Đi tìm bài thơ cổ
Chương 19 : Cuộc sống mới
Trần Lĩnh loay hoay hoài thấy tay chân dư thừa, cô gái kia lại cố ý áp sát vào người chàng, gò bồng đảo căng đét cứ phập phồng cạ sát khiêu khích.
Cô gái rót rượu mời tận tay, thấy Trần Lĩnh chẳng có hành động gì lại tự ý lôi tay chàng ôm lấy vòng eo thon thả của cô.
Chàng chẳng biết có nên bỏ tay ra hay để yên vậy, chàng lại uống cạn chén rượu. Cô gái gắp miếng thịt bò đưa lên miệng chàng, thấy Trần Lĩnh chẳng hé môi, cô gái nũng nịu: “Nào, mở miệng ra nào!”
Chàng miễn cưỡng làm theo, uống thêm một chén rượu nữa.
Rồi chàng đánh bạo ôm cô gái siết hơn một chút. Ánh mắt của cô gái mơ màn, tay cô đưa lên ngực Trần Lĩnh nhẹ vuốt ve. Rồi lại mời rượu chàng liên tiếp sáu, bảy lần.
“Không được!” Chàng nghĩ thầm: “Ông Cọp vừa mới mất đêm qua thôi, mộ còn ấm, cỏ xanh chưa phủ, Trần Lĩnh này không thể nào làm chuyện có lỗi với anh ấy. Dù trong tình thế nào đi chăng nữa.”
Chàng đứng lên, rời khỏi bàn, cất chân đi ra cửa. Cô gái quát: “Đứng lại!”
Rồi cô ta nói: “Anh hay lắm, anh giỏi lắm, tôi biết lý do anh đến với tôi, nhưng tôi cũng chẳng buồn đâu, lần sau lại đến nhé.” Rồi cô ta cười lên khanh khách.
Trần Lĩnh kinh ngạc với những gì vừa nghe, hóa ra cô ta không phải là vợ của Ông Cọp, những câu nói cuối cũng của cô ta càng làm chàng thêm khó hiểu.
Chàng nghĩ thầm: “Người đàn bà lẳng lơ thế này tốt nhất không nên dây vào cho rắc rối.”
Trần Lĩnh đi ra con đường mòn nhìn tứ phía thấy nhà nào cũng lên đèn, chỉ trừ căn nhà cách bảy căn về phía tây là không có ánh sáng. Chàng rảo bước đi đến, thấy bên ngoài ngôi nhà này cũng chẳng khác gì so với những cái quanh đây. Cũng đều có mái ngói, tường gạch cũ kỹ.
Trần Lĩnh lại gần thấy một bức tượng đá điêu khắc hình một con cọp đang nhe nanh thế vồ mồi cao chừng ba thước, ánh nguyệt quang đủ cho chàng nhận ra những nét chạm trổ truyền được cái thần thái uy dũng của chúa sơn lâm. Chàng nhìn quanh chẳng có nhà nào như vậy, nghĩ thầm: “Phải chăng đây là nhà Ông Cọp. Có thể lắm, là hàng xóm với cô đào kia, cô ta mới biết rõ anh ấy.”
Chàng đánh bạo mở cửa ra, rồi lấy đồ đánh lửa dò xét xung quanh. Một hồi chàng tìm được cây nến bên góc bàn, vui mừng đốt nó lên, ánh sáng dần lan tỏa.
Chàng đi khắp nơi tìm nến rồi cứ thế đốt hết lên, không bao lâu căn nhà đã sáng sủa giúp chàng nhìn rõ được mọi vật. Trong căn nhà ba gian này có một chiếc phản nhỏ ở gian bên trái, ở gian giữa là một cái bàn cùng một cái tủ thờ. Trên tủ Trần Lĩnh thấy bảy cái bài vị. Cái thấp nhất, nơi ánh sáng chiếu tới rõ ràng đề dòng chữ “Đại Thắng Minh Quang Hiếu Hoàng Đế Lê Long Đĩnh chi vị!”
