KHÔNG AI NÓI GÌ Tôi có thể nghe tiếng họ ngoài bếp. Không nghe rõ họ nói gì, nhưng tôi biết họ đang cãi nhau. Rồi đột nhiên im lặng và mẹ bắt đầu khóc. Tôi thúc tay vào người George. Tôi tưởng nó sẽ thức dậy nói gì đó với họ để họ cảm thấy tội lỗi mà thôi đi. Nhưng George thật sự là một con lừa. Nó đạp chân và càu nhàu. “Mày có thôi chọt tao không, thằng chó,” nó nói. “Tao nói cho mày biết!” “Thằng ngu,” tôi nói. “Mày có khôn lên một lần được không? Họ đang cãi nhau và mẹ khóc kìa. Nghe đi.” Nó lắng nghe, đầu trượt khỏi gối. “Tao đếch quan tâm,” nó nói và quay vào tường ngủ tiếp. George là một con lừa thượng hạng. Lúc sao tôi nghe tiếng bố ra khỏi nhà bắt xe buýt. Ông đóng sầm cửa trước. Mẹ đã từng bảo tôi ông muốn làm tan nát cái gia đình này. Tôi không muốn nghe. Một lúc sau mẹ vào phòng gọi chúng tôi dậy đi học. Giọng mẹ nghe buồn cười – tôi không biết nữa. Tôi nói tôi thấy đau bụng. Đó là tuần đầu tiền của tháng Mười và tôi chưa nghỉ học ngày nào, vậy thì mẹ có thể nói gì? Mẹ nhìn tôi, nhưng cứ như bà đang nghĩ ngợi chuyện gì khác. George đã thức giấc và lắng nghe. Tôi biết nó đã thức, bằng cái kiểu nó ngọ nguậy trong giường. Nó đang chờ xem kết quả thế nào để còn tính kế. “Thôi được.” Mẹ lắc đầu. “Mẹ chẳng biết thế nào. Vậy thì ở nhà. Nhưng không được bật ti vi, nhớ đấy.” George nhổm dậy. “Con cũng ốm,” nó nói với mẹ. “Con nhức đầu. Nó chọt, đạp con cả đêm. Con không ngủ được tý nào.” “Đủ rồi!” mẹ nói. “Con phải đi học, George! Con không được ở đây cãi nhau với em con cả ngày. Bây giờ dậy mặc quần áo. Dậy ngay. Sáng nay mẹ không muốn có thêm một trận chiến nữa đâu.” George đợi đến khi mẹ ra khỏi phòng. Rồi nó trèo ra phía chân giường. “Thằng chó,” nó nói và giật chăn khỏi người tôi. Nó lỉnh vào phòng tắm. “Tao giết mày,” tôi nói, không quá to để mẹ khỏi nghe. Tôi nằm trong giường cho đến lúc George đi học. Khi mẹ chuẩn bị đi làm, tôi xin mẹ trải chỗ nằm cho tôi trên sofa. Tôi nói tôi muốn học bài. Trên bàn uống trà tôi để mấy cuốn sách của Edgar Rice Burroughs. Nhưng tôi chả có hứng đọc sách. Tôi muốn mẹ đi làm để tôi còn coi ti vi. Mẹ giật nước toa lét. Tôi không thể chờ thêm được nữa. Tôi bật ti vi lên mà không mở tiếng. Tôi đi ra bếp chỗ mẹ để gói thuốc rút ba điếu. Tôi giấu chúng trong tủ ly, quay lại sofa và bắt đầu đọc cuốn Công chúa sao Hỏa. Mẹ đi ra liếc qua ti vi nhưng không nói gì. Tôi để mở cuốn sách. Mẹ chải tóc trước gương rồi đi vào bếp. Khi mẹ đi ra tôi nhìn xuống sách. “Mẹ muộn rồi. Bye con.” Mẹ không nhắc nhở gì đến chuyện ti vi. Đêm qua mẹ bảo mẹ không còn hình dung được đi làm mà không bị “quậy” là như thế nào nữa. “Đừng nấu nướng gì nhé. Con không cần phải bật bếp lên làm gì. Nếu con đói thì có cá ngừ trong tủ lạnh.” Mẹ nhìn tôi, “Nhưng con đang đau bụng, mẹ nghĩ con không nên ăn. Dù gì thì con không cần phải bật bếp. Nghe chưa? Con uống viên thuốc đỏ đi, con trai, mẹ hy vọng đến tối bụng con sẽ ổn hơn. Có khi đến tối cả nhà đều thấy ổn hơn.” Mẹ đúng ở lối ra vào vặn quả đấm. Trông mẹ như thể định nói gì khác. Mẹ mặc áo trắng, thắt lưng đen rộng bản, váy đen. Khi thì mẹ bảo đó là đồ đi chơi, khi thì mẹ bảo đó là đồng phục. Trong chừng mực tôi còn nhớ được, nó luôn luôn được treo trong tủ hoặc trên dây phơi, hoặc được giặt tay vào ban đêm hoặc được ủi trong bếp. Mẹ đi làm từ thứ Tư đến Chủ nhật. “Bye mẹ.” Tôi chờ mẹ khởi động xe và làm nóng máy. Tôi nghe tiếng mẹ đánh xe khỏi lề đường. Rồi tôi ngồi dậy vặn ti vi to lên và đi