Chương 6.1 Đại sảnh trong tướng phủ đèn đuốc sáng rực thâu đêm, chỉ những khi phủ có việc trọng đại mới thấy cảnh tượng long trọng linh đình như thế. Khi thất phu nhân đưa A La vào đại sảnh, mọi người đều đã tề tựu đông đủ. Nàng vẫn ngồi bên thất phu nhân ở cuối dãy ghế bên phải, lắng nghe bề trên chỉ giáo. Lý tướng hắng vài tiếng cho trong giọng rồi cất lời: “Rằm tháng tám này hoàng hậu có ý triệu nội quyến các quan tam phẩm trở lên vào cung thưởng nguyệt, lại còn nói rõ muốn xem tiểu thư các nhà trổ tài. A Lôi, A Phỉ, A La, các con thấy thế nào?”. A La ngớ người, “các con thấy thế nào”, còn thế nào nữa, chẳng phải bề trên nói sao là vậy ư? Ông thân làm tả thừa tướng, không có người nối dõi, chẳng phải rất mong bán mỗi con gái sao cho thật đắt hay sao, mưu đã tính sẵn từ lúc các con còn nhỏ, tuyên bố là xong, hỏi như vậy là có ý gì? Nàng nhất thời không tìm ra ý đồ thật sự của Lý tướng. Ưu tú nhất nhà đương nhiên là đại tỷ, nhị tỷ, còn nàng vui lòng lên tiếng sau cùng. Thanh Lôi nhẹ nhàng: “Cha không định để con tiếp tục chơi đàn nữa chứ? Khuê nữ mọi nhà mười người có đến tám người chơi đàn, ngón đàn của con ngang ngửa Cố tiểu thư. Những ngày vừa qua được thái tử điện hạ càng thêm mến mộ, si mê, không cần chơi đàn nữa cũng được”. Thấy tình cảm của thái tử đối với mình mười phần chắc chín, khẩu khí của Thanh Lôi đã có vẻ kiêu kiêu tự đắc. Mắt Lý tướng lộ ra nụ cười, xem ra ông cũng không định để Thanh Lôi lại thể hiện ngón đàn. Dù biết rõ tâm tư của thái tử đã đặt vào Thanh Lôi, hoàng hậu chẳng qua tức khí vì cháu gái Vương Yến Hồi chưa kịp đua tài đã bị loại. Lý tướng mỉm cười, nói: “Lần thưởng nguyệt này, hoàng hậu có ý để tiểu thư Yến Hồi vãn hồi một phen, chủ đề so tài có lẽ sẽ không phải là những trò giải trí như đàn, hát”. A La đột nhiên vỡ lẽ, Lý lão gia vốn đã tính đến điều này, triệu tập cả nhà là muốn mọi người cho ý kiến, để Thanh Lôi có thể thắng Vương Yến Hồi, danh chính ngôn thuận trở thành chủ nhân Đông cung. Đại phu nhân chậm rãi lên tiếng: “Vương Yến Hồi ta đã gặp từ nhỏ, thường đi theo cha là Vương thái úy, lớn lên trong quân doanh, thông thuộc binh thư, am tường binh pháp. Năm xưa khi ta được gả vào tướng phủ không lâu có về thăm nhà, đúng lúc Vương thái úy mời, ta được cha đưa đến phủ thái úy. Khi đi dạo một mình trong hoa viên, không tìm thấy lối ra, lúc đó một nữ đồng ba tuổi từ trên cây nhảy xuống vỗ tay cười nói: “Mê hồn trận mà sách xưa nói thì ra cũng có cái hay”, ta hiếu kỳ hỏi, có phải hoa viên bố trí theo trận pháp, cô bé cười hớn hở nói, đọc sách thấy viết như vậy, bèn thử bày bố trong hoa viên xem sao. Ta không thể tin nổi, đứa trẻ mới ba tuổi, mà đã có thủ đoạn như vậy”. Lý tướng tiếp lời: “Nay đã qua mười bốn năm, Vương Yến Hồi đã mười bảy tuổi, nghe đồn mưu lược hơn người, thông minh tuyệt đỉnh, có lẽ không phải là lời đồn suông”. Nghe xong câu chuyện, cả phòng lặng phắc như tờ. Nếu trong yến tiệc, hoàng hậu bảo Vương Yến Hồi hiến kế, thì đúng là không phải chuyện hay. Chưa biết chừng Ninh vương nghe vậy hiếu kỳ, muốn biết thái tử phi tương lai liệu có đầu to mà óc nhỏ. Bởi vì sau này thái tử đăng cơ, thái tử phi sẽ được tấn phong làm quốc mẫu. Thái tử sủng ái mỹ nhân nào có thể tùy tiện phong phi tử, nhưng quốc mẫu thống lãnh hậu cung, không mưu lược thủ đoạn e không được. Lý tướng lại tiếp: “A Lôi, con chơi đàn rất hay, văn thơ cũng khá, bây giờ cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra trong yến tiệc, hôm nay cha chỉ nhắc con, khi đó phải linh hoạt cẩn trọng, vạn sự nên lấy hai chữ cẩn trọng làm đầu”. Ánh mắt chuyển đến Thanh Phỉ và Thanh La, “Mục đích vào cung lần này của hai con là giúp Thanh Lôi thuận lợi vượt qua cửa ải, luôn đi theo sát đại tỷ, cần ra tay vẫn nên ra tay, chỉ có điều nên thận trọng đừng để bị phát hiện! Phải ghi nhớ một điều, vinh cùng vinh, nhục cùng nhục! Cha già rồi, mọi hy vọng của Lý gia bây giờ đều trông cậy vào đại tỷ các con, hiểu chưa?”. Mọi người đồng thanh “Rõ”, A La muốn cười không được, mối quan hệ xã hội của Trung Quốc mấy nghìn năm trước là thế, mấy nghìn năm sau vẫn thế. Dựa vào một con nhện nhả tơ dệt mạng, thêm mấy con khác liên kết thành mạng lớn, bè phái liên minh. Chỉ có điều mình ở trong đó chỉ muốn vùng ra, không muốn cùng họ mưu cầu vinh lợi, điều này cũng khác quan điểm tư tưởng hiện đại. Những thứ mà người trong tướng phủ cần không giống những thứ nàng cần. Lại thấy Lý tướng hỏi Thanh Phỉ: “A Phỉ, bà mối của Thành thị lang đã đánh tiếng dạm hỏi, nhưng tỷ tỷ con chưa xuất giá, con đi trước cũng không hay, cha nghĩ nên đợi chuyện của tỷ tỷ con định đoạt xong xuôi rồi hãy tính”. Tứ phu nhân vội trả lời: “Lão gia nói chí phải, nhà chúng ta dòng dõi thư hương, tuyệt đối không nên có chuyện thất lễ như vậy”. A La thấy mắt Thanh Phỉ sáng lên rồi lại tối đi, biết ngay mẹ con họ bị Lý lão gia thừa cơ đánh vào điểm yếu. Thành thị lang kia hào hoa phong lưu, văn tài xuất chúng, tuổi còn trẻ mà đã làm quan cao, Thanh Phỉ gả cho chàng ta xem ra cũng xứng đôi vừa lứa. Chỉ có điều nhanh quá, nhanh chóng thành thân như vậy, trong thời hiện đại vẫn còn có người yêu đến chết đi sống lại, ở đây bỏ qua giai đoạn yêu đương, lấy nhau rồi có hối cũng không kịp. A La đã quyết rời khỏi tướng phủ, tuyệt đối không để cho Lý lão gia biến hôn nhân đại sự của mình thành cuộc buôn bán trao đổi, cho nên bây giờ vẫn nên ít tiếp xúc với những bậc anh tài thì hơn. Nghĩ đến những bậc anh tài, nàng đột nhiên nghĩ đến tiểu vương gia của phủ An Thanh vương và Tử Ly công tử thân thế bí hiểm. Người trước nàng trốn còn không kịp. Còn người sau, nàng lại thầm thở dài, chẳng phải đã được trả công sòng phẳng rồi sao? Lý tướng cười khà khà: “Thành thị lang nói, kết thân với Lý gia ta quả thật là đã với cao. Khi nói như vậy vẻ mặt Thành thị lang rất phấn chấn, có thể cùng cánh với thái tử, tiền đồ của người ta cũng hanh thông”. Vậy là điều đó đã được nói rõ ra rồi. Nếu Thanh Lôi được gả cho thái tử là Thanh Phỉ có thể thành thân với Thành Tư Duyệt, vận mệnh vẫn còn ở chỗ đại tỷ có đắc sủng hay không. Sao lại có một người cha đem con gái ra toan tính như Lý tướng chứ? Chương 6.2 A La đang mải nghĩ, thì nghe thấy Lý tướng cười nói với nàng: “A La tháng sau con đã mười ba tuổi rồi, đi xem xét mở rộng tầm mắt cũng tốt, con sớm muộn cũng được gả ột đám tốt”. Kế hoạch đã nhanh chóng chuyển sang nàng vậy sao? A La cúi đầu trả lời: “Con còn nhỏ, vẫn muốn sống với cha mẹ vài năm nữa”. Lý tướng cười: “Cha cũng không muốn xa con, nhưng cứ định sẵn hôn sự, đến tuổi cập kê tính chuyện cũng không muộn”. A La cúi đầu ra bộ xấu hổ, sự phẫn nộ trong lòng lại bùng lên. Nàng sẽ không nghe theo sắp đặt của ông ta, tuyệt đối không! Mấy ngày liền, A La không đến rừng trúc thổi sáo. Nghe tiếng tiêu vẳng lại, ngẫm nghĩ một hồi vẫn quyết định không lên tiếng. Tiếng tiêu mỗi lúc càng thêm âu sầu. Có một hôm cuối cùng không chịu nổi, nàng trèo qua tường nấp vào một chỗ nhìn ra, từ xa thấy bóng dáng tiêu sơ của Tử Ly công tử ngồi bên gốc liễu ven sông. A La cảm thấy không nỡ, nhưng vẫn không chịu ra. Mục tiêu hiện nay của nàng là cuộc sống tự do ngoài phủ, kiểu đàn ông ưu tú bí hiểm này vẫn nên ít tiếp xúc thì hơn. Lại qua mấy ngày, không thấy tiếng tiêu nữa. Liền mấy ngày A La nằm mơ, trong mơ nàng bay bổng trên bầu trời trong tiếng tiêu du dương của Tử Ly. Sau đó nàng ra khỏi phủ nhưng không đến bờ sông, miếng ngọc bội Tử Ly tặng nàng cũng cất vào một chỗ. Sinh nhật mười ba tuổi của A La thoắt cái đã qua, nàng vẫn lén trốn khỏi phủ, đã tìm mua được hai gian nhà ở đông nam kinh thành, hai nhà chỉ cách nhau một bức tường, thuê người lén xây một cái cửa bí mật thông nhau. Ngôi to hơn nàng đã thuê quản gia, mua mấy thứ đồ dùng, nàng có thể lộ mặt với tư cách tiểu thiếu gia, chỉ dặn họ, nói là để có chỗ nghỉ ngơi mỗi khi vào thành buôn bán. Ngôi nhà nhỏ hơn, nhờ một đôi vợ chồng hiền lành trông coi, để cho vú Trương đứng ra giao dịch, nói là của một người bà con sinh sống ở phương nam muốn sau này trở về cố hương, nên đã chuẩn bị trước. Lại một tháng nữa trôi qua, trời thu xanh thẳm. Dạ yến thưởng trăng do hoàng hậu mời đã đến. Lý phủ, người trên kẻ dưới đều tất bật quay quanh Thanh Lôi, bàn tính nên vận trang phục thế nào, dùng đồ trang sức gì, trang điểm ra sao. Lý tướng đã dặn, bữa tiệc này hết sức đặc biệt, không thể ăn vận giản dị, nhưng cũng không được quá hào nhoáng cầu kỳ. Lý tướng định vời một sư phụ may y phục nổi tiếng nhất Phong thành của phường Ngọc Cẩm đến tận nhà cắt may y phục cho Thanh Lôi. Sau lại nghe tin các nhà khác hầu như cũng mời vị sư phụ này, nên lại thôi. Đang lúc bối rối, nhị phu nhân, ngũ phu nhân, lục phu nhân lại mủm mỉm cười, bê ra một bộ y phục lộng lẫy, nói đó là chút lòng của ba người. Giở ra xem, chất liệu bằng lụa hương la, có thêu những bông hoa mai Thanh Lôi yêu thích nhất bằng những sợi chỉ tơ óng ánh, trong nhụy mỗi đóa hoa đều đính một hạt đá hồng bảo. Không đặc biệt hào nhoáng nhưng tỏa sáng rực rỡ dưới ánh đèn. Thanh Lôi mặc lên người rất mực yểu điệu phú quý, kiều diễm vô song. Lý tướng mừng đến độ mấy ngày liền lần lượt đến phòng các phu nhân kia để tỏ ý khen ngợi. Thất phu nhân đưa đồ trang sức gia truyền cho Thanh Lôi đeo. Tứ phu nhân sợ mình lạc hậu, cẩn thận vẽ mấy kiểu trâm cài để Thanh Lôi tham khảo. Trở về Đường viên, thất phu nhân cười nói với A La: “Con có muốn ngày mai đẹp hơn đại tỷ không?”