Đứa Con Bị Chối Bỏ
Chương 4
Ánh nắng đầu tiên nhẹ nhàng len lỏi vào chiếu sáng cả căn phòng, ngày mới tới rồi, dù cho hôm qua có long trời lở đất, thì hôm nay vẫn phải tiếp tục mạnh mẽ mà sống.
Tan học tôi còn phải ghé vài nơi để xin việc, nhất định tôi phải khiến cho bản thân mình thật bận rộn, không còn thời gian mà nghĩ nữa thì càng tốt. Tôi ghét sự rảnh dỗi, ghét thời gian chết, nó không chỉ khiến tôi nghĩ nhiều hơn về anh, mà còn khiến cho cuộc sống chị em tôi khó khăn hơn.
Tôi có gần 2 năm kinh nghiệm trong việc làm nhà hàng ăn nên sẽ không quá khó để tôi xin một công việc tương tự như thế. Có điều tôi sợ khi làm sẽ gặp nhiều thứ quen thuộc rồi lại nhớ đến anh. Vì vậy tôi quyết định thử sức mình ở những công việc khác, nhờ bạn bè giới thiệu nên tôi đã xin làm ở siêu thị Vinmart, ngay gần nơi trường tôi học. Hàng ngày tôi chỉ cần đi bộ 1 quãng ngắn là tới chứ không phải đi xe bus đi làm như trước kia.
Công việc mới tuy không quá nặng nhọc nhưng do tôi chưa quen hết các mặt hàng ở đây nên ngày nào cũng bận bù đầu.
Cuộc sống lại hối hả với guồng quay vốn có của nó, chị Lan vẫn bán quần áo và dạy thêm gia sư 3 buổi tối trong tuần. Còn tôi cũng đã quen với công việc bán hàng trong siêu thị, và hàng đêm cũng không còn khóc vì anh nữa.
Mọi thứ sẽ êm đềm, nếu như hè năm ấy tôi không nhận được điên thoại của bác cả thông báo bác gái nhập viện và phát hiện ung thư. Với một người nông dân sống quanh quẩn sau lũy tre làng, trời gọi ai nấy dạ, con người sinh – lão – bệnh – tử, đơn giản vậy thôi.
Cuộc sống vùng nông thôn không mấy ai chăm chút tới vấn đề sức khỏe bản thân, đi khám định kỳ. Bởi thế mà khi bác đau quá đi khám, bệnh viện bảo ung thư vú đã ở giai đoạn cuối mất rồi. Thời gian dành cho sự sống của bác không còn dài nữa.
Cả gia đình khi ấy đều thống nhất sẽ giấu không cho bác biết về tình trạng của bản thân. Ai cũng sợ khi biết rồi bác sẽ suy sụp, sẽ gục ngã chứ không còn ý chí chiến đấu cùng tử thần nữa.
Khi tình trạng của bác trở nặng, tôi đã xin nghỉ việc không lương để ở nhà chăm sóc bác. Bác bị ung thư nên đến gần lúc mất vẫn còn tỉnh táo, thấy tôi bác khẽ ra hiệu cho tôi lại gần mà dặn dò:” Hai chị em cố gắng nương tựa vào nhau mà sống, nhất định không được bỏ dở việc học hành nghe không”.
Ánh mắt bác nhìn tôi hiện rõ sự xót xa, thương cảm, từ khi bác mất tôi có đôi lần mơ thấy bác, thấy cái dáng người gầy gò của bác đang đứng một mình giữa hơn mẫu ruộng mênh mông. Thấy bác mò cua bắt ốc để kiếm thêm bữa cơm qua ngày mỗi khi hết việc, bóng lưng bác cứ thế đổ dài lên từng vệt ký ức của tôi. Hình ảnh của bác đọng lại trong ký ức tôi chỉ toàn là cái dáng còng còng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chẳng mấy khi thấy được bác thảnh thơi.
Hơn chục năm qua tôi sống nương nhờ ở nhà bác, tuy rằng chẳng mấy khi bác yêu thương, nhưng nhờ có bác thì mới có tôi ngày hôm nay. Công lao và ơn nghĩa của bác đối với tôi còn lớn hơn nhiều nếu đem so với hai người đã sinh ra chị em tôi.
Bác trai tôi là thợ mỏ, đồng lương của bác khi ấy chỉ đủ lo cho anh Hoàng ăn học, còn lại bác gái phải tự mình gồng gánh hết. Vì phải lo cho chúng tôi nên bác chưa 1 lần được ăn ngon, mặc đẹp. Thậm chí khi bác đã qua đời nhìn trong tủ tôi mới phát hiện quần áo của bác tất cả đã sờn vai, bạc gấu cả rồi.