lấy thuốc. Tôi hút một điếu và vừa xóc lọ vừa xem một show về bác sĩ và y tá. Rồi tôi bật sang kênh khác. Rồi tôi tắt ti vi. Tôi chả có hứng xem ti vi. Tôi đọc xong chương trong đó Tars Tarkas đổ vì một cô ả da xanh, chỉ để rồi sáng hôm sau thấy cô ta bị gã anh rể ghen tuông ấy chặt đầu. Đây phải là lần thứ năm tôi đọc cuốn này. Rồi tôi vào phòng ngủ bố mẹ ngó nghiêng. Tôi không định tìm kiếm một thứ gì cụ thể trừ khi đó lại là bao cao su và mặc dù đã nhìn khắp song tôi chưa bao giờ thấy cái nào. Có lần tôi thấy một lọ Vaseline nằm sâu trong ngăn kéo. Tôi biết chắc nó phải liên quan gì đến chuyện đó, nhưng tôi không biết là gì. Tôi ngắm nghía cái nhãn, hy vọng nó sẽ tiết lộ điều gì đó, chẳng hạn mô tả người ta làm gì, hay là cách dùng nó như thế nào, đại khái vậy. Nhưng chẳng có gì hết. Gel Dầu Mỏ Tinh Khiết, trên nhãn đằng trước chỉ có vậy. Nhưng chỉ đọc nhiêu đó cũng đủ để cậu nhỏ của tôi ngóc đầu dậy. Một Trợ Thủ Xuất Sắc Ở Nhà Trẻ - nhãn phía sau ghi như vậy. Tôi cố hình dung ra mối liên hệ giữa Nhà Trẻ - xích đu và cầu tuột, bãi cát và vòng treo – và cái diễn ra giữa họ trên giường. Tôi đã mở cái lọ này nhiều lần, ngửi bên trong và nhìn xem nó vơi đi bao nhiêu kể từ lần trước. Lần này tôi bỏ qua lọ Gel Dầu Mỏ Tinh Khiết. Ý tôi là, tôi chỉ ngó qua để xem cái lọ còn ở đó không. Tôi lục vài ngăn kéo khác, không thật sự mong đợi sẽ tìm thấy gì. Tôi ngó dưới gầm giường. Không có cái gì ở chỗ nào hết. Tôi nhìn vào cái hộp trong tủ quần áo chỗ họ để tiền chợ. Không có tiền lẻ, chỉ có một tờ năm đồng và một tờ một đồng. Họ sẽ để ý mấy đồng đó. Rồi tôi nghĩ sẽ thay đồ và đi bộ ra suối Birch. Mùa cá hồi đã bắt đầu từ cách đây một hai tuần, nhưng hầu như mọi người không còn đi câu cá nữa. Mọi người bây giờ chỉ ngồi chờ đến mùa săn hoẵng và gà lôi. Tôi lấy bộ quần áo cũ ra. Tôi mang vớ len ra bên ngoài vớ thường và hí hoáy buộc dây đôi bốt. Tôi làm mấy cái bánh mỳ kẹp cá ngừ và mấy cái bánh quy bơ đậu phộng hai lớp. tôi lấy nước đầy bình rồi giắt con dao săn và bình nước vào thắt lưng. Khi chuẩn bị ra cửa, tôi quyết định để lại vài dòng. Thế là tôi viết: “Đã cảm thấy khỏe hơn nên đi ra suối Birch. Sẽ về sớm. Kh. 3:15.” Tức là khoảng bốn tiếng kể từ bây giờ. Và khoảng mười lăm phút trước khi George đi học về. Trước khi đi, tôi ăn một cái bánh mì kẹp, chiêu bằng một ly sữa. Bên ngoài trời đẹp. Bây giờ là mùa thu. Nhưng trừ buổi tối thì trời không lạnh. Buổi tối người ta hun khói trong những vườn cây ăn quả và sáng dậy mũi bạn sẽ đen thui. Nhưng không ai nói gì hết. Người ta nói hun khói sẽ giúp được những trái lên non khỏi bị cóng, cho nên vậy cũng được. Để tới suối Birch, bạn phải đi hết đường nhà chúng tôi, tới đó bạn sẽ gặp đường số 16. Bạn rẽ trái ở đường số 16, đi lên đồi, băng qua nghĩa trang xuống khu Lennox nơi có một tiệm ăn Tàu. Từ ngã tư bạn có thể nhìn thấy sân bay, suối Birch nằm ngay kế sân bay. Và từ ngã tư, đường số 16 đổi thành đường View. Bạn đi một đoạn dọc đường View cho đến khi gặp cây cầu. Hai bên đường có các vườn quả. Đôi khi đi ngang những vườn quả bạn có thể thấy vài con gà lôi chạy dưới các hàng cây, nhưng bạn không được săn chúng vì bạn có thể bị một gã Hy Lạp tên Matsos bắn. Tôi áng chừng mất bốn chục phút đi bộ cả thảy. Tôi đi được nửa đường 16 thì một phụ nữ chạy chiếc xe màu đỏ ghé lại trước mặt tôi. Cô hạ kính phía bên khách xuống hỏi tôi có muốn đi nhờ không. Cô gầy, quanh miệng có mụn nhỏ. Tóc cô xoăn phồng lên. Nhưng trông