Dữ Quỷ Vi Thê
Chương 108
Trần Dương nhìn đám người họ chôn quan tài Ngụy Lâm Thanh xuống. Bùn đất ẩm ướt rơi lên quan tài, chẳng hiểu sao lại khiến kẻ khác sinh ra loại cảm giác hoang liêu bi thương. Trần Dương lắc đầu, bỏ đi cảm xúc sầu não không rõ nguyên do ấy.
Làm xong lần cúng bái hành lễ cuối, tất cả đứng yên lặng trước phần mộ trong chốc lát rồi mới quay về. Cụ Ngụy kêu Trần Dương đến nhà dùng cơm chung, Trần Dương cầm điếu thuốc trong tay, lắc đầu, “Cụ à, cháu không đi đâu, cháu còn phải đến chỗ Hai Mập để bàn chuyện khởi công.”
Cụ Ngụy thất vọng nhưng không ép anh, cụ chỉ bảo nếu anh rỗi rãi thì cứ tới nhà, trò chuyện cùng cụ người đã sắp xuống mồ rồi, chứ cụ đáng thương lắm, ở nhà không ai nói chuyện với cụ hết. Nghe thế miệng của mấy thằng cháu đang đứng bên cụ giật giật, mặt vặn vẹo hết.
Trần Dương thấy cụ Ngụy hệt như một đứa bé bướng bỉnh nhưng không khiến người khác chán ghét, thế nên anh đồng ý.
Về tới trấn Quảng Tế, anh bèn đến nhà Hai Mập. Hắn ta đang nằm ì trên sofa trong phòng khách, ép cái ghế bẹp dí luôn. Mẹ hắn đang bên cạnh khuyên bảo, lại bị Hai Mập bực mình xua tay. Cửa mở, thấy Trần Dương vào nhà hắn vẫn ỉu xỉu buồn bã, “Anh Trần, đến rồi à, ngồi đi.”
Trần Dương hút thuốc, lấy chân đá vào ghế sofa. Mang theo Hai Mập nên chắc cái ghế nặng tới hơn hai trăm ký, bị anh đá một cái nên sofa run lên bần bật khiến Hai Mập té nhào xuống. Hắn ta xoa cái mông u một cục, nghiến răng chịu đau ngồi dậy.
Ngó gương mặt núc ních thịt của hắn, Trần Dương buồn cười, “Chẳng phải bảo hai ngày nữa sẽ khởi công sao, còn lề mề ở đây làm gì?”
Hai Mập như đưa đám, hắn than thở, “Thì không phải tại sợ à? Ông già không cho tôi đi thôn Ngụy, mấy ngày nay tôi với ổng cãi nhau to. Thật ra lúc tôi nhận công trình này ổng đã bảo sẽ gặp chuyện không may, nhưng tôi không tin, hiện tin thì đã muộn.”
Từ góc độ Trần Dương mà nói, Hai Mập là một kẻ tốt số. Từ nhỏ đã thuận buồm xuôi gió, không bệnh hoạn cũng chẳng gặp tai ương, vốn thành tích chẳng khá mấy nhưng sau khi học hết cấp ba thì lại vào được trường đại học không tệ, tốt nghiệp rồi thì không muốn làm mấy việc của cấp dưới phải ngó nét mặt cấp trên nên chạy về trấn Quảng Tế.
Sau đó không biết gặp vận chó chết gì, vừa làm vận chuyển lâm sản vừa làm chủ thầu công trình, ngày ngày trải qua vui vẻ, trừ có hơi mập ra thì cũng được xem như thanh niên tài giỏi của trấn, hằng hà sa số người kéo đến cửa làm mai.
Nói thật, không phải Trần Dương chưa từng hâm mộ và ghen tị hay oán hận với vận mệnh của hắn.
Chẳng qua, rốt cuộc hai người họ là kẻ có duyên, ao ước chỉ là ao ước. Trần Dương vốn hận những thứ gọi là vận mệnh, sau được nhiều ‘cao nhân’ khuyên bảo thì anh đã nghĩ thoáng hơn, cuộc sống của mình thế nào thì cứ sống thế đó.
Song điều kiện tiên quyết là không có một bàn tay làm đục nước, quấy cho nước đen ngòm.
Không vừa mắt cái vẻ mới suy sụp một chút mà đã muốn sống muốn chết của Hai Mập, Trần Dương chẳng thèm khách sáo mà đá thêm cú nữa, đạp đến mức Hai Mập lăn lộn trên đất gào khóc thảm thiết. Sau cùng hắn ta mới lê cái thân lặc lề của mình lên ghế bắt đầu bàn chuyện.
