Đơn Kiếm Diệt Quần Ma
Chương 4 : Chữa bệnh giải nguy cứu ẩn hiệp - Tỷ võ mới hay kẻ giết cha
Sáng sớm ngày hôm sau, Tạ Vân Nhạc tiếp tục lên đường, Lan cô nương cũng ra tống tiễn, có vẻ âu sầu, ủ rũ, lòng quyến luyến chàng vô cùng. Tạ Vân Nhạc làm thinh, giả bộ như không hay biết giơ tay chào và nói câu “tái kiến” xong, liền quất roi ngựa đi thẳng.
Tới Hàng Châu, chàng du ngoạn viếng cảnh Tây Hồ, lục kiều Thiên Trúc, rồi lại đến sông Tiền Đường xem mặt trời mọc, hễ đến nơi nào có cảnh đẹp là ngừng bước thưởng thức hàng ngày mới về khách sạn nghỉ. Chàng ở Hàng Châu chơi được nửa tháng mới lên đường đi
Ngô Hưng vào tỉnh Giang Tô, qua Câu Dung, Trấn Giang rồi tới Dương Châu. Nơi đây tức Giang Đô, buôn bán sầm uất, đa số khách buôn muối bán gỗ, rất nhiều phú hào xây dựng nhà cửa ở đô thị này. Cứ đến chiều tối phố xá đèn đuốc sáng choang, tiếng đàn địch ca xướng, nhậu nhẹt đánh xoan, ầm ĩ khắp phố phường. Khách làng chơi qua lại đông như kiến, xa xa chỉ trông thấy đầu người nhấp nhô. Vân Nhạc cũng thủng thẳng đi dạo qua các phố xá, thấy rực rỡ những màu sắc huy hoàng, làm hoa cả mắt, chàng nghĩ:
- Cổ nhân vẫn thường nói: Trong túi có mười vạn quan tiền, hãy cởi ngựa lên Dương Châu du lạc. Nơi đây cái gì cũng có, quý hồ có tiền là tha hồ hưởng lạc mua vui.
Mới tới Dương Châu lần đầu tiên, Vân Nhạc cứ theo đám đông người đi bừa, qua tới phố thứ hai, thấy du khách càng đông đảo hơn, phải chen vai thích cánh mới đi được. Tánh chàng ưa tĩnh mịch thấy đông người như vậy, mất hết hứng thú ngoạn cảnh, chàng liền rảo cẳng trở về khách sạn.
Khách sạn chàng trọ tên là Trường Hưng, kiêm cả tửu lầu, ngoài mấy chục căn phòng để cho khách trọ ra, lại còn có một đại sảnh rất rộng, dùng làm tửu điếm, mấy chục bàn ăn lúc nào cũng có khách ngồi đầy, từ sáng tới tối, người vào ăn không lúc nào ngớt. Kiếm một bàn cạnh cửa sổ Vân Nhạc gọi ba món ăn và lấy một hũ rượu độc thực độc ẩm, cho tới canh ba, mới lên phòng ngủ. Có chút hơi men, chếnh choáng chàng lười không cởi áo, cứ thế nằm lăn ra giường định ngủ. Nhưng trằn trọc mãi không sao nhắm mắt được, chàng nghĩ thầm:
- Từ khi hạ sơn tới giờ, thấm thoát đã mấy tháng rồi, đã đi nhiều chỗ, nhưng cho tới nay kẻ thù là ai? Vẫn không biết. Nếu cứ nhắm mắt đi bừa thế này, không phải là thượng kế. Ta phải kiếm một người bàn tán tìm kế hoạch mới được.
Nghĩ tới đây chàng lại nhớ tới nghĩa huynh Lôi Tiếu Thiên. Càng nghĩ bao nhiêu, trong lòng chàng càng phiền não bấy nhiêu. Lý Đại Minh, Hạ Hầu Hàm, Kim Hoa Tam Kiệt và Lan cô nương hình ảnh các người đó đều lần lượt hiện lên trước mắt chàng, đầu óc chàng càng thấy bối rối thêm, bực mình ngồi dậy, hai chân xếp bằng tròn, đem võ công Quy Nguyên Thổ Nạp Tọa Công ra luyện tập cho tới khi quên hết cả bản thân và những vật xung quanh, đầu óc thật sáng suốt chàng mới thôi.
Tọa công chấm dứt, Vân Nhạc mới cởi áo lên giường để ngủ, bỗng nghe thấy từ căn phòng phía trước vẳng có tiếng người rên rỉ và tiếng trẻ khóc nức nở đưa ra, nghe kỹ mới biết có người đang đau nặng, chàng lập tức đứng dậy, mặc áo đi sang phòng đó, giơ tay định gõ cửa, chàng lại buông tay xuống, vì nghĩ nếu làm như vậy thì đường đột quá, chàng liền ra ngoài để hỏi phổ ky xem sao. Tên phổ ky đang ngồi ôm chân, miệng ngâm nga hát, thấy Vân Nhạc tới, vội đứng dậy, vừa cười vừa hỏi trước:
- Tướng công, trời còn sớm thế này mà định đi ngay hay sao?
Vân Nhạc xua tay lắc đầu, rồi khẽ hỏi:
- Người ở trọ, căn phòng phía trước phòng tôi có phải đang bị lâm trọng bệnh không?
Phổ ky đáp:
- Vâng, căn phòng ấy, mười ngày trước đây, có một ông già ăn mặc như một kẻ ăn xin, với một thằng bé tới mướn trọ. Ông già bị thương rất nặng, vào trong phòng là lăn ra giường, nóng lạnh kéo đến liên miên.
Ông ta lấy trong người ra một gói thuốc pha uống, ngờ đâu không hợp, bệnh càng nặng thêm lên, mê man bất tỉnh. Thằng bé lo sợ quá, chạy luôn ra ngoài phố, không biết nó lôi một người da vàng khè ở đâu về. Người đó thăm bệnh cho ông già, tỏ vẻ lo âu, rồi đi mời luôn danh y của thị trấn này là Hoàng Bá Đường tới. Thầy lang này có tiếng là Bán Tiên (nửa người nửa tiên) hễ chữa ai là người ấy khỏi liền, đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân. Sau khi thăm mạch xong, Hoàng Bá Đường lắc đầu nói rằng:
- Bệnh của ông cụ quá nặng, không còn thuốc gì chữa khỏi được, chỉ có thể sống được mười bữa nửa tháng là cùng.
Nói xong, ông ta không kê đơn và cũng không cho thuốc, cáo từ đi liền.
Ông chủ cháu nghe nói ông già sắp chết, nếu ông tắt thở tại bổn khách sạn thì thật tối kỵ mới yêu cầu người da vàng đem ông đi nơi khác. Người nọ van lơn ông chủ cháu mãi, và bảo ông già bệnh tuy nặng thật, nhưng chưa đến nỗi chết ngay. Hãy cho phép ông già được ở lại, chờ người đó đi lấy một thứ thuốc về cho uống là khỏi ngay tức thì. Người ấy đưa ông chủ cháu năm mươi lạng bạc, và vội vã đi liền. Nhưng ông ta đi đã được năm sáu ngày rồi, vẫn chưa thấy trở lại. Cháu xem, ông già nọ khó lòng sống thêm được.
Vân Nhạc chau mày nghĩ ngợi giây lát, liền nói:
- Chú làm ơn đưa tôi vào thăm ông già ấy xem sao?
Tên phổ ky hai mắt trợn tròn xoe, tỏ vẻ nghi ngờ, vừa cười vừa hỏi:
- Thế ra tướng công cũng biết thăm bệnh cho đơn đấy à? Vâng, mời tướng công đi theo cháu.
Nói xong, y dẫn đường đi trước, vừa đi vừa nghĩ thầm:
- Vị tướng công này có bệnh thần kinh chắc? Dù cậu ta có tài chữa bệnh đi chăng nữa, cũng không sao giỏi hơn Hoàng Bán Tiên được?
Hồi đầu chúng tôi có nói đến Minh Lương đại sư là cao tăng học rộng tài cao, y đạo thần thông, mới chữa cho Truy Hồn Phán khỏi chết, và được sống thêm được mười một năm nữa. Từ khi đại sư nhận Vân Nhạc làm môn đồ, người đã đem hết y học ra truyền dạy cho đồ đệ duy nhất đó, đến lúc đại sư dạy Vân Nhạc tới Hiên Viên Chân Kinh, trong pho kinh ấy có dạy cách chữa bệnh dùng kim vàng châm chích. Cho nên Vân Nhạc tuy chưa hề chữa cho một người nào, nhưng chàng rất giỏi về y lý.
Hai người đi tới cửa phòng của bệnh nhân, phổ ky gõ cửa và gọi:
- Cậu em ơi, làm ơn mở hộ cửa, có người tới thăm bệnh đấy!
Cửa phòng kêu kẹt một tiếng mở một bên cánh, một đứa bé ló đầu ra ngó. Thằng bé ấy ngũ quan đoan chính, thần thanh mục tú, hai mắt sưng húp hình như vừa khóc nhiều thì phải, nó đưa mắt nhìn hai người, rồi hỏi Vân Nhạc rằng:
- Vị đại thúc này biết chữa bệnh đấy à? Thôi được, thăm mạch qua loa cũng không sao! Mời đại thúc vào trong phòng.
Vân Nhạc nghĩ thầm:
- Thằng nhỏ này ăn nói như người lớn vậy?
Vừa nghĩ vừa bước chân vào trong phòng, thấy ông già nằm ngửa trên giường, đang thở hổn hển, cạnh giường thắp một cây nến nhỏ, ánh sáng lờ mờ, càng thêm vẻ bi đát. Thấy có người lạ vào, ông già cố gượng nói:
- Người bạn trẻ tuổi có lòng vào đây thăm nom, tôi cám ơn vô cùng. Nhưng bệnh của lão đây, những thứ thuốc thường dùng, không thể chữa khỏi được đâu. Chỉ sợ mất công của ông bạn mà không ăn thua gì thôi!
Vẻ mặt của ông già vẫn tỏ ra cứng cỏi lắm.
Vân Nhạc ngồi cạnh giường, ôn tồn an ủi rằng:
- Xin cụ chớ có lo ngại, bệnh của cụ tuy nặng thật, nhưng chưa đến nỗi nguy hiểm lắm, và cũng không đến nỗi tuyệt vọng như cụ vẫn nghĩ đâu. Cháu tự tin có thể chữa khỏi bệnh cho cụ được.
Thằng nhỏ nọ vội hỏi:
- Có thật không? Nếu chú chữa khỏi bệnh cho sư phụ cháu, cháu Chu Lân nay xin quỳ lạy chú ba lạy trước.
Nói xong, y quỳ xuống lạy liền. Vân Nhạc vội giơ tay ra ngăn cản, vừa cười vừa nói:
- Cậu em đừng lạy tôi vội. Nhưng cậu cứ yên trí sư phụ thể nào cũng khỏi bệnh.
Chàng cầm cây nến lên soi mặt ông cụ, xem lưỡi, thăm mạch một lúc, rồi đứng dậy vừa cười vừa nói:
- Mạch tuy hơi tán loạn, nhưng vẫn còn mạnh, có thể chữa được, bệnh này do phong tà mà nên, theo ý cháu xét đoán thì cụ giao tranh với người ta, đã hao tổn sức lực nhiều, sau lại phải bôn tẩu, không có thì giờ nghỉ ngơi điều dưỡng, cho nên chân khí tiết tán không thể tụ lại được nữa, rồi nội nhiệt lan tràn khắp tạng phủ, lại thêm nhiễm khí lạnh ban đêm nên âm hàn xâm nhập, bó chặt lấy các thớ thịt, nên mới khi nóng khi lạnh như vậy. Đồng thời cụ lại uống lầm thuốc đả thương, bế tích nhiệt nội thương vào trong các kinh mạch, cũng may bây giờ chữa chạy ngay chưa phải là muộn, chứ để vài ngày nữa, khi bệnh đã chuyển thành thương hàn, nếu có linh đơn cũng đành bó tay mà chịu, chớ không sao chữa khỏi được.
Ông già trợn mắt nói:
- Bạn trẻ nói rất đúng. Chẳng hay bạn có cách chữa không?
Thấy ông già ốm nặng như vậy, mà vẫn không che giấu chí khí cường ngạo nên Vân Nhạc bất giác sinh lòng khâm phục, chàng liền đáp:
- Quý hồ cụ chịu đựng được đau đớn, cháu có cách chữa khỏi được.
Ông già mỉm cười nói lớn thêm một chút:
- Bạn cứ ra tay chữa đi, lão bất tử đây tự tin có thể chịu đựng nổi đôi chút đau đớn. Vân Nhạc chỉ cười, không nói nửa lời, móc túi lấy một cái hộp bằng gang rất nhỏ ra mở nắp hộp lấy chín cái kim vàng để bên trong, kim nào cũng nhỏ như sợi tóc, dài chừng bốn tấc. Chàng bảo ông già nằm phục xuống, châm chín mũi kim vàng vào chín chỗ yếu huyệt, tuy cách một từng áo, mà chàng không châm sai một huyệt nào cả. Thủ pháp của chàng cao siêu vô cùng, chỉ thấy hai ngón tay kẹp mũi kim, thẳng như quản bút, châm một cái là nhập gần tới gốc, chớ không như các thầy lang châm cứu phải cầm chặt mũi kim từ từ châm vào. Chín mũi kim châm vào các huyệt rồi, ông già đau đớn quá phải rên rỉ vài tiếng, rồi lên tiếng nói:
- Bạn tuổi trẻ, bây giờ lão cảm thấy khắp mình mẩy vừa buồn vừa tê, buồn thì lão còn chịu nổi, chớ tê thì thật khó chịu quá!
Vân Nhạc cả cười rồi nói:
- Nếu dễ chịu thì khỏi làm sao được bệnh nặng cơ chớ? Xin cụ cố gắng chịu đựng thêm chút nữa, chờ tới khi cháu rút những mũi kim này ra, cụ còn phải nhịn hơi để giữ chân khí, đừng cho nó chạy khắp mọi nơi, bằng để chân khí tiết tán ra ngoài thì phiền lắm đấy!
Ông già trả lời rằng:
- Điều này lão biết lắm. Nhưng bạn tuổi trẻ này, bạn học môn tuyệt kỹ này ở đâu thế? Về môn kim châm trị bệnh này có nhiều võ lâm cao thủ và y gia biết cách sử dụng mà thôi, ngay như chính lão đây cũng chỉ hơi biết đôi chút, nhưng muốn đạt tới mức tinh thông như bạn, thật là khó và hiếm thấy. Theo chỗ lão nhận xét, về võ công chắc chú em cũng tương đương với y học phải không?
