Đông Phương Nhất Chiến
Chương 8 : Ngày nào như ngày đó
Hai người nói chuyện với nhau một hồi, đều cảm thấy rất hợp, chẳng có ai làm bộ làm tịch (muốn nói làm ta đây, e rằng một
Đường Phương mất hết võ công còn làm bộ làm tịch hơn Hoa Điểm Nguyệt), chẳng ai có cái điệu bộ đó.
Bất quá, từ đầu đến cuối, Hoa Điểm Nguyệt chỉ có cười có nói, y không hề đứng dậy.
"Nghe nói tỷ ám khí ở Nhất Phong đình", Hoa Điểm Nguyệt có lúc hình như đang nhìn người ta, mà giống như không nhìn, có lúc hình như không nhìn, mà lại giống như đang nhìn người ta, "cô thua xong bèn khóc òa lên, có phải không?"
"Thiên hạ truyền rao, thật là đáng sợ!"
Đường
Phương tức tối nói, "Tôi rớt nước mắt là vì chuyện đó không công bằng.
Rồi sau bởi vì tức cái nước mắt của tôi nó dở quá, càng tức càng khóc".
Hoa Điểm Nguyệt bật cười: "Tự mình rơi lệ thì có gì đâu, nhưng không được làm cho thế gian rơi lệ".
"Thế gian này có rơi lệ hay không chẳng liên quan gì đến tôi", Đường Phương đối với y bỗng sinh ra chú ý: "Chí khí của ông thật chẳng nhỏ, thảo nào mà làm được cái chức lão đại của Ngũ Phi Kim".
"Sơn cao nguyệt tiểu, chí đại tài sơ;" Hoa Điểm Nguyệt bật cười lên, "Thủy lạc thạch xuất, đả thảo kinh xà".
Đường Phương lấy làm lạ hỏi: "Hai câu phía sau là có ý gì?"
"Chẳng có ý gì cả, hai câu phía sau, ta đang tự mắng mình".
Hoa Điểm Nguyệt bỗng nghiêng đầu qua một bên, hỏi: "Cô đang liếm môi đấy hở?"
Đường Phương ngẩn mặt ra, rồi kế đó cười lên sảng khoái: "Đúng vậy đó, tôi có hơi khát một chút. Ừ, cặp mắt của ông cũng không tệ nhỉ".
Hoa Điểm Nguyệt chỉ hỏi: "Son trên môi cô nhất định là ngon lắm phải không?"
Đường Phương lại ngớ mặt ra, "Ngon hay không ngon, can hệ gì đến ông?"
Hoa Điểm Nguyệt nói: "Nếu như ngon, tôi sẽ nếm thử xem".
Còn chưa nói xong, y đã bay người lên, bàn tay phải thò ra nhanh như chớp chạm vào môi của Đường Phương một cái, sau đó lại trở về chỗ ngồi như cũ, làm như chưa vào giờ rời khỏi chỗ đó vậy.
Đường Phương biết rằng, cho dù võ công của cô chưa mất đi, cho dù có thi triển Yến Tử Phi
Vân Tung, cô cũng tránh không khỏi cái thò tay lại nhanh như gió, u hốt như thần đó.
Chỉ nghe Hoa Điểm Nguyệt nói: "Son của cô có mùi rượu".
Đường Phương tức giận cười lên: "Đối với một người con gái mất hết võ công không có sức để hoàn thủ, mà ông còn làm như vậy thật không đáng cái chức Đại đương gia".
"Kỳ thực đáng hay không đáng làm đương gia, ta đều chẳng màng gì".
Hoa Điểm Nguyệt nói, "Bất quá, võ công của cô quả thật chưa hồi phục".
Đường Phương giận dỗi nói: "Nếu mà đã hồi phục, tôi đã động thủ đánh ông rồi".
Hoa Điểm Nguyệt cười nói: "Cô là đối thủ của ta sao?"
Đường Phương cười nhạt nói: "Thiên hạ làm gì có chuyện đánh nhau phải chắc thắng? Có lúc đánh không thắng cũng cứ phải đánh".
"Tốt lắm, khó được, võ công đã mất hết rồi, anh khí vẫn còn đó!"
Hoa Điểm Nguyệt vỗ một cái vào bình rượu để bên cạnh y, "Cô khát nước rồi phải không, đây là rượu của Tam Hồng công tử đem lại cho ta, rượu ngon lắm, cô cũng lại uống vài ly đi, không có độc đâu".
Y rót một ly lớn, sau đó chầm chậm cầm vào ly rượu, cầm chặt như nắm lấy một con cá, sau đó mới chầm chậm đưa tới gần miệng, thậm chí ngay cả lúc rượu rớt vào cổ họng tiếng động nghe như rõ mồn một.