Trần Lĩnh giật mình thối lui, nghĩ thầm: “Đây là bài vị của vị vua cuối cùng nhà Lê hay sao? Cha đã từng nhắc đến ông ta. Vậy chủ nhân ngôi nhà này là ai. Chẳng lẽ Ông Cọp là con cháu nhà họ Lê. Chàng nhìn lên bậc trên tủ thờ thấy một bài vị đề dòng chữ “Thái tổ Hoàng Đế Lê Đại Hành chi vị” thì không còn nghi ngờ gì nữa, chàng tự nhủ: “Nếu nhà này của Ông Cọp thì anh ta chắc chắn là hoàng tử, con trai của Lê Long Đĩnh rồi! Những thật không may, anh ta đã bị người Chiêm ám hại, lỗi cũng do mình lưỡng lự!”
Trần Lĩnh ngồi xuống bàn, thấy cái rổ úp, chàng tò mò mở ra thì thấy một bát cơm lớn, một đĩa rau muống và một chén dưa cà. Chàng sờ vào bát cơm thì thấy còn ấm, nghĩ bụng: “Vậy là không phải rồi, ông Cọp đi xa lâu ngày, ai biết mà chuẩn bị chứ!”
Chàng thổi hết nến, rồi đi ra ngoài đóng cửa cẩn thận. Chẳng có dự tính gì, chàng đi lòng vòng một hồi chỉ thấy gió lạnh từng cơn thổi vào người.
“Thôi mình về trước hiên ngôi nhà ấy nghỉ tạm qua đêm, dù sao cũng có chỗ che bớt sương gió, trời lạnh thế này lông bông chẳng ích gì.” Nghĩ vậy chàng quay trở lại ngôi nhà cũ.
Ngôi nhà không đèn vừa lọt vào tầm mặt, Trần Lĩnh đã thấy dáng người đi vào, trên tay mang theo cây nến có đế cầm. Chàng vội chạy đến nấp sau một bụi cây phóng mắt nhìn thì thấy một ông già nào đó từ ngôi nhà bên cạnh cũng đi đến.
Giây lát sau một dáng người mảnh mai từ ngôi nhà vừa rồi cùng cây nến đi ra, trên tay kia cầm theo một cái rổ.
Nghe tiếng ông già nói: “Cháu làm gì đấy, sao không ngủ đi, đừng nói là chuẩn bị cơm cho cái tên mặt Cọp vô lương tâm đó.” Nghe đến đây Trần Lĩnh chấn động, chỉ thấy cô gái kia đứng yên cúi đầu không nói gì.
Ông già hạ giọng: “Thôi vào ngủ đi, hắn không về đâu đừng làm chuyện vô ích nữa.” Cô gái cúi đầu đi về nhà mình, ông già đứng đó một hồi, rồi thở dài trở về nhà, không lâu sau đó ngôi nhà của hai ông cháu kia mất tăm ánh sáng, chắc họ chuẩn bị đi nghỉ.
Trần Lĩnh nghĩ thầm: “Hóa ra cơm là do cô gái kia chuẩn bị và ngôi nhà này đích thực là nhà của ông Cọp. Lúc nãy mình đốt nến sáng chang, sao ông già kia nói mình không về nhỉ… À có thể ông ta đã không nhìn thấy, cô gái kia thì ngược lại.”
Chàng lại mở cửa vào nhà, đốt một cây nến cắm giữa bàn, thấy cái rỗ vẫn còn nguyên. Chàng mở rổ lại thấy đồ ăn vẫn như cũ, còn có thêm một đĩa hoa lý xào và một ít mắm.
“Người ta đã có lòng chuẩn bị, không thể phụ, bỏ thừa thức ăn là có tội.” Nghĩ vậy chàng cầm lấy bát cơm và gắp đồ ăn. Tuy chỉ là những món ăn dân dã, đạm bạc nhưng chàng cảm thấy rất vừa miệng, thơm ngon và nồng ấm.
Không bao lâu Trần Lĩnh đã chén sạch bát cơm lớn, hai đĩa rau và chén dưa cà. Chỉ chừa lại ít mắm mặn vì thiếu cơm.