Thấy ông già đổi giọng gọi mình là chú em, Vân Nhạc tủm tỉm cười đáp:
- Về môn võ học cháu chỉ biết qua loa thôi, chưa thể nói là tinh xảo được. Cháu chỉ nghe người ta nói, cụ là kỳ nhân trong võ lâm, sau này cháu rất mong sẽ được cụ chỉ điểm thêm cho.
Ông già cười khì một tiếng rồi nói:
- Chú em muốn lão chỉ điểm cho ư? Chú em không nói lão cũng nghĩ cách đền ơn rồi. Chú cứ yên trí chữa cho lão đi, thế nào lão cũng tặng chú một thứ gì tương xứng.
Vân Nhạc cố nhịn cười, giả bộ nghiêm nét mặt nói:
- Thưa cụ, cháu chữa bệnh cho người có một điều khác các lang y là tam bất trị, không biết cụ đã hay chưa?
Ông già đang nằm phục vị, trán tựa lên gối, nghe thấy Vân Nhạc nói như vậy, vội ngửng đầu lên hỏi:
- Chú này nói kỳ lạ quá, lão làm sao biết được điều lệ của chú? Vậy điều tam bất trị ra sao? Chú làm ơn nói cho lão hay?
Vân Nhạc không nhịn được phải cất tiếng cười to một hồi, chàng nghĩ thầm:
- Điều tam bất trị của ta, đặt ra là để thoái thác, thì người ngoài biết làm sao được? Sở dĩ Vân Nhạc phải đặt điều như vậy là cốt để bệnh nhân trò chuyện với mình. Vì môn chữa bệnh bằng kim châm này, nếu bệnh càng nặng bao nhiêu càng phải để kim cắm trong yếu huyệt lâu bấy nhiêu. Trong thời gian ấy, bệnh nhân cảm thấy khó chịu, nếu không gợi chuyện để nói thì chịu đựng sao nổi, có khi người đuối sức chịu không được, chớ không phải Minh Lương đại sư đã dạy chàng như vậy.
Vân Nhạc vừa cười vừa đáp:
- Điều lệ tam bất trị của cháu là, một không chữa cho những kẻ táng tận lương tâm, hung ác vô cùng.
Lão già dùng giọng mũi hừ một tiếng mới nói:
- Điều này phải lắm. Nhưng theo y đạo thì không làm như thế được, chẳng lẽ thấy người sắp chết mà không ra tay cứu chữa hay sao?
Vân Nhạc đáp:
- Cháu có treo bảng hành y đâu mà y đạo bó buộc được cháu?
Ông già lớn tiếng nói:
- Trả lời khéo lắm, có lý. Còn điều thứ hai thì sao?
Thấy ông già đã nói to tiếng được rồi, biết chân khí của ông ta đã thuận, phong tà đã bị kim vàng đẩy về giữa tạng phủ, trong lòng hớn hở vô cùng, chàng liền tươi cười đáp:
- Điều lệ tam bất trị thứ hai của cháu là, không chữa cho những kẻ bề ngoài trông rất hiền lành tử tế, mà trong lòng thì gian trá hiểm độc.
Ông già nói:
- Phải lắm, còn điều thứ ba thì sao?
Vân Nhạc cả cười một hồi rồi nói:
- Điều thứ ba là không có lợi cho cháu, cũng không chữa.
Ông già lại lớn tiếng nói:
- Hà, hà, cậu nhỏ này đã biết trong người lão có cái gì có lợi cho cậu chắc? Thôi được, lần sau lão phải học khôn trước mới được.
Lúc ấy thằng bé tên là Chu Lân đứng cạnh, vẻ mặt đang lo âu cũng không nhịn được cười. Vì đã mấy ngày đêm rồi, hôm nay nó mới thấy sư phụ nó lớn tiếng cười nói như vậy.
Vân Nhạc thấy thời gian đã tới lúc phải rút kim ra rồi, liền vừa cười vừa hỏi ông già rằng:
- Lúc này cụ đã thấy trung khí hít lên được chưa?
Lúc vừa rồi mãi lo nói chuyện, ông già không để ý tới tại sao mình lại nói to tiếng như thế được, tới lúc này thấy Vân Nhạc hỏi, mới hít thử, quả nhiên trung khí đã có thể hít lên như thường rồi, nhưng còn hơi khó khăn một tí thôi, như vậy cũng hơn lúc chưa chữa nhiều lắm, cả mừng liền nói:
- Chú em tài thật!
Ông già nói xong cứ cười ha hả không ngớt.
Vân Nhạc bỗng nghiêm nét mặt nói:
- Thưa cụ cháu rút kim ra bây giờ đây, cụ nín hơi bế huyệt đi.
Nói đoạn, chàng dùng hai ngón tay rút từng cây mũi kim ra độ một tấc, và xoay tròn vài cái. Mỗi lần rút kim ra và xoay đi, thì ông già rên khẽ vài tiếng, chàng biết ông ta cảm giác buồn và tê hơn trước nhiều, ngừng một lát, chàng mới rút hẳn những mũi kim đó ra, giơ ngón tay ra điểm ba nơi huyệt trọng yếu, rồi nói:
- Bây giờ cụ không phải tự bế huyệt nữa.
Dặn xong, chàng móc túi lấy một lọ bằng ngọc nho nhỏ ra, lấy một viên thuốc Trường Xuân Đơn màu hồng, thơm tho vô cùng, đưa cho ông già uống. Uống xong viên thuốc ấy, ông già cảm thấy miệng ngọt ngào, trong bụng thư thái khôn tả.
Vân Nhạc lại bảo ông già cởi hết quần áo ra, dùng chỉ pháp Hiên Viên nắn bóp các trọng huyệt ở khắp châu thân.
Ông già thấy chỉ pháp của chàng kỳ lạ quá, vừa chạm tới là di chuyển ngay, nhưng bỗng có một sức mạnh và hơi nóng chạy khắp các bắp thịt và gân cốt, sau lại có một luồng hơi ấm áp, giúp huyết mạch và chuyền đi khắp thân thể, rồi đổ dồn vào cả nơi đơn điền tụ họp lại.
Sắc mặt của ông già đỏ dần, một lát sau, ông già trợn to mắt lên, vừa mặc quần áo xong, đã la lớn nói:
- Giỏi thật, chú em này, chỉ một môn xoa bóp huyệt của chú, lão cũng phải học đến mười năm mới biết được. Thế mà chú còn đòi lão dạy võ cho? Như vậy có phải chú định đùa lão không?
Vân Nhạc thấy ông già lúc thì gọi mình là bạn trẻ, lúc thì gọi mình là chú em, lúc thì gọi là cậu nhỏ, biết ngay ông ta là một quái kiệt du hí phong trần, nên không để bụng trách cứ, liền nói:
- Bây giờ nội thương của cụ đã khỏi hẳn rồi, riêng có phong tà chưa hết, để cháu khai một cái đơn, cụ sai phổ ky đi ra tiệm bốc thuốc chỉ uống một vài thang là khỏi hẳn.
Nói xong, chàng bảo Chu Lân ra hỏi chủ tiệm lấy giấy và bút mực, để mình khai đơn. Chàng khai đơn Khương Hoạt Xung Hòa Thang, và thêm bớt chút ít phần lượng. Thấy vậy, ông già khen ngợi luôn miệng rằng:
- Chỉ những chữ đẹp như rồng bay phượng múa, bút lực mạnh cả ngàn cân thế này cũng hiếm có lắm rồi.
Vân Nhạc tủm tỉm cười và đưa đơn thuốc cho Chu Lân. Cậu bé hớn hở chạy thẳng ra ngoài đi kiếm phổ ky bảo đi bốc thuốc liền.
Lúc ấy trời đã sáng tỏ, trong khi Vân Nhạc ở trong phòng chữa bệnh cho ông già, thì bên ngoài các khách thương đang ồn ào sửa soạn hành trang để lên đường, các phổ ky bận tíu tít lên.
Chu Lân kiếm được tên phổ ky hôm giới thiệu Vân Nhạc đêm hôm qua, liền nhờ đi bốc thuốc hộ. Tên phổ ky đó đang bận pha trà cho khách, thấy cậu bé nhờ như vậy, liền lớn tiếng trách rằng:
- Cậu không thấy tôi bận hay sao? Làm gì có thời giờ đi bốc thuốc hộ cậu chớ? Vả lại sư phụ cậu đằng nào cũng không thể qua khỏi được còn tốn tiền làm gì? Thà để số tiền ấy...
Nói tới đây, y biết lỡ lời, liền đổi giọng hỏi:
- Sao? Ông cụ đi với cậu, nhờ tướng công nọ chữa cho, đã khỏi rồi hay sao. Chu Lân gật đầu. Tên phổ ky bỏ cả tiếp khách, cướp lấy đơn thuốc, ba chân bốn cẳng chạy thẳng vào phòng ông già, thấy ông cụ đang ngồi trò chuyện với Vân Nhạc, tên phổ ky kinh ngạc đến há hốc mồm.
Ông già thấy tên đó kinh hãi quá nỗi, liền vừa cười vừa nói:
- Thấy lão vẫn chưa chết, cậu lấy làm ngạc nhiên lắm phải không?
Phổ ky mặt đỏ tía tai, vội đáp:
- Ông hay nói bông thật.
Vân Nhạc không muốn tên phổ ky bị ông già mắng, liền móc túi lấy ra mười lạng bạc sai tên nọ đem đi bốc thuốc, còn dư thì cho cả y.
Tên phổ ky cảm tạ luôn miệng, và liến thoắng nói:
- Tướng công quả thật là một vị thần tiên. Trong thiên hạ này mà lại có người tài giỏi hơn Hoàng Bán Tiên thì kỳ lạ! Kỳ lạ!
Y vừa nói vừa chạy thẳng ra, nhanh như gió.
Lúc ấy Vân Nhạc liền hỏi ông già rằng:
- Cháu đoán cụ nếu không phải là kỳ nhân trong võ lâm thì cũng là phong trần quái kiệt.
Ông già cười ha hả cười một hồi rồi đáp:
- Bảo tôi là võ lâm kỳ nhân thì tôi không dám nhận, còn chú bảo tôi là phong trần quái kiệt hoặc giả có phần đúng hơn. Lão họ Thương tên là Tỷ, ở trong võ lâm người ta tặng cho cái biệt hiệu nho nhỏ là Cửu Chỉ Thần Long. Chẳng hay chú em có nghe người ta nói tới tên lão bao giờ không?
Vân Nhạc kinh ngạc la lớn nói:
- Thế ra lão tiền bối là Cửu Chỉ trong Cái Bang Tam Lão đấy à?
Nói đoạn, chàng đưa mắt nhìn hai bàn tay của Thương Tỷ, nghĩ thầm:
- Vừa rồi lúc ta thăm mạch, chẳng trông thấy hai tay ông ta có đủ mười ngón hay sao. Mà tại sao người ta lại đặt biệt hiệu cho ông ta là Cửu Chỉ thế? Hay là vừa rồi đôi mắt của ta hoa, chưa trông rõ cũng nên?
Thương Tỷ thấy chàng ngơ ngác, liền hiểu ngay và nói:
- Chú cứ gọi lão là lão tiền bối làm gì? Nghe nó chướng tai quá!
Nói xong, ông ta giơ thẳng hai tay, nói tiếp:
- Đây, chú em đã trông rõ chưa?
Lúc này Vân Nhạc mới nhìn rõ, bàn tay trái của Thương Tỷ ngón giữa có lắp một ngón tay bằng đồng màu da, trông rất tinh xảo, thoáng trông không ai dám bảo ngón tay đó là giả. Vân Nhạc gật đầu, và hỏi Thương Tỷ tại sao lại cụt một ngón tay như vậy?
Thương Tỷ giơ tay chỉ thằng nhỏ Chu Lân đứng cạnh đó, và kể cho chàng nghe một câu chuyện dĩ vãng.
Thì ra, cha của Chu Lân, là Xuyên Vân Thủ Chu Luân Thiên, năm xưa là một đại hiệp nổi danh khắp miền Yến Vân, tới lúc tuổi già trở về bờ hồ Đông Bình ở huyện Đông Bình tĩnh Sơn Đông ẩn dật, lập gia đình, sống cuộc đời an nhàn hạnh phúc. Chỉ vì những năm trước lúc hành đạo ở giang hồ, có kết thù kết oán với Phụ Thành Tứ Bá tỉnh Hà Bắc là Thanh Diện Sư Vưu Lượng, Diêm Thanh Lệnh Trần Thọ Bình, Thảo Thượng Phi Dương Mộ Hào, Thiên Thủ Quái Viên Hồ Lũng... Và Thanh Diện Sư Vưu Lượng bị Chu Luân Thiên chặt đứt năm ngón tay trái, Tứ Bá địch không nổi Chu Luân Thiên, liền cao chạy xa bay. Ngờ đâu Tứ Bá lại tới trú ẩn dưới môn hạ của Trường Bạch Sơn Ma Tôn Giả, luyện được võ công tuyệt kỹ, liền hạ sơn gia nhập Hồng Kỳ Bang hoành hành ba tỉnh Tô Châu, Giang Tây và Triết Giang, để mưu trả mối thù xưa. Thương Tỷ đi qua Tây Linh Giáp phủ Nghi Xương, ngẫu nhiên nghe thấy thủ hạ của Hồng Kỳ Bang nói tới việc này. Ông ta là bạn thân của Chu Luân Thiên, hay tin đó vội thẳng tới Đông Bình báo cho bạn hay. Ngờ đâu ThươngTỷ tới chậm một bước, Chu Lân Thiên đã bị kẻ thù là Phụ Thành Tứ Bá dẫn các đồng đảng trong Hồng Kỳ Bang tới giết chết rồi. Nhưng bọn Tứ Bá vẫn chưa chịu dừng tay, còn định tiêu diệt cả nhà Chu Luân Thiên nữa, Thương Tỷ thấy vậy tức giận vô cùng, liền mạo hiểm ra tay, một thân một mình địch với mười bảy tay hảo thủ của Hồng Kỳ Bang, đả thương năm tên tại trận, cứu được Chu Lân ra khỏi miệng hùm. Phụ Thành Tứ Bá triệu tập thêm thủ hạ đuổi đánh.
