Dù Không Là Thiên Thần
Chương 13 : Hoài niệm
Tôi biết sẽ có ngày Hà Nhược Tịch nhớ đến tôi. Ngày đó, có thể là có nắng đẹp màu tím ấm áp, có thể là mưa nhỏ dầm dề, có thể là đầy trời hoa tuyết.
1
Tôi thường nhớ lại hình ảnh lần đầu tiên nhìn thấy Hà Nhược Tịch đi với một người con gái.
Năm đó tôi mười bốn tuổi, học năm thứ hai trung học cơ sở, Hà Nhược Tịch mười tám tuổi, học năm thứ ba trung học phổ thông.
Chiều tối hôm đó, nắng chiều rực rỡ rất đẹp, thành phố trùm trong một màu sắc kỳ lạ, khác với thường ngày. Ở một đầu đường cách nhà tôi không xa lắm, cũng như rất nhiều buổi chiều tối khác, tôi nhìn thấy Hà Nhược Tịch.
Hồi đó tôi còn rất bé, cảm thấy tuổi mình còn non quá, những nỗi niềm tâm sự thấp thoáng được giấu rất kín.
Năm mười sáu tuổi Hà Nhược Tịch đã trở thành một nam sinh cao lớn, giọng nói cũng từ rè khản trở thành trong trẻo, rất hay, không có mụn trứng cá của tuổi đang lớn, ánh mắt cũng ngày càng trong sáng, khí chất ngày càng khác thường.
Hồi đó, Hà Nhược Tịch ở sát cạnh nhà tôi đã tám năm, từ tuổi lên sáu tôi đã quen anh.
Tôi sinh ra không có anh chị em, nhưng từ sáu tuổi tôi không còn cô đơn nữa. Hà Nhược Tịch coi tôi là em gái. Khi mười hai tuổi, anh đã ra vẻ con trai lớn, nói năng như người lớn. Nhưng tôi thích anh nói: “Phó Hải Nha đi nhanh lên, Phó Hải Nha khi ăn không được nói chuyện, Phó Hải Nha không được xé vở, Phó Hải Nha gọi anh là anh trai…”.
Tôi thích cái khẩu khí đó của anh, mặc dù từ bé đến lớn tôi chỉ gọi thẳng tên anh.
Tôi cứ mong chóng lớn, vì rất nhiều việc mình biết, chỉ sau khi lớn lên mới thực hiện được.
Hôm đó sắp đến đầu đường, tôi cứ chần chừ có ý chờ đợi. Sau đó, tôi thấy bóng của Hà Nhược Tịch từ hướng ngược lại đang lắc lư đi đến. Khi đến gần, rất gần tôi, anh phanh kít xe lại, đôi chân dài chống xuống đường. Phía sau lưng anh, một cô gái mặc áo lông trắng bỗng hiện ra, làm tôi giật nẩy mình.
Tôi nhìn chằm chằm vào cô ấy.
Tôi đoán cô ấy khoảng mười tám tuổi. Con gái mười tám tuổi mắt vẫn rất trong, nhưng nụ cười thì đã có vẻ yêu kiều mà tôi mơ ước, lại còn một mái tóc dài đen mượt. Tôi thừa nhận đó là một cô gái xinh đẹp, cô đứng bên cạnh Hà Nhược Tịch rất xứng đôi.
Tôi há mồm ra rồi lại khép lại, nuốt đi cái tên Hà Nhược Tịch. Từ trong lòng, tôi thấy khó chịu, một sự khó chịu không thể giải thích được.
“Phó Hải Nha, sao còn chưa về?” – Hà Nhược Tịch cười: “Chờ anh à?”.
“Đâu có, em vừa mới đến đấy”. Tôi nguýt anh ta một cái. Xưa nay tôi chưa bao giờ nhìn anh ta với ánh mắt ấy, kể cả những khi anh gay gắt nhất với tôi.
Hà Nhược Tịch ngoái đầu lại: “Đây là Hải Nha, em gái anh”.
Cô gái nhìn tôi cười, cô nói: “Em với Nhược Tịch có đôi mắt rất giống nhau”.