Bác trai tuy thương vợ nhưng công việc thợ mỏ vất vả và nhiều thời gian nên cũng chẳng giúp đỡ được gì.
Khi còn nhỏ không ít lần tôi bị ăn đánh, ăn mắng lúc ấy giận bác lắm chứ, nhưng bây giờ, khi đã lớn, đã vào đại học tôi mới hiểu, có đôi khi không phải do bản chất bác ác, mà là do phải gánh trên vai quá nhiều trách nhiệm, nên bác mới trở nên như thế.
Khó khăn nhưng cả 2 bác đều cương quyết không cho anh em tôi nghỉ học, lúc nào cũng động viên chúng tôi phải ráng mà học, học đến nơi đến chốn thì sau này mới mong không cực khổ như 2 bác được.
Khi ấy tôi cũng từng ước lớn lên sẽ đi làm, sẽ kiếm thật nhiều tiền, sẽ dời xa nơi đây, sống cuộc đời sung sướng, sẽ khiến bác hối hận vì ngày ấy đã từng hắt hủi tôi.
Rồi theo thời gian, tôi đã lớn, đã vào đại học, nhưng cái lời hứa sẽ cố gắng đi làm để gửi tiền tiền về cho bác trả nợ, trả cái khoản vay mà hai bác đã đứng ra vay cho chị em tôi đi học đại học, còn chưa thực hiện được thì bác đã ra đi mãi mãi.
Nhớ vụ lúa ngày tôi học lớp 5, được nghỉ hè nên tôi cũng theo chân bác và anh chị ra đồng. Cũng đội nón, cũng cầm liềm gặt hăng hái như 1 người nông dân thực thụ. Đến chiều thì ruộng lúa cũng đã gặt được khá nhiều, Chị Liên, con gái út của bác phát hiện có tổ chim, tôi háo hức chạy tới cùng chị ngắm những quá trứng bé xinh.
Và cứ sau mỗi vụ thu hoạch, dù khó khăn bác gái cũng vẫn dành ra vài cân lúa để đi nổ bánh nổ (bánh ống) cho chúng tôi ăn dần. Nhà nghèo làm gì có tiền mà mua quà bánh, vậy nên những túi bánh nóng hổi kia là món quà vô giá với chúng tôi. Mỗi lần được anh chị chia phần tôi luôn lén giấu đi một nửa để đem đến lớp cho chị Lan, chị thích lắm, cứ nâng niu mà không nỡ ăn.
Bác chưa từng kể cho chúng tôi những câu chuyện cổ tích giống bà, cũng chưa 1 lần kèm chúng tôi học như bác trai. Nhưng sự hi sinh của bác dành cho chúng tôi thì chẳng thể nào mà đong đếm được.
Bác đã đi rồi, phút cuối cùng vẫn nhắc chị em tôi cố gắng học hành, lòng bác vẫn lo cho chị em tôi. Còn tôi, chưa 1 lần báo đáp được công ơn nuôi dưỡng của bác, bác lên đấy cho cháu gửi lời đến ông bà, cháu hứa nhất định sẽ không phụ sự kỳ vọng của mọi người.
Thời gian vô tình trôi nhanh, con người thì không thể không lớn, cô bé với bím tóc hai bên ngày đầu về nhà bác nay đã là sinh viên năm cuối. Bao nhiêu lo lắng ngổn ngang trước mắt, những kỳ thi kết thúc học phần đầy lo lắng, rồi cả những mối lo về việc liệu rằng sau khi ra trường chúng tôi có xin được công việc phù hợp ngay không. Ngần ấy mối lo như nhấn chìm chị em tôi vào vòng xoáy của nó.
Năm cuối rồi, lịch học dày đặc chẳng thể đi làm thêm như trước kia. Chị Lan do đi dạy gia sư lâu nên được người ta giới thiệu thêm 1 vài bé nữa. Vậy là chị em tôi lại chia nhau mỗi tối 2 tiếng đi dạy kèm, lương gia sư tạm đủ cho chị em tôi trang trải, lại không mất nhiều thời gian nên chúng tôi vẫn có thể ôn luyện bài vở.
Vài tháng nữa thôi là chúng tôi đã bắt đầu đi thực tập rồi, các bạn khác thì được gia đình thu xếp toàn bộ từ chỗ thực tập đến việc làm sau khi ra trường. Còn chị em tôi đến cả công ty thực tập cũng phải nhờ nhà trường giới thiệu giúp.
