Nói về những chuyện xảy ra giữa Đôn Kihôtê với cô cháu gái và bà quản gia, một trong những chương quan trọng nhất của toàn bộ pho sách Trong lúc diễn ra cuộc đàm thoại tức cười giữa Xantrô Panxa và vợ bác là Têrêxa Caxcahô như kể trên, cô cháu gái và bà quản gia của Đôn Kihôtê có nhiều việc phải làm. Quá nhiều dấu hiệu, hai người đoán là cậu và chủ họ muốn trốn ra khỏi nhà lần thứ ba và trở lại nghề hiệp sĩ giang hồ mà họ nguyền rủa. Họ cố gắng tìm mọi cách để cho chàng từ bỏ ý nghĩ xấu xa đó, song chỉ như truyền giáo trên bãi sa mạc, quai búa vào sắt nguội mà thôi. Trong lúc chuyện trò với chủ, bà quản gia có nói một câu như sau: - Thưa ông chủ, nếu quả thật ngài không chịu ngồi yên ở nhà và không từ bỏ ý định lang thang khắp núi đồi để tìm kiếm những chuyện phiêu lưu mà tôi gọi là những chuyện oan trái, tôi sẽ phải kêu gào Chúa và Đức Vua tìm phương cứu chữa cho. Đôn Kihôtê đáp lại: - Bà quản gia, trước những lời kêu gào của bà, ta không biết Chúa sẽ trả lời ra sao và ta cũng chẳng hay nhà vua sẽ trả lời ra sao; ta chỉ biết nếu ta là vua, ta sẽ không trả lời cả đống những yêu cầu phi lý nhận được hàng ngày. Một ông vua có nhiều công việc, và một trong những việc chính là phải nghe mọi người và trả lời họ. Vì vậy, ta không muốn làm bận lòng nhà vua bằng những chuyện riêng của ta. - Xin ngài cho biết trong triều có hiệp sĩ không ạ? Bà quản gia hỏi. - Có chứ, Đôn Kihôtê đáp, có nhiều chứ. Cần phải có để làm tôn uy quyền và phô trương thanh thế của các vua chúa. - Vậy sao ngài không làm một chân hiệp sĩ hầu hạ nhà vua trong triều? - Bà nên biết rằng không phải tất cả các hiệp sĩ đều có thể là triều thần, Đôn Kihôtê đáp, và không phải tất cả các triều thần đều có hoặc phải là hiệp sĩ giang hồ. Trên đời này có đủ loại. Và mặc dù tất cả chúng tôi là hiệp sĩ, có sự khác biệt giữa những hiệp sĩ này và những hiệp sĩ kia. Các triều thần không rời khỏi nhà họ hoặc không bước ra khỏi ngưỡng cửa cung đình; họ ngao du khắp thiên hạ trên một tấm bản đồ, không mất một đồng xu nhỏ, không phải chịu nóng lạnh, đói khát; còn những hiệp sĩ giang hồ thực thụ như chúng tôi phải đi đo trái đất bằng đôi chân của mình, chịu nóng, chịu rét, dầm mưa dãi nắng, chịu mọi sự khắc nghiệt của thiên nhiên, đêm cũng như ngày; không phải chúng tôi có những kẻ thù tưởng tượng mà là bằng xương bằng thịt, và trước mọi gian nguy, trong mọi trường hợp, chúng tôi xông lên tấn công chúng không cần để ý đến những chuyện vụn vặt hoặc những luật lệ đấu võ như ngọn giáo hoặc lưỡi gươm của địch thủ có quá ngắn hay không, kẻ địch có giấu trong người bùa phép gì không, chọn khoảng đất nào cho khỏi bị mặt trời chiếu vào mặt, cùng bao nhiêu thủ tục tương tự khác mà chỉ có ta biết, còn bà thì chẳng hay. Bà cần biết thêm rằng một hiệp sĩ giang hồ giỏi giang không hề run sợ dù đứng trước mười tên khổng lồ cao đến nỗi đầu chúng không những chạm mà còn vượt trên các đám mây, chân mỗi đứa là hai tòa tháp lớn, tay là những cột buồm to và chắc, mắt như phiến đá cối xay và đỏ rực như lò nung thủy tinh. Trái lại, với một thái độ bình tĩnh và một trái tim dũng cảm, người hiệp sĩ xông lên tấn công chúng và nếu có thể, đánh cho chúng thất điên bát đảo trong chớp mắt, mặc dù người ta đồn rằng vũ khí của chúng là những cái vỏ của một loài ốc rắn chắc như kim cương, là những thanh đao bằng thép hoa hoặc những quả chùy sắt đầu bọc thép mà người ta thường nhìn thấy. Bà quản gia này, ta nói vậy để bà thấy được sự khác biệt giữa hai loại hiệp sĩ, và đúng là không có vua chúa nào không quý trọng các hiệp sĩ giang hồ, loại người