Điều Tuyệt Vời Nhất Của Chúng Ta
Chương 16 : Chiếc xe đạp trên đường cao tốc
No. 75
Tôi vẫn còn nhớ như in ngày hôm sau là một ngày âm u, Trương Bình đứng trên bục giảng dặn dò chuyện thi giữa kì. Khi ấy không hiểu sao tôi lại không chịu nhìn thẳng lên bảng, lại sống chết thích nhìn ra bầu trời u ám chẳng đẹp đẽ gì bên ngoài cửa sổ.
Sau đó tôi nghe thấy âm thanh của phấn và giẻ lau bảng, nghe thấy Trương Bình phàn nàn Dư Hoài lau bảng không sạch, nghe thấy mọi người đua nhau lôi vở ra chép thời gian, địa điểm, cách sắp xếp trường thi của kì thi giữa kì trên bảng. Tiếng giấy sột soạt sột soạt, còn tôi thì vẫn không có chút động tĩnh gì.
Cho đến khi Dư Hoài đẩy tay tôi: "Ngây người ra cái gì thế, chép thời gian thi kìa!"
Cuối cùng tôi cũng cam chịu nhấc bút lên.
Lúc đó dường như chỉ có mình tôi còn đắm chìm trong bầu không khí nhộn nhịp của buổi lễ kỉ niệm thành lập trường, vẫn chưa thể tự thoát ra được. Cứ như thời gian thi trên bảng là bùa chú, chỉ cần tôi nhìn một phát, hay tạo ra bất kì một tiếng động nào thì thế giới thực sẽ đập vào mặt, đập vỡ mọi bong bóng ảo mộng đẹp đẽ.
Tôi nói với Dư Hoài, tôi cảm thấy đợt này tôi chết chắc (xác định) rồi.
Dư Hoài cười, mới có tý tuổi đầu, đừng có lúc nào cũng mở miệng ra là chết, chết. Chết? Cậu đừng có mơ!
Trước sau tôi vẫn kiên quyết như thế, Dư Hoài, tôi thấy mình thật sự chết chắc rồi.
Đến lúc ấy cậu ấy mới nghiêm túc để ý đến chút tâm tư của tôi, thở dài một tiếng, nói, cứ từ từ, thi vài lần...
Tôi chờ cậu ấy nói một vài lời nói dối hoa lệ kiểu "Sẽ có tiến bộ!" hay đại loại "Rồi sẽ tốt lên thôi mà!", nhưng cậu ấy chợt dừng lại, nói một cách khó khăn...
"Sẽ quen thôi!"
Thi vài lần thì cậu sẽ quen thôi.
Chúng ta đều không hài lòng với vị trí của bản thân trong một nhóm, tổ chức nào đó. Người đấu tranh thành công thì sẽ đạt được vị trí mà mình ao ước, người đấu tranh không nổi thì... yên tâm sẽ đến một ngày, bản thân sẽ quen với việc đó.
Muốn chết? Thế thì quá dễ cho cậu rồi.
Chỉ là trong lúc tôi đang im như tượng, cậu ấy chuyền sang một tờ giấy nhỏ.
"Có câu nào không hiểu thì mau chóng hỏi tôi, thật ra đề thi cũng chỉ có mấy dạng, dao động quanh quanh dạng đó, thay đổi không đáng kể, làm nhuần nhuyễn là ok ngay."
Tôi nắm chặt tờ giấy, ngẩng cao đầu, bắt gặp cậu ấy đang nhìn tôi cười ngốc nghếch.
No. 76
Thời gian thi được dự trù tổ chức vào tuần sau nữa. Theo như lời Trương Bình thì: có thừa thời gian để ôn thi.
Sáng thứ năm thi Ngữ văn, chiều thi Toán.
Sáng thứ sáu thi vật lí và hóa học, mỗi môn một tiếng rưỡi. Buổi chiều thì không ngờ lại có thể trộn ba môn Lịch sử, Địa lý và chính trị thi hết trong ba tiếng, như vậy, có thể thấy, trước khi phân ban khoa học và xã hội, ba môn này ở Chấn Hoa có vị trí cả rồi.