Tôi ghét cô ta gọi anh ấy là Nhược Tịch, cứ làm như thân thiết gần gũi lắm. Nhưng tôi không bóc trần lời nói dối của Hà Nhược Tịch. Tôi nghĩ, dù tôi làm thế nào thì cũng không thay đổi được sự thật là Hà Nhược Tịch có bạn gái. Anh ta đã lớn thế kia, có thể yêu được rồi, còn tôi thì không thể.
Hà Nhược Tịch vỗ đầu tôi: “Thôi về đi, nhưng không được nói lung tung”.
Tôi đạp xe đi thẳng, hai trăm mét cuối cùng tôi đạp rất nhanh. Khi đến chỗ rẽ trước lầu, ngoái đầu lại thì không nhìn thấy Hà Nhược Tịch và cô gái nữa. Trời rất rét, hơi từ miệng mũi hà ra, trắng xóa cả. Trời lạnh thế này không biết Hà Nhược Tịch còn đưa cô gái đi đâu.
2
Từ hôm đó, tôi không chờ Hà Nhược Tịch đầu đường nữa. Nửa năm sau, Hà Nhược Tịch đi Hàng Châu học đại học. Khi đi, anh tặng tôi một cái mũ trắng rất đẹp. Tôi không có gì tặng lại anh, đã mua rất nhiều tem thư, bỏ trong một cái bì thư. Tôi nói: “Hà Nhược Tịch, anh phải gửi thư cho em”.
Hà Nhược Tịch nói: “Được, được. Em phải học thật giỏi thi vào đại học Bắc Kinh, trả thù cho anh”.
Tôi cười. Hôm đó, trên sân ga, rất đông người, tôi thấy cô gái hôm nào đó cùng Hà Nhược Tịch lên một đoàn tàu. Cô mặc váy trắng. Hà Nhược Tịch rất thích màu trắng.
Họ đi rồi, tôi nghĩ họ mang theo tình yêu của họ cùng lên đường rồi. Tôi cùng mọi người đi ra khỏi sân ga. Tôi dùng cái mũ trắng rất đẹp kia để che mắt, che cái gọi là sự thất vọng.
Tôi còn quá trẻ, không có lý do gì để thất vọng.
3
Hà Nhược Tịch thường viết thư cho tôi nói về trường học, về ký túc xá, về đời sống đại học. Có lẽ trong thư tôi có những cái của tuổi đã chín, cho nên anh cũng nhắc đến cô gái kia, đến tình yêu của anh. Thế là tôi biết cô gái ấy là Thẩm Tùng.
Hà Nhược Tịch chính là vì cô gái ấy mà vứt bỏ nguyện vọng lên Bắc Kinh học của mình, cùng với Thẩm Tùng đi Hàng Châu.
Thẩm Tùng thích cái thành phố gọi là thiên đường ấy, không thích cái khô hanh, lạnh giá của Bắc Kinh.
Hà Nhược Tịch đã che giấu tất cả mọi người, kể cả Thẩm Tùng. Anh nói: “Anh không muốn có thành phần lẫn lộn trong tình cảm, Phó Hải Nha, em hiểu không?”
Em hiểu.
Tôi đã qua tuổi mười sáu, học đến trung học phổ thông, ở trường của Hà Nhược Tịch đã học. Đến tuổi mười sáu, tôi vẫn dừng ở một trăm sáu mươi centimet, không cao hơn nhưng mặt mũi đã dần dần đầy đặn hơn, vì tôi đã đọc trộm rất nhiều sách, tâm tư cũng ngày càng nhiều hơn. Tôi đã hiểu được rất nhiều chuyện, kể cả chuyện tình cảm.
Hà Nhược Tịch xưa nay không từng biết chuyện của mình là nỗi đau lòng trong trưởng thành của tôi, mặc dù nỗi đau đó không thật chín và sâu sắc. Hà Nhược Tịch có thể nhiều lần va đập vào chỗ đau đó, tôi không thể ngăn được anh. Tôi sợ tôi cản trở những thổ lộ của anh thì sẽ không được đọc thư anh nữa, càng không thể nhằm đạt mối tình vụng dại ở cái tuổi vụng dại của tôi.
