Đức phật và nàng: hoa sen xanh 1

Chương 14 : Biện luận ở ngũ đài sơn

“Học giả thường mờ nhạt trên chính quê hương mình; Giống như châu báu bị thờ ơ giữa miền hải đảo.” (Cách ngôn Sakya) Theo di nguyện của đại sư Ban Trí Đạt thì năm hai mươi tuổi, Bát Tư Ba phải thọ giới Cụ túc để trở thành một nhà sư đúng nghĩa. Nếu không gặp biến cố, giờ này cậu ấy đã thọ giới ở Sakya. Sau khi quyết định đi theo Hốt Tất Liệt, Bát Tư Ba đã lưu lại trong doanh trại quân binh, sau đó rong ruổi cùng đoàn quân trên đất Vân Nam, vì thế việc thọ giới của cậu ấy đành phải lùi lại. Sau khi đến thảo nguyên Phủ Châu và ổn định cuộc sống, Bát Tư Ba tiếp tục trù bị kế hoạch thọ giới của mình. Đường về Sakya xa xôi vạn dặm, phải nửa năm mới đến nơi, lập tức khởi hành cũng không kịp nữa. Vậy nên, Bát Tư Ba dự định sẽ thọ giới tại một ngôi chùa nào đó trên đất Hán. Khi Bát Tư Ba vẫn đang cân nhắc xem nên mời vị cao tăng nào chủ trì buổi lễ thọ giới thì một sự kiện bất ngờ đã xảy ra khiến cậu phải bỏ dở kế hoạch. Trong lúc miệt mài với công việc xây dựng thành trì thì Hốt Tất Liệt đột ngột nhận được mệnh lệnh từ Mông Kha Hãn. Không phải lệnh dẫn quân đi đánh trận, cũng không phải chiếu chỉ tiếp tục tước bỏ quyền lực của ông mà là một nhiệm vụ kỳ quặc: chủ trì cuộc tranh biện giữa Phật giáo và Đạo giáo về thực hư của cuốn Kinh Lão Tử giáo hóa người Hồ[1]. Vậy căn nguyên của sự việc này ra sao? Kinh Lão Tử giáo hóa người Hồ là cuốn sách mỏng, được lưu truyền từ đời Tấn. Theo Sử ký của Tư Mã Thiên thì sau khi Lão Tử ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc, không ai biết ông đã đi đâu. Bởi vậy, cuốn sách này đã viết tiếp cuộc hành trình bí ẩn đó của Lão Tử. Sách viết rằng, Lão Tử đi về hướng tây, qua Tây vực, đến Thiên Trúc và truyền đạo cho Phật Thích Ca. Từ đó, cuốn sách khẳng định Phật giáo có nguồn gốc từ Đạo giáo và Đạo giáo uyên thâm hơn Phật giáo. Tuy nhiên, điều khiến các tín đồ Phật giáo phẫn nộ hơn cả là việc cuốn sách đã dựng lên câu chuyện: tinh trùng của Lão Tử được truyền vào miệng người mẹ của Phật Thích Ca, sau đó bà đã mang bầu Đức Phật. Câu chuyện bịa đặt này đã khiến các đệ tử nhà Phật không khỏi nổi giận, bất bình. Khi đó, hai phái Phật giáo và Đạo giáo như nước với lửa, cuộc xung đột kịch liệt giữa hai phái tập trung vào việc tranh luận thực hư của cuốn sách này. Vì đây là mệnh lệnh của Mông Kha Hãn nên Hốt Tất Liệt không dám chậm trễ. Phủ Châu cách thánh địa Phật giáo Ngũ Đài Sơn không xa nên Hốt Tất Liệt quyết định tổ chức cuộc tranh biện đặc biệt quan trọng này tại vùng núi nổi tiếng Ngũ Đài Sơn. Năm 1254, mùa thu năm Bát Tư Ba hai mươi tuổi, cậu đã bỏ dở kế hoạch thọ giới Tỷ Khâu để theo Hốt Tất Liệt đến Ngũ Đài Sơn. Phật giáo và Đạo giáo đều cử những vị cao tăng, đạo sĩ đức cao vọng trọng nhất của mình tham dự cuộc tranh biện quan trọng này. Về phía Phật giáo, Mông Kha Hãn đã cử đại sư Namo, người Kashmir mà ngài tôn làm quốc sư đến tham dự. Hốt Tất Liệt, dĩ nhiên là cử Bát Tư