Trương Bình nói, thứ bảy chủ nhật các thầy cô sẽ tăng ca, cùng nhau chấm bài, đến thứ hai là đã có bảng xếp hạng rồi.
"Chúng tôi chịu mệt một chút, các em có thể bớt cực một chút. Tôi nhớ, hồi tôi còn đi học, tất cả học sinh đều ngóng kết quả thi từng môn từng môn một, đây gọi là kiểu giày vò nhau một cách từ từ, chờ kết quả thi và bảng xếp hạng, kiến thức mới ai cũng học không vào, vậy là mỗi kì thi sau này chúng tôi đều cố gắng chấm bài thật nhanh, mọi người nên học cách làm quen với tiến độ nhanh, tích cực điều chỉnh tốt tâm thái, tổng kết kinh nghiệm và bài học, đón chờ giai đoạn học tập tiếp theo nhoa."
Phần trước nghiêm túc đến đáng sợ, không hề giống Trương Bình một chút nào, chỉ một từ "nhoa" đằng sau đã phá vỡ tất cả.
"Cho nên, thứ ba hoặc thứ tư, sẽ tổ chức họp phụ huynh lần đầu tiên, mọi người về nhà thông báo với bố mẹ một tiếng, ai cần xin nghỉ phép thì cũng có thể có chuẩn bị từ trước, hiểu rồi chứ?"
Tôi nói lại một cách tỉ mỉ với bố tôi, ông gật gật, nói biết rồi, sau đó vỗ vai tôi, lại nói một lần nữa: "Thoải mái ứng chiến, chiến lược là coi thường kẻ địch, chiến thuật là coi trọng kẻ địch, lần trước đã tiến bộ tận chín bậc, lần này..."
Cơ bản là do ông nhìn thấy ánh mắt chất chứa ai oán của tôi, cuối cùng nuốt nốt nửa câu sau vào.
"Lần này... thoải mái ứng chiến, thoải mái ứng chiến."
Vùi mình trong các cơ quan Nhà nước quá lâu sẽ biến thành giống như chính phủ vậy, sẽ luôn nói ra những lời mà cả mình và đối phương đều không có chút niềm tin nào.
Tôi tối nào cũng đọc sách đọc đến tận 12 rưỡi, đến khi thật sự không thể tiếp thu được nữa mới đi ngủ. Có những lúc, tầm 10 rưỡi gì đó, trước khi muốn đi ngủ, bố tôi sẽ gõ cửa phòng tôi và nói mấy lời vô dụng như: "Nghỉ ngơi sớm chút đi con, tinh thần có tốt thì mới có thể thi tốt được." Ông cũng phần nào biết rằng mặt mày tươi rói thường đi kèm với một bộ não rỗng tuếch. Tất nhiên, tôi cũng ngoan ngoãn đáp lại mấy câu : "À vâng vâng, con biết rồi!", mâu thuẫn giữa giữ cho tinh thần sung mãn và chăm chỉ chuẩn bị tham chiến, trong lòng tôi sớm đã tường tận.
Trước đây, sau khi ăn cơm đều là tôi rửa bát, sau này, từ khi có cô Tề, kể cả mấy công việc vặt vãnh trong nhà cũng không cần tôi mó tay vào. Dọn dẹp bát đũa, bưng mâm đi, cô ấy cũng cản tôi, bảo tôi đi nghỉ ngơi hoặc lo cho học hành thì hơn.
"Cảnh Cảnh không cần động tay vào đâu, về phòng nghỉ chút đi, hay là đi xem ti vi, thư giãn đầu óc, cô dọn là được rồi, ở trường đã mệt cả một ngày rồi, việc nhà không cần làm đâu, cứ để đó cho cô.
Ban đầu tôi cũng thấy rất ngại, nhưng mà sống xa hoa, hưởng thụ thật sự quá đơn giản. Tôi chỉ cần dùng thời gian hai ngày là đã hoàn toàn vứt thói quen rửa bát vào quên lãng, cứ như cả đời này tôi chưa từng phải rửa bát vậy.
