Đông phương thần thánh đế quốc

Chương 36 : Chiến tranh đại minh – đại ngu (1)

Gia Định Thành, Trường Thanh Cung, Thành Đức Điện. Giang Phong thiết tiểu triều, chỉ gồm các thuộc hạ thân tín là bọn Quảng Tế Pháp sư, Cát Ti, Đào Anh, Triệu Phong, Đinh An Bình. Do Giang Phong không thân tự chấp chính, nên tiểu triều, đại triều đều có ý nghĩa như nhau, chủ yếu hồi báo kết quả công việc triều chính và nhận chỉ thị mới từ Giang Phong (đương nhiên giờ đây sẽ được gọi là thánh chỉ, Giang Phong vừa đăng cơ), khác biệt chẳng qua là quy mô số người tham dự. Văn Nghi Điện thiết đại triều, Thành Đức Điện thiết tiểu triều. Trong Trường Thanh Cung có đến 1.000 điện đường lâu các, nên không sợ thiếu chỗ. Quảng Tế Pháp sư tâu : - Khải tấu Thánh hoàng. Bản triều hiện đã thiết lập 30 tỉnh là : thánh đô Gia Định; An Phú và Lã Tống ở Lã Tống đảo; Nam An, Định An, Hòa An ở Nam Lã Tống quần đảo; Puni, Hải An, Hải Châu, Hải Dương, Hải Đường, Hải Hưng, Hải Ninh, Hải Phú, Hải Thanh trên Puni đảo; Tân Hóa và Tân An ở Sula quần đảo; Tân Định ở Maluku quần đảo; Cát Long Pha, Cát Lan Đan, Tân Ân, Tân Ý ở bán đảo Mã Lai; Lamuri, Batak, Pane, Padang, Jambi, Palembang, Lampung và Bengkulu ở Sumatra đảo. Các tỉnh lại được chia thành 172 quận, 1688 huyện, hơn 4 vạn thôn trấn. Ngoài ra còn có hải đồn An Đạt Man ở An Đạt Man quần đảo và hải đồn Ba Đan ở Ba Đan quần đảo. Riêng xứ Đài Loan vẫn còn đang bình định. An Đạt Man quần đảo tức là các đảo thuộc khu vực biển Andaman, thời hiện đại gọi là quần đảo Andaman và Nicobar. Đó thật ra là hai quần đảo nằm đối diện nhau ngay trước lối vào eo biển Malacca, vì nằm ngay vĩ tuyến 10 độ nên khoảng giữa hai quần đảo còn được gọi là eo biển 10 độ (thập độ hải hạp). Các đảo này về địa lý được phân vào khu vực Đông Nam Á (dù thuộc về lãnh thổ của Ấn Độ), cách xứ Lamuri (tức Banda Aceh) không xa. Hải quân bộ đã cho xây dựng ở đó một căn cứ hải quân, gọi là hải đồn An Đạt Man, luôn luôn có một đội chiến hạm túc trực để kiểm soát eo biển, là chốt tiền tiêu của eo biển Malacca. Ba Đan quần đảo tức là các đảo nằm giữa Philippine và Đài Loan, ở về phía nam eo biển Basi, thời hiện đại gọi là quần đảo Batanes (thuộc Philippine), cách Lã Tống về phía nam 160 kilômét, cách Đài Loan ở phía bắc 190 kilômét, tổng diện tích hơn 200 kilômét vuông, trong đó chỉ có vài đảo là con người có thể ở được. Nơi đó cũng có một hải đồn do các chiến hạm thuộc Bắc Dương Hạm đội trấn giữ. Đảo Đài Loan, cho đến trước khi ‘Mãn Thanh nhập quan’ vẫn chưa thuộc về các triều đại Trung Hoa. Ở đó đã có dân bản địa sinh sống từ hàng vạn năm trước. Năm 1544, một chiếc tàu Bồ Đào Nha đã nhìn thấy đảo Đài Loan, và đặt tên nó là Ilha Formosa (nghĩa là hòn đảo xinh đẹp). Công ty Đông Ấn Hà Lan ban đầu chỉ buôn bán dọc theo Bành Hồ (quần đảo nằm