Ba làm người đại diện. Ngoài ra còn có quốc sư Tây Phồn[2], quốc sư Hà Tây, các nhà sư đến từ Uyghur, quốc sư nước Đại Lý, đất Hán thì có đại diện là các vị trưởng lão các chùa Viên Phúc, Phụng Tiên ở Yên Kinh, tổng cộng ba trăm người. Phía Đạo giáo cũng không thua kém, họ cử ra hơn hai trăm người tham dự, dẫn đầu đoàn là Trương chân nhân. Chưa hết, Hốt Tất Liệt còn lệnh cho thuộc hạ của mình là các danh sĩ người Hán: Diêu Khu, Đậu Hán Khanh… giữ vai trò “chứng nghĩa”, tức là người làm chứng cho cuộc tranh biện. Thư mời bay đi khắp nơi như bông tuyết. Hành cung[3] của Hốt Tất Liệt ở Ngũ Đài Sơn lúc nào cũng nườm nượp người ra vào làm nhiệm vụ liên lạc, đưa tin. Chỉ trong vòng một tháng ngắn ngủi, hơn năm trăm khách mời đến từ hai phía đã hội tụ đông đủ về Ngũ Đài Sơn, khiến thánh địa Phật giáo này trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết. Là người đại diện cho phía Phật giáo bên cạnh “chủ nhà” Hốt Tất Liệt, Bát Tư Ba bận rộn với công việc tiếp đón các vị đại sư, cả ngày không lúc nào ngơi nghỉ. Tuy mỗi bên cử mấy trăm người đến tham dự nhưng không phải tất cả đều được đăng đàn. Kết quả cuối cùng sau khi bàn bạc và thống nhất, mỗi bên chỉ cử ra mười bảy người tham gia cuộc tranh biện, đó đều là những người giỏi nhất, uyên bác nhất. Về phía Phật giáo, Bát Tư Ba hai mươi tuổi là người trẻ nhất. Tuy đứng giữa các vị cao tăng râu tóc bạc phơ nhưng Bát Tư Ba tỏ ra rất mực điềm tĩnh, chững chạc, đối đáp trôi chảy, lưu loát. Trước khi diễn ra buổi tranh biện chính thức, các thành viên của đội tranh biện đã tập trung lại, cả ngày bàn bạc, phân tích, xem xét, đánh giá, họ miệt mài đến mức ăn ngủ cùng nhau. Sau vài ngày trao đổi, thảo luận, các nhà sư đều bày tỏ sự nể phục tư duy sắc bén và tầm kiến thức sâu rộng, uyên bác của Bát Tư Ba. Ngay cả vị quốc sư Namo lúc đầu tỏ ra hết sức kiêu ngạo cũng có cái nhìn khác đối với Bát Tư Ba. Một ngày trước khi diễn ra cuộc tranh biện, lễ đài đã được bố trí xong xuôi tại hành cung của Hốt Tất Liệt. Vẻ mặt của những người tham gia tranh biện đều căng như dây đàn, không khí căng thẳng, hồi hộp và lo lắng bao trùm Ngũ Đài Sơn. Ngay cả một kẻ chẳng liên quan gì như tôi cũng toát mồ hôi, hơi thở gấp gáp lạ thường. Trong phòng mình, Bát Tư Ba cho tôi uống sữa bò, rút khăn tay lau miệng cho tôi, mỉm cười nhìn tôi trìu mến: - Lam Kha, chúng ta đi leo núi nào! Tôi uống no căng bụng, nghe thấy vậy, giật mình, nấc lên từng hồi: - Cậu… cậu… Ngày mai diễn ra cuộc tranh biện chính thức rồi. Người ta… người ta ai nấy đều gấp rút chuẩn bị, sao cậu vẫn còn tâm trạng thảnh thơi để leo núi? Thấy tôi vừa nấc vừa nói, cậu ấy không kìm được bật cười, vuốt nhẹ sống lưng tôi. - Chính vì ngày mai ta tham gia cuộc tranh biện nên hôm nay càng phải ra ngoài đi dạo cho tinh thần thoải mái. Vẻ mặt bình thản, vô ưu của cậu ấy khiến người ta có cảm giác cuộc chiến sinh tử diễn ra ngày mai dường như không hề tồn tại. Giọng nói trầm ấm vang lên: - Đạo tràng ở Ngũ Đài Sơn