Hóa ra sở dĩ Hai Mập suy sụp như thế, ngoài sợ hãi còn có nguyên nhân khác. Từ khi biết trong đội sửa đường có người chết rồi thì không tuyển người được nữa. Hắn đành phải liên hệ với vài người quen ở huyện khác để giới thiệu người lại đây, đủ người rồi nhưng tiền công lại tăng lên đến những một phần tư.
Mới nghĩ đến đó tim hắn lại rỉ máu, Hai Mập túm lấy quần áo, kêu khóc.
Trần Dương dở khóc dở cười đưa chân qua đá hắn ta một cái nữa, “Buôn bán lời biết bao tiền mồ hôi nước mắt của kẻ khác, phun ra một ít có làm sao? Còn gào thét nữa ông đá đầu xuống luôn bây giờ.” Hai Mập xích qua một bên, “Anh Trần, anh nói sai rồi, đây đâu phải tiền mồ hôi nước mắt của người khác, là mồ hôi nước mắt của tôi đó, mới nghĩ tới mà thịt đã đau rồi.”
Hai người nói nói cười cười, cãi nhau ầm ĩ, chỉ chốc lát sau đã quyết định mọi chuyện xong xuôi, sẽ chính thức khởi công vào ngày mốt. Hai Mập còn định mời ‘cao nhân’ đến làm phép. Trần Dương không ý kiến gì với việc ấy, dù sao ít nhiều cũng có tác dụng xoa dịu tâm lý.
Chuyện mời cao nhân, Hai Mập giao cho Trần Dương.
Là bởi khi nãy Trần Dương thuận miệng nói rằng anh định đi tìm cao nhân hỏi chuyện gì đó. Hai Mập thấy chuyện ấy và vụ cúng bái hành lễ hoàn toàn có thể lo liệu như một chuyện, thế là hắn ta cứ bám sát rạt Trần Dương bảo anh tiện đường mời cao nhân luôn cho rồi, để hắn đỡ phải đi một chuyến nữa.
Với việc tên Hai Mập này lúc nào cũng nghĩ cách giảm bớt phần việc của mình để nhàn hạ hơn, sau khi tỏ vẻ khinh thường vô cùng thì Trần Dương mới đứng lên kêu hắn ta tự mà đi tìm, anh đi ngày mai hoặc mốt sẽ về.
Anh muốn tìm một người ở huyện Chu Nhân gần đó, bà là người thuộc phái ‘Hỏi âm’, còn hỏi âm thật ra là đặt câu hỏi với người đã chết.
Hỏi âm là một loại thông âm, nói theo cách thường, thông âm là chiêu hồn phách người chết, sau đó muốn hỏi gì thì hỏi, muốn làm gì thì làm. Loại phương thức thông âm này người bình thường vẫn làm được, chỉ cần dùng đúng cách mà thôi. Ví dụ như mấy trò bút tiên, đĩa tiên – mấy trò cầu cơ này cũng có thể gọi hồn được. Trên thực tế đó là dùng phương pháp thông âm để liên lạc giữa người chết và người sống.
Song nếu kẻ không am hiểu tiến hành sẽ gặp rất nhiều tai họa tiềm ẩn. Không ít kẻ chơi đĩa tiên bút tiên rồi mất hồn hay mất cả mạng, nên ít nhất cũng phải có lòng kính sợ quỷ thần, đừng tùy tiện đụng vào mấy trò nguy hiểm.
Còn hỏi âm trong thông âm là một cách hỏi lợi dụng đặc thù của phụ nữ, đưa hồn phách người sống xuống âm thế để tìm được hồn ma muốn hỏi, hỏi mặt đối mặt. Cứ thế, sẽ không cần mượn pháp khí hoặc pháp thuật mà có được tin tức từ chính hồn ma, như thế sẽ chính xác hơn.
Chỉ là đưa hồn người sống tới âm thế cũng giống như trẻ em đùa với lửa, chỉ cần chút vô ý thôi sẽ khiến lửa tự đốt mình. Một khi thất bại, hồn người hỏi âm sẽ ở lại âm thế không về được, còn cơ thể trên dương thế sẽ biết thành người ngờ nghệch chỉ biết thở mà thôi – hay y học còn gọi là người sống thực vật.