gần bờ biển Phúc Kiến). Tuy nhiên, nhà Minh tuyên bố quần đảo này là một phần lãnh thổ của mình và đẩy lùi người Hà Lan. Năm 1624, người Hà Lan đã phải rút lui sang Đải Loan, thành lập một thành thị gọi là Tayoan (tức thành phố Đài Nam ngày nay), và bắt đầu nhập khẩu lao động từ Phúc Kiến và Bành Hồ. Người Hà Lan chiếm Đài Loan là để có chỗ buôn bán với các quốc gia Đông Á như Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, … Đến khi Mãn Thanh thay thế nhà Minh, Trịnh Thành Công khởi nghĩa thất bại, đã dẫn quân chạy ra Đài Loan, đánh đuổi người Hà Lan, thì lúc bấy giờ Đài Loan mới do người Trung Hoa kiểm soát. Như vậy đến lúc này đảo Đài Loan vẫn chưa thuộc về nước nào, không ai quản lý, mà bỏ không thì thật phí, nên Giang Phong cho người đến quản lý vậy. Chờ Giang Phong nghiên cứu qua địa đồ xong, Quảng Tế Pháp sư mới nói tiếp : - Thống kê bước đầu, bản triều có khoảng 238 vạn hộ, 1.300 vạn nhân khẩu, trong đó thuận dân chiếm hơn 7 phần, lương dân chiếm cận 3 phần, nghịch dân không đáng kể, hầu như đều đang làm khổ công ở Lã Tống. Bản triều có 31 mỏ vàng ở Lã Tống, 34 mỏ vàng ở Puni, gần đây lại phát hiện khá nhiều mỏ vàng ở Sumatra, đang chuẩn bị đưa vào khai thác. Ngoài ra cũng có 83 mỏ đồng, hơn trăm mỏ sắt; lưu hoàng, diêm sinh, thiếc, thủy ngân, thạch than, thạch hôi cũng rất nhiều. Về điền sản bản triều có hơn 4 ức mẫu, mỗi năm thu lương không những đủ cho dân chúng sử dụng mà còn thặng dư cận 3 phần. Hiện các kho bản triều tích trữ rất nhiều lương thực, đủ cho trăm vạn đại quân sử dụng đến 3 năm. Giang Phong rất hài lòng. Chỉ cần có đủ lương thực, cuộc sống no đủ, dân chúng sẽ không nổi loạn. Yêu cầu của dân chúng rất đơn giản. Họ không quan tâm ai đang cai trị, miễn sao có thể ăn no mặc ấm là được. Chỉ có các nhà Nho mới quan tâm triều đình chính thống hay không chính thống. Giống như khi nhà Hồ thay nhà Trần, dân chúng cũng chẳng ai phản đối, cho đến khi Hồ Quý Ly làm nhiều việc mất lòng dân. Do đó, Giang Phong không tiếc lời khen ngợi : - Tốt lắm. Chỉ cần không thiếu lương tiền, bản triều vô ngại. Khanh lập đại công cho bản triều. Quảng Tế Pháp sư được Giang Phong khen ngợi, lòng rất cao hứng, thanh âm cao thêm ba phần : - Tạ Thánh hoàng. Đó là việc mà thần nên làm, không dám sơ suất. Không chỉ Quảng Tế Pháp sư cao hứng, cả bọn Triệu Phong cũng rất cao hứng, vì có đủ lương thực sẽ có thể phát động chiến tranh. Sau khi Quảng Tế lui về, Triệu Phong bước ra tâu : - Khải tấu Thánh hoàng. Bản triều lục quân 30 vạn đều đã chỉnh đốn huấn luyện xong. Mỗi sư đều được phối thuộc 200 khẩu thần công. Tất cả đều có thể lập tức tác chiến. Đinh An Bình cũng tâu : - Khải tấu Thánh hoàng. Bản triều Hải quân cả 3 Hạm đội đều đã chỉnh đốn hoàn tất, hải quân 8 vạn, hạm thuyền 382 chiếc, trong đó Thất Tinh