Đời Nhẹ Khôn Kham
Chương 6 : Cuộc diễn hành vĩ đại
1
Mãi đến năm 1980, trên tờ Chủ Nhật Thời Báo, chúng ta mới biết Yakov, con trai Stalin, chết như thế nào. Bị quân Đức bắt sống trong Thế chiến Thứ Hai, anh bị giam giữ trong trại tù binh chung với một số sĩ quan Anh. Mọi người dùng chung nhà cầu. Anh con trai Stalin có tật xấu mỗi lần đi cầu thường làm bừa bãi hôi thối không chịu nổi. Các sĩ quan Anh tức giận lắm vì nhà cầu của họ cứ bị cứt đái làm dơ bẩn dù là cứt đái con trai nhân vật quyền uy nhất thế giới. Họ đem chuyện đó ra nói với anh. Anh cho là bị xúc phạm. Họ nhắc đi nhắc lại nhiều lần, bắt anh lau rửa nhà cầu. Anh nổi cáu, cãi lại và xô xát đánh nhau với đám sĩ quan Anh. Cuối cùng, anh đòi viên chỉ huy trưởng trại xuống phân xử. Nhưng gã chỉ huy trưởng người Đức hống hách không chịu bỏ thì giờ phân xử chuyện cứt đái. Anh con trai Stalin không chịu nổi nhục nhã. Ngửng mặt lên trời gào thét những lời nguyền rủa kinh khiếp nhất của ngôn ngữ Nga, anh đâm đầu vào hàng rào kẽm gai điện cao thế chung quanh trại. Anh đâm trúng mục tiêu. Thân thể anh, không bao giờ làm bẩn nhà cầu đám sĩ quan Anh nữa, nằm phơi trên hàng rào gai kẽm.
2
Đời sống anh con trai Stalin đau khổ không ít. Mọi bằng chứng quy kết chính cha anh đã giết chết người đàn bà sinh đẻ ra anh. Vì thế anh vừa là Con Trời (bởi cha anh được tôn sùng như Thượng đế) vừa là đứa con bị xua đuổi. Người đời hãi sợ anh cả hai mặt: cơn thịnh nộ của anh có thể gây tổn thương người khác (dù sao anh cũng là con Stalin), nhưng ân huệ anh ban cho ai có thể đem nguy hại đến người đó (cha anh có thể trừng phạt đứa con bị từ bỏ bằng cách trừng phạt bạn bè nó.)
Xua đuổi và đặc ân, hạnh phúc và khổ đau – không ai cảm nhận cụ thể hơn Yakov những đối cực này hoán đổi như thế nào, bước đường từ cực này sang cực khác trong hiện hữu của con người ngắn ngủi ra sao.
Rồi, ngay sau khi chiến tranh bùng nổ, anh bị quân Đức bắt giam làm tù binh ở chung với đám tù binh từ một quốc gia xa lạ không hiểu nổi và lúc nào cũng có thái độ khinh bỉ gớm ghiếc anh, đổ lên đầu anh cái tội ở dơ. Phải chăng anh, người mang trên vai vở bi kịch cao cả nhất (thiên thần gẫy cánh và Con Trời), chịu đựng phê phán không phải từ cái gì siêu việt (cõi giới của Thượng đế và thiên thần) mà chỉ vì chuyện cứt đái tầm thường? Phải chăng điểm cao cả nhất và thấp kém nhất trong vở bi kịch có thể cận kề nhau đến chóng mặt như vậy?
Cận kề đến chóng mặt? Cận kề gây chóng mặt được không? Được. Khi bắc cực tiến xuống đụng nam cực, trái đất tan biến và con người rơi vào khoảng không, con người thấy đầu mình quay mòng mòng rồi ngã gục.
Nếu xua đuổi và đặc ân là một và y như nhau, nếu chẳng có gì khác biệt giữa siêu việt và tầm thường, nếu cậu Con Trời còn bị đem ra phê phán vì chuyện cứt đái, thì đời sống con người mất hết chiều kích, nó trở nên nhẹ khôn kham. Khi anh con trai Stalin đâm đầu chạy để phải phơi xác trên hàng rào điện, thế giới mất hết chiều kích, nhẹ hẫng đến vô hạn, bờ rào bị kéo giật lên và trông nó như cái đĩa cân đâm thẳng lên trời cách tội nghiệp.
Con trai Stalin bỏ mạng vì cứt đái. Nhưng cái chết vì cứt đái chưa hẳn là cái chết tầm thường. Người Đức hi sinh mạng sống để bành trướng lãnh thổ quốc gia họ về phía Đông, người Nga chết để thế lực nước họ mở rộng về phía Tây – vâng, họ chết cho những điều ngu xuẩn, và cái chết của họ chẳng hề mang ý nghĩa hay lí tưởng nào. Giữa những ngu xuẩn phi lí của chiến tranh, cái chết anh con trai Stalin nổi bật thành cái chết siêu hình độc nhất.
3
Thuở ấu thơ tôi hay lật xem quyển Thánh Kinh phần Cựu Ước viết riêng cho thiếu nhi đọc do Gustave Doré trình bày minh hoạ, tôi thấy Đức Chúa Trời đứng trên đám mây. Ngài là ông già có mắt mũi và chòm râu dài. Tôi nhủ thầm nếu Ngài có miệng tất Ngài phải ăn uống. Và nếu Ngài ăn uống tất Ngài phải có ruột gan. Nhưng ý tưởng đó luôn luôn làm tôi hãi sợ, bởi mặc dù sinh trưởng trong gia đình không sùng đạo lắm, nhưng tôi có cảm tưởng mình vừa phạm tội báng bổ thánh thần.
Thốt nhiên, không chút kiến thức nào về Thần học, tôi, một đứa trẻ, bỗng thấu hiểu sự bất tương giữa Thượng đế và cứt đái, và từ đó đặt câu hỏi tra vấn luận đề căn bản nhất của chủng học Thiên Chúa giáo, đó là: con người được tạo dựng từ hình ảnh Đức Chúa Trời. Vậy, hoặc: con người được tạo dựng từ hình ảnh Đức Chúa Trời – và Đức Chúa Trời có gan ruột trong bụng! – hoặc: Đức Chúa Trời không có gan ruột và con người không giống Ngài.
Những người theo đạo phái Ngộ đạo thời cổ hẳn phải có ý nghĩ như tôi nghĩ lúc năm tuổi đầu. Thế kỉ thứ hai, Valentinus, một giáo chủ uyên bác của đạo phái này giải quyết vấn nạn rắc rối điên đầu đó bằng cách giải thích Đức Chúa Giê-su “ăn uống, nhưng không tiêu tiểu.”
Cứt đái là vấn đề nhức đầu cho Thần học nhiều hơn cả tội lỗi quỷ ma. Bởi Thượng đế ban bố tự do cho con người, chúng ta có thể, nếu cần thiết, chấp nhận ý tưởng Ngài không chịu trách nhiệm về những tội ác con người. Tuy vậy, trách nhiệm về cứt đái hoàn toàn nằm trong tay Ngài, trong tay Đấng Tạo hoá tạo dựng nên loài người.
4
Đến thế kỉ thứ tư, Thánh Jerome hoàn toàn phủ nhận quan niệm ông Adam và bà Eva giao hợp trong Vườn Địa đàng. Mặt khác, Johannes Scotus Erigena, nhà Thần học uyên bác khác ở thế kỉ thứ chín, lại chấp nhận ý tưởng đó. Hơn nữa, ông còn tin thánh vật tổ tông của ông Adam có thể tùy nghi sai khiến giơ lên như giơ cánh hay tay hay ống chân. Chúng ta chớ nên bác bỏ ý tưởng hoang muội này, đừng xem nó như giấc mơ tái hồi của gã đàn ông bị chứng bệnh bất lực ám ảnh thường xuyên. Ý tưởng của Erigena bao hàm ý nghĩa khác. Nếu chỉ cần một mệnh lệnh giản dị là đủ cho dương v*t cương lên thì kích thích tình dục chẳng còn chỗ đứng trên cõi đời này. dương v*t cương lên không phải vì chúng ta bị kích thích mà vì chúng ta ra lệnh sai khiến nó. Điều nhà Thần học uyên bác tìm ra bất tương với Thiên đàng không phải là chuyện giao hợp và niềm hoan lạc của người trong cuộc; cái bất tương với Thiên đàng chính là lòng kích thích. Hãy ghi nhớ điều này: Trên Thiên đàng có hoan lạc nhưng kích thích thì không.
Biện thuyết của Erigena là chìa khoá đưa đến lí giải Thần học (nói cách khác, Thần lí học) của cứt đái. Con người khi được phép ở lại Thiên đàng, hoặc (như Giê-su của Valentinus) hoàn toàn không tiêu tiểu, hoặc (có lẽ đúng hơn) không xem cứt đái là cái gì gớm ghiếc đáng kinh tởm. Sự kinh tởm chỉ có nơi con người sau khi con người bị Thượng đế đuổi ra khỏi Thiên đàng. Con người bắt đầu che đậy những gì làm hắn hổ thẹn, và lúc vén tấm màn che mắt hắn bỗng trở nên mù loà vì chạm phải luồng ánh sáng rực rỡ. Do đó, ngay khi biết thế nào là kinh tởm, hắn cũng biết thế nào là kích thích. Không có cứt đái (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ ngữ) sẽ không có tình yêu xác thịt như chúng ta hằng biết, thứ tình yêu đi đôi với trái tim đập mạnh và những giác quan mù loà.
Trong Phần Ba của quyển tiểu thuyết tôi thuật chuyện Sabina nửa thân mình loã thể đứng với cái mũ dạ tròn trên đầu và Tomas áo quần chỉnh tề bên cạnh. Lúc đó có chuyện tôi quên nhắc tới. Trong lúc quan sát mình trong gương, kích thích khi thấy phẩm tiết mình như bị chà đạp, trong đầu cô còn lởn vởn giấc mơ hoang muội khác là cô được Tomas bế đặt ngồi lên bàn cầu, trên đầu cô vẫn đội cái mũ và Tomas đứng nhìn cô phóng uế. Đột nhiên tim cô bắt đầu đập mạnh và, thiếu chút nữa ngất xỉu, cô kéo Tomas xuống mặt thảm và lập tức oà vỡ tiếng kêu hoan lạc.