cô khá ngon. Cô mặc áo thu màu nâu, ngực đẹp. “Trốn học à?” “Chắc vậy.” “Đi ké không?” Tôi gật. “Vào đi. Chị đang vội.” Tôi bỏ cần và giỏ đựng cá lên ghế sau. Trên sàn xe và ghế sau có đầy những túi đựng hàng của tiệm Mel. Tôi cố nghĩ ra gì đó để nói. “Em đi câu cá,” tôi nói. Tôi bỏ mũ ra, hất bình nước sang bên để ngồi xuống, ngồi sát cửa kính. “À, chị sẽ chẳng bao giờ đoán ra”. Cô cười. Cô lái xe đi tiếp. :Em đi đâu? Suối Birch hả?” Tôi lại gật. Tôi nhìn cái mũ của tôi. Chú tôi đã mua nó cho tôi khi chú đã đi xem 1 trận hokey ở Seattle. Tôi không nghĩ ra gì thêm để nói. Tôi hóp má lại, ngó ra cửa sổ. Bạn luôn luôn hình dung ra bạn được cô gái này tán tỉnh. Bạn biết hai người sẽ khoái nhau và cô nàng sẽ đưa bạn về nhà và mặc cho bạn đè cô ấy khắp nhà. Nghĩ về chuyện đó là cậu nhỏ của tôi bắt đầu ngóc dậy. Tôi nhích mũ che đùi lại, nhắm mắt và cố nghĩ về bóng chày. “Chị cứ nói là một ngày nào đó chị sẽ đi câu,” cô nói. “Nghe nói đi câu thư giãn lắm. Chị là người hay căng thẳng.” Tôi mở mắt. Chúng tôi dừng ở ngã tư. Tôi muốn nói, Chị có bận lắm không? Chị có muốn bắt đầu từ sáng nay? Nhưng tôi không dám nhìn cô. “Có đỡ cho em một quãng không? Chị phải rẽ ở đây. Tiếc là sáng nay chị có việc vội,” cô nói. “OK ạ. Tốt rồi.” Tôi lấy đồ ra. Rồi tôi đội mũ lên và lại bỏ mũ ra khi nói. “Bye. Cám ơn. Có thể mùa hè tới,” nhưng tôi không thể nói hết câu. “Ý em là đi câu cá? Dĩ nhiên.” Cô vẫy bằng mấy ngón tay cái kiểu mà phụ nữ hay vẫy. Tôi bắt đầu cuốc bộ, nhẩm lại những điều lẽ ra tôi phải nói. Tôi có thể nghĩ ra rất nhiều thứ. Tôi bị làm sao thế? Tôi vụt cái cần vào không khí và huýt sáo hai hay ba lần. Điều mà lẽ ra tôi phải làm để mào đầu là mời cô ấy ăn trưa. Ở nhà tôi đang không có ai. Đột nhiên tôi thấy chúng tôi nằm dưới chăn trong phòng của tôi. Cô ấy hỏi liệu cô không cởi áo có được không và tôi bảo tôi OK. Cô ấy cũng không cởi quần. Vậy cũng được, tôi nói. Tôi không thấy phiền gì. Một chiếc Piper Cup sà thấp qua đầu tôi để chuẩn bị hạ cánh. Tôi chỉ cách cây cầu vài mét. Tôi đã nghe tiếng nước chảy. Tôi phóng xuống bờ suối, mở khóa quần, và câu vổng một mét rưỡi qua suối. Đó hẳn là một kỷ lục. Tôi thong thả chén cái sand-wich còn lại mà mấy cái bánh quy phết bơ đậu phộng. Tôi uống một nửa chỗ nước trong bình. Tôi đã sẵn sàng câu cá. Tôi cố nghĩ xem nên bắt đầu từ chỗ nào. Tôi đã câu ở đây được ba năm, kể từ khi chúng tôi chuyển đến. Bố từng mang George và tôi theo xe, đợi bọn tôi, hút thuốc, mắc mồi vào lưỡi câu, sắp xếp bộ cần mới cho chúng tôi nếu chúng tôi câu được cá. Chúng tôi luôn luôn bắt đầu từ cây cầu này và di chuyển dần xuống, và chúng tôi luôn luôn câu được cá. Có khi, ngay ngày đầu tiên của mùa câu, chúng tôi đã câu được hết hạn mức cho phép. Tôi bày đồ nghề ra rồi thử quăng câu vài lần dưới gầm cầu trước. Có mấy lúc tôi quăng câu ngay dưới bờ hoặc không thì cũng rơi vào sau một tảng đá to. Nhưng chẳng có gì xảy ra. Ở một chỗ nước đọng dưới đáy đầy lá vàng, tôi nhìn kỹ thấy mấy con tôm đang bò, giương những cái càng to tướng xấu xí lên. Mấy con chim cuốc lủi ra khỏi bụi cây. Khi tôi ném một cái que, một con gà lôi trống nhảy lên kêu oang oác cách chừng ba mét khiến tôi suýt đánh rơi cần. Con suối nông và không rộng lắm. Tôi có thể lội qua bất cứ đoạn nào mà nước không tràn vào bốt. Tôi băng qua một bãi cỏ đầy phân bò, đến một chỗ nơi nước chảy ra từ một cái cống to. Tôi biết có một cái hốc nhỏ bên dưới cống nên rất thận trọng. Tôi quỳ xuống, cúi gần để thả dây câu. Chỉ vừa chạm nước thì cần đã giật, nhưng tôi đã để sảy con cá. Tôi có cảm giác nó đã kéo dây theo. Rồi nó thoát và dây trôi trở lại. Tôi mắc một trứng cá hồi khác và thử thả câu vài lần nữa. Nhưng tôi biết mình đã xúi quẩy. Tôi lên bờ và chui qua hàng rào có bảng đề TRÁNH XA trên cột. Một trong những đường băng của sân bay bắt đầu từ đây. Tôi dừng lại ngắm đám hoa mọc trên những khe nứt của vỉa hè. Có thể nhìn thấy những vệt bánh xe cán lên vỉa hè để lại những vết nhơm nhớp xung quanh đám hoa. Tôi gặp lại con suối từ bờ bên kia và thả câu dọc theo suối cho đến tới chỗ cái hốc. Tôi đồ chừng chỉ có thể đi đến đây là xa nhất. Cách đây ba năm khi lần đầu tiên lên đến chỗ này, dòng nước gầm gào lên tận mép bờ. Nó chảy quá xiết nên tôi không thể câu được. Bây giờ thì mực nước suối thấp hơn bờ những gần hai mét. Nước sủi bọt nhảy nhót trong khúc suối hẹp sát mép vực này, nơi hầu như không thấy đáy. Xa hơn một chút, lòng suối dốc lên rồi lại phẳng đi như thể chẳng có gì xảy ra. Lần cuối cùng tới đây tôi câu được hai con dài chừng phần tư mét và sảy mất một con phải to gấp đôi – một con cá hồi đầu thép [1] , bố bảo thế khi nghe tôi kể về nó. Bố nói chúng bơi ngược dòng những khi nước dâng cao vào đầu mùa xuân nhưng hầu hết quay về sông trước mùa cạn. [1]:Nguyên văn: “summer steelhead”, một loại cá thuộc họ cá hồi, nhưng rất to. Tôi nối thêm hai đoạn nữa vào dây câu và dùng răng cột chúng. Rồi tôi móc một cái trứng cá hồi tươi vào và quăng ra chỗ bậc nước đổ vào vực. Tôi mặc cho dòng chảy cuốn nó đi. Tôi cảm thấy cục chì giật giật khi va vào đá, một kiểu giật khác với kiểu giật khi cá cắn câu. Rồi sợi dây căng ra và dòng chảy cuốn cái trứng mất hút xuống cuối vực. Tôi cảm thấy chán đời khi đi xa đến thế này mà chẳng được gì. Lần này tôi lôi ra mọi loại dây ra và quăng lần nữa. Tôi gác cần lên một nhánh cây và đốt điếu thuốc thứ hai. Tôi nhìn lên phía thung lũng và bắt đầu hình dung về cô gái. Chúng tôi đã đến nhà cô vì cô nhờ tôi mang hộ mấy túi đồ ăn. Chồng cô đang ở nước ngoài. Tôi chạm vào người cô khiến cô bắt đầu run rẩy. Chúng tôi đang mút lưỡi nhau trên sofa thì cô xin phép đi vào buồng tắm. Tôi đi theo cô. Tôi nhìn cô tụt quần xuống ngồi lên toa lét. Cậu nhỏ của tôi ngóc đầu lên cứng ngắc khi cô vẫy tôi lại. Ngay khi tôi bắt đầu kéo khóa quần xuống, tôi nghe một tiếng phựt trong dòng suối. Tôi ngó ra và thấy đầu cần câu rung nhè nhẹ. Cu câu không to lắm và cũng không chống cự nhiều. Nhưng tôi vờn nó thật lâu. Nó lật nghiêng ra nằm trong dòng chảy phía dưới. Tôi không biết nó là cá gì. Trông nó lạ. Tôi thu dây lại nhấc nó lên bờ cho nằm trên đám cỏ, nó bắt đầu giãy đành đạch. Nó là một con cá hồi. Nhưng nó màu xanh lá cây. Tôi chưa từng thấy con cá nào giống như vậy. Hai bên lườn nó xanh có những chấm đen của cá hồi, một cái đầu xanh nhạt, và một cái bụng cũng hơi xanh. Nó có màu của rêu. Như thể nó được gói trong rêu một thời gian dài khiến rêu dính khắp người nó. Nó khá to khiến tôi băn khoăn sao nó không chống cự nhiều hơn. Tôi không biết nó có ổn không. Tôi nhìn nó một lúc nữa, rồi giúp cho nó thoát khỏi đau đớn. Tôi bứt mấy cọng cỏ cho vào trong giỏ đựng cá và đặt nó vào, trên nắm cỏ. Tôi quăng câu vài lần nữa, rồi tôi áng chừng lúc đó đã phải hai hay ba giờ chiều. Tôi nghĩ tốt hơn là phải di chuyển lại về phía cây cầu. Tôi nghĩ bụng sẽ câu dưới gầm cầu một lúc nữa trước khi về nhà. Và tôi quyết định sẽ chờ đến đêm