Thương Tỷ phải bày mưu đặt kế mới thoát khỏi vòng vây của chúng, Thương Tỷ chạy ba ngày ba đêm, không có một giọt nước vào miệng, bị thương khắp mình mẩy, mỏi mệt vô cùng, đêm tới lại bị hơi lạnh xâm nhập nội tạng, vừa tới Giang Đô bệnh trở nặng, đành phải vào nằm trong khách điếm này, không dám để lộ hành tung cho bang Hồng Kỳ hay biết, định sai Chu Lân cầm phù hiệu của bổn bang tới Dương Châu gọi tên Bang đầu của Cái Bang nơi đó là Truy Phong Trích Vy Tiền Ninh đi tỉnh Hồ Bắc xin thuốc của Long Bình Y Ẩn Cửu Tử Minh để cứu chữa. Vẫn biết bệnh thì nặng mà nơi xin thuốc lại ở thật xa, viễn thủy không cứu nổi cận hỏa, nhưng cũng đành cứ bảo y cố đi xem. Thật may mắn cho lão vô cùng, bỗng nhiên lại gặp chú em nơi đây, chứ không lão đành phải phơi xác nơi đất khách này, chớ không sai!
Vân Nhạc nghe Thương Tỷ kể xong, động lòng thương, liền kéo Chu Lân lại gần vuốt ve một hồi nghĩ thầm:
- Cảnh ngộ của thằng bé này cũng giống như ta năm xưa vậy!
Chàng liền nói:
- Thương lão tiền bối có người đồ đệ này có thể yên tâm được, cháu chắc sau này cậu em thể nào cũng trả được thù đó.
Thương Tỷ trợn mắt nói:
- Chú này kỳ thật, lại gọi tôi là lão tiền bối và tự nhận là cháu rồi. Nếu chú nể mặt tôi thì từ giờ chú gọi tôi là lão ca ca thôi. Nếu luận về nghề nghiệp thì hiện thời chưa chắc chú đã kém lão là bao. À, lão thật lú lẫn quá, vẫn chưa hỏi tên họ của chú là gì? Và là môn hạ ai?
Vân Nhạc thở dài một tiếng, liền nói:
- Ân sư của tiểu đệ là một vị cao tăng, nhất định không cho đệ được thổ lộ cho một ai hay biết, cho nên đệ không thể thưa cùng lão huynh hay được. Còn thân thế của tiểu đệ cũng tương tự như cậu em đây, nhưng kẻ thù là ai, tới giờ đệ vẫn chưa hay biết. Cho nên đệ lên miền bắc, một là để gặp một vị nghĩa huynh đã hẹn ước từ hồi nọ. Hai là vừa đi vừa điều tra xem kẻ thù năm xưa là những ai.
Cửu Chỉ Thần Long trợn tròn hai mắt, cả cười một hồi rồi nói:
- Nói chuyện đến nửa ngày, mà chú em không thổ lộ một chút nào cho lão huynh hay? Tánh nết của chú có nhiều điểm hơi giống lão huynh. Dù chú không chữa bệnh cho lão, lão cũng muốn kết bạn với chú. Nếu chú không chịu cho lão huynh hay sư phụ của chú là ai, kẻ thù là ai, lão huynh cũng không miễn cưỡng chú làm gì. Nhưng còn tôn tánh đại danh của chú và nghĩa huynh của chú, có thể cho lão huynh biết chớ?
Vân Nhạc cả cười, vội đáp:
- Tiểu đệ họ Tạ tên Vân Nhạc, nghĩa huynh của đệ là Càn Khôn Thủ Lôi Tiếu Thiên. Cửu Chỉ Thần Long Thương Tỷ lại trợn mắt la lớn:
- Sao hả? Chú lại giao kết với tên quỷ quấy rối đấy à? Hừ, như vậy sau này hai chú thể nào cũng diễn nhiều tấn tuồng cho thiên hạ kinh ngạc chớ không sai! Nếu vậy, lão đây cũng xin nhập bọn, chẳng hay chú có bằng lòng không? Vân Nhạc lẩm bẩm từ chối rằng:
- Chúng đệ đâu dám với cao đến thế?
Cửu Chỉ Thần Long Thương Tỷ nghiêm nét mặt nói:
- Thôi, chú đừng có giở cái trò đàn bà ra nữa. Chúng ta làm gì cũng phải thẳng thắn nhanh chóng. Cứ thế này, lão là đại ca, chú là tam đệ. Chú xem thằng bé Chu Lân đây có thể dạy bảo được không?
Vân Nhạc thấy Thương Tỷ nói tự quyết, không cần chàng có bằng lòng không, đã nhận ngay là đại ca rồi, chàng nghĩ thầm, mình mới ra đời, cô lập không người trợ giúp, nên cũng không từ chối, liền cả cười và nói:
- Đại ca đã nhận nó là môn đồ, tất nhiên nó phải khá giả chớ!
Nói tới đó, chàng gãi đầu vài cái, lại nói tiếp:
- Bây giờ chúng ta đã nhận là anh em rồi, như vậy các môn hạ của quý bang gặp đệ chắc cũng khó xưng hô đấy nhỉ?
Chu Lân vội kỳ xuống vái lạy, gọi chàng là tam sư thúc ngay. Vân Nhạc vội đỡ cậu bé dậy, liền nói:
- Tánh sư phụ cháu xưa nay không ưa lệ tục phiền phức như thế này, sao cháu lại quỳ lạy chú như vậy làm gì?
Thương Tỷ vừa cười vừa nói:
- Tam đệ tuổi trẻ như vậy đã làm trưởng bối của bổn môn. Người ta cầu mong được như vậy rất khó, mà chú lại cứ dửng dưng lại được. Bây giờ chú định lên miền bắc, để đại ca gửi thằng Chu Lân tới nhà bạn chí thân là Ngô Giang Ngư Tú Đinh Nhất Bình, nhờ ông dạy bảo nó ba năm võ nghệ trước, rồi ta đi miền bắc gặp chú sau.
Nói xong, Thương Tỷ móc túi lấy ra một thẻ đồng đen nhánh, trên khắc ba con vật: Long, Hổ và Sư Tử, ra đưa cho Vân Nhạc và trịnh trọng bảo rằng:
- Thẻ này là phù lệnh rất quyền oai của bổn môn Cái Bang, đến như Bang chủ hiện nhiệm (đang đảm nhiệm Bang chủ kỳ này) cũng phải kính cẩn nghe lệnh. Chú đi tới đâu muốn cho đại huynh hay, chú cứ việc kiếm anh em của bổn bang dặn bảo vài câu là đại huynh sẽ kiếm tới liền. Nếu có việc gì khẩn cấp cần người giúp đỡ, chú cứ cầm cái thẻ này tới liên lạc với các thủ lãnh chi bộ của bổn bang là có người chờ lệnh chú sai bảo ngay.
Đỡ lấy thẻ đồng bỏ vào túi, Vân Nhạc nói:
- Dù có việc hay không, cứ tới ngày mùng bốn tháng năm, đại ca tới Lư Cầu Kiều gặp chúng em. Lúc ấy nhị ca sẽ có mặt tại đó.
Cửu Chỉ Thần Long vừa cười vừa nói:
- Điều này chú chỉ nói qua là ta lãnh hội liền. Chúng ta nhất ngôn như sơn, chưa biết chừng vừa ra khỏi biên giới tỉnh Sơn Đông đã gặp mặt nhau rồi.
Lúc ấy phổ ky đã bưng một bát thuốc vừa nóng vừa đen nhánh đưa lên, Thương Tỷ đỡ bát thuốc, một hơi uống cạn. Vân Nhạc dặn phổ ky sắc thêm thang nữa. Tên phổ ky vâng dạ luôn miệng rồi lui ra ngoài liền.
Vân Nhạc mời hai thầy trò Thương Tỷ ra ngoài thực đường dùng cơm, vì Cửu Chỉ Thần Long mới khỏi bệnh, nên Vân Nhạc không gọi rượu, chỉ bảo làm mấy món ăn để dùng cơm thôi. Thương Tỷ không ăn quen, có vẻ khó nuốt trôi. Hai người ở khách sạn đó vui vầy ba ngày, đến sáng ngày thứ tư, Thương Tỷ cùng Chu Lân cởi ngựa xuôi xuống miền nam. Vân Nhạc thì đi lên Cao Bưu. Cao Bưu cách Giang Đô chừng hơn dặm đường, chiều tối hôm đó Vân Nhạc đã đến nơi rồi, liền vào trọ khách sạn Liên Vân.
Liên Vân khách sạn, khách ở trọ đông đúc lắm, nhưng họ ra vào có vẻ chướng mắt đôi chút, vì những khách đó đều là nhân vật trong võ lâm vai đeo khí giới, chuôi khí giới buộc tua ngũ sắc, trông rất choáng mắt.
Bọn người ấy trông thấy Vân Nhạc thì tỏ vẻ khinh thị. Phổ ky dẫn chàng vào căn phòng trên ở bên phía đông, cạnh cái sân lớn, pha trà bưng nước lên cho chàng rửa mặt xong đâu đấy, đứng buông xuôi tay vừa cười vừa hỏi:
- Chẳng hay tướng công có dặn bảo thêm điều gì không?
Vân Nhạc liền hỏi:
- Khách sạn này sao có nhiều nhân vật giang hồ ở trọ thế? Những ngày thường có như thế không?
Phổ ky vừa cười vừa đáp:
- Tướng công là nhà nho, vả lại khách qua đường, tất nhiên không sao hiểu được những việc của nhân vật trong võ lâm. Tướng công muốn rõ nguyên nhân tại sao họ lại tới trọ đông đúc như vậy, cháu xin kể rõ để tướng công hay. Cách huyện Cao Bưu này bốn mươi dặm, có Chu gia trang, Trang Chủ là đại hiệp lừng danh khắp hai tỉnh Hoài Nam, Hoài Bắc, tên ông ta là Truy Tinh Trích Nguyệt Chu Duy Thành thì phải. Nghe nói ông ta tài ba lắm, năm nay đã sáu mươi tuổi, ba ngày nữa là sẽ tới ngày chúc thọ. Chu đại hiệp đã phát thiệp Lục Lâm, định trong bữa tiệc tuyên bố phong kiếm quy ẩn, hơn nữa ông ta có một cô tiểu thư tên là Nguyệt Nga, tài sắc vô song, võ nghệ hình như còn giỏi hơn cha. Nàng có hai thanh bảo kiếm Cự Khuyết và Thanh Hồng, muốn nhân ngày chúc thọ của cha, cử hành đại hội tỷ võ. Nếu ai tài giỏi hơn cô ta, không những được tặng bảo kiếm Cự Khuyết và còn được làm chồng cô ta nữa. Vì tin mừng ấy vang khắp xa gần, nên các anh hùng hào kiệt bốn phương đều tấp nập tới dự, nhờ vậy bổn điếm mới được đông khách giang hồ võ lâm như vậy.
Nói xong, y cứ tít mắt lên cả cười.
Lúc này Vân Nhạc mới rõ tại sao nơi đây lại có nhiều người võ lâm ra vào như vậy, chỉ cười nhạt thôi, chớ không động lòng chút nào, rồi nói:
- Cám ơn chú phổ ky nhé!
Bỗng nghe thấy trong sân có tiếng gọi lớn:
- Phổ ky!
Điếm tiểu nhị vâng dạ luôn, chạy thẳng vào bên trong.
Vân Nhạc nghỉ ngơi giây lát rồi một mình ra khỏi khách sạn đi xem thị trấn nơi đây ra sao. Huyện Cao Bưu náo nhiệt kém Giang Đô, nhưng nơi đây cũng là một chỗ nghỉ chân của những người qua đường lên miền bắc, nên không đến nỗi vắng vẻ cho lắm. Chàng vào một phạn điếm dùng cơm, xong đâu đấy mới trở về khách sạn nghỉ ngơi. Đi được vài bước, thấy một tên ăn xin già đứng tựa bên đường, ngửa tay xin tiền khách qua lại, sực nghĩ ra một kế, móc túi lấy chút bạc lẻ, nhét vào tay lão ăn xin, khẽ nói:
- Cụ già, tôi muốn gặp Bang đầu của quý bang để hỏi han chút việc, chẳng hay hiện giờ ông ta ở đâu?
Lão ăn xin đang định cám ơn, nghe chàng hỏi như vậy, sắc mặt lạnh lùng, trợn mắt nhìn chàng một hồi, không nói năng gì. Thấy vậy, Vân Nhạc vội móc túi lấy thẻ đồng của Cửu Chỉ Thần Long tặng cho, đem ra cho lão ăn xin cho. Lão nọ trông thấy thẻ đồng, sợ hãi vô cùng, cung kính khẽ nói:
- Thưa tướng công, nơi đây người đi lại đông đúc, mời tướng công theo tiểu nhân lại đằng này.
Nói xong lão ăn xin quay mình đi vào một ngõ hẻm. Vân Nhạc theo sát lão ăn xin, trong ngõ hẻm đen tối như mực, những điều này không làm khó được chàng, vì người tập võ nào cũng luyện dạ nhãn, quanh co bảy tám đường hẻm khúc khuỷu khó đi, tới trước miếu Tam Quan. Lão ăn xin dặn chàng chờ đợi giây lát, rồi đi thẳng vào bên trong.
Miếu Tam Quan này không có hương đèn đã lâu, bên trong âm thầm đen tối, chỉ có ánh sao lờ mờ, chàng trông thấy bên trong đổ nát, mới hay miếu này hoang phế đã lâu, không có người cư trú, thấy thế bọn ăn xin mới dọn đến ở, trở nên trụ sở của Bang đầu Cái Bang huyện Cao Bưu.
Một lát sau, trong miếu có hai người bước ra, một là lão ăn xin dẫn đường còn người kia trông cũng là một tên ăn xin trạc độ năm mươi, người gầy gò và cao lêu nghêu. Trông thấy Vân Nhạc, tên ăn xin gầy cao chắp tay vái chào rồi hỏi:
- Tướng công cầm lệnh Thần Long Sư Hổ của bổn môn tới đây, chẳng hay có việc chi sai khiến chúng tôi?
Vân Nhạc vừa cười vừa nói:
- Ngài có phải là Bang đầu địa phương này không? Xin cho biết cách xưng hô ra sao?
Lão ăn xin gầy cao đáp:
- Tiểu nhân không dám, tiểu nhân là Bạch Văn Lượng. Đứng nơi đây nói chuyện không tiện, xin mời tướng công vào bên trong thì hơn.
Nói xong, y dẫn đường đi trước, Vân Nhạc theo bước vào, xuyên qua cánh cửa bên khánh thần, vào tới căn phòng bên phải, trong đó bày biện rất giản dị, chỉ có một giường, một bàn và hai ba chiếc ghế, bếp núc cũng ở cả trong ấy, nhưng rất sạch sẽ. Mời Vân Nhạc ngồi xong, Bạch Văn Lượng liền hỏi:
- Chẳng hay tướng công đại danh là gì? Thần Long Sư Hổ lệnh kia có thể cho tiểu nhân coi được không?
