Duyên - bạch lạc mai
Chương 4 : cứ xem trăng mấy bận tròn vành?
Đề núi Trung Nhạc - Tại Kinh Nam
Núi cao chót vót núi cheo leo,
Chống gậy vin dây thủng thẳng trèo.
Đến mái chùa kề bên trăng sáng,
Dăm nhà sư bạn với mây chiều.
Huyền Trang
Tôi là kẻ đã quen một mình quạnh quẽ giữa đêm khuya, cô quạnh cũng không phải suy sụp, chỉ là tìm một cái cớ tĩnh tại cho cả ngày dài huyên náo. Bạn gửi tin nhắn hỏi: Đang làm gì thế? Tôi đáp: Đang ngắm trăng, nghe cổ khúc, nghĩ vài chuyện cũ lỗi thời. Ngoảnh đầu lại, bao nhiêu chuyện cũ? Chuyện cũ chính là như vậy, khi bạn muốn nhớ, lại phát hiện thì ra đã quên kha khá mất rồi. Song khi bạn muốn quên, lại một mực vương vấn trong lòng, khiến bạn day dứt không yên. Chuyện cũ quá nhiều, không phải mọi thứ trong quá khứ đều đáng để bạn hoài niệm. Rất nhiều mảnh vụn ký ức, trong đêm thâu lại tỏa ra ánh sáng sắc lẻm, rạch nát chút hoàn chỉnh cuối cùng còn sót lại của chúng ta. Trong ấn tượng mơ hồ, chúng ta cần gì để ý là quên lãng hay là nhớ tới?
Trông trăng, thường bất giác nhớ tới khúc hát cuối phim "Tây Du Ký", phần Nữ nhi quốc. "Việc trên đời thường khó toại ý người, cứ xem trăng kia được mấy khi tròn vành vạnh?" Thực ra, tôi đã nhiều lần nhắc đến câu này trong văn mình, nhiều đến nỗi chẳng ngại mọi người chán ghét. Là vì yêu thích, ghi khắc trong lòng, nên mới vậy. Cứ thế lại nghĩ đến Đường Tăng, một vị hòa thượng đã thề giao cả đời này cho Phật Tổ. Nhưng ở Nữ Nhi quốc, ngài đã động lòng phàm, một lần duy nhất, khiến người xem không thể nào quên. Nữ vương Nữ nhi quốc, thực ra chỉ là một kiếp nạn tình của Đường Tăng. Bấy giờ nửa đêm Đường Tăng được nữ vương mời đến để thưởng thức quốc bảo, Tôn Ngộ Không đã nói một câu: "Phải xem đạo hạnh của sư phụ thôi." Đạo hạnh ở đây, cũng chính là định lực của Đường Tăng, một người đàn ông đương độ hào hoa, đối diện với một giai nhân như hoa như ngọc, quả thực phải có định lực phi phàm, mới có thể để người ấy ngồi vào lòng mà tâm không hề loạn.
Hôm nay tình cờ đọc được một bài thơ thiền của cao tăng Huyền Trang nổi tiếng đời Đường, cũng biết ngài chính là nguyên mẫu của Đường Tăng trong "Tây Du Ký". Ngô Thừa Ân đời Minh, dựa theo sự tích Huyền Trang Tây hành sang Ấn Độ cầu pháp lấy kinh, mà phát triển thành một danh tác văn học. Huyền Trang trong lịch sử và Đường Tam Tạng trong tiểu thuyết khác nhau rất nhiều, nhưng có điểm chung là đều không nề nguy hiểm, khởi hành từ Trường An, nhắm thẳng hướng Tây. Song Đường Tam Tạng được Quan Âm điểm hóa, thu bốn đồ đệ, dọc đường cưỡi Bạch long mã, tuy trải mọi đắng cay, nhưng cũng nhận được rất nhiều nghĩa tình nồng hậu. Bấy giờ quốc lực triều Đường cũng chẳng lấy gì làm mạnh mẽ, lại đang giao chiến với người Đột Quyết ở Tây Bắc, triều đình cấm mọi người tự ý ra khỏi quan ải. Huyền Trang đành lén lút vượt biên giữa đêm khuya, một thân một mình, cưỡi một thớt ngựa gầy, băng qua sa mạc hiểm trở, núi tuyết đồng hoang, đi qua không biết bao nhiêu chốn "trên trời không chim chóc, dưới đất vắng muông thú, cũng chẳng thấy cây cỏ". Ngài chỉ có thể âm thầm nhẩm Tâm kinh, tưởng như Phật Tổ đang ở phía trước vẫy tay gọi mình, chỉ còn cách một khoảng ngắn nữa thôi, sẽ được thấy hoa sen nở rộ, linh đài trong suốt.
