Về tới phòng ở của mình, bất ngờ là cả căn phòng không hề bám đầy bụi bặm như trong tưởng tượng. Hàm Ngọc biết sức khỏe của ta đang trong giai đoạn hồi phục nên bảo ta ở trong phòng dưỡng thương, không phải vội vàng làm việc ngay. Từ những gì cô ấy nói ta mới biết vừa nãy Cao Yển có đến Tề vương phủ, hơn thế nữa, trong khoảng thời gian này tần suất Cao Yển tới tìm Cao Hoằng Lãng dày đặc một cách lạ thường. Chúng ta hàn huyên dăm câu, Hàm Ngọc để ta ở lại nghỉ ngơi một mình. Nằm trên chiếc giường quen thuộc, mới ngả đầu là ta đã ngủ mê man. Đánh một giấc tới tận tối, lúc mở mắt viện đã lên đèn, ánh đèn dầu vàng ấm áp chiếu xuống đất qua khe cửa. Cảm giác đói khủng khiếp khiến ta không cách nào ngủ tiếp được nữa, đành lần mò đứng dậy chuẩn bị ra bếp sau xem còn đồ ăn không. Chỉnh trang xong, vừa ra mở cửa đã thấy có bóng người đứng chỗ thềm cửa đưa lưng về phía ta. Cũng chẳng biết y đứng đó bao lâu rồi, chắc là nghe tiếng, y chậm rãi quay đầu lại, gương mặt trắng nõn tuấn tú bị ánh đèn chia làm hai nửa, một nửa bên sáng, nửa chìm bóng tối. “Sao Ngũ gia lại ở đây? Có chuyện gì sao ạ?” Ta vội bước lên hành lễ rồi hỏi. Hồi lâu không nghe thấy giọng y, ta hơi giương mắt, nhưng lại chạm phải đôi con ngươi đen láy đang nhìn ta chăm chú, ánh mắt ấy thậm chí còn có vẻ chói lòa hơn cả ngọn đèn phía sau y. Đứng một chốc bỗng thấy khoang bụng râm ran đau, bấy giờ Cao Yển mới cất tiếng, giọng trầm trầm: “Sức khỏe hồi phục sao rồi?” “Bẩm Ngũ gia, hiện đi đứng, làm việc hay nghỉ ngơi đều ổn cả, thái y nói chỉ cần hạn chế tối đa làm những công việc nặng nhọc là sẽ không có vấn đề gì lớn.” “Vậy thì tốt, mấy ngày này ngươi cứ dưỡng thương tiếp đi, tạm thời công việc trong viện chưa cần đến ngươi.” Y nói mà như thể đang đọc một bài văn chán ngắt khô khan, chẳng có tí cảm xúc nào. Không đợi ta trả lời, Cao yển đã xoay người đi về hướng phòng của y, ta đứng tại chỗ chẳng kịp phản ứng gì. Đang lúc định vòng ra bếp sau, Cao Yển đi được nửa đường đột nhiên dừng lại, ta nhìn thấy vạt áo dài của y dường như hơi lay động. Ngay sau đó, y quay phắt người như bị bò cạp cắn rồi sải bước đến chỗ ta, bộ điệu hùng hổ làm sợ đến mức không nhịn được lùi về sau. Nhưng y chẳng hề cho ta thời gian lẫn không gian né tránh, chỉ vài bước đã ép thẳng ta lên ván cửa. “Ngũ… Ngũ gia?” Ta mở miệng gọi y theo bản năng, lại bị giọng nói đầy áp lực của y cắt ngang: “Tại sao ngươi muốn đi thay thái tử phi?” Ta sững sờ một lúc lâu mới nhận ra y đang nói đến chuyện bị tập kích ngoài thành ngày hôm ấy, có điều ta không hiểu y hỏi câu này là có ý gì, dù sao nếu Tương Nhã Đồng mà chết, bọn nô tài đi cùng là chúng ta sẽ nhận được kết quả tốt chắc? Tuy bụng nghĩ thế, ngoài miệng ta vẫn tìm cho mình một lý do hoàn hảo không chê vào