5
Cuộc xung đột giữa người tin tưởng vũ trụ do Thượng đế tạo dựng và kẻ tư duy vũ trụ tự nó hiện ra phải đương đầu với những hiện tượng ngoài tầm lí luận và kinh nghiệm của chúng ta. Hiện thực hơn nhiều là lằn ranh phân biệt người nghi hoặc đời sống con người được ban bố (không cần biết như thế nào và từ ai) với kẻ chấp nhận nó không chút dè dặt nghi ngờ.
Đằng sau mọi đức tin của người Âu, tôn giáo cũng như chính trị, chúng ta tìm thấy chương đầu của Sáng Thế Kí, qua đó chúng ta biết thế giới được dựng nên đầy thiện hảo, hiện hữu của con người rất tốt lành, và do đó chúng ta cần sinh sôi nảy nở. Hãy tạm gọi đức tin căn bản này là sự đồng thuận tuyệt đối với nhân sinh.
Sự kiện cho đến gần đây chữ “cứt” xuất hiện trên sách báo được viết là c… không dính líu gì đến những vấn đề đạo đức. Nói cho cùng, bạn chẳng thể biện biệt cho cứt đái là phi đạo đức! Chống báng cứt đái là hành vi siêu hình. Việc tiêu tiểu hằng ngày là bằng chứng Đấng Tạo hoá không được chấp nhận. Hoặc phải chấp nhận cứt đái (trường hợp đó bạn đừng đóng cửa phòng tắm) hoặc chúng ta được tạo dựng với những hành vi không chấp nhận nổi.
Thế rồi chuyện đó đưa đến điều sau, lí tưởng mĩ học của sự đồng thuận tuyệt đối với nhân sinh là thế giới trong đó cứt đái bị chối từ và mọi người ứng xử như thể cứt đái chẳng hề hiện hữu. Cái lí tưởng mĩ học này được gọi là kitsch.
“Kitsch” là một từ ngữ Đức xuất hiện giữa thế kỉ mười chín đầy tình cảm, và từ ngôn ngữ Đức nó đi vào tất cả các ngôn ngữ Tây phương khác. Tuy nhiên, dùng đi dùng lại nhiều lần, ý nghĩa siêu hình nguyên thủy của nó lu mờ. Lúc đầu, kitsch có nghĩa là tuyệt đối chối bỏ cứt đái, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng; kitsch, từ tầm nhìn của nó, loại trừ tất cả những gì không được chấp nhận là trọng yếu trong vùng hiện hữu của con người.
6
Lúc đầu sự nổi loạn ngấm ngầm trong Sabina chống lại chủ nghĩa Cộng sản mang tính cách thẩm mĩ nhiều hơn là đạo đức. Cô phẫn uất vì cái xấu xa của thế giới Cộng sản (lâu đài cổ bị biến thành chuồng bò) thì ít mà vì cái mặt nạ đẹp đẽ giả tạo nó cố đeo lên mặt thì nhiều – nói cách khác, có thể gọi đó là kitsch Cộng sản. Mô hình kitsch Cộng sản là ngày Quốc tế Lao động mùng một tháng năm.
Cô từng chứng kiến những buỗi diễn hành ngày lễ Lao động trong thời kì người ta còn hồ hởi hay giả vờ thật khéo chứng tỏ mình hồ hởi. Đàn bà ai nấy mặc áo ba màu đỏ trắng xanh. Công chúng đứng trên ban công hoặc cửa sổ lầu cao nhìn xuống những người diễn hành làm thành ngôi sao năm cánh, trái tim, hoặc mẫu tự này nọ. Mỗi nhóm diễn hành như vậy đều có ban nhạc nho nhỏ thổi kèn đồng đi theo giữ nhịp. Lúc gần đến khán đài, ngay cả bộ mặt đưa đám nhất cũng nở nụ cười rạng rỡ, như thể cố chứng tỏ họ đang vui sướng thật tình hay, chính xác hơn, đang đồng thuận thật tình. Không phải họ biểu lộ sự đồng thuận chính trị với chủ nghĩa Cộng sản; không, họ đồng thuận với đời sống đấy. Buỗi lễ ngày Quốc tế Lao động tạo hứng khởi từ cái giếng sâu sự đồng thuận tuyệt đối với nhân sinh. Khẩu hiệu bất thành văn nằm trong bụng mọi người không phải là câu “Chủ nghĩa Cộng sản muôn năm!” mà là “Đời sống muôn năm!” Chính trị Cộng sản uy quyền và nham hiểm chính nhờ biết khai thác và sử dụng đúng chỗ khẩu hiệu này. Bởi chính lối suy nghĩ nhập nhằng chiều nào cũng đúng đầy ngu xuẩn đó (“Đời sống muôn năm!”) đã thu hút những người bất đồng quan điểm với chủ nghĩa Cộng sản đến diễn hành trong hàng ngũ Cộng sản.
7
Mười năm sau (lúc đó cô đã sang Mĩ sinh sống), một Thượng nghị sĩ Mĩ, bạn của những người bạn cô, đưa Sabina đi chơi trên chiếc xe vĩ đại của ông, bốn đứa con ông nhảy lên nhảy xuống phía sau. Ông Thượng nghị sĩ dừng xe trước một vận động trường có sân trượt băng nhân tạo, mấy đứa trẻ phóng ra rồi chạy dọc theo bãi cỏ rộng quanh sân. Ngồi sau tay lái mắt nhìn mơ màng theo hình ảnh tung tăng của mấy đứa con, ông nói với Sabina, “Hãy nhìn chúng.” Và với cánh tay vẽ thành vòng tròn, vòng tròn bao gồm sân vận động, bãi cỏ và những đứa trẻ con, ông nói tiếp, “Đó! Đó chính là cái gì tôi gọi là hạnh phúc.”
Đằng sau câu nói của ông, có cái gì khác hơn niềm vui được nhìn trẻ con chạy nhảy và cỏ mọc xanh rì; có sự thấu hiểu sâu sắc về hoàn cảnh đáng thương của một người tị nạn từ quốc gia Cộng sản nơi ông Thượng nghị sĩ tin chắc không hề có bãi cỏ xanh rì hay trẻ con đùa giỡn chạy tung tăng.
Ngay lúc đó hình ảnh ông Thượng nghị sĩ đứng trên khán đài giữa công trường Praha vụt thoáng qua đầu Sabina. Nụ cười trên môi ông cũng chính là nụ cười tươi tắn từ các lãnh tụ Cộng sản đứng trên khán đài cao hướng xuống các công dân mặt mày tươi cười đồng dạng như nhau trong đoàn người diễn hành bên dưới.
8
Cách nào ông Thượng nghị sĩ biết trẻ con có nghĩa là hạnh phúc? Ông nhìn thấu suốt vào tâm hồn chúng được ư? Giả như, lúc không có người lớn chung quanh, ba đứa xúm vào đánh đập đứa thứ tư thì sao?
Ông Thượng nghị sĩ có câu biện giải duy nhất cho ông: cảm quan của ông. Khi trái tim ông phát biểu, đầu óc ông không được sỗ sàng phản đối. Trong thế giới của kitsch, trái tim độc tài thống trị trên đỉnh cao tối thượng.
Cảm quan xuất phát từ kitsch hẳn phải là thứ tình cảm chung nơi đám đông. Kitsch, do đó, chưa chắc tùy thuộc vào một cảnh huống bất thường nào; nó phải phát sinh từ những hình ảnh người ta khắc ghi vào kí ức: đứa con gái bất nghĩa, người cha bị từ bỏ, trẻ con chạy trên cỏ, quê mẹ bị phản bội, mối tình đầu.
Kitsch tạo thành hai dòng nước mắt thi nhau chảy xuống. Dòng thứ nhất nói: Thật tươi đẹp biết bao khi nhìn trẻ con chạy nhảy trên thảm cỏ!
Dòng thứ hai nói: Cảm xúc của ta và của tất cả nhân loại thật tươi đẹp biết bao khi nhìn trẻ con chạy nhảy trên thảm cỏ!
Kitsch là kitsch chính vì dòng nước mắt thứ hai đó.
Tình thương huynh đệ giữa con người trên mặt quả đất này chỉ có thể tồn lưu trên cơ bản kitsch.
9
Và không ai thấu hiểu điều này hơn các nhà chính trị. Bất kì khi nào thấy ống kính máy quay phim xuất hiện trong tầm nhìn, họ chạy ngay lại đứa bé con gần nhất, bế nó đưa lên cao, hôn lên má nó. Kitsch là lí tưởng mĩ học của tất cả chính trị gia, tất cả đảng phái hoặc phong trào chính trị nào.
Những ai trong chúng ta sống trong xã hội nơi có nhiều khuynh hướng chính trị khác biệt hiện diện cùng lúc, tranh giành ảnh hưởng, hoá giải hoặc giới hạn lẫn nhau, ít nhất còn khéo léo né tránh tầm truy nã của kitsch: cá nhân vẫn có thể bảo tồn tính cách riêng tư của mình; người nghệ sĩ vẫn có thể sáng tạo những công trình nghệ thuật lạ lùng. Nhưng khi chỉ có một phong trào chính trị độc quyền nắm giữ mọi quyền lực, chúng ta bắt gặp chúng ta nằm trong thế giới của kitsch toàn trị.
