Đông Cung
Chương 29
“Đúng lúc này, cô nương kia hạ sinh cho quốc vương 1 vị hoàng tử, hoàng hậu sai người hạ độc mãn tính vào thuốc tẩm bổ. Nàng ấy uống bát thuốc trộn lẫn thuốc độc, người ngày một yếu, sau ngã bệnh qua đời, trước lúc chết, nàng hy vọng có thể công khai nguyên nhân cái chết của vị công tử nọ cho toàn thiên hạ biết, thế nhưng không còn kịp nữa rồi. Hoàng hậu bảo nàng ấy bị bệnh lao rồi sai người giam lỏng nàng ấy, cấm kị người khác đến thăm, và còn ẵm mất tiểu hoàng tử mới chào đời…”
Tôi hồi hộp lắm, hỏi: “Hoàng hậu còn muốn giết cả hoàng tử bé ư?”
Sắc mặt Cố Tiểu Ngũ vẫn vậy, hắn lắc đầu: “Hoàng hậu không giết hoàng tử bé, bản thân hoàng hậu không có con, bà ta nuôi hoàng tử trưởng thành, dạy dỗ hoàng tử, vậy là hoảng tử bé xem Hoàng hậu như mẹ ruột mình, thế nhưng hoàng tử bé không hề hay biết, mẹ ruột mình thì ra đã bị Hoàng hậu hại chết. Sau này… hoàng tử bé cuối cùng đã rõ chân tướng sự việc, thế nhưng chàng ta không có cách, tuổi chàng ta còn nhỏ, Hoàng hậu lại có thế lực trong tay, hoàng tử bé không đấu được bà ta. Lúc này, Quốc vương cũng phân vân, bởi lẽ ông ấy không chỉ có hoàng tử bé là con trai duy nhất, mà còn rất nhiều những hoàng tử khác nữa. Quốc vương do dự trước những đứa con trai của mình, không rõ nên truyền ngôi cho ai là thích hợp nhất. Thực ra những đứa con trai của ông đang nóng lòng muốn giở trò sau lưng, bọn họ thừa biết hoàng tử bé không phải do Hoàng hậu thân sinh, mà Hoàng hậu đối với hoàng tử bé lúc nào cũng tiềm tàng một nỗi lo lắng… Thế nhưng sau cùng, Quốc vương vẫn lập hoàng tử bé lên làm Thái tử. Ở vương quốc ảo, chẳng mấy vị Thái tử thọ quá tuổi 30, bọn họ không bị ám sát, thì cũng bị vua cha phế truất, rồi bị giam cầm cho đến chết. Có Thái tử nuôi dã tâm toan soán ngôi, thẳng tay mưu sát giết hại vua cha… có người thành công, song cũng có kẻ thất bại, người thắng lợi lên làm vua, sau cũng chết, kẻ bại trận không giành được ngôi báu, tất phải chết… Đông Cung ư, chốn cung đình ấy thực chất là 1 nơi đẫm máu.
Cố Tiểu Ngũ nói đến đó, đột nhiên ngơ ngác ngẩn cả người, tôi cũng chưng hửng nhìn hắn, câu chuyện này chẳng hay ho gì cả, chẳng được như đoạn đầu đã kể. Thế mà chẳng hiểu vì sao, tôi không ngắt lời Cố Tiểu Ngũ, qua chốc láy, hắn lại kể tiếp câu chuyện bằng chất giọng bình thường như không có gì: “Mặc dù được làm Thái tử, song cuộc sống của Hoàng tử bé cũng chẳng tốt hơn là bao, Hoàng hậu đề phòng chàng; còn Quốc vương, ông ta giao cho Hoàng tử bé một vấn đề vô cùng nan giải. Quốc vương nói, con đã là Thái tử, con nên làm tấm gương sáng cho thần dân trong thiên hạ noi theo. Quốc vương phái Hoàng tử bé đến 1 nơi, bảo chàng đi làm một chuyện chừng như không cách nào giải quyết được…”
“Hoàng tử bé thật đáng thương.” Tôi hỏi hắn, ‘Quốc vương rút cuộc muốn chàng ấy làm chuyện gì?”
“Chuyện hết rồi.” Cố Tiểu Ngũ vỗ vỗ yên ngựa, lại buông mình nằm xuống, mặt mày dãn nở khoan khoái, “Ngủ thôi.”
Tôi nổi giận, kể chuyện chẳng đầu chẳng đuôi gì, bảo tôi ngủ thế nào được? Tôi nói: “Ta có hỏi tại sao đâu, sao chàng không kể nữa?”
Cố Tiểu Ngũ bảo: “Thì hết chuyện rồi chứ sao nữa, hết rồi thì còn gì để kể?”