là nơi năm xưa Bồ Tát Văn Thù hiển linh thuyết pháp. Từ thời Bắc Ngụy, người ta đã dựng chùa ở đây để thờ cúng. Đến thời nhà Đường, thánh địa Phật giáo này phát triển rất rực rỡ. Phái Sakya tôn thờ Bồ Tát Văn Thù, bởi vậy ngay khi đặt chân đến đây, ta đã có ý định thăm thú, chiêm bái và làm lễ nhưng bận rộn nên chưa thực hiện được. Hôm nay, ta không muốn bỏ lỡ cơ hội này. ================ [1] Lão Tử: nhà triết học nổi tiếng thời xưa ở Trung Quốc. Ông là người khai sáng ra Đạo giáo, một môn học về vũ trụ, thiên nhiên, vật chất. Người Hồ: theo nghĩa hẹp dùng để chỉ các dân tộc bên ngoài Trung Quốc, thuộc vùng Trung và Tây Á. Trong trường hợp này, “người Hồ” dùng để chỉ người Ấn Độ (Thiên Trúc). Sách Kinh Lão Tử giáo hóa người Hồ, nguyên tác là Lão Tử hóa Hồ kinh là tác phẩm của Đạo giáo Trung Quốc nhằm tự đề cao tôn giáo của mình, cho rằng sau khi Lão Tử truyền lại bộ Đạo đức kinh cho viên quan Doãn Hỉ trấn giữ Hàm Cốc Quan thì ngài đã cưỡi trâu đi về hướng tây để hóa độ, giáo hóa người Hồ (tức người Ấn Độ) và đã truyền đạo cho Phật Thích Ca và hai mươi tám thiền tổ Ấn Độ. Cuốn sách này từ lâu đã bị xem là ngụy thư (viết về những điều không có thật) và bị đốt bỏ từ đời Đường, Trung Quốc. (DG) [2] Tây Phồn: tên gọi chung chỉ vùng Tây vực và khu vực biên giới phía tây của Trung Quốc vào thời cổ đại. (DG) [3] Hành cung là nơi ở tạm thời của vua chúa thời xưa khi đi công cán ở địa phương. (DG) Không cần người theo hầu, Bát Tư Ba ôm tôi trên tay, chầm chậm leo lên ngọn núi mỹ lệ nhất Ngũ Đài Sơn – núi Thúy Nham ở Trung Đài[1]. Tôi đã nhiều lần bảo với cậu rằng hãy thả tôi xuống để tôi tự đi, nhưng cậu không muốn tôi bị mệt vì thương tật ở chân sau nên cứ ôm tôi và leo lên cao như thế. Ở trong vòng tay cậu ấy, nghe rõ nhịp tim gấp gáp của cậu ấy, toàn thân tôi nóng bừng. Đây không phải là lần đầu tiên tôi ở sát bên cậu ấy như vậy, nhưng vì sao tôi lại có cảm giác kỳ lạ này? Khabi từng nói trái tim tôi đang thổn thức, giờ đây tôi chợt nhận ra, tôi chẳng thể viện cớ để phản bác được nữa. Ngày hôm đó, trời thu trong xanh, thoáng đãng, tùng bách vươn cao hai bên lối đi, tre trúc xanh um, rì rào trong gió nhẹ. Những đền đài, lầu các, đình viện ẩn hiện giữa trập trùng núi non, cảnh sắc nên thơ. Trên đường đi, cậu ấy tươi cười trò chuyện với tôi, nụ cười rạng rỡ không lúc nào tắt trên môi. Nếu như không có mối bận tâm về cuộc tranh biện của ngày hôm sau thì chuyến đi Ngũ Đài Sơn lần này của tôi có thể coi là chuyến du ngoạn tuyệt vời nhất trong đời. Buổi tối, Bát Tư Ba miệt mài bên bàn giấy, tôi cứ ngỡ cậu ấy đang phác thảo những nội dung quan trọng của buổi tranh biện ngày mai nên chỉ lặng lẽ cuộn tròn trên bàn, không dám làm phiền. Lúc viết xong, cậu ấy nhẩm đọc một lượt rồi mỉm cười đẩy trang giấy về phía tôi. Khi ấy tôi mới ngỡ ngàng, thì ra đó là một bài thơ vịnh cảnh Ngũ Đài Sơn. Trời ơi, cậu ấy vẫn còn tâm trạng để làm thơ ư! Ngắm nhìn gương mặt thảnh thơi, thư thái, vẻ an nhiên tự tại của cậu