Tôi nói “toàn trị” có nghĩa là bất cứ điều gì vi phạm đến kitsch đều bị lưu đày vĩnh viễn: mọi phô diễn cá nhân chủ nghĩa (bởi đi trệch ra khỏi tập thể là nhổ vào mặt tình huynh đệ tươi đẹp); mọi nghi ngờ (bởi kẻ khởi đầu nghi ngờ những tiểu tiết sẽ kết thúc nghi ngờ ngay chính đời sống); mọi châm biếm (bởi trong thế giới của kitsch chuyện gì cũng nghiêm trọng); mọi người mẹ bỏ bê gia đình hoặc đàn ông thích đàn ông hơn đàn bà, vì làm thế là dám chất vấn thánh chỉ “Hãy sản sinh thêm nhiều và làm cho đầy dẫy mặt đất.”
Dưới tia sáng này, chúng ta có thể xem gulag là cái thùng phân kitsch toàn trị dùng chứa đồ phế thải.
10
Thời gian mười năm sau Thế chiến Thứ Hai là thời gian cuộc khủng bố của Stalin trở nên kinh hoàng nhất. Đó là thời gian ông thân sinh Tereza bị bắt giữ chỉ vì chuyện vớ vẩn không đâu và cô bé Tereza mười tuổi bị đuổi ra khỏi nhà. Đó cũng là thời gian cô gái Sabina hai mươi tuổi đang theo học tại Học viện Mĩ thuật. Ở trường, vị giáo sư dạy chủ nghĩa Mác-xít giảng dạy lí thuyết như sau về nghệ thuật xã hội chủ nghĩa: Xã hội Sô viết đã tiến bộ đến mức cuộc đấu tranh cơ bản không còn giữa cái tốt và cái xấu nữa mà giữa cái tốt và cái tốt hơn. Do đó, cứt (tức bất cứ thứ gì không được chấp nhận) chỉ có thể hiện hữu “ở phía bên kia” (Mĩ chẳng hạn), và chỉ từ đó, từ bên ngoài, ngoại vật (gián điệp chẳng hạn) mới có thể xâm nhập vào thế giới “cái tốt và cái tốt hơn.”
Thật vậy, trong khoảng thời gian tàn khốc này, phim ảnh Sô viết tràn ngập các quốc gia Cộng sản mang toàn sắc thái ngây thơ trinh bạch. Xung đột ghê gớm nhất giữa hai nhân vật Nga là họ yêu nhau nhưng hiểu lầm nhau: chàng ngỡ nàng không yêu chàng; nàng tưởng chàng không yêu nàng. Nhưng cảnh sau cùng bao giờ cũng là chàng và nàng ôm chầm nhau, hai hàng nước mắt sung sướng chảy dài trên má.
Lời giải thích thông thường cho các cuốn phim này là: nó phô diễn lí tưởng Cộng sản, trong khi hiện thực Cộng sản thì tệ lậu hơn. Sabina luôn luôn chống báng lối giải thích đó. Mỗi khi tưởng tượng thế giới kitsch Sô viết có ngày trở nên hiện thực, cô thấy lạnh cả xương sống. Thà cứ để cô sống trong chế độ Cộng sản thật với tất cả những ngược đãi, những đám đông xếp hàng chờ mua thịt còn hơn. Đời sống trong thế giới Cộng sản thật vẫn có thể sống được. Nhưng ở thế giới đạt tới lí tưởng Cộng sản, thế giới những tên ngu xuẩn nhe răng ra cười kia, cô sẽ chẳng biết nói gì, chưa đầy một tuần lễ chắc cô sẽ chết vì kinh khiếp mất thôi.
Cảm giác hãi sợ kitsch Sô viết dấy lên trong người Sabina làm tôi rúng động rất giống nỗi kinh hoàng của Tereza trong giấc mơ thấy mình diễn hành quanh hồ bơi với lũ đàn bà khác và bị ép đồng ca những bài hát vui tươi trong khi xác chết nổi lều bều dưới hồ nước. Tereza không cách gì mở miệng nói được câu nào với những người đàn bà khác; ý thức duy nhất cô làm chủ là khúc nhạc kế tiếp của bài hát đang hát. Ngay cả cái nháy mắt bí mật cô cũng không được phép làm; bởi nếu làm họ sẽ lập tức chỉ tay lên người đàn ông đứng trong chiếc giỏ treo lơ lưng trên mặt hồ và hắn sẽ bắn cô một phát chết tươi.
Giấc mơ của Tereza phơi bày năng vụ chính yếu của kitsch: kitsch chính là tấm màn bao phủ được thiết kế dùng che đậy cái chết.
11
Trong thế giới của kitsch toàn trị, tất cả những câu trả lời đều có sẵn và mọi nghi vấn bị cấm đoán. Từ đó, đối thủ thật sự của kitsch toàn trị là kẻ đặt câu hỏi. Câu hỏi như con dao rạch toang bức phông sân khấu và phơi bày cho chúng ta thấy cái gì ẩn giấu phía sau. Thật ra, đó chính là điều Sabina giải thích cho Tereza nghe về ý nghĩa những bức tranh của cô: ở bề mặt là sự giả trá rõ ràng; nhưng bên dưới là sự thật ẩn nấp lờ mờ hiện lên.
Nhưng nếu chỉ có vấn nạn và nghi ngờ, những người phải vật lộn với cái chúng ta gọi là chế độ toàn trị sẽ không thể nào sinh hoạt bình thường. Họ cũng cần sự yên tâm và đôi chút sự thật đơn giản để số đông quần chúng hiểu được họ, mủi lòng vì họ.
Có lần Sabina tổ chức triển lãm tranh dưới sự bảo trợ của một tổ chức chính trị bên Đức. Lúc cầm lên quyển ca-ta-lô, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt cô là bức ảnh của chính cô in chồng lên hình vẽ hàng rào kẽm gai. Bên trong phần tiểu sử nghe như cuộc đời vị thánh hay người tuẫn giáo nào: cô chịu trăm đắng nghìn cay, phải đấu tranh chống lại bao ngược đãi, phải lìa bỏ quê hương rướm máu ra đi, nhưng vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh. “Những bức tranh của bà là cuộc đấu tranh cho hạnh phúc” là câu kết luận của bài viết.
Cô phản đối nhưng chẳng ai hiểu ý cô muốn gì.
Cô muốn nói hội hoạ hiện đại không bị cấm đoán dưới chế độ Cộng sản ư?
“Kẻ thù của tôi là kitsch chứ không phải Chủ nghĩa Cộng sản!” Cô điên tiết trả lời.
Từ lúc đó trở đi, cô bắt đầu nhét vào tiểu sử mình những lời lẽ mập mờ bí ẩn, và khi sang Mĩ cô còn khéo léo che giấu sự kiện cô là người gốc Tiệp. Chẳng qua đó chỉ là cố gắng tuyệt vọng cô rán vượt thoát khỏi cái kitsch người ta muốn đổ chụp lên cuộc đời cô.
12
Cô đứng trước giá vẽ ngắm nghía bức tranh đang vẽ dở, ông già ngồi trong ghế bành phía sau quan sát từng nét cọ của cô.
“Đã đến giờ về nhà,” cuối cùng ông già cất tiếng sau khi liếc nhìn xuống đồng hồ đeo tay.
Cô đặt bản màu xuống rồi vào phòng tắm rửa ráy. Ông già nhổm dậy vói tay lấy cây can của ông dựng cạnh bàn. Cửa ra vào xưởng vẽ đâm thẳng ra sân cỏ. Trời tối dần. Cách đó chừng năm mươi bộ là ngôi nhà gỗ sơn trắng. Đèn trong nhà tầng dưới cháy sáng. Hai ô cửa sổ nơi có ánh đèn phả ra buổi chiều tàn làm Sabina thốt nhiên thấy ấm lòng.
Suốt cuộc đời lúc nào cô cũng tuyên bố kitsch là kẻ thù. Nhưng phải chăng cô vẫn đeo nó kè kè bên mình?
Kitsch của Sabina là hình ảnh ngôi nhà thanh bình, êm ả, đồng điệu, và ngự trị bên trong là bà mẹ yêu thương cùng người cha khôn khéo. Đó là hình ảnh bắt đầu thành hình trong cô sau cái chết của cha mẹ cô. Cuộc đời cô càng ít giống giấc mơ ngọt ngào đó bao nhiêu cô càng trở nên nhạy cảm với sự huyền nhiệm của nó bấy nhiêu, và hơn một lần cô đã rơi nước mắt khi người con gái bội bạc trong cuốn phim tình cảm ôm người cha bị từ bỏ trong lúc cửa sổ ngôi nhà hạnh phúc phả ánh đèn ra buổi chiều tàn.
Cô gặp ông già ở New York. Ông giàu có và yêu thích hội hoạ. Ông chung sống với bà vợ già trong ngôi nhà ở miền quê. Đối diện ngôi nhà, nhưng vẫn nằm trong phạm vi đất đai của ông là tàu ngựa cũ. Ông cho sửa sang biến tàu ngựa thành xuởng vẽ cho Sabina và ngày ngày ông ra ngồi nhìn cô làm việc trước giá vẽ.
Lúc này ba người đang ngồi dùng cơm tối. Bà vợ ông già gọi Sabina là “cô con gái của tôi”, nhưng mọi bằng chứng cho thấy điều đó hoàn toàn trái ngược, có nghĩa Sabina là bà mẹ mới đúng và hai người con quấn quít bên cô, tôn sùng cô, sẵn sàng làm bất cứ điều gì cô đòi hỏi.
Phải chăng lúc sắp bước qua tuổi xế chiều cô mới tìm ra tình phụ mẫu cô bị giật mất khi còn con gái? Phải chăng cuối cùng cô tìm ra những đứa con chính cô chẳng bao giờ có nổi?
Cô biết rõ đó chỉ là ảo tưởng. Những ngày cô sinh sống với cặp vợ chồng già này chỉ là khoảng thời gian ngắn ngủi. Ông già bệnh tật liên miên, và sau khi ông mất, bà vợ ông sẽ lên Canada sinh sống với anh con trai hai người. Chặng đường bội phản của Sabina lại tiếp tục nơi khác, và từ đáy sâu thăm thẳm của tâm hồn cô, bản nhạc lòng vô vị ngây ngô về hai ô cửa sổ có ánh đèn cháy sáng và mái nhà hạnh phúc kia sẽ thỉnh thoảng dấy lên lướt về cõi nhẹ khôn kham của kiếp nhân sinh.
