Duyên Kiếp Trước Nợ Kiếp Này
Chương 11 : Trong lòng cậu một bóng hình khác
Buổi tối, Ôn Tịnh gọi điện cho tôi.
“Tú Nghiên, hôm nay thực sự xin lỗi chị, vì em mà mọi người chưa được chơi thoải mái.” Giọng nói của cô ấy đầy vẻ áy náy và có chút mất tinh thần khiến tôi không thể nhẫn tâm trách móc được.
“Em đừng nói vậy, chị cảm thấy rất vui.” Tôi cố gắng an ủi cô ấy.
Giọng nói của Ôn Tịnh có chút ngập ngừng, do dự: “Tú Nghiên, có thể em… thực sự sẽ đi Thâm Quyển.”
Tôi vô cùng kinh ngạc. “Em đã nghĩ kĩ chưa?”
Ôn Tịnh im lặng, không trả lời.
Hồi lâu sau, tôi mới thì thầm hỏi: “Là vì anh chàng họ Cao đó phải không?”
Ở đầu máy bên kia, Ôn Tịnh trầm mặc một lát rồi mới nói: “Không hoàn toàn vì anh ấy, chỉ là em muốn thay đổi môi trường sống, gần đây trong lòng em cảm thấy rất phiền muộn.”
“Em và A Hải… rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì vậy?” Tôi mơ hồ cảm thấy Ôn Tịnh gọi cho tôi cú điện thoại này là muốn tâm sự điều gì.
Quả nhiên, Ôn Tịnh thở dài, nói: “Lần trước vì chuyện công việc của anh ấy mà bố em đã rất tức giận. Mấy lần bố đã nói rõ rằng sẽ để A Hải tới công ty của ông làm việc, tương lai… công ty này chắc chắn sẽ là của anh ấy. Không ngờ A Hải ngay cả một cú điện thoại cũng không gọi, mà tự đi tìm việc.”
“Cậu ấy cũng chỉ muốn được va vấp, rèn giũa thêm thôi.” Tôi tiện miệng nói, thôi thì đóng vai trò người hòa giải vậy.
“Em cũng nói với bố em như vậy, cứ phải ở giữa làm người hòa giải, nghĩ lại cũng thấy thật mệt mỏi.”
Tôi cũng rất hiểu điều này, có những lúc, chính những người thân bên cạnh lại khiến mình khó xử và phải hao tâm tổn trí nhất, nhưng mình vì tranh để họ xảy ra xung đột, mâu thuẫn, gậy ra chuyện gì đó nên lại phải tìm lý do để giải thích với từng người, chỉ không để ý một chút thôi thì kiểu gì cũng bị rơi vào thế kẹp giữa, khó xử. Chuyện này thực chẳng khác tình trạng của tôi với bố tôi bây giờ.
“Bố mẹ từ lâu đã muốn bọn em kết hôn, đến bây giờ cả hai đều đã về nước rồi thì lại càng bị giục, nhưng chuyện này không phải chỉ một mình em quyết là được.” Điều khiến Ôn Tịnh phải phiền muộn quả thực không ít.
“Thái độ của A Hải thế nào?”
“Những chuyện này làm sao em có thể hỏi thẳng được? Nếu anh ấy muốn kết hôn với em thì tự nhiên sẽ nhắc đến. Còn nếu em dồn ép anh ấy, nhất định anh ấy sẽ cho rằng chẳng ai cần em nữa.” Ôn Tịnh giận dỗi nói, lòng tự trọng của cô bé này thực sự rất lớn.
Tôi cười. “Hai người bọn em dã ở bên nhau lâu như vậy, kết hôn là chuyện sớm muộn thôi, còn có gì mà không thể nói ra được chứ!”
Ôn Tịnh ấp úng nửa ngày trời, bỗng khàn giọng nói: “Tú Nghiên, thực ra em chưa nói với chị, giữa em và A Hải từ lâu đã có chút vấn đề.”
“Vấn đề gì mới được chứ?” Tôi không hiểu.
“Trong lòng anh ấy… từ trước đến giờ luôn có hình bóng của một người khác.”
Tôi bất ngờ, không hiểu thế nào. “Chuyện này làm sao có thể chứ?”