. A La xua tay: “Con còn đang tiếc không được hóa trang theo kiểu a hoàn lần nữa để nâng váy cho đại tỷ. Mẹ à, chúng ta cũng nên làm chút gì, nếu không cha và mấy phu nhân kia sẽ không vui. Lúc này không nên làm bất cứ chuyện gì để ông ấy nghi ngờ”. Thất phu nhân cười, nói: “Đương nhiên rồi, những gì cần làm mẹ sẽ làm”. Thất phu nhân tự tay chải đầu đeo đồ trang sức cho Thanh Lôi theo mẫu vẽ đã chọn. Dưới bàn tay khéo léo của thất phu nhân, khi Thanh Lôi bước ra, mọi người trong Lý phủ đều ngây người sửng sốt. Thái tử phi lý tưởng có lẽ nên có dáng vẻ như Thanh Lôi, đoan trang quý phái mà vẫn yểu điệu dịu dàng. Khuôn mặt trái xoan của Thanh Lôi như tỏa hào quang, A La nghĩ, một Thanh Lôi như thế này cũng xứng với phong độ của thái tử. Không biết Cố Thiên Lâm và Vương Yến Hồi trang điểm thế nào, nàng quả thật rất hiếu kỳ. Để làm nền cho nhân vật chính, Thanh Phỉ và Thanh La không trang điểm nhiều, chỉ đủ xứng với thân phận, cũng xiêm y mới, đồ trang sức mới. A La ngồi trước gương nói với thất phu nhân: “Mẹ à, không nên chải hất mái bờm của con, cứ để như mọi ngày là được”. Thất phu nhân thở dài: “Tam Nhi, mẹ rất muốn trang điểm cẩn thận cho con”. A La cười: “Sau này còn nhiều cơ hội, hôm nay không được. Con cũng muốn xem mình trang điểm tử tế trông sẽ thế nào. Mẹ của con đẹp thế này, A La có lẽ cũng không đến nỗi nào đâu”. Thất phu nhân đột nhiên trở nên trẻ trung: “Mẹ thử trang điểm cho con, sau đó lau đi cũng được, để chúng ta tự ngắm thôi mà”. A La cười hi hí: “Gọi Tiểu Ngọc ra cửa canh chừng, nhỡ có ai vào”. Hai người nhìn nhau cùng cười. A La nghĩ đến đêm dạ hội với bạn bè ngày nàng mới vào đại học, cả khu ký túc nữ bận tíu tít, ai cũng thử váy áo, son phấn, trang điểm, náo nhiệt vô cùng. Bây giờ bọn họ, người ra nước ngoài, kẻ lấy chồng, có lẽ đều sống rất tốt. Đột nhiên nghĩ đến cha mẹ, bảy năm rồi, có lẽ họ cũng đã quen cuộc sống không có mình. Nghĩ vậy, hai hàng nước mắt ứa ra. Thất phu nhân thấy vậy thở dài hỏi: “Tam Nhi, con khóc ư?”. A La vội lau nước mắt: “Không có gì, chỉ không muốn đi dự tiệc mà vẫn phải đi”. Nói đoạn nhìn vào gương, sững người. Sau khi chải hất mái bờm, vầng trán trong ngần, rờ rỡ tỏa sáng của nàng lộ ra hoàn toàn, một khuôn mặt hoàn mỹ như tạc bằng ngọc, cặp mắt to, rạng ngời long lanh ngấn nước. Khuôn mặt vẫn còn nét thơ trẻ nhưng đã lay động vô ngần, nàng không nén nổi giơ tay chạm vào người trong gương. Thất phu nhân lại thở than: “Tam Nhi, bây giờ con đã khiến người ta nhìn không muốn rời, mấy năm nữa sẽ thế nào, đẹp quá cũng không phải chuyện hay”. “Cho nên vừa rồi con mới bảo mẹ cứ để mái bờm che nửa mặt, con không muốn là hồng nhan bạc phận, rất khổ”. Nói xong lè lưỡi, khuôn mặt trong gương sinh động hẳn lên. A La nhìn mãi, quay đầu nói với thất phu nhân: “Mẹ à, sửa đi nào”. Thất phu nhân chải lại đầu giúp nàng, hỏi: “Tam Nhi, sau này con muốn tìm một phu quân như thế nào?”. A La ngẫm nghĩ, đáp: “Ít nhất cũng không phải là người thích con chỉ vì khuôn mặt này. Sau đó, là người có thể bảo vệ con, chỉ có một mình con, và không có quá nhiều phép tắc. À, có lẽ yêu cầu này quá cao rồi, ở đây không có đâu. Nhưng bây giờ con vẫn chưa nghĩ nhiều, giờ đây cả ngày con chỉ nghĩ một điều, làm sao không bị người ta ức hiếp là tốt rồi. Con sợ nhất là chết, động tý là chém đầu, đúng là xã hội phong kiến vạn ác”. Thất phu nhân băn khoăn hỏi: “Xã hội phong kiến? Là cái gì thế?”. A La cười: “Chính là cái đất nước này, mọi thứ xung quanh. Đại khái là như thế”. Nàng cười thầm, không thể dùng những từ ngữ hiện đại, kẻo lại phải giải thích mệt lắm. Chương 6.3 Sau khi chải đầu, thay trang phục, A La lại ăn khá nhiều đồ ăn vặt, thấy sắp đến giờ, mới cùng đại phu nhân, Thanh Lôi, Thanh Phỉ lên xe ngựa vào cung dự tiệc. Văn hào Victor Hugo đã từng miêu tả nhà thờ Đức bà Paris là một dàn nhạc giao hưởng bằng đá đồ sộ, kiến trúc là âm nhạc lắng đọng, mỗi phiến đá được lắp ghép tinh tế tạo nên kiến trúc đều là một âm phù tuyệt diệu, những tổ hợp kết phối khác nhau tấu nên những khúc nhạc khác nhau. Trình Tinh từng đến Cố cung ở Bắc Kinh, Cố cung ở Thẩm Dương, cung điện Bangkok ở Thái Lan, bảo tàng Louvre của Pháp, cũng đã nhìn thấy trường quay mô phỏng Tần cung, Hán cung, nhưng nhìn thấy vương