nay thấy bọn Duyên, Thắm, Đượm, Nồng cũng đã lớn rồi, lại vào dịp anh Cả được về thăm, thầy liền ném luôn cửa hiệu cho một đám con thơ để về nhà trải ổ với vợ.
Thấy con Duyên bất bình, ông còn vỗ đầu nó khà khà cười nói, phải cho ông về, sang năm mới có thêm con hĩm để bồng bế chứ.
Nghe đến đây, anh Cả nhàn nhạt khinh bỉ hừ thầy, tay bồng tay cắp hai đứa nhỏ hơn ra gian sau dỗ ngủ, bỏ lại tôi đứng đó nẫu hết ruột gan lòng mề vẫy tay tiễn ông. Giời ơi, nữa hả? Lẽ nào số tôi đúng là phải bám mãi trên vách hàng tơ để lo của cho em?
Hai đứa Thắm Duyên đổ ra mếu máo chạy đến lắc lắc tay tôi. Cơ mà tôi cũng chịu thôi, thầy u cứ muốn "nặn" nợ thì tôi can thế nào cho được...?
"Sao Hai không đấu tranh đi chứ? Cứ cái đà này, Hai tính ngồi đây bày tơ bán vải suốt đời hay sao...?" con Duyên nhì nhèo hỏi.
"Thì cũng có sao?" tôi cười tủm vuốt vuốt đầu nó. "Đằng nào thì cũng chẳng ma nào thèm lấy chị đâu."
Đến đây thì chợt có tiếng ai đó ho lên một thôi đằng đầu cửa tiệm. Sợ người ngoài nghe được cuộc chuyện nhà mình lại đi rêu rao, tôi hạ giọng đùa khẽ với em.
"Chị mày có căn tu thấm cốt, mày không biết hả?"
Con Thắm khịt mỗi chen vào. "Hai điêu vừa thôi, năm rồi Hai chẳng đã nói đấy là thằng phải gió nào ác mồm trù dập Hai, chứ mặt Hai lên non tu chắc thú rừng xuống núi hết?"
Lại có tiếng ho nhẹ vang vào, tôi mặc kệ cứ ngồi ngẩn ra nhớ lại. Ừ, hình như tôi có nói thế thật. Con này thế mà dai óc ghê.
"Hai nói thật đi, Hai là thế nào?" con Thắm đột nhiên trầm giọng. "Bọn em cũng chẳng còn ít tuổi, Hai đừng hòng giấu."
Tôi vuốt ve gương mặt của hai đứa em thơ, thở dài bất lực.
"Dạo này vía chị mày hình như lại bay thêm một mảy, đám khách quen nhiều năm cũng không nhận mặt nổi nữa rồi. Nếu sau này đến mặt chồng còn không nhận ra, sợ là tương lai chỉ thành gánh nặng. Thôi thì khỏi gả, ở nhà nuôi nợ cho thầy u hết đời..."
Con Thắm nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi, con Duyên mắt lệ rưng rưng muốn khóc đến nơi. Thật tình thì chúng cũng chưa đủ lớn để hiểu chị chúng bị gì, nhưng thầy và u lúc nào cũng bảo chẳng qua vía tôi nhẹ hơn con người ta chút, cứ giữ tôi trong nhà ngoài tiệm đừng cho bị kẻ lạ lừa mất thì chẳng chi đâu mà sợ.
Mà thật, lúc nhỏ cùng nhau về nhà tổ, tôi lúc nào cũng bám dính thầy u như cái lẹo mắt mãi không chịu rụng. Mấy đứa trẻ trong họ đều nghĩ dung mạo tôi giống thầy thuở xưa nên sinh ngạo sinh kiêu, mắt mọc trên đầu như quả dứa xanh chua lè chua loét. Suốt một thời gian dài chẳng ai thèm chơi với tôi cả. Mãi đến lên năm, có đợt nhận nhầm người xấu là thầy, suýt chút bị bắt đem đi, cà nhà mới vỡ ra tôi không phân biệt được mặt người dù chẳng mù đui sứt sẹo.