Ôn Tịnh chậm rãi nói: “Thật đấy, chính anh ấy đã nói như vậy, nhưng là chuyện từ lâu trước đây.”
Tôi cố gắng kiềm chế một tia căng thẳng mơ hồ, thản nhiên hỏi: “Em có biết người đó là ai không?”
Ôn Tịnh chán nản nói: “Em cũng không rõ lắm, nhưng chắc chắn là bạn học đại học của anh ấy.”
Nghe cô ấy nói như vậy, tôi lập tức bình tĩnh lại, thầm chế giễu mình chỉ nghĩ đến những chuyện hoang đường.
Ôn Tịnh mở “loa phóng thanh”, mà “cái loa” này một khi đã phát thì không thể ngừng lại được. Giọng nói của cô ấy nhẹ nhàng mà có chút bi thương truyền đến từ ống nghe điện thoại, thực sự rất giống chương trình tâm sự đêm khuya trên radio. Tôi ngồi tựa vào đầu giường, lặng lẽ nghe cô ấy nói.
“Khi đó bọn em mới học năm thứ hai đại học, có một nhóm tham gia nên đã kéo anh ấy cùng đi. Nhưng trong suốt buổi hôm đó, tâm trạng anh ấy không được tốt, chỉ trầm mặc không nói gì, em hỏi thế nào anh ấy cũng nhất định không chịu nói. Anh ấy cứ như vậy đến khi gần kết thúc buổi ăn uống hôm ấy. Lúc đó, mọi người đều đã làm xong mọi việc, ngồi trên bãi cỏ nghỉ ngơi, anh ấy mới nói với em rằng anh ấy đã thích một cô gái.
Tú Nghiên, từ nhỏ em đã thích anh ấy, khi anh ấy nói với em điều này, chị có biết trong lòng em khó chịu như thế nào không? Ai cũng cho rằng em với anh ấy là người yêu của nhau, nhưng anh ấy lại nói với em rằng anh ất thích một người khác.”
Tôi bất giác thở dài, chuyện này lúc nào cũng có thể xảy ra, A yêu B, nhưng B lại yêu C, khuôn mẫu tình yêu dường như không thể thoát khỏi sự trớ trêu này.
“Vậy tại sao cậu ta không đi tìm cô gái đó?” Tôi bình tĩnh hỏi.
“Anh ấy nói cô ấy đang gặp chút chuyện nên anh ấy chỉ có thể đợi.”
Khóe miệng tôi nhếch lên thành một nụ cười, không ngờ tên Chung Tuấn Hải lúc nào cũng bất cần đời lại thâm tình như vậy.
“Em cũng thật ngốc, biết rõ trong lòng anh ấy không có mình nhưng lại cố chấp ở bên cạnh anh ấy. Trực giác nói cho em biết rằng, họ sẽ không có kết quả, cô gái đó chỉ xuất hiện thoáng qua cuộc đời anh ấy mà thôi. Em tin sẽ có một ngày anh ấy nhìn thấy em.”
Đúng như những gì Chung Tuấn Hải từng nói, Ôn Tịnh thực sự là một cô gái ngoài mềm trong cứng, mặc dù từ nhỏ đã được bố mẹ cưng chiều nhưng lại luôn có chủ kiến, chẳng giống tôi, gặp chuyện gì là lại bị kích động, còn không giữ lời hứa…
Tôi chợt nhớ tới mối tình vô vọng của mình, nếu khi đó tôi có thể giữ được niềm tin như Ôn Tịnh thì phải chăng đã có kết quả? Tôi lắc đầu, từ lâu đó đã là chuyện không thể rồi, chính tính cách đã quyết định số phật, cái tôi thiếu chính là tính cố chấp và sự tự tin mà Ôn Tịnh có.