Hiện rất ít phụ nữ hỏi âm, ít hơn số thầy tướng số và đạo sĩ nhiều. Thứ nhất do phải là người có thể chất và mệnh cách đặc biệt, vốn đã rất ít. Thứ hai do trong xã hội hiện nay, trừ khi cùng đường chứ ai lại muốn sống bằng con đường người không ra người quỷ không ra quỷ.
Phần lớn thì toàn là bà mo bà phủ thủy bị quỷ nhập vào người hay bị thần chiếm giữ, tất cả đều là kẻ lừa đảo diễn trò cả thôi. Còn hỏi âm chân chính rất đáng sợ, chỉ e sau khi thấy một lần rồi thì mấy kẻ dọa thần giả quỷ ấy sẽ bị dọa đến tiểu ra quần.
Người hỏi âm nơi huyện Chu Nhân ở trong thị trấn, Trần Dương ngồi xe hơn hai tiếng mới tới, dựa theo địa chỉ anh tìm được nhà bà ấy.
Đó là một căn nhà lớn theo phong cách cổ xưa, sợ rằng đã có hơn trăm năm lịch sử, do một người đàn ông ngoại quốc lấy một người phụ nữ ngoại quốc xây nên. Phong cách ngôi nhà hệt như những căn nhà vào thời Tô giới, sau thì do gặp trận đại phong ba, kẻ hậu nhân bị xem như lũ đầu trâu mặt ngựa chạy khỏi nhà, mãi đến khi cơn sóng gió chấm dứt mới về lại. Nhưng khi ấy, kẻ chết đã chết, kẻ rời đi đã rời đi, trong nhà chỉ còn lại một người phụ nữ.
Người đó chính là người hỏi âm, từ đó suy ra được vì sao bà ấy lại bước trên con đường này.
Hai tầng lầu trên tường loang lổ rêu xanh, dây thường xuân chiếm đầy khắp mọi nơi. Những dây leo xanh mượt, đen nhánh, không buông tha ngay cả cửa sổ bằng kính. Tuy chẳng còn lại tư thái năm xưa, nhưng lại tựa như đã đoạn tuyệt với hiện tại, chỉ còn là đống tàn tích từ thời đại cũ.
Trần Dương bước lên bậc tam cấp, gõ chiếc vòng kéo cửa. Tiếng cốc cốc cốc truyền đến nhưng chẳng ai ra xem. Không vội vàng sốt ruột, Trần Dương tiếp tục gõ cửa. Bà lão này tính tình cổ quái, rất ít khi gặp khách lạ, người cung cấp tin cho anh đã từng nói thế.
Người ở trong và ngoài cửa cũng hệt như nhau thôi, chẳng qua là so ai kiên nhẫn hơn. Nếu thật sự thành tâm tới, Trần Dương tất nhiên không có khả năng thấy cửa đóng sẽ trở về. Một khi anh đã quyết thì chẳng mấy người kéo anh về được, thế là, một tiếng sau, cuối cùng cửa cũng mở.
Bên trong là một bà lão khoảng sáu mươi tuổi tóc bạc phơ, bà búi tóc, mặc sườn xám liền thân, đeo kính. Nhìn qua trông bà rất ôn hòa và ngập phong độ người trí thức, hoàn toàn không có vẻ gì là người sẽ để kẻ khác phải đợi bên ngoài hơn cả tiếng đồng hồ, tất nhiên lại càng không giống một người hỏi âm.
Lúc thấy bà lão, Trần Dương hết sức ngờ vực rằng mình tìm nhầm người.
Anh lấy tờ giấy kia ra, tằng hắng hỏi, “Xin hỏi, có phải bà là Mai nữ sĩ Mai Chi?”
Đứng trước bà lão phong thái như thế, Trần Dương không khỏi ăn nói lịch sự hơn mấy phần.
Bà Mai bình tĩnh nhìn Trần Dương, vẻ mặt chẳng thay đổi gì, “Ta chính là Mai Chi, cậu tìm ta có chuyện gì?”
Trần Dương vội vàng lấy một phong thư trong người ra, đưa tới trước mặt bà Mai, “Đây là thư Mã sư phụ kêu cháu đưa cho bà.”
Bà Mai nhận bức thư, nhìn thoáng qua, “Vào nhà đi.”
Nghe được câu ấy của bà Mai, Trần Dương nhẹ nhàng thở phào, sự tình có cơ may rồi. Từ hai mươi năm trước bà Mai đã chẳng còn giúp kẻ khác hỏi âm nữa, mỗi ngày chỉ bình thản sống. Nếu trước đây không cảm thấy gì, nhưng hiện Trần Dương cảm giác hơi bất an khi quấy rầy cuộc sống yên tĩnh của bà lão trước mắt này.
