Tân Thành. Là quận trị của Tân Thành quận, lại nằm ngay giữa eo biển Malacca, tuyến đường biển quan trọng nối liền các nước phương đông với các nước phương tây mà mọi thương nhân buôn bán trên biển đều phải đi qua, vì thế mà Tân Thành đã phát triển rất nhanh, lại nhờ thay thế cho vai trò của Malacca thành trước đây mà trở thành một đại thành thị. Tân Thành được chia thành hai khu vực rõ rệt. Khu đông thành là khu dân cư, khu thương mại, nơi cung cấp hàng hóa thiết yếu cho các thương thuyền xuôi ngược đông tây. Khu tây thành là khu quân sự, căn cứ của Định Hải quân và đại bản doanh của Triệu Phong. Sau khi chiếm lĩnh bán đảo Mã Lai, Triệu Phong đã không quay về Gia Định Thành mà ở lại đây luyện quân, chuẩn bị đồ mưu đảo Sumatra. Đảo Sumatra ngày xưa là lãnh thổ của vương triều Srivijaya, gần đây mới bị vương triều Majapahit ở Java chiếm lĩnh. Theo ý nghĩ của Triệu Phong, muốn chiếm lĩnh nó cũng không có gì khó khăn, chỉ cần có thời cơ thích hợp. Định Hải quân đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ cần khi thời cơ đến là sẽ xuất quân. Và cuối cùng thì thời cơ cũng đã đến. Được tin báo có một tiểu vương trong xứ Sumatra nổi dậy chống lại sự cai trị của vương triều Majapahit, quân đội Java trú đóng trên đảo phải đưa quân đi đánh dẹp, Triệu Phong liền cho chiến hạm chở 2 vạn Định Hải quân vượt qua eo biển, đổ bộ lên bờ biển xứ Palembang, nơi từng là kinh đô của vương triều Srivijaya trước kia, nay vẫn là thành thị lớn nhất trên đảo. Từ đó, đại quân tiến về Palembang thành. Palembang dù sao cũng từng là kinh đô của một vương triều hùng mạnh, nên thành cao hào sâu, quy mô rộng lớn, nếu thủ quân đông đảo, phòng thủ nghiêm ngặt thì cũng khó đánh chiếm. Có điều, do quân đội Majapahit phải xuất quân đánh dẹp quân khởi nghĩa, trong thành giờ chỉ còn lại khoảng 1 vạn quân. Khi thấy 2 vạn Định Hải quân kéo đến bên ngoài, bọn họ liền vội đóng cửa thành, cố thủ. Định Hải quân cắm trại bên ngoài thành, tiếp đó là thần công đại pháo được kéo ra, liên tục pháo kích vào bên trong thành. Do thành Palembang nằm cạnh sông Musi, Định Hải quân nhận được tiếp tế dễ dàng từ Hạm đội, vì vậy mà bọn họ không hề tiếc đạn pháo, luân phiên pháo kích suốt ba ngày đêm. Nhất là vào ban đêm, thần công đại pháo xạ kích liên tục, khiến quân dân bên trong thành không thể nghỉ ngơi gì được, tinh thần và thể lực đều bị tiêu hao nghiêm trọng. Sau ba ngày, thủ quân tinh thần mỏi mệt, thể lực kiệt quệ, chịu đựng không nổi nữa, Định Hải quân chỉ phát động một trận tấn công là quân đội Majapahit đã bỏ thành mà chạy. Định Hải quân chiếm lĩnh Palembang thành. Trước giờ thường chiến thắng dễ dàng trước các đối thủ khiến các tướng lĩnh của Định Hải quân có phần khinh địch. Trong quá trình công thành lại không gặp trở ngại gì đáng kể. Do đó mà từ quân đến tướng dần dần trở nên mất cảnh giác. Nghỉ ngơi trong thành mấy ngày, Định Hải nhất sư Hiệu úy Đoàn Thịnh