“Cuối cùng cũng tốt nghiệp đại học, vốn có cơ hội ra nước ngoài ngay lập tức nhưng A Hải lại bỏ qua, kiên quyết muốn về nhà làm việc. Em còn nhớ khi đó bác Chung đã rất tức giận, nhưng cuối cùng không lay chuyển được quyết định của anh ấy. Trong lòng em hiểu rất rõ, anh ấy làm như vậy là vì ai…
Sau khi đi làm được khoảng nửa năm, có một hôm em đến quán bar mà em thường đên thì gặp anh ấy ở đó. Anh ấy uống say khướt, em liền đưa anh ấy về, nhưng vì quan hệ giữa anh ấy và bác Chung không tốt nên anh ấy thuê phòng ở ngoài. Em hỏi anh ấy rằng đã xảy ra chuyện gì, tại sao lại uống say như thế… nhưng anh ấy chẳng nói gì cả. Đến lúc em phải đi, anh ấy lại kéo tay em, nói: ”Ôn Tịnh, nếu em là cô ấy thì thật tốt.” Lúc đó em đã rơi nước mắt, em biết anh ấy lại đi tìm cô gái kia, mà dường như còn không có kết quả tốt.
Sau chuyện đó, bọn em cũng tự nhiên đến với nhau. Không lâu sau, anh ấy nói muốn ra nước ngoài, em cũng lập tức nói chuyện này với bố mẹ, quyết tâm đi cùng anh ấy.
Mấy năm đó, mặc dù bọn em là người yêu của nhau nhưng giữa hai người luôn có vẻ khách khí, trước giờ chưa từng đỏ mặt, chẳng bao giờ cãi nhau, nói ra cũng chẳng sợ chị chê cười, lúc nhìn thấy những đôi tình nhân khác tranh cãi, giận hờn, em cảm thấy rất ngưỡng mộ, thèm được như bọn họ.”
Tôi thấy thương thay cho Ôn Tịnh, vì cô ấy luôn phải sống trong cái bóng của một người khác, không biết cô ấy cứ kiên trì với tình yêu như thế này, rốt cuộc có đáng không?
“Em thừa nhận, từ trước đến nay luôn là em chủ động, A Hải chỉ tiếp nhận một cách bị động, nhưng khi cán cân tình yêu mất thăng bằng thì sẽ có một bên cảm thấy rất mệt mỏi, giống như em bây giờ vậy.
Cho nên em muốn thay đổi, ít nhất thì cũng nên cho hai bọn em một chút thời gian yên tĩnh để suy nghĩ, để xem cứ kiên trì như thế này liệu có ý nghĩa gì không.”
“Tiểu Tịnh.” Tôi gọi một tiếng nhưng lại không biết phải an ủi Ôn Tịnh như thế nào, vì trong chuyện tình cảm, tôi thậm chí còn thất bại hơn cô ấy.
Ôn Tịnh lấy lại tâm trạng, giọng nói lại có vẻ nhẹ nhàng, thoải mái: “Chị đừng có ở đó mà vắt óc suy nghĩ nữa, em chỉ muốn nói chuyện với chị mà thôi, trước đây vì lòng kiêu ngạo nên em không bao giờ nói với chị rằng giữa em và A Hải lại có nhiều vấn đề như vậy. Bây giờ thì em nghĩ thoáng hơn rồi nên mới nói ra như thế này, chị không cần lo lắng thay em.”
Tôi luôn thích Ôn Tịnh vì tính cách thẳng thắn như thế, lúc này bất giác nói: “Nếu chị là đàn ông chị sẽ không chút do dự cưới em về làm vợ.”
Ôn Tịnh cười khanh khách nhưng tôi lại mơ hồ cảm thất cô ấy đang có chút nghẹn ngào.
“Tiểu Tịnh, em đừng có vội vàng quyết định. Dù thế nào thì A Hải cũng không nói với em rằng cậu ấy sẽ ở bên cạnh cô gái kia. Thực ra trong lòng cậu ấy có em, chỉ là tình cảm của con người không phải nhanh thay đổi, hoặc là có khi, thay đổi rồi nhưng bản thân mình lại không nhận ra. Nếu bây giờ em từ bỏ thì chẳng phải rất đáng tiếc sao?” Tôi thở dài, khuyên.