Ngài đã quyết tâm đi về phía Tây, không tới Ấn Độ thì vĩnh viễn không trở lại, dù cho nửa đường bỏ mình xứ lạ, cũng không hối hận. Bởi thế dọc đường đi, dù trải qua bao nhiêu tai nạn, ngài đều coi đó là khảo nghiệm của Phật Tổ dành cho mình. Sau cùng cả đi cả về mất mười bảy năm, lộ trình gần mười vạn dặm, tháng Giêng năm Trinh Quán thứ mười chín thì về tới Trường An, được Đường Thái Tông và văn võ bá quan hân hoan nghênh đón. Ngài đã đem tượng Phật, xá lợi Phật cùng một khối lượng lớn kinh Phật nguyên văn tiếng Phạn về cho Trung Thổ Đại Đường. Một bộ "Đại Đường Tây Vực ký" bao hàm phong thổ văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng của hơn một trăm quốc gia, có thể nói là bao la vạn tượng, như trăm sông đổ về biển lớn. Bộ sách này do Đường Thái Tông khâm định, Huyền Trang đích thân biên soạn, lại được đệ tử Biện Cơ của ngài chỉnh lý hoàn thành. Nội dung sinh động xác thực, lời văn trôi chảy phấn chấn, được coi là bảo điển Phật học.
Mười bảy năm, ngài đã dành hết ngày tháng thanh xuân đẹp nhất cho cuộc hành trình dằng dặc, khi trở về thì tóc đã điểm sương, tay bưng kinh sách đổi bằng cả tuổi xuân, có lẽ cả đời ngài thực sự không có gì hối hận. Dù tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại, thì ít ra, ngài cũng có thể tìm kiếm từng chút ký ức đã mất đi trong kinh sách, trong xá lợi. Quỳ gối trước Phật Tổ, ngài có thể bình thản thưa rằng, con không phụ lời ủy thác. Hồi ký của Huyền Trang hẳn đã đủ nuôi dưỡng cả đời ngài, Phật pháp truy cầu viên thông tự tại, nên những gì ngài ghi lại hẳn đều là những niềm vui ngài đạt được, chứ không phải những khổ nạn từng trả giá. Trải qua năm tháng trui rèn, dung mạo từng bền vững cũng đã biến đổi, cái mà ngài có, chỉ là sự từ bi và tĩnh tại bỏ qua quá khứ, khoan thứ vị lai mà thôi. Chung quy lại, Huyền Trang vẫn là một cao tăng được Phật Tổ phù hộ, ngài không phải hòa thượng đầu tiên tới Tây thiên thỉnh kinh, cũng chẳng phải người cuối cùng. Trong dòng chảy bao la của lịch sử, rất nhiều tăng nhân để thỉnh được chân kinh mà chẳng nề nguy hiểm, kiên quyết rời khỏi Trung Thổ, ngàn dặm bôn ba tới Tây Vực. Nhưng người quay về được chỉ đếm trên đầu ngón tay, đa phần họ đều bỏ mình trong sa mạc hoang dã, hoặc rừng lạnh đất tuyết. Những bộ xương chẳng ai thu nhặt ấy, đành mai một cùng bầy dã thú, phát ra ánh lân tinh lấp lóe trong đêm vắng, nói với trời đất mênh mông rằng, linh hồn bọn họ kiên quyết không rời khỏi đây. Vì một lời kêu gọi của đức Phật mà bọn họ dốc sức theo đuổi xa xôi như vậy, một thân một mình đi vào hiểm cảnh, chỉ để độ hóa ngàn vạn chúng sinh. Đều nói rằng tịch diệt có nghĩa là tái sinh, vậy thì những linh hồn bất tử ấy, nhất định được Phật Tổ an bài, khi công đức viên mãn, sẽ thấy lại mặt trời.