Nhưng bất an thì bất an, mọi chuyện vẫn cứ phải làm. Anh đã chuẩn bị ổn thỏa đâu ra đó, còn ba lần bốn lượt tìm người quen với bà Mai nhờ người ấy viết thư giới thiệu. Anh không tin mình không làm cảm động được bà lão này.
Trong phòng râm mát vô cùng. Phía đông tầng một là nhà bếp và nhà ăn, kế bên là phòng khách và phòng sách. Bà Mai đưa Trần Dương đến phòng sách, gian phòng ấy rất lớn, trong ấy là những giá sách cao đụng trần chứa đầy sách với những chữ viết khác nhau.
Bà Mai kêu Trần Dương ngồi xuống, tiếp đó một cụ già lưng đã còng từ góc sáng của phòng đi tới rót cho anh một ly trà.
Trần Dương đứng ngồi không yên nhìn bà Mai đọc thư.
Bà đọc thư rất chậm, rõ chỉ là một bức thư mà lại đọc đến những mười mấy phút, tựa như đang nhai đi nhai lại từng chữ trong thư, rồi lại đắn đo cân nhắc. Bà đã sáu mươi tuổi thế mà đôi mắt vẫn còn trong suốt, có thể nhìn ra lúc trẻ là một mỹ nhân phong thái vô cùng. Mà mỹ nhân ấy à, ai ai cũng có câu chuyện của riêng mình cả, dù là mỹ nhân làm nghề hỏi âm cũng thế thôi.
Sau khi đọc xong bà đặt bức thư lên bàn, ngước nhìn Trần Dương, ôn hòa bảo, “Trong thư Mã Vân Tài bảo cậu muốn tìm ta hỏi âm. Chàng trai trẻ, hỏi sống không hỏi chết, loại sự tình này vẫn nên suy xét cẩn thận thì hơn.”
Trần Dương ngồi thẳng lưng, “Cháu đã cân nhắc rất lâu. Cả nhà chết oan vì cháu, cháu không thể không điều tra manh mối. Nếu không người nhà dưới đó của cháu chết không nhắm mắt, cháu sống cũng sẽ cả đời ăn không ngon, ngủ không yên.”
Bà Mai thở dài, lấy tay vuốt lên bức thư nhăn nhúm, chậm rãi nói, “Đúng ra ta sẽ không đồng ý với cậu, đã lâu lắm ta không làm chuyện này, nhưng cậu lại có bức thư của Mã Vân Tài. Năm đó ta còn nợ nhân tình của lão chưa trả, hiện lại vừa khéo hiểu rõ việc ấy.”
Trần Dương biết, bà Mai đã đồng ý giúp anh hỏi âm.
Lúc này, bà Mai đi tới nói với Trần Dương, “Đưa tay ra cho ta xem.”
Trần Dương đưa tay, bà Mai cầm lấy tay anh. Bà chạm vào dọc cánh tay, rồi chạm đến đầu vai, động tác thong thả nhưng lực rất mạnh. Vẻ ngoài bình thường nhưng sức bà lão rất lớn, Trần Dương còn trẻ như thế mà cũng bị bà nắn đến mức xương cốt đau nhức, phải run lên. Bà bảo, “Mệnh cậu quá cứng, hỏa nhiều, ý chí kiên định, tinh thần kiên cường dẻo dai, thích hợp hạ âm. Đáng tiếc trong mệnh đã định có âm không có dương, thôi, có ta ở cạnh trông coi chắc sẽ không xảy ra tai họa.”
Hóa ra vừa rồi bà Mai đang giúp anh ‘xem xương cốt’. Xem xương cốt là dựa vào xương của một người để suy ra bát tự, tính cách, tiền đồ tương lai của người đó. Thậm chí có những người thông qua xem xương cốt có thể thấy được cả kiếp trước kiếp này.
Trần Dương chẳng ngờ được bà Mai biết phương pháp này, giống hệt một loại ‘Bói rượu’ mà trước đó anh từng thấy. Trên thế giới chẳng có bao kẻ biết chứ đừng nói đến thông thạo, khó trách năm đó bà Mai lại nổi danh hàng đầu, quả đúng là tiếng tăm lừng lẫy chứ không phải một nữ sĩ vô danh.
Bà dặn dò cụ già vẫn chưa nói lời nào kia không cần đi theo, sau đó mới đưa Trần Dương đến dưới tầng hầm ngầm.
Truyện khác cùng thể loại
2953 chương
51 chương
136 chương
89 chương