Chàng lục đục đi xuống dưới bếp rửa sạch bát đũa, thổi nến rồi gỡ chiếc mặt nạ, nhẹ nhàng lên chiếc phản gỗ mít nằm, chàng cảm thấy tuy đi lâu ngày những chăn gối vẫn thơm tho, sạch sẽ. Cơm vào ấm bụng nên không bao lâu chàng đã chìm vào giấc ngủ.
Sáng hôm sau nghe tiếng con gà đầu tiên gáy chàng đã tỉnh dậy. Sau khi rửa mặt chàng kiếm vỏ cau để cọ răng thì giật mình, chàng móc trong bọc áo tất cả đồ đạt của mình ra. Trong đó chỉ có quyền sách gia truyền, cái mộc bài hội Truyền Lửa và đâu khoảng mười quan lẻ cùng cái túi tiền vải gấm thêu hoa đựng hai quan bốn hào.
Chàng tự nhủ: “Bảy mươi quan sao chỉ còn từng này!” Ngẫm nghĩ một hồi chàng cho rằng rất có thể đánh rơi ở nhà cô đào lẳng lơ đêm qua. Chàng vội chạy đến định gõ cửa rồi lưỡng lự mãi chẳng dám động tay: “Thôi vậy! Mình chẳng được phép nói năng, mà có nói cô ta chối cũng vậy, hóa ra mục đích của thị là chuốt mình uống say để moi móc. Đêm qua mình không say nhưng tâm tư chấn động nên chẳng để ý gì… Trong vụ này mình chẳng có công sức, lẽ ra không đáng nhận lộc hậu… Ông Cọp cũng không có người thân nên cũng chẳng cần mình giúp đỡ.”
Chàng lại về nhà chỉnh trang quần áo, bỏ vào bát cơm rửa sạch năm quan tiền rồi cất chân đi, lúc đó hừng đông mới ló dạng. Chàng nhìn quanh thì thấy nhiều người đã dậy để chuẩn bị công việc đục đẻo rồi.
Chàng nhắm phương hướng, đoán định nhà mình ở phía nam cùng khu sống với những người thợ thủ công. Còn theo hướng bắc là đến con kênh gần những người nông phu. Vậy cứ theo hướng đông là có thể đến chính đường của bang hội này.
Quả đúng như vậy, đi khoảng năm chục trượng chàng đã thấy xa xa là những mái nhà hai tầng ngói đỏ tường vàng cùng kiến trúc đẹp mắt và bề thế.
Chàng vào bằng cửa hông phải, hôm nay chàng lại là người đến sớm nhất, nhân không có ai chàng đi vài vòng chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật hội họa và điêu khắc, không quên tắc lưỡi khen thầm. Chàng cũng không phải người trong nghề nên thấy cái nào càng giống thật thì tự đánh giá cao hơn mà thôi.
Chàng lại đi về bức tường hướng bắc, có khoảng hai mươi bức hình truy nã. Đa số tội phạm được treo thưởng một trăm quan, còn lại là năm mươi, hai trăm, ba trăm... Mắt chàng dừng lại một bức ảnh vẽ một thanh niên khá thanh tú, cùng cái tên đề là Trần Lĩnh. Mức treo thưởng cho ai bắt được người này là tám trăm quan. Chàng nghĩ thầm: “Thưởng hậu như vậy, có đề cao Trần Lĩnh này quá không? Thật là buồn cười, chắc trong hội này đang có người lùng sục mình, ai mà ngờ tên tội phạm khét tiếng này đang sống phè phỡn ở trong chính bang hội của họ.”
Trần Lĩnh đưa mắt đến bức hình một ông già có vết sẹo từ khóe mắt phải chạy dài xuống quai hàm, mức thưởng cho ai giết được ông ta là ba ngàn quan tiền, chàng tròn mắt ngạc nhiên, há miệng không ngậm lại được.
Chợt có tiếng nói của một nam nhân: “Vừa lãnh thưởng không lo ăn chơi cho đã đời, lại vội muốn đi chết à?”