ấy mà tôi vừa bực mình vừa buồn cười. Đêm đó, cậu ấy ngủ say đến lúc trời sáng, còn tôi, lòng cứ bồn chồn không yên, mồ hôi vã ra như tắm. Người đời sau đã dịch bài thơ bằng tiếng Tạng của Bát Tư Ba sang tiếng Hán, với tiêu đề Lên Ngũ Đài Sơn chiêm bái Bồ Tát Văn Thù: “Ngũ Đài phảng phất chốn Tu Di, Kiên cố hoàng kim khó sánh bì, Năm ngọn núi cao khoe dáng đẹp; Bàn tay tạo hóa khéo tinh vi, Trung Đài – Sư tử giận oai phong, Vách núi nguyên sơ, sen trắng trong; Đông Đài – Voi chúa vươn ngà quý, Cỏ cây xanh thẳm mấy từng không; Nam Đài – Tuấn mã giữa đồng xanh, Hoa vàng khoe sắc thắm long lanh; Tây Đài – Khổng tước xòe đuôi múa, Hào quang chiếu rọi khắp xung quanh; Bắc Đài – Đại bàng dang cánh lượn, Cây cao ngọc lục ngạo thiên thanh.”[2] Ngày diễn ra cuộc tranh biện, trời xanh, nắng vàng rực rỡ. Dưới ánh mai lấp lánh, năm đỉnh núi có một không hai ở Ngũ Đài Sơn hiện lên xanh ngắt, nguy nga. Nơi diễn ra cuộc biện luận là thiền viện Văn Thù nằm giữa trấn Đài Hoài. Hơn năm trăm vị khách đến từ hai phái Phật giáo và Đạo giáo, cùng rất nhiều quan lại do Hốt Tất Liệt cử đến đã ngồi kín đại điện rộng lớn trong thiền viện. Tôi niệm chú, náu thân trên Phật đài phía trước đại điện, hồi hộp quan sát cuộc tranh luận. Đại diện của Phật giáo và Đạo giáo ngồi ở hai bên, trên chiếc đệm nổi bật ở vị trí trung tâm là người giữ vai trò chủ tọa của buổi biện luận hôm nay – Vương gia Hốt Tất Liệt. Ngài tuyên bố “khai mạc”: Theo tập tục tranh biện của các giáo phái Thiên Trúc, bên thua cuộc sẽ phải dâng hoa cho bên thắng cuộc và phải theo học giáo lý của đối phương. Hai bên đồng thanh bày tỏ sự chấp thuận. Mở đầu cuộc biện luận là nội dung của các kinh văn kinh điển bằng tiếng Hán, vì không thông thạo ngôn ngữ này nên Bát Tư Ba chỉ yên lặng lắng nghe. Cuộc tranh luận đến hồi cam go, quyết liệt, các đạo sĩ lập luận rằng cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên là bằng chứng chứng minh tính xác thực của cuốn kinh Lão Tử giáo hóa người Hồ. Bát Tư Ba tỏ ra ngạc nhiên như thể đây là lần đầu tiên nghe nhắc đến cuốn sách này. Cậu đứng lên, khiêm tốn đặt câu hỏi: - Bần tăng là người Tạng, xin thứ lỗi cho bần tăng không thông thạo điển tịch chữ Hán, dám hỏi đạo huynh đây, Kinh Lão Tử giáo hóa người Hồ là sách gì vậy? Người biện luận chính bên phía Đạo giáo là Trương chân nhân. Ngài vân vê bộ râu dê một hồi, lỗ mũi hướng thiên, vênh mặt ngó tên nhãi kém mình hơn ba chục tuổi ở bên kia chiến tuyến, ánh mắt khinh khỉnh: - Danh tiếng của Phật sống Bát Tư Ba, người Tufan vang dội khắp đất Hán, ta những tưởng đó phải là một Lạt Ma học vấn sâu rộng, uyên thâm, trác việt, chẳng ngờ chỉ là hư danh mà thôi. Ngay cả cuốn Kinh Lão Tử giáo hóa người Hồ tiếng tăm lẫy lừng mà cũng không biết ư? Đây là cuốn sách gối đầu giường của các bậc đế vương đời trước đó! “Trọng tài” Hốt Tất Liệt chừng cũng rất bức xúc vì câu nói đầy mỉa mai, khinh miệt đối với Bát Tư Ba, bèn đằng hắng một tiếng, cất giọng bực bội: - Nội dung