Đường Chuyên

Chương 237

Vân Diệp vừa mới đặt chân tới Trường An thì thư của Na Mộ Nhật cũng tới, chữ viết ngay ngắn đẹp đẽ, không cần nói cũng biết là do Hoạn Nương viết. Trong thư nói Na Mộ Nhật vì Vân Diệp đi mà ngày ngày không thiết tha cơm nước, hôm nào cũng đứng trên núi cao nhìn ra xa, mong đợi tình lang về, người gầy dộc đi, nhìn tình hình qua được mùa xuân này hay không cũng là một vấn đề, chữa được bệnh tương tư ấy chỉ có Vân Diệp, mong Vân Diệp quay về thảo nguyên một chuyến. Lừa ma à? Với giây thần kinh to như giây thừng của Na Mộ Nhật, vừa bị người ta trói lên ván gỗ sắp lấy đầu làm chén rượu, chớp mắt đã chọc lưng Vân Diệp đòi ăn, nữ tử như vậy mà vì bệnh tương tư không ăn nổi à? Nãi nãi rất tò mò, liếc nhìn thư của Vân Diệp, thấy y lúc thì lắc đầu cười khổ, khi thì kinh ngạc, còn không ngừng đấm đầu mình, tựa hồ rất hối hận. Thư do trong quân chuyển tới, nhưng nãi nãi biết không liên quan gì tới quân vụ, chữ trên đó không phải chữ nam nhân, phong thư còn có mùi hương của son phấn, trong quân làm gì có thứ cổ quái này. Nãi nãi đoán khả năng là thư của nữ tử, nãi nãi rất muốn biết nữ tử đó có phải có thai rồi không, còn về phần nữ tử đó là ai, thân phẩn thế nào, nãi nãi không quan tâm. - Cháu ngoan, nếu như nữ tử đó có cốt nhục của Vân gia thì cháu đón nó về đi, không cần nghĩ nhiều, Tân Nguyệt không giận đâu, trong nhà ai dám nói lăng nhăng, nãi nãi lột da. Lão nãi nãi muốn có trọng tôn phát điên rồi, nếu nữ tử viết thư mang cốt nhục của Vân gia, trừ không thể cho thân phận chính thất, cái gì cũng được, chỉ cần có trọng tôn. Vân Diệp cười khổ đưa thư cho nãi nãi: - Đúng là có một nữ tử như thế, nàng là người Đột Quyết, tôn nhi không có mấy kỳ vọng vào nàng, nhưng bộ lạc của nàng có hi vọng lớn, Vân gia và gia tộc khác không giống nhau, nhà ta chỉ có một nam đinh, muốn tán dầy lá rậm chẳng được, đành thử với nàng, xem có thể kiếm được chỗ đặt chân cho Vân gia ở thảo nguyên hay không. Lão nãi nãi xem thư xong, bốp một tiếng đập thư xuống bàn, giận vô cùng: - Đồ vô dụng, ngay cả thai cũng chưa có dám mở miệng xin cứu tế, chết đói là đáng đời. Không cách nào nói lý nổi với nãi nãi, Vân Diệp còn chưa làm gì Na Mộ Nhật, đâu ra có thai, nếu có thai rồi, Vân Diệp mới nghĩ lại quan hệ với Na Mộ Nhật, còn về phần có đi thảo nguyên hay không, đó thuần túy là xem lợi ích bao nhiêu, không có tình cảm làm vốn để tăng thêm tính trọng yếu của thảo nguyên. - Cháu à, đám Hồ tử chẳng có tình nghĩa gì đâu, nếu nữ tử đó có giống của Vân gia, chúng ta giúp đỡ là đương nhiên, hiện giờ không có là chuyện khác. Nãi nãi không muốn làm cho người khác hưởng. - Nãi nãi, đây không phải phải là chuyện gia nghiệp, mà còn là chuyện quốc gia. Hiện giờ Đại Đường đánh bại người Đột Quyết, thảo nguyên rộng lớn mà không có biện pháp khống chế, sớm muộn cũng thành mầm họa, cơ nghiệp của Vân gia ở thảo nguyên là chuyện nhỏ, tìm phương pháp mới