rồi mới nghĩ về cô gái kia nữa. Nhưng ngay lập tức cậu nhỏ tôi lại ngóc đầu dậy khi tôi nghĩ về cú ngóc đầu mà đêm đó tôi sẽ có được. Rồi tôi nghĩ tốt hơn là đừng làm cái trò này quá nhiều. Cách đây chừng một tháng, một ngày thứ Bảy khi mọi người đều đi vắng, tôi vớ lấy cuốn Kinh Thánh ngay sau khi làm xong, hứa và thề thốt rằng tôi sẽ không làm trò đó nữa. Nhưng tôi làm vấy sữa đục vào cuốn Kinh Thánh, và những hứa hẹn thề thốt chỉ kéo dài một hai ngày, cho đến lúc tôi lại ở một mình. Trên đường về tôi không thả câu. Khi tới cây cầu, tôi nhìn thấy một chiếc xe đạp trên đám cỏ. Tôi thấy một thằng nhóc vóc người cỡ bằng George chạy dọc theo bờ suối. Tôi chạy theo nó. Rồi nó quay lại và vừa chạy về hướng tôi vừa nhìn xuống nước. “Ê, cái gì đó!” tôi réo. “Làm sao đấy?” tôi đồ chừng nó chẳng nghe tôi. Tôi thấy cái cần và túi đi câu của nó bỏ trên bờ, bèn vứt đồ của tôi xuống. Tôi chạy lại chỗ nó. Trông nó giống như một con chuột hay đại loại vậy. Răng nó vẩu, cẳng tay khẳng khiu, còn cái áo sơ mi tay dài tả tơi thì quá bé so với nó. “Chúa ơi, tao thề có một con cá bự nhất ở đây mà tao từng thấy!” nó kêu. “Nhanh! Nhìn! Nhìn đây này! Đây nó đây!” Tôi nhìn chỗ nó chỉ và tim tôi đập thình thích. Nó phải dài bằng cả cánh tay tôi. “Chúa, ôi Chúa, mày nhìn nó đi!” thằng nhóc nói. Tôi nhìn chăm chú. Nó đang nằm nghỉ trong bóng mát dưới một nhánh cây sà trên mặt nước. “Chúa toàn năng,” tôi nói với con cá, “mày từ đâu ra thế hả?” “Mình làm gì đây?” thằng nhóc nói. “Ước gì tao mang theo súng.” “Mình sẽ bắt nó,” tôi nói. “Chúa ơi, nhìn nó kìa. Lùa nó ra chỗ nước cạn đi.” “Vậy mày giúp tao nhé? Tụi mình hợp tác!” thằng nhóc nói. Con cá to đã bơi xuôi dòng thêm vài mét và nằm đó lờ lững ở đoạn nước trong. “OK, mình làm gì bây giờ?” thằng nhóc nói. “Tao đi lên đầu kia rồi lội xuống suối lùa nó đi,” tôi nói. “Mày đứng ở chỗ bãi cạn, khi nào nó bơi ngang thì mày đá cho nó phọt cứt ra. Làm thế nào để đưa nó được lên bờ thì làm, kiểu gì cũng được. Rồi ôm chặt lấy nó và đợi ở đó.” “OK. Ồ, cứt thật, nhìn nó kìa. Nhìn kìa, nó đang bơi đi. Nó bơi đi đâu?” thằng nhóc gào lên. Tôi dõi theo con cá bơi ngược dòng rồi dừng lại gần bờ. “Nó không đi đâu được hết. Chẳng có chỗ nào cho nó đi. Thấy nó không? Nó sợ vãi tè rồi. Nó biết mình ở đây. Bây giờ nó chỉ bơi lòng vòng tìm xem có chỗ thoát không thôi. Thấy chưa, nó lại dừng rồi. Nó không đi đâu được hết. Nó biết vậy. Nó biết mình sắp sửa tóm nó. Nó biết là nó sắp toi rồi. Tao sẽ lên đằng kia dọa cho nó xuống. Mày vớ lấy nó khi nó bơi ngang nhé.” “Ước gì tao có súng,” thằng nhóc nói. “Có súng tao sẽ cho nó biết mùi,” thằng nhóc nói. Tôi đi lên một đoạn, rồi bắt đầu lội xuôi dòng. Tôi ngó chừng đằng trước trong khi lội. Đột nhiên con cá vụt ra khỏi bờ, quay ngoắt ngay trước mũi tôi làm tung xoáy nước bạc, rồi vút xuôi theo dòng. “Nó tới đó!” tôi hú. “Ê, ê, nó tới đó.” Nhưng con cá lượn vòng trước khi tới bãi cạn và quay đầu lại. Tôi vừa đập nước tung tóe vừa hú hét khiến nó lại quay đầu. “Nó tới đó! Tóm lấy nó, tóm lấy nó! Nó tới đó!” Nhưng thằng ngu đó đã kiếm được một cây gậy, thằng con lừa, và khi con cá tới chỗ bãi cạn, thay vì cố đá văng con quỷ đó lên bờ như lẽ ra nó phải làm, nó lại vụt gậy vào con cá. Con cá vuột khỏi, nổi khùng, lướt một bên lườn qua bãi cạn. Nó thoát. Thằng nhóc ngu dốt cố chộp nó và ngã sóng soài. Nó lóp ngóp lội lên bờ, người ướt sũng. “Tao đập trúng nó!” thằng nhóc reo lên. “Chắc là nó cũng dính đòn. Tao