cung Ninh quốc xây dựa vào núi lúc này vẫn không khỏi kinh ngạc thán phục. Từ quảng trường mênh mông dưới chân núi nhìn lên, cổ ngửa hết cỡ, mà dường như vẫn không thể nhìn hết vương cung trên núi. Người sống trên đó, lên xuống không mệt hay sao? Nàng hỏi đại phu nhân: “Mẹ cả, vương cung nơi cao nhất là bao nhiêu? Người lên xuống núi liệu có mệt lắm không? Hơn nữa hình như lại còn có tuyết”. Đại phu nhân nhìn nàng: “Cao nhất là lãnh cung, người trong đó khỏi cần xuống núi. Bây giờ nói cho các con biết, để các con vào cung không chạy lung tung. Kim điện chỗ vương thượng nghị sự tọa lạc dưới chân núi, lên một chút thực ra là một khe núi, hậu cung đều ở đó, chỉ hơi cao hơn một chút. Lên chút nữa là khu lưu trữ thư tịch, giặt giũ trang phục của vương cung, tiếp đến là ty tông nhân và lãnh cung, đỉnh của dãy Ngọc Tượng chính là hoàng lăng. Ngự hoa viên ở khe núi hơi chệch về phía tây nam, hôm nay hoàng hậu nương nương mở tiệc ở đó. Ngự hoa viên rộng vô chừng, các con nhất định không được chạy lung tung, đề phòng lạc đường gây họa, nhớ chưa?”. Ba cô gái vội đáp: “Rõ ạ”. Vào cửa cung, tất cả chuyển sang kiệu nhỏ. A La lén vén rèm nhìn ra, bầu trời một màu lam xám đang dần tối. Trong vương cung đèn thắp sáng như ban ngày. Đến cổng ngự hoa viên, mọi người xuống kiệu, A La kinh ngạc phát hiện mặt đường nhấp nháy phát sáng, giống như đèn ngầm dưới mặt đường thời hiện đại. Nàng lén lùi lại một chút, nhìn quanh không ai để ý, nhanh tay cúi xuống sờ, toàn là đá. Thầm nghĩ chắc là được lát bằng loại đá lân tinh, phát sáng mà không chói mắt, nàng bất giác thầm khen Ninh quốc đúng là biết hưởng thụ. Nhìn ra xa, toàn bộ ngự hoa viên như chìm trong biển ánh sáng. A La nheo mắt, bỗng nhận ra những con đường trong vương cung tạo nên hình chim đại bàng. Khách được dẫn đến vị trí đã định dành cho từng phủ, nàng vừa nhìn hình họa thì phát hiện chỗ họ ngồi vừa đúng bộ phận đầu chim. Vừa rồi họ từ phía móng vuốt đại bàng tiến vào. Vậy hai bên đông tây đương nhiên là phần cánh chim. Đầu đại bàng rộng như vậy, hai cánh giương lên, ngự hoa viên thực sự rộng khủng khiếp. Nhìn các cung nữ đi đi lại lại, A La thầm nghĩ, tỳ nữ mà đại phu nhân mang theo hôm nay là người khác, không phải Quyên Nhi. Lâu lắm không thấy Quyên Nhi, không biết vẫn ở chỗ đại phu nhân hay đã đi đâu, đành phải trông chờ vào mệnh của Quyên Nhi vậy. Nàng thở dài, một lần nữa tự nhắc mình phải thận trọng từng lời ăn tiếng nói, nếu không muốn rước họa vào thân. Lúc này tân khách được mời đã lục tục kéo đến. Đối diện với bàn của A La có lẽ sẽ là chỗ của phủ Cố tướng. Ghế bên cạnh nàng có một thiếu nữ chừng mười mấy tuổi đang ngồi một mình trên ghế, thần thái ung dung, khuôn mặt nhìn nghiêng rất xinh đẹp, A La thầm đoán có lẽ là Vương Yến Hồi? Hình như cảm thấy có người nhìn, cô nương đó nghiêng mặt nhìn A La mỉm cười, hai mắt lóe sáng. A La cũng cười tươi đáp trả, ánh mắt gặp nhau, bất chợt thấy chột dạ, có cảm giác hình như nàng ta nhìn thấu suy nghĩ của mình. Thanh Lôi khẽ hắng một tiếng, thiếu nữ ngoảnh nhìn về phía đối diện, A La cũng ngoái đầu theo, đúng lúc nhìn thấy Cố Thiên Lâm đang dìu mẫu thân đi vào. A La suýt bật cười, Thanh Lôi và Cố Thiên Lâm đúng là kỳ phùng địch thủ, Thanh Lôi đêm nay đoan trang quý phái, Cố Thiên Lâm lẽ nào không thế. Hai người trang điểm gần giống nhau, chỉ có màu sắc y phục của Cố Thiên Lâm nhạt hơn, của Thanh Lôi đậm hơn. Y phục của Thanh Lôi thêu hoa mai, dưới ánh đèn, những hạt đá quý lóng lánh phát sáng, cả người cũng tỏa hào quang. Lại nhìn Cố Thiên Lâm, những đường chỉ thêu trên y phục hình như hơi đặc biệt, chúng phát ra ánh sáng rực rỡ giống như ánh lân tinh trong hoa viên. Lại nhìn Vương Yến Hồi, y phục không có gì đặc biệt, trên cổ đeo chuỗi ngọc minh châu quý giá, làm cho khuôn mặt có một vẻ dịu hiền đặc biệt. Nếu trên đầu mỗi người có một ngọn đèn xạ quang thì tốt, giống như những quầng ánh sáng trên sân khấu. A La đột nhiên nghĩ đến Đức mẹ đồng trinh Maria, cúi đầu nén cười. Nội thị hô: “Vương thượng, hoàng hậu giá đáo!”