Mặc dù bị bài hát làm rúng động, Sabina không đặt nặng tình cảm mình vào đó. Cô biết quá rõ bài hát chỉ là sự lừa dối đẹp đẽ. Ngay khi kitsch bị nhận diện là sự lừa dối, nó sẽ đi vào ngữ cảnh trái ngược với kitsch, nơi nó mất hết mọi quyền uy và trở nên mủi lòng mềm yếu như bất cứ nhược điểm nào khác của con người. Bởi không ai trong chúng ta siêu nhân đủ để vượt thoát hoàn toàn khỏi kitsch. Dù chúng ta khinh miệt nó cách mấy chăng nữa kitsch sẽ luôn luôn là phần bất khả phân li của kiếp sống con người.
13
Kitsch xuất phát từ sự đồng thuận tuyệt đối với nhân sinh.
Nhưng cơ bản của nhân sinh là gì? Thượng đế? Nhân loại? Đấu tranh? Tình yêu? Đàn ông? Đàn bà?
Vì mỗi ý kiến mỗi khác nên có nhiều loại kitsch khác nhau: Công giáo, Tin lành, Do thái, Cộng sản, Phát-xít, Dân chủ, Nữ quyền, Âu châu, Mĩ châu, Quốc gia, Quốc tế.
Từ thời Cách mạng Pháp, phân nửa Âu châu được gọi là tả phái và nửa kia hữu phái. Tuy nhiên chúng ta sẽ không bao giờ định nghĩa được điều gì nếu chỉ đơn thuần dựa trên những nguyên tắc lí thuyết. Và thảo nào: những phong trào chính trị dựa trên những luận điểm hợp lí thì ít mà chỉ thấy toàn những điều hoang tưởng, hình ảnh, chữ nghĩa, khuôn mẫu nhào nặn thành cái gọi là kitsch chính trị.
Giấc mơ hoang tưởng về cuộc Diễn hành Vĩ đại Franz bị lôi cuốn cách say đắm vào là cái kitsch chính trị làm thế nào kết hợp được tất cả những thành phần tả khuynh của mọi thời đại và mọi khuynh hướng khác nhau. Cuộc Diễn hành Vĩ đại là cuộc diễn hành hùng tráng trên con đường dẫn đến tình huynh đệ đại đồng, đến công bằng, công lí, và hạnh phúc; nó sẽ đi mãi, đi mãi chẳng bao giờ kết thúc, nó bất chấp mọi trở ngại, vì có trở trại cuộc diễn hành mới xứng đáng là cuộc Diễn hành Vĩ đại.
Độc tài chuyên chính hay dân chủ? Phủ nhận xã hội tiêu thụ hay yêu cầu gia tăng sản xuất? Hãy đem ra cái máy chém hay xoá bỏ tội tử hình? Tất cả đều nằm ngoài vấn đề. Cái dựng nên người tả khuynh không phải là những lí thuyết này nọ, mà là khả năng hắn có thể kết hợp bất cứ lí thuyết nào vào cái kitsch có tên gọi cuộc Diễn hành Vĩ đại.
14
Hiển nhiên Franz không phải là kẻ tôn sùng kitsch. Giấc mơ hoang muội thực hiện cuộc Diễn hành Vĩ đại chiếm ngự đời sống anh na ná bài hát nhạt nhẽo vô vị về hai ô cửa sổ le lói ánh đèn tiềm ẩn tâm khảm Sabina. Franz bỏ phiếu cho đảng phái chính trị nào? Tôi e anh chẳng bao giờ đi bầu; ngày bầu cử anh thà đi leo núi còn hơn. Điều đó dĩ nhiên không ám chỉ cuộc Diễn hành Vĩ đại đã hết tạo khích động trong lòng anh. Thật bao giờ cũng đẹp đẽ khi mơ tưởng thấy chúng ta là một phần của đám đông đang cất bước tiến lên đi xuyên qua các thế kỉ, và Franz chẳng bao giờ quên hẳn giấc mơ đó.
Một hôm, có điện thoại từ những người bạn anh ở Paris gọi sang. Họ đang dự định tổ chức một cuộc diễn hành sang Cam bốt và mời anh tham dự.
Cam bốt trước đó ít lâu trải qua những biến cố kinh khủng, hết bị Mĩ bỏ bom rồi đến nội chiến, một cuộc chém giết lên đến cực độ giữa những phe phái Cộng sản nội bộ làm tiêu hao một phần năm dân số quốc gia nhỏ bé đó, rồi cuối cùng còn bị quốc gia láng giềng Việt Nam sang xâm chiếm, Việt Nam lúc đó là nước chư hầu của Nga không hơn không kém. Cam bốt đang bị nạn đói hoành hành, và dân chúng trong nước khổ sở kêu gào sự trợ giúp y tế từ bên ngoài. Một tổ chức y học quốc tế nhiều lần xin phép vào cứu giúp nhưng Việt Nam nhất định chối từ. Có người đưa ra ý kiến tổ chức một cuộc diễn hành gồm những thành phần trí thức Tây phương tăm tiếng tham dự, đi bộ đến biên giới Cam bốt và biết đâu nhờ biến cố to lớn đó diễn ra trước mắt thế giới các bác sĩ ngoại quốc sẽ được phép vào cứu trợ dân trong nước.
Người bạn điện đàm với Franz là người trước đây thường sinh hoạt chung với anh trong những cuộc diễn hành trên đường phố Paris. Thoạt nghe chuyện Franz phấn chấn lắm, nhưng ngay sau đó mắt anh hướng sang chạm cô nhân tình sinh viên đang ngồi trong ghế bành đối diện. Cô đang ngước lên nhìn anh, đôi mắt cô to ra sau gọng kính to tròn. Franz có cảm tưởng đôi mắt đó đang van lơn xin anh đừng đi. Và vì thế anh xin lỗi, không nhận lời người bạn.
Nhưng điện thoại chưa đặt xuống anh đã hối hận về quyết định của mình. Đúng, anh lo lắng chăm nom cô nhân tình trần thế của anh chu đáo lắm, nhưng anh lãng quên tình yêu cao thượng kia mất rồi. Chẳng lẽ Cam bốt không giống quê hương Sabina sao? Một xứ sở bị lũ quân Cộng sản nước láng giềng sang xâm chiếm! Một xứ sở hứng chịu áp lực bàn tay Nga Sô! Ngay lập tức, Franz có cảm tưởng người bạn từ lâu không gặp kia liên lạc anh vì có mệnh lệnh bí mật từ Sabina truyền xuống.
Thiên thể trên trời biết rõ và nhìn thấy mọi điều mọi vật. Nếu anh tham dự cuộc diễn hành, Sabina sẽ nhìn xuống anh ngây ngất; cô sẽ hiểu anh vẫn luôn gìn giữ lòng chung thủy son sắt với cô.
“Em buồn lắm không nếu anh đi tham dự cuộc diễn hành?” Anh hỏi cô gái, cô đếm mỗi ngày xa anh là mỗi ngày mất mát, nhưng có bao giờ cô từ chối anh được điều gì đâu.
Mấy hôm sau anh có mặt trong chiếc phản lực cơ khổng lồ cất cánh từ Paris chở hai mươi bác sĩ và chừng năm chục trí thức (giáo sư, nhà văn, nhà ngoại giao, ca sĩ, diễn viên, thị trưởng) cùng bốn trăm kí giả và phóng viên nhiếp ảnh, quay phim.
15
Phi cơ hạ cánh xuống Bangkok. Bốn trăm bảy chục nhân vật gồm bác sĩ, trí thức và kí giả ùn ùn kéo nhau vào hội trường một khách sạn quốc tế, nơi đó một số đông bác sĩ, diễn viên, ca sĩ, giáo sư ngôn ngữ học khác đã tụ tập chờ đợi sẵn cùng với vài trăm kí giả báo chí, người nào trên tay cũng lăm le sổ tay, máy ghi âm, máy chụp hình, máy quay phim. Trên bàn chủ toạ, một nhóm chừng hai mươi người Mĩ ngồi sau chiếc bàn dài chủ toạ buổi họp.
Nhóm trí thức Pháp mới bước vào phòng trong đó Franz là một thành viên cảm thấy bị coi thường. Cuộc diễn hành cho Cam bốt là ý kiến của họ, vậy mà giờ đây bọn Mĩ, nhơn nhơn trâng tráo như bình thường, không những giành chiếm phần chủ động buổi họp mà còn chiếm bằng tiếng Anh nữa, chẳng cần biết lỡ có ông Tây hay ông Đan mạch nào không hiểu họ nói cái giống gì trên đó. Và vì người Đan mạch từ lâu quên béng họ có thành lập một quốc gia riêng nên người Pháp tự xem mình là người Âu duy nhất có khả năng lên tiếng phản đối. Nguyên tắc của họ cao đến độ họ không thèm phản đối bằng tiếng Anh mà dùng tiếng mẹ đẻ trình bày ý kiến với nhóm người Mĩ trên bàn chủ toạ. Nhóm người Mĩ, không hiểu một chữ Pháp nào, phản ứng với nụ cười thân thiện tán đồng. Sau cùng, phía người Pháp không còn chọn lựa nào khác hơn đành tóm lược nỗi bất bình của họ bằng câu tiếng Anh: “Tại sao buổi họp sử dụng tiếng Anh trong khi có nhiều người Pháp đang hiện diện?”