Trần Lĩnh quay đầu lại thì thấy ba người bước vào bằng lối cửa hông đối diện. Trong đó có hai người chàng đã gặp hôm qua là lão già tóc ngắn lực lưỡng và cậu bé giàu sang lạnh lùng. Đi giữa là một thanh niên tuổi khoảng hai mươi ba, hai mươi tư gì đó. Anh ta đội một chiếc mũ đồng đúc hình đầu rồng, hai lọng tóc xoăn hất lên đúng vào vị trí mũi rồng đại diện cho hai sợi râu. Người này mắt sáng, mũi cao, môi mỏng, mày kiếm thật điển trai hiếm thấy. Anh ta ăn bận bộ trường bào trắng thêu hoa văn dạng đốm lửa bằng chỉ xanh với cách may đặc biệt Trần Lĩnh chưa thấy bao giờ, nhìn rất ngầu và đẹp đẽ.
Thanh niên đầu rồng hướng mặt về Trần Lĩnh nói: “Mặt Cọp, vài ngày nữa thôi tôi sẽ cho cậu thấy được sự lợi hại, không như năm trước, tôi đã luyện đến thành thứ sáu rồi. Và sẽ đánh hết sức đấy… Ha ha…”
Trần Lĩnh chẳng biết làm gì, cứ gật đầu cho qua chuyện. Lão già lực lưỡng ngồi xuống cái bàn chính giữa khách phòng nói: “Đầu Rồng! Sao không đánh luôn ngay bây giờ đi? Bác đang chán, muốn xem cái gì đó để giải trí!”
Anh chàng có bí danh Đầu Rồng cười nói: “Khán giả ít quá, cháu muốn mọi người biết cháu đã cố gắn thế nào trong một năm qua để đánh bại đối thủ lớn nhất đời mình. Mặt Cọp gặp cậu làm tôi nóng người rồi đấy, những tôi sẽ chờ đến ngày ông táo về trời!”
Trần Lĩnh chẳng biết làm sao, lại ngật đầu. Lúc đó anh chàng Trần Đức đi ra nói: “Anh Cọp nhất định sẽ đánh bại anh như năm ngoái thôi, tỷ đấu bây giờ cho đỡ nhục cho phải hay hơn không!”
Gã nói nhanh chân đi về phía Trần Lĩnh nói thêm: “Anh Cọp sao chiều qua anh không tới? Anh lại đây dùng điểm tâm nào!”
Lão già lực lưỡng nói: “Cái tên này lo lắng cho Mặt Cọp quá nhỉ, lão già đáng tuổi cha chú hắn đấy!”
Trần Đức cười nói: “Vậy mọi người ngồi chung bàn đi, anh Cọp mau lại đây.”
Trần Lĩnh nghe theo, Đầu Rồng nói: “Cái tên cà chớn, từ khi nào mày đã trở nên thân thiết với cậu ta!” Rồi anh chàng này cũng đi về cái bàn của ông già lực lưỡng và cậu bé lạnh lùng.
Ông già nói với Trần Đức: “Ông mày không uống trà đâu mang rượu ra, bọn chúng ta là người thô lỗ, sống đây chết mai đừng có bắt chước thư sinh nho nhã.”
Đầu Rồng nói: “Uống trà có cái thú của uống trà, cớ sao bác vô lý thế nhỉ! Đâu ai cũng uống rượu thay cho nước như bác được chứ!” Lão già đáp: “Rách việc nhất là bọn thư sinh thối, tao chã ưa!”
Lúc đó gã Trần Đức lại mang bánh ra, Trần Lĩnh cố tỏ vẻ tự nhiên ăn uống chậm rãi. Thanh niên có bí danh Đầu Rồng nhìn chàng không chớp mắt, khiến chàng tham thầm, cầu cho anh ta đừng nhận ra điều gì khác lạ, có thể hai người Đầu Rồng, Mặt Cọp đã này khá thân thiết từ trước.