Song tôi cũng vì chuyện chuẩn bị thi mà tính tình cộc cằn, hay cáu bẩn, nói trắng ra là thế giới này đột nhiên không còn một vật gì, một chuyện gì khiến tôi vừa mắt. Trương Phàm mê chơi trò đua xe, bố tôi trở thành người ủng hộ cho đội đua của thằng bé. Mỗi tối tầm 8 – 9 giờ, bố tôi và cô Tề cùng ngồi trong phòng khách xem tivi, ông liền dựng gọng kính nhựa màu trắng của mình sang một góc, chạy đến tập điều chỉnh thiết bị điều khiển.
Thực ra, chỉ cần đóng cửa vào thì tôi không nghe thấy tiếng ồn mấy, có điều chỉ cần một chút âm thanh đó thôi cũng khiến đầu tôi ong ong chực nổ.
Cũng may tôi vẫn còn sót lại chút lí trí và nhân tính, không giống như người đàn bà chua ngoa mà nhảy ra ngoài, đập cái đường cao tốc ngu si kia thành tám mảnh. Nhưng cũng có lúc cô Tề gõ cửa mang sữa vào phòng cho tôi, tôi không khống chế được cảm xúc, quay đầu trừng mắt nhìn cô đang đứng hóa đá ở cửa, luôn trưng ra cái bản mặt kiểu như bà và con trai bà nợ tôi 22 nghìn ngân lượng mặt dày.
Tôi thật sự không cố ý như thế.
Liên hệ tới âm thanh gây ức chế của bộ đồ chơi do Trương Phàm tạo ra ở bên ngoài phòng khách, người nhạy cảm như cô Tề lập tức ngầm hiểu rằng đó là khuôn mặt kìm nén nỗi bất mãn, bực dọc trong lòng.
Cô ấy cười bối rối, đặt sữa lên bàn học, nhẹ nhàng vuốt nhẹ tóc tôi, nói: "Mệt rồi thì nghỉ chút đi! Phải biết kết hợp hài hòa lao động – nghỉ ngơi."
Sau khi cô ấy đi ra ngoài, tôi lén lén lút lút chạy đến áp tai vào cửa nghe lén, đúng như dự đoán, nghe được tiếng cô Tề mắng Trương Phàm: "Mau thu dọn đồ chơi đi, điên rồi phải không? Con yên lặng một chút không được hả?"
Bố tôi không hiểu chuyện gì: "Cứ để nó chơi chút đi mà. Phàm Phàm làm hết bài tập rồi chứ, làm hết rồi thì tiếp tục ngồi chơi đi."
Sau đó thì tôi nghe thấy tiếng Tiểu Phàm tháo dỡ đồ đạc. Thằng bé trước nay vẫn luôn ngoan ngoãn nghe lời, chưa từng cãi lời người lớn, cũng chưa từng ương bướng khó ưa. Đột nhiên tôi cảm thấy mình hết sức khốn nạn, rõ ràng không thể làm gì được là tôi, ấy vậy mà lại đổ hết trách nhiệm lên một đứa trẻ chẳng mấy khi có cơ hội tạo ra tiếng ồn.
Trong lòng thấy chua xót lạ, tôi thật ra muốn cái gì đây cơ chứ.
No. 77
Giả vờ ra ngoài rót nước, nhìn thấy Trương Phàm đang lặng lẽ cúi đầu tháo đường băng đồ chơi, tôi liền đi qua đó, ngồi bệt xuống đất hỏi: "Sao lại giỡ ra rồi? Không chơi nữa hả?"
Thằng bé giật mình, ngẩng đầu, đôi mắt đen lánh chớp chớp mắt: "Chị?... Không chơi nữa ạ...chơi mệt rồi, ồn quá."
"Không ồn mà!" Tôi cầm lấy một chiếc xe đua dẹt dẹt lắp thêm hai bánh vào, nói thật tôi cũng không biết thứ trò chơi này vui ở chỗ nào, tại sao lại có thể khiến những giống đực kia bất kể già trẻ đều điên cuồng đến thế? Tôi cố tạo ra điệu bộ rất có hứng thú: "Dựng lên nào, dựng lên nào, để chị cũng chạy một vòng nhé."
Trương Phàm thận trọng đưa mắt nhìn cô Tề, sau đó nhẹ nhàng giúp tôi lắp lại đường ray. Tôi cũng tiện tay nhặt một chiếc lên, nói: "Chúng ta cùng đua!"