và Định Hải nhị sư Hiệu úy Vương Duy bàn nhau cất quân đi bình định các vùng lân cận. Sau một hồi tranh nhau, cuối cùng Định Hải nhất sư ở lại thủ thành, Định Hải nhị sư xuất chinh. Bọn họ thỏa thuận sau 10 ngày sẽ đổi phiên một lần. Thế là Hiệu úy Vương Duy dẫn bản bộ xuất chinh. Ba ngày sau. Làng Sukajadi. Đó là một ngôi làng nhỏ ở phía tây Palembang thành, là một địa danh ít ai để ý tới. Nhưng kể từ lúc này, nó đã trở nên nổi tiếng, bởi đã trở thành chiến trường giữa Định Hải nhị sư và quân đội của Majapahit ở Java. Trưa nay, song phương 4 vạn nhân mã gặp nhau bên ngoài làng Sukajadi này. Cả song phương cách nhau ngôi làng, dàn trận sẵn sàng quyết chiến. Thế nhưng, lúc này đang giữa trưa, song phương không hẹn mà đồng thời tạm đình chiến, cho quân sĩ nghỉ ngơi và ăn bữa trưa. Đến khi trời đã bớt nắng, các tướng lĩnh của song phương mới chỉnh đốn quân đội, chuẩn bị chiến đấu. Định Hải nhị sư chỉ có một vạn, nên chỉ dàn trận chứ không tiến quân, đứng yên tại chỗ chờ đối phương tiến tới. Sau một lúc, khi quân Majapahit đã tiến đến trước bản trận ước chừng năm dặm, Vương Duy mới hạ lệnh : - Thần công đại pháo, chuẩn bị. Các xạ thủ lập tức chuẩn bị sẵn sàng. Khi địch quân tiến đến cách khoảng bốn dặm, Vương Duy lại hạ lệnh : - Phát xạ. Mệnh lệnh truyền xuống, 100 khẩu thần công cỡ nhỏ đồng loạt phát xạ. Tuy mỗi viên đạn pháo đều trúng đích, nhưng mỗi lần phát xạ chỉ giết được hơn trăm địch quân, giữa đội ngũ 3 vạn người, hiệu quả thật chẳng đáng kể gì. Đến lúc này, bọn Vương Duy mới nhận ra thần công đại pháo chẳng phải là vô địch. Nhất là trong lúc dã chiến, mà địch quân quá đông như thế này. Sau 10 lượt pháo kích, quân đội Majapahit đã vượt qua khoảng cách giữa song phương, tràn đến trước đội hình Định Hải nhị sư, khiến cho thần công đại pháo không thể tiếp tục khai hỏa, cái giá phải trả chỉ là gần 1.000 binh sĩ thương vong. Song phương bắt đầu hỗn chiến. Định Hải nhị sư là quân tinh nhuệ, trang bị tinh lương, chiến lực rất hùng mạnh. Nhưng quân đội Majapahit lại rất đông đảo. Dùng 3 đánh 1, cũng khiến binh sĩ của Định Hải nhị sư gặp rất nhiều khó khăn, hãm nhập khổ chiến. Chiến trường vang dội những tiếng chém giết, hò reo, quát tháo, kêu gào. Song phương thương vong vô số. Trận chiến cực kỳ khốc liệt. Song phương kịch chiến đến tối. Khi đêm xuống, không thấy đường chiến đấu nữa thì mới thu quân, ai về trại nấy nghỉ ngơi, chờ sáng mai sẽ lại quyết chiến. Về đến trại, kiểm điểm quân số, bọn Vương Duy thất kinh khi phát hiện binh sĩ thương vong hơn nửa, hơn 2 nghìn tử trận, cận 3 nghìn mang thương, chỉ còn lại chưa đến 5 nghìn là còn có thể chiến đấu. Nghĩ đến cuộc chiến ngày mai, đối diện địch quân đông đảo, e rằng lành ít dữ nhiều, cả bọn liền quyết định rút lui ngay trong đêm, lặng lẽ rút về thành Palembang. Nói về phía quân đội Majapahit, sau khi rút lui về trại cũng kiểm điểm lại quân số, và cũng thất kinh khi phát