Lúc này Vân Nhạc mới trông thấy rõ mặt Bạch Văn Lượng, thấy râu vàng và quăn mọc đầy mặt, chỉ vừa có nơi trán và mắt mũi là nhẵn nhụi thôi hai mắt lóng lánh có thần, hai bên thái dương phồng lên, thấy y hỏi, chàng vội rút lệnh Thần Long Sư Hổ ra vừa cười vừa nói:
- Tên tôi là Tạ Vân Nhạc.
Bạch Văn Lượng kinh ngạc nói:
- Thế ra ngài là Tạ thiếu hiệp danh tiếng chấn động Kim Hoa đấy? Chúng tôi thất kính quá, thiếu hiệp thứ lỗi cho.
Vừa nói y vừa hai tay cung kính đỡ lấy thần lệnh, để đứng trên mặt bàn, Bạch Văn Lượng và tên ăn xin già cùng kỳ xuống vái đại lễ, rồi dâng trả Vân Nhạc, và nói:
- Thần Long Sư Hổ lệnh này có tất cả bảy cái, phải có việc lớn, chớ ngày thường ít khi trông thấy. Bổn bang tổng đường chỉ có ba cái thôi còn bốn cái nữa bổn bang tam đại trưởng lão mang theo bên người. Thần lệnh lại chia làm hai thứ, ba cái của tổng đường làm bằng đồng Diễn Điện, còn bốn cái của tam đại trưởng lão thì chế bằng đồng tía. Thần lệnh của thiếu hiệp cầm đây là thứ bằng đồng tía. Lệnh này trưng ra là đại diện địa vị của trưởng lão và cũng đại biểu oai quyền chí cao vô thượng, không những thế có thể phát hiệu, thi lệnh cho các môn hạ của bổn bang, thiếu hiệp muốn sai bảo điều gì, dù ra sống vào chết cũng phải thuận tòng, và còn có thể thay mặt trưởng lão trừng trị ra lệnh giết những môn hạ phạm lỗi nữa. Xin hỏi thiếu hiệp, thần lệnh này có phải trưởng lão của bổn bang tặng không? Câu này đáng lẽ tiểu nhân không có quyền hỏi tới, nhưng trả lời hay không là tùy ở thiếu hiệp.
Tạ Vân Nhạc liền kể rõ đầu đuôi chuyện chữa bệnh cho Thương Tỷ và được tặng thần lệnh này cho hai người nghe.
Bạch Văn Lượng kinh hãi, vội đứng dậy tiến tới trước mặt chàng, khuất một chân quỳ xuống, rồi nói:
- Tạ thiếu hiệp đã kết nghĩa anh em với Cửu Chỉ trưởng lão, tức là bề trên của bổn môn, xin hỏi thiếu hiệp có dặn bảo điều gì, dù phải ra sống vào chết tiểu nhân cũng không dám chối từ.
Vân Nhạc vội đỡ Bạch Vân Lượng dậy, nghiêm nét mặt nói:
- Bạch bang đầu, thần lệnh này do sự trao đổi giữa tôi với Thương Trưởng Lão, chớ tôi có phải là lệ thuộc chấp sự trong quý bang đâu? Ngài làm như thế này, tôi không biết nói năng gì nữa.
Bạch Vân Lượng vẻ mặt thành khẩn, buông xuôi hai tay đứng yên đáp:
- Tạ thiếu hiệp khiêm tốn như vậy, tiểu nhân phải cung kính tuân theo vậy.
Ngừng giây phút y lại nói tiếp:
- Hiện giờ Hồng Kỳ Bang ngông cuồng quá độ, chúng đã gây thù, gây hấn với Cửu Chỉ trưởng lão, tệ bang không thể nào khoanh tay ngồi yên được, Bạch Văn Lượng xin tập hợp tất cả anh em trong tỉnh Tô Bắc, để mưu đại kế đối phó với bọn chúng. Tới lúc ấy thử xem Phụ Thành Tứ Bá tài ba đến thế nào?
Vân Nhạc gật đầu nói:
- Nghe nói Hồng Kỳ Bang mới nổi tiếng bốn năm năm nay, nhưng thế lực của chúng đã lan tràn khắp ba tỉnh. Chúng tiến nhanh như vậy, trong bang của chúng tất phải có người tài ba mới làm nổi. Tôi mới bước chân vào giang hồ, chưa biết Hồng Kỳ Bang vô pháp vô thiên tới mức độ nào, và cũng chưa hề nghe thấy ai nói tới. Nay Bạch bang đầu định tiêu diệt chúng, theo ý tôi thì nên từ từ là hơn. Vả lại Cửu Chỉ trưởng lão chắc thể nào cũng có kế hoạch đối phó với chúng rồi.
Nói xong, chàng lại hỏi đến chuyện phong kiếm quy ẩn của Chu Duy Thành. Nghĩ ngợi giây phút Bạch Văn Lượng mới đáp:
- Việc này không liên can gì với chúng tôi, nếu thiếu hiệp không hỏi tới chúng tôi đã quên khuấy đi mất. Nguyên Chu Duy Thành là môn hạ của phái Thái Cực, võ học tinh xảo. Sau tuổi trung niên y liền an cư chuyên nghiệp, dạy bảo đồ đệ của y, nhưng thỉnh thoảng y cũng đi lại đất Tô Bắc, chủ trì chính nghĩa của võ lâm, nên y đã được các phái võ lâm ban cho y cái danh hiệu là Lưỡng Hoài Đại Hiệp. Nay y phong kiếm quy ẩn là một sự bất đắc dĩ...
Việc đó do ba năm trước đây Hồng Kỳ Bang khẩn khoản mời y gia nhập bang, nhưng y cự tuyệt không chịu, vì vậy nên mới nảy sanh ác cảm giữa y và Hồng Kỳ Bang. Cho nên Bang Hồng Kỳ luôn luôn tới quấy rầy Chu gia trang, nhưng y cũng rất khéo đối phó, nên mọi sự đều yên. Đầu năm nay, Hồng Kỳ Bang lại phái người tới Chu gia trang cầu hôn. Chúng nói là nghe thấy Chu tiểu thư chưa có hứa hôn với ai, và trong bang chúng có tên Ngọc Diện Nhị Lang Thân Nhất Minh, đảm nhận chức Đường chủ ở ngoại tam đường, và là đệ tử của phái Không Động, chưa có gia thất, và tuổi hãy còn trẻ, đẹp trai... Người tới cầu hôn ca tụng Thân Nhất Minh là người trên đời hiếm có. Nhưng Chu Duy Thành không ưa Bang Hồng Kỳ đã lâu, nhân cớ này liền cự tuyệt tức thì. Tuy vậy Hồng Kỳ Bang vẫn chưa chịu thôi, đôi ba phen phái người tới cầu hôn nữa, và vẫn bị cự tuyệt như những lần trước. Sau cùng, Hồng Kỳ Bang nổi giận, tuyên bố nếu Chu Duy Thành không gả Chu tiểu thư cho Thân Nhất Minh chúng sẽ diệt Chu gia trang thành đất bằng, rồi phái bọn người đến ở xung quanh Chu gia trang để do thám... Cho nên bất đắc dĩ, Chu Duy Thành đành phải cho Hồng Kỳ Bang, là tới ngày chúc thọ sáu mươi tuổi, y sẽ cho phát thiếp Lục Lâm, mời tất cả anh hùng hào kiệt bốn phương tới dự, rồi trước mặt công chúng tuyên bố phong kiếm quy ẩn, và sẽ thành lập một lôi đài Uyên Ương, để thí võ cầu hôn. Bất cứ là ai, hễ mà thắng được liền mười trận, và chưa có gia thất là ông ta sẽ gả Chu tiểu thư cho.
Nếu Hồng Kỳ Bang thắng, tất nhiên ông ta sẽ không còn lý do gì để phản đối, mà để cho Thân Nhất Minh được toại nguyện. Sở dĩ Chu Duy Thành đặt điều kiện này là cốt ý muốn để các nhân sĩ trong võ lâm đứng chủ trì chánh nghĩa cho, còn nếu bên Chu gia trang đánh bại bọn Hồng Kỳ Bang, thì ít ra ông ta cũng sẽ được yên ổn trong một thời gian khá lâu, khỏi bị bọn chúng tới quẫy nhiễu nữa. Còn về bên Hồng Kỳ Bang cũng biết rõ mưu kế của Chu Duy Thành là thế, nhưng chúng lại tự phụ là trong bang chúng có rất nhiều cao thủ tài nghệ tinh xảo, và tỉnh Tô Châu này lại là phạm vi hoạt động của chúng, nên chúng cũng muốn nhân dịp này, tiêu diệt tất cả nhân vật hiệp nghĩa của các phái võ lâm khác, dù cho không được như ý muốn, nhưng ít ra chúng cũng đã tiêu diệt được một phần nào. Vì vậy chúng rất đồng ý với Chu Duy Thành trong việc lập Uyên Ương Đài là thế đó. Hiện giờ hai bên đều đang sửa soạn ngấm ngầm, để đối phó cùng nhau. Mấy ngày hôm nay, Hồng Kỳ Bang đã dời các tay hảo thủ ở hai tỉnh lân cận tới, và còn cho đặt rất nhiều vọng canh bí mật rải rác ở khắp tỉnh Tô Châu này nhưng chưa tới ngày hội kỳ, chắc chúng cũng chưa ra tay hành động đâu.
Nghe thấy Bạch Văn Lượng kể rõ chuyện đó, Vân Nhạc nghĩ thầm:
- Còn hơn một tháng trời nữa mới tới Tết Đoan Ngọ, ta còn dư thì giờ để lên miền Bắc phó hẹn với nghĩa huynh. Vậy ta có thể ở lại đây vài ba bữa để giúp Chu Duy Thành một tay chờ tới khi hoàn thành công việc ta liền rút lui ngay.
Nghĩ đoạn chàng liền nói:
- Hồng Kỳ Bang làm như vậy thật là vô pháp vô thiên quá, Tạ mỗ đã không hay biết vụ này thì thôi, chớ đã biết thì có khi nào lại ngồi yên không can thiệp, nhưng thể nào cũng nhờ Bạch bang đầu giúp cho một tay mới được. Chẳng hay trong huyện lỵ Cao Bưu này, quý bang phái có tất cả bao nhiêu anh em võ thuật xuất chúng?
Bạch Văn Lượng vội đáp:
- Thiếu hiệp đã ra lệnh sai bảo Bạch Văn Lượng giúp đỡ, Bạch Văn Lượng này đâu dám từ chối. Tuy bang thuộc hạ chỉ có hơn hai mươi người võ công gọi là tạm được nhưng tính cả Lưỡng Hoài này thì tất nhiên có nhiều tài năng, nếu thiếu hiệp cần cứ dùng Thần Long Lệnh truyền Bạch Văn Lượng cho gọi chỉ trong một ngày thôi, tất cả anh em hảo thủ sẽ tới Cao Bưu này liền.
Vân Nhạc định lấy Thần Long Lệnh giao cho Bạch Văn Lượng, Bạch bang đầu xua tay lắc đầu lia lịa nói:
- Khỏi cần trình Thần Long Lệnh này ra, thiếu hiệp cứ truyền một lời là được rồi.
Vân Nhạc không ngờ Thần Long Lệnh này lại có hiệu lực mạnh đến thế. Chàng có biết đâu, người cầm thẻ Thần Long Lệnh này tức là Trưởng Lão Cái Bang, một lời nói như là một lệnh ban hành ra vậy. Đó là Cửu Chỉ Thần Long Thương Tỷ tạ ơn chàng chữa cho khỏi chết, vả lại nghe thấy chàng mang mối thù cha, mà chỉ có một thân một mình, mới tặng cho chàng cái thẻ Thần Long Lệnh này, để cần đến thì sử dụng.
Lúc ấy Vân Nhạc bằng lòng để cho Bạch Văn Lượng điều động và khiển dụng anh em bang ăn xin ở hai tỉnh Hoài Nam và Hoài Bắc này. Bạch Văn Lượng gọi lão ăn xin lại gần, dặn bảo một hồi. Lão ăn xin tuân lệnh đi liền.
Vân Nhạc liền cùng Bạch Văn Lượng thảo kế hoạch đối phó để làm thế nào mà tiêu diệt bớt những vọng canh bí mật của Hồng Kỳ Bang.
Chàng lại nói:
- Nếu Cửu Chỉ trưởng lão của quý bang đến đây, phiền Bạch bang đầu trình hộ với Trưởng Lão hành tung của Tạ mỗ.
Bạch Văn Lượng vâng dạ nhận lời. Vân Nhạc bèn cáo từ trở về lữ điếm, Bạch Văn Lượng tiễn ra tới ngoài đường cái lớn rồi mới từ biệt quay trở lại.
Về tới khách sạn, trời đã canh ba, Vân Nhạc đang thủng thẳng đi về phía phòng mình, thấy trong cửa nguyệt động có ba người lảo đảo xông ra, hơi rượu nồng nặc, tiến về phía chàng. Chàng chưa kịp đề phòng, đã bị ngay một tên trong bọn người say kia đụng phải. Người va phải chàng là một đại hán mặt rỗ, nhưng sau khi va phải chàng tên mặt rỗ hai tay ôm ngực kêu la đau đớn một hồi, và định thần nhìn kỹ, y mới hay đối phương là một thư sinh trắng trẻo yếu đuối, đang mỉm cười nhìn mình. Y ngơ ngác không hiểu tại sao tên thư sinh kia bị va mạnh đến thế, mà không sao cả?
Y liền cất tiếng chửi rằng:
- Tên học trò kiết kia, mi đi đường không đeo mắt hay sao mà va phải ngực Hà đại gia đau đớn thế này? Có mau ngoan ngoãn xin lỗi Hà đại gia này ngay không?
Vân Nhạc cười nhạt một tiếng, rồi nói:
- Ngài ăn nói sao mà vô lý đến thế? Ai đi đường mà chẳng đeo mắt nào? Nếu tôi không tránh nhanh, có lẽ xảy ra án mạng rồi cũng nên! Uống rượu say không đi nghỉ, lại còn lang thang thế này, sao không leo lên giường mà nằm thẳng cẳng như cái xác chết có hơn không?
Đại hán mặt rỗ cả giận quát lớn:
- Hà đại gia chưa cho mi một bài học đã phúc đức cho mi lắm rồi! Sao mi lại ăn nói hỗn hào, vậy tên học trò kia mau nằm xuống để ta sửa trị.
Nói xong, y nhắm ngực Vân Nhạc đấm luôn một quyền. Nhanh như chớp, Vân Nhạc dùng ba ngón tay nắm luôn mạch môn huyệt của đối phương đưa đi kéo lại một cái. Tên đại hán mặt rỗ đã bị bắn ra xa bảy tám bước, ngã sấp xuống đất.