Đang định bỏ xuống thì bị thằng bé ngăn lại, lần đầu tiên tôi nhìn thấy trong đáy mắt nhóc đó sự cố chấp nảy lửa và ánh mắt chuyên nghiệp của kẻ trong ngành: "Cái này không được, vẫn chưa lên dây xong, lốp xe mòn quá! Chị cầm cái này, cái này mới hơn, em vừa đổi bấc, chạy đến khúc quanh nhất định sẽ không bị lật."
Một câu cũng nghe không hiểu, tôi đơ người cầm lấy.
Khoảnh khắc xe bắt đầu lăn bánh, ánh mắt chú tâm của Trương Phàm khiến tôi cảm động. Đột nhiên tôi lại nhớ đến dáng vẻ chăm chú làm bài của Dư Hoài, tôi gọi cậu ấy bao nhiêu lần cậu ấy cũng không nghe thấy, hoàn toàn trái ngược với thính lực siêu đẳng, dỏng tai nghe ngóng bốn phương là tôi!
Trong chốc lát, tự dưng cảm khái về lẽ đời. Trên đời này, có người thuộc kiểu có thiên phú, có người thuộc kiểu chăm chỉ, lại càng có loại có tài năng thiên phú về một lĩnh vực nào đó rồi chú tâm vào nghiên cứu...
Vậy tài năng thiên phú đó rốt cuộc ở đâu?
Trương Phàm thắng rồi. Bố tôi hoan hô thay cho thằng bé, nó ngượng, cầm lấy chiếc xe của tôi, nói: "Chị ơi, chiếc xe này vẫn chưa điều chỉnh xong, xin lỗi, để em thử lại lần nữa."
Sau đó liền ngồi bệt xuống đất, bắt đầu tháo tháo lắp lắp. Tôi vò tóc nó, cười, quay lưng nháy mắt với cô Tề rồi về phòng tiếp tục làm cân bằng phương trình hóa học.
Ánh đèn vàng của đèn sợi đốt làm mắt tôi hơi cay. Trong phút chốc làm tôi nhớ đến người bạn tiểu học tên Ôn Miều, một cậu bạn nam không nhanh cũng không chậm. Cậu ấy trông như thế nào thì tôi cũng lờ mờ, không nhớ rõ nữa, nhưng vẫn nhớ như in năm lớp một hay lớp hai gì đó, thầy giáo bảo tất cả mọi người đứng dậy kể về lí tưởng của bản thân. Trong những lí tưởng cao xa như "Tổng thư kí Liên Hợp Quốc", "nhà thiên văn học", "chủ tịch nước",... cậu ấy lại nước mũi thòng lòng mà đứng dậy nó: "Em sau này muốn được sống những ngày yên ấm, những năm tháng tốt đẹp."
Mọi người đều cười cậu ấy, cái lí tưởng rách gì thế không biết.
Tôi đột nhiên lại nhớ đến Thẩm Sằn, cứ như con thiêu thân lao vào lửa, vào ánh sáng mà cắn chắc lấy Thanh Sơn không chịu buông. Mặc dù kết quả không được như lòng người hằng mong nhưng tôi tin chắc rằng cô ấy nhất định đã sống nồng cháy, sống hết mình, sống không hối hận.
Vậy thì tôi thì sao? Tôi có thể sống nhàn hạ nhưng lại không cam tâm tình nguyện nghe theo sự sắp xếp tầm thường của người lớn mà thi Chấn Hoa, ấy vậy mà bởi vì thật sự tầm thường. Cho nên, kim tự tháp cuộc sống mới ép tôi vào giữa, cứ như bánh thịt bị chìm nghỉm bởi nước tương salad trong bánh hambugur.
Chiếc xe bốn bánh của Trương Phàm lại tiếp tục chạy vòng quanh đường ray.
Tôi đột nhiên lại có cảm giác mình như kẻ ngốc đạp chiếc xe đạp chạy lên cao tốc, sớm muộn cũng bị đâm nát bét đến mức mặt mũi máu thịt đều trộn lẫn...
Truyện khác cùng thể loại
9 chương
116 chương
54 chương
118 chương
61 chương
19 chương
147 chương