Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh
Chương 111
Nhưng khi chúng tôi chưa kịp đặt chân đến Nyadong thì một đội xe ngựa của Sakya đã đuổi theo và bắt kịp chúng tôi. Dẫn đầu là Dampa, đệ tử mà Bát Tư Ba mới thu nhận ở Chindu.
- Có chuyện gì? – Bát Tư Ba vừa đỡ lấy Dampa vừa gạn hỏi, vẻ mặt đầy lo lắng.
Dampa hổn hển:
- Thưa thầy, không cần phải đi thuyết phục từng vạn hộ hầu nữa, mời thầy về Sakya ngay. Bạch Lan Vương... Bạch Lan Vương...
Tôi thốt lên kinh hãi rồi vội che miệng, cũng may tiếng kêu của loài hồ ly rất nhỏ nên không gây chú ý.
- Kháp Na làm sao?
Dù đã hết sức giữ bình tĩnh, giọng nói của Bát Tư Ba vẫn run lên vì xúc động.
Dampa vội vàng xua tay để xóa đi sự hiểu lầm của Bát Tư Ba, hớn hở báo tin:
- Xin thầy đừng lo lắng, là chuyện vui. Bạch Lan Vương sắp kết hôn, vợ ngài là con gái của Vạn hộ hầu Shalu.
Cậu ta thở dốc rồi thông báo tin quan trọng nhất:
- Vạn hộ hầu Shalu đã đồng ý quy thuận phái Sakya, cùng bốn vạn hộ hầu khác.
Trái tim tôi như vừa bị vật nhọn đâm trúng, đầu óc hoàn toàn trống rỗng. Bát Tư Ba túm chặt lấy cánh tay Dampa, sắt mặt nhợt nhạt:
- Sao lại có đám cưới này? Jichoi nhân lúc ta đi vắng đã đến Sakya ư?
Dampa không khỏi kinh ngạc trước thái độ nghiêm trọng của Bát Tư Ba.
- Dạ thưa, không phải, Bạch Lan Vương đích thân đến trang viên Shalu cầu hôn.
- Nó đi Shalu ư? Nó đang ốm kia mà! – Bát Tư Ba nghiêm mặt, quát. – Nói mau, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?
Dampa rất mực bối rối:
- Sau khi thầy rời khỏi Sakya, Bạch Lan Vương cũng lập tức lên đường. Ngài chỉ đem theo người hầu cận thân thiết là Kunga Zangpo, nói rằng sẽ đến suối nước nóng trên ngọn đồi phía bắc của dãy núi Benbo để chữa bệnh, nên không ai băn khoăn gì cả. Nhưng năm, sáu ngày sau không thấy Bạch Lan Vương quay về, bản khâm sốt ruột, sai người đến suối nước nóng tìm kiếm thì không thấy Vương gia đâu.
Sắc mặt của Bát Tư Ba càng lúc càng xấu đi, giọng nói chất chứa cơn phẫn nộ:
- Nó đã lén đến Shalu?
Dampa cúi đầu, tiếp tục bẩm báo:
- Bản khâm biết thầy bận việc lớn ở Chumig nên không dám cho người đến báo tin, chỉ sai gia nhân đi khắp nơi tìm kiếm. Năm ngày sau, Kunga Zangpo đột nhiên trở về Sakya và mang theo tin vui này. Vạn hộ hầu Shalu đã chọn ngày Hai mươi tám tháng này là ngày lành tháng tốt để tổ chức hôn lễ. Được kết làm thông gia với Shalu nên tất cả những người trong giáo phái đều vui mừng khôn xiết. Bản khâm đã sai người sắp xếp, bố trí mọi thứ để tổ chức một hôn lễ thật long trọng, nghênh đón Vương phi của Bạch Lan Vương về Sakya vào ngày Hai mươi tám tới, đồng thời lệnh cho đệ tử lập tức lên đường, đi đón thầy về Sakya.
Bát Tư Ba chao đảo:
- Kháp Na đang ở đâu?
- Bạch Lan Vương đang cùng đoàn rước dâu trên đường về Sakya, khoảng Hai mươi lăm là về tới nơi.
- Ngày Hai mươi tám ư? Vậy là chỉ còn tám ngày nữa.
Gương mặt Bát Tư Ba lạnh băng, chàng quay lại hỏi người đánh xe:
- Nếu lập tức lên đường thì bao lâu mới về tới?
Phu xe thưa:
- Bẩm, nếu theo tuyến đường bình thường thì mất khoảng nửa tháng.
Bát Tư Ba xem xét lại đoàn người ngựa cồng kềnh của mình, lập tức hạ lệnh:
- Chia thành hai đoàn nhỏ, xếp tất cả những vật dựng cồng kềnh lên mấy cỗ xe ngựa, cho đi sau cùng đoàn tùy tùng. Giảm tối đa trọng lượng cỗ xe của ta, ta chỉ cần Dampa đi theo là đủ. Lập tức xuất phát, trong vòng tám ngày phải về đến Sakya!
