TẬP 2 Phần 3: Trở về Sakya “Học giả dẫu bị gài bẫy, Cũng không dễ dàng mắc mưu; Kiến nhỏ dù không có mắt, Nhưng bò nhanh hơn loài khác.” (Cách ngôn Sakya) Năm 1264 – tức năm Giáp Tý, Âm Mộc theo lịch Tạng – tức niên hiệu Cảnh Định thứ năm, nhà Nam Tống – tức niên hiệu Chí Nguyên thứ nhất, Mông Cổ. Bát Tư Ba ba mươi tuổi, Kháp Na hai mươi sáu tuổi. Sau hành trình hai tháng vất vả trên vùng đồng bằng Hoa Bắc, chúng tôi đến Lan Châu, rồi tới Tây Ninh. Hai thành phố quan trọng này là nơi tập trung đông đảo các dân tộc ở biên giới phía tây. Trên những con phố chật hẹp, dòng người qua lại tấp nập với đủ loại trang phục có màu sắc khác nhau, họ trao đổi với nhau bằng rất nhiều thứ ngôn ngữ, quả thực vô cùng phức tạp. Cả Bát Tư Ba và Kháp Na đều tinh thông tiếng Mông Cổ, tiếng Tạng và tiếng Hán, nhưng ở đây họ còn nói tiếng Khương, tiếng Uyghur và các thứ tiếng địa phương khác. Thậm chí, trong cùng một ngữ hệ, khẩu âm của từng vùng cũng rất khác nhau, thế nên, thường xuyên xảy ra cảnh tượng ông nói gà, bà nói vịt. Đúng lúc Bát Tư Ba đang đau đầu vì sự hỗn tạp của các loại ngôn ngữ trong quá trình giao tiếp với cư dân địa phương thì Senge xuất hiện. Khi đoàn chúng tôi dừng lại ở Tây Ninh để nghỉ ngơi, dưỡng sức thì một thanh niên người Tạng tên Senge tìm đến, nói rằng muốn theo hầu Bát Tư Ba. Vào thời thịnh trị của vương triều Tufan, tổ tiên của Senge được tán phổ phái đi trấn giữ vùng biên cương Thanh Hải, nhưng sau đó, vì đức vua không ban bố lệnh rút quân nên họ tộc của Senge đã cư trú đời đời trên mảnh đất này. Senge là người giỏi ngoại ngữ thiên bẩm, có thể nói lưu loát tiếng Hán, tiếng Tạng, tiếng Mông Cổ và tiếng Uyghur. Bát Tư Ba để Senge làm thông dịch cho mình,, thường xuyên đề nghị cậu ấy thông báo về tình hình đời sống của người Tạng trên dải đất Thanh Hải. Senge là người năng đi, năng biết, kiến thức phong phú, lại thông mình, lanh lợi nên rất được Bát Tư Ba tín nhiệm. Khoảng cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám, Senge đưa anh em Bát Tư Ba đến thăm hồ Thanh Hải. Nước biết dạt dào làm nổi bật vẻ đẹp của dãy núi Côn Luân uốn lượn, xanh ngút ngát phía xa xa. Cỏ hoa rì rào lay động trong làn gió nhẹ mùa hạ, cảnh tượng bát ngát, tươi đẹp ấy khiến người ta ngỡ ngàng, con tim rộn ràng hòa ca. Dùng tay vốc một vốc nước trong veo, tinh khiết, tâm hồn chừng như cũng được gột rửa, bỗng trở nên nhẹ nhõm, thanh thản lạ kỳ. Hai anh em họ lặng ngắm cảnh hồ, dãy núi tĩnh lặng phía xa, sóng nước lăn tăn, ánh hoàng hôn phủ lên bóng dáng gầy guộc của họ. Khung cảnh tuyệt đẹp ấy, bảy trăm năm sau vẫn in đậm trong trái