chộp trúng nó rồi, nhưng không giữ được.” “Mày chẳng làm được gì hết!” tôi hổn hển. Tôi mừng vì thằng nhóc đã ngã xuống nước. “Thậm chí mày còn không lại gần được nó, con lừa ạ. Mày cầm cái gậy đó làm gì? Lẽ ra mày phải đá nó. Bây giờ thì nó đã bơi đi cả cây số rồi.” Tôi cố phun nước bọt. Tôi lắc đầu. “Tao không biết. Mình chưa tóm được nó. Chắc mình sẽ không tóm được nó,” tôi nói. “Mẹ kiếp, tao đập trúng nó!” thằng nhóc gào lên. “Mày có thấy không? Tao đập trúng nó, tay tao còn chạm vào người nó. Mày đến gần nó được chừng nào chưa? Chưa kể, đây là con cá của ai?” Nó nhìn tôi. Nước chảy từ quần xuống giày nó. Tôi không nói gì thêm, nhưng tự tôi cũng nghĩ về chuyện đó. Tôi nhún vai. “Hừ, thôi được. Tao nghĩ nó của cả hai. Lần này ráng tóm được nó. Không được phạm sai lầm nữa, cả mày cả tao,” tôi nói. Chúng tôi lội xuôi dòng. Nước tràn vào bốt tôi, nhưng thằng nhóc thì ướt tận cổ. Nó cắn chặt hàm răng vẩu để khỏi phải đánh đàn răng. Không thấy con cá trong dòng chảy phía dưới bãi cạn, cũng không thấy nó ở dải nước kế tiếp. Chúng tôi nhìn nhau, bắt đầu lo rằng con cá đã bơi xuôi dòng đủ xa để đến một trong những cái vũng sâu. Nhưng rồi con quỷ đó quẫy ngay gần bờ, khuấy đuôi văng cả cát xuống nước, rồi lại lủi đi. Nó vượt qua một bãi cạn khác, cái đuôi to thò trên mặt nước. Tôi thấy nó bơi qua gần bờ và dừng lại, một nửa cái đuôi chìa ra khỏi nước, bơi phe phẩy chỉ đủ để khỏi bị nước cuốn đi. “Mày thấy nó không?” tôi nói. Thằng nhóc nhìn. Tôi cầm cánh tay nó và chỉ bằng ngón tay nó. “Kia kìa. Bây giờ OK rồi, nghe đây. Tao sẽ lội xuống cái dòng chảy nhỏ giữa hai bờ kìa. Mày hiểu ý tao không? Mày đợi ở đây tới khi tao ra dấu. Rồi mày bắt đầu đi xuống. OK? Lần này đừng để nó thoát nếu như nó quay đầu lại.” “Ừ,” thằng nhóc nói, cà hàm răng vẩu vào môi. “Lần này phải tóm được nó,” thằng nhóc nói, trông mặt nó lạnh cóng. Tôi leo lên bờ và đi dọc xuống, cố gắng di chuyển nhẹ nhàng. Tôi trượt khỏi bờ suối và lội tiếp. Nhưng tôi không thấy cái con quỷ to đùng đó đâu hết và tim tôi nhộn nhạo. Tôi nghĩ chắc chắn nó chuồn mất rồi. Chỉ xuôi dòng một chút nữa thôi nó sẽ lẩn vào một trong những cái vũng. Lúc đó thì chúng tôi không cách nào tóm nó được. “Nó còn đó không?” tôi hú. Tôi nín thở. Thằng nhóc vẫy tay. “Sẵn sàng rồi!” tôi lại hú. “Bắt đầu đây!” thằng nhóc hú đáp lại. Tay tôi run run. Con suối chỉ rộng chưa tới một mét chảy giữa hai bờ đất. Nước cạn nhưng chảy xiết. Thằng nhóc đang di chuyển xuôi dòng, nước lên tới đầu gối, ném đã về phía trước, đập nước và la hét. “Nó tới đó!” Thằng nhóc vẫy cánh tay. Tôi thấy con cá rồi; nó bơi thằng về phía tôi. Nó định quay lại khi thấy tôi nhưng đã quá muộn. Tôi quỳ xuống, chộp vào nước lạnh. Tôi tóm nó bằng cả hai cánh tay, lên, lên, tôi nhấc nó lên, quẳng nó ra khỏi nước, cả hai văng lên bờ. Tôi giữ nó trước ngực, nó vùng vẫy giãy giụa, cho tới lúc tôi lùa tay khỏi cái lườn trơn mà tóm vào mang nó. Tôi thọc một tay ra tới mồm nó và khóa hàm nó lại. Tôi biết đã tóm được nó. Nó vẫn vùng vẫy, rất khó giữ, nhưng tôi đã tóm được nó và sẽ không để tuột. “Mình tóm được nó rồi!” thằng nhóc vừa reo vừa bì bõm lội lên. “Nhờ Chúa, mình đã tóm được nó! Không phải nó ghê gớm lắm sao! Nhìn nó kìa! Ôi Chúa, để tao ôm nó với,” thằng nhóc reo. “Mình phải giết nó đã,” tôi nói. Tôi thọc tay kia xuống họng nó. Tôi giật ngược lên phía đầu mạnh hết sức có thể, cố tránh bộ răng của nó, và cảm thấy tiếng rắc nặng nề. Nó giãy nhẹ một lúc lâu