Hắn xoay người quay lưng lại với tôi. Tôi chỉ còn nhìn thấy xương bả vai hắn, tuy phủ một lớp da dê, song tiết đêm gió lạnh, vai hắn co ro, dường như đã ngủ thật rồi.
Tôi kéo chăn da phủ đến cằm, nằm trong ấm áp, bụng nghĩ: gã Cố Tiểu Ngũ nom thế mà vô tâm, kể xong chuyện càng làm người ta thêm phát ghét. Nhưng cứ trông cái bộ dạng hắn ngủ, thật ra lại có nét đáng thương—hoàng tử bé trong câu chuyện hắn kể không có mẹ, mà hắn mồ côi mẹ từ dạo bé, những người không có mẹ đương nhiên rất tội nghiệp. Mới chớm nghĩ đến việc nếu như mẹ mình cũng qua đời, quả thực tôi chỉ chực rơi nước mắt.
Chắc tại nghe câu chuyện kia lúc sắp ngủ, nên vừa miên man đưa giấc, hoàng tử bé nọ theo tôi cả vào trong mơ. Cậu ta còn rất nhỏ, nhỏ lắm, nom dáng vẻ chắc chỉ trạc tầm 3-4, cậu bé rụt vai như một con thú nhỏ bị thương, chơ vơ ngồi khóc hu hu. Nhớ có lần tuyết vừa rơi, tôi trông trong hố săn có con cáo nhỏ bị thương. Con cáo ấy nom cũng co quắp thế này, nó chỉ hếch đôi mắt đen láy hoen nước nhìn tôi, đôi mắt ấy đầy cảnh giác, thế mà ánh nhìn lại thấp thoáng nét rụt rè. Bờ vai nó co ro, thoắt cái mà chiếc mõm nhòn nhòn đã vùi dưới chân, tuyết rả rích tuôn, chứng kiến cảnh ấy, trong tôi lại dâng trào niềm thương cảm, không cấm được cánh tay giơ ra, toan kéo cậu bé. Ngờ đâu nó vừa ngước đầu, tôi lại trông thành ra Cố Tiểu Ngũ, tôi giật thót mình, trong lòng cứ thấy quái đản, thế rồi tức khắc choàng tỉnh. Lúc ấy trởi gần về sáng, trăng chếch đằng chân trời, cảnh sao leo lét, lửa trại lụi dần, dường như sắc đêm thêm thẫm màu. Hai ngàn kỵ binh trên thảo nguyên vẫn đương say giấc nồng, chỉ có lính tuần tra là còn đi đi lại lại. Cỏ bên mình, sương mai đọng dày mát rượi, giọt sương nhỏ xuống mặt, thế là tôi lè lưỡi liếm luôn, có vị ngòn ngọt đây. Tôi trở mình, ngủ thêm chút nữa.
Sáng ngày hôm sau, chúng tôi đã nhổ trại khởi hành lên đường tiến thẳng về hướng đông suốt 5 6 ngày liền, cho đến khi gặp đội kỵ binh của Đột Quyết được phái đi, Hách Thất nghe nói lều chúa của Đại Thiền Vu đang ở gần đó, tức thì mừng lắm. Trong lòng tôi cũng vui nữa là, thì chẳng mấy nữa sẽ được gặp ông ngoại rồi. Có điều hai ngàn quân Trung Nguyên hộ tống chúng tôi về, lại không thể dừng chân trên lãnh thổ Đột Quyết, họ lập tức cáo từ trở về.
Hách Thất rất kính nể đạo quân ấy của Trung Nguyên, khen họ có quân kỷ nghiêm minh, hành động lại nhanh nhẹn, lúc lâm trận cũng rất dũng mãnh, thảy là những hảo hán hiếm thấy. Hách Thất tiễn bọn họ một đoạn xa, tôi đi theo Hách Thất, tiễn họ về đằng tây. Ráng chiều chói lọi, Cố Tiểu Ngũ cúp mi, cúi đầu, nom uể oải như đang ngủ gật, tôi bảo: “Này, chàng về rồi truyền lời cho Phụ vương ta hay, cứ bảo ta đã bình an đến Đột Quyết rồi nhé.”
Cố Tiểu Ngũ nói: “Thì cũng phải xem ta có về đằng Vương thành buôn chè không đã chứ.”
Tôi bảo: “Chàng không về bán chè đi, còn định đi đâu nữa?”
Hắn cười, song không hề đáp lời tôi. Lúc ấy đội quân Trung Nguyên đã đi được 1quãng xa, hắn vẫy tay với tôi rồi rong ngựa đuổi theo.