Nhưng ai có thể tin? Sau khi có bạn gái, Hà Nhược Tịch đã rất tự nhiên xưng là anh trai của tôi.
Anh không sai, chính là thời gian đã sai.
Nhiều đêm đọc thư của Hà Nhược Tịch tôi đã cắn môi. Tôi mong chờ sự trưởng thành, mong chờ sự trưởng thành được cho phép đấy.
4
Thời gian học đại học của Hà Nhược Tịch là năm năm. Trong những lần nghỉ đông, nghỉ hè dài dằng dặc ấy, thỉnh thoảng có về nhà. Anh bắt đầu làm thêm, làm một số việc khác. Mặc dù thời gian xa cách rất dài, nhưng mỗi lần về nhà, thái độ của Hà Nhược Tịch với tôi vẫn thế. Dưới mắt anh, tôi vẫn chưa lớn lên một tí nào, chỉ là em bé, chỉ biết tuân theo mệnh lệnh của anh, anh vẫn có thể túm tóc tôi, vả vào mặt tôi bất cứ khi nào.
Mỗi khi ở gần nhau, chúng tôi không bao giờ nhắc đến những vấn đề trong thư, cứ như thư là của hai người khác viết. Không biết vì sao như vậy, có lẽ là do những điều tôi nghĩ và tuổi của chúng tôi lệch nhau quá xa, anh ấy không thể nào hòa nhập làm một.
Nhưng anh luôn luôn có thư.
Khi mùa đông năm thứ tư đại học sắp qua, trong một lá thư của anh, tôi đọc thấy sự phiền muộn và u uất của anh. Cô gái Thẩm Tùng mà anh ưa thích đã lìa bỏ anh. Cô ta đã dùng một cách khác để hòa nhập vào cái thành phố mà cô ta thích. Cô ta đã yêu một chàng trai Hàng Châu đích thực. Người này chín chắn hơn Hà Nhược Tịch, có địa vị xã hội, có cơ sở kinh tế. Hà Nhược Tịch nói, là một người đàn ông không xoàng.
Khi đọc thư, lòng tôi có cảm giác khó chịu mà từ rất lâu không gặp.
Tôi nói, đừng đau lòng, anh trai. Bánh mỳ sẽ có, tình yêu sẽ có. Hãy chúc cho cô ấy hạnh phúc, cô ấy đi vì cô ấy không phải là của anh.
Khi trả lời lá thư ấy của Hà Nhược Tịch, tôi đang cật lực chuẩn bị cho kỳ thi tuyển đại học bốn tháng sau. Tôi viết rất giản đơn, tôi sợ nói quá nhiều. Đó là một lần duy nhất, tôi gọi anh là anh trai.
Thư trả lời của Hà Nhược Tịch cũng rất ngắn. Anh nói: “Phó Hải Nha, em luôn luôn làm cho anh có cảm giác hạnh phúc. Anh càng ngày càng cảm thấy chúng ta là người thân. Không còn tình yêu nữa nhưng anh vẫn còn em”.
Tôi nói, anh vĩnh viễn có em.
Hà Nhược Tịch không có thư đáp. Nhưng tôi tin rằng anh chưa hiểu hết hàm nghĩa chân chính của câu cuối cùng.
Bốn tháng sau, tôi thắng lợi rời phòng thi, ít lâu sau tôi nhận được thông báo trúng tuyển mà tôi mong đợi. Vì lời nói năm nào của Hà Nhược Tịch khi đi Hàng Châu, tôi đã bỏ ra công sức gấp bội cho kỳ thi.
Tôi hi vọng Hà Nhược Tịch có thể về tiễn tôi, nhưng mùa hè năm ấy anh không về. Anh đã cùng bạn đi Tây Tạng. Tiễn tôi chỉ có câu nói vội vàng của anh qua điện thoại, anh nói, yêu lắm Phó Hải Nha, em đã trả thù cho anh.
Yêu? Giới hạn rõ ràng! Tôi hiểu chữ yêu mà anh nói là loại nào. Tôi không biết nói gì.