Mặc dù ngạc nhiên đến cực độ khi biết ra lí do nỗi bất bình, phía người Mĩ, miệng vẫn giữ nụ cười, ưng chịu: sẽ dùng cả hai thứ tiếng trong buổi họp. Tuy thế, trước khi tiếp tục, phải tìm một thông dịch viên nào kha khá. Rồi, mỗi câu nói đều phải thông dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp hoặc ngược lại, vì thế buổi hội thảo kéo dài gấp hai thường lệ, hay hơn thế nữa vì phía người Pháp gần như ai cũng biết ít nhiều tiếng Anh và mỗi lần không đồng ý người thông dịch điều gì, họ lại ngắt lời chữa lại, so đo từng chữ một.
Buổi họp lên đến cao điểm khi một nữ diễn viên điện ảnh Mĩ nổi tiếng đứng lên phát biểu. Thấy vậy, đám kí giả chụp hình quay phim lại ùn ùn túa vào hội trường, và mỗi câu mỗi chữ phát ra từ miệng cô đều có tiếng lách cách của máy ảnh kèm theo. Người nữ diễn viên nói về những đứa trẻ tội nghiệp, về sự bạo ngược của chế độ độc tài Cộng sản, về quyền sinh sống của con người trong bảo đảm an ninh, về mối hiểm hoạ đương thời đang đe doạ những giá trị truyền thống của xã hội văn minh, về quyền tự do bất khả phân li của mỗi cá nhân con người, và về Tổng thống Carter, người vô cùng xúc động về những biến cố xảy ra ở Cam bốt. Lúc kết thúc bài phát biểu, mặt cô diễn viên giàn giụa nước mắt.
Thế rồi một bác sĩ trẻ tuổi người Pháp ria mép hung đỏ nhảy lên la lớn: “Chúng tôi đến đây để cứu giúp những người đang chờ chết chứ không phải để vinh danh Tổng thống Carter! Đừng biến công tác này thành gánh xiệc tuyên truyền cho người Mĩ! Chúng tôi đến đây không phải để phản đối chủ nghĩa Cộng sản! Chúng tôi đến đây để giúp người!”
Tiếp lời anh ta một vài người Pháp khác lên tiếng tán đồng. Người thông dịch sợ quá không dám dịch lại. Vì thế nhóm người Mĩ trên bàn chủ toạ miệng vẫn nở nụ cười đầy thiện cảm, nhiều người gật gù ra vẻ tán đồng. Một người còn giơ nắm tay vung lên không bởi ông nghe nói bên Âu châu người ta hay giơ nắm tay vung lên không mỗi khi say sưa trong tinh thần đoàn kết.
16
Tại sao những trí thức tả khuynh (bởi vị bác sĩ có bộ ria mép hung đỏ là gì nếu không phải một trí thức tả khuynh) sẵn sàng diễn hành chống lại quyền lợi một quốc gia Cộng sản trong khi chủ nghĩa Cộng sản vẫn luôn luôn được xem là lãnh vực của cánh tả?
Khi tội ác của quốc gia có tên là Liên Sô trở nên quá ghê rợn bỉ ổi, người tả khuynh có hai lựa chọn: một là nhổ lên quãng đời trước của mình và chấm dứt cuộc diễn hành, hai là (với ít nhiều ngượng ngùng) xếp loại Liên Sô vào thành phần vật cản trở và tiếp tục cuộc Diễn hành Vĩ đại.
Như tôi đã nói cái làm nên người tả khuynh là kitsch Diễn hành Vĩ đại. Danh tính của kitsch hiện hữu không nhờ thế lực chính trị nào mà nhờ những ảnh tượng, ẩn dụ, ngôn từ. Vì vậy người ta có thể phá bỏ thói quen cũ và diễn hành ngược lại quyền lợi một quốc gia Cộng sản. Tuy nhiên, dùng từ ngữ này thay thế từ ngữ khác lại là cái gì không thể thực hiện. Người ta có thể vung nắm tay lên đe doạ quân đội Việt Nam, nhưng sẽ chẳng bao giờ mở miệng la lớn “Đả đảo Cộng sản”. “Đả đảo Cộng sản” là khẩu hiệu của kẻ đối địch cuộc Diễn hành Vĩ đại, và bất cứ ai lo ngại bị mất mặt đều phải trung thành với sự trong sạch của cái kitsch riêng mình.
Lí do duy nhất tôi phải biện biệt những điều này là để giải thích sự hiểu lầm giữa vị bác sĩ Pháp và cô minh tinh màn bạc Mĩ. Là người duy ngã, cô tưởng tượng mình là nạn nhân của lòng đố kị và tính ghét bỏ đàn bà từ những người chung quanh. Thực ra, vị bác sĩ người Pháp tỏ ra vô cùng nhạy bén: những cụm từ “Tổng thống Carter”, “những giá trị truyền thống”, “chủ nghĩa Cộng sản bạo tàn”, tất cả nằm trong kho từ vựng của kitsch Mĩ, chúng chẳng dính dáng gì đến cuộc Diễn hành Vĩ đại.
17
Sáng hôm sau, mọi người nối đuôi leo lên đoàn xe buýt đi xuyên qua lãnh thổ Thái lan và ra đến biên thùy Cam bốt. Tối xuống, họ vào một ngôi làng nhỏ thuê mấy gian nhà sàn tạm trú qua đêm. Con sông chảy qua làng thường gây lụt lội nên dân làng sinh sống bên trên mặt đất, dưới sàn nhà là đàn heo lúc nhúc. Franz ngủ chung với bốn vị giáo sư khác. Từ bên dưới vọng lên là tiếng heo kêu ủn ỉn và ngay bên tai là tiếng ngáy của nhà toán học nổi danh.
Sáng ra, họ lại leo lên xe buýt. Cách biên giới chừng một dặm không ai được phép lái xe nữa. Trục lộ duy nhất dẫn qua biên giới là con đường nhỏ hẹp có lính canh gác vô cùng nghiêm ngặt. Đoàn xe buýt dừng lại. Nhóm người Pháp trên xe đổ xuống một lần nữa thấy phe mình lại thua phe Mĩ vì phía người Mĩ đang tụ tập thành nhóm dẫn đầu cuộc diễn hành. Giờ phút quyết liệt đã tới. Người thông dịch được triệu đến và cuộc đấu khẩu lại dai dẳng diễn ra. Sau cùng mọi người ưng thuận điều kiện như sau: đứng đầu cuộc diễn hành là một người Mĩ, một người Pháp và một thông dịch viên Cam bốt, sau đó là phái đoàn bác sĩ, còn lại bao nhiêu nối đuôi đi theo sau. Cô diễn viên Mĩ đi đoạn hậu.
Con đường chật hẹp và đầy mìn. Chốc chốc lại bị vật cản – hai khối xi măng quấn dây thép gai – chận đường và khoảng cách chỉ vừa đủ một người qua lọt.
Đi trước Franz chừng mười lăm bộ là thi sĩ kiêm ca sĩ nhạc thời trang người Đức nổi tiếng. Anh ta sáng tác cả thảy chín trăm ba mươi bài hát cho hoà bình và chống chiến tranh. Anh ta vác theo một cây cờ trắng. Lá cờ làm nổi bật hàm râu đen của anh ta và cũng khiến anh ta nổi bật giữa đám đông.
Chạy tới chạy lui dọc theo hai bên đoàn diễn hành là đám phóng viên nhiếp ảnh và quay phim luôn tay bấm máy hoặc quay phim rào rào, lúc chạy tuốt lên phía trước, lúc thụt ra đàng sau, lúc ngừng lại quì gối rồi đứng bật dậy chạy lên thật xa. Thỉnh thoảng họ gọi tên đôi ba nhân vật danh tiếng, người đó làm như vô ý thức ngoảnh lại vừa đủ thời gian chụp một pô hình.
18
Bỗng có chuyện chi đó xảy ra. Mọi người đi chậm lại và ngoảnh nhìn về phía sau.
Người nữ diễn viên Mĩ, người bị xếp vào đuôi đám đông, không chịu nổi nhục nhã nữa và cô quyết định xoay ngược thế cờ. Cô phóng chân chạy lên phía trước đoàn người như một lực sĩ điền kinh chạy vòng đua năm ki-lô mét nãy giờ giữ sức bằng cách đeo ba lô sau lưng và bây giờ đột nhiên bật lên phóng về phía trước vượt qua từng đối thủ một.
Đám đàn ông né sang tránh chỗ cho cô vượt qua, miệng cười gượng gạo như thể không nỡ phá lỡ cơ hội chiến thắng của nhà chạy bộ danh tiếng, nhưng đám đàn bà không thế, họ hét lớn: “Đi vào chỗ! Đây không phải nơi diễn hành của minh tinh màn bạc!”
Không nao núng, cô diễn viên tiếp tục lấn về phía trước kéo theo sau cái đuôi gồm năm phóng viên nhiếp ảnh và hai tay quay phim.
Đột nhiên một người đàn bà Pháp, một nữ giáo sư ngôn ngữ học thò tay ra nắm chặt cổ tay cô diễn viên và nói lớn (bằng tiếng Anh rất khó nghe): “Đây là cuộc diễn hành của bác sĩ đến đây cứu trợ dân Cam bốt đang bệnh hoạn chết chóc chứ không phải nơi các minh tinh điện ảnh diễn trò thu hút đám đông, nghe chưa!”
Cổ tay cô diễn viên bị nắm cứng trong nắm tay vị nữ giáo sư ngôn ngữ học; cô không tài nào giật ra. “Bà làm cái giống gì vậy?” Cô nói (bằng tiếng Anh toàn hảo). “Tôi nói cho bà biết, tôi từng đi diễn hành như vầy cả trăm lần! Không có minh tinh hả, mấy người chẳng làm nên trò trống gì đâu! Đây là công việc của chúng tôi! Trách nhiệm lương tâm của chúng tôi!”
“Merde!” vị nữ giáo sư ngôn ngữ học nói (bằng tiếng Pháp toàn hảo.)
Cô diễn viên Mĩ hiểu câu chửi thề và nước mắt cô đột nhiên tuôn trào. “Xin đừng di động!” Một phóng viên nhiếp ảnh la lên, anh ta quì dưới chân người nữ diễn viên. Cô nhìn thật lâu vào ống máy, hai hàng nước mắt chảy dài hai bên má.