Đầu Rồng quay sang ông già cất lời: “Hình như có hội viên mới gia nhập sao không thấy mặt nhỉ?”
Ông già đáp: “Đến ngày rằm hội họp sẽ gặp thôi ấy mà!”
Trần Đức lại gần nói phía sau Trần Lĩnh nói chen vào: “Hai người ấy được gã “tú tài nhiều tay” dẫn đến chiều tối hôm trước. Bên ngoài họ là một lão già xấu xí và một thanh niên mặt trắng. Nhưng Trần Đức này đoán chắc cả hai đều là đàn bà con gái.”
Đầu Rồng nói: “Thế à! Nhưng hà cớ gì phải cãi trang, đến hội của chúng ta rồi, còn sợ điều gì?”
Trần Đức đáp: “Ai biết cái tên tú tài ấy nghĩ cái gì? Có lẽ hắn muốn che giấu cô gái trẻ, sợ kẻ khác đến tán tĩnh chăng. Nhìn cô ta có vẻ rất xinh đẹp.”
Trần Lĩnh nghe đến đây liền sinh cảm giác kỳ lạ, hôm qua chàng có gặp họ, chàng thanh niên mặt trắng đó rất giống người mà chàng ngày đêm mong nhớ.
Đầu Rồng cười nói: “Đã vậy tôi sẽ cua cô ta, để xem gã tú tài ích kỹ ấy có cách gì ngăn lại.”
Bỗng nghe tiếng quát của nữ nhân còn trẻ ở đằng sau: “Cậu vừa nói gì, có chị rồi còn dám đi tán tĩnh người con gái khác!”
Đầu Rồng lộ vẻ mặt kinh dị rồi nhẹ quay đầu lại xua tay nói: “Chị hai tha cho, em nói chơi thôi mà!”
Trần Đức nói như đỗ dầu vào lửa: “Không những định tán tĩnh cô gái vừa đến, gã Đầu Rồng đi đâu cũng có nhiều cô gái vây quanh và hắn chẳng từ chối ôm ấp bất cứ cô nào cả!
Đầu Rồng liếc mắt hung dữ nhìn Trần Đức, rồi quay sang làm mặt cười hề hề nói: “Nói chơi thôi, tha cho em đi chị hai! Hắn ở hội hoài biết gì đâu chứ, chị đừng cho là thật!”
Trần Lĩnh thấy một cô gái đi vào, tuổi chừng hai mươi lăm, hai mươi sáu gì đó. Cô mặc bộ áo hành du, kiểu cách rất giống của tên Đầu Rồng, nhưng đường nét có vẻ uyên chuyển bó sát, tạo vẻ nữ tánh thướt tha hơn, chỉ may có màu hồng. Cô gái này mặt tròn da trắng hồng hào dù chẳng son phấn gì. Ngũ quan cô khá sáng sủa, thanh gọn đầy nữ tính nhưng không kém phần sắc sảo.
Cô nhướng đôi mày đậm không tỉa tót nói giọng gây gắt: “Giỏi quá ha, không có gì sao người ta gắn cho cậu, chính tai chị cũng nghe thấy cậu định cua cô gái mới đến, còn chối cãi.”
Cô gái phóng người đến tung quyền công mặt tên Đầu Rồng. Tư thế của cô rất linh hoạt và đẹp mắt, chiêu thức cô nhanh nhẹn và độc đáo. Khiến Trần Lĩnh há hốc bất ngờ.
Tên Đầu Rồng liên tiếp bị bức thối lui, miệng không ngớt thanh minh. Cô gái vẫn ra chiêu đánh tới, sau hai chục chiêu nữa cô đá ngang vào ống quyễn chân phải tên Đầu Rồng, liền sau đó nhăn mặt tỏ ra đau đớn, gã thanh niên vội nói “có sao không” rồi lại gần tỏ vẻ mặt quan tâm. Cô gái nhân cơ hội lại đánh một quyền vào bụng anh ta.