Bỏ quá trình nặng nề kia xuống, trở lại thưởng thức áng thơ thiền của Huyền Trang:
"Núi cao chót vót núi cheo leo,
Chống gậy vin dây thủng thẳng trèo.
Đến mái chùa kề bên trăng sáng,
Dăm nhà sư bạn với mây chiều."
Huyền Trang lúc này, nghiễm nhiên đã thành một vị cao tăng vượt ra ngoài cõi thế. Chống gậy níu dây, chẳng qua chỉ muốn tìm thú nhàn giữa núi rừng trên đỉnh cao chót vót. Ngôi chùa tọa lạc trên đỉnh núi thoắt ẩn thoắt hiện, như tựa vào vầng trăng sáng, thanh tịnh đến nỗi không tìm nổi chút khói lửa nhân gian. Chỉ có mấy vị tăng nhân nhàn rỗi, đi đi về về trong mây, hết mực khoan thai tự tại. Ruộng dâu hiện giờ của họ, cũng được đổi bằng bãi bể khi xưa. Phật Tổ không thiên vị, trên đường cầu đạo, người có thiên phú và duyên phận, có lẽ sẽ ngộ sớm hơn đôi chút, nhưng cả quá trình kỳ thực đều vất vả như nhau. Đợi tới khi gió mưa đều thành quá khứ, tan hợp lùi vào xa xưa, mới có thể buông bỏ tất cả, thản nhiên thiền tịnh.
Năm Lân Đức thứ nhất (664), ngày mùng Năm tháng Hai, Huyền Trang viên tịch, thọ sáu mươi ba tuổi. Cao Tông đau lòng khôn xiết, bãi triều ba ngày, ban thụy hiệu là "Đại Biến Giác", lệnh cho xây tháp ở vùng đồng bằng phía Bắc sông Phàn. Về sau, nổ ra khởi nghĩa Hoàng Sào, có người mang linh cốt của ngài tới Nam Kinh dựng tháp. Đến thời Thái Bình Thiên Quốc tháp đổ; tới khi dẹp yên được họa loạn thì đã bị chôn vùi không ai biện nhận được nữa. Ngàn đời thịnh suy đà định sẵn, bể dâu thế sự cứ thay nhau, đường trần mờ mịt, chẳng ai có thể vất vả một đận để nhàn nhã suốt đời. Muốn vứt bỏ tất cả, ngồi ngắm mây lên, trước hết phải nếm trải hoạn nạn. Băng qua đêm tối mênh mông đầy hiểm nguy rình rập, đứng trên lầu đón bình minh, mới biết ai là người thực sự đi được đến cuối đường.
Một kiếp người như mây trôi nước chảy mà quá khứ là nước đổ khó thu, cái chúng ta có chỉ là hiện tại mà thôi. Làm một người lãng quên khổ nạn, mới học được cách cảm ân từ trong khiếm khuyết và vụn vỡ. Trên trang sách trắng trơn của sinh mệnh, chúng ta điền thêm bản thân vào, hết tẩy lại nhuộm những màu sắc bất đồng, bôi quết lên đó những khói lửa khác nhau. Cho tới một ngày, linh hồn tĩnh tại như đóa lan tịch mịch lúc rạng sáng, bấy giờ, chúng ta mới thực sự viên mãn.
Truyện khác cùng thể loại
10 chương
35 chương
76 chương
80 chương
2 chương
82 chương
298 chương