rồi nằm đơ ra. Tôi đặt nó nằm trên bờ và chúng tôi nhìn nó. Nó dài ít nhất sáu tấc, ốm một cách kỳ cục, nhưng to hơn bất cứ con nào tôi từng bắt được. Tôi lại nắm lấy hàm nó. “Ê,” thằng nhóc định mở mồm nhưng lại im khi thấy tôi định làm gì. Tôi rửa sạch máu và vứt con cá nằm trên bờ. “Tao muốn cho bố tao xem con này ghê lắm,” thằng nhóc nói. Chúng tôi đều ướt sũng và run lập cập. Chúng tôi nhìn nó, sờ mó nó. Chúng tôi banh mồm nó ra và sờ hàm răng nó. Hai bên lườn nó có những vết sẹo, những vết trắng sần sùi to bằng đồng xu và sưng tấy. Trên đầu nó, quanh mắt và mũi có những vết rách mà tôi ngờ là do nó va vào đã và do đánh nhau. Nhưng nó gầy tong, quá gầy nếu so với chiều dài của nó, gần như không thể thấy những sọc hồng hai bên lườn, còn bụng thì xám và nhão thay vì trắng và chắc như lẽ ra phải thế. Nhưng tôi vẫn nghĩ nó vẫn là quái kiệt. “Chắc là tao phải về ngay rồi,” tôi nói. Tôi nhìn những đám mây trên đồi nơi mặt trời đang dần lặn xuống. “Tao phải về nhà.” “Chắc thế. Tao cũng vậy. Tao lạnh cóng,” thằng nhóc nói. “Ê, tao muốn cầm nó,” thằng nhóc nói. “Kiếm một cái que. Mình sẽ xỏ qua mồm nó để khiêng,” tôi nói. Thằng nhóc tìm được một cái que. Chúng tôi xâu qua mang nó và đẩy con cá xuống giữa que. Rồi mỗi đứa cầm một đầu que và bắt đầu đi về, ngắm con cá đong đưa trên que. “Mình sẽ làm gì với nó?” thằng nhóc nói. “Tao không biết,” tôi nói. “Tao nghĩ là tao bắt được nó,” tôi nói. “Cả hai cùng bắt. Ngoài ra, tao thấy nó trước.” “Đúng vậy,” tôi nói. “À, mày muốn tung đồng xu hay sao?” tôi thò tay kia vào túi, nhưng tôi chả có đồng nào. Vả lại tôi sẽ làm gì nếu thua? Dù sao đi nữa, thằng nhóc nói, “Không, tao không muốn tung xu.” Tôi nói, “Cũng được. Tao OK.” Tôi nhìn thằng nhóc, tóc nó dựng đứng, môi xám ngoét. Nếu phải đánh nhau thì tôi có thể thắng nó. Nhưng tôi không muốn đánh nhau. Chúng tôi tới nơi để đồ đạc và nhặt đồ lên bằng một tay, không đứa nào buông đầu que ra. Rồi chúng tôi cuốc bộ tới chỗ nó để xe đạp. Tôi nắm chặt đầu que đề phòng thằng nhóc giở trò gì. Rồi tôi nảy ra một ý. “Mình có thể chia đôi,” tôi nói. “Ý mày là sao?” thằng nhóc nói, răng nó lại đánh cầm cập. Tôi cảm thấy nó siết chặt đầu que. “Chia đôi con cá. Tao có dao. Mình cắt làm đôi mỗi đứa lấy một nửa. Tao không biết, nhưng tao nghĩ mình có thể làm được.” Nó giật một cọng tóc và nhìn con cá. “Mày định dùng con dao đó?” “Mày có con nào không?” tôi nói. Thằng nhóc lắc đầu. “OK,” tôi nói. Tôi rút cái que ra, đặt con cá trên bãi cỏ bên cạnh xe đạp của thằng nhóc. Tôi lấy dao ra. Một chiếc may bay chạy lấy đà trên đường băng lúc tôi ướm một vạch. “Ngay đây nhé?” tôi nói. Thằng nhóc gật. Chiếc máy bay ầm ầm chạy trên đường băng và cất cánh ngay trên đầu chúng tôi. Tôi bắt đầu cắt con cá ra làm đôi. Tôi đụng tới ruột nó, liền lật nó lại và trút mọi thứ ra. Tôi hì hục cắt tiếp cho đến lúc chỉ còn một mảnh da bụng gắn nó lại với nhau. Tôi cầm cả hai phần của nó lên và giật cho đứt hẳn làm hai. Tôi đưa thằng nhóc phần đuôi. “Không,” nó nói, lắc đầu. “Tao muốn nửa kia.” Tôi nói, “Nó như nhau hết. Mẹ kiếp, xem này, tao nổi khùng bây giờ.” “Kệ mày,” thằng nhóc nói. “Nếu nó như nhau hết thì tao lấy nửa kia. Nó như nhau hết mà, đúng không?” “Nó như nhau,” tôi nói. “Nhưng tao nghĩ tao sẽ giữ nửa này. Tại vì tao có công bắt cá.” “Tao muốn nửa đó,” thằng nhóc nói. “Tao thấy nó trước mà.” “Mình dùng dao của ai?” tôi nói. “Tao không muốn lấy khúc đuôi,” thằng nhóc nói. Tôi nhìn