Bởi vì y uống rượu cẩn thận dường đó, phảng phất như đó cũng là thứ rượu rất cẩn thận.
Đường Phương xoay lưng lại bỏ đi: "Tôi không uống".
Hoa Điểm Nguyệt bỏ ly rượu xuống, lộ vẻ tiếc rẻ nói: "Rượu ngon như vậy mà cô không uống".
Đường Phương nói: "Tôi không thích là không uống".
Hoa Điểm Nguyệt hỏi: "Cô còn tức giận chuyện tôi sử một chiêu lúc nãy với cô sao?... Không phải là tôi không tôn trọng cô... Tôi có chỗ khổ ải của tôi".
Đường Phương lạnh lùng nói: "Tôi nhìn không ra có chỗ nào khổ ải".
Hoa Điểm Nguyệt thở ra một tiếng nhẹ, muốn nói rồi lại ngừng.
"Cái mạng của tôi là do Long Đầu Nam của các ông cứu giùm, độc cũng do các
ông giải giùm, tôi đặc biệt đến đây là để bái tạ ông".
Đường Phương nói, "Hiện tại tôi đã bái tạ rồi, thì cũng nên bái biệt thôi".
Hoa Điểm Nguyệt nói: "Cô... cô còn lại đây gặp tôi chứ?"
Đường Phương bật cười.
Cười tươi tắn.
"Thì tôi nhất thời nhất khắc cũng chẳng khỏe lại được", Đường Phương nói,
"Tôi còn ở nơi này, ông là chủ nơi này, chỉ cần ông cao hứng, lúc nào
ông cũng có thể lại gặp tôi".
Cô là một người con gái cương liệt, nhưng trước giờ cô không hề giữ cừu oán trong lòng.
Cô phiền não rất nhanh, nhưng vui vẻ càng nhanh hơn.
Huống gì, Hoa Điểm Nguyệt một thân tuyệt kỹ chẳng hề đối với cô một người đã mất hết võ công, làm điều gì quá lố.
Làm người mà nhớ được ân, thì cần gì cứ đi nhớ chuyện oán thù?
Do đó Đường Phương tính khí có nóng nảy, nhưng cô rất ôn nhu.
Đôi vai nho nhỏ mềm mại không có xương đó của cô, đối với chuyện đảm đương đại sự trước giờ vốn cử trọng nhược khinh, càng trọng yếu là, cô rất hiểu làm cho người ta vui vẻ, cô cũng hiểu làm cho chính mình vui vẻ.
Hoa sen trong ao lại nở rộ, hình như đã quên đi chuyện bị tan tành năm mươi hai ngày về trước.
Nước chảy vào trong chỗ ám rồi lại phun ra miệng con rồng rơi xuống ao sen, cho dù người khác không biết, nhưng Đường Phương biết, mấy con chuồn chuồn trên mặt ao biết, mấy con cá trong ao cũng biết.
Ngày nào cũng như vậy.
Lúc trời đã về chiều, tịch dương xuống nhanh còn hơn bao giờ cả, thậm chí còn muốn rớt xuống mé núi bên kia hồ, phát ra một tiếng ầm, sau đó thì chỉ như một con mèo ăn no rồi lười biếng duỗi người ra ngáp dài một tiếng.
Ngày nào cũng thế, ngày nào cũng vậy.
Ban đêm nước chảy có nhanh hơn ban ngày một chút, trong nước có mấy con gì đó đang ngoe nguẩy động đậy hơn gì cả, thỉnh thoảng mấy con cá trong ao sẽ trồi đầu lên thở ra cái bong bóng, như một nàng phi tần trong cấm cung đang len lén thở dài.
Ngày nào cũng thế, ngày nào cũng vậy.
Hồng công tử Ôn Ước Hồng lại thăm bệnh cho cô, Đường Nã Tây thường hay lại khích lệ cô tập luyện ám khí một chút, không nên vì công lực không có mà để hoang phế, Lôi Dĩ Tấn lại thăm cô, như lại thăm một con chim ông ta nuôi trong lồng, sau đó cũng không biểu lộ không mãn ý hay mãn ý gì cả, chỉ chắp tay sau lưng rồi đi.
Mỗi ngày như thường lệ, mỗi ngày như thế đó.
Cô vẫn còn có cảm giác như đang bị quan sát, hình như trong người đang có một người nào khác, giám thị từng cử động của cô, hôm nay không cao hứng bèn nuốt hết của cô nửa lá gan, rồi hôm sau cao hứng lại nhả ra cho cô một trái tim chẳng thuộc về cô.