. Khách vội rời khỏi chỗ quỳ sụp xuống, hô vạn tuế. Lúc đã yên vị, A La lén nhìn lên phía trước, Ninh vương tuổi trạc ngũ tuần, dung mạo rất giống thái tử, thời trẻ chắc cũng là một trang tuấn kiệt. Hoàng hậu đầu đội vương miện, xấp xỉ tứ tuần, dung mạo phóng khoáng, tầm vóc trung bình. Thái tử đứng bên Ninh vương. Mắt đang nhìn về phía này, A La liếc sang bên, thấy mặt Thanh Lôi đỏ bừng, cúi đầu, rồi lại ngẩng lên, đã nhanh chóng trao cho thái tử ánh mắt e thẹn. A La thấy miệng thái tử mủm mỉm cười nụ. Ninh vương nói: “Hôm nay hoàng hậu mở yến, quả nhân cũng chỉ là khách, xin mời hoàng hậu chủ trì”. Hoàng hậu không từ chối, tạ ơn rồi nói: “Trung thu trăng tròn, rất hợp để thưởng lãm. Hôm nay chỉ cầu vui, không nói chuyện gì khác. Đã sớm mời các tiểu thư quý phủ chuẩn bị trổ tài, lúc này xin mời thể hiện mới không phụ một đêm đẹp thế này”. Hai người họ đã thương lượng với nhau rồi. Hoàng hậu đưa ra trò chơi, cha con hoàng đế xem diễn để so sánh. A La nghĩ, trò hay sắp bắt đầu rồi đây. Lúc đó cung nữ đứng sau hoàng hậu bước ra dõng dạc tuyên: “Hôm nay nữ tài hội tụ, kính thỉnh chư gia đại diện lên bốc thăm tiết mục biểu diễn, hoàng hậu đã có chỉ, bất luận hay dở đều có thưởng, mỗi bàn lại có phiếu hoa, chư vị cô nương biểu diễn xong, tân khách có thể bình chọn anh tài, theo số phiếu hoa sẽ bình ra ba vị nữ tài đầu bảng”. A La thầm kêu, đúng là cuộc thi nữ sinh thanh lịch thời cổ đại, mình trở thành giám khảo quần chúng rồi. Ninh vương cười: “Quả nhân, hoàng hậu và các vị hoàng thân đều có phiếu bầu, chỉ được bầu một phiếu.Chưvị cân nhắc kỹ hãy bỏ phiếu!”. Lúc đó thấy bóng người đứng phía sau Ninh vương cười nói: “Tuân chỉ”. A La cố nhìn mới phát hiện, trên mỏ đại bàng còn mấy chiếc bàn có người ngồi, nhưng bị cây cảnh che khuất, không nhìn rõ, chỉ có thái tử ngồi phía trước Ninh vương và hoàng hậu. Lát sau, có vị nữ quan cầm hòm hoa đến các bàn để cho các nhà bốc thăm. Đại phu nhân thò tay lấy một tờ, cung nữ ghi lại số phiếu. Đại phu nhân dè dặt mở ra xem, trong đó viết: Nói gieo vần. Đại phu nhân sững người, đề gì thế này? Cau mày hỏi: “Thanh Lôi, cái này con phải suy nghĩ kỹ”. A La nghĩ, chuyện này quá đơn giản, chắc là muốn thử xem miệng lưỡi Thanh Lôi có linh hoạt không. Nhìn xung quanh, biểu hiện mỗi người một kiểu, có người phấn khởi ra mặt, có người thất vọng cau mày. Lát sau, thấy hoàng hậu nói nhỏ gì đó với cung nữ, cung nữ dõng dạc nói: “Kính thỉnh nhị vị cô nương phiếu hoa số ba và số bảy lên phía trước”. ———— CHÚC CÁC BẠN 1 NGÀY ĐỌC TRUYỆN VUI VẺ Chương 6.4 Cố Thiên Lâm từ từ đến trước ngự tiền hành lễ. Cung nữ lại nói: “Phiếu số ba là của Cố tướng thiên kim, đầu đề là vừa nhảy múa vừa vẽ tranh. Phiếu số bảy là của thiên kim Cao thượng thư, đầu đề là chơi khúc đàn “Vũ đả ba tiêu”. Yêu cầu Cố tiểu thư vừa nhảy múa vừa vẽ tranh, sao cho bước vũ phải hòa nhịp với điệu khúc, yêu cầu đối với Cao tiểu thư là tiếng đàn phải tương hòa với tranh vẽ của Cố tiểu thư, khúc đàn vừa dứt thì tranh cũng phải hoàn thành”. Mọi người sửng sốt, nếu hai vị tiểu thư phối hợp không tốt, thì hỏng bét. Đề ra như vậy có vẻ như muốn xem các giai nhân làm trò cười. Chợt thấy ngón tay Cao tiểu thư lay động, tiếng đàn tựa châu ngọc tuôn rơi, liên miên không dứt, Cố Thiên Lâm ngơ ngẩn giây lát, ống tay vừa vung lên, bước nhảy rất chậm. Vung lần nữa nhịp cũng không khớp với tiếng nhạc, thân người bắt đầu uốn nhịp nhanh hơn, một tay nhanh chóng bắt đầu vẽ tranh trên giấy họa. Nhưng tiếng nhạc mỗi lúc một mau. Cố Thiên Lâm soạt soạt vài nét, bước chân múa gấp gáp. Chiếc váy trên người cuốn thành đóa hoa, những đường thêu lóng lánh phát quang vô cùng đẹp mắt. Bên này những ngón tay Cao tiểu thư vẫn lướt trên phím đàn, thấy Cố tiểu thư vẫn chưa vẽ xong, nhận ra khúc nhạc của mình sắp hết, vậy là đành chơi chậm lại, khúc “Vũ đả ba tiêu” cảnh vườn chuối trong mưa lúc này chỉ còn từng giọt mưa rớt trên tàu lá. Xung quanh bắt đầu nổi lên tiếng cười. Cố Thiên Lâm do chậm hơn, lại vẫy nhẹ ống tay, thong thả uốn mình, tay vẫn chầm chậm hoàn thành bức họa, đoạn liếc nhìn Cao tiểu thư, mỉm cười hạ nốt nét bút cuối cùng. Cao tiểu thư mới vội vàng đánh cả mười ngón tay, những giọt mưa biến thành cơn mưa rào rào trên tàu lá, kết thúc khúc nhạc. Hai cô nương lui về chỗ ngồi. A La liếc nhìn bức họa của Cố Thiên Lâm, trong đó chính là cảnh vườn chuối trong mưa, tuy những tia nước hơi rối một chút, nhưng vẫn là bức họa tuyệt vời. Bất giác thầm khâm phục thiếu nữ cốt cách như lan mà trí thông tuệ này. Cung nữ lại tuyên: “Kính thỉnh phiếu hoa số bốn và số sáu”. Lần này là Thanh Lôi và thiên kim của Trần thượng thư. Trần tiểu thư gieo vần, số câu tăng dần. Nàng ta nói một câu Thanh Lôi nói lại một câu, đọc xong Trần tiểu thư sẽ phải đọc thuộc lòng từ đầu chí cuối, Thanh Lôi bắt chước đọc lại, không được sai, không được lẫn. Lần này biểu diễn của hai tiểu thư rất xuất sắc, bây giờ A La mới phát hiện thì ra Thanh Lôi có khẩu tài tốt như vậy. Lại một vòng nữa, Vương Yến Hồi đứng lên, nhưng chỉ có một mình. Đề bốc được là thiết kế một trò chơi, để mọi người cùng tham gia. Vương tiểu thư cười nói: “Liệu có thể cho vài cung nhân phụ giúp tiểu nữ?”