quanh. Không có chiếc xe nào trên đường và không có ai khác đi câu. Có tiếng một chiếc máy bay ầm ì, và mặt trời đang lặn dần. Tôi lạnh run cả người. Thằng nhóc run cầm cập, vẫn đợi. “Tao có ý này,” tôi nói. Tôi mở giỏ cá và chỉ nó con cá hồi. “Thấy không? Nó màu xanh lá cây. Nó là con cá xanh lá cây duy nhất tao từng thấy. Vậy ai lấy khúc đầu thì đứa kia được con cá hồi xanh này và khúc đuôi. Công bằng chưa?” Thằng nhóc nhìn con cái hồi xanh rồi lấy nó ra khỏi giỏ mà cầm. Nó ngắm nghía hai nửa con cá. “Chắc được,” nó nói. “OK, chắc được. Mày lấy nửa đó. Tao có nhiều thịt hơn.” “Tao không quan tâm,” tôi nói. “Tao sẽ rửa sạch nó. Nhà mày ở đâu?” tôi nói. “Dưới đường Arthur.” Nó nhét con cá hồi màu xanh và khúc cá của nó vô trong một cái túi vải bẩn. “Tại sao mày hỏi?” “Chỗ đó là chỗ nào? Có phải gần sân bóng?” tôi nói. “Ừ, nhưng tao hỏi là tại sao.” Thằng nhóc có vẻ sợ. “Tao ở gần đó,” tôi nói. “Nên tao nghĩ tao có thể ngồi trên sườn xe. Mình sẽ thay phiên nhau đạp. Tao còn một điều này, mình có thể chia, nếu nó chưa bị ướt.” Nhưng thằng nhóc chỉ nói, “Tao lạnh cóng.” Tôi rửa khúc của tôi dưới suối. Tôi nhúng đầu nó xuống nước và vạch miệng nó ra. Dòng nước tràn vào miệng nó và chảy ra đầu kia phần thân còn lại của nó. “Tao lạnh cóng,” thằng nhóc nói. *** Tôi thấy George đạp xe đầu kia đường. Nó không thấy tôi. Tôi vòng ra sau nhà để tháo bốt. Tôi cởi cái giỏ cá ra để có thể mở nắp và sẵn sàng tiến vào nhà, miệng cười toe toét. Tôi nghe tiếng họ liền nhìn qua cửa sổ. Tôi thấy họ đang ngồi bên bàn. Khói mịt mù nhà bếp. Tôi thấy nó bốc lên từ một cái chảo trên bếp. Nhưng cả hai không để ý. “Cái tôi bảo với cô là sự thật không thể chối cãi,” bố nói. “Bọn trẻ biết gì? Cô sẽ thấy.” Mẹ nói, “Tôi không thấy gì hết. Nếu tôi nghĩ vậy, chẳng thà tôi thấy chúng chết trước.” Bố nói, “Cô bị làm sao đấy? Cô nên cẩn thận mồm mép.” Mẹ bắt đầu khóc. Bố dúi điếu thuốc vào gạt tàn rồi đứng dậy. “Edna, cô có biết là cái chảo đang cháy không?” bố nói. Mẹ nhìn cái chảo. Mẹ đẩy ghế ra sau, nắm lấy cán chảo rồi ném chảo vào tường chỗ bồn rửa bát. Bố nói, “Cô mất trí rồi hả? Nhìn xem cô đã làm gì này!” Bố lấy một cái khăn lau bát ra và bắt tay chùi chảo. Tôi mở cửa sau. Tôi bắt đầu ngoác miệng. Tôi nói, “Bố mẹ không tin được con bắt được gì ở suối Birch đâu. Hãy nhìn. Nhìn đây. Nhìn đây này. Nhìn xem con bắt được gì.” Chân tôi run. Gần như tôi không thể đứng được. Tôi chìa cái giỏ về phía mẹ, và rốt cuộc mẹ cũng nhìn vào. “Ối, ối, lạy Chúa tôi. Cái gì đây? Rắn hả? Cái gì đây? Làm ơn, làm ơn mang nó ra ngoài không tao nôn bây giờ.” “Mang ra ngoài đi!” bố quát. “Mày không nghe bà ấy nói gì à? Mang nó ra khỏi đây!” bố quát. Tôi nói, “Nhưng mà bố nhìn xem cái gì đây đã.” Bố nói, “Tao không muốn nhìn.” Tôi nói, “Đó là một con cá hồi đầu thép khổng lồ ở suối Birch. Nhìn xem! Đáng nể không? Nó là một quái kiệt. Con chạy xuôi chạy ngược suối đuổi theo nó như một thằng điên!” Giọng tôi run run. Nhưng tôi không hề dừng lại. “Còn một con khác nữa,” tôi nói vội. “Một con màu xanh. Con thề! Nó màu xanh! Bố đã bao giờ thấy một con cá màu xanh chưa?” Bố nhìn vào giỏ rồi há hốc mồm. Ông gào, “Mang cái đồ chết tiệt này ra khỏi đây ngay! Mày bị sao vậy hả? Mang nó ra khỏi nhà bếp và vứt vô cái thùng rác chết tiệt đi!” Tôi đi ra ngoài. Tôi nhìn vào giỏ. Cái thứ trong đó trông lấp lánh bạc dưới ánh đèn cổng. Cái thứ trong đó làm đầy cái giỏ. Tôi nhấc nó ra. Tôi cầm nó trên tay. Tôi cầm nửa đó của nó.