Tôi lấy tay che trán, thảo nguyên bát ngát trải dài đến tận đường chân trời, một lúc lâu còn trông rõ hắn đã bắt kịp đoàn người, mà vẫn vẫy tay với chúng tôi. Dần dà đã xa tít tắp thật rồi, lúc ấy trông chỉ như làn cỏ rác nhỏ bé cuồn cuộn giữa đất trời, chẳng còn nhận ra nữa. Tôi dõi theo bóng lưng hắn, chợt nhớ lại câu chuyện mới kể ngày hôm qua, thấy buồn rười rượi như thể mất đi thứ gì.
Sau lưng bỗng có người khì cười, tôi ngoảnh đầu, thì ra Hách Thất. Huynh ấy ghì ngựa đứng ngay sau, tôi thẹn quá hóa giận liền hỏi: “Huynh cười gì thế?”
Hách Thất gật đầu, rồi lại lắc lắc, song vẫn cười bảo tôi: “Tiểu công chúa ơi, chúng ta mau về thôi.”
Lúc gặp ông ngoại tôi vui lắm, bao nhiêu phiền não đều quên sạch sành sanh. Cả năm ròng chưa gặp, ông ngoại càng thêm phần cưng chiều, kệ tôi buông thả càn quấy. Cánh tay của Hách Thất bị thương, ông ngoại lo tôi gặp chuyện, liền sai em gái Hách Thất ngày ngày theo sau tôi. Em gái Hách Thất trạc tuổi tôi, từ nhỏ đã học võ nghệ, tài cầm đao vô cùng cao siêu. Tôi thích gọi tên nàng ấy nhất: “A Độ ơi! A Độ!” nghe giống như một chú chim non, cô ấy thật y hệt một chú chim non, bất kể tôi đang ở nơi nao, chỉ cần hô 1 tiếng, cô bé lập tức xuất hiện ngay trước mặt tôi, chẳng khác nào chim nhỏ xòe đôi cánh lẹ làng lanh lẹ.
Điều khiến tôi khó ngờ nhất là, vua Nguyệt Thị lại sai sứ giả sang, ngỏ lời muốn ông ngoại tôi định đoạt chuyện hôn nhân. Ông ngoại vốn không vời sứ giả vào lều, chỉ phái người chuyển lời với sứ thần vua Nguyệt Thị rằng: “Tuy tiểu công chúa không phải công chúa của Đột Quyết chúng tôi, song mẫu thân người là con gái Đại Thiền Vu. Tiểu công chúa chính là cháu gái người, Đại Thiền Vu chỉ hy vọng gả được công chúa cho bậc anh hùng đương thời. Vua đằng Nguyệt Thị nếu như có lòng muốn lấy tiểu công chúa, vậy mời đức vua thân chinh tới trước cửa lều, cạnh tranh cùng dũng sĩ Đột Quyết chúng tôi, chỉ cần ngài bắt được vua sói mắt trắng, Đại Thiền Vu tức thì gả tiểu công chúa cho đức ngài. Đây là chỉ dụ của Đại Thiền Vu, mà phụ thân tiểu công chúa tức quốc vương Tây Lương cũng bằng lòng với sự sắp xếp của Đại Thiền Vu.”
Sứ thần Nguyệt Thị vấp phải vố này, liền hậm hực bỏ về.
Chỉ dụ của Thiết Nhĩ Cách Đạt Đại Thiền Vu chẳng mấy mà truyền khắp chốn thảo nguyên, ai ai cũng hay nếu muốn lấy tiểu công chúa Tây Lương, tất phải giết bằng được vua sói mắt trắng. Nghe truyền bầy sói trên núi Thiên Hằng có hàng ngàn hàng vạn, mà chúng chỉ tôn độc nhất 1 con sói mắt trắng làm sói đầu đàn. Bầy sói ấy cũng như con người, chúng chỉ khuất phục dưới chân bậc vua chúa mạnh nhất. Con sói chúa ấy toàn thân lông đen xì, riêng mắt trái có một quầng lông trắng xóa như nhúng sữa ngựa vẽ lên. Lại nghe nói loại sói ấy rất dữ tợn, gần như đã thành tinh. Bầy sói trên thảo nguyên đương nhiên rất đáng sợ, song vua sói mắt trắng còn đáng sợ hơn. Những tốp nhỏ kị binh hoặc dân du mục mà gặp phải vua sói tất mất mạng, nó thường dẫn đầu một bầy phải đến hàng vạn con sói tấn công loài người, vậy là cả người lẫn ngựa đều bị ăn sạch sành sanh. Có một dạo tôi cứ ngỡ vua sói mắt trắng chỉ là truyền thuyết thôi, chính mẹ kể cho tôi nghe mà, chứ xưa nay chưa một ai tận mắt thấy nó, thế mà ai ai cũng thề thốt nói vua sói quả thực có trên núi Thiên Hằng, nó thống lĩnh bầy đàn phải đến mấy vạn con sói.
Vua Nguyệt Thị bị Đại Thiền Vu nói khích thế, nghe đâu đã đích thân dẫn người lên núi Thiên Hằng, tìm giết vua sói mắt trắng. Nếu mà lão giết được nó thật thì sao? Tôi không muốn lấy lão già ấy đâu. Nhưng làm gì có ai giết được vua sói mắt trắng, thế nên người Đột Quyết đều nghĩ vậy, mà thảy những ai trên thảo nguyên đều bụng bảo dạ thế. Đành rằng Vua Nguyệt Thị hùng hổ dẫn người lên núi, song cũng chẳng gặp được vua sói, thì cũng bởi làm gì có ai thật sự thấy con sói ấy đâu, nó chỉ tồn tại trong truyền thuyết thôi. Tôi cứ ngẫm vậy rồi tự thấy an ủi, Vua Nguyệt Thị tuổi già sức yếu, núi Thiên Hằng rộng mấy trăm dặm, lại lắm loại thú dữ, nói không chừng lão lại ngã ngựa cũng nên, ngã quả ấy thì hết nhúc nhích, tôi đỡ phải lấy lão.
Chuỗi ngày ở Đột Quyết tôi ung dung tự tại mà vui vẻ hơn hẳn ở Tây Lương, ngày ngày có A Độ ở bên, chúng tôi không đi săn thì cũng đi bẫy chim. Con gái Đột Quyết thường lấy chồng sớm, A Độ lại đương tuổi cập kê. Thỉnh thoảng có người đứng ngoài lều nàng ấy hát trọn 1 đêm, ồm ào làm tôi khó ngủ. Thế mà chẳng một ai đến hát chỗ tôi, tôi tự nhủ đám người ấy hẳn biết muốn lấy được tôi đồng nghĩa với việc phải giết được vua sói. Đối với dũng sĩ trên thảo nguyên mà nói, âu cũng là 1 vấn đề rất nan giải.
Chứ không phải vì tôi không đẹp, nên chẳng ma nào đến hát tỏ tình đâu nhé.
Hôm ấy tôi đang ngủ trong lều, đột nhiên thấy bên ngoài ồn ào hẳn, dường như có tiếng xôn xao. Tôi trở mình bật dậy, lớn tiếng gọi “A Độ”, nàng ấy vội vàng vén cửa lều bước vào, tôi hỏi: “Sao thế? Xảy ra gì rồi?”
Mặt A Độ cũng tỏ vẻ mù tịt, tôi nhớ nàng ấy cũng như tôi cả, có biết chuyện gì đâu. Lúc ấy người ông ngoại sai đến khom lưng vái chào chúng tôi: “Đại Thiền Vu truyền tiểu công chúa đến lều trước.”
“Sắp đánh nhau à?” Tôi có phần thấp thỏm không yên, đoạn hỏi, lần trước sứ giả Nguyệt Thị mặt xám ngắt trở về, mà với cái tính lão vua Nguyệt Thị kia, khó mà lão chịu để yên. Vua Nguyệt Thị bị khích đi tìm vua sói mắt trắng, song có ai tìm được vua sói đâu? Đây rõ là ý của Đại Thiền Vu – ông ngoại vốn thương tôi nhất nên mới bẫy vua Nguyệt Thị mà. Nếu như vua Nguyệt Thị giận quá hóa thẹn, chợt ngộ ra, nói không chừng còn đánh nhau với Đột Quyết, quả này Nguyệt Thị động binh với Đột Quyết, đối với toàn thể Tây Vực mà nói, thật sự chẳng phải chuyện đùa. Tuy Đột Quyết là cường quốc mạnh nhất Tây Vực, là nước có thế lực chiếm giữ phía bắc sa mạc, lãnh thổ trải dài đến tận ven biển cực đông, song Nguyệt Thị cũng là nước lớn nhất nhì Tây Vực, dẫu cường thịnh không bằng Đột Quyết, nhưng thực lực quả thực không phải loại yếu. Huống hồ Tây Vực mười mấy năm ngắn ngủi nay sống trong bình lặng, con đường thương mại thông suốt, thành thị ngày một sầm uất, cũng như Tây Lương chúng tôi, nếu như không có con đường thông thương, ắt chẳng được phồn vinh như ngày nay. Nếu xảy ra đánh nhau, không chừng tất thảy khó mà tái tạo lại được. .
Truyện khác cùng thể loại
110 chương
32 chương
60 chương
70 chương
115 chương