Cỗ xe tăng tốc hết mức có thể, đường núi gập ghềnh, hiểm trở, xe xóc, người mệt, tôi nằm bò trên chiếc đệm lông cừu, lòng buồn se sắt.
- Lam Kha, sao thế? Có phải xe ngựa xóc quá không?
Chàng nhất tôi lên, đặt vào lòng mình, nhìn tôi lo lắng.
Tôi mỏi mệt, lờ đờ, giọng nói yếu ớt:
- Em đau đầu, chóng mặt, khó chịu vô cùng.
Chàng hốt hoảng, siết chặt tôi hơn nữa:
- Ta sẽ ôm em thật chật, như vậy em sẽ không thấy khó chịu nữa.
Tôi nhắm mắt lại, để mặc chàng săn sóc, mặc chàng tỉ tê vỗ về, an ủi. Chừng hơn một canh giờ sau, tôi bắt đầu khóc lóc:
- Em vẫn thấy khó chịu vô cùng. Hình như có một cái dằm trong tim em, xe ngựa cứ nảy lên một cái, dằm lại cắm sâu vào tim em, cứ thế, nó đâm nắt tim em rồi.
Nước mắt tôi lăn dài trên má, thấm vào lớp áo tăng ni của chàng. Tôi cào cào móng vuốt vào ngực mình, run rẩy:
- Em muốn nhổ cái dằm đó ra, nhưng em không tìm được nó, không tìm được nó!
Bát Tư Ba bối rối lau nước mắt cho tôi, lo lắng dỗ dành:
- Lam Kha, cho ta hay, em làm sao vậy?
- Em không biết nữa, em chưa bao giờ đau đớn, khó chịu thế này.
Rồi tôi hạ quyết tâm, ngẩng lên nói với chàng trong làn nước mắt:
- Em phải về trước đây, em phải đi tìm Kháp Na.
Bàn tay chàng đột nhiên siết chặt hơn, hai mắt khép hờ, lặng yên không nói. Một lúc lâu sau, chàng mới hé mở cặp mắt mỏi mệt, gật đầu với tôi.
~.~.~.~.~.~
Nhắc lại cuộc chạm trán và đối đáp với Chomden Rigdrel, tuy Bát Tư Ba đã giành chiến thắng bằng trí tuệ sắc sảo của mình nhưng tôi vẫn than vắn thở dài:
- Tuy Bát Tư Ba có công lớn đối với việc thống nhất đất Tạng nhưng không thể tránh khỏi những lời dèm pha, chỉ trích của những nhà tu hành tuân thủ tuyệt đối giới luật của nhà Phật. Chàng theo người Mông Cổ đã lâu nên cách ăn mặc, cách hành xử cũng giống hệt người Mông Cổ. Trong con mắt của một số người Tạng bảo thủ thì chàng chẳng khác nào một người Mông Cổ mặc áo người Tạng.
Chàng trai trẻ lên tiếng:
- Phái Sakya trở nên lớn mạnh, tất cả đều dựa vào thế lực của người Mông Cổ. Bởi vậy, sự hưng thịnh hay suy yếu của giáo phái này gắn chặt vơi sự hưng thịnh và suy yếu của triều Nguyên. Thật đúng với câu: thành cũng nhờ Mông Cổ, bại cũng do Mông Cổ.
Tôi cười buồn:
- Bát Tư Ba xuất hành quả thật không giống một nhà sư. Đoàn tùy tùng theo hầu chàng chính là tổ chức Labrang mà chàng lập ra cho riêng mình, phỏng theo cơ cấu cai quản thị vệ của các vương gia Mông Cổ. Chàng có khoảng mười ba quan thị vệ lo liệu công việc cho mình, trong số đó có cả nhà sư và người thường. Senge là một trong số họ. Trong suốt những năm tháng mà uy danh của Bát Tư Ba lừng lẫy khắp nơi, những viên quan thị vệ này đi tới đâu cũng được kẻ khác vì nể.
Chàng trai trẻ bật cười:
- Thế mới nói, ngài chính là một chính khách mặc áo nhà sư.
- Nhưng chế độ Labrang mà Bát Tư Ba sáng lập ra cũng có ảnh hưởng rất lớn đối với các thế hệ tiếp theo. Vì các thủ lĩnh tôn giáo sau này đều học theo chàng, Labrang trở thành một tổ chức thị vệ mà bất cứ lãnh tụ tôn giáo nào trên đất Tạng cũng cần có. Tổ chức này không chỉ kéo dài cho đến khi triều Nguyên bị diệt vong mà ngay cả trong thời nhà Minh, nhà Thanh, người ta vẫn có thể thấy bóng dáng của chính quyền Sakya trong cấu trúc tổ chức chính quyền của vùng Tây Tạng.
Truyện khác cùng thể loại
60 chương
129 chương
98 chương
4 chương
20 chương
71 chương
19 chương