là chuyện lớn. - Cháu ngoan, cháu đi làm chuyện lớn của cháu, quốc quân đại sự thì nãi nãi không hiểu, chỉ cần cháu thấy thích hợp thì làm, một gia tộc muốn bình an, không trả giá gì đó là không thể, đạo lý này nãi nãi cũng hiểu. Nãi nãi còn sống được vài năm nữa, chỉ muốn trước khi nhắm mắt thấy được cháu bình an, nếu có vài tiểu trọng tôn nữa thì dù có chết bây giờ cũng vui lòng. - Trọng tôn sẽ có, chỉ sợ nãi nãi bế không xuể lại chê phiền thôi. Vân Diệp thấy nãi nãi thương cảm, đứng đậy đi ra sau lưng xoa cổ cho bà, gần đây nãi nãi cứ hay cảm thấy đầu nặng chân nhẹ, đó là do suy nghĩ quá nhiều mà ra. Hôn sự với Tân Nguyệt đã được nãi nãi đưa vào lịch trình, lần trước chuyện tốt bị Ngọc Sơn tiên sinh phá hỏng, nãi nãi cứ để bụng mãi, cho rằng lão tiên sinh là sao chổi, không thèm để ý tới ông nữa. Mấy ngày trước lão tiên sinh tới Vân gia trao đổi chuyện dùng gấm Thục đổi nước hoa, chuyện đã xong, nể mặt Tân Nguyệt, Vân gia không làm khó thông gia, giá cả ưu đãi nhất, dù lấy nước hoa trước, gấm Thục khi nào mang tới cũng được. Lão nãi nãi nhìn Tân Nguyệt thì mặt tươi cười vui vẻ, chớp mắt quay sang Ngọc Sơn tiên sinh thì mặt nặng mày nhẹ, làm lão tiên sinh chẳng hiểu mình đắc tội với lão thái bà này lúc nào, Tân Nguyệt mặt đỏ dừ cúi đầu xuống không nói, cô cô chạy ra ngoài cửa, cười thiếu chút nữa đứt ruột. Hưởng lợi từ Vân gia thì cũng phải bỏ ra gì đó, nãi nãi mời Lý Cương tiên sinh tới nhà, tặng rất nhiều lễ vật, bao gồm một con nhạn lớn, Lão Trang mang thân thể bị thương dẫn người ra sông hai ngày mới giăng lưới bắt được mười mấy con, chọn con to nhất đem tặng. Lý Cương tiên sinh làm việc gọn gàng, sáng đi sáng về, chưa tới một canh giờ đã làm ổn thỏa, nói với lão nãi nãi, ngày mùng hai tháng tư là ngày tốt, vậy quyết định là ngày đó. Vân Diệp đã thấy Ngưu Kiến Hổ đi xin cưới, lằng nhằng rườm rà cả một đống lễ nghi, vất vả suốt hai ngày mới xong, không biết vì sao tới mình lại nhanh gọn như thế, chỉ một canh giờ đã ổn thỏa rồi. Bất giác nghĩ liệu có phải Lão Lý có được nhà mới, đem con nhạn trong tay nhét vào tay Ngọc Sơn tiên sinh, nói với ông ta mùng hai tháng tư chuẩn bị gả tôn nữ, sau đó hai người ngồi xuống uống trà, bàn qua công việc, rồi chắp tay cáo tử, nhưng lễ vật của Vân gia đi đâu rồi? Không thấy cái nào quay về, gặp sơn tặc à? Câu này không dám hỏi Lý Cương, gần đây lão tiên sinh rất bất mãn với Vân Diệp, nhất là lại càng bất mãn với hành vi của y ở thư viện, dạy học ba ngày, bắt cá hai ngày, Hứa Kính Tông đã mau chóng hòa nhập vào vai trò mới, chỉ có Vân Diệp về rồi chỉ toàn làm chuyện vô dụng, làm thịt được Đậu gia là dẫm phải phân chó, nếu như không không phải bách tính bạo động, chắc bây giờ đầu y vẫn còn treo trên cổng thành. - Tiểu tử, thư viện cần yên ổn, đứng có vài ba ngày lại làm sấm sét đùng đùng, đó không phải hoàn cảnh dạy học, yên tĩnh hài hòa mới là môi trường nghiên cứu học vấn tốt