Diệp
Chương 28
Anh đây, mọi việc trên tàu chú thay anh quản lý nhé, sắp xếp mọi thứ ổn thỏa khi nào trở về cảng anh em gặp nhau rồi bàn giao sau. Anh tin tưởng chú, thế nhé.
Ông Hưng nói mấy câu rồi vội vàng tắt máy, cầm tờ giấy nhỏ trong tay với địa chỉ đã cũ mèm, nhiều thông tin không rõ ràng, ông căng mắt ra để đọc và suy nghĩ.
Cậu đã đến nơi này bao giờ chưa?
Nghĩ ngợi một lát ông Hưng quay sang hỏi chuyện tài xế riêng của mình. Anh tài nheo mắt nhìn địa điểm trên tờ giấy rồi cười gượng:
Em chưa đến bao giờ anh ạ, mà anh định đến đấy làm gì vậy, gặp gỡ người quen cũ hay tính chuyện công việc?
Có chút việc riêng thôi, chú cứ chạy xe đến đó cho anh, không biết rõ thì ta hỏi thăm người đi đường.
Ông Hưng đeo kính râm vào rồi lim dim nhắm mắt, bởi ước chừng từ đây đến địa chỉ ghi trong tờ giấy cũng khoảng 2h đồng hồ. Tranh thủ chợp mắt đến nơi còn có tinh thần mà giải quyết công việc. Xe bon bon chạy, hướng về miền quê xa xôi này là lần đầu anh tài xế của ông Hưng đến đây, đường xá có chút lạ lẫm tuy nhiên dựa vào biển báo chỉ đường nên anh tin tưởng mình đi đúng hướng. Khi gần đến nơi, anh tài gọi ông Hưng:
Anh ơi, sắp đến nơi rồi, anh kiểm tra xem bây giờ mình đi hướng nào được không ạ?
Ơi ơi...
Ông Hưng chợp mắt có tí nào ngờ vào giấc sâu hẳn luôn, nghe giọng anh tài xế liền giật mình.
Anh xem mình nên đi hướng nào ạ? Đây là bến xe khách của huyện rồi, chỗ này là thị trấn rồi đó.
Nghe lời nhắc nhở của cậu tài xế, Ông Hưng xuống xe rồi quan sát xung quanh. Đúng thế, thị trấn nhỏ này nhiều ngõ ngách, dân cư cũng không nhiều như ở thủ đô, bây giờ biết tìm địa điểm ấy ở đâu được nhỉ? Suy nghĩ một lát, ông Hưng chạy vào bên lề đường hỏi chuyện bà bán nước.
Chị ơi, phiền chị cho em hỏi đi từ đây đến địa điểm này khoảng bao xa nữa chị nhỉ?
Nhìn tờ giấy cũ mèm, bà bán nước nhìn ông Hưng rồi lại nhìn tờ giấy một lượt, đoán ông là người ở xa đến, phong thái đĩnh đạc, bảnh bao nên bà ấy dè dặt.
Chú tìm nơi này làm gì vậy? Nó chỉ là một tên gọi cũ cách đây hơn chục năm thôi.
Nghe xong ông Hưng thất vọng, nghĩa là nơi này không còn tồn tại sao? Tuy nhiên ông vẫn cố gợi chuyện.
Em cũng không biết nơi này là đâu, một người bạn cũ của em đã ở đó, địa chỉ này người ấy cho em. Nay có dịp ghé qua, em muốn tìm mà không biết đi đường nào.
Chú nói thế nào, làm gì có ai ở đó!
Bà bán nước nghe lời giải thích của ông Hưng liền thấy không hợp lý, người lạ đến đây lại nói chuyện kiểu vòng quanh thế này thật không thể tin được.
Sao thế chị? Em đến gặp bạn em thật mà.
Ông Hưng cố gắng giải thích nhưng thật sự lý do ông đưa ra chẳng thuyết phục tí nào.
Chú không biết rồi, địa chỉ ghi trong tờ giấy này là một bệnh xá cũ dành cho công nhân nhà máy điện cách đây mấy chục năm, từ thời chống Mỹ cơ. Nó tồi tàn quá rồi, tôi không nhớ là bao lâu nhưng từ ngày điện đường trường trạm phát triển, nhà máy xây dựng cơ sở sang chỗ mới. Cái bệnh xá cũ kỹ ấy cũng bỏ hoang lâu rồi, chẳng có ai ở đó cả.
Rốt cục là cậu đang muốn hỏi thăm cái gì?