. Hoàng hậu gật đầu, cung nữ tiến đến trước mặt Vương Yến Hồi, nghe phân công xong liền tản đi. Vương tiểu thư nói, chất giọng trong trẻo vô cùng: “Yến Hồi thấy ngự hoa viên đêm mà sáng như ban ngày, đường đi lại chằng chịt ngoắt ngoéo, nhưng cuối cùng đều trở về chỗ này. Giờ đã sai cung nữ để câu đố ở các ngã rẽ, quý vị nào đoán trúng sẽ biết lộ tuyến tiếp theo, điểm xuất phát và điểm cuối cùng đều ở đây, quý vị nào không đoán ra cũng có thể tự thưởng lãm cảnh đẹp rồi trở về. Quý vị thắng cuộc là người có nhiều sơ đồ lộ tuyến nhất, trò chơi này một là được thưởng thức phong cảnh, hai là được giải câu đố, thêm phần thú vị, không biết nương nương thấy thế nào?”. Hoàng hậu còn chưa kịp mở miệng, Ninh vương đã phấn khởi cưới lớn: “Tốt, đề này ra rất tuyệt, hoàng hậu có muốn cùng quả nhân tham gia?”. Hoàng hậu cười: “Nếu hoàng thượng giải được ít câu đố nhất, thần thiếp sẽ không đi theo người nữa!”. Ninh vương cười khà khà dắt tay hoàng hậu đi trước, mọi người tới tấp đứng dậy đi vào vườn hoa. Đại phu nhân cười, nói: “Chúng ta có bốn người, tất cả hợp lực, nghĩ cũng không khó”. Lập tức cùng ba cô gái đi vào hoa viên. A La đã quyết, lần này đánh chết cũng không mở miệng. Vào hoa viên, cây cối được đèn chiếu sáng choang, mặt đường ánh lân tinh nhấp nháy, cả hoa viên giống như một mê cung. Nếu không thuộc đường, muốn vãn cảnh trở về như Vương Yến Hồi nói, e rằng cũng khó. Nếu bị bỏ sau mọi người thì sẽ rất khó coi. A La vừa đi vừa quan sát, đi một lát đến một ngã ba, đã có cung nữ đứng chờ, đại phu nhân bước lên rút một câu đố, mở ra đọc, Thanh Lôi đã nói ngay đáp án. Cung nữ cúi chào, lại đưa sơ đồ lộ tuyến tiếp theo. Đại phu nhân nhận lấy, tất cả lại đi về phía trước. Đến khi qua hai, ba ngã tư, A La phát hiện nhiều quan khách đã quay trở lại không đi tiếp nữa. Bụng nghĩ có lẽ họ sợ trở về muộn, chỉ cần được vài sơ đồ lộ tuyến trong tay là được rồi. Đại phu nhân cũng thấy như vậy, lại nhìn Thanh Lôi, Thanh Lôi mỉm cười: “Mẹ cả à, không vào hang cọp sao bắt được cọp con, muốn vượt qua người khác, phải đi tiếp thôi”. Đại phu nhân nói: “Mẹ nghĩ Cố gia thiên kim và Vương gia tiểu thư có lẽ cũng nghĩ như vậy, nếu giữa đường bỏ về, thái tử sẽ coi thường chúng ta”. Bốn người lại đi tiếp, đến một chỗ, đọc câu đố nhưng không sao giải được, cung nữ lại cúi chào nói: “Phu nhân và tiểu thư là người đầu tiên đến được chỗ này”. Ý nói họ đã vượt qua nhiều người khác. Đại phu nhân cười nói: “Được rồi, ta quay về thôi”. Sau khi bốn người quay lại, nhưng chưa đi qua được hai ngã rẽ đã thấy khó khăn. Lộ tuyến lúc đến chỉ ghi nên đi về phía trước, nhưng ngã rẽ lúc này xuất hiện mấy ngả. Nhìn dấu đánh trên bản đồ cơ hồ đều là đường về. A La chỉ biết điểm đích là vị trí đầu con đại bàng, nhưng sau khi đi vào phần thân và cánh mới biết vườn quá rộng, nàng cũng không tìm được phương hướng. Bốn người đều không biết làm thế nào, đại phu nhân nghĩ hồi lâu, nhớ ra con đường lúc đi. Nhưng đi về phía trước một đoạn, lại thấy một ngã ba, đại phu nhân đành dẫn các con đi theo cảm giác, nhưng quanh co một hồi, vẫn không tìm ra đường về. Trước mặt có bốn con đường, đại phu nhân lập tức quyết định mỗi người đi một ngả. Thanh Lôi phản đối: “Đi riêng lẻ như vậy nếu vẫn không tìm được đường về thì làm thế nào?”. Đại phu nhân trợn mắt: “Chỉ cần nhìn thấy thị vệ, chúng ta sẽ nhờ họ chỉ đường”. Vậy là mỗi người đi một đường. Chương 6.5 A La ngẩng đầu nhìn sao trời, sao Bắc Đẩu rực rỡ, ánh trăng trong vắt như nước, cây cối, hoa cỏ lay động, mùi hương bảng lảng đâu đây, kỳ ảo như tiên cảnh. Nàng bắt đầu hình dung lại con đường lúc đến, lại nhìn sao trời, đoán phương hướng, quyết định đi về phía trước. Vừa rẽ qua một khúc quành, nhìn thấy một bóng người dáng cao thanh tú đứng phía trước. A La tim đập thình thình, máu như đông lại, vừa định thần, cúi đầu, quay người trở lại đường cũ, thì đã nghe thấy tiếng Lưu Giác hỏi: “Cô nương lạc đường phải không?”. A La không dám trả lời, vội vàng đi thẳng. Tiếng gió bạt bên tai, bóng người đã lại đứng trước mặt nàng. A La cúi đầu thật thấp. Lại vẫn tiếng Lưu Giác: “Nàng là thiên kim nhà ai, lạc người nhà phải không?”