đâu được, cất giọng nói có phần oan khuất: “Hôm đó chẳng phải Ngũ gia dặn nô tỳ trông nom thái tử phi cẩn thận hay sao?” Nhịp thở của Cao Yển như ngừng lại, bầu không khí cực kỳ yên tĩnh, ta lén liếc mắt nhìn, trông thấy sâu dưới đáy mắt y tựa hồ cái thứ gì đó đang cuộn trào. Qua thêm một hồi lâu nữa, xương sườn của ta càng lúc càng đau, dẫu sao ta vẫn không thể đứng quá lâu, thế nhưng Cao Yển cứ im thin thít chẳng khác nào bị điểm huyệt. Ngay khi ta sắp nhịn không nổi nữa toan mở lời, lúc này y mới nói, giọng điệu lấy lại sự bình tĩnh như ngày thường: “Ngươi có gì muốn hỏi ta sao?” Xương sườn của ta đau, chẳng muốn hỏi gì hết cả. Thế là ta dứt khoát lắc đầu, tiếng hít thở của Cao Yển bỗng trở nên nặng nề, không nói năng gì mà vung tay áo đi luôn. Lần này y đi thẳng về phòng mình chả buồn quay đầu lại nữa. Khoảng thời gian ta vắng mắt, có vẻ tính khí Cao Yển càng chuyển biến theo xu hướng “nắng mưa thất thường”. Xem ra ngày mai phải ta phải đi dò la tin tức, bằng không tâm trí sẽ không thể thả lỏng. Mấy ngày kế tiếp ta thám thính được khá nhiều tin trong hoàng thành. Mấy hộ nhà bị nhiễm bệnh sau khi uống thuốc của Vương Trác điều chế thì đã khỏi hẳn, cho nên hiện giờ bên chỗ viện phó Vương Trác của thái y viện coi bộ tưng bừng hơn chỗ viện trưởng nhiều. Hoàng đế cũng hạ lệnh khôi phục giờ mở cổng thành hằng ngày, gỡ bỏ phong tỏa nghiêm ngặt, chỉ trong vòng vài ngày mà hoàng thành đã trở về dáng vẻ lúc ban đầu, như thể chưa từng tồn tại dịch bệnh, dân chúng tiếp tục với guồng quay cuộc sống ngày xưa. Sự kiện Tương Nhã Đồng gặp thích khách ngoài thành hôm ấy hoàng đế đã giao cho Cao Hoằng Lãng điều tra, nói là phải bắt được bọn người áo xám hành hung kia. Mà đám dân chạy nạn ngoài thành, sau khi hoàng thành hết lệnh cấm, họ liền tự vào thành tìm người thân. Hoàng đế không những không hỏi tội mà còn sai mở quốc khố, lấy một phần ngân lượng ra bồi thường cho những nông phu gặp họa vì dịch bệnh. Mấy việc này thì giao cho Cao Giới đi giám sát, đại khái là vì giúp hắn lấy lại thanh danh. Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, tất cả nạn dân đều được sắp xếp ổn thỏa, không còn nghe một câu kêu than oán trách. Về phần đám nạn dân bạo loạn làm ngựa hoảng sợ chạy như điên, cho thích khách cơ hội ra tay thì tuyệt không ai nhắc tới chứ đừng nói đến việc trừng trị. Dù sao năm, sáu trăm người dân lang thang ngoài thành trước kia, số người vây quanh xe ngựa chưa được một trăm, sau đó lại gặp tai nạn bất ngờ, cả đám người chạy nháo nhào hết cả lên, làm sao phân biệt được kẻ xấu người tốt? Có thể kẻ ủ mưu đã trà trộn vào những người không có động cơ xấu xa, tuy nhiên chiếm phần lớn là dân chúng bình thường không phải loại đại gian đại ác, chỉ khi gặp tai bay vạ gió lòng mới sinh