Chị nói sao cơ? Lâu rồi không có ai ở?
Ông Hưng lại được phen thất vọng, là bởi lời giải thích của bà bán nước khá trùng khớp với câu chuyện của bà Thủy. Bà ấy kể đêm trở dạ và sinh cô con gái bé nhỏ ở một bệnh xá cũ gần nhà máy, thời điểm ấy trong lòng bà ngập tràn thù hận nên chỉ muốn bỏ con, bởi vậy mọi thứ đều không có quá nhiều ký ức. Thông tin còn lại chẳng có gì, bây giờ nghe bà bán nước nói vậy thì biết tìm kiếm kiểu gì đây?
Trước đó nghe bảo có một người phụ nữ ở đó, bà ấy tên gì ấy nhỉ? Lâu quá rồi tôi cũng chẳng nhớ nữa.... Tên giống đàn ông lắm, không có chồng, ở một mình nên xã người ta cho bà ấy ở bệnh xá luôn. Nổi tiếng là mát tay đỡ đẻ, hiếm có ca nào phải chuyển đi tuyến trên lắm. Nhưng lâu rồi tôi cũng không nghe ai kể chuyện, chẳng biết bà ấy còn sống hay đã chết. Bệnh xá không hoạt động nữa, bà ấy đi đâu về đâu hay làm gì thì tôi chịu!
Như được tiếp thêm manh mối, Ông Hưng mừng rỡ ngồi xuống và chủ động mua cho bà bán nước 2 lốc nước ngọt, mấy thứ bánh kẹo linh tinh cũng mua phân nửa. Hy vọng bán được hàng thì bà ấy có thể kể lể đôi điều về những chuyện trước đây, hy vọng có thể biết thêm được điều gì đó. Quả nhiên, bà bán nước thấy ông Hưng mua hàng thì nhiệt tình hơn hẳn, rót nước mời ông và bắt đầu kể chuyện.
Ngày trước chị em phụ nữ ở đây mỗi lần đau đẻ toàn đến cái bệnh xá đó để đẻ, nhiều người nhỡ nhàng không may chửa ra cũng đến đó nhờ bà đỡ phá cho. Nói chung bà đỡ ấy cũng mạnh tay, dân làng và mọi người ai cũng quý mến.
Chị có biết quê bà ấy ở đâu không, hay là người ở chỗ mình luôn hả chị?
Người huyện mình thôi, bây giờ y học hiện đại, bệnh viện khang trang, ít ai đến bệnh xá đẻ lắm, chưa kể cái bệnh xá ấy đã lâu lắm rồi nên người ta cũng giải thể luôn. Chú muốn biết thông tin thì vào trong xã hỏi là rõ, dù không hoạt động nhưng những chuyện liên quan xã đều biết cả.
Ông Hưng cảm ơn bà bán nước rồi trở về xe riêng bên lề đường. Anh tài xế tranh thủ cũng chợp mắt được tí, nghe tiếng mở cửa xe liền giật mình hỏi:
Bây giờ mình đi đâu hả anh?
Đi vào trong xã. Mà khoan hãy, đúng là khôn lắm thì dại nhiều, giờ tôi mới nhớ ra, có người bạn quê ở gần đây thì phải. Để tôi gọi điện xem thế nào.
Ông Hưng chợt nhớ ra người bạn, người em quen biết của mình liền mở điện thoại ra bấm số. Hỏi dò người ngoài chi bằng hỏi thăm người quen luôn cho dễ. Chẳng mấy khi có dịp đến đây, không giải quyết được việc gì thì gặp gỡ một vài người bạn cũng coi như không uổng phí.
Ông Trí đang sửa lại giàn mướp, thấy điện thoại đổ chuông giòn dã liền nghỉ tay chạy vào nhà nghe điện.
Anh Hưng, em Trí đây, sao hôm nay có thời gian rảnh gọi em thế?
Nhìn số máy ông Hưng, ông Trí mừng rỡ.
Anh đang ở gần nhà chú đây, có ở nhà không chỉ đường cho anh với.
Anh đi đâu mà ghé qua nhà em vậy? Công việc anh dạo này thế nào?
Thôi công việc cứ để lúc khác hỏi, chú có nhà không, chỉ lối cho anh để anh đến nhà, hoặc không thì chạy xe bến xe thị trấn đón anh. Anh không biết đường, luôn nhé!