. A La nén giọng nói gọn lỏn, “Phải”. Lưu Giác nói: “Đi theo ta. Nàng đi đường này không đúng”. Có lẽ chàng ta tưởng nàng xấu hổ. A La lại nén giọng nói: “Cô nam quả nữ đi cùng không tiện, công tử chỉ đường là được”. Lưu Giác “À” một tiếng, nói: “Nàng đi theo hướng lúc ta đến, gặp ngã ba thì rẽ phải, đi qua ngã ba thứ ba lại đi thẳng, đến đó có thể nhìn thấy người rồi”. A La vội cúi chào, lí nhí cảm tạ, vội đi theo hướng chàng ta chỉ, chỉ sợ bị nhận ra. Đi một lát, đang định thở phào, lại thấy tiếng Lưu Giác: “Cô nương, xin dừng bước”. A La muốn khóc, trời sắp hại mình rồi, sao lại để mình đi đúng đường này, gặp hắn ta rồi ư? Lòng bấn loạn, tay đã nắm thành nắm đấm, chân dừng lại, đầu vẫn cúi. Lưu Giác hỏi: “Cô nương, trên đường có gặp Cố tiểu thư không?”. A La lắc đầu, thấy Lưu Giác hình như có chút thất vọng thở dài, lại cắm cúi bước. Lúc này Lưu Giác không đi theo nữa, vừa rồi nàng sợ hút chết. Lưu Giác đi tìm Cố Thiên Lâm sao? Nàng ta vẫn chưa quay về ư? Có phải hắn ta có tình ý với Cố gia thiên kim? A La nhớ lại trong Đào hoa yến, hắn ta đã tặng hoa cho Cố Thiên Lâm. May mà Lưu Giác không có ý với mình, Diêm Vương này mình tuyệt đối không được dây dưa. Nàng thở một hơi, bây giờ phải nhanh chóng quay trở về, không biết đại phu nhân và hai tỷ đã về chưa. Đi theo đường Lưu Giác vừa chỉ, quả nhiên lát sau đã nhìn thấy cung nữ. A La vội nói với cung nữ, Cố phu nhân và hai tiểu thư có thể vẫn còn trong hoa viên. Cung nữ cười tươi roi rói: “Tiểu thư đừng ngại, có người dẫn họ ra khỏi ngự hoa viên rồi”. Trở về bàn tiệc, nhìn thấy đại phu nhân đang nói chuyện với hai tỷ, A La bèn đi đến đó. Thấy nàng đã quay về, đại phu nhân cũng rất mừng, bà vẫn sợ A La đi nhầm đường gây ra chuyện. Một lúc lâu sau A La mới nhìn thấy Cố Thiên Lâm quay trở lại, Lưu Giác không đi cùng, không biết anh chàng có gặp nàng ta không. A La nhìn Cố Thiên Lâm, đột nhiên nghĩ, Lưu Giác thích nàng ta, vậy mà nàng ta lại đi tranh giành ngôi thái tử phi, quan hệ phức tạp quá. Cung nữ lục tục dẫn khách trở về. Một lát sau, nghe tiếng nữ quan tuyên: “Người chiến thắng trong trò chơi đoán đường trong ngự hoa viên này là Lý tướng phu nhân và thiên kim”. Hoàng hậu cười, nói: “Lý phu nhân và thiên kim cơ mưu hơn người, mời lên lĩnh thưởng”. Lý phu nhân sung sướng kinh ngạc dẫn ba cô gái đến trước ngự tiền hành lễ lĩnh thưởng. Nghe thấy hoàng hậu hỏi: “Được nghe, Thanh Lôi ngón đàn inh, Thanh Phỉ giỏi thư họa, nhưng chưa biết gì về tài của tam tiểu thư”. Đại phu nhân vội đáp: “Thanh La còn nhỏ, chưa bằng hai chị, đây là lần đầu vào cung”. Hoàng hậu cười: “Ngẩng đầu để ai gia nhìn nào!”. A La vội quỳ xuống, ngoan ngoãn từ từ ngẩng đầu. Hoàng hậu chỉ thấy nửa khuôn mặt và chiếc cằm nhọn, cảm thấy tam tiểu thư của Lý gia không như Thanh Lôi và Thanh Phỉ vừa nhìn đã thấy ngay là mỹ nhân. Bèn hỏi: “Ở nhà Thanh La học gì?”. A La đành trả lời: “Tiểu nữ vừa học thổi sáo mấy ngày, vẫn chưa thành thạo”. A La ngẩng đầu, vừa dứt lời, trong mấy bóng người khuất sau lưng Ninh vương có người “ồ” một tiếng. Nàng giật nảy mình, giọng này hơi quen, là ai thế? Lưu Giác sao? Nàng lại càng sợ hãi vội cúi đầu. Hoàng hậu đang muốn tìm điểm yếu nào đó của Lý gia. Trò chơi giải đố này là do Vương Yến Hồi đưa ra, khiến ngay cả Ninh vương cũng vô cùng hứng thú, tân khách hồ hởi tham gia, nhưng người thắng cuộc lại là Lý Thanh Lôi. Nghe Thanh La nói, mới học thổi sáo ít ngày, bình thường cũng không nghe nói tam tiểu thư của Lý phủ có tài cán gì, bèn nảy ra một ý định, nói: “Đứng lên đi, thổi một khúc cho ai gia nghe nào”. A La nhẹ giọng vâng lời, đầu rối như tơ: Nên thổi hay, hay là thổi dở? Lúc này đại phu nhân và hai tỷ đã quay về chỗ, cung nữ mang cây sáo đến. A La đứng dậy, khi đại phu nhân đi ngang qua nàng đã nói nhỏ: “Không được để tướng phủ mất mặt”. A La thầm nghĩ, không hay không dở vậy, chỉ cần ứng phó là được. Nghĩ vậy, nàng bình thản thổi một khúc, thổi xong cầm sáo đứng đó. Chỉ thấy hoàng hậu buông một câu: “Xem ra thiên kim Lý tướng cũng không xoàng, ai cũng tuyệt nghệ vô song, cho ngươi lui”. A La vội cúi đầu lùi ra. Đại phu nhân lườm nàng, nói nhỏ: “Sao không học hành cho tử tế, về nhà ta hỏi tội!”