tim tôi, mãi không phai nhòa. Sau khi rời Tây Ninh, theo kế hoạch ban đầu, chúng tôi sẽ vượt núi Côn Luân, vượt sông Trường Giang ở thượng nguồn, sau đó tiếp tục vượt đèo Tanggula để vào đất Tạng. Đây chính là tuyến đường Thanh – Tạng. Tuyến đường này tuy khá cao so với mực nước biển nhưng đường đi không quá gập ghềnh, khó chịu. Năm xưa, đại sư Ban Trí Đạt đã dắt díu hai chú nhóc, vượt chặng đường này để đến đất Lương Châu. Nhưng Bát Tư Ba đã chọn hướng đi khác vào đất Tạng qua Dogans[1]. Vùng Dogans, từ nam chí bắc cắt ngang dãy Côn Luân, dãy Bayan Har và dãy Tanggula, đường đi là núi đồi trập trùng, muôn phần hiểm trở, những đoạn bằng phẳng hơn thì đều là mạng lưới đầm lầy dày đặc. Tuy vậy, nếu đi theo tuyến đường này, có thể rút ngắn thời gian vào đất Tạng một tháng. Vì nóng lòng trở về Sakya, Bát Tư Ba đã không nề hà chọn tuyến đường đầy gian nan này. Ra khỏi thung lũng Huangshui với độ cao chỉ hai nghìn mét so với mực nước biển, chúng tôi bắt đầu phải đối mặt với cung đường vô cùng gian khổ, núi cao chồng chất núi cao. Cứ qua một khe núi là nhiệt độ lại giảm mạnh, vào tháng nóng nhất của mùa hè Trung Nguyên thì ở đây vẫn phải khoác áo dày cộm, nhiều lớp. Di chuyển trên con đường gập ghềnh, trắc trở chưa đầy chục ngày mà đám binh sĩ người Mông Cổ ai nấy đều sạm nắng, những đốm tròn sẫm đỏ rõ nét trên gò má. Như thế cũng chưa ăn thua. Kể từ ngày bắt đầu phải leo núi cao, các triệu chứng: chóng mặt, buồn nôn, thở gấp, phản ứng độ cao không thôi giày vò những con người đã quen sống ở miền đồng bằng. - Kháp Na, uống thuốc nào. Kháp Na gắng gượng hé mở đôi mắt sưng tấy, mệt mỏi quay đầu lại, gương mặt nhợt nhạt, khóe miệng phồng rợp, bờ môi tím tái, nứt nẻ như ruộng đồng mùa khô hạn, máu rỉ qua từng vết nứt. Cậu ấy tức ngực, khó thở, chẳng thiết ăn uống, nếu gắng gượng nuốt được vài miếng thì ngay lập tức lại nôn sạch. Buổi tối đau đầu buốt óc, cả đêm quằn quại không sao yên giấc. Thế nên, mới có mấy ngày mà cậu ấy đã hốc hác, héo hon trông thấy. Bát Tư Ba muốn nghỉ lại vài ngày để chữa bệnh cho Kháp Na và cậu ấy có thể tĩnh dưỡng, nhưng Kháp Na không muốn vì mình mà lỡ dỡ kế hoạch, cậu ấy cắn răng chịu đựng, cố lê lết thân thể ốm yếu của mình trên từng chặng núi cao trùng điệp. - Tiểu Lam? – Cậu ấy nhìn tôi từ trên xuống dưới bằng ánh mắt yếu ớt, rất đỗi ngạc nhiên. – Em cải trang đó à? Đôi mắt và mái tóc màu xanh của em đâu? Tôi cúi xuống nhìn lại mình, kéo một lọn tóc vào lòng bàn tay, tươi cười đắc ý: - Cuối cùng tôi cũng đã luyện được phép thuật biến mái tóc và đôi mắt màu xanh thành màu đen giống hai người! Rồi tôi vận