đáng quý trọng nhất vì, như chúng ta đã đọc sách về họ, có hiệp sĩ đã cứu không những một mà nhiều vương quốc. - Ôi, cậu ơi! Cô cháu gái kêu lên. Xin cậu hãy nhớ rằng tất cả những điều cậu vừa nói về các hiệp sĩ giang hồ đều là hoang đường dối giả, và những cuốn sách kiếm hiệp, nếu không bị đốt, đáng phải khoác áo xambênitô 1 hoặc mang một dấu hiệu gì chứng tỏ đó là một vật xấu xa, có hại đến thuần phong mỹ tục. - Có chúa chứng giám, Đôn Kihôtê kêu lên, nếu mày không phải là cháu ruột ta và con gái của chị ruột ta, ta sẽ trừng trị thích đáng những lời mày vừa nói ra, khiến cho bàn dân thiên hạ đều biết tới. Một con bé chưa biết sử dụng thành thạo mười hai cái trục dệt đăng ten mà dám mở mồm phê phán sách viết về hiệp sĩ giang hồ ư? Ngài Amađix sẽ nói ra sao khi nghe những lời như vậy? Nhưng thôi, chắc chắn chàng sẽ tha thứ cho vì thuở sinh thời, chàng là một hiệp sĩ khiêm nhường và phong nhã nhất, lại hay che chở các cô tiểu thư. Nhưng có thể có các hiệp sĩ khác nghe thấy và điều đấy bất lợi cho mày đấy. Không phải tất cả các hiệp sĩ đều lịch thiệp và có giáo dục và cũng có những kẻ bất nhã và thô bạo. Và cũng không phải cứ mang danh hiệp sĩ là vẹn toàn đâu; có những hiệp sĩ chân chất, có những hiệp sĩ giả; mặc dù tất cả họ đều là hiệp sĩ nhưng không phải tất cả đã chịu sự thử thách của thực tế. Có những người địa vị thấp hèn cố ngoi lên để trở thành hiệp sĩ, cũng có những hiệp sĩ cao sang cố tình làm cho mình trở nên thấp hèn, một đằng tự nâng mình lên bằng lòng ham muốn hoặc bằng phẩm hạnh, một đằng tự hạ mình xuống do mềm yếu hoặc do thói hư tật xấu. Cần phải vận dụng sự hiểu biết tinh tế của mình để phân biệt hai loại hiệp sĩ này, tuy giống nhau về danh nghĩa những rất khác nhau về hành động. - Lạy Chúa, cô cháu gái nói. Cậu biết rất rộng và nếu cần, chắc chắn cậu có thể bước lên bục hoặc ra giữa phố để truyền giáo. Tuy nhiên, cậu rơi vào một sự mù quáng quá lớn và một sự điên rồ quá hiển nhiên khiến cậu tự cho là dũng cảm mặc dù đã già, là có sức mặc dù đã yếu, là có thể uốn nắn những sai trái mặc dù tuổi đã cao, và nhất là cậu tự cho mình là hiệp sĩ mặc dù không phải như vậy, bởi vì nếu các nhà quý tộc có thể trở thành hiệp sĩ, quy luật đó không áp dụng đối với những người quý tộc nghèo. - Cháu nói đúng lắm, Đôn Kihôtê đáp, và ta có thể dẫn ra đây những chuyện về dòng giống khiến cháu phải ngạc nhiên; song, ta không nói để khỏi lẫn lộn giữa thần và nhân. Hai bạn hãy chú ý nghe ta nói đây: có thể thâu tóm tất cả các dòng họ trên đời này và chia thành bốn loại: loại thứ nhất gồm các dòng họ từ thấp hèn đã phát triển dần lên, cuối cùng đạt tới địa vị cao sang; loại thứ hai gồm những dòng họ vốn dĩ quyền quý và giữ vững được địa vị đó như lúc ban đầu; loại thứ ba là những dòng họ ra đời bằng sự cao sang những kết thúc theo hình chóp, giống như kim tự tháp (loại này tự teo dần tới mức hầu như chẳng còn gì, giống như chân với đỉnh kim tự tháp vậy); loại thứ tư chiếm số đông, gồm những dòng họ có gốc gác bình thường, không phát triển, cũng không có tiếng tăm gì, là những dòng họ bình dân hoặc thường dân. Nói về dòng họ thứ nhất, từ chỗ thấp hèn leo đến địa vị cao sang ngày nay, ta có thể đơn cử dòng họ Thổ Nhĩ Kỳ, từ một kẻ chăn cừu thấp hèn đạt tới đỉnh cao như ngày nay ta đã chứng kiến. Về loại thứ hai gồm những dòng họ vốn dĩ quyền quý và giữ nguyên trạng địa vị đó, có thể kể ra đây ví dụ của rất nhiều người được thừa hưởng ngôi vua chúa và tiếp tục giữ vững địa vị đó, không tăng cũng không giảm, sống yên ổn trong lãnh thổ của mình. Về những dòng họ ra đời trong sự cao sang và kết thúc theo hình chóp có hàng ngàn ví dụ: dòng họ Pharaôn và Tôlômêô ở Ai Cập; dòng họ Xêdar ở Rôma cũng cả đống (nếu ta có thể dùng được từ này), vua chúa ở Mêđi, Axiri, Ba Tư, Hy Lạp, Barbari, tất thảy các dòng họ quyền quý đó đều kết thúc theo hình chóp tới mức bản thân họ cũng như ông cha họ hầu như không còn để lại dấu vết gì, ngày nay ta không tìm đâu được một người trong số con cháu của họ hoặc giả nếu có thì chỉ giữ một địa vị thấp hèn trong xã hội. Về những dòng họ bình dân, ta muốn nói rằng họ chỉ góp phần làm gia tăng dân số, ngoài ra không có danh vọng gì và cũng không có gì đẻ ca ngợi. Các con ngốc nghếch của ta ơi, từ những điều ta vừa nói, ta muốn các con rút ra kết luận là rất dễ có sự lẫn lộn giữa các dòng họ, vì chỉ có dòng họ nào đức độ, giàu sang và rộng rãi mới được coi là quyền quý, danh giá. Ta nói tới đức độ, giàu sang và rộng rãi vì nhà quyền quý mà xấu sẽ trở thành một nhà quyền quý xấu; người giàu không thảo sẽ trở thành một kẻ ăn mày keo kiệt; người có tiền cứ giữ khư khư thì không sung sướng gì, phải tiêu và biết tiêu, không tiêu bừa bãi. Người hiệp sĩ nghèo chỉ có một cách để tỏ ra mình là hiệp sĩ, đó là tỏ ra đức độ, nhã nhặn, nền nếp, lịch thiệp, lễ phép, ân cần, không kiêu căng, không ngạo mạn, không gièm pha, nhất là có lòng từ thiện vì một người sẵn lòng cho kẻ nghèo hai xu cũng rộng rãi không kém một kẻ vừa bố thí vừa khua chiêng gõ trống. Một người có đức tính như vậy thì dù không quen biết, ai cũng phải công nhận là người đó xuất thân quý tộc, và thật kỳ lạ nếu không phải như thế. Xưa nay, những lời khen ngợi vẫn là phần thưởng cho đạo đức, và có những con người có đức không thể không được ca ngợi. Các con ạ, có hai con đường để người ta trở nên giàu có và nổi tiếng: một là con đường văn chương, hai là con đường võ bị. Ta giỏi võ hơn văn; ta thiên về nghề võ vì sinh ra có sao Martê 2 chiếu mạng. Vì vậy ta bắt buộc phải đi theo con đường đó, dù ai nói ngả nói nghiêng. Các con sẽ phí công vô ích nếu muốn thuyết phục ta từ bỏ một việc làm mà trời muốn, số phận ra lệnh, lẽ phải yêu cầu, hơn thế nữa, đó là ý của ta. Vì ta biết những công việc của hiệp sĩ giang hồ nên ta nhìn thấy những sự tích vô biên mà nghề đó mang lại. Ta cũng biết rằng, con đường đi tới đạo đức rất hẹp, còn con đường đi tới thói hư tật xấu thì rộng thênh thang. Hai con đường dẫn tới hai mục đích khác hẳn nhau. Con đường quang quẻ của thói hư tật xấu dẫn tới chỗ chết, còn con đường khổ ai của đạo đức dẫn tới sự sống, một sự sống không bao giờ kết thúc, vô tận. Và, như một nhà thơ lớn của Tây Ban Nha chúng ta đã nói: Bằng những con đường gập ghềnh Ta lần tới đỉnh cao của bất diệt Không ngả nghiêng, không nao núng... - Rõ khổ tôi chưa, ông cậu tôi còn là thi sĩ nữa ư? Cô cháu gái kêu lên. Việc gì ngài cũng biết, việc gì ngài cũng làm được. Tôi đánh cuộc là nếu ngài muốn làm thợ nề, ngài có thể xây nhà dễ dàng như xây chuồng chim vậy. Đôn Kihôtê đáp: - Ta cam đoan với cháu gái ta rằng nếu những ý nghĩ hào hiệp đó không thu hút hết tâm trí ta, chắc chắn không có việc gì ta không làm được, không có vật quý gì tay ta không tạo ra, đặc biệt là chuồng chim và tăm xỉa răng. Lúc này có người gọi ngoài cổng. Trong nhà hỏi ai thì thấy tiếng Xantrô Panxa đáp: "Tôi đây". Vừa nhận ra Xantrô Panxa, bà quản gia vội lánh đi nơi khác vì bà ghét cay ghét đắng, không muốn nhìn mặt. Cô cháu gái mở cổng. Đôn Kihôtê tay bắt mặt mừng ra đón Xantrô và đưa vào phòng riêng, tại đó diễn ra một cuộc trao đổi khác lý thú không kém cuộc trao đổi vừa qua.