Ông Trí ngỡ ngàng, không hiểu sao ông Hưng lại đến chơi bất ngờ thế nhưng ông cũng làm theo. Bỏ dở công việc đang làm, phi con Dream cũ kỹ bon bon đi đón bạn đến nhà. Đúng là quý hóa quá, ông Hưng ở thành phố về chơi thì thật vinh dự quá còn gì, bao lần mời mọc nhưng ông ấy có đến đâu. Hôm nay thì hay rồi, ông Trí vừa chạy xe trong đầu lại thầm nghĩ giờ ghé qua chợ mua ít đồ nhậu về anh em hàn huyên được nhỉ? Bà Hương đi làm ở nhà máy không về nhà.
Ông Hưng đứng ở đầu xe để chờ đợi bạn đến đón, nhìn trước nhìn sau, chờ mãi cuối cùng cũng thấy gương mặt quen thuộc của ông Trí. Nước da ngăm đen, ánh mắt nheo lại vì nắng, gặp lại người quen ông Trí vui vẻ:
Anh đến lâu chưa? Đi về nhà em nghỉ ngơi cho đỡ mệt, trời nắng quá.
Anh đến một lát rồi, chú đang làm gì mà quần áo luộm thuộm vậy?
Em sửa cái giàn mướp, chuẩn bị vào mùa rồi gieo trồng ít rau quả sạch ăn cho mát anh ạ.
Ừ. Được đấy, anh cũng thích mấy kiểu nuôi trồng dân dã như vậy, thế mình đi luôn nhỉ.
Vâng, mọi người đi theo em. Một quãng ngắn thôi mà, không xa đâu!
Nói rồi ông Trí chạy xe đi trước, anh tài xế bám đuôi theo sau, đi một lát là tới nhà. Quê nhà ông Trí đúng là yên bình và trong lành thật, trên đường vào nhà đi qua rặng phi lao cao chót vót, gió thổi rì rì, ông Hưng nhìn cảnh vật thấy ghen tị với ông Trí gì đâu. Về già sống cảnh đoàn viên, vợ chồng con cái sum họp, quây quần, tháng ngày lo vun trồng chăm sóc... cuộc sống như vậy bao người ao ước chẳng được.
Anh vào nhà chơi, em chạy chợ một cái là em về ngay, vợ em đi vắng!
Ông Trí xách cái làn định phi ra chợ thì ông Hưng gọi giật lại, thú thực ông đến không phải muốn ăn bữa cơm, thời gian chẳng có nhiều, đường thì xa, chỉ muốn tranh thủ giải quyết một số chuyện càng sớm càng tốt thôi.
Thôi thôi, chú đừng bày vẽ làm gì, anh đến đây là có việc muốn nhờ chú. Lau mặt đi đã, bụi gỗ mùn cưa dính đầy má kia kìa!
À, để em đi rửa mặt, vừa cắt mấy tấm gỗ để dựng lên cho nó cân. Mà anh có việc gì thế?
Ông Trí tò mò.
Lên xe dẫn anh đi đến xã một tí!
Ông Trí ngạc nhiên:
Anh đến xã làm gì vậy? Anh cần công chứng giấy tờ gì à? Nhưng sao từ Hà Nội về quê em công chứng làm gì? Hay anh định mua đất đai gì ở đây?
Chú mày suy đoán linh tinh, bảo dẫn anh đi thì cứ dẫn.
Ông Hưng ra hiệu cho ông Trí ngồi vào xe riêng của mình, ông Trí dẫn đường, anh tài xế cứ thế cho xe bon bon chạy. Trong đầu ông Trí không thôi tò mò và ngạc nhiên về sự xuất hiện bất ngờ của ông Hưng.
Chú có biết cái bệnh xá cũ dành cho công nhân nhà máy gần đây không?
Ông Hưng gặng hỏi ông Trí.
Em biết chứ, bệnh xá ấy ngày xưa chị em phụ nữ đến đó đẻ rồi thăm khám thai sản, nhưng giờ bỏ hoang rồi.
Nhưng anh hỏi chuyện đó làm gì vậy?
Ông Hưng không muốn vòng vo nữa đành bịa ra một câu chuyện có sức thuyết phục hơn.
Anh có một người bạn, cô ấy là họ hàng xa với bà đỡ ở bệnh xá ấy, lâu ngày không có tin tức gì nên muốn nhờ anh tìm kiếm xem bà ấy còn sống hay đã chết.
Muốn nhận lại họ hàng à anh?
Ông Trí ngạc nhiên.
Ừ!