cấp chiến hạm 12 chiếc. Trừ Nam Dương Hạm đội phải phụ trách phòng vệ lãnh hải, cả Tây Dương Hạm đội và Bắc Dương Hạm đội đều sẵn sàng tác chiến. Giang Phong hài lòng, hỏi Quảng Tế Pháp sư : - Tình hình bắc phương thế nào rồi ? Chiến tranh Minh – Đại Ngu tiến triển ra sao ? Quảng Tế Pháp sư tâu : - Khải tấu Thánh hoàng. Tháng tư năm ngoái, lấy cớ đưa Trần Thiêm Bình về nước, Minh triều sai Hàn Quan và Hoàng Trung mang 5.000 quân hộ tống để lập Trần Thiêm Bình làm vua. Giang Phong cau mày hỏi : - Gã Trần Thiêm Bình này là người thế nào ? Quảng Tế Pháp sư tâu : - Khải tấu Thánh hoàng. Sau khi Chế Bồng Nga tử trận, nhà Trần đánh lui được quân Chiêm Thành, đã hạ lệnh bắt trị tội những thổ hào ở Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa và các tướng, tôn thất từng theo hàng Chiêm Thành. Trong số những người này có một người là Trần Tông. Một tên gia nô của Trần Tông là Trần Khang đã trốn sang Ai Lao, đổi tên thành Thiêm Bình. Đến năm Canh Thìn (1400), khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, Khang mạo xưng là con của Trần Nghệ Tông, chạy sang Tàu cầu viện Minh triều đánh báo thù. Đến năm Giáp Thân (1404), Minh triều sai Lý Ỷ sang hỏi Hồ Quý Ly về việc Trần Thiêm Bình. Lý Ỷ đến công quán, bí mật sai người do thám tình hình Đại Việt. Khi Lý Ỷ về Tàu, Hồ Quý Ly mới phát hiện ý đồ do thám, liền sai Phạm Lục Tài đuổi theo giết đi. Nhưng khi đến Lạng Sơn thì Ỷ đã ra khỏi biên giới. Ỷ về Tàu, tâu mới Vĩnh Lạc đế rằng họ Hồ xưng đế và ngạo mạn. Sau khi Ỷ về Tàu, Hồ Hán Thương sai Nguyễn Cảnh Chân sang dâng biểu tạ tội và xin rước Trần Thiêm Bình về nước tôn làm vua. Vĩnh Lạc đế hứa phong cho Hán Thương một quận lớn nếu chịu quy phục. Giang Phong cau mày nói : - Phụ tử Hồ Quý Ly thật tráo trở, khó khiến người khác tín phục. Quân quốc đại sự, sử dụng tiểu mưu tiểu kế, sao thành được. Quảng Tế Pháp sư nói : - Đúng thế đấy ạ. Hồ Quý Ly chỉ giỏi tiểu mưu tiểu kế, chẳng qua mặt được ai. Thành ra đối diện Minh triều toàn gặp bất lợi. Triệu Phong hỏi : - Thế vụ Trần Thiêm Bình thế nào ? Quảng Tế Pháp sư nói : - Ngày 8 tháng 4, Hoàng Trung đánh vào cửa Lãnh Kinh. Hai đạo quân thủy bộ của nhà Hồ đụng độ với quân Minh. Quân nhà Hồ khinh địch nên bị bại trận, các tướng Phạm Nguyên Khôi, Chu Bỉnh Trung, Trần Nguyên Huyên, Trần Thái Bộc tử trận. Hồ Nguyên Trừng xuống thuyền đi thoát, nhưng giữa đường thuyền đắm, Hồ Nguyên Trừng ngộ nạn. Nói đến đây, Quảng Tế Pháp sư và Giang Phong nhìn nhau. Giang Phong hiểu ngay lão muốn nói gì. Hồ Nguyên Trừng giỏi chế súng thần công, Giang Phong không muốn để rơi vào tay Minh triều, nhưng lại không thể thu phục, đành dùng đến hạ sách đó. Sau khi Hồ Nguyên Trừng ngộ nạn, những thủ hạ liên quan đến việc chế súng thần công đều được bí mật đón về Xưởng quân khí ở Long Sơn.