Chuyến ấy cả nhà bị một phen chấn động. Thầy u sợ tôi bị ma che mắt, nửa đêm lén lút đưa tôi lên chùa cầu sư thầy cứu chữa. Vật vã kinh kệ chán chê, tôi quay về làng với mấy chuỗi tràng hạt trên cổ và tay. Các sư thầy bảo tôi thiếu vía, hồn dễ sứt lìa, đẻ ra đã vương kiếp số không may, hồn vía càng về sau càng sẽ bay đi, lúc già dễ chừng sẽ bị vong ốp phát rồ phât dại, đời này đã định không con không cháu, không cách nào hoá giải.
U tôi khóc hết nước mắt, thầy mời hết đủ loại mo sư đạo sĩ, giằng co gần nửa năm trời mới chấp nhận ý trời khó tránh.
Mà thật, tránh không được thì gánh thôi, tôi sợ vào.
Thứ duy nhất tôi sợ, là trở thành cục nợ nặng gánh cho người xung quanh.
Thế nên, tôi cũng bô bô cái mồm đòi lấy chồng cho yên lòng các cụ mà thôi, chứ sâu trong lòng đã thầm quyết tâm đời này đi buôn dưa giá phụng dưỡng thầy u đến già.
Thấy hai con hĩm nhà cứ liên tục thút tha thút thít, tôi bắt đầu thấy hơi hối hận khi đã nói ra lời thật. Sức chịu tai thấp thế này, mới có chút giông đã mắt hồng mắt đỏ, sau này bão táp mưa sa thì gánh sao nổi hả em tôi ơi...?
Thế là để dỗ nính chúng nó, tôi đành ngoác cười bịa bừa chuyện đang để mắt anh hàng thịt cụt chân cuối chợ, còn bảo cụt thế xứng với tôi quá còn gì, ít nhất trong vòng trăm dặm quanh đây, chẳng có anh thứ hai bị cụt, tôi sẽ chẳng lo ông chồng bị mình nhầm nhọt đạp bay xuống giường.
Nói đến đây thì bên hông cửa tiệm lại phát ra tiếng người sặc sụa ho khan. Sợ khách mình bị bụi vải làm gay mũi, tôi bảo cái Duyên đưa chén chè cho người ta nhuận giọng. Thế nhưng con bé chạy ra rồi vào lại ngay, nó bảo gã kia đã bỏ đi mất rồi.
Tiếc mất mối khách, tôi phóng ra ngoài toan đuổi theo chèo kéo, lại chỉ kịp trông thấy cái bóng thất thểu mờ mờ khuất xa.
Chả hiểu sao lại trông quen đến lạ.
.
Đợt đi buôn trở về lần ấy, lão vác một bên tay bỏng rộp ôm theo mứt quà đến nhà thăm anh Cả.
Nhìn thấy vết bỏng kéo dài suốt từ vai xuống cổ tay lão, tôi lập tức oà ra bật khóc. Ôi chao! Ai lại nỡ lòng ác ôn với người cao tuổi thế này?
Nghe tôi thổn thức đến đây, tay lão bỗng đâu run rẩy, chắc là băng siết quá chặt, nên thốn.
Không đợi ai nhắc, tôi lăng xăng sà vào giúp lão nới băng. Thầy u về đến nhìn cũng phải xót thay.
"Thế này thì cậu Gánh đây đeo sẹo cả đời," thầy tôi tặc lưỡi bình phẩm. "Xấu chết được!"
U và anh Cả đồng loạt trợn mắt nhìn thầy. Xem ai đang nói thế kia?
Loay hoay một lúc ông bà cũng dắt nhau vào buồng, bỏ bọn hậu bối chúng tôi ở lại, trước khi rời đi u tôi còn dịu dàng ủ cho lão và anh Cả một ấm chè đắng giải độc phong. Bà cười rất từ ái xoa đầu tôi nói khẽ, hay thế, sau này không sợ nhìn nhầm anh Gánh nữa rồi.