Thế anh không nói sớm, mà nhận họ hàng thì đến xã làm gì ạ?
Xã họ nắm đủ thông tin những cá nhân, tập thể đi đâu, về đâu, muốn tìm hiểu ai lên xã hỏi là rõ nhất. Vậy mà chú còn thắc mắc à?
Anh nói cũng đúng, nhưng ý em là muốn tìm người thân họ hàng sao không nói ngay từ đầu, biết đâu em lại giúp được thì sao? Sống hơn nửa đời người ở đây rồi có ai mà em chưa gặp qua đâu?
Anh sợ chú lênh đênh trên biển suốt thì biết ai với ai được, thôi cứ lên xã tìm cho chắc ăn.
Tưởng ai chứ bà đỡ ở bệnh xá k3 ấy em lạ gì, không có chồng, đỡ đẻ mấy chục năm ở vùng này cho đến khi bệnh xá ấy giải thể. Xã họ xây cho bà ấy một căn nhà nhỏ ngay sau trường tiểu học kia thôi, nói sớm em dẫn anh đi ngay rồi!
Nghe ông Trí nói ông Hưng mừng rỡ, tròn mắt lên hỏi lại:
Chú nói thật không? Bà ấy còn sống à?
Vâng, bà ấy hơn 70 tuổi rồi nhưng còn minh mẫn lắm, thỉnh thoảng ra chợ em vẫn gặp bà ấy đi bán rau.
Sao đỡ đẻ rồi lại đi bán rau?
Ông Hưng ngạc nhiên.
Bệnh xá giải thể, bệnh viện huyện có sắp xếp cho bà ấy một chân làm bên khoa sản nhưng tuổi tác cao, gần 60 rồi nên bà ấy từ chối. Sức khỏe có, ngày ngày vẫn trồng rau đi chợ bán đấy anh ạ.
Mà sao họ hàng con cháu gì bao nhiêu năm giờ mới tìm gặp thế nhỉ?
À... ừ, anh cũng không rõ nữa.
Đi một lát là đến căn nhà nhỏ của bà Lý, ông Trí xuống trước nhìn ngó xem bà ấy có nhà không. Ông Hưng cũng vội đi theo để xác minh xem có đúng bà ấy là người duy nhất đỡ đẻ ở bệnh xá năm nào hay không, chỉ sợ nhận nhầm người.
Bà ấy tên gì vậy nhỉ?
Ông Hưng nheo mắt nhìn qua khe hở của tường rào và hỏi ông Trí.
Bà Lý anh ạ.
Ừ. Ngoài 70 mà nhìn bà ấy vẫn nhanh nhẹn được thế kia...
Vậy anh vào trong đi, em tranh thủ ghé qua chợ tí đã.
Ông Trí toan chạy bộ về, ông Hưng gọi với lại:
Này, chú định đi bộ đấy à? Đường xa lắm.
Em quen rồi, đi bộ một đoạn cho khỏe chân có hề gì.
Để anh bảo tài xế đánh xe đưa chú đi!
Nói rồi ông Hưng ra hiệu, anh tài nhanh ý liền quay đầu xe và đưa ông Trí về nhà, nếu cần ông Hưng sẽ liên lạc sau.
Bà Lý ở trong nhà thấy có bóng người thấp thoáng nên tò mò đi ra sân nhìn, già rồi mắt không được sáng như thời còn trẻ, nhìn xa không được rõ nên bà đi hẳn ra đầu cổng. Ông Hưng thấy bà Lý đến gần vội cất lời:
Chào bác ạ!
Chú tìm ai đấy?
Cháu có thể vào trong nhà một lát được không?
Có việc gì không, có gì thì nói luôn ở đây cũng được, muốn hỏi thăm nhà ai hay có việc gì thế?
Thấy ông Hưng bảnh bao, ăn mặc sang trọng bà Lý đoán là người nơi khác đến, bà ở đây bao năm có giao lưu qua lại gì với ai đâu, họ hàng cũng chẳng ai giàu có,... Nghĩ vậy bà sợ ông Hưng là người xấu nên không cho vào nhà.
Ông Hưng nghe vậy cũng đoán được bà ấy đang đề phòng nên vội giải thích:
Bác yên tâm, cháu chỉ muốn hỏi thăm chút chuyện thôi, cháu không phải người xấu cũng không lừa đảo cái gì cả. Chuyện hơi dài dòng bác cho cháu vào nhà được không ạ? Nếu bác vẫn không tin tưởng vậy cháu đứng ở đây cũng được.