Ôn Tịnh lạnh nhạt nói: “Chị không phải A Hải, làm sao có thể biết được suy nghĩ của anh ấy. Em đã ở bên cạnh anh ấy trong thời gian dài như thế, kết quả chẳng phải là vẫn không hiểu gì về anh ấy sao? Hơn nữa, hai người khi đã đến bên nhau thì không chỉ là chuyện của hai người nữa, mà còn có gia đình hai bên và biết bao nhiêu mối quan hệ phức tạp đan xen. Gần đây, bố em có rất nhiều ý kiến đối với nhà họ Chung, không riêng gì thái độ của A Hải với em, có một vài chuyện, bác Chung không đồng ý giúp đỡ, em thì chỉ cho rằng bác ấy làm như vậy là để tránh nghi ngờ, nhưng lại rất khó đả thông suy nghĩ của bố em. Em cũng không muốn làm người đứng giữa hòa giải mãi, khó xử lắm.”
Thấy tôi không nói gì, Ôn Tịnh lại quay sang an ủi tôi: “Dù sao dưới gầm trời này cũng chẳng phải chỉ có A Hải là đàn ông. Trước đây, có bao nhiêu đàn ông theo đuổi em như thế, em đều không thèm để vào mắt, bấy giờ nghĩ lại thì mới thấy đáng tiếc chứ. Bắt đầu từ bây giờ, em sẽ trân trọng từng người có ý với em, để xem xem ai là người xứng đáng kết hôn với em.”
Tôi không nhịn được cười: “Từ khi nào mà đại tiểu thư cũng có suy nghĩ thực tế như tôi thế? Xem ra chúng ta thực sự trở thành những người cùng hội cùng thuyền rồi.”
Ôn Tịnh cũng bị tôi làm cho vui lây, cuối cùng, cô ấy thản nhiên nói: “Em muốn thử xem, con mắt mình có thể nhìn được người đàn ông khác hay không.”
Trong lòng tôi rung động. Câu nói này của Ôn Tịnh giống như một cánh lông vũ mềm mại, nhẹ nhàng chao xuống mặt hồ nước tĩnh lặng trong tôi, tuy rằng rất nhẹ, tuy rằng không thể tạo thành con sóng gió, lao dập dềnh qua những gợn sống lăn tăn, tôi bất giác tự hỏi, con mắt tôi có thể nhìn thấy những người đàn ông khác hay không?
Thế là tối hôm đó tôi mất ngủ. Một chuyện khác làm tôi cảm thấy bức bối là người con gái khiến Chung Tuấn Hải nhớ mãi không quên ấy, rốt cuộc là thần thánh phương nào?
Ngày hôm sau, khi tôi đang ở nhà ăn thì lại gặp Chung Tuấn Hải. Tôi có chút phân tâm, đấu tranh tư tưởng xem có nên nói chuyện với cậy ta hay không.
“Cậu giảm béo à? Sao ăn ít thế này?” Cậu ta nhìn mấy cọng rau xanh và ít củ cải lác đác trên đĩa của tôi thì hơi kinh ngạc.
Tôi uể oải nói: “Hai ngày nay bụng dạ tôi hơi khó chịu, cho nên phải ăn uống cẩn thận một chút. Mẹ tôi suốt ngày dặn dò đừng có ăn đồ ăn mặn ở ngoài.”
Cậu ta nghiêm túc nói: “Ồ, thật đáng thương, tớ rất muốn ném mấy đồng xu vào cái đĩa của cậu.”
Tôi cười khì, nói: “Cậu nghĩ tôi là ăn mày đấy à? À, cái đó…” Tôi đắn đo định lên tiếng, nhưng lời ra đến miệng rồi mà không có cách nào để thốt thành câu.
Chung Tuấn Hải mải miết ăn uống, thấy tôi không nói gì thêm nữa, mới ngẩng lên nhìn. “Cậu muốn nói chuyện gì vậy?”
Tôi cứng họng một lát rồi chán nản nói: “Không có gì.”
Rốt cuộc thì tôi cũng chẳng hỏi được, bây giờ cũng đã đến lúc vào làm, chỉ nói vài ba câu thì cũng chẳng thể rõ ràng được, hơn nữa, tôi đột nhiên cảm thấy chuyện của hai người họ chỉ có thể do họ tự giải quyết, sự giúp đỡ của người ngoài cũng chẳng có bao nhiêu tác dụng, trái lại còn làm cho mọi chuyện trở nên phiền phức hơn.