Công ty của chị gần hơn, còn công ty nơi tôi thực tập thì ở gần Hồ Tây, phải đi đến 2 chặng xe bus mới tới. Chị có khuyên tôi nên thuê 1 phòng trọ nho nhỏ để khỏi phải đi lại, nhưng mà đằng nào buổi tối tôi vẫn phải đi làm gia sư nên đâu thể ở luôn bên đó. Chưa kể năm cuối bao nhiêu khoản tiền phải lo, giờ mà gánh thêm tiền phòng cho tôi nữa thì quá thật hơi quá sức với chị em tôi.
Vậy là hàng ngày tôi phải dậy từ 5h cho kịp giờ đến công ty thực tập, tôi học chuyên ngành kế toán, có va vấp thực tế mới biết lỗ hổng kiến thức còn lớn đến đâu. Lại chỉ là con bé không địa vị, không ô dù, nên trong công ty chẳng ai để mắt tới. Công việc của tôi hàng ngày chỉ là quét dọn,pha trà và ngồi chờ ai sai gì thì làm nấy. Đến ngay cả nói chuyện mọi người cũng kiệm lời với tôi.
Tốt ngiệp bằng giỏi thật đấy, nhưng kinh nghiệm chưa có nên chật vật mãi tôi vẫn chẳng thể nào xin được công việc đúng chuyên môn. Hàng ngày tôi cứ lặp đi lặp lại với vòng luẩn quẩn, làm hồ sơ, đi xin việc, đi phỏng vấn rồi lại quay về làm hồ sơ.
Nếu không có chị luôn ở bên cạnh động viên và công việc gia sư cùng lũ trẻ bầu bạn chắc tôi sẽ phát điên vì áp lực xin việc.
Ra trường rồi, chị em tôi cũng nhanh chóng thuê 1 phòng trọ nho nhỏ để tiện cho công việc vì chị em tôi đều thống nhất sẽ trụ lại nơi phồn hoa đô thị này sinh sống.
Chị may mắn hơn tôi, sau khi thực tập thì được công ty giữ lại làm, nhìn chị vui mừng mà tôi cũng hạnh phúc lây. Có công việc thuận lợi rồi chị cũng nhanh chóng nhận lời của anh chàng hàng xóm, nơi mà chị vẫn thường xuyên đến dậy kèm.
Anh tên Long, là con thứ 3 trong 1 gia đình có mẹ làm kinh doanh, còn bố làm công chức nhà nước. Tuy là trai gốc Hà Nội nhưng ngoại hình của anh nếu đem so sánh thì vẫn thua chị tôi 1 bậc.
Anh có nước da ngăm đen, các đường nét trên gương mặt cũng không được hài hoà cho lắm, nhất là cặp mắt của anh nhìn hơi dữ dằn. Điểm cộng tôi dành cho anh đó là qua cách anh quan tâm chị thì tôi cảm nhận được anh yêu thương chị thật lòng. Công việc của anh cũng khá ổn đinh, nếu hai người có thể tiến tới hôn nhân thì cũng được coi là vẹn toàn.
Chỉ có điều anh là trai thủ đô, còn chị em tôi lại là những đứa bị chối bỏ, liệu rằng bố mẹ anh có chấp nhận chị hay không. Lo lắng nên tôi hỏi chị:
- Chị với anh Long yêu nhau bố mẹ anh ấy có biết không?
- Hiện tại thì bọn chị vẫn chưa nói với bố mẹ anh ấy, chị muốn có thêm thời gian tìm hiểu anh ấy rồi mới nói.
- Cẩn thận cũng tốt, nhưng hai bác ấy là người thế nào, có khó tính không, chị đã nói chuyện bao giờ chưa hay chỉ nghe qua lời kể của anh Long?
Mắt chị ánh lên niềm vui hớn hở nói:
- Bố anh ấy thì chị ít tiếp xúc, còn mẹ anh ấy thì chị nói chuyện suốt, bác hay sang nhà bé Ngân chơi (cô bé chị dạy kèm gia sư). Bác dễ tính lắm, nói chuyện lại cởi mở nữa. Không có cái vẻ kênh kiệu khinh người nhà quê như nhiều người gốc Hà Nội ở đây đâu.
Nếu thế thì tôi cũng mừng cho chị, sợ lắm nếu chị lại giống tôi trước kia, yêu mà chẳng thể đến với nhau vì cái rào cản “muôn đăng, hộ đối”.
Bất chợt tôi lại nhớ đến Nguyên, anh vẫn ở đây, nơi 1 góc nhỏ của tim tôi. Không biết giờ anh thế nào, ba năm rồi anh có còn nhớ đến cô bé nhân Viên là tổi không, hay đã tìm được bến đỗ bình yên bên tình yêu mới. Còn tôi vẫn chưa 1 ngày quên anh.