5
Tháng Chín, một mình tôi đơn độc lên đường. Trên bản đồ tôi nhìn thấy khoảng cách giữa Bắc Kinh và Hàng Châu. Nhưng tôi biết ngăn cách chúng tôi, không phải là khoảng cách mấy trăm kilômet ấy.
Đến trường không lâu thì tôi nhận được thư của Hà Nhược Tịch, hồi đó chúng tôi đã bắt đầu dùng Email.
Anh nói rất sôi nổi. Chuyến đi Tây Tạng của anh, ngoài thỏa được ước mong, anh còn thu hoạch được tình yêu mới.
Hà Nhược Tịch đã gửi ảnh đến. Nắng miền Tây đã làm cho khuôn mặt đẹp trai của anh thành màu nâu khỏe mạnh. Bên cạnh anh một cô gái hơi gầy, mặt mày thanh tú, không xinh lắm, mang cái vẻ u uất mà tôi xa lạ.
Tôi đã ngắm nhìn đến ba phút.
Hà Nhược Tịch nói: “Hãy chúc mừng anh đi, Phó Hải Nha thân yêu. Em đã nói đúng, bánh mỳ rồi sẽ có, tình yêu rồi sẽ có”.
Tôi cười, ba phút sau tôi cất ảnh và thư đi. Khi đến tuổi mười tám, tôi đã biết dùng nụ cười để che đậy tâm tình của mình, hơn nữa đã làm rất tốt, không để cho ai biết. Hà Nhược Tịch đã bao nhiêu năm nay là bí mật thuộc về một mình tôi. Chỉ cần còn là bí mật, tôi sẽ không bày ra bằng bất cứ cách nào.
Tôi sợ vết thương bị bày ra.
Thư từ của Hà Nhược Tịch khi nhiều khi ít, tùy thuộc vào tâm tình, tùy thuộc vào thái độ của người con gái gọi là Tiểu Như ấy.
Tôi không còn trả lời nhiều như trước, không phát biểu ý kiến của mình nữa, cũng không giữ lại thư từ của Hà Nhược Tịch. Con chuột lách cách trượt đến cùng, sau đó cắt bỏ. Thời gian quá dài, nỗi đau đã trở thành một thói quen, quen rồi cũng có vẻ như không còn đau nữa. Tôi đã biết cách xử lý.
Trường tôi đang học rất rộng lớn, rộng lớn đến kinh khủng, trai thanh gái lịch như mây. Nhưng Phó Hải Nha cũng không phải là không có ai theo đuổi, xinh đẹp, học giỏi, biết cười một cách ý nhị, biết trầm mặc, không lắm điều, đương nhiên được bọn nam sinh ưa thích.
Cũng có lúc tôi nhận lời đến chỗ hẹn ước. Trong một đô thị lớn như vậy, đi đâu có người đi theo không có gì là không tốt.
Nhưng trước sau tôi không thể yêu ai. Cái tên Hà Nhược Tịch đã trở thành một tai họa ngầm trên nẻo đường tôi và bạn khác giới cùng đi, làm cho tôi không biết làm thế nào, thậm chí mất cả sức tranh đấu, cuối cùng đành vứt bỏ.
Khi trong một thời gian rất dài tôi không trả lời thư của Hà Nhược Tịch, anh ấy cũng có thể hỏi tôi: “Phó Hải Nha, có phải em đã yêu không? Anh ta tên gì? Cao bao nhiêu? Có đẹp trai không? Tính cách thuộc loại nào? Khi cùng đi, anh ta đi bên phải hay bên trái em?…”.
Đủ thứ.
Tôi đều không trả lời. Thật đúng là tai hại. Hà Nhược Tịch coi tôi là người thân, thế là đặt tôi vào bờ đối diện với anh. Còn tôi, tôi chỉ mong có một cái cầu giúp tôi vượt qua sông.
Cái cầu mãi không xuất hiện, nó ở trong lòng Hà Nhược Tịch. Anh không chịu, tôi đành bó tay. Thế là cuộc sống có vẻ như rất tốt, mà trước sau không biết bấu víu vào đâu.