Cậu ta nhìn tôi vẻ hoài nghi, sau đó lại cúi đầu ăn tiếp.
May mà có một cô gái tóc vàng đi đến, ngồi xuống bên cạnh cậu ta, hai người họ nói chuyện bằng tiếng Anh rất lưu loát, tôi nghiễm nhiên trở thành vật trang trí.
“Cậu cứ ăn từ từ, tôi đi trước đây.” Tôi lịch sự đứng dậy trước, thứ nhất là vì không chịu nổi mùi nước hoa nồng nặc của cô gái kia, thứ nữa cũng vì cảm thấy có chút xấu hổ, trình độ tiếng Anh bập bõm của tôi so với cậu ấy thì không chỉ là kếm hơn chút xíu thôi.
“Cậu ăn no chưa?” Chung Tuấn Hải gọi với theo phía sau tôi.
Buổi chiều, tôi nhận được một nhiệm vụ đặc biệt, dẫn một người Ấn Độ có tên Katik đi khám bệnh. Khi anh ta còn ở Ấn Độ đã bị song cửa sổ kẹp làm gãy ngón tay áp út, mà thuốc mang theo người đã bị hải quan giữ mất, chẳng còn cách nào khác, anh ta đành phải đi khám tại bệnh viện ở Trung Quốc.
Nhiệm vụ vinh quang này vốn là của Trương Đình, nhưng bụng cô ấy bây giờ đã rất to, đi lại bất tiện nên những nhiệm vụ cần di chuyển như thế này đều do tôi làm thay.
Chúng tôi tới một bệnh viện gần công ty nhất là nơi chấp nhận khám cho người nước ngoài.
Vừa vào cửa, việc đầu tiên phải làm là đi lấy sổ, sau đó tới khoa ngoại, vị bác sĩ ở khoa ngoại nhiệt tình giới thiệu cho chúng tôi tới khoa Chỉnh hình, còn nói thêm rằng hôm nay có chuyên gia khám bệnh.
Bác sĩ chủ trị ở khoa Chỉnh hình là một người trung niên, có vẻ thích ngoẹo đầu nhìn người khác, mắt không ngừng chớp chớp, nhìn thế nào cũng chẳng thấy giống một chuyên gia. Ông ta nhìn Katik một hồi rồi nói ra một câu “Kinh điển”: “Sit down.”
Trong lòng tôi cười trộm. Dù sao đây cũng chẳng phải chuyện của tôi, chuyên gia chính là chuyên gia, ngôn ngữ không phải là vấn đề.
Ba người im lặng một hồi. Tôi đang cảm thấy kỳ lạ, ông bác sĩ bỗng ghé lại gần tôi, nói: “Cô hỏi anh ta xem anh ta có vấn đề ở chỗ nào!”
Tôi tròn mắt, hóa ra chuyên gia chỉ biết nói mỗi câu đó.
Tôi nói với ông bác sĩ về tình hình của anh ta. Ông bác sĩ gật gật đầu ra chiều đã hiểu.
Tôi đưa ông ta tấm phim X quang mà Katik đã chụp ở Ấn Độ. Ông ta xem rất lâu mới nói: “Ừ, trình độ khám chữa bệnh của Ấn Độ bây giờ rất cao.” Sau đó thì không nói gì nữa.
“Có phải nên dùng thuốc bôi ngoài da không?” Tôi dè dặt đề nghị.
“Không cần!” Ông bác sĩ nói với vẻ rất dứt khoát. “Bây giờ hãy đi làm xét nghiệm máu trước, rồi đi chụp X quang lại nhé!”
Cô gái lấy máu xét nghiệm là một thực tập sinh, trông còn có vẻ căng thẳng hơn cả bệnh nhân. Cô ta cố gắng bảo Katik nắm chặt tay thành nắm đấm cho dễ lấy máu, hoàn toàn không để ý rằng ngón tay áp út trên bàng tay đó của Katik đang bị thương.
Thấy bàn tay của Katik từ đầu đến cuối không nắm chặt được, cô ta liền thể hiện một tinh thần vô cùng chuyên nghiệp, giúp người thì phải giúp đến cùng vậy nên đã chủ động nắm bàn tay của Katik thành nắm đấm.
