Xantrô Panxa giải đáp những câu hỏi thắc mắc của cậu Tú Xanxôn Caraxcô, cùng những chuyện đáng biết và đáng kể ra đây
Xantrô Panxa trở lại nhà Đôn Kihôtê và tiếp tục cuộc nói chuyện, bác bảo:
- Ngài Xanxôn có ý muốn biết ai lấy trộm con lừa của tôi, như thế nào và lúc nào. tôi xin trả lời: sau khi xảy ra chuyện không may với đám tội nhân và chuyện khiêng xác người chết đến Xêgôvia, ngay đêm đó, thầy trò tôi rút vào núi Môrêna để trốn tránh đội cảnh sát Xanta Ermanđát. Tới một khu rừng rậm, ông chủ tôi ngồi tựa người vào ngọn giáo, tôi ngã mình trên lưng con lừa, mệt mỏi và đau dừ sau những trận đọ sức đã qua, rồi cả hai ngủ như thể nằm trên bốn chiếc đệm nhồi lông chim vậy. Riêng tôi ngủ như chết, giá có ai lại gần chống bốn đầu gậy vào bốn góc chiếc yên tôi đang cưỡi rồi kéo con lừa ra, tôi cũng chẳng hay.
- Việc đó dễ làm và không phải điều gì mới mẻ, Đôn Kihôtê nói. Xacripantê cũng đã gặp trường hợp này trong trận *** thành Albraca khi tên trộm khét tiếng Brunêlô dùng cách đó kéo con ngựa ra khỏi đùi chàng.
Xantrô kể tiếp:
- Trời sáng, tôi mới cựa mình thì ngã vật xuống đất vì không có gậy đỡ. Tôi tìm lừa những chẳng thấy. Nước mắt tôi ứa ra và tôi kêu khóc thảm thiết, nếu tác giả cuốn sách không kể lại tức là đã bỏ mất đoạn hay. Sau bao nhiêu ngày tôi chẳng nhớ, khi đi hầu công chúa Micômicôna, tôi đã bắt gặp con lừa của tôi. Người cưỡi nó là tên Hinêx đê Paxamôntê trong bộ quần áo bôhêmiêng, tên đại gian đại ác đã được thầy trò tôi giải thoát khỏi xiềng xích.
- Đoạn này không có gì sai cả, cậu Tú nói; tácgiả chỉ sai khi viết rằng Xantrô cưỡi con lừa đó khi bác chưa tìm thấy nó.
- Cái đó thì tôi chịu, không biết trả lời ra sao, Xantrô đáp. Chắc ông sử gia nhầm, hoặc giả nhà in sơ suất.
- Chắc chắn như vậy, Xanxôn nói. Thế còn khoản một trăm đồng tiền vàng, bác đã sử dụng ra sao? Có tiêu pha hết không?
- Tôi tiêu cho bản thân, cho vợ, cho con tôi. Nhờ có món tiền đó mà vợ tôi đã bền gan chờ trong khi tôi đi khắp các nẻo đường hầu hạ ông chủ Đôn Kihôtê của tôi. Nếu sau một thời gian dài như vậy, tôi trở về nhà không có nén bạc, không có lừa, chắc chắn tôi sẽ gặp chuyện chẳng lành. Nào còn hỏi gì nữa không? Dù Đức Vua ở đây, tôi cũng sẵn sàng trả lời. Đừng ai dính dáng gì vào công việc của tôi, tôi mang gì về nhà, tôi tiêu gì, mặc tôi. Nếu những roi đòn mà tôi phải chịu đựng trong những chuyến đi có thể tính trả bằng tiền, thêm một trăm đồng vàng cũng chưa đủ chi phí cho một phần nửa số roi đòn đâu, dù chỉ tính bốn xu một roi. Ai nấy hãy tự xét mình trước, đừng nghĩ trắng thành đen, đen thành trắng. Con người ta mỗi người có một tính nết, chán vạn kẻ còn tồi tệ hơn cơ.
- Tôi sẽ nhắc tác giả đừng quên những lời bác Xantrô vừa nói một khi tái bản cuốn sách, để cho tác phẩm tăng thêm phần giá trị, Xanxôn nói.
- Thưa ông Tú, chẳng hay còn điểm gì cần phải sửa trong cuốn sách đó nữa không? Đôn Kihôtê hỏi.
- Chắc còn, Xanxôn đáp, nhưng không quan trọng như những điểm vừa nêu ra.
- Thế tác giả có hứa ra phần hai không? Đôn Kihôtê hỏi.