Ngày ngày lúc nào cũng thế, không hề có gì mới mẻ.
Thể lực của cô, xem như là mỗi ngày mỗi hồi phục lại, nhưng bệnh tình thì mỗi ngày mỗi trầm trọng.
Cô muốn về nhà.
Cô rất muốn về nhà.
Nhưng bệnh cô chưa khỏi, Nhị Thập Tứ thúc dĩ nhiên là phản đối.
Cô cũng biết bệnh tình mình đến thế này, chỉ e đi không ra khỏi bao nhiêu cánh cửa, hành lang, ao sen, cô có cảm giác như đang bị cấm cung, nhưng cô không nỡ làm người hảo ý đang giúp cô hiểu lầm.
Ngày nào cũng thế.
Cô nhàn rỗi không làm gì, ngắm ngắm con kiến, từ trước thềm bò tới sau hòn núi giả, làm như đi theo nó là sẽ về đến Đường môn xứ Thục, hoặc là cô sẽ đem tin tức của mình đưa về tới vườn hoa chỗ Tiêu gia.
Ngày nào cũng thế, trong đó cô cũng đã gặp mặt Hoa Điểm Nguyệt một vài lần.
Lần nào cũng đều là Hoa Điểm Nguyệt tìm lại.
Cô và Hoa Điểm Nguyệt chuyện trò cũng tương đắc.
Hoa Điểm Nguyệt là một người rất kỳ quái.
Hình như y đã trải qua rất nhiều hoàn cảnh tình thế, do đó đã kinh lịch tận tình những chuyện biển dâu, kỳ thực y cũng còn rất trẻ.
Cô lại càng không hiểu, từ cái "hoạt phòng" của Hoa Điểm Nguyệt tới chỗ Di
Hương trai của mình gần như thế, mà tại sao Hoa Điểm Nguyệt vẫn cứ muốn đi xe lại?
"Cô sẽ khỏi bệnh thôi", Hoa Điểm Nguyệt thường an ủi cô, "sự tình tệ hại đến mức tận cùng, sẽ bắt đầu tốt lại".
"Tại sao sự tình tệ hại đến cực điểm, mà không thế cứ tệ hại tiếp nữa nhỉ?"
Đường Phương hỏi ngược lại y: "Sao ông biết được bỉ cực xong rồi sẽ thái lai?"
"Bởi vì nghĩ như vậy, thì sẽ có ích cho mình một chút".
Hoa Điểm Nguyệt trả lời rất thản thành, "Phàm là chuyện đối với mình tốt, thì cũng nên nghĩ đến nó nhiều một chút".
Đường Phương chỉ còn nước nghĩ đến ngày mai bệnh tình của mình sẽ thuyên giảm.
Lúc đó, cô sẽ có thể tung mình bay qua cái ao sen, qua những cành liễu, qua bức tường chung quanh...
Về lại chốn giang hồ bé bé đó của cô, thiên hạ lớn vô cùng đó của cô...
Những lúc nghĩ như thế, miệng thì hừ một khúc điệu gì đó, ánh mắt của cô cũng nhìn chăm chăm về phía trời xa.
Nhìn như vậy, cô mới thấy xa thật xa giống như một hòn núi giả, có một người cũng đang nhìn cô.
Ánh mắt thật kỳ quái đặc biệt.
Người này làm cho Đường Phương có cảm giác quen thuộc sao đó.
Mà ở đâu đã gặp nhỉ...
Người này nhìn cô, ánh mắt như muốn bị độc dược làm cho cứng đơ, ngập ngập ngừng ngừng như muốn thổ lộ một tin tức kỳ quái nào đó.
Sau đó, y thò một ngón tay chỉ về hướng cô một cái, rồi xoay mặt đi.
Làm như hoàn toàn không thấy cô chút nào cả.
... Không phải y là kẻ đã từng bị mình đánh bại một lần ở Nhất Phong đình sao?
... Y thò ngón tay chỉ chỉ là có ý gì?
... Thật là con người quái lạ!
Đường Phương cũng không nghĩ gì thêm, qua đi một thời gian sau đó không lâu, cô đã quên bẵng đi người đó.
Có điều, cái khoảnh khắc tương ngộ nhỏ bé đó, làm sao Từ Vũ lại quên cho nổi?
...
...
Cái hôm đó, từ lúc Đường Nã Tây sai người dìu Đường Phương đi rồi, y bèn hoang mang thất thểu như đã bị rút đi mất linh hồn, không nơi đâu nương tựa, không nơi nào thích ý, cho đến lúc có người gọi y: "Từ thiếu hiệp".