căm hờn. Vì vậy, việc cần làm nhất hiện giờ là tra rõ đám người áo xám, coi như cho Tương Nhã Đồng và người nhà của nàng ta một lời giải thích thích đáng. Đây cũng là điều ta đã nghĩ tới ngay từ đầu, dù sao… luật pháp không thể thực thi khi có tính cộng đồng, không thể vì một thái tử phi mà giết chết mấy trăm nạn dân. Hầu hết những tin tức trên là ta nghe được từ Thanh Đại, sau khi được miễn công tác, cả ngày ta nằm lì trong phòng, bởi vậy người bên phòng giặt cũng thường hay tới thăm ta. Đây cũng là một cơ hội cho sự lười biếng hết sức “trắng trợn”, vì Thanh Đại và Châu Ngọc là hai con người thường xuyên đến nhất. Đặc biệt mồm miệng Thanh Đại, vừa nói cái là không dừng được, gi gỉ gì gi cái gì cũng dám nói toẹt ra hết. Bấy giờ Thanh Đại đang nhàn nhã ngồi trong phòng ta, ló cái đầu ra quan sát, thấy không có ai mới thậm thụt bảo: “Biết chuyện gì chưa, để tôi kể cho nghe.” Thấy ta tò mò, Thanh Đại nhỏ giọng nói thầm: “Mấy ngày nay tin này truyền khắp trong kinh, cô mới về nên có thể là không biết, kể cho mà nghe, tất cả mọi người đều nói tiểu Yến vương kia… thích thái tử phi.” “Tiểu Yến vương thích thái tử phi?” Ta vô thức lên cao giọng, nghi ngờ có phải mình nghe nhầm rồi chăng. Thanh Đại giơ tay gõ nhẹ vào đầu ta: “Cô bé mồm tí, để cho người ta nghe thấy là tôi chết chắc đấy.” Ta cau mày nói: “Cô cũng biết không được bàn tán bậy bạ chuyện của chủ tử, nói linh ta linh tinh.” “Nói có sách mách có chứng.” Thanh Đại khẽ hờn, “Ngày thứ hai sau khi thái tử phi trở về, một mình tiểu Yến vương lập tức chạy ra ngoài thành tìm đám nạn dân. Tính tình Diêm vương của ngài ấy cô biết chứ gì, nghe nói kha khá người trong số nạn dân bị đánh, nếu thị vệ không cản thì có khi xảy ra tại nạn chết người rồi. Bệ hạ khoan dung đã không truy cứu mà ngài ấy dám đứng lên chống lại. Sau không nhờ dì của ngài ấy là Đức phi xin tha, e là ngài ấy sẽ không chỉ bị phạt cấm túc một tháng thôi đâu.” Ta ngớ người, hóa ra lúc trước Hồ Nguyên Ly ở trong Yến vương phủ hoài không vào triều, chẳng phải vì chơi bời lêu lổng mà là tại bị phạt. Chẳng qua, ta chưa bao giờ nhìn thấy vẻ bất bình vì bị phạt hiện hữu trên gương mặt hắn. Trông ta ngẩn ngơ hồi lâu, như là thấy nói một mình nghe chẳng có gì hay, Thanh Đại đảo mắt chuyển đề tài khác: “Còn một tin nữa, chắc chắn cô cũng không biết.” “Tin gì thế?” Tâm trí hơi rối bời, ta thuận miệng hỏi bâng quơ. Thanh Đại nói: “Tần vương phủ của chúng ta, có thể sẽ có nữ chủ nhân.” “Nữ chủ nhân?” Đầu óc ta nhất thời không hoạt động được, “Ngũ gia đính hôn? Sao không nghe ai nói thế?” Vẻ mặt Thanh Đại hết sức đắc ý: “Tuy chưa đính hôn, nhưng tôi thấy cũng nhanh thôi.” Ta nhíu mi hỏi: “Nếu chưa đính hôn thì sao các cô chắc chắn như vậy?” Máu buôn dưa của Thanh Đại sôi sùng sục: “Cô cứ tin tôi, chắc chắn không sai được đâu. Mấy nay cô đi vắng Ngũ gia thường xuyên chạy qua Tề vương phủ. Cô biết Tề vương gia có một biểu muội mà nhỉ, ai ai cũng nói Ngũ gia vừa ý biểu muội của Tề vương kiêm đích nữ Ngô gia nên mới ra vào Tề vương phủ như cơm bữa.” Ta âm thầm trợn mắt bĩu môi, hai tin tức cô ấy vừa nói không một cái nào có cơ sở xác thực. Thanh Đại làm ra vẻ khát khao: “Quý phủ ta có nữ chủ nhân cũng được, nói không chừng Ngũ gia sẽ vui vẻ hơn, mặt mũi tươi tỉnh lên, chứ cứ u ám từ ngày này qua tháng nọ, vừa nhìn là rợn cả người.” Cao Yển thường xuyên tới phủ của Cao Hoằng Lãng, quả thực có hơi kỳ lạ. Giờ Cao Giới vừa quay về triều, là thời điểm cần người, vậy mà Cao Yển cứ dăm hôm lại đến Tề vương phủ? Y vẫn còn đứng bên phe Cao Giới, không sợ Cao Giới sinh khúc mắc trong lòng ư? Rõ ràng ta chỉ dưỡng thương ở Yến vương phủ có nửa tháng thôi mà cảm giác đã bỏ lỡ rất nhiều chuyện. Chắc nghe nói ta đã về Tần vương phủ, mới mấy ngày đã có người xách túi lớn túi nhỏ đến. Là người quen, tuy bước đi khập khễnh nhưng vẫn cười tươi roi rói. Nhìn gương mặt vốn luôn kiêu căng hà khắc của Tống ma ma giờ lại phơi phới thế này, ta thực sự cảm thấy có hơi không thích ứng kịp. Tống ma ma chỉ huy mấy tiểu thái giám đặt các loại hộp quà lên bàn, ta thắc mắc hỏi: “Ma ma làm gì thế?” “Thái tử phi ghi nhớ ơn cứu mạng của cô nương, trước đó thái tử phi bị mắc mưa nên không được khỏe lắm, chỉ đành ở Đông cung dưỡng thai. Hôm nay vừa nghe cô nương đã khỏi bệnh bèn dặn đám nô tài đưa quà cảm ơn tới.” Tống ma ma trả lời từng câu rõ ràng. Ta lặng lẽ nuốt ngụm nước miếng, trong mấy hộp quà này… nếu ta đoán không sai thì hẳn là tiền bạc, hoặc là một số tiền có thể đảm bảo nửa đời sau của ta sống không lo nghĩ. Mặt ta dại ra, Tống ma ma tưởng ta không hài lòng, vội vàng giải thích: “Xin cô nương đừng nghĩ chút tiền thái tử phi đưa tới là có ý khinh miệt, là do lúc trước… tiểu điện hạ từng nói, bình thường cô nương yêu tiền nhất, nên thái tử phi mới chuẩn bị thế này.” Trái tim như được thứ gì đó mềm mại gãi một cái, ta nhanh chóng hành lễ rồi đáp: “Nô tỳ nào dám chê bai, phiền ma ma thay nô tỳ tạ ơn thái tử phi.” Thấy ta chẳng hề để bụng, vẻ căng thẳng trong mắt Tống ma ma vơi dần đi, nét mặt nghiêm túc hẳn lên: “Lần này thực sự may mà có cô nương xả thân cứu giúp, đáng lẽ hôm nay nô tài khác đưa quà cơ, là ta giành đến đấy. Những lời ta nói hôm đó đều xuất phát từ đáy lòng, hồi xưa có lỗi với cô nương, về sau ta sẽ bù đắp lại lỗi lầm của mình.” Dứt lời, Tống ma ma hướng mặt về ta, thân mình run rẩy quỳ rạp xuống đất, ta hoảng hồn mau lẹ đỡ lấy cánh tay bà ta, nói: “Ma ma quá lời, chuyện quá khứ tôi quên sạch rồi.” Tống ma ma nghe ta nói hết sức chân thành, bấy giờ mới nở nụ cười. Sau khi người về hết, nhìn sang đống tiền chất đầy bàn, còn có cả chiếc nhẫn ngọc bích trên cổ, suýt nữa thì ta bật cười hềnh hệch. Quả nhiên đại nạn không chết, tất có hậu phúc, không uổng phen này ta “chiến đấu” quên mình. Cao Yển hằng ngày vẫn bận việc riêng, không vội giao việc cho ta, mỗi lần hỏi là Hàm Ngọc sẽ uyển chuyển bảo ta phải chuyên tâm dưỡng sức đừng sốt ruột, làm ta nhớ lại lúc mình vừa vào viện, ngày nào cũng ăn không ngồi rồi chả có việc gì làm. Cửa viện hết giới nghiêm, ta tranh thủ ra ngoài gửi hết tiền vào tiền trang, nhân tiện ghé vào tiệm thuốc. Trên danh nghĩa thì là mua thuốc điều dưỡng, thực chất thì nhân lúc đại phu đang bận rộn, ta cẩn thận lấy khăn tay trong ngực áo ra đưa cho ông ta nhờ xem thử. Hẳn đã chứng kiến biết bao việc đời, trông đại phu như đã luyện thành thói quen, sau khi nghiên cứu kỹ thì trả lại khăn tay cho ta: “Thuốc dính ở khăn này đều là thảo dược thanh nhiệt giải độc thông thường, không có gì đặc biệt.” Ta kinh ngạc, ngơ ngác nhìn chiếc khăn tay, đây là chiếc khăn ta ngâm vào chén thuốc khả nghi kia. Khi đó chén thuốc không tự dưng biến mất khiến ta xác định chắc chắn có vấn đề, nhưng giờ đại phu lại bảo tất cả đều bình thường. Chẳng lẽ ta nghĩ nhiều đâm ra nghĩ sai? Hay vấn đề không phải ở nước thuốc, mà là… chén thuốc? Ôm bụng đầy nghi vấn, ta trở về Tần vương phủ, vừa vào cửa đã thấy có mấy người mặc phục sức cung đình đứng trong viện. Nhìn thấy ta, Hàm Ngọc nháy nháy mắt liên hồi, ta chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, một vị công công mặt tròn tiến lên hỏi: “Vị này là Đồ Mi cô nương?” Ta gật đầu, công công đó lại nói: “Nô tài là đại thái giám Giang Toàn của Vĩnh Ninh cung, hôm nay Đức phi nương nương hạ chỉ truyền triệu, nếu cô nương về rồi thì mời đi cùng nô tài một chuyến.” Đức phi Vĩnh Ninh cung? Ấn tượng về người này trong đầu ta hoàn toàn trống rỗng, chỉ biết ngoại trừ Thục phi mẹ của Cao Hoằng Lãng thì bà ấy là người duy nhất ngồi ở hàng “phi”. Theo ta được biết, Đức phi không có con trai, có một đứa con gái nhưng vài năm trước đã gả sang nước xa xôi khác, nên bình thường bà ấy cực kỳ thu mình, ta và bà ấy cũng chưa tiếp xúc lần nào. “Cô nương?” Thấy ta lâu không trả lời, Giang công công gọi. Ta vội đáp: “Công công chờ lát, nô tỳ thay quần áo xong sẽ đi với công công.” Giang công công cũng không gấp gáp, gật đầu rồi mở đường cho ta đi. Cao Yển không ở trong phủ, Hàm Ngọc không thể tự quyết định nên chỉ đành bí mật chuyển lời với ta, nói sẽ đi tìm vương gia. Ta ngăn cô ấy lại, tuy Đức phi triệu kiến bất ngờ nhưng nếu đã dùng cách quang minh chính đại như thế, chắc sẽ không gây bất lợi gì cho ta. Đã nhiều ngày Cao Yển bận tới nỗi mất dạng, đâu thể chuyện gì cũng làm phiền tới y được. (còn tiếp).