Đi trên phố nhìn người ta ai cũng có đôi, có cặp tôi cũng ước ao 1 lần được nắm tay cùng ai đó, 1 lần thôi được trọn vẹn cái ôm. Nhưng mà nhìn lại bản thân mình tôi lại tự ti chẳng dám mở lòng, tôi như con chim nhỏ sợ cành cong, né tránh tất cả.
- ---*----*-----
Thất thểu ôm hồ sơ cùng lời từ chối của chị nhân sự công ty TNHH Hoàng Hoa:” Thành tích học tập của em rất tốt, kỹ năng tiếng anh của em cũng khá, nhưng chị xin lỗi không thể nhận em được. Bên chị yêu cầu phải có kinh nghiệm ít nhất 1 năm trở lên. Chúc em sớm tìm được công việc phù hợp”. nặng nề trở về phòng, tôi thoáng giật mình khi thấy chị ngồi bó gối trên giường.
Giờ này đáng ra chị đang ở công ty mới phải chứ, có chuyện gì mà lại buồn bã ngồi đây. Tôi vừa mổ rộng cửa phòng vừa hỏi chị:
- Nay chị không đi làm à, ở nhà mà sao không mở cái cửa ra cho sáng.
- Uk chị mệt nên xin về.
Tôi hốt hoảng chạy lại, đặt tay lên trán chị kiểm tra, không hề nóng, nhưng nhìn mặt chị buồn lắm, chị còn đang khóc nữa. Lo lắng nắm tay chị hỏi:
- Chị sao thế, sao lại khóc thế này, ai làm chị buồn, hay là chị đau ở đâu?
Chị ôm tôi vào lòng mà oà khóc, chị Lan của tôi vốn mạnh mẽ sao giờ lại yếu đuối thế này. Rốt cuộc là vì đâu mà chị phải rơi lệ, lòng tôi bỗng nhiên có 1 dự cảm không lành. Muốn hỏi lắm, nhưng lại sợ nếu tôi mở lời chị sẽ càng xúc động mạnh hơn, nên chỉ lặng lẽ ngồi xoa lưng cho chị bình tĩnh lại.
Chị khóc 1 hổi rồi sụt sịt nói:
- Lệ ơi, chắc chị với anh Long không tới được với nhau em ạ, mẹ anh ấy phản đối vi nhà mình nghèo.
Lời của chị như sét đánh bên tai tôi, tôi đã từng lo, từng sợ, nhưng chị lại khẳng định mẹ anh vô cùng tốt. Bởi vậy tôi mới thôi không nhắc chị cẩn trọng nữa.
Hoá ra con người ai cũng vậy, nếu chưa động đến lợi ích của bản thân thì làm gì có ai xấu.
Chẳng lẽ cứ nghèo, cứ 1 lần bị cha mẹ chối bỏ thì chị em tôi không có quyền được hạnh phúc nữa hay sao?
Chị yêu anh, hai người họ đã bao lần cùng nhau vẽ về 1 ngôi nhà và những đứa trẻ, để giờ mộng chưa thành đã vội tan hay sao? Nhìn chị tôi thật sự muốn lao ra ngoài kia mà sỉ vả tất cả những kẻ đã coi thường, trà đạp lên chị em tôi chỉ vì 2 chữ nghèo, đói.
Rất muốn tìm đến 2 người đã sinh ra chị em tôi mà hỏi, tại sao lại tạo ra chúng tôi rồi lại quay lưng bỏ mặc, để cho cuộc đời chị em tôi thống khổ đến nhường này. Có hay không một lần họ nghĩ đến chị em tôi mà day dứt trong lòng, hay họ mải vui vầy bên hạnh phúc mới mà chưa từng nhớ đến chị em tôi?
Trước kia tôi yêu Nguyên, nhưng chưa 1 lần cùng anh trải qua những tháng ngày hạnh phúc. Chỉ là rung động nơi trái tim, mà khi bị bắt ép dời xa anh tôi đã đau đớn buồn bã lắm rồi.
Nếu giờ chị cũng giống tôi thì e rằng chị sẽ gục ngã mất thôi, tôi sợ lắm, sợ phải thấy chị buồn, chị khóc. Thương chị nhưng phận tôi nhỏ bé cũng chẳng thể thay đổi được định kiến của người đời.
Ngoài việc vỗ về an ủi chị tôi cũng chẳng thể làm gì hơn.
Truyện khác cùng thể loại
61 chương
89 chương
24 chương
143 chương
24 chương
9 chương
77 chương
16 chương
107 chương