Thanh niên ôm bụng nhăn nhó, nằm lăn ra dưới đất. Cô gái trách mắng vài câu rồi đến gần anh kia. Cô bất ngờ bị chụp lấy bàn tay, anh chàng Đầu Rồng kia vẻ mặt tỏ ra thống khổ nói: “Lan Ly à, Minh Tùng này từ nhỏ đã lớn lên cùng chị, tình cảm của em sao chị còn hoài nghi chứ, đối với em chị luôn là người con gái tuyệt vời nhất, việc ấy không bao giờ thay đổi như trăng, mà mãi mãi vững vàng như núi.”
Lan Ly có vẻ đã động lòng, cô cúi gầm đầu rồi nói: “Chị hiểu, chị xin lỗi, em có đau lắm không?”
Minh Tùng nói: “Chị cần chị hiểu, chị không buồn lòng vì em thì đau đớn trên đời này có là gì chứ!”
Ông lão lực lưỡng hừ một tiếng rồi nói: “Chảy nước quá!” Trần Đức cũng dương cánh tay phải nên vút vút nói chen vào: “Ôi chao, nổi da gà hết lên rồi này!”
“Các người im ngay!” Cô gái Lan Ly quát rồi quay sang anh chàng Minh Tùng diệu giọng nói: “Chị hiểu! Em điển trai thế này, khó trách những bóng hồng theo đuổi.”
Hai người đứng lên, Minh Tùng vuốt tóc cô gái, Lan Ly tựa vào ngực anh ta. Cái tên Đầu Rồng đưa ánh mắt xảo trá nhìn mọi người, nụ cười của gã rất đắc chí.”
Lão già và Trần Đức tỏ mặt tức giận quay đi. Trần Lĩnh đã dùng điểm tâm xong, chàng chẳng muốn ở lâu thêm nên đứng dậy cung tay chào lão già rồi quay đi.
Vừa về đến nhà, chàng bỗng thấy ông già câu cá hôm qua cầm trên tay một cái đồng gành chạy nhanh về phía mình.
Chàng tưởng ông ta vội làm chuyện gì đó, nhưng càng gần nhau, chàng càng thấy hung quang trong mắt đối phương công kích trực tiếp vào mình thì lấy làm lạ nghĩ thầm: “Chuyện gì nữa đây!”
Ông già sấn tới đánh mạnh đòn gánh nhắm vào đầu Trần Lĩnh, chàng né sang cánh hữu rồi liên tiếp thối lui, mặt đối mặt chính diện ông già.
Ông già điên tiết quát “tao giết chết thằng khốn nạn mày”, rồi đánh liên tiếp nhắm vào người chàng, thân pháp chàng được vận dụng trơn tru nên tạm thời chưa bị tổn thương nào.
Bỗng nghe tiếng ú ớ, Trần Lĩnh phân tâm thì ông già lại đánh tới, chàng né được trong gang tất nhưng bất thần thấy có người đưa lưng đỡ cho mình một đòn.
Người đến là cô gái lạ, cô ấy bị đánh vào lưng, thân thể yếu ớt của cô ngã vào người Trần Lĩnh, chàng đón đỡ lấy cô, nhìn rõ khuôn mặt xinh xắn u buồn của cô gái, thấy rõ nước mắt đã lưng tròng, chàng chợt thấy động lòng, càng thấy kỳ lạ.
Ông già chạy đến xô Trần Lĩnh ra đỡ lấy cô gái nói; “Xuyến con, sao khổ thế này, sao cháu lại đi đỡ cho cái tên khinh người, khốn kiếp này chứ, hắn phụ chân tình của cháu chẳng đáng được như vậy đâu."
Cô gái ú ớ, chỉ vào ông già, xua tay, lắc đầu. Ý cô chắc muốn nói “ông đừng làm vậy.” Ông già bùi ngùi rồi trợn mắt nhìn Trần Lĩnh, ông nhẹ nhàng đỡ cô gái câm vào nhà. Trần Lĩnh ngơ ngác, chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra, cứ đứng trân trân một hồi mới vào nhà.
Truyện khác cùng thể loại
79 chương
250 chương
20 chương
25 chương
5 chương
21 chương
17 chương
37 chương