- Có hứa, Xanxôn đáp; nhưng ông ta nói là chưa tìm thấy phần này và cũng không biết ai giữ. Cho nên chúng ta chưa biết chắc chắn phần sau có ra hay không. Vì lẽ đó và vì nhiều người nói rằng: "Phần hai bao giờ cũng dở", "Những điều đã viết về Đôn Kihôtê đủ rồi", người ta sẽ ngờ rằng không có phần thứ hai. Tuy nhiên, những người vui nhộn lại nói: "Hãy kể thêm những mẩu truyện về Đôn Kihôtê; Đôn Kihôtê hãy hành động đi, Xantrô nói đi, dù thế nào chúng tôi vẫn thích...".
- Tác giả định thế nào?
- Ông ta đang khẩn trương tìm kiếm phần hai. Xanxôn đáp, khi nào thấy sẽ đưa đi in ngay. Ông ta ham kiếm món lợi nhuận do cuốn sách mang lại hơn là những lời khen.
Nghe thấy vậy, Xantrô liền nói:
- Tác giả hám tiền ư? Thế thì làm sao sách có thể hay được! Ông ta sẽ làm ẩu, làm ẩu, giống như thợ may trước ngày lễ Phục sinh vậy. Những công việc làm vội vàng không khi nào đạt tới sự hoàn hảo mong muốn đâu. Ông tác giả Môrô nào đó hãy để tâm vào việc làm của mình, tôi và ông chủ tôi sẽ cũng cấp ngay và đầy đủ cả đống chuyện phiêu lưu và bao nhiêu sự việc khác khiến ông ta không những soạn xong phần thứ hai mà còn có thể soạn tới phần thứ một trăm. Dễ thường ông ta cho rằng thầy trò chúng tôi ngủ trên đệm rơm chắc. Cứ tưởng sung sướng lắm đây, biết đâu gian khổ quá chừng. Có điều tôi muốn nói là nếu như ông chủ tôi nghe lời tôi khuyên nhủ, lúc này đây thầy trò tôi đang rong ruổi trên các cánh đồng, đi trả thù cho những ai bị xúc phạm và uốn nắn những sai trái theo phong tục tập quán của các hiệp sĩ giang hồ danh tiếng.
Xantrô nói chưa dứt lời bỗng nghe đâu con Rôxinantê hí vang. Đôn Kihôtê coi đó là điềm đại cát, và chàng quyết định trong ba bốn ngày tới sẽ làm một cuộc xuất hành mới. Chàng ngỏ ý trước với cậu Tú và yêu cầu cậu cho ý kiến nên đến nơi nào trước. Cậu Tú đáp: "Theo ý tôi, ngài nên đến tỉnh Xaragôxa ở vương quốc Aragôn. Trong ít bữa nữa, tại đó sẽ tổ chức hội đấu thương rất long trọng nhân ngày lễ thánh Horhê. Ngài sẽ trở nên lừng danh vì nếu ngài đánh bại tất cả các hiệp sĩ của vương quốc này tức là ngài đã đánh bại tất cả các hiệp sĩ trên đời". Cậu ca ngợi quyết định vô cùng thỏa đáng và dũng cảm của Đôn Kihôtê, căn dặn chàng phải thận trọng hơn mỗi khi lao vào chốn gian nguy,bởi vì cuộc đời chàng không thuộc về chàng mà thuộc về tất cả những ai cần tới sự cứu trợ của chàng trong cơn hoạn nạn.
Nghe tới đây, Xantrô nói với Xanxôn:
- Tôi cũng thường chê trách ông chủ tôi điều này. Có khi ngài đánh cả một trăm người có vũ khí như thằng bé tham ăn đánh nửa tá dưa hấu vậy. Đánh nhau có lúc tiến, lúc thoái, đâu phải lúc nào cũng hô: "Cầu thánh Điêgô đóng chặt nước Tây Ban Nha" 1. Hơn nữa, nếu tôi nhớ không nhầm, hình như chính ông chủ tôi nói rằng sự dũng cảm đứng giữa hèn nhát thái quá và mạo hiểm thái quá. Nếu quả như vậy, tôi không muốn ông chủ tôi chạy trốn một cách vô lý hoặc xông lên một cách điên rồ. Và tôi cũng xin lưu ý ông chủ tôi rằng nếu muốn tôi đi cùng thì phải với điều kiện sau đây: đánh nhau hoàn toàn là việc của ngài, tôi chăm lo ăn uống, tắm giặt cho ngài, muốn sao được vậy. Còn như nghĩ rằng tôi cũng phải tuốt gươm ra, dù để đấu với bọn ******** vô lại có vũ khí, tức là đòi hỏi tôi làm một việc quá sức. Thưa ông Xanxôn, tôi không cầu được tiếng là dũng cảm mà chỉ muốn là người giám mã tài giỏi nhất và trung thành nhất của một hiệp sĩ giang hồ. Và nếu ông chủ Đôn Kihôtê của tôi có nghĩ tới công lao hầu hạ và ban cho tôi một trong số rất nhiều hòn đảo mà ta sẽ gặp - như ngài thường nói, - tôi xin đội ơn. Còn nếu ngài không cho, tôi vẫn sống được trên đời này. Con người ta không nên sống nhờ vào kẻ khác, chỉ nên nhờ vào Chúa thôi. Vả chăng, bánh mì củ cải thường dân cũng ngon chẳng kém bánh mì của thống đốc trên những hòn đảo đó , lại bị quỷ nó ngáng chân, ngã dúi dụi, gẫy cả răng. Tôi sinh ra là Xantrô, tôi muốn lúc chết vẫn là Xantrô. Tuy nhiên, nếu không phải cầu cạnh khó nhọc gì nhiều, lại được trời ban cho một hòn đảo hoặc một món gì tương tự, tôi không dại dột chối từ. Người ta thường có câu: "Khi ai cho con bò, kiếm ngay thừng buộc nó lại" và "Khi điều lành tới, hãy cất vào nhà".