nhất, lần này lão phu vội vàng xác định hôn sự của ngươi, là hi vọng sau khi ngươi lập gia thất rồi sẽ an phận hơn, đừng có cứ xen vào tranh đấu ở triều đường, đó là một cái vũng bùn, không có đúng sai, trong tiếng tranh cãi không ngừng nghỉ ở đó, ngươi sẽ thấy tuổi trẻ qua rất nhanh, đợi khi ngươi muốn quay đầu lại thì thời gian tươi đẹp nhất đã không còn, muốn làm chuyện lớn đã muộn, lão phu giờ nhìn lại chuyện xưa, đối với việc thời trẻ chìm đắm trong sát phạt quan trường, cứ đấm ngực hối hận không thôi, lão phu không muốn ngươi dẫm vào vết xe đổ của mình. Nếu như nói hiện giờ thư viện là mạng sống của Vân Diệp, vậy với Lý Cương mà nói, thư viện là tất cả của ông ta, tới cổ lai hi mới tìm được chốn thích hợp với mình, đem toàn bộ tâm huyết bỏ vào đó, chỉ mong nó nở thành bông hoa rực rỡ nhất. - Lý sư, tiểu tử cũng muốn cả đời này trốn trong thư viện dạy học, nhàn hạ thì cười nghe chuyện phiếm, nằm nhìn sấm sét, thưởng thức quần hùng tranh phong, thưởng thức bi hoan sau khi uống rượu, nghĩ tới đó là tiểu tử ao ước, nhưng bệ hạ không cho, chuyện Đậu gia lần trước tiên sinh cũng biết nội tình, tiểu tử còn đường từ chối à? Nói xong những điều đó lại đem hợp đồng với công bộ ra cho Lý Cương xem. Mới xem thì sắc mặt Lý Cương bình tĩnh, người công bộ là cái thứ gì ông hiểu rất rõ, loại chuyện này còn chưa làm khó được Van Diệp, chỉ là nhìn thấy điều khoản hoàng hậu thêm vào thì đùng đùng nổi giận, không có chút công bằng nào cả, trên đời này làm gì có chuyện ba vạn quan xây được cung điện, tuyệt đối không thể. Lý Cương mặt nghiêm nghị hỏi: - Ngươi đắc tội với hoàng hậu bao giờ? - Không có, ngược lại, xưa nay hoàng hậu nương nương luôn quan tâm tới tiểu tử, nương nương không có ác ý với tiểu tử, trước kia chưa từng có, tiểu tử nghĩ, sau này cũng không có, nếu nói trong hoàng cung ai đáng để tiểu tử kính trọng nhất thì chính là hoàng hậu nương nương. - Nếu như thế thì vì sao lại có thứ này trên hiệp ước? - Chỉ có thể nói nương nương quá hiểu tiểu tử, sợ tiểu tử kiếm được quá nhiều, khiến người ta hận, thể diện công bộ mất sạch, nếu như tiểu tử dễ dàng kiếm được tiền, công bộ từ trên xuống dưới trừ dâng tấu từ quan tập thể thì tiên sinh thấy họ còn con đường thứ hai nào không? Vân Diệp cho tới giờ vẫn lấy làm lạ, vì sao quan viên công bộ cho rằng xây nhà ở đoạn đường phồn hoa nhất trong thành thị lớn nhất thế giới lại không kiếm được tiền? Đây là cái lý gì? Thương nhân đời sau nếu biết có cơ hội này thì đã đánh nhau vỡ đầu, chứ đâu có cơ hội Vân Diệp bị người ta bắt chẹt? - Tiểu tử, ngươi không cho rằng dùng ba vạn quan tiền có thể xây được một tòa cung điện đấy chứ? Lý Cương nghe Vân Diệp nói thế không giận nữa, nhưng lại lo lắng: - Nam mộc thượng hảo hạng, riêng làm cột nhà đã cần tám mơi cái, còn phải to bằng vòng tay, giữa không cho phép nối lại, không có tỳ vết, riêng thứ này đã tốn vạn quan tiền, còn chưa chắc đã kiếm