Từ thiếu hiệp...
...
Y phí bao nhiêu là cân não, mới nghĩ ra được rõ ràng, thì ra đối phương đang gọi mình.
Người gọi y mặt mày thê lương giận dữ, nhưng hai bên má có hai đồng tiền.
Cặp má lúm đồng tiền đó in hệt như Đường Phương vậy, chỉ bất quá, nằm trên má của Đường Phương, như một cơn mộng quay cuồng mỹ lệ, nằm trên ông lão đó, như hai vết lõm trên thân cây già nua.
Từ Vũ định thần lại, hỏi: "Các hạ là...".
Lão già đó nói: "Ta là Đường Bi Từ".
Đường Bi Từ lừng danh thiên hạ, thủ pháp ám khí, xuất thần ngập hóa, địa vị trong vũ lâm cũng phi thường không kém.
Nghe nói, những năm sau này, được Đường lão thái thái trực tiếp giao công chuyện hành sự, Đường Bi Từ là một trong cực thiểu số người.
Từ Vũ chẳng có gì hứng thú: "Nhưng tôi chẳng quen biết gì ông".
Đường Bi Từ nói: "Có điều ta nhận ra chú. Mời chú theo ta nói chuyện một lát".
Sau đó lão chêm thêm một câu: "Đây là chuyện liên hệ đến Đường Phương".
Cái câu tối hậu đó.
Hoàn toàn đả động Từ Vũ.
Từ Vũ theo Đường Bi Từ đi đến cái núi phía sau Nhất Phong đình, sau lưng
Đường Bi Từ còn có một người trẻ tuổi mày thanh mắt sáng, sóng mũi vừa cao vừa khoằm vừa mỏng vừa nhếch lên.
Dưới cằm y có một vết sẹo, xem ra còn có vẻ hấp dẫn.
Đường Bi Từ nói: "Nó là con tôi, tên là Thôi Thôi, khinh công cũng còn không tệ lắm. Đường Phương luyện là Yến Tử Phi Vân Tung, còn nó thì luyện Yến
Tử Châm Thiên, đều là do chính lão gia gia truyền thụ cho".
Từ Vũ thật không muốn nghe bất kỳ người nào có bất kỳ liên hệ gì đến Đường
Phương, bao quát luôn cả cái má lúm đồng tiền của lão già... chỉ bất quá, y biết Đường Phương trước giờ vốn rất kính trọng Đường Bi Từ, do đó mới nhẫn nại nghe lão nói, sau đó còn đợi cho lão nói hết lời.
"Khinh công của nó giỏi vậy, cho nên, nó theo chú đã lâu rồi, chú đều chẳng hề hay biết".
Đường Bi Từ nói, "Ngay cả lúc nãy chuyện chú dùng vải dày bao lấy cây búa nhỏ trên lôi đài, cũng đều lọt hết vào mắt của nó".
"Tôi chẳng biết có người đang theo dính cứng tôi. Tôi chẳng cho rằng mình là nhân vật gì trọng yếu. May mà tôi cũng chẳng làm điều gì không tốt cho người khác, không dám nhìn mặt ai, cũng chẳng sợ có người theo dõi đằng sau".
Từ Vũ cười nhạt, "Tôi giữ cái lưỡi búa tẩm độc đó, là không muốn ám khí độc môn của Đường gia vức bừa bãi ra đó, để cho kẻ tiểu nhân trong giang hồ mượn đó làm hại người khác, có thể làm hại đến thanh danh của Đường cô nương. Như nếu các người muốn đòi lại, tôi xin giao ngay đây là xong".
"Chú trăm ngàn vạn lần đừng có hiểu lầm", Đường Bi Từ nói, "Bọn ta tìm chú, là vì Đường Phương đang ngộ nạn".
"Lúc nãy Đường cô nương đang ở đây bị thương, trúng độc, tôi chính đang ở đấy", Từ Vũ nói, "Sao tôi còn không biết".
"Không phải, chúng ta thật ra là lại trễ đi một bước".
Giọng nói của Đường Bi Từ nặng nề rớt xuống đất như tiếng sấm nổ, "Đường
Phương lọt vào tay bọn người đó, mới chính là bị ngộ nạn".
Từ Vũ bấy giờ mới giật nãy mình lên.
Giật nãy cả mình.
"Ý ông nói là...".
"Đúng vậy".
Đường Bi Từ nói từng tiếng một: "Bọn Đường Nã Tây, mới là những người chân chính muốn hại Đường Phương".
Truyện khác cùng thể loại
94 chương
92 chương
20 chương
694 chương
108 chương
190 chương
60 chương