chính của cuộc tranh luận hôm nay là những giáo pháp trong cuốn sách này. Trương chân nhân đâu cần phải mượn uy danh của các đời vua trước để tô điểm cho giáo phái mình. Trương chân nhân giật mình sợ hãi khi nghe Hốt Tất Liệt quở trách, vội vã cúi đầu nhận lỗi. Bát Tư Ba vẫn tỏ ra rất mực khiêm nhường, tiếp tục chất vấn đối phương: - Đạo trưởng đưa ra bằng chứng là cuốn Sử ký do người Hán viết, vậy xin hỏi đạo trưởng, cuốn Sử ký có ghi chép về việc Lão Tử giáo hóa người Hồ ra sao không? Trương chân nhân lúc này đã nhã nhặn hơn, ông ta trả lời Bát Tư Ba bằng ngữ điệu răn dạy của bề trên đối với kẻ dưới: - Tất nhiên là có. - Xin các vị nhìn xem đây có phải là cuốn Sử ký không? Các vị là người Hán, chắc chắn thông thuộc cuốn sách này hơn người Tufan chúng tôi. Bát Tư Ba lấy ra một cuốn sách từ trong áo, đưa đến trước mặt các vị đạo sĩ ở phía đối diện. Sau khi ai nấy đều gật đầu xác nhận, cậu từ tốn lật mở một trang của cuốn sách: - Đây là chương “Truyện kể về Lão Tử” trong cuốn Sử ký. Xin thứ lỗi bần tăng mắt kém, các vị vui lòng cho biết, trang nào trong chương sách này kể chuyện Lão Tử giáo hóa người Hồ? Một vị đạo sĩ đứng phía sau Trương chân nhân nhanh nhảu lên tiếng: - Ngươi đã đọc ghi chép về hành tung sau cùng của Lão Tử trong Sử ký chưa? Bát Tư Ba lật đến trang sách đó, cất giọng sang sảng: - Đạo trưởng muốn nói đến câu cuối cùng này: “Lão Tử ra đi và không rõ đi đâu” phải không? Vị đạo sĩ đó gật đầu. Bát Tư Ba mỉm cười, khẽ cúi đầu thưa rằng: - “Ra đi và không rõ đi đâu” đồng nghĩa với việc “Lão Tử rời khỏi đất Hán, đi về hướng tây để giáo hóa người Hồ” ư? Xin thứ lỗi cho bần tăng kiến thức nông cạn, nhưng thứ logic này bần tăng chưa từng nghe bao giờ. Trương chân nhân bị một đòn đau, như gà mắc tóc, mặt mày khó coi. Bát Tư Ba không chờ cho đối phương kịp phản ứng, thừa cơ xông tới: - Nếu như Sử ký không có những ghi chép chi tiết, chính xác, vậy xin hỏi các vị đạo trưởng, cuốn sách để đời của Lão Tử là cuốn nào? Trương chân nhân lúc này mới bình tĩnh trở lại, đáp: - Tất nhiên là cuốn Đạo đức kinh. - Ngoài cuốn này ra, Lão Tử còn viết cuốn nào khác nữa không? - Không. =============== [1] Một ngọn núi thuộc Ngũ Đài Sơn. Ngũ Đài Sơn là quần thể gồm năm ngọn núi, chia thành bắc, nam, đông, tây và trung, hay còn có tên gọi tương ứng là Diệp Đấu Phong, Cẩm Tú Phong, Vọng Hải Phong, Quải Nguyệt Phong và Thúy Nham Phong. (DG) [2] Các hình tượng: Sư tử, Voi chúa, Tuấn mã, Khổng tước, Đại bàng vốn là vật cưỡi của các vị Bồ Tát. Bản dịch thơ của Nguyễn Vĩnh Chi. (DG) [2] Tây Phồn: tên gọi chung chỉ vùng Tây vực và khu vực biên giới phía tây của Trung Quốc vào thời cổ đại. (DG) [3] Hành cung là nơi ở tạm thời của vua chúa thời xưa khi đi công cán ở địa phương. (DG) Bát Tư Ba lại lấy ra một cuốn sách khác, cung kính trình lên: - May sao bần tăng cũng có một cuốn Đạo đức kinh ở đây, xin mời trưởng lão kiểm chứng. Các đạo sĩ chuyền tay nhau đọc một lượt, rồi tất cả đều gật đầu xác nhận, nhưng