Ừ, thế mời cậu vào nhà.
Bà Lý quay người đi vào trong, nỗi tò mò dâng lên mỗi lúc một lớn, chẳng hiểu người này định hỏi thăm điều gì nữa.
Nhà chỉ có nước đun sôi để nguội, cậu uống tạm đi!
Bà Lý rót một cốc nước đầy để trước mặt ông Hưng, ông đưa tay nhận lấy và tranh thủ hướng mắt nhìn xung quanh căn nhà. Nó tồi tàn, xiêu vẹo, bức tường vôi trắng lốm đốm ẩm mốc, trên tường có treo quyển lịch và dán mấy bức tranh. Phía góc nhà có kê cái tủ gỗ đồng thời cũng là bàn thờ gia tiên, mọi thứ thật đơn giản với người phụ nữ đơn độc này.
Thời gian cũng chẳng có nhiều, ông Hưng không muốn vòng quanh nên vào chủ đề chính luôn. Qua lời kể của bà Thủy nên ông cũng hiểu được kha khá sự tình, biết chắc khi nhắc đến chuyện xưa bà Lý có thể sẽ nổi cáu hoặc không vui, thậm chí là từ chối nói chuyện... nhưng bà ấy là manh mối duy nhất có thể khai thác chút thông tin hiếm hoi về đứa bé năm nào. Hy vọng có lời giải để tìm kiếm lại con gái cho bà Thủy - tình nhân của ông Hưng.
Chuyện là thế này bác ạ, cháu có một người bạn, nhiều năm trước đây đã hạ sinh một bé gái tại bệnh xá k3 nơi bà làm việc, và không ai khác người đã phụ trách ca sinh nở ấy là bác đây.
Nghe chuyện nghề nghiệp bà Lý có hứng thú hơn, bà muốn biết người đó đang nhắc tới vấn đề gì? Phải chi đang ca ngợi tay nghề của bà hay gì đây?
Thế hả, mẹ con cô ấy giờ thế nào rồi, sống có tốt không? Mà cậu đang nhắc đến ai vậy, tôi nghỉ việc hơn 10 năm rồi, số ca đỡ đẻ cũng không đếm nổi bằng đầu ngón tay nữa. Chịu, giờ chẳng nhớ được ai với ai!
Trong quãng đời làm nghề của bà, có ai từng sinh con xong bỏ rơi lại bệnh xá không bà?
Ông Hưng gợi ý vì sợ nhiều năm qua bà Lý không nhớ được chuyện cũ, thay vì hỏi người này người kia ông hỏi luôn những trường hợp sinh con xong mà bỏ lại đứa bé. Chắc hẳn cũng có nhưng điều này sẽ không nhiều...
Nghe câu hỏi của vị khách lạ, bà Lý trầm ngâm nghĩ lại chút ký ức trong quá khứ. Đúng là một câu hỏi rất gợi ý, ngay lập tức ký ức về đêm đông năm nào hiện về. Hình ảnh một thai phụ với nước da trắng nhợt tái mét chuyển dạ trong đêm, cố gắng lết từng bước vào bệnh xá cũ kỹ. Nhớ như vậy là bởi, bệnh xá này bà làm việc từ lâu, lâu lắm, gắn bó vô cùng. Chủ yếu đỡ đẻ cho chị em phụ nữ trong vùng, trường hợp cô gái kia là đặc biệt, hơn cả, cô ta sinh con xong lại bỏ rơi đứa bé, không chịu nhận. Cả cuộc đời đỡ đẻ bà chưa từng chứng kiến người mẹ nào nhẫn tâm đến thế.... Bởi vậy, ký ức về ca sinh nở đó đến giờ bà vẫn khắc cốt ghi tâm. Ngoài ra không có trường hợp nào khác. Ngày ấy mọi thứ còn sơ sài, chưa kể cô gái là người lạ lại đau đẻ gấp nên chưa kịp kê khai thông tin gì cả.
Có một trường hợp duy nhất, cả cuộc đời tôi chứng kiến duy nhất một người phụ nữ lạnh lùng mà nhẫn tâm đến vậy!
Bà Lý thốt lên câu nói với ngữ khí như đang tức giận, nghe vậy ông Hưng liền mừng rỡ, chắc chắn người đó chính là Thủy rồi.
Truyện khác cùng thể loại
6 chương
22 chương
23 chương
58 chương
63 chương
45 chương
73 chương
28 chương