Mặc kệ y sống chết ra sao chàng không cần biết, Vân Nhạc băng qua cửa nguyệt động, đi thẳng về phòng mình.
Hai tên cùng đi với đại hán mặt rỗ thấy bạn hắn bị bắn ngã nằm sóng soài ra đấy, không sao gượng dậy được, liền chạy lại đỡ. Chúng thấy cánh tay phải của tên đại hán mặt rỗ sưng vù lên như trái cà, chúng kinh hãi vô cùng.
Ba tên ấy nguyên đều là côn đồ ở Cao Bưu, ngày thường chuyên hành ác lánh thiện, đêm nay chúng biết đã gặp phải tay sừng sỏ rồi. Hai tên sau chúng nghĩ giá có tiến lên đánh cũng chỉ uổng mạng mà thôi, và còn sợ Vân Nhạc túm lấy chúng đánh nữa, nên cứ lờ đi và khoanh tay đứng yên mà nhìn. Đến khi chúng thấy Vân Nhạc đã đi qua rồi, mới dám lại đỡ tên mặt rỗ dậy, rồi cả ba cắm đầu chuồn thẳng.
Trận đấu ấy tuy xảy ra và kết thúc một cách rất chóng, nhưng tiếng động cũng đã khiến các lữ khách trọ ở những phòng bên đều ló đầu ra xem mọi người thấy vậy cả cười không ngớt. Và cũng có đến bốn năm người đã để ý tới Vân Nhạc rồi.
Sáng sớm ngày hôm sau, Vân Nhạc mở cửa phòng để lấy nước rửa mặt, thì thấy hai người đứng trước cửa căn phòng thứ ba ở phía trước phòng chàng đang trò chuyện. Họ thấy chàng mở cửa bước ra, đều gật đầu chào chàng, miệng tủm tỉm cười. Vân Nhạc ngạc nhiên vì chàng không quen biết hai người đó bao giờ sao họ lại gật đầu chào chàng như vậy? Nhưng theo phép lịch sự chàng cũng gật đầu đáp lễ và cũng tủm tỉm cười theo. Đang định quay vào phòng bỗng chàng thấy hai người nọ đi thẳng sang bên phòng mình, liền ngừng lại để chờ xem.
Hai người nọ, một người cao lớn vạm vỡ, trạc độ bốn mươi tuổi, mặt đỏ tía, hai mắt rất sắc, mồm rộng không có ria gì cả, mình mặc áo vải màu lam, lưng đeo Nhạn Linh Cửu Xí Đao (đao lông đuôi nhạn có chín răng cưa), còn người kia trạc độ năm mươi, râu ria hoa râm, người tám thước, mi tầm phụng nhãn, mặc áo dài màu huyền, lưng đeo Phật Thù Quải. Người mặt đỏ tía vừa cười vừa nói:
- Cầm Nã Thủ (thế võ tréo tay, để bắt tay người) của ngài giở ra đêm hôm qua thật là tinh xảo, khiến chúng tôi khâm phục vô cùng.
Vân Nhạc vội đáp:
- Đâu dám, đâu dám! Tài nghệ của tiểu bối không đáng để làm trò cười cho quý vị tiền bối. Mời hai vị tiền bối vào trong phòng xơi chén nước.
Ba người cùng vào trong phòng, vừa ngồi xuống ghế, người râu hoa râm đã tự giới thiệu rằng:
- Lão hủ (người xưa già lão tự xưng là già nua) Phi Vân Thủ Ngô Phụng Bưu, còn vị này là Bát Quái Kim Đao Trịnh Kim Ngô, chẳng hay quý tánh đại danh ngài là gì?
Vân Nhạc trầm ngâm giây phút mới đáp:
- Hân hạnh cho hậu sinh được tiếp hai vị. Hậu sanh họ Ngôn, tên là Nhạc.
Tại sao chàng lại thay đổi họ mà nói dối hai người kia như vậy? Sở dĩ vì khi ở Kim Hoa, chàng đơn chưởng đánh chết Thất Sát Thủ, tiếng tăm lừng lẫy khắp Giang Nam, Giang Bắc. Lần này chàng muốn ra tay giúp ngầm Chu Duy Thành, nên không muốn để lộ tên họ thật ra, và dụng tâm chàng chỉ muốn cho Hồng Kỳ Bang một bài học thôi, chớ không định gây thù gây hấn làm gì. Hơn nữa, chàng chưa hiểu rõ lai lịch của họ Ngô, Trịnh hai người ra sao? Nên hãy tạm giấu tên họ thật nhất thời, nếu sau này hai người quả là lương thiện thì lúc ấy cho họ biết tên họ thật cũng chưa muộn.
Trịnh, Ngô hai người nghe nói đều nhìn nhau và nghĩ thầm:
- Sao tên họ của thiếu niên này chưa nghe thấy ai nói tới nhỉ?
Phi Vân Thủ Ngô Phụng Bưu vừa cười vừa nói:
- Thế ra ngài là Ngôn thiếu hiệp, chúng tôi thất kính quá. Dám hỏi Ngôn thiếu hiệp đảm nhiệm chấp sự nào trong Hồng Kỳ Bang thế?
Thấy người họ Ngô hỏi mình như vậy, Vân Nhạc ngẩn người ra giây phút, sắc mặt thay đổi hẳn, chàng nghĩ thầm:
- Không hiểu họ trông thấy mình có gì giống người của Hồng Kỳ Bang mà lại nhận lầm ra như thế? Chàng bỗng sực nghĩ ra, à... Phải rồi họ nói như vậy cốt ý để tỏ rõ cho ta biết họ không phải là người của Hồng Kỳ Bang.
Nghĩ tới đó, nét mặt của chàng dịu hẳn, chàng mỉm cười rồi đáp:
- Tiểu bối không phải là thủ hạ của Hồng Kỳ Bang đâu, vì có việc cần, nên hai tháng trước đây tiểu bối mới bắt đầu từ tỉnh Giang Tây lên miền bắc nhân tiện đi qua đây mới được hay chuyện Chu đại hiệp phong kiếm quy ẩn và lập lôi đài để cầu hôn nên tiểu bối mới được hay biết. Có phải hai vị tiền bối muốn hỏi thăm người quen nào trong Hồng Kỳ Bang đó không?
Phi Vân Thủ Ngô Phụng Bưu nhìn Bát Quái Kim Đao Trịnh Kim Ngô cả cười một hồi mới nói:
- Đấy, đệ nói có sai đâu. Thoáng trông một cái đệ đã biết ngay là Ngôn thiếu hiệp không phải là hạng người ấy mà! Chú em bây giờ đã tin lời nói của lão huynh rồi chớ?
Bát Quái Kim Đao Trịnh Kim Ngô mặt đỏ bừng, tự biết đã đoán nhầm thế rồi. Phi Vân Thủ Ngô Phụng Bưu với Bát Quái Kim Đao đều là võ lâm cao thủ, ở ngoài quan ải có thể nói không ai không biết tới hai nhân vật đó. Hai người thiết lập một mục trường, để chăn nuôi ngựa ở Bắc Bộ Sát Ha Nhĩ, trong mười mấy năm nay đã nuôi được hơn năm vạn con ngựa, có thể nói hai người là thủ phú ở vùng đó. Thật là danh thành lợi tựu, hai người quen biết Chu Duy Thành từ lâu, lần này nhận được thơ khẩn cấp của đại hiệp mời tới bèn giao công việc trông nom điều khiển mục trường cho những bộ hạ đắc lực, rồi vội vàng xuôi xuống miền nam này. Gặp mặt Chu Duy Thành, bàn định với nhau xong, hai người liền dọn tới trọ tại Liên Vân khách sạn. Nhờ ở điểm hai người đều lạ mặt ở đây, nên công việc và mục đích điều tra những âm mưu, cùng sự bố trí của Hồng Kỳ Bang tiến hành dễ dàng, không sợ ai để ý đến và không bị ngăn trở.
Tới ở Liên Vân khách sạn đã sáu bảy ngày rồi, hai người đã điều tra được tình hình đại cương của địch, nhưng muốn đi sâu vào bên trong sự tổ chức của địch thì hai người tự cảm thấy thế cô sức yếu, không đủ tài năng nên không dám mạo hiểm mà làm như vậy, nay nhận thấy việc điều tra đã xong, nhiệm vụ đã hoàn tất một phần nào, hai người định chiều tối là trở về Chu gia trang. Bát Quái Kim Đao Trịnh Kim Ngô lại nói:
- Nếu Ngôn thiếu hiệp muốn tới Chu gia trang thì ngày hôm nay đi cùng chúng tôi có phải tiện lợi không? Vả lại chúng tôi còn muốn nhờ vả thiếu hiệp nhiều chuyện sau này nữa, rất mong thiếu hiệp vui lòng nhận lời.
Ngẫm nghĩ giây lát, Vân Nhạc bèn nhận lời rồi nói:
- Tiểu bối định tới ngày chúc thọ mới đi, nhưng bây giờ hai vị đã có thịnh tình cho tiểu bối được đi cùng thế này, tôi thật cảm ơn vô cùng. Còn về võ học của hậu sanh đây, rất là non nớt những mong sẽ được học hỏi ở hai vị thêm, xin hai vị đừng có lượng ước tài nghệ của hậu sinh quá cao mà sẽ hỏng hết công việc của quý vị đấy, và sẽ tránh được mọi ân hận!
Phi Vân Thủ Ngô Phụng Bưu vừa cười vừa nói:
- Ngôn thiếu hiệp khiêm tốn quá, đã nhận lời đi cùng nhau, vậy hãy cho chúng tôi cáo biệt để tạm về phòng sửa soạn hành trang trước. Sau đó chúng ta cả ba sẽ cùng nhau dùng cơm đã, rồi hãy lên đường.
Nói xong, hai ngươi đứng dậy cáo từ. Vân Nhạc tiễn ra tới cửa phòng đưa mắt nhìn theo, bỗng thấy ở căn phòng phía trước, cũng ngay cạnh phòng hai người đó, có một thiếu nữ áo đỏ lẻn ra. Thoạt trông thấy thiếu nữ áo đỏ đó, mắt chàng sáng hẳn lên, ngẩn người ra nhìn không chớp mắt bụng nghĩ thầm:
- Trên thế gian này, sao lại có người đẹp tuyệt đến thế?
Thiếu nữ áo đỏ, mặt trái xoan, răng trắng như ngọc, đôi mắt bồ câu lóng lánh, mũi dọc dừa, đôi môi thắm đỏ hình trái tim, da mịn trắng như tuyết, thân hình đều đặn, mặc võ trang màu đỏ, lưng thắt giải nhiễu trắng, vai đeo một thanh bảo kiếm màu xanh, chân mang đôi hài đen, dáng đi nhẹ nhàng, nhanh nhẹn, tay trái cầm một cây roi ngựa bằng gân bò, cuốn lại dày độ bảy thước. thiếu nữ bỗng vụt một roi lên không, chiếc roi thẳng như cây bút, đầu roi hơi rung động không khác gì một con linh xà vậy. Vân Nhạc thấy vậy cũng phải khen thầm nội công của nàng tinh xảo hơn người, thật trong võ lâm hiếm có.
Hình như biết Vân Nhạc nhìn mình, thiếu nữ tựa như hữu ý và cũng như vô ý, quay lại khẽ nhếch môi cười, tiếng nghe thảnh thót vô cùng, rồi như chim nhạn lướt bay, thoáng một cái nàng đã ra khỏi sân lớn rồi.
Từ lọt lòng mẹ đến nay Vân Nhạc đã sống hai mươi năm trời nhưng chàng chưa hề thấy một người con gái nào lại đẹp đẽ đến thế? Hình như nụ cười của nàng đã cướp mất hồn vía của Vân Nhạc. Chẳng thế mà ngay sau khi nàng đi khỏi, chàng vẫn ngẩn người ra như kẻ mất hồn, lát lâu chàng mới hoàn hồn.
Bóng hồng đã khuất, mà mùi thơm như lan như sạ vẫn phảng phất trong gió, khiến ai ngửi thấy cũng cảm thấy sảng khoái vô cùng.
Đứng suy nghĩ vẩn vơ một hồi, chàng mới trở vào trong phòng vẻ mặt vẫn còn bâng khuâng ngây ngất như kẻ chưa hoàn hồn.
Một lát sau, Trịnh, Ngô hai người đã mang hành lý ra, vừa cười vừa nói:
- Ngôn thiếu hiệp, tiền phòng chúng tôi đã thanh toán xong, chúng ta ra ngoài dùng bữa đi.
Tạ Vân Nhạc cảm ơn hai người, và sau khi ăn uống xong, cả ba cùng ra khỏi khách điếm lên ngựa đi thẳng. Chu gia trang ở về phía đông nam, cách huyện lỵ Cao Bưu độ năm mươi dặm, phía sau núi, có suối nước chảy qua, phong cảnh thật là đẹp đẽ. Trong trang có tất cả năm trăm nhà, dân cư đa số sống về nghề nông và kiếm củi, sống cuộc đời tương đối sung túc dễ chịu.
Căn nhà của Chu Duy Thành ở vào giữa trang, lớn rộng vô cùng, bốn bên đều có suối nước chảy quanh. Cây cối um tùm, thanh nhã tuyệt trần. Ngày thường nơi đây có thể ví là đào nguyên của trần gian cũng không ngoa chút nào. Hằng ngày có tráng đinh tuần tiễu luôn luôn, canh gác cẩn mật vô cùng.
Trên luyện võ trường đã dựng sẵn một Uyên Ương lôi đài, sơn son xung quanh, đôi câu đối treo hai bên viết bằng kim nhũ và trên cao có một tấm hoành phi, viết ba chữ vàng: “Uyên Ương Đài”.
Hai bên cạnh lôi đài dựng hai khán đài bằng tre, trên bàn bày bàn ghế hẳn hòi. Ngày mai sẽ là ngày kỳ hội, các tráng đinh và người làm đang bận xếp đặt bày biện, đi lại nhộn nhịp vô cùng.
Trong trang đã có hơn năm mươi người võ lâm tới ở, để chờ ngày mai trợ giúp Trang Chủ, đều là nhân vật tam sơn ngũ nhạc, bạn chi giao của Chu Duy Thành cả. Những nhân vật đó chia làm hai nhóm, lần lượt chia nhau đi ra ngoài phố điều tra xem bang chúng Bang Hồng Kỳ có lập vọng canh nào của đối phương cứ việc ra tay phá hủy liền. Phần là khách lạ, phần mới sơ giao, Chu Duy Thành không tiện nhờ vả Vân Nhạc phụ trách những công việc nói trên.