không ai biết Bát Tư Ba định làm gì. Cậu mỉm cười: - Xin hỏi các vị, trong cuốn Đạo đức kinh này, có câu nào Lão Tử thuật lại việc ngài đến Thiên Trúc giáo hóa người Hồ không? Bị giáng tiếp một đòn nữa, các đạo sĩ mặt mày đều tái xám. Những kiểu câu hỏi chỉ cho phép trả lời đúng hoặc không này khiến các vị không thể xảo biện, đành phải hậm hực trả lời: - Không có. Đôi mắt thông thái của Bát Tư Ba lướt quanh một lượt quan khách, nụ cười hồn hậu vẫn nở trên môi, cậu ấy dõng dạc nói tiếp: - Lão Tử sống vào thời Xuân Thu, Tư Mã Thiên sống vào đầu thời Hán, cách ngài vài trăm năm. Trong cuốn Sử ký mà đạo trưởng dùng làm căn cứ không hề có ghi chép nào về việc Lão Tử giáo hóa người Hồ. Cuốn Đạo đức kinh do chính Lão Tử viết cũng không có. Vậy xin hỏi, cuốn Kinh Lão Tử giáo hóa người Hồ trên tay đạo trưởng từ đâu mà có, và nó ra đời vào triều đại nào? Trương chân nhân tái mặt. Các đạo sĩ đứng sau ông ta vẫn chưa chịu nhận thua, ra sức vớt vát: - Đó là… đó là do người đời sau… Bát Tư Ba nghiêm nghị ngắt lời đạo sĩ: - Vậy tức là, đạo trưởng đã thừa nhận cuốn Kinh Lão Tử giáo hóa người Hồ này là do người đời sau sáng tạo ra? Cậu ấy ngừng lại một lát, người hơi ngả về phía trước, giọng nói nghiêm nghị, ánh mắt sắc lạnh: - Bởi vậy, những điều trong cuốn sách này là nhảm nhí, vô căn cứ. Người viết ra cuốn sách đã cố tình bịa đặt, dựng chuyện, hòng bôi nhọ thanh danh của Phật giáo, hạ thấp Phật pháp! Trương chân nhân run rẩy, đứng không vững, ông ta chao đảo rồi ngã ngửa về phía sau. Các đệ tử của ông ta vội đỡ lấy sư phụ nhưng Trương chân nhân đã ngất xỉu. Chỉ trong chốc lát, phía Đạo giáo, người khóc người gào, rối như canh hẹ. Hốt Tất Liệt khoát tay ra hiệu cho mọi người trật tự, sau đó gật đầu với viên quan Thượng thư Diêu Khu đang làm nhiệm vụ ghi chép ở bên cạnh. Diêu Khu lĩnh ý, dõng dạc tuyên bố: - Đạo giáo thua cuộc! Lời tuyên bố là kết quả cuối cùng, cuộc tranh biện kết thúc. Phía Phật giáo hò reo vang dội. Tôi hưng phấn đến độ suýt nữa thì hiện hình. Phật giáo Tạng truyền đặc biệt coi trọng logic học Nhân minh, các cao tăng của Phật giáo Tạng truyền đều là những nhà hùng biện xuất chúng, huống hồ Bát Tư Ba lại người xuất sắc nhất trong những người xuất sắc. Nếu như cậu ấy không đưa ra những luận chứng sắc sảo thì cũng khó nói trước phần thắng sẽ thuộc về bên nào. Bát Tư Ba vẫn rất mực điềm đạm, khiêm nhường. Cậu ấy chắp tay vái lạy Bồ Tát Văn Thù, lầm rầm đọc kệ, ngữ điệu rất mực thành kính: - Trên trời dưới đất không gì bằng, Mười phương thế giới cũng không sánh; Toàn thể thế gian con thấy hết, Tất cả không ai bằng Phật được. Hốt Tất Liệt ra lệnh cho các đạo sĩ tuân thủ hình phạt như giao ước, mười bảy vị đạo sĩ tham gia tranh biện sẽ phải xuống tóc làm sư. Hốt Tất Liệt buộc họ lưu lại trong các ngôi chùa ở Ngũ Đài Sơn để tu hành. Tôi ẩn mình sau lễ đài, ngẩn ngơ ngắm nhìn vẻ an nhiên, tự tại của cậu ấy. Sự tự tin ấy, gương mặt thánh khiết ấy, đôi mắt trong suốt ấy khiến trái tim tôi