19
Cuối cùng vị nữ giáo sư ngôn ngữ học buông tay cô diễn viên. Lúc đó anh chàng ca sĩ râu đen người Đức vác cờ trắng lên tiếng gọi tên cô.
Cô diễn viên Mĩ chưa nghe tên anh ta bao giờ, nhưng sau khi bị làm nhục cô dễ dàng đón nhận niềm cảm thông an ủi từ người khác nên cô lập tức chạy về phía anh ta. Anh chàng ca sĩ chuyển lá cờ sang tay trái rồi vòng tay phải ôm vai cô.
Lập tức hai người bị một đám nhiếp ảnh gia và chuyên viên quay phim bu chung quanh. Một nhiếp ảnh gia Mĩ danh tiếng loay hoay mãi không chụp được toàn bộ khuôn mặt hai người cùng lá cờ vì cán cờ quá dài, anh ta lùi vài bước xuống ruộng. Và chẳng may, anh ta đạp chân lên một quả mìn. Quả mìn nổ tung, thân xác anh ta tan nát thành nhiều mảnh vụn bay tung toé lên không trung, máu thịt vãi như mưa xuống đầu đám trí thức Tây phương.
Anh chàng ca sĩ và cô diễn viên kinh hoàng đến độ cứng đờ cả người. Hai người đưa mắt nhìn lên lá cờ. Lá cờ dính đầy máu. Một lần nữa họ thấy kinh khiếp. Rồi họ rụt rè nhìn lên vài lần nữa và họ bắt đầu hơi nở nụ cười. Niềm hãnh diện lạ lùng bỗng nhiên tràn ngập tâm khảm hai người, niềm hãnh diện họ chưa bao giờ trong đời trải qua: lá cờ họ đang cầm được tưới bằng máu. Một lần nữa họ gia nhập cuộc diễn hành.
20
Biên giới hai quốc gia là con sông nhỏ, nhưng con sông bị che bởi bức tường dài xây dọc theo bờ sông cao chừng sáu bộ có đặt bao cát để bảo vệ những tay bắn sẻ phía Thái. Bức tường chừa một lỗ hổng duy nhất nơi cây cầu bắc ngang sông. Lính canh Việt Nam nằm chờ bên kia sông, nhưng vị trí họ được ngụy trang kĩ lưỡng nên chẳng ai thấy họ đâu. Tuy vậy, điều hiển nhiên là bất cứ ai đặt chân lên cầu, những họng súng vô hình từ phía bên kia sông sẽ khai hoả ngay lập tức.
Đoàn người tham dự cuộc diễn hành đến sát chân tường rồi rón rén đứng nhìn. Franz thò đầu nhìn qua kẽ hở giữa hai bao cát, cố nhướng mắt nhìn xem có gì lạ không. Anh không thấy chi cả. Một nhiếp ảnh gia nghĩ anh ta có thẩm quyền đứng chỗ tốt hơn chen vào đẩy Franz ra.
Franz quay lại nhìn. Bảy nhiếp ảnh gia bu trên ngọn cây trơ trụi trông như đàn quạ to tướng, dõi mắt nhìn chăm chú sang bên kia sông.
Ngay lúc đó, cô gái thông dịch người Cam bốt trong nhóm dẫn đầu cuộc diễn hành nói lớn vào loa phóng thanh bằng tiếng Khờ-me cho phía bên kia nghe: Những người này là bác sĩ; họ xin phép vào lãnh thổ Cam bốt để chữa trị người ốm đau bệnh tật; họ hoàn toàn không có chủ ý chính trị gì; họ làm chỉ vì lòng nhân đạo quan tâm đến mạng sống con người mà thôi.
Vọng lại từ phía bên kia là sự im lặng điếng người. Sự im lặng tuyệt đối đến độ tinh thần mọi người như sa xuống. Chỉ có tiếng máy ảnh bấm lách cách giữa thinh lặng nghe như bài hát của loài côn trùng lạ.
Franz đột nhiên có cảm tưởng cuộc Diễn hành Vĩ đại đang đến hồi kết cuộc. Chung quanh Âu châu là biên giới lặng im, và không gian nơi cuộc Diễn hành Vĩ đại diễn ra chẳng qua chỉ là cái sân khấu nhỏ nhoi nằm ngay giữa địa cầu. Những đám đông từng hồ hởi chen chúc nhau lên sân khấu đã ra đi từ lâu, và cuộc Diễn hành Vĩ đại tiếp tục diễn ra trong lạnh vắng, không hề có một khán giả nào. Vâng, Franz tự nhủ, cuộc Diễn hành Vĩ đại tiếp tục đi tới, bất chấp sự thản nhiên của thế giới, nhưng nó càng ngày càng rối mù hỗn loạn: hôm qua chống Mĩ xâm lăng Việt Nam, hôm nay chống Việt Nam xâm lăng Cam bốt; hôm qua ủng hộ Do thái, hôm nay ủng hộ Palestine; hôm qua cho Cuba, ngày mai chống Cuba – và bao giờ cũng chống Mĩ; có lúc lên án vụ thảm sát này nhưng có lúc ca ngợi vụ thảm sát kia. Âu châu tiếp tục bước tới, và để theo kịp, không muốn bỏ sót bất cứ biến cố nào, nhịp bước diễn hành càng ngày càng nhanh, đến lúc cuộc Diễn hành Vĩ đại còn lại chỉ là đoàn người ào ào lũ lượt kéo nhau chạy và sân khấu thì thu nhỏ dần đến một ngày nó co rút thành điểm nhỏ vô kích thước.
21
Một lần nữa, cô gái thông dịch hét vào loa phóng thanh lời thách đố. Và một lần nữa đáp lại là sự im lặng thản nhiên đến vô tận.
Franz đưa mắt quan sát mọi người chung quanh. Sự im lặng từ phía bên kia sông như cái tát giáng vào mặt họ. Ngay đến anh chàng ca sĩ cầm cờ trắng và cô diễn viên Mĩ cũng thất vọng và họ dùng dằng chẳng biết phải hành động như thế nào.
Trong thoáng suy nghĩ Franz thấy họ tức cười làm sao, nhưng thay vì tách rời hay tự tìm cho mình lời mỉa mai chua chát, ý tưởng đó khiến anh cảm nhận ra lòng yêu thương vô bờ chúng ta dành cho những ai bị kết tội. Vâng, cuộc diễn hành đang đến hồi kết cuộc, nhưng có lí do nào khiến Franz phản bội nó không? Phải chăng chính cuộc đời anh cũng đang đến hồi kết thúc? Ai là người anh chế nhạo trong cuộc biểu dương đưa những vị bác sĩ can đảm ra biên giới? Họ làm được gì ngoài một buổi trình diễn? Họ có lựa chọn nào không?
Franz đúng lắm. Tôi không thể không nghĩ đến ông nhà báo ở Praha, người chủ xướng thảo lá thỉnh nguyện thư xin ân xá tù nhân chính trị. Ông biết rất rõ lá thỉnh nguyện thư sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến việc trả tự do cho tù nhân chính trị. Mục tiêu chính của ông không phải là tìm cách đòi tự do cho những người tù, nó chỉ cho thấy những người không biết sợ hãi vẫn còn hiện hữu trên cõi đời này. Lại thêm một vai tuồng trong vở kịch. Nhưng ông không còn chọn lựa nào khác. Chọn lựa của ông không phải giữa đóng kịch và hành động mà giữa đóng kịch và không làm gì. Có những cảnh huống người ta bị kết tội là đóng kịch. Cuộc đấu tranh với một quyền lực im lìm (quyền lực im lìm từ bên kia sông, công an biến thành máy ghi âm gài im lìm trên tường) là cuộc đấu tranh của đoàn diễn kịch tấn công đoàn lính trận.
Franz đứng nhìn người bạn thời Sorbonne đang giơ nắm tay đe doạ sự im lặng từ phía bên kia.
22
Lần thứ ba cô gái thông dịch hét vào loa phóng thanh lời thách đố.
Vẫn im lặng và lần này Franz từ thất vọng biến thành tức giận. Anh đứng đây, chỉ vài bước cách cây cầu nối liền hai quốc gia Thái lan và Cam bốt, lòng anh bỗng sôi sục ý chí như muốn chạy băng lên cầu, ngửng mặt lên trời hét tiếng nguyền rủa căm hờn để rồi ngã gục dưới tràng đạn bạo tàn đau đớn.
Nỗi sôi sục bất ngờ bốc lên trong lòng Franz khiến chúng ta chợt nhớ ra điều gì: vâng, chúng ta nhớ đến anh con trai Stalin, người đã vùng chạy ra khỏi trại giam và bị điện giật chết tươi trên hàng rào kẽm gai khi anh không chịu nổi cảnh phải nhìn hai thái cực trong cõi trần ai này tiến lại gần đến nỗi va chạm nhau, khi không còn khác biệt giữa cao nhã và bẩn thỉu, giữa thiên thần và ruồi muỗi, giữa Thượng đế và cứt đái.
Franz không chấp nhận nổi sự việc đang xảy ra trước mắt anh, niềm vinh quang của cuộc Diễn hành Vĩ đại chỉ tương đương với lòng hoang tưởng mê muội đến khôi hài của đám người trong cuộc. Anh không chịu nổi sự thật âm vang cao cả của lịch sử Âu châu lại mất hút trong nỗi câm lặng vô biên và chẳng có khác biệt nào giữa lịch sử và khoảng không gian im vắng. Anh có cảm tưởng như đang tự đặt chính đời sống anh lên bàn cân và anh muốn chứng minh cuộc diễn hành phải nặng hơn cứt đái.
Nhưng chẳng ai chứng minh được điều đó. Một bên bàn cân là cứt đái; bên kia, anh con trai Stalin đem cả thân xác mình đặt lên. Vậy mà cán cân không hề động đậy.