đồ của người ở. Trông cũng giống con trai đấy chứ? Tôi lè lưỡi tinh nghịch với cậu ấy: - Nhưng mà tài nghệ chưa cao nên chỉ giữ được một, hai canh giờ. Tôi sẽ tu luyện thêm. Kháp Na tròn xoe mắt, miệng kéo thành hình chữ O: - Nhưng sao gương mặt của em cũng khác thế? Rõ ràng là em, nhưng không giống một cô gái mà hệt như chú bé xinh xắn đến ngỡ ngàng. Tôi phì cười, thu lại phép thuật, trở lại dung mạo quen thuộc: - Trông tôi thế này, dù có vận đồ nam giới cũng chẳng thể giống họ. Nhưng tôi đã quan sát hai người rất lâu mới tìm ra cách che đi những đặc trưng của nữ giới đó. Thấy tôi trở lại với hình hài cũ, Kháp Na thở phào. Tôi đỡ cậu ấy ngồi dậy, tựa lưng vào gối. Cậu ấy mỉm cười dịu dàng, nhìn tôi: - Lúc chỉ có ta và đại ca, em không cần phải cải trang. Nhưng vận đồ nam giới, chỉnh trang dung mạo, hạ thấp âm điệu thì em có thể xuất hiện công khai với thân phận của một người hầu được đó. Vậy cũng hay. Tôi gật đầu vui vẻ, cuối cùng tôi cũng có thể xuất hiện bên cạnh họ mà không cần phải lo lắng gì cả. Kháp Na hỏi tôi: - Đại ca đâu rồi? - Đang bàn chuyện với Senge trong lán. Bây giờ Lâu Cát rất tín nhiệm Senge. Tôi đưa bát thuốc nóng hổi cho Kháp Na: - Đây là thuốc do Senge mang tới, có tên gọi là Hồng Cảnh Thiên. Cậu ta bảo, thuốc này trị đau đầu rất tốt. Cậu mau uống đi! Kháp Na nhăn mặt, nhấp một ngụm rồi thở dài: - Không ngờ ta lại yếu đến vậy, ta gây cản trở cho đại ca rồi! - Không phải chỉ mình cậu đâu, rất nhiều người bị đau đầu, khó thở, tim đập mạnh đó. Lâu Cát cũng chẳng khá hơn, chẳng qua chàng khỏe hơn cậu chút xíu. Vả lại, chàng có quá nhiều việc phải xử lý nên chẳng có thời gian bận tâm đến sức khỏe nữa. Tôi giúp cậu ấy nằm xuống rồi ngồi bên giường, nhẹ nhàng xoa bóp huyệt thái dương cho cậu ấy. - Cậu xa quê nhiều năm, từ lâu đã không thích nghi được với khí hậu vùng núi cao. Nơi đây khác hẳn Lương Châu, mà đường đi phía trước còn nhiều chặng gian nan. Sức khỏe cậu thế này, tôi lo lắm. Kháp Na khẽ rùng mình, ngẩng lên, ánh mắt chiếu thẳng vào tôi. Ánh mắt mệt mỏi, vô hồn ban nãy bỗng lóe sáng, sóng mắt trong veo in bóng gương mặt ngẩn ngơ của tôi. Lúc nào tôi cũng có cảm giác ánh mắt cậu ấy nhìn tôi rất kỳ lạ, nhưng không sao lý giải nổi kỳ lạ ở điểm gì. Chúng tôi cứ lặng lẽ nhìn nhau như thế rồi cậu ấy nghiêng đầu sang bên, ho khan một chặp, khẽ đẩy cánh tay tôi đường vuốt lưng cho cậu ấy, giọng nói hờ hững: - Ta không sao, mấy hôm nữa sẽ quen thôi. Em hãy dành nhiều thời gian cho đại ca, chăm sóc huynh ấy đi! === ====== ====== ====== ====== ====== === [1] Nay là vùng đất Tạng giao giữa Thanh Hải và Tứ Xuyên.