ngày một chìm sâu vào bể trầm luân. Tôi ước mình mau chóng có được hình hài của con người. Khát khao thầm kín ấy cứ lớn dần và đè nặng lên trái tim nhỏ bé của tôi. Kể từ hôm đó, ban đêm tôi ngủ rất ít, dành hết thời gian cho việc tu luyện. Những lúc mệt mỏi, hình ảnh thiếu nữ với gương mặt mơ hồ và nụ cười ngọt ngào cứ thấp thoáng trong đầu, giúp tôi hồi sức rất nhanh. Khi ấy, khát vọng duy nhất của tôi, suy nghĩ duy nhất lấp đầy tâm trí tôi là: tôi phải hóa thành người trước khi cậu ấy thọ giới Cụ túc. r - Tuy danh tiếng của Bát Tư Ba lừng lẫy khắp đất Tạng nhưng không nhiều người trong giới Phật giáo Trung Nguyên biết đến cậu. Sau cuộc biện luận này, tiếng tăm của vị Lạt Ma mới hai mươi tuổi đã vang xa khắp chốn. Tuy chỉ là một trong số mười bảy người của phía Phật giáo tham gia biện luận nhưng phần biện luận của Bát Tư Ba lại giữ vai trò then chốt trong việc quyết định thắng thua. Kể từ đó, giới Phật giáo Trung Nguyên không thể không nể trọng Bát Tư Ba. Sau khi lắng nghe tôi mô tả lại một cách chi tiết và sinh động cuộc biện luận đầy kịch tính, chàng trai trẻ đưa ra một nhận xét sắc bén: - Phật giáo vốn là tôn giáo ngoại lai, tôn giáo này bắt đầu du nhập vào Trung Quốc từ giữa thời Đông Hán. Thời gian đầu khi mới đến Trung Nguyên, Phật giáo và tôn giáo bản địa không thể tránh khỏi xung đột. Tôi đồng tình: - Đúng vậy. Sau khi cuốn sách ra đời, cuộc tranh chấp giữa Phật giáo và Đạo giáo lại càng khốc liệt, thậm chí nhiều đời hoàng đế đã can dự vào cuộc tranh chấp này. Sự can thiệp bằng vũ trang của chính quyền thường khiến cho cục diện giữa Phật giáo và Đạo giáo diễn ra như sau: một bên được sùng bái, một bên bị đồ sát. Lịch sử đã ghi lại những cuộc thảm sát tôn giáo tàn khốc, đẫm máu. Lúc này cũng là giai đoạn mà lịch sử Trung Quốc xảy ra những biến động lớn. Người Khiết Đan, người Nữ Chân, người Đảng Hạng, người Mông Cổ luân phiên thống trị miền Bắc Trung Quốc. Xã hội rối ren, mâu thuẫn dân tộc và biết bao áp lực khác đã đè nặng lên vai những con người khốn khổ. Không làm gì để thay đổi được số phận bi thảm, họ chỉ còn cách tìm đến với tôn giáo như một nơi nương tựa về tinh thần. Nhưng của cải thì có hạn, số lượng tín đồ cũng có hạn, cuộc tranh chấp giữa Phật giáo và Đạo giáo tưởng chừng đã lắng xuống vào thời nhà Tống lại được dịp bùng lên dữ dội. Tôi ngồi bó gối trên đệm trải: - Khi đó, quý tộc Mông Cổ là những người có thế lực chính trị mạnh nhất. Tín ngưỡng truyền thống của người Mông Cổ là Saman giáo nguyên thủy, nhưng kể từ thời Thành Cát Tư Hãn, hoàng thất Mông Cổ thực hiện chính sách cởi mở, tiếp nhận tất cả các tôn giáo ngoại lai, thu nạp các nhân sĩ của tất cả các giáo phái làm người giúp việc cho mình. Bởi vậy, cả Phật giáo và Đạo giáo đều ra sức giành giật sự ưu ái của người Mông Cổ, ra sức hạ bệ, phỉ báng những tôn giáo khác, quyết không nhân nhượng. Chàng trai trẻ diễn vẻ mặt già dặn, rành rẽ sự đời, kết luận: - Đúng vậy. Thế nên cuộc tranh biện này là khó tránh khỏi.