Thay vì chạy ra lãnh băng đạn, Franz ôm đầu lủi thủi cùng những người khác đi hàng một quay về đoàn xe buýt.
23
Chúng ta ai cũng cần có người nhìn lên mình. Có thể chia con người thành bốn hạng tùy theo cách chúng ta mong ước được nhìn như thế nào.
Hạng thứ nhất khao khát cái nhìn từ vô vàn những con mắt không tên, nói cách khác, từ con mắt của quần chúng. Đó là trường hợp anh chàng ca sĩ Đức và cô diễn viên Mĩ, trường hợp ông nhà báo dáng người cao, lưng gù, cằm to cũng thế. Ông quen thuộc mọi tầng lớp độc giả của ông, và khi tờ báo bị người Nga đóng cửa ông có cảm tưởng không khí đột nhiên loãng ra đến cả trăm lần. Không có gì thay thế được những con mắt không tên. Ông nghĩ ông đến chết ngạt mất thôi. Thế rồi một hôm ông chợt hay biết ông bị theo dõi thường xuyên, bị gài máy nghe lén trong nhà, và có người lén chụp hình ông ngoài phố. Đột nhiên ông thấy những con mắt không tên vẫn còn đó và ông hít thở khí trời trở lại như bình thường! Ông bắt đầu đọc diễn văn cho máy ghi âm gắn lén trên tường nghe. Nhờ công an nhà nước ông thấy ông vẫn còn là người của quần chúng.
Hạng thứ hai là những người có nhu cầu khẩn yếu được nhìn từ những con mắt thân quen. Họ là chủ nhân không biết mệt mỏi những bữa tiệc tùng ăn uống. Đời sống họ vui sướng hơn hạng thứ nhất, những người sau khi mất công chúng có cảm tưởng như ngọn đèn trong gian phòng đời sống họ cũng tắt ngúm theo. Điều này sớm muộn sẽ xảy đến cho phần lớn những con người đó. Tuy nhiên, hạng người thứ hai luôn luôn có khả năng vẽ vời cho mình những con mắt cần thiết. Marie-Claude và cô con gái thuộc hạng này.
Rồi đến hạng thứ ba, những người lúc nào cũng thấy cần phải hiện diện trước mắt người mình yêu thương. Tình trạng của họ nguy hiểm y như hạng thứ nhất. Ngày nào đôi mắt người họ thương yêu khép lại, gian phòng sẽ tràn ngập bóng tối theo. Tereza và Tomas thuộc hạng thứ ba.
Và sau cùng là hạng thứ tư, hiếm hoi nhất, là những người sống trong đôi mắt tưởng tượng của người vắng mặt. Họ là những kẻ mộng mơ. Thí dụ Franz. Anh mò đến biên giới Cam bốt chỉ vì Sabina. Trong lúc chiếc xe buýt gập ghềnh lăn bánh trên những con đường xứ Thái, anh có cảm giác Sabina đang chăm chú dán mắt lên anh thật lâu.
Cậu con trai Tomas cũng thuộc hạng người này. Hãy cho tôi gọi cậu là Simon. (Chắc cậu sẽ vui sướng nếu biết mình có tên thánh, giống như tên cha cậu.) Cậu khao khát đôi mắt Tomas. Do những hoạt động chống đối trong cuộc vận động trình lá thỉnh nguyện thư, cậu bị đuổi khỏi trường đại học. Cô gái cậu quen là cháu gái một linh mục dưới làng. Hai người lấy nhau và cậu kiếm được chân lái xe máy cày trong hợp tác xã, cậu đi nhà thờ Công giáo, rồi có con. Khi hay tin Tomas cũng về làng quê sinh sống, cậu vui mừng khôn tả: định mệnh nào xui khiến đời sống cha con trở nên cân xứng như vậy! Nhờ đó cậu có can đảm viết cho Tomas một lá thư. Cậu không đòi hỏi Tomas phải hồi âm. Cậu chỉ ao ước được đôi mắt người cha dõi vào cuộc đời mình.
24
Franz và Simon là những kẻ mộng mơ của quyển tiểu thuyết này. Khác với Franz, Simon không bao giờ yêu thích mẹ mình. Từ thuở ấu thơ, cậu đã đi lùng kiếm người cha. Cậu sẵn sàng tin tưởng cha cậu là nạn nhân của sự bất công nào đó, và vì vậy cha cậu cũng suốt đời áp đặt sự bất công đó lên cậu. Cậu không bao giờ tức giận cha cậu, bởi cậu không muốn đồng minh với mẹ mình, người lúc nào cũng tìm cách nói xấu người cha.
Cậu sống với mẹ đến năm mười tám thì hoàn tất chương trình Trung học; sau đó cậu lên Praha theo học Đại học. Lúc đó Tomas đang làm nghề lau chùi cửa kính. Hơn một lần Simon kiên nhẫn tìm cách làm như tình cờ chạm mặt Tomas. Nhưng Tomas chẳng bao giờ ngừng lại chuyện trò với cậu.
Lí do duy nhất cậu dính dáng tới ông nhà báo là vì định mệnh cuộc đời ông nhà báo làm cậu nhớ đến định mệnh cuộc đời cha cậu. Ông nhà báo không biết Tomas là ai. Ông cũng quên bẵng bài báo về Oedipus. Chính Simon là người kể ông nghe chuyện đó và khuyên ông thuyết phục Tomas kí tên vào lá thỉnh nguyện thư. Ông nhà báo đồng ý chỉ vì ông muốn làm điều tốt lành chi đó cho cậu trai, người ông ưa thích.
Mỗi khi nhớ lại bữa gặp cha mình, cậu cảm thấy hổ thẹn vì đã quá run khớp. Cha cậu không thể nào ưa thích cậu được. Ngược lại, cậu thấy yêu mến cha mình quá đỗi. Cậu nhớ từng lời từng chữ cha cậu nói, và với thời gian cậu thấy những điều đó đúng lắm thay. Câu nói gây ấn tượng lớn trong cậu là “Trừng phạt những người không biết họ đang làm gì là điều mọi rợ.” Hôm người bác cô bạn gái nhét vào tay cậu quyển Thánh Kinh, lời Chúa Giê-su “Xin tha tội cho chúng, bởi chúng không biết việc chúng làm” khiến cậu xúc động lạ thường. Cậu biết cha cậu không phải là người mộ đạo, nhưng sự tương tự giữa hai câu nói khiến cậu nhìn ra dấu hiệu bí mật: cha cậu bằng lòng với con đường đã chọn.
Về quê sinh sống được ba năm, một hôm cậu nhận được thư Tomas mời đến nhà chơi. Lần gặp gỡ này giữa cha con rất thân thiết. Simon thấy thoải mái và cậu ăn nói không lắp bắp chút nào. Nhưng có lẽ cậu không nhận ra giữa cậu và cha cậu, hai người không hiểu nhau nhiều. Chừng bốn tháng sau, cậu nhận được điện tín báo tin vợ chồng Tomas bị tai nạn chết chẹt dưới xe tải hàng.
Cũng vào khoảng thời gian đó, cậu biết thêm về người đàn bà có thời là một trong những tình nhân của cha cậu, bà ta lúc đó đang sinh sống bên Pháp. Cậu tìm ra địa chỉ của bà. Bởi cậu vô cùng cần thiết đôi mắt trong tưởng tượng theo dõi cuộc đời mình nên cậu thỉnh thoảng viết cho bà những lá thư dài thậm thượt.
25
Cho đến cuối cuộc đời, Sabina thường xuyên nhận được những lá thư từ con người buồn bã ở ngôi làng xa xôi đó. Nhiều lá cô chẳng bao giờ xé ra đọc, bởi càng ngày cô càng chán ngán cái mảnh đất cố quận nhiễu nhương kia.
Sau khi ông già mất, cô dọn về California. Đi xa về phía tây, xa cái xứ sở nơi cô sinh ra. Tranh cô vẽ bán rất chạy, cô cũng yêu thích nước Mĩ. Nhưng đó chỉ là bề mặt. Tất cả những gì bên dưới với cô đều xa lạ. Ở bên dưới, không có ông bà, chú bác. Cô sợ sẽ phải tự mình đóng cửa nấm mồ và lún sâu xuống lòng đất nước Mĩ mất thôi.
Vì thế một hôm cô thảo lá chúc thư trong đó cô yêu cầu sau khi chết hãy thiêu xác cô rồi ném lên trời cho gió cuốn đi. Tereza và Tomas chết dưới con dấu của sức nặng. Cô muốn chết dưới con dấu của nhẹ nhàng. Cô sẽ nhẹ hơn không khí. Như Parmenides nói, từ âm biến thành dương.
26
Chiếc xe buýt ngừng lại đỗ trước khách sạn Bangkok. Chẳng ai còn tha thiết đến chuyện họp hành. Nhóm đi xem cảnh, nhóm thăm viếng đền đài, nhóm rủ nhau tìm nhà thổ. Người bạn Sorbonne của Franz đề nghị hai người đi chơi chung cho qua buổi tối nhưng anh thích đi một mình.
Lúc anh ra đường trời vừa sẩm tối. Trí óc anh lảng vảng hình ảnh Sabina, dường như đôi mắt cô vẫn đang dõi nhìn theo anh. Mỗi lần như vậy, anh lại tự nghi hoặc chính mình: anh chưa bao giờ hay biết rốt ráo Sabina suy nghĩ điều gì. Ngay lúc đó anh vẫn thấy trong lòng bất ổn không vui. Lẽ nào Sabina lại chế nhạo anh? Lẽ nào cô xem chuyện anh tôn sùng cô là trò cười điên rồ ngây dại sao? Lẽ nào cô đang cố thuyết phục anh là đã đến lúc anh lớn lên và hãy thương yêu chăm sóc cô nhân tình của anh, người nhờ cô anh mới có?
Hình dung khuôn mặt với cặp kính cận gọng to tròn, anh đột nhiên nhận thức anh và cô nhân tình sinh viên hạnh phúc biết bao. Ngay tức khắc, anh rúng động nhìn ra cuộc phiêu lưu sang Cam bốt thật vô nghĩa và buồn cười. Tại sao anh đi? Đến lúc này anh mới biết. Anh đi để tìm cho ra lẽ không phải những cuộc diễn hành, không phải Sabina, chính cô gái mới là cuộc sống thật của anh, cuộc sống thật duy nhất của anh! Anh đi để tìm cho ra lẽ sự thật hơn giấc mơ, hơn giấc mơ nhiều lắm!
Đột nhiên, có bóng người nhô ra từ chỗ tranh tối tranh sáng đoạn nói với anh bằng thứ ngôn ngữ anh hoàn toàn không hiểu. Anh nhìn kẻ lạ bằng nét mặt nửa kinh ngạc nửa quan tâm. Gã đàn ông cúi người xuống, miệng mỉm cười rồi lẩm bẩm điều gì đó có vẻ nguy cấp lắm. Gã đang cố nói gì vậy? Hình như gã có ý mời anh đi đâu. Gã đàn ông nắm tay Franz rồi kéo anh đi. Anh đoán chắc có người đang cần anh cứu giúp. Biết đâu công anh lặn lội đường xa vạn dặm không đến nỗi vô nghĩa. Anh được gọi sang đây để cứu người, có phải vậy không?
Đột nhiên hai gã đàn ông khác hiện ra, một trong hai gã dùng tiếng Anh bảo anh đưa tiền ra.
Tại thời điểm này, cô gái với gọng kính to tròn biến mất trong ý nghĩ anh và Sabina hiện ra dõi mắt nhìn theo anh, Sabina vô thực với cái định mệnh to lớn dị thường, Sabina người đã khiến anh trở thành bé nhỏ. Đôi mắt cô giận dữ xoáy vào anh, tức tối và bất mãn: Anh lại dở chứng nữa phải không? Có người lại lạm dụng tính lương hảo khùng điên trong anh nữa chăng?
Anh giật tay khỏi gã đàn ông lạ mặt, gã vói theo chụp tay áo anh. Anh nhớ Sabina lúc nào cũng trầm trồ về sức mạnh của anh. Anh chụp cánh tay gã đàn ông khác đang đu lên người anh, siết chặt, rồi với đòn nhu đạo tuyệt hảo, anh quật gã ngã chỏng gọng xuống mặt đường.
Bây giờ anh hài lòng với chính anh lắm. Đôi mắt Sabina vẫn không rời. Cô sẽ không bao giờ nhìn thấy anh tự làm nhục chính anh nữa! Cô sẽ không bao giờ nhìn thấy anh lui bước! Sẽ không còn Franz nhẹ nhàng tình cảm!
Với mấy gã đàn ông này anh cảm thấy thù ghét, thù ghét nhưng gần như vui sướng. Chúng tưởng chúng cười vào mũi anh vì cái ngố ngác trong người anh sao! Anh đứng đó vai hơi gù xuống, mắt đảo qua đảo lại nhìn hai gã đàn ông còn lại. Đột nhiên, anh thấy đầu mình như bị búa bổ, và lập tức anh ngã gục xuống. Anh mơ hồ nhận ra anh được khiêng đến nơi nào đó. Rồi sau đó anh bị ném vào khoảng không và anh thấy anh rơi xuống mãi. Một tiếng vỡ hãi hùng và anh mê đi không hay biết gì nữa.
Anh tỉnh dậy trong bệnh viện ở Geneva. Marie-Claude ngồi bên mép giường. Anh muốn nói cho cô biết là cô không có quyền ngồi nơi đây. Anh muốn nói mọi người làm ơn gọi cô gái có cặp kính cận to tròn đến với anh ngay lập tức. Cô chiếm ngự hoàn toàn mọi ý tưởng trong anh. Anh muốn hét thật to rằng anh không chịu nổi bất cứ người nào khác ngoài cô gái bên cạnh anh. Nhưng anh quá đỗi kinh hoàng khi nhận ra anh không tài nào mở miệng nói được điều gì. Anh nhìn lên Marie-Claude với đôi mắt thù ghét vô biên và anh cố xoay người để khỏi phải trông thấy cô. Nhưng anh không di động nổi thân xác mình. Có lẽ cái đầu chăng? Không, ngay cả cái đầu anh cũng vô phương lay động. Anh đành nhắm mắt lại.
27
Cuối cùng, trong cái chết, Franz thuộc về vợ mình. Cô có anh như chưa bao giờ có như vậy trước đó. Marie-Claude chu tất mọi chuyện: cô sắp xếp mọi công việc cử hành tang lễ, gửi thiệp báo tang, mua vòng hoa, và đi may một chiếc áo dài đen – trên thực tế, một chiếc áo cưới thì đúng hơn! Vâng, đám ma của chồng là lễ cưới thực thụ của vợ! Cao điểm những công lao suốt cuộc đời cô! Phần thưởng bù đắp những nỗi truân chuyên cô trải qua!
Vị linh mục chủ lễ thấu hiểu điều này. Bài điếu văn của ông nói về tình yêu vợ chồng thực thụ, tình yêu kinh qua biết bao thử thách để sau cùng trở thành nơi chốn bình yên cho người quá cố, nơi chốn trở về lúc cuối cuộc đời. Người bạn đồng liêu của Franz, người được Marie-Claude nhờ đọc bài diễn từ cạnh huyệt mộ, cũng phần lớn gửi lời tuyên dương đến người vợ can đảm. Đâu đó phía sau đám đông, cô gái với gọng kính to tròn phải vịn vào người bạn mới đứng vững nổi. Hậu quả của nhiều viên thuốc ngủ và cố gắng trấn át tiếng khóc làm toàn thân cô đau rút trước khi đám tang bế mạc. Cô lảo đảo ngã chúi về phía trước, hai tay ôm chặt bụng, người bạn phải dìu cô ra về, bỏ dở nửa chừng buổi tang lễ.
28
Cầm trong tay tờ điện tín ông chủ nhiệm hợp tác xã đem đến, cậu tức tốc nhảy lên xe gắn máy. Cậu đến nơi vừa kịp lúc thu xếp việc tống táng. Bên dưới tên cha cậu trên mộ bia, cậu cho khắc hàng chữ: NGƯỜI MONG MUỐN THIÊN QUỐC ĐỨC CHÚA TRỜI NƠI HẠ GIỚI.
Cậu biết rõ cha cậu chẳng bao giờ nói câu đó, nhưng cậu đoan chắc câu nói diễn tả đúng sự thật ý cha cậu muốn nói gì. Thiên quốc Đức Chúa Trời có nghĩa là công bằng. Tomas vẫn hằng mong mỏi được nhìn một thế giới công bằng. Simon có quyền diễn tả đời sống cha cậu bằng thứ ngôn ngữ riêng của cậu chứ? Dĩ nhiên cậu có quyền: từ thuở nào đến giờ, có phải tất cả những người thừa kế đều có thẩm quyền đó?
TRỞ VỀ SAU NHỮNG CHUYẾN LÃNG DU DÀI là lời bi kí trên mộ phần của Franz. Có thể lí giải câu kí trên bình diện tôn giáo: những cuộc lãng du thuộc về hiện hữu nơi hạ giới của chúng ta, trở về là trở về trong vòng tay Thượng đế. Nhưng những kẻ trong cuộc biết chuyện đều hiểu rõ nó còn mang ý nghĩa hoàn toàn phàm tục khác nữa. Thật vậy, ngày nào Marie-Claude cũng đem chuyện đó ra lải nhải.
Franz, hỡi Franz ngọt ngào yêu quí! Bão tố giữa đời sao quá đắng cay. Và cái cô gái bé nhỏ tội nghiệp đó tung lưới bắt được chàng! Tại sao? Ngay chút nhan sắc cô ta cũng không có! (Chị có bao giờ trông thấy cặp mắt kính khổng lồ cô ta cố ẩn núp đàng sau không?) Nhưng khi bước sang tuổi năm mươi (ai mà không biết!), họ sẵn sàng bán linh hồn đổi lấy chút xác thịt tươi non. Chỉ có người vợ mới thấu hiểu nỗi thống khổ chàng chịu đựng! Chỉ là sự tra tấn lương tâm mà thôi! Bởi lẽ, thật sự bên trong, Franz là người đàn ông tử tế và lương hảo. Làm sao chị giải thích được chuyến đi điên rồ tuyệt vọng về cái miền đất khỉ gió gì đó bên Á châu? Chàng đi để tìm cái chết.
Vâng, Marie-Claude biết rõ như vậy vì một sự kiện tuyệt đối: Franz ý thức được chuyện đi tìm cái chết. Trong những ngày cuối, khi nằm chờ chết và chẳng cần che đậy dối trá điều gì, người duy nhất anh chờ đợi là cô gái. Anh không mở miệng được, nhưng qua đôi mắt anh đội ơn cô xiết bao! Anh dán mắt lên cô xin cô tha thứ. Và cô tha thứ cho anh.
29
Đám dân Cam bốt đang dần chết để lại gì?
Một bức hình lớn người nữ minh tinh Mĩ tay ôm đứa bé Á châu.
Tomas chết để lại gì?
Lời bi kí NGƯỜI MONG MUỐN THIÊN QUỐC ĐỨC CHÚA TRỜI NƠI HẠ GIỚI.
Beethoven chết để lại gì?
Cái nhíu mày hoang mang, và tiếng nói u ám cất thành giọng hát “Es muss sein!”
Franz chết để lại gì?
Lời bi kí TRỞ VỀ SAU NHỮNG CHUYẾN LÃNG DU DÀI.
Vân vân và vân vân. Trước khi đi vào quên lãng, chúng ta biến thành kitsch. Kitsch là chặng tạm dung giữa hiện hữu và lãng quên.
Truyện khác cùng thể loại
113 chương
10 chương
188 chương
80 chương