- Người anh em nói năng như một giáo sư đại học vậy, Caraxcô nói. Hãy tin tưởng vào Chúa và vào ngài Đôn Kihôtê đây; ngài sẽ ban cho cả một vương quốc chứ chẳng phải một hòn đảo đâu.
- Vương quốc hay hòn đảo đều được cả, Xantrô đáp. Xin thưa với ngài Caraxcô: nếu ông chủ tôi cho tôi một vương quốc, ông không vứt nó cho một cái túi thủng đâu. Tôi đã tự bắt mạch và nhìn thấy còn đủ sức để cai trị các vương quốc và các hòn đảo. Tôi đã nhiều lần nói thế với ông chủ tôi.
- Xantrô hãy coi chừng, Caraxcô nói. Chức tước làm thay đổi tính nết con người ta. Một khi làm thống đốc, có thể bác sẽ không nhận người mẹ sinh ra bác nữa đâu.
- Điều đó xảy ra với những kẻ xấu xa, Xantrô đáp, nhưng không thể đến với những người có lòng và có đạo gốc như tôi. Không tin ư! Hãy thử xem tôi có ăn ở bất nhân bạc ác với ai không?
- Hãy để Chúa làm việc đó, Đôn Kihôtê nói; Người sẽ cho biết khi nào anh trở thành thống đốc. Ta tưởng như đã thấy được trước mặt rồi đấy.
Nói rồi, chàng hiệp sĩ hỏi cậu Tú có biết làm thơ không, nếu có, xin hãy giúp một vài câu thơ để chàng ngâm trong lúc từ biệt nàng Đulxinêa làng Tôbôxô; chàng muốn rằng mỗi câu thơ bắt đầu bằng một chữ của tên nàng, khi hoàn thành bài thơ, chắp các chữ đầu mỗi câu thơ sẽ thành tên: "Đulxinêa làng Tôbôxô". Cậu Tú đáp: "Tôi không nằm trong số những nhà thơ nổi danh ở Tây Ban Nha - vì người ta đồn là cả nước chỉ có ba người rưỡi giỏi thơ, - nhưng cũng xin làm bài thơ đó. Tuy nhiên, việc này khó lắm vì tên mỹ nhân gồm mười bảy chữ, nếu làm bốn đoạn, mỗi đoạn bốn câu sẽ thừa một chữ, nếu làm mỗi đoạn năm câu lại thiếu ba chữ. Nhưng thôi được, tôi sẽ tìm cách ẩn một chữ khiến cho tên Đulxinêa làng Tôbôxô ăn khớp với mười sáu câu thơ.
- Làm như vậy phải thôi, Đôn Kihôtê bảo, vì một khi không nhận ra tên của mình trong thơ, không một người đàn bà nào lại nghĩ rằng bài thơ đó dành riêng cho mình.
Sau khi đã thỏa thuận với nhau về bài thơ, và ngày xuất hành - tức tám ngày sau - Đôn Kihôtê dặn cậu Tú phải giữ kín việc này, không cho ai biết, nhất là Cha xứ, bác phó cạo Nicôlax, cô cháu gái và bà quản gia, để họ không cản trở những quyết định dũng cảm và đáng ca ngợi của chàng. Caraxcô hứa sẽ làm đúng như vậy. Trước khi ra về, cậu còn dặn Đôn Kihôtê khi nào có dịp nhớ báo cho biết tình hình tốt xấu ra sao, sau đó hai người chia tay nhau, Xantrô cũng đi chuẩn bị cho chuyến xuất hành sắp tới.
Truyện khác cùng thể loại
124 chương
21 chương
73 chương
56 chương
18 chương
15 chương
13 chương