. Coi như là xong, đằng nào cũng không nên làm con chim đầu đàn! A La thầm nhủ. Cuộc thi tài trong dạ yến kết thúc. Đội ca vũ trong cung bắt đầu biển diễn. Lúc đó cung nữ mới đi thu các phiếu hoa bình chọn. Lát sau, Ninh vương vẫy tay ra hiệu nhạc dừng, mỉm cười vui vẻ: “Phiếu hoa đã thống kê xong, ba người đầu bảng là Cố tướng thiên kim, Lý tướng thiên kim và Vương thái úy thiên kim, quà thưởng sẽ đưa đến các phủ”. Ba tiểu thư đứng dậy đến trước ngự tiền tạ ơn. Mặt đại phu nhân lúc đó mới từ sầm sì trở thành tươi cười như hoa nở. Ngồi xem múa hát một lát, Thanh Lôi đột nhiên đỏ bừng mặt, cúi đầu nói nhỏ với Lý phu nhân. Đại phu nhân mỉm cười: “Bảo A La đưa con đi”. A La ngẩn người: “Mẹ cả, con…”. “Bảo đi thì đi nhanh lên”. Đại phu nhân vẻ sốt ruột. A La thở dài đứng lên, nàng không muốn ra ngoài, sợ nhỡ gặp Lưu Giác. Họ cùng đi ra, cung nữ dẫn đường đưa họ vào một động có cửa hình bán nguyệt, chỉ chiếc lều phía xa, Thanh Lôi bèn đi vào, A La đứng ngoài chờ. Lát sau Thanh Lôi đi ra, hai người quay trở lại bàn tiệc, đang đi, bỗng thấy thái tử đứng bên đường. Thanh Lôi nhìn Thanh La, thái tử cũng nhìnThanh La.A La nghĩ, hai người có lẽ đã hẹn trước, kéo mình theo làm bình phong đây, vậy là tươi cười nói với Thanh Lôi: “Đại tỷ, muội về trước”. Thanh Lôi vội gọi lại: “Chúng ta cùng về”. A La nghĩ, sao mà xúi quẩy thế, không cho về, để mình đi đâu đây? Không còn cách nào đành nhận lời: “Muội ra phía kia ngắm trăng, lúc nào về gọi muội”. Thanh Lôi đỏ mặt gật đầu. A La vòng qua con đường nhỏ, nhìn thấy dãy hành lang, liền đến đó ngồi. Lòng thầm mong hai người nói chuyện nhanh nhanh, yến hội nhanh kết thúc, nhất định không nên gặp Lưu Giác, nhất định không để cho hắn ta nhận ra mình. Đang nghĩ, đột nhiên toàn thân tê dại, người dựa vào cột, không thể động đậy, há miệng cũng không nói được, A La kinh ngạc, sao lại thế này? Một người từ phía sau vòng lên trước mặt, chính là Lưu Giác. A La toàn thân lạnh toát, thầm rên, hỏng rồi. Oan gia ngõ hẹp sao lại gặp đúng người của vương cung? Ngộ nhỡ xảy ra chuyện gì, bị chém đầu chẳng chơi! A La nhìn Lưu Giác, hoảng hốt. Thấy chàng ta ngồi xuống cạnh mình, mặt đầy phấn khích: “Thì ra là tam tiểu thư của Lý tướng gia, cuối cùng ta đã tìm được”. A La lúc này chỉ có thể ngồi nhìn chàng ta. Đúng là tránh một ngày, không tránh được cả tháng, càng muốn tránh xa các công tử hoàng gia thì họ càng sáp lại. Đột nhiên Lưu Giác ghé mặt lại gần, nhìn thẳng vào mắt A La một lát, rồi ngoảnh đầu ra, chép miệng “chà chà”: “Chính là đôi mắt này, không sai”. Tiếp đó là giọng nói gay gắt: “Để ta tìm mãi! Hừ, dám ra tay với tiểu vương gia, cảm giác bị điểm huyệt thế nào?”. A La hốt hoảng nhìn chàng ta không nói câu gì. Lưu Giác lại tiếp: “Muốn nói phải không? Có điều, ta phải nhắc ngươi trước, đừng có hô hoán ầm ĩ, kinh động thánh giá”. Nói xong hơi giơ tay ra. A La mở miệng: “Ngươi định thế nào?”. Lưu Giác nghiêng đầu nghĩ một lát: “Tạm giữ cô nương ở đây hai canh giờ, huyệt đạo giải xong cô lại quay về được chứ?”. A La hoảng hốt: “Hôm nay không được, đây là hoàng cung, lần trước là ta sai, huynh là đại nhân nên rộng lượng, giơ cao đánh khẽ được không?”. Kịp thời nhận định tình hình mới gọi là đầu óc thông minh, chỉ có ngu ngốc mới cứng cổ giơ đầu chịu báng. “Dựa vào đâu? Đánh ngất người lại còn cướp ngân lượng, làm gì có chuyện như thế!”. Gã công tử nhà giàu hống hách bị ta đánh ngất trói gô, lại cướp ngân lượng là đáng đời ! Bây giờ A La không thấy hối hận nữa, bụng rủa thầm, nhưng mặt vẫn tươi cười. Thanh Lôi đứng xa vẫy nàng, A La vội đáp: “Đại tỷ, muội đến ngay”. Thấy Lưu Giác không chịu giải huyệt ình, nước mắt trào ra nàng nói: “Ta phải về, nếu gây họa, cha ta đánh chết! Huynh lén ra tay với ta cũng không phải là anh hùng hảo hán, hay là hôm nào chúng ta tỷ thí lại?”. Lưu Giác thấy nàng mặt đỏ gay, mắt ngấn nước long lanh, vẻ rất tội nghiệp, bật cười “khì” một tiếng. Tìm suốt nửa năm cuối cùng đã biết nàng ta là ai, nỗi phẫn nộ trong lòng đã vơi một nửa. Lại nghĩ đây là vương cung, liền giải huyệt cho nàng, nói với vẻ bề trên: “Chiều mai chờ tiểu vương gia ta ở ven sông phía nam thành”. A La chạy như bay đến chỗ Thanh Lôi, bụng nghĩ chuyện ngày mai, để mai tính, hôm nay nhất định mình phải về nhà bình yên, càng nghĩ càng thấy ghét Lưu Giác. Lưu Giác nhìn theo bóng nàng, tâm trạng rất sảng khoái, như vớ được món đồ chơi mới mẻ thú vị, bắt đầu suy nghĩ ngày mai tìm trò hay gì để giỡn Lý Thanh La. Thanh Lôi chờ đã sốt ruột, nhìn thấy A La chạy đến trợn mắt: “Chuyện hôm nay không được nói với ai! Nếu không thái tử sẽ không bằng lòng”. A La vội gật đầu. Hai người trở về bàn tiệc không lâu thì yến tiệc giải tán, đại phu nhân phấn khởi đưa ba cô gái quay về phủ. A La kể cho thất phu nhân nghe chuyện trên bàn tiệc, tuyệt nhiên không đả động đến chuyện bị Lưu Giác nhận ra, sợ mẹ lo lắng. Khi lên giường, lại một mình trằn trọc suy nghĩ, ngày mai không thể không đi, có thể làm dịu nộ khí của Lưu Giác là tốt nhất, tránh để hắn ta suốt ngày đến tìm mình gây chuyện. Nàng rất hiểu kiểu người như Lưu Giác, càng đấu hắn ta càng hung hăng. Nghĩ mãi, rồi “hừ” một tiếng, đồ trẻ ranh! THE END CHAPTER 6