Sau đó Hà Nhược Tịch tốt nghiệp. Tốt nghiệp rồi thì anh mất tình yêu mới. Cô gái Tiểu Như u uất của anh nhất thiết đòi lên vùng cực bắc, đó là một thành phố rất rét. Hà Nhược Tịch do dự. Anh cũng là đứa con duy nhất của gia đình, anh muốn về nhà.
Đối với kết quả mối tình mới ấy của Hà Nhược Tịch tôi không phát biểu ý kiến gì. Tôi chỉ mong ước được nghỉ hè, Hà Nhược Tịch trở về. Đó là thành phố thuộc về chúng tôi.
6
Trên nét mặt Hà Nhược Tịch không có dấu vết gì của thương tổn tình cảm vừa qua. Anh đã chín hơn.
Anh vẫn coi tôi như đứa bé lên sáu năm nào, sờ má tôi, vuốt tóc tôi. Anh nói: “Phó Hải Nha này, nói cho em biết, em lớn mấy thì cũng là em gái của anh. Trong mắt anh, em mới lên sáu”.
Tôi biết phương thức tình cảm giữa tôi với anh đã sai lệch đến mức vô phương cứu chữa.
Hà Nhược Tịch rất nhanh chóng nhận việc ở một ngân hàng. Anh đã học năm năm đại học tài chính. Tình yêu đã không nhỡ việc học tập của anh. Ở tuổi hai sáu, Hà Nhược Tịch đã biết yêu giang sơn, cũng yêu người đẹp, bắt đầu phấn đấu cho sự nghiệp.
Tôi đã chủ động rút lui, trở lại Bắc Kinh. Học Hà Nhược Tịch năm nào, tôi đi làm thêm kiếm tiền tiêu vặt.
Đã lâu, rất ít nhận được thư Hà Nhược Tịch, họa hoằn mới có một lá thư cũng rất ngắn gọn, mấy lời dặn dò quen thuộc, vài nét về mình. Tôi cảm thấy khoảng cách giữa tôi và Hà Nhược Tịch càng ngày càng xa.
Buổi tối hôm đó, vì là ngày cuối tuần, trong ký túc xá chỉ còn lại một mình tôi. Tôi đang xem một cuốn sách của Diệu Thư tên là “Viên Vũ” kể về một mối tình dang dở. Tôi nghĩ, giữa tôi và Hà Nhược Tịch hiểu sai ý nhau, cho nên cũng sẽ không có kết cục.
Bỗng nhiên chuông điện thoại reo lên, không ngờ lại là điện thoại cho tôi. Hồi đó tôi không có ai hẹn hò gì, mấy nam sinh thích tôi không còn đủ nhẫn nại nữa.
Người gọi cho tôi là Hà Nhược Tịch.
Phó Hải Nha ơi, em về gặp anh nhá. Hà Nhược Tịch nói. Anh gay lắm rồi, rất gay.
Vâng, em sẽ về ngay.
Tôi cúp điện thoại thay quần áo lao ra cửa. Tôi biết hai tiếng sau sẽ có chuyến bay duy nhất đến thành phố quê tôi.
Đó là lần đầu tiên tôi đi máy bay. Vì câu nói đó của Hà Nhược Tịch, tôi đã tiêu hết số tiền tôi tích góp được bằng làm thêm trong suốt vụ nghỉ hè.
Ba tiếng sau, ở sân bay, tôi gọi điện được cho Hà Nhược Tịch. Lúc đó đã là mười một giờ mười lăm phút đêm. Hà Nhược Tịch vội vã đến sân bay với tốc độ cao nhất. Anh nhìn tôi, nhìn tôi như không dám tin là tôi về nhanh đến thế.
Sau một phút ngỡ ngàng, Hà Nhược Tịch dang tay ôm tôi vào lòng.
Phó Hải Nha, suốt đời này anh không nên để mất em. Em vĩnh viễn phải là người thân của anh.
Trong vòng tay Hà Nhược Tịch, lòng tôi đau nhói. Tôi biết dù tôi làm thế nào thì cũng không vượt qua được khoảng cách đó. Thứ tình yêu mà Hà Nhược Tịch dành cho tôi là không thể thay đổi được.
Ấm áp mà chết người.