hiện bản quân thương vong thảm trọng. Ngoài hơn 8.000 quân tử trận, còn có hơn vạn thọ thương, chỉ chiến đấu có nửa ngày mà bọn họ đã thiệt hại gần 2 vạn quân. Giờ đây chỉ còn lại hơn 1 vạn quân còn đủ năng lực chiến đấu. Nghĩ đến chiến lực của đối phương, cả bọn đều rất lo lắng. Dụng 3 vạn đối chiến 1 vạn, mà còn thương vong như thế, đủ thấy đối phương thiện chiến đến mức nào. Viên tướng chỉ huy quyết định tạm thời án binh bất động, đồng thời phái người đi trưng tập dân binh quanh vùng đến tiếp ứng. Mấy ngày sau, vô số đội dân binh được điều đến nơi, tập họp thành đại quân. Nhìn gần 5 vạn đại quân tụ tập đông đảo, dù đại bộ phận là dân binh, nhưng viên tướng cũng cảm thấy vững lòng, truyền tiến quân. Không tìm thấy đạo quân đã cùng chiến đấu hôm trước, viên tướng liền kéo thẳng đến Palembang thành. Trong thành, sau khi Vương Duy dẫn tàn binh trở về, bọn Đoàn Thịnh không còn dám khinh địch nữa, lập tức phái quân đi do thám các nơi trong vùng. Khi biết tin quân đội Majapahit hội họp đại quân kéo đến vây thành, quân số đối phương đến 5 vạn, bọn họ không dám xuất thành tiếp chiến, mà tăng cường phòng thủ, đồng thời phái người đến Tân Thành cầu viện. Quân đội Majapahit kéo đến dưới thành, sau khi lập trại đóng quân, liền tổ chức công thành. Có điều, bọn họ đa số là dân binh mới được trưng tập, chiến lực không cao. Trong thành lại có nhiều thần công đại pháo, nên chỉ sau hai ngày công thành, phía Majapahit đã thương vong gần vạn mà không thể nào đặt chân lên được tường thành. Viên tướng chỉ huy chỉ còn cách chia quân bao vây tứ phía, đồng thời tiếp tục trưng tập dân binh, quyết định vây thành lâu dài cho đến khi đối phương hết sạch lương thực mới thôi. Từ đó, mỗi ngày lại có thêm nhiều toán dân binh kéo đến gia nhập lực lượng vây thành. Bọn Đoàn Thịnh, Vương Duy càng không dám xuất thành, chỉ gắng sức cố thủ, chờ viện binh. Tin tức truyền về Tân Thành, Triệu Phong cả kinh, một mặt điều tập quân đội đi cứu viện, mặt khác khẩn cấp báo cáo về Gia Định Thành. Hiện tại trong tay Triệu Phong chỉ còn lại 1 vạn Định Hải tam sư, cùng với 2 vạn dân binh, vốn là quân đội của tiểu quốc Malacca và các tiểu quốc khác trên bán đảo Mã Lai quy thuận. Bấy lâu nay Triệu Phong ở Tân Thành luyện quân chính là huấn luyện lực lượng này. Trong lúc chờ đợi mệnh lệnh từ Gia Định Thành, Triệu Phong đã phái Định Hải tam sư sang Palembang tiếp viện bọn Đoàn Thịnh, Vương Duy. Định Hải tam sư được lệnh hoạt động dọc theo bờ sông Musi, dựa vào sự hỗ trợ của Hạm đội mà quấy nhiễu địch quân, tiêu hao dần sinh lực địch. Khi Định Hải tam sư đổ bộ lên xứ Palembang, liền liên tục tấn công các đạo quân nhỏ của phía Majapahit. Nếu như gặp đại đội địch nhân, không thể chống cự nổi thì bọn họ lại rút lên các chiến hạm. Nhờ sự hoạt động của bọn họ, tình hình ở thành Palembang đỡ căng thẳng hơn. Tuy bị vây chặt, nhưng bọn Đoàn Thịnh vẫn còn cầm cự được, chờ viện binh.