Tôi trợn mắt đầy hoảng hốt ra dấu cho bà mau mau vào trong. Giời ạ, ai cũng được, duy có lão là tôi không muốn để biết việc tôi bị ma quỷ quấn mình đâu! Tôi đã thành công giếm lâu vậy mà...!
Chừng một tuần sau, tôi theo u gánh hàng về thì thấy đồ lễ bày la liệt trước hiên. Kỹ lưỡng xem lại, hoá ra là mớ của hồi môn trong cái bản thơ vè dài dặc của lão chứ đâu, quả thật không thiếu một món. U tôi nhìn một lượt rồi thở dài không cho tôi vào trong, dặn tôi đừng phiền thầy mày đấu tranh trong ấy.
Tôi cũng chịu không biết ông cụ đấu cái gì, chỉ biết chập tối lùa lợn vào chuồng xong thì đã thấy lão chầm chậm bước ra, dáng đi có phần thẫn thờ, mệt mỏi.
"Nhà bác Hai dứt nợ rồi ạ?" tôi hồ hởi hỏi khi tiễn lão rời ngõ.
Lão lắc đầu, miệng lẩm bẩm, dứt được mới lạ.
Tôi nghe mà dậm chân lo lắng. "Thế bác còn mua lễ cho cháu làm gì? Cứ để đó trả nợ đã chứ?"
"Trả chẳng hết đâu," lão lơ đãng phẩy tay, khoé môi hơi chênh chếch. "Thiếu cũng đã gần mươi năm chứ ít ỏi gì..."
Tôi chả hiểu gì, nhưng ai bảo tôi trẻ người non dạ chứ, hiểu được người già mới lạ ý. Chỉ thấy cái óc đều đang rất não nề mà không hiểu nguyên do, miệng mấp máy ngâm nhỏ hai câu tằm tơ trăm sầu thường hát.
Phía sau tôi, thể theo cái thú dở đời của mấy ông có học, lão vừa đủng đỉnh bước vừa khe khẽ ngâm theo vài câu than thở gọi là.
"Kiếp này trả nợ cho xong!
Làm chi để nợ một chồng kiếp sau?
Kiếp sau ai biết mấy nao?
Ra giêng tôi trả một bao tấm chồng...!"
Gió đêm làm tôi ngáp dài. Ôi dào, chả trách lão năm xưa đường công danh chẳng toại, rốt cục cũng chỉ qua được kỳ thi hương, thơ thẩn nó cứ lẩn thẩn quanh co thế kia cơ mà...!
___________________
Nữ chính bị một loại bệnh gọi là "mù mặt" nha mọi người, hem phải có bàn tay quỷ thần quậy máu tró gì ở đây như ba nó đâu nha. Chẳng là ngày xưa chưa biết thì ông bà cứ cho là đàn bà nhẹ dạ dễ bị bắt vía thui. ^^
Bệnh này cũng mới được phổ biến thông tin gần đây thôi, người bệnh bị lỗi ở não bộ nên không nhớ được mặt mũi đối phương, không ảnh hưởng trí nhớ hay thần kinh gì hết. Bệnh này trở nặng sẽ khiến cho một số người lầm luôn người thành đồ vật, hiện chưa có phương pháp chữa trị hiệu quả, đừng nói là ngày xưa, nên có cho là bất trị cũng không sai.
Vì không biết đó là bệnh, và bản thân cái bệnh mang tính liêu trai quá đi nên ba mẹ nữ chính cũng chỉ nhờ sư thầy chứ không cầu thầy lang chạy chữa, hem phải ngu si đi làm chuyện ruồi bu nha mấy chế. 😂😂
Truyện khác cùng thể loại
78 chương
29 chương
20 chương
30 chương
10 chương
22 chương
171 chương