được gỗ thích hợp. - Nam mộc được xưng là nghìn năm không mục, hoa văn trang nhã, chất gỗ nhu hòa, không bị co rút, gặp mưa có u hương phát ra, là vật liệu làm cột trụ tốt nhất. Phẩm chất tối cao là kim ti nam mộc, có ánh vàng thần kỳ bên trên, rất là hiếm có, vận chuyển nó tới Trường An cũng hao tốn kinh người, tiên sinh nói nó giá trị vạn quan không sai. - Vậy sao ngươi còn dám nhận lấy việc này, sợ bỏ hết tiền lãi kiếm được từ phường Hưng Hóa vào cũng còn thiếu. Lý Cương lại cuống lên: - Tiên sinh chớ lo, trong Thục có kim ti nam mộc, rất nhiều, đừng nói là trăm cây, nghìn cây cũng có gì khó, tiểu tử còn mong kiếm thêm một ít kim ti nam mộc đưa tới Trường An kiếm lời, bù chi phí xây hoàng cung. - Tiểu tử, ngươi điên rồi, một nghìn cây nam mộc cho dù ngươi tìm được cũng làm sao vận chuyển khỏi núi sâu, càng chẳng nói tới trèo đèo lội suối, ngươi có biết vận chuyển qua sạn đạo đất Thục chết bao nhiêu người không? Lão phu thà để ngươi đi nhận sai với hoàng hậu nương nương, chứ không cho ngươi làm chuyện khiến người người phẫn nộ này. Vân Diệp thấy Lý Cương nóng thật rồi liền không chọc giận ông ta nữa, lấy từ trên giá sách ra một tấm bản đồ, đó là do Vân Diệp sao chép lại từ tấm bản đồ của mình, chỉ sửa tên, chỉ vào con sông, nói: - Tiên sinh xem, gỗ có thể nổi, đó là đạo lý ai cũng biết, vì sao không lợi dụng? Tiểu tử chặt kim ti trên núi bên cạnh Trường An, chặt bỏ cành lá, cưa thành độ dài thích hợp, sau đó kết nó thành bè đẩy xuống sông, bên trên có người điều khiển, để nó thuận dòng từ Trường An tới Dương Châu, tới Dương Châu rồi qua kênh vận chuyển lên phía bắc, thuyền đi được sao bè gỗ không đi được? Tới đông đô Lạc Dương, tiên sinh nghĩ tiểu tử lại không có cách đưa nó về Trường An sao? - Để lại cho lão phu một cây tốt nhất làm quan tài, Ngọc Sơn, Ly Thạch, Nguyên Chương, cùng với cả Công Thâu lão đầu chắc cũng cần, tốt nhất ngươi làm quan tài cho đẹp rồi đưa tới cho lão phu, để lão phu khỏi tốn công. Còn nữa năm nay chiêu sinh cần ngươi làm, giờ tiên sinh không thiếu, học sinh lại chỉ có ba trăm là quá ít, ngoài ra khi ngươi xây cung điện cho một số học sinh tham gia vào, có ích cho bọn chúng, chuyện thư viện ngươi có thể tạm bỏ qua một bên, kiếm tiền về trước, lão phu sẽ giúp ngươi trông coi thư viện. Lão Lý thề đây là lần cuối cùng ông nói chuyện tiền với Vân Diệp, đồng thời bi ai thay cho những thương nhân hao tốn hết tâm lực vận chuyển kim ti nam mộc qua sạn đạo, kim ti nam mộc sắp có giá rẻ rồi, mong rằng không có quá nhiều người bị tác động. Lão Lý quá lo rồi, thứ đồ tốt mà Vân Diệp tốn công đem về làm gì có chuyện y bán rẻ, không vắt kiệt giá trị của nó, Vân Diệp dựa vào cái gì dùng ba vạn quan tiền xây cuung điện, hiện Lân Đức điện còn chưa thấy đâu, Đại Minh cung hẳn trừ Vân Diệp ra không ai biết nó ở nơi nào. Không cần xây cho Lý Nhị một tòa cung điện khoa trương như điện Lân Đức, cung điện kiểu đó cứ giao cho Lý Thừa Càn hoặc Lý Trì làm, xây cho ông ta một cái trung cấp là được rồi, dựa theo Thái Cực cung mà xây, ít nhất không sai. Lật xem điển chí của Doanh tạo ti công bộ, bị quy định tỉ mỉ trên đó dọa cho sợ són đái, thôi đừng có tự ý quyết định, làm theo lệ cũ là tốt nhất, chẳng may ý tưởng của mình quá cấp tiến, cuối cùng bị quần thần chửi mắng thì nguy, Lý lão tiên sinh vừa rồi còn khuyên mình đừng làm chuyện khác người còn gì, vậy ta cứ làm kiểu cũ. Công bộ không biết xuất phát từ tâm thái gì, đưa cho Vân Diệp vô số văn thư liên quan tới việc xây dựng, chất đúng ba xe, tiểu lại công bộ thái độ cung kính, khẩu khí lại rất lớn. - Hầu gia, đây chỉ là kiểu dáng cung xá mấy năm qua công bộ tích lũy được, bản vẽ Thái Cực cung mà ngài muốn cũng ở trong đó, tổng cộng có một nghìn hai năm ba mươi sáu bức, từ nền cho tới mái nhà không thiếu bản vẽ nào, hầu gia xem có thiếu cái gì không, nếu thiếu ngài cứ lên tiếng, hạ quan về chuẩn bị, tuyệt đối không làm lỡ việc xây cung điện. Thừa biết bọn họ muốn gây phiền toàn nếu Vân Diệp đổi ý, chỉ cần có thể làm được, bọn họ sẽ làm cực kỳ chu toàn, Vân Diệp muốn vin vào bọn họ kiếm cớ thì đúng là nằm mơ. Thế nên buổi sáng vừa bảo quản sự tới công bộ duyệt bản vẽ, buổi chiều đã đưa tới ba cái xe lớn, hiệu suất cao tới mức khiến người ta run sợ. Hiệp ước là do hoàng hậu nương nương sửa, chẳng ai có thể nói gì công bộ, thấy Vân Diệp đáng thương, công bộ không ngáng chân y nữa. Quan viên công bộ đi ăn mừng to, nghe nói lần này còn gọi ca cơ, cấp bậc cũng từ tửu lâu chợ đông đổi thành Yến Lai lâu. Trình Xử Mặc áp tải năm xe tiền tới cho Vân Diệp, hắn vừa mới nghe nói tới chuyện kia, lập tức đem toàn bộ tiền trong nhà mang tới, nghe hắn nói tiền mua thức ăn cũng chẳng để lại. xem tại. - Diệp Tử, trong nhà chỉ có chừng này tiền, đợi vài ngày nữa ca ca bán hết mấy sản nghiệp có thêm ít nữa, ca ca biết không đủ, nhưng thêm chút nào hay chút đó. Vân Diệp vùi đầu vào bản vẽ, chẳng ngẩng lên: - Số tiền này coi như ngươi nhập cổ phần, tìm trướng phòng tính cho kỹ rồi đưa ta, tương lai dễ tính toàn, còn nữa, nếu như ngươi tới rồi đừng đứng chơi nữa, tới nhà Trương Lượng thuê cho ta một ít hảo hán giỏi đi sông nước, ta dùng vào việc lớn, tiền công vô tư. Trình Xử Mặc nhảy dựng lên, hét lớn: - Diệp Tử, ngươi đừng có nói chuyện trả tiền gì hết, hai ta là huynh đệ, số tiền này ta cho ngươi. Chỉ cần chúng ta qua được ải này, tương lai sợ không có tiền à? - Ngươi hét cái gì mà hét, ai nói lần này ta sẽ lỗ vốn? Ta nói bao giờ? Sao ta không nhớ? - Hiện giờ bên ngoài bàn tán xôn xao cả rồi, nói lần này Vân gia coi như hết, nhất định sẽ phá gia, nương nương ức hiếp người ta thái quá, cung điện phải mười lăm vạn quan mới xây được mà chỉ cấp cho ngươi ba vạn quan, ngươi còn phải nạo vét đường sông, xây lại phường Hưng Hóa, không có hai mươi vạn quan thì khỏi mơ. Ngươi kiếm đâu ra mười bảy vạn quan nữa.