7
Tối hôm đó tôi đến chờ ở cửa nhà Hà Nhược Tịch. Một gian phòng lớn, trên nền nhà vương vãi những sách và đĩa CD, trên tường trang trí duy nhất là tấm ảnh đen trắng của một người con gái. Tôi không nhìn cô ta. Lần này tôi từ chối xem lại.
Chỉ có lần này tâm sự của Hà Nhược Tịch không vì tình yêu. Vì thiếu kinh nghiệm thực tế, một loạt nợ mà anh phụ trách đã nảy sinh vấn đề. Nếu phải gánh chịu trách nhiệm, Hà Nhược Tịch không biết làm thế nào.
Anh cười nhìn tôi: Cả đời này, anh có thể phải chìm đắm trong nợ nần.
Anh không cho tôi biết cô gái trong ảnh là ai.
Sẽ qua thôi. Tôi đón cốc nước mà Hà Nhược Tịch rót cho tôi, an ủi anh: Sẽ qua khỏi thôi, em tin nhất định không có vấn đề gì.
Phó Hải Nha, anh thật không ngờ em về gặp anh nhanh đến thế.
Tôi cười. Em sợ anh tự sát, xưa nay anh chưa bao giờ nói những lời như vậy, hơn nữa, tôi nói, tôi muốn nhân cơ hội này đi máy bay một chuyến, dù sao thì anh cũng có tiền, có thể bao cho em, ai ngờ…
Hà Nhược Tịch xoa tóc tôi, nói với tôi là, anh không một xu dính túi, tiền vé máy bay anh sẽ chịu, hơn nữa còn phải bắt em trở về cũng bằng máy bay. Anh mãi mãi không để cho em tủi thân, Phó Hải Nha ạ.
Tôi lại cười như không để ý đến việc gì, cứ cười khanh khách. Khi cười như vậy, tôi không biết lòng tôi thế nào.
Tôi ở nhà sáu ngày, lần đầu tiên tôi nói dối đã xin nghỉ, thường thường đi theo Hà Nhược Tịch, nhưng không biết làm gì. Cô gái đã giữ vai chính trong đời anh kia, tôi chưa bao giờ được gặp.
Sáu ngày sau, sự việc của Hà Nhược Tịch được giải quyết trọn vẹn. Anh tặng tôi một vé máy bay trở lại Bắc Kinh. Anh nói: Phó Hải Nha, em đúng là cứu tinh của anh. Chính em đã mang lại cơ hội xoay chuyển tình thế, mang lại vận may cho anh.
Anh đã nói mà, chúng ta là người thân. Lần đầu tiên tôi đã dùng lời của anh để giải thích thái độ của tôi đối với anh. Tôi không cam làm như thế nhưng không thể có cách nào khác. Trong thời gian chờ đợi, tôi nhớ lại cái ôm của anh tối hôm ấy. Đó là lần chúng tôi gần nhau nhất, lần duy nhất, cũng là lần cuối cùng. Hai tháng sau khi tôi trở lại trường, Hà Nhược Tịch cưới vợ, vợ anh là cô gái trong ảnh anh treo trên tường mà tôi chưa nhìn rõ mặt.
Anh nói: Cô ấy rất thích hợp làm vợ, còn anh anh cũng muốn cưới vợ rồi.
Tôi không biết như vậy có thể coi là việc gì, cũng không về tham dự lễ cưới, mặc dù lúc đó trường đã nghỉ.
Trong đêm tân hôn, Hà Nhược Tịch đã gọi điện cho tôi. Anh nói: Vì em không đến dự hôn lễ, anh rất lấy làm tiếc.
Em chúc mừng anh. Tôi nói: Có chúc mừng là đủ rồi.
Anh yêu em, Phó Hải Nha.
Em cũng yêu anh, Hà Nhược Tịch.
Có điều là anh vẫn không biết rằng, tình yêu của chúng tôi không phải là như nhau, trước sau không như nhau.
8
Một năm sau, tôi ra trường, ở lại Bắc Kinh. Tôi không tìm được lý do để về thành phố quê hương, chỉ có thể lênh đênh ở ngoài.