Katik dường như phát điên. Anh ta đau đến nỗi sắp gào khóc đến nơi.
“Cô y tá xin cô hãy chú ý, cô đang bóp ngón tay bị thương của anh ta.” Tôi không thể không trịnh trọng nhắc nhở cô gái nhỏ đang bắt đầu đổ mồ hôi kia.
Sau bao nhiêu lần thất bại thì cũng lấy máu xong, tôi lại đưa Katik đi chụp X quang.
Ông bác sĩ lạnh lùng xem bệnh án một hồi rồi ra hiệu cho Katik chìa bàn tay ra, sau đó cầm lấy ngón trỏ nắn bóp một hồi, càng làm trong càng kỳ quặc…
Tôi vội vàng giải thích, là ngón áp út chứ không phải ngón trỏ.
Ông bác sĩ cau mày, lại cầm bệnh án lên xem. “Ở đây viết rõ ràng là ngón trỏ đây này!”
Tôi lại một lần nữa phải cường điệu để nhắc nhở ông ta rằng đó là ngón áp út. Ông bác sĩ rất bất mãn chụp X quang ngón áp út cho Katik.
Trong khi đợi kết quả, tôi và Katik ngồi nói chuyện phiếm ở dãy ghế ngoài hành lang. Hai người chúng tôi đã tạo được mối quan hệ hữu hảo, thân mật bằng chính sách dân số và phong tục tập quán của hai nước Trung Quốc và Ấn Độ.
Nghe nói những người đàn ông theo đạo Hồi ở Ấn Dộ có thể cưới bảy người vợ, tôi rất tò mò. “Vật họ có đánh nhau không?”
Katik cười: “Maybe.”
(Maybe: có lẽ có)
Tôi lại hỏi: “Thế anh có mấy người vợ?”
Katik vội nói: “Tôi chỉ có một người vợ thôi.”
Tôi vô tình liếc nhìn ngày sinh trên bìa cuốn bệnh án của Katik, không ngờ anh ta cũng thuộc thế hệ 8X, liền nói: “Tôi lớn tuổi hơn anh.”
Katik tỏ vẻ vô cùng ngạc nhiên. “Thật sao? Tôi thực sự không nhận ra đấy. Trôn g cô rất trẻ, như mới ngoài hai mươi tuổi vậy.”
Tôi không kìm được liền cười trộm. Ngoài hai mươi ư? Đó là chuyện của rất nhiều năm trước rồi.
Khi lấy được kết quản thì cũng sắp đến năm giờ, chúng tôi vội vàng đến phòng của bác sĩ chỉ trị. Ông bác sĩ đang vội vàng thu dọn đồ đạc để chuẩn bị về nhà, khi nhìn thấy tôi và Katik thì ngẩn người một hồi nhưng vẫn tiếp chúng tôi.
Huyên thuyên nửa ngày trời, ông bác sĩ vẫn không đưa ra được phương án điều trị rõ ràng. Tôi nhất thời sốt ruột. “Dù sao thì bác sĩ cũng phải đưa ra một cách điều trị chứ! Buổi tối anh ta đâu đến nỗi không ngủ được.”
Lúc này ông bác sĩ mới nói: “Vậy tôi sẽ kê cho anh ta ít thuốc giảm đau nhé!” Rồi ông ta viết rất nhanh. Một lát sau lại nói: “Thêm thuốc tiêu viêm nữa.”
“Chẳng phải kết quả xét nghiệm máu cho thấy anh ta không bị viêm sao?” Tôi tò mò hỏi.
“Thuốc tiêu viêm chỉ là để đề phòng thôi.” Ông bác sĩ trả lời.
Tôi lại á khẩu, chỉ muốn nhanh chóng rời khỏi chỗ này.
“Anh ta sẽ ở đây bao lâu?” Ông bác sĩ lại hỏi.
“Hai tuần.” Tôi đáp
Ông ta lập tức rạng rỡ mặt mày. “Vậy không cần kết luận vội, tôi cứ đưa ra phương án xử lý tạm thời, hai tuần sau anh ta về nước thì đi khám lại.”
Truyện khác cùng thể loại
38 chương
47 chương
43 chương
36 chương