Nhờ vậy, Vân Nhạc rất nhàn rỗi, liền du lam khắp gia trang để xem xét địa hình, khi đã nhập tâm địa hình của Chu gia trang rồi, chàng vội vàng đi ra ngoài phố, tìm kiếm Bang đầu của Cái Bang huyện Cao Bưu. Bạch Văn Lượng cho chàng hay đã tập hợp được hơn sáu mươi người ăn xin, phân chia bố trí ở xung quanh Chu gia trang, và đã ngấm ngầm phá hủy bảy nơi vọng canh ngầm của Hồng Kỳ Bang, may mắn thay bên Cái Bang không có người nào bị thương. Vân Nhạc liền dặn bảo họ những kế hoạch hành sự, xong đâu đấy, trở về Chu gia trang ngay. Lúc giờ thân, mặt trời sắp lặn, có một người mặc quần áo đen ở trên cây nhảy xuống, nơi đó là bên cạnh Bích Trầm Các ở phía sau gia trang, và cũng là chỗ ở của gia quyến Chu đại hiệp. Người áo đen nhìn trước sau không thấy ai, liền chui vào trong bụi cây, nhặt một viên đá bằng hạt gạo, ném vào trong Các, không thấy động tĩnh gì cả. Người nọ mừng, nhún vai một cái, như con chim ưng đen bay lên trên lầu Các, nghếch khẽ cửa sổ nhìn vào trong khuê phòng của Chu tiểu thư, thấy vắng bóng người, móc túi lấy dao ra định cạy cửa sổ để lẻn vào. Bỗng nghe thấy gần đó có tiếng cười nhạt, tuy rất nhỏ, nhưng đã làm vẳng tai y. Hoảng sợ vô cùng, y đoán tiếng cười ấy là do một người nội công tuyệt thế phát ra, vội rút khí giới ra bảo vệ toàn thân, ngơ ngác nhìn xung quanh, không thấy một hình tích gì cả, càng hoảng sợ thêm.
Y lại thấy vai phải tê liệt, con dao tự nhiên rơi xuống ván lầu kêu loảng xoảng một tiếng vội dùng tay trái nhặt dao lên, nhảy ngay xuống dưới đất, dùng dao đỡ mặt, lại nhìn xung quanh, không thấy một bóng người nào cả. Y mới định thần, thử múa tay phải xem sao, thấy vẫn cử động như thường, liền nghĩ thầm:
- Có lẽ tại mình quá ư khẩn trương, nghi tâm sinh ám quỷ mà nên chăng? Cùng lúc này vai phải bỗng tê liệt và tiếng cười nhạt cũng do thần kinh khủng hoảng mà nên đấy?
Nghĩ tới đó, y thất thanh cười khì, lại nghĩ:
- Ta đã thừa lịnh tới đây, không khi nào lại trở về với bàn tay không được. Như thế không những bị cấp trên khiển trách hành hình, và còn bị người ta khinh thường cho là khác. Ta đây Tam Thủ Không Không Từ Diệc có tiếng ăn trộm như thần, nổi danh bấy lâu nay, chẳng lẽ lại mất tiếng đêm nay ở nơi đây hay sao?
Nghĩ xong, y lại cương quyết tiếp tục nhảy lên trên lầu các.
Ngờ đâu, y mới nhảy rời khỏi mặt đất chừng năm thước, yếu huyệt bên đùi trái như bị kiến cắn một cái, đau buốt tận tim gan. Tam Thủ Không Không kêu hự một tiếng, chân khí tản mác, thân hình bỗng tựa như chiếc diều đứt dây, rơi thẳng xuống mặt đất, kêu đến bộp một tiếng, bụi cát bắn tung lên, không còn thì giờ xem xét tại sao nữa, lăn ngay vào trong bụi nằm im thin thít, không dám thở mạnh và cử động.
Bên ngoài bụi cây lại có tiếng cười nhạt và tiếng nói “xuẩn tặc” theo luồng gió thổi vào tai Từ Diệc, tiếng nhỏ như muỗi kêu, nhưng khi lọt vào tai Tam Thủ Không Không lại y như sấm sét vang lừng. Lúc này y đã nhận thấy rõ, không còn phải là thần kinh làm ngụy nữa, đúng là có cao nhân núp trong bóng tối trừng trị ngầm. Từ Diệc càng nghĩ càng mất hết hồn vía, vội kiếm đường nhằm những chỗ cây cỏ thưa thớt, bò lổm ngổm định chạy thẳng ra ngoài Chu gia trang.
Y bò được một lúc, sắp tới chân tường, nằm phục xuống lắng tai nghe có tiếng động gì không, rồi mới dám bò ra khỏi bụi cỏ.
Như trông thấy rắn rít vậy, Tam Thủ Không Không Từ Diệc sợ hãi la lên một tiếng “ủa!” Thì ra trước mắt y có một đôi chân người ngăn cản, y run cầm cập ngửng đầu lên, thấy người nọ mặc áo dài màu xám nhợt lưng ong vai vượn, hai tay trắng như ngọc ngà, mặt nhợt nhạt không có sắc màu, trông như xác chết, hai mắt sáng quắc, không có lông mày. Người ấy lầm lì nhìn thẳng vào mặt y, hoảng sợ quá y toát mồ hôi lạnh ra ướt như tắm vậy.
Bắt buộc Từ Diệc phải đánh liều, nhếch mép cười nịnh, trông vẻ mặt rất khả ố, giọng run cầm cập nói:
- Xin ngài xá tội cho kẻ vô tri này được trở về nhà, thật phúc đức quá!
Người đó không nói năng gì, chỉ trợn mắt nhìn y. Y thấy đôi mắt sắc như dao cạo, Tam Thủ Không Không Từ Diệc cảm thấy một luồng hơi lạnh từ trong xương sống của y phát ra, y rùng mình hắt hơi một cái.
Từ Diệc nói:
- Ngài không dạy bảo điều gì, xin tha cho tiểu nhân rút lui vậy!
Vừa nói dứt lời, y nhún mình nhảy lên cao ba thước, sắp bám được vào đầu bờ tường rào, bỗng nghe thấy người nọ khẽ quát:
- Mi không chạy đi đâu được.
Chân phải của y lại bị người nọ nắm chặt và kéo mạnh xuống một cái, rồi y lại bị tung mạnh ra bảy tám trượng, rơi xuống mặt đất. Lần này Tam Thủ Không Không đúng là gặp phải sao quả tạ, còn đau khổ hơn lần trước, tất cả xương cốt như bị rời ra khỏi khớp, người nhũn như bún nằm sóng soài trên mặt đất, không còn hơi sức nào. Y không hiểu người nọ dùng thủ pháp ác độc gì, khiến y cảm thấy như có lũ kiến bò khắp mình mẩy, đau buồn không sao chịu nổi, mồ hôi lạnh toát ra như mưa, còn khổ hơn là chết, chịu đựng không được, kêu la như bò rống. Người nọ vẫn đứng nguyên chỗ cũ, tủm tỉm cười, quay mình ra phía sau, và lột cái mặt nạ bằng da xuống, (mặt nạ làm bằng da người chết, đeo lên không ai biết là mặt giả) để lộ ra bộ mặt đẹp đẽ anh tuấn, rồi từ từ đi khỏi.
Đọc tới đây, chắc quý vị độc giả đều ngạc nhiên tự hỏi, tại sao trời chưa tối hẳn, mà có phi tặc xuất hiện trong Chu gia trang? Quý vị nên biết Tam Thủ Không Không Từ Diệc biệt hiệu là Thần Thâu (kẻ trộm tài như thần) nổi tiếng đã lâu năm, khôn ngoan đa mưu hơn người, nên y tính ban đêm lẻn vào Chu gia trang, thể nào cũng bị những người gác trong các vọng canh ngầm nhìn thấy, chẳng thà nhân lúc trời mới chập choạng nhá nhem, các người phụ trách những vọng canh chưa ra gác, lẻn ngay vào trong trang, nếu có gia đinh, thì giả bộ là khách của chủ nhân, ai còn dám hỏi han chi nữa. Mưu kế của y thật khôn khéo tuyệt vời, nhưng nhân toán bất như thiên toán, khi y chưa tới đây, có ngờ đâu lại phải chịu đựng cực hình như thế này?
Tụ Anh Sảnh trong gia trang, đèn đuốc sáng choang, tựa như ban ngày. Lưỡng Hoài Đại Hiệp Chu Duy Thành đang đứng trong đại sảnh, cùng các bạn hữu trò chuyện vui cười. Tạ Vân Nhạc, Phi Vân Thủ Ngô Phụng Bưu, Bát Quái Kim Đao Trịnh Kim Ngô và bạn thân của Ngô Phụng Bưu sáng ngày hôm nay mới tới tên là Kim Diệu Ngộ Không Hầu Lý Băng, bốn người đứng ở góc phải khách sảnh thì thầm chuyện riêng.
Lúc ấy, một tên tráng đinh hốt hoảng chạy vào báo cáo cùng Chu Duy Thành rằng:
- Thưa Trang Chủ, người gác vọng canh thứ tư bỗng phát hiện ở bên Bích Trầm Các có một người bị thương. Người đó tự xưng là Tam Thủ Không Không Từ Diệc. Xin Trang Chủ định đoạt.
Châu mày suy nghĩ một lúc, Chu Duy Thành sai cho đem tên đó tới đây. Một lát sau, hai tên tráng đinh đã khiêng Từ Diệc vào đại sảnh để nằm xuống đất. Chỉ thấy Tam Thủ Không Không sắc mặt tái mét toát đầy mồ hôi lạnh, quần áo cũng ướt sũng mồ hôi, mà mình mẩy vẫn cứ run run van lơn rằng:
- Chu đại hiệp, xin đại hiệp ra tay làm phúc như làm giàu, giải huyệt cho tiểu nhân, tiểu nhân xin cam đoan sẽ khai hết sự thật để đại hiệp hay.
Nghe thấy kẻ gian nói như vậy, Chu Duy Thành bán tín bán nghi, nghĩ thầm:
- Không biết có phải Từ Diệc tới đây định báo tin bí mật cho ta hay, và không may gặp phải cao thủ nào đó núp trong bóng tối, điểm trúng yếu huyệt của y cũng nên.
Vừa nghĩ vừa đi tới gần, Chu Duy Thành thò tay giải cho Từ Diệc.
Không ngờ, không giải được cho y thì chớ, đại hiệp lại khiến Từ Diệc càng đau đớn thêm, kêu la ầm ĩ, Chu Duy Thành xấu hổ vô cùng, đành chịu thúc thủ. Trong đám tân khách có một ông già gầy gò đi tới, lật sấp Từ Diệc giơ ngón tay điểm vào đốt xương sống thứ ba của y một cái, và tát mạnh một chưởng. Chỉ thấy Từ Diệc la lớn “ối chao ôi” một tiếng, thổ ra một cục đờm, loạng choạng đứng dậy, như kẻ làm lụng vô cùng mỏi mệt.
Ông già gầy gò lắc đầu thở dài rồi nói:
- Thủ pháp điểm huyệt của người này cao minh thật, chỉ điểm hơi nặng một tí là toi mạng nạn nhân liền. Thủ pháp điểm huyệt tinh xảo đến như thế, thật là trong võ lâm hiếm thấy, có thể gọi là “nhất tuyệt” được. Với môn điểm huyệt này, lão đã nghiên cứu mấy chục năm rồi, nhưng cũng chưa có thể điểm được như người này. Sự thật lão chỉ có thể giải được thôi, chớ điểm huyệt như thế này thì lão cũng xin hàng.
Chu Duy Thành nhìn ông già gầy gò cả cười rồi nói:
- Chu mỗ biết huynh bình sinh ít khen ngợi người khác, không ngờ hôm nay lần đầu tiên Chu mỗ được nghe thấy Vân Long Tam Hiệp Đào Chúc Tam lại thốt ra những lời đẹp đẽ khiêm tốn như thế!
Nghe thấy Chu đại hiệp nói, Vân Nhạc mới hay ông già nọ là Quan Ngoại Nhất Tuyệt, liền đưa mắt nhìn Vân Long Tam Hiệp Đào Chúc Tam mấy lần. Chàng sực nhớ khi ở Trần Thái Tiêu Cục, Càn Khôn Thủ Lôi Tiếu Thiên có nói Vân Long Tam Hiệp Đào Chúc Tam nội ngoại công đều tinh thông, khinh công lại xuất kỳ, nhất là môn võ Đại Lực Kim Cương Chưởng lại càng trứ danh. Khi ông ta giở môn võ độc đáo này ra, trong mười trượng vuông, chưởng phong bao trùm, kẻ địch không sao sống sót nổi. Nên ông ta được giang hồ tặng cho là Nhất Tuyệt.
Lúc ấy, Chu Duy Thành trầm giọng nói:
- Từ nghĩa sĩ tới tệ trang có âm mưu gì, xin mau cho hay. Chu mỗ quyết không bạc đãi đâu.
Tam Thủ Không Không Từ Diệc cười gượng một tiếng, rồi nói:
- Bây giờ lại có thêm ơn đức giải huyệt cho, tiểu nhân không sao giấu giếm sự thật được.
Thế là y kể hết câu chuyện tại sao lại lẻn tới đây làm gì cho mọi người hay, ai nấy đều kinh ngạc vô cùng. Thì ra Hồng Kỳ Bang chủ Bát Ty Kim Cương Vũ Văn Lôi là môn hạ đệ nhất của Tây Tạng Ma Tăng Sát Đa Hoa Đà, nên đã học được chín mươi phần trăm võ công tuyệt nghệ của Ma Tăng, người lại gian giảo đa cơ mưu, năm nay mới ngoài bốn mươi tuổi thôi. Từ khi y sáng lập Hồng Kỳ Bang tới giờ, nhờ có sự tổ chức chặt chẽ, đối xử với bên ngoài khéo léo vô cùng, nên chưa đầy ba năm, thế lực đã khuếch trương tới ba tỉnh: Tô Châu, An Huy và Hồ Bắc, hùng tâm càng phát cao vạn trượng, nên y còn muốn thế lực bao trùm cả chín tỉnh ở hai bên bờ sông Dương Tử mới mãn túc. Vì vậy, hai năm trước đây, y đã dùng chính sách tằm ăn dâu lấn át các bang phái to nhỏ của chín tỉnh đó.