Tôi nghe bạn bè nói, Hà Nhược Tịch đã có một con gái. Lại cũng nghe bạn bè nói Hà Nhược Tịch có vẻ như không hạnh phúc, bắt đầu rượu chè, đêm rất muộn hoặc không về nhà.
Tiếp tục nghe bạn bè nói, Hà Nhược Tịch hình như có tình nhân bên ngoài, không cố định, không biết nó rốt cục muốn làm gì. Sự nghiệp cũng được, vợ như ngọc, con gái như hoa, nhưng nó càng ngày càng không vui.
Tôi nghĩ rằng người bạn đưa tin này biết tình cảm của tôi đối với Hà Nhược Tịch, hồi đó, chúng tôi ở rất gần nhau.
Tôi không tỏ thái độ gì. Tôi tìm được một công việc rất bận, làm ký giả cho một tờ báo nhỏ, ngày nào cũng chạy hết nơi này đến nơi khác.
Hà Nhược Tịch đột nhiên đến gặp tôi vào mùa hè. Mùa hè đó, vì căn bệnh viêm phổi không điển hình, thành phố Bắc Kinh hầu như trở thành thành phố bị phong tỏa. Thế mà Hà Nhược Tịch đã đến.
Không đầy hai năm, anh thay đổi rất nhiều. Nét trầm uất hiện rõ trong ánh mắt.
Vừa thấy tôi anh hỏi ngay: Phó Hải Nha, suốt hai năm em không gặp anh, suốt tám tháng liền em không hề có một tin tức gì cho anh. Phó Hải Nha, cứ coi là em đã yêu, đã lấy chồng, cũng không thể không cần người thân.
Tôi nhìn anh: Người thân để trong bụng là được rồi. Hà Nhược Tịch, em chỉ mong anh sống hạnh phúc.
Nhưng anh không hạnh phúc. Phó Hải Nha, anh không biết, bao nhiêu năm nay anh đã yêu nhiều người, cũng được nhiều người yêu, thế mà trước sau anh không thể nào xua đuổi được cảm giác cô đơn trong lòng. Mỗi lần đến gần, anh mới phát hiện ra rằng đối phương không phải là người mà mình muốn tìm. Anh đã ba mươi tuổi, thế mà anh bỗng phát hiện ra không biết mình muốn gì.
Tôi thầm kín thở dài. Hà Nhược Tịch, tôi biết người mà anh muốn tìm nhất định là tôi. Nhưng vì tôi gần quá cho nên anh trước sau không thể nhìn thấy. Anh không tin, cho mãi đến lúc này, anh vẫn hoàn toàn bị bưng bít.
Và chúng tôi, đã bỏ phí mất thời gian có thể yêu. Tôi đã mời Hà Nhược Tịch ăn ba bữa cơm. Đó là cách cuối cùng tôi có thể yêu anh. Tôi không thể nào trả lời được, suốt đời này cuối cùng anh có thể tìm được tình yêu không, tôi cũng không thể trả lời được. Cho dù hiện nay Hà Nhược Tịch chịu cứu độ cho tôi thì cũng đã quá muộn rồi. Ba hôm trước, tôi đã nhận nhẫn đính hôn của một người. Anh ấy rất yêu tôi, rất biết yêu và chiều tôi.
Ở bờ đối diện tình cảm của Hà Nhược Tịch, tôi chỉ có thể đối diện với đời tôi.
9
Sau khi Hà Nhược Tịch về, tôi đã đổi hết số điện thoại và mọi phương thức liên hệ khác. Từ lâu tôi đã không còn đường ngoái đầu lại. Nhưng tôi biết, tôi biết Hà Nhược Tịch sẽ có ngày còn nhớ đến tôi. Hôm đó có thể có nắng đẹp, màu tím ấm áp, có thể là mưa nhỏ dầm dề, có thể là hoa tuyết đầy trời. Anh sẽ nhớ đến tôi như ngày nào. Anh đứng đó, không có phòng bị gì cả, anh có thể khóc… vì những sai lạc trong cảm giác tình yêu. Đó sẽ là kết cục cuối cùng không thể thay đổi của chúng tôi… Hoài niệm đến rơi lệ.
Truyện khác cùng thể loại
4 chương
33 chương
14 chương
30 chương
24 chương