Ngờ đâu trở lực quá mạnh, bắt buộc y phải đổi chánh sách mềm dẻo để đối phó, và thâu hút các kỳ nhân dị sĩ, lục lâm hào kiệt, hoặc bỏ số vàng lớn ra mua chuộc các hảo thủ vô nghề nghiệp, để gây thêm thanh thế cho bang mình. Tuy nhiên cũng có nhiều người không chịu gia nhập, để khỏi bị bó buộc. Đối phó với những người phản đối ấy, Hồng Kỳ Bang sử dụng các thủ đoạn đê hèn hãm hại, rồi chúng lại cứu giúp để phải hàm ơn chúng, hay là vừa khuyên vừa dọa nạt, chúng làm cho những người đó phải vào tròng mới thôi. Lần này chúng mời Lưỡng Hoài Đại Hiệp Chu Duy Thành nhập bang, nhưng Chu Duy Thành cực lực cự tuyệt. Việc này, Hồng Kỳ Bang chủ Bát Ty Kim Cương Vũ Văn Lôi không quan tâm, vì tỉnh Tô Châu này đã thuộc phạm vi thế lực của bang rồi, có thêm đại hiệp không có lợi gì hơn cho bang, mà không có cũng không có hại gì cho bang cả.
Duy có Phó Bang chủ Liệt Hỏa Tinh Tần Lộc cả giận, bảo Chu Duy Thành cự tuyệt gia nhập như vậy là không biết điều. Nhưng sự thật Tần Lộc đã để ý dòm ngó tới hai thành bảo kiếm Thanh Hồng và Cự Khuyết của Chu Duy Thành đã lâu. Y mong cướp được một thanh cũng đủ như hổ thêm cánh rồi. Cho nên mấy lần Hồng Kỳ Bang phái người tới quấy nhiễu Chu gia trang là đều do Tần Lộc chủ trương. Thế lực hùng mạnh của Hồng Kỳ Bang như thế muốn hà hiếp Chu Duy Thành thật không khó chút nào. Nhưng Tần Lộc không muốn ỷ thế như vậy, mà sự thật nếu y muốn cũng không làm gì được. Vì sợ đem nhiều người tới Chu gia trang phá phách sợ triều đình nhà Thanh hiểu lầm chúng làm phản. Lúc bấy giờ một chút cơ nghiệp đã tốn công gây dựng bấy lâu năm của Hồng Kỳ Bang sẽ tan rã ngay. Bang chủ Vũ Văn Lôi biết sự tai hại đó, mới không cho bang chúng huy động đánh một cách trắng trợn, và cũng không dám vì việc này mà bất hòa với đàn em. Y biết con gái Chu Duy Thành nhan sắc và võ công cũng hơn người, mới sai Ngọc Diện Nhị Lang Thân Nhất Minh ra mặt cầu hôn. Vì vậy mới tạm tạo nên việc phong kiếm, lập lôi đài của Chu Duy Thành.
Thấy sự thể đã đi tới mức đó, Vũ Văn Lôi không chịu lép vế, cố ý làm ra vẻ tán đồng vụ thí võ này, sự thật thì y ngấm ngầm định thi hành độc kế “vơ đũa cả nắm”. Cho nên chờ tới trước kỳ hội một ngày, y sai Tam Thủ Không Không Từ Diệc lẻn vào khuê phòng của Chu Nguyệt Nga, chờ tới đêm khuya, đốt hương mê hồn. Khi Chu Nguyệt Nga đã mê man rồi, Từ Diệc liền đốt pháo thăng thiên báo hiệu. Lúc ấy bọn có thù cũ với đại hiệp được lệnh mai phục gần Chu gia trang liền xông ra hò reo, giả bộ tấn công, để lôi cuốn các anh hùng hảo hán ra cả ngoài cửa trang. Nhân lúc trong trang vắng bóng người, không ai chú ý tới. Từ Diệc lấy trộm luôn hai thanh bảo kiếm. Khi đã thành công, Tam Thủ Không Không lẻn ra ngoài trang, ra hiệu cho bọn người giả bộ tấn công rút lui.
Thế là lôi đài Uyên Ương sẽ tan rã, chờ tới khi Chu Duy Thành chỉ nhận việc đó do Hồng Kỳ Bang tạo nên thì Vũ Văn Lôi sẽ thoái thác là không hay biết gì cả. Trái lại y bịa đặt bọn người nọ táo gan dám ở trong phạm vi thế lực của Hồng Kỳ Bang cướp phá như vậy là khinh thị Hồng Kỳ Bang quá nỗi, y sẽ cam đoan với Chu Duy Thành trong vòng ba tháng là cùng, Hồng Kỳ Bang thế nào cũng bắt được bọn giặc cướp đồ đó, và lấy lại song bảo kiếm cho.
Lúc ấy y lại gây nên một cuộc chiến đấu rất thảm khốc ở ngay Chu gia trang, và sẽ do Ngọc Diện Nhị Lang cứu Chu Nguyệt Nga thoát nạn. Thế là cô nam quả nữ ở cùng một nơi, hơn nữa Thân Nhất Minh là ân nhân và cũng đẹp trai thì Chu Nguyệt Nga đâu dám cự tuyệt, thì cuộc hôn nhân ấy sẽ tuần tự phi tiến mà thành tựu ngay. Như vậy kế ấy có phải là tuyệt diệu không? Ngờ đâu Tam Thủ Không Không Từ Diệc lại gặp phải cao nhân, mưu mô sắp thành, nên mới thất thế như vậy.
Lưỡng Hoài Đại Hiệp và quần hùng nghe xong, đều thán phục Vũ Văn Lôi có trí âm mưu hơn người. Ban ngày như thế mà cũng dám phái người tới Chu gia trang này.
Chu Duy Thành lại tiếp hỏi:
- Từ nghĩa sĩ không may gặp phải người bạn đó, mới thành ra bàn tay trắng như vậy, thật đáng tiếc! Chẳng hay nghĩa sĩ có thể tả hình dáng người bạn đó cho Chu mỗ hay không?
Tam Thủ Không Không Từ Diệc cười gượng vài tiếng, rồi kể hết đầu đuôi câu chuyện cho tất cả mọi người nghe.
Chu Duy Thành ngạc nhiên vô cùng, đưa mắt nhìn mặt mọi người, rồi vừa cười vừa nói:
- Chẳng hay người bạn nghĩa hạc vân thiên (tình nghĩa cao tới trời mây) ấy là ai thế? Có vị nào biết lai lịch của người đó không?
Quần hùng nhìn nhau đều tỏ vẻ không biết người đó là ai. Phi Vân Thủ Ngô Phụng Bưu bỗng liếc mắt nhìn Vân Nhạc một cái, nghĩ thầm:
- Chưa chắc là y. Ừ phải đấy, nghe Từ Diệc vừa nói, thì người ấy võ công cao thâm khôn lường. Ngôn thiếu hiệp ít tuổi như vậy, tất không thể là nào có công lực cao thâm khôn lường. Nhưng, người đó lại là ai nhỉ?
Lúc này Vân Nhạc đã thay áo dài đen rồi, thấy Ngô Phụng Bưu nhìn mình vẻ ngờ vực, liền vừa cười vừa nói:
- Ngô trưởng chủ ạ, theo như lời nói của Từ Diệc thì người ấy không phải là kỳ nhân, cũng là quái kiệt. Tiểu đệ rất mong được làm quen với người ấy.
Phi Vân Thủ Ngô Phụng Bưu nói:
- Chính lão cũng muốn được gặp người đó, nhưng những kỳ nhân dị sĩ ấy, hành sự rất lạ lùng, như rồng thần thấy đầu mà không thấy đuôi vậy, và ít khi y cho người ta trông thấy mặt thật. Dù chúng ta có gặp mặt, cũng chưa chắc đã biết là y.
Vân Nhạc nghe xong, chỉ gật đầu và cười thôi, chớ không nói gì cả.
Chu Duy Thành liền bảo tráng đinh nhốt Từ Diệc vào trong thạch thất, chờ kỳ hội qua rồi mới thả ra, rồi lại truyền lệnh các người canh phòng chòi canh ngầm đêm nay phải cẩn thận hơn, phi bất đắc dĩ chớ có ra tay đánh người bị thương. Đêm hôm ấy, bình tĩnh như thường. Hồng Kỳ Bang chắc Tam Thủ Không Không Từ Diệc đã thất thủ bị cầm dữ rồi, và biết kế hoạch dự định của chúng đã hỏng hết. Ba tay cao thủ trong phái định vào Chu gia trang cứu Từ Diệc ra, nhưng chưa vào tới Chu gia trang đã bị người đeo mặt nạ da người điểm huyệt mê man, rồi còn đem trả cho Chí Bang Cao Bưu của Hồng Kỳ Bang. Người đó là ai? Quả thật không ai biết cả.
Sáng sớm ngày hôm sau, Chu gia trang đặc biệt náo nhiệt, những người đó phó hội lũ lượt kéo tới đông đúc vô cùng. Khiến những người phụ trách tiếp tân trong trang bận rộn khôn tả. Sắp tới giờ Tỵ hai bên khán đài ở hai phía đông, tây đều ngồi chật ních. Những người ngồi trên đông khán đài đều là bạn tới giúp sức của Chu phủ. Còn bên tây khán đài những người ngồi trên đó đều là tam sơn ngũ nhạc các bang phái giang hồ hào kiệt. Hồng Kỳ Bang do Phó Bang chủ Tần Lộc thống lãnh mười mấy tay cao thủ của bang tới phó hội, tất nhiên trong đó có cả Ngọc Diện Nhị Lang Thân Nhất Minh. Còn thiếu nửa khắc là tới chính Ngọ, người dự hội lại càng đông đúc thêm, tiếng nói ồn ào vô cùng. Chu đại hiệp dự định tới chính Ngọ mới bắt đầu khai hội.
Trên đông khán đài, hai cha con Lưỡng Hoài Đại Hiệp ngồi chính giữa, ghế chủ. Hai bên là Vân Long Tam Hiệp Đào Chúc Tam, đôi mắt hau háu nhìn sang tây khán đài. Trên bàn trước mặt y bày song cổ kiếm, bao kiếm đã bóng sơn, cán kiếm gắn những hạt trân châu màu hồng, và đôi tua bằng tơ màu vàng, thoáng trông một cái biết ngay là bảo vật danh quý của bạn hữu võ lâm yêu thích. Ai nấy cũng mong đoạt được song kiếm ấy mà dùng, nhưng thần vật lợi khí phải người có đức sử dụng, chớ kẻ vô đức hạnh thì chỉ uổng công mưu đồ thôi.
Vân Nhạc ngồi bàn thứ hai ở hàng đầu, cùng bàn với Phi Vân Thủ Ngô Phụng Bưu vân vân. Từ hôm qua tới Chu phủ đến giờ, chàng mới gặp mặt Chu Nguyệt Nga một lần. Chàng nhận thấy tiểu thư điềm đạm ung dung, tuy không phải sắc nước khuynh thành, tuyệt thế giai nhân, nhưng mặt mũi đoan trang, rất ưa nhìn, liền nghĩ thầm:
- Không biết tánh nết cô ta ra sao?
Bởi vì chàng mới gặp Lan cô nương, thấy nàng đáo để lăng loàn, đã chán ghét thậm tệ sẵn, nên chàng cứ yên trí người con gái nào luyện tập võ công cũng sẽ hư thân mất nết như vậy. Vì có thành kiến ấy, chàng cứ tưởng lầm con gái nào cũng như con gái nào. Hơn nữa cũng bởi chàng mồ côi mẹ từ thuở nhỏ, mất hết tình mẫu tử, nên chàng không biết một tí gì về tâm lý đàn bà, và cũng không biết cách chìu chuộng phái yếu ra sao.
Mới gặp Vân Nhạc, Chu Nguyệt Nga trông thấy chàng anh tuấn vô cùng, khí phách hiên ngang hơn người, đã sinh lòng yêu mến rồi. Nàng nghĩ:
- Nếu gặp chàng trước mấy tháng, ta không phải thiết Uyên Ương Lôi Đài này làm quái gì! Xin phép cha cho mình thành hôn với chàng tức thì. Nhưng, bây giờ đã muộn rồi. Biết làm sao đây? Dù chàng có tài giỏi đến đâu, cũng không sao mà thắng nổi mười trận liền. Phải biết những tên ma đầu tới dự hội đều võ nghệ cao siêu, xưng hùng xưng bá một phương cả, chớ có phải những tay tầm thường đâu?
Nghĩ tới đây, nàng thở dài than vãn, chỉ có cách đành lòng phó thác số mạng cho trời xanh vậy.
Vân Nhạc đưa mắt nhìn sang bên tây khán đài, hai mắt bỗng sáng lên, suýt buột miệng. Thì ra chàng vừa trông thấy nàng áo đỏ trọ cùng khách sạn đang được người chiêu đãi dẫn vào trong trường, tay vẫn cầm cây roi ngựa đen nhánh.
Vừa vào tới trong trường, nàng ngừng bước đưa mắt nhìn khắp mọi nơi một lượt, roi ngựa để thõng xuống mặt đất, tựa như một con trường xà đang cựa quậy vậy. Nhìn mọi người xong, nàng vênh váo đi tới đông khán đài. Nàng vừa tới nơi, đã làm chấn động cả đấu trường, ai nấy đều rỉ tai thì thầm, giơ tay chỉ trỏ, nhất là quần tà ngồi trên tây khán đài, đều lim dim đôi mắt dâm đãng nhìn theo bóng hồng di chuyển. Mỹ sắc ở trước mặt, ai mà chẳng ngây ngất tâm thần. Thấy nàng đi tới bên mình, Vân Nhạc trống ngực đập mạnh, gót hồng càng bước tới gần, tim chàng càng đập mạnh thêm, thấy nàng đi tới cạnh Chu Duy Thành nói khẽ vài câu. Lưỡng Hoài Đại Hiệp hớn hở mời nàng ngồi cạnh con gái yêu quý của mình, và giới thiệu nàng với Tam Hiệp Vân Long Đào Chúc Tam ba người ngồi cùng bàn.
Vân Nhạc dù là người chín chắn, và quân tử đến đâu chăng nữa, nhưng thật sắc cũng vẫn là bản tánh của con người, cho nên chàng cũng không sao giữ vững nổi tâm thần, cứ liếc mắt nhìn trộm nàng nọ luôn luôn...
Phí Vân Thủ Ngô Phụng Bưu trông thấy vừa cười vừa nói:
- Ngôn thiếu hiệp xem Hồng Y cô nương có đẹp không?
Vân Nhạc thấy Ngô Phụng Bưu hỏi như vậy, biết hành động thầm lén của mình đã lọt vào mắt người nên mặt đỏ bừng lên, không nhớ rõ Ngô Phụng Bưu vừa hỏi gì, vội vàng buột miệng đáp rằng:
- Vâng, nhân phẩm của nàng khá lắm, nhân phẩm khá lắm! Chẳng hay Ngô trưởng chủ có biết lai lịch của nàng không?
Ngô Phụng Bưu vừa cười vừa lắc đầu, trả lời là không biết.
Lúc ấy vừa đúng chính Ngọ, ba tiếng thanh la vang động, ngoài cửa đấu trường tiếng pháo nổ đinh tai. Lưỡng Hoài Đại Hiệp với con gái Chu Nguyệt Nga cùng đứng dậy, vẻ mặt tươi cười, từ từ bước lên trên Uyên Ương Lôi Đài. Chu Nguyệt Nga mặc kình trang (quần áo võ) màu thúy lục, tay ôm song kiếm đứng cạnh cha. Tiếng pháo vừa dứt, tiếng người ồn ào cũng lặng yên theo, toàn đấu trường im lặng như tờ.
Ngày hôm nay Chu đại hiệp mặc áo dài đoạn hoa, chân mang giày chữ phúc, bộ râu hoa râm phất phới trước ngực, lưng thẳng ngực ưỡn, không có vẻ gì là già nua yếu đuối cả. Đại hiệp mỉm cười chắp tay vái chào cả đông tây khán đài, cất giọng như tiếng chuông, nói:
- Ngày hôm nay là ngày sanh nhựt năm thứ sáu mươi của tiểu đệ, được quý vị yêu mến tới dự đông đảo, thật là hân hạnh vô cùng, xin quý vị đừng nề hà rượu nhạt thức ăn đạm bạc, mà vui lòng nâng chén cầm đũa luôn cho.
Nói xong, đại hiệp ngừng lời giây phút. Hai bên khán đài tiếng vỗ tay kêu vang như pháo nổ, đại hiệp tiếp tục nói:
- Nhân ngày sanh nhựt của tiểu đệ, có thiết lập thêm lôi đài Uyên Ương này để kén hiền tế cho tiểu nữ. Vì trước kia tiểu nữ lựa kén hơi khác, nên bấy lâu nay vẫn chưa thành tựu, mà hiện thời tiểu đệ tuổi đã sáu mươi, đời sống không còn bao năm, việc giang hồ đã không lý tới từ lâu, riêng có việc tâm nguyện này vẫn chưa hoàn thành, mới thiết lập lôi đài, mục đích như đã thưa cùng quý vị ở trên. Quý vị tới dự tiệc hôm nay, ai ai cũng có quyền lên đài dự đấu, nhưng phải người dưới ba mươi tuổi, và chưa có gia thất. Nếu ai thắng liền mười trận mới là hợp cách? Còn những chi tiết phụ tiểu đệ đã yết rõ trên tấm vải treo ngoài cửa trường rồi, ở đây không cần nhắc tới nữa... Tiểu đệ rất mong quý vị thượng đài đấu võ nên lấy tôn chỉ dĩ võ hội bạn làm đầu, khi đã phân thắng bại là nên ngừng tay ngay, như vậy mới không sai nguyên ý của tiểu đệ thiết lập lôi đài này. Lôi đài này thiết lập ba hôm thôi, sau đó, tiểu đệ sẽ làm lễ phong kiếm ngay. Lúc ấy xin quý vị ở nán lại chứng giám cho. Lời nói của tiểu đệ tới đây là chấm dứt, xin cảm tạ quý vị vô cùng.
Dưới lôi đài lại có tiếng vỗ tay vang dội mãi mãi không ngớt, thế rồi, hai cha con Chu Duy Thành thủng thẳng bước xuống dưới lôi đài và đi sang bên đông khán đài. Trên lôi đài có hai thanh niên của bổn trang tay cầm hoa thương và đoản đao ra đấu, giao tranh rất kịch liệt, tuy không tài ba gì lắm, nhưng thế nào thức ấy đều đúng quy củ cả. Dưới đài mấy chục tráng đinh bưng dọn mấy chục mâm rượu đem lên trên các mặt bàn ở hai bên đông, tây khán đài, thức ăn thịnh soạn, sơn hào hải vị đầy đủ mọi thứ. Mỗi bàn lại bày sẵn hai mươi cân rượu Trúc Diệp Thanh lâu năm. Quần hào ở nơi xa tới, ai nấy đều đói bụng, nên tráng đinh vừa dọn thức ăn ra, đã như hùm như hổ, ăn lấy ăn để, chén tạc chén thù, chứ không để tâm nhìn lên đài đấu. Nên giờ Tỵ đã tới mà vẫn chưa thấy ai lên đài thách đấu cả.
Sau ba bốn cặp thanh niên của bổn trang đấu chơi xong, quần hùng trên hai khán đài đều no say cả, bỗng có người thét lớn rằng:
- Tại sao trên lôi đài chỉ những tay hoa quyền tú thối (cái đấm cái đá như thêu như dệt chỉ múa cho đẹp mắt thôi) ra đấu làm bẩn cả mắt thế này? Mỗ không biết ai đào ra những tên tầm thường này? Thật là các ngươi muốn chờ mỗ lên xách từng tên một quăng xuống sao?
Quần tà bên tây khán đài đều cả cười với vẻ mỉa mai. Ngũ Bộ Truy Phong Tiêu La Đức Phúc ở trên đông khán đài, nhịn không được, nhún nhảy lên trên lôi đài, hướng về phía tây khán đài, giận dữ quát hỏi:
- Bạn hữu nào, nuốt no nốc say, vừa thốt ra tiếng lợn kêu, có giỏi thì lên đây chịu đòn!
La Đức Phúc vừa dứt lời, bên tây khán đài đã phát ra một tiếng cười thật dài, rồi một bóng người chạy ra và phi lên trên lôi đài. Người đó mặt đỏ râu hồng, ngũ nhạc triều thiên (mắt mũi mồm tai và lưỡng quyền đều ngửng lên trời) xấu xí vô cùng, cười giọng khả ố rồi nói:
- Thằng nhãi kia, sao mi ăn nói hỗn láo đến thế? Nhưng mỗ Xương Giang Nhất Xú Tất Tiếu Nham đây không dạy bảo những quân vô danh tiểu tốt. Tên mi là gì? Mau nói ra cho mỗ hay.
Nghe thấy đối phương nói xong, Ngũ Bộ Truy Phong Tiêu La Đức Phúc mới hay tên đó là độc hành đại đạo Xương Giang Nhất Xú, nội ngoại công đều giỏi, lại thêm thủ đoạn độc ác vô cùng, liền giật mình kinh hoảng. Tuy vậy La Đức Phúc cũng không phải là tay tầm thường, là đệ tử của phái Ngũ Đài Sơn, tuổi chưa đầy ba mươi, nổi danh đã lâu, tánh rất kiêu ngạo, nghe thấy tên nọ gọi mình là thằng nhãi, cười nhạt một tiếng rồi nói:
- Đại gia họ La tên là Đức Phúc, tuy là người vô danh tiếng thật, nhưng không khi nào đại gia lại để cho bọn đạo phỉ hoành hành như thế được.
Tất Tiếu Nham ha hả cười một hồi rồi đáp:
- Thế ra mi là Ngũ Bộ Truy Phong Tiêu đấy. Với tài nghệ thấp kém như mi mà cũng dám đấu với mỗ hay sao?
Nói xong, y cong ngón tay lại như cái móc, thâu vào và phóng ra một cái, nhắm U Môn và Nhũ Trung hai yếu huyệt của La Đức Phúc mà đánh tới. Xương Giang Nhất Xú Tất Tiếu Nham là môn hạ của Huyền Âm Hồng Quân tại Nam Thiên Mẫu Lãnh, đã luyện được năm bảy thành hỏa hầu môn Huyền Âm Chưởng. La Đức Phúc thấy đối phương mới đấu đã giở độc thủ, tức giận vô cùng, chờ Huyền Âm Chưởng vừa đánh tới, chân phải nhún mạnh một cái, thân hình nhanh như chớp nhoáng, đã nhảy tới sau lưng Xương Giang Nhất Xú, giơ tay đánh ba chưởng, sử dụng Khai Ban Chưởng của phái Ngũ Đài, nhằm lưng địch đẩy tới.
Thấy thân pháp của La Đức Phúc nhanh kỳ lạ, Tất Tiếu Nham khen thầm rằng:
- Võ công của tên tiểu tử này cũng khá đấy.
Tuy vậy, y vẫn giả bộ làm như không biết La Đức Phúc đã tập kích phía sau lưng, chờ chưởng của đối phương sắp đẩy tới, liền quay nhanh sang trái, trảm hữu chưởng xuống, dùng nội gia chưởng pháp nhằm cổ tay phải La Đức Phúc chặt xuống. Thế võ ấy ai cũng yên trí La Đức Phúc sẽ bị thương tức thì. Nhưng La Đức Phúc có phải là tay tầm thường đâu, sau khi đánh hụt ba chưởng, và cổ tay phải của mình sắp bị đối phương chặt trúng, vội trầm cổ tay phải xuống hai tấc, giơ tả chưởng lên vỗ vào huyệt Phúc Kết của Xương Giang Nhất Xú.
Đồng thời y lại dùng thân pháp Thiết Bản Kiều nhảy ra bên ngoài tám thước. Tuy may mắn tránh khỏi thế võ của Tất Tiếu Nham, nhưng La Đức Phúc cũng hoảng hồn toát mồ hôi một lạnh một phen.
Biết tay trái của đối phương vỗ vào huyệt Phúc Kết trên bụng mình là thế hư thực, nhưng y vẫn lùi nhanh hai bước, ha hả cả cười, rồi nói:
- Thằng nhãi kia, mi lén lút khá nhanh đấy!
Nói xong, y lại giở Huyền Âm Chưởng ra, hai bàn tay dùng mười thành công lực, xông lên đánh liền. La Đức Phúc thấy thế võ của đối phương khá mạnh, không dám dùng chưởng phong tỏa, vội chạy vòng quanh để tránh. Nhưng Xương Giang Nhất Xú đã định tâm giết La Đức Phúc, liên miên giở Huyền Âm Chưởng ra đánh, hết chưởng này tiếp luôn chưởng khác, thân pháp lại nhanh nhẹn và tinh xảo vô cùng. Bị chưởng lực của đối phương tấn công như vũ bão, La Đức Phúc chỉ có cách vừa chạy vừa tránh vừa lui tới mép đài. Xương Giang Nhất Xú đã giở ngay thế Hổ Quá Cửu Sơn (hổ nhảy qua chín ngọn núi) nhảy lên cao giơ song chưởng đánh thẳng xuống. La Đức Phúc trúng phải song chưởng này tất chết ngay tại chỗ. Quần hùng phía đông khán đài đều kinh hãi la lớn. Bỗng thấy Xương Giang Nhất Xú thâu hai chưởng lại, vừa xuống tới đài, vội lùi hai bước, trong tay hình như đang nắm một cành cây nho nhỏ vậy, vẻ mặt nhăn nhó... Thấy Tất Tiếu Nham bỗng thâu thế không tấn công mình, La Đức Phúc vội nhảy xuống dưới đài.
Xương Giang Nhất Xú đứng trên lôi đài, cất tiếng chửi:
- Tên chuột nhắt nào đã dùng âm tiễn ném ngầm ta thế này? Phải biết một mẩu đũa tre này không làm gì nổi lão gia đâu? Có gan thì bò lên đây đấu với ta vài hiệp?
Y vừa nói tới chữ “hiệp” thì một đoạn đầu tre ở đâu bay tới, hai cái răng cửa của Tất Tiếu Nham đã rơi xuống đài, máu phun ra, y vội dùng tay bịt mồm, đôi mắt lộ hung quang, nhìn hai bên khán đài.
Thấy Tất Tiếu Nham bị ám khí ném trúng hai lần, Ngô Phụng Bưu cũng phải hoảng sợ nghĩ thầm:
- Ai mà tài giỏi đến thế? Bẻ đũa làm tên thay ám khí thế này?
Sở dĩ y sợ hãi là vì hai khán đài cách xa lôi đài những mười hai mười ba trượng, mà thường thường người ta dùng ám khí nhẹ như vậy ném đối phương xa lắm chỉ ném tới ba trượng là cùng, dù người có nội công thật cao siêu cũng chỉ ném tới sáu bảy trượng là cùng, chứ xa quá có ném trúng cũng không hại được kẻ địch.
Y lại nghĩ:
- Bây giờ người này ném xa như vậy mà còn đánh gãy hai cái răng của tên nọ được, đủ thấy người đó nội công cao đến thế nào?
Y thấy trước mặt Vân Nhạc thiếu hẳn hai chiếc đũa tre giật mình kinh ngạc phi thường, nghĩ thầm:
- Ta không thể coi thường người này được. Nhưng không biết y là bạn hay là địch? Nhưng vừa rồi chàng ra tay trừng trị Nhất Xú, đã thấy y không phải là người của bên địch. Không ngờ ít tuổi như thế mà lại có võ học kinh người như vậy? Thật là hiếm có!
Nghĩ đoạn, Ngô Phụng Bưu không nói ra cho mọi người hay.
Lúc ấy, lại có một thiếu niên áo đen ở tây khán đài nhảy lên trên lôi đài, lưng đeo đơn kiếm, đôi mắt lóng lánh nhìn quanh, chắp tay chào Xương Giang Nhất Xú vừa cười vừa nói:
- Tất lão đương gia đã thắng một trận rồi, xin hãy lui xuống. Còn tên chuột nhắt dùng ám khí ném người, chờ lát nữa sẽ điều tra ra là ai ngay. Tới lúc ấy Tất lão đương gia ra tay trừng trị cũng chưa muộn. Còn hậu sinh đây là phái Tây Không Động Tam Đoạt Mệnh Linh Phi, lên đài nhằm mục đích cầu hôn và đoạt bảo kiếm. Không biết lão đương gia có vui lòng giúp cho hậu sinh được toại nguyện không?
Xương Giang Nhất Xú Tất Tiếu Nham đang phân vân không biết nên nhảy xuống hay vẫn ở lại thách đấu? Bỗng thấy Linh Phi lên và khiêm tốn nói như vậy, thì còn gì bằng nữa,
Tất Tiếu Nham tay vẫn ôm mồm đáp:
- Mỗ lên đây chỉ phùng trường du hí thôi, chớ có mong cầu hôn và đoạt kiếm đâu. Bây giờ chú đã có lời nói như vậy thì mỗ xin nhường liền.
Nói xong, y nhảy xuống đất, dùng Tam Sao Thủy thân pháp, chỉ nhún nhảy ba cái, đã xuyên vào tây khán đài trong đám đông người rồi.
Truyện khác cùng thể loại
385 chương
36 chương
45 chương
1308 chương
746 chương
42 chương
69 chương
29 chương