Để làm hà ngọc hối hận
Chương 2 : Cô chủ nhà họ khương
Khương Minh Trân 5 tuổi rất phiền não, phiền não vô cùng vô địch không bút nào tả xiết.
Mấy đứa con nít xung quanh đều không hiểu, có chuyện gì lại đáng để Khương Minh Trân phiền não. Ý của bọn nó là, Khương Minh Trân là thiên kim duy nhất của nhà họ Khương. Mà đấy là nhà họ Khương đó nha, nhà họ Khương có một nhà hàng lớn ở trung tâm thành phố ấy.
Từ khi Khương Minh Trân sinh ra đến nay, con bé đã lớn lên trong sự yêu thương vô ngần. Người trong nhà nâng con bé còn sợ nó ngã, ngậm trong miệng thì sợ nó tan, lo lắng chẳng nỡ để con bé thấy không thoải mái chỗ nào.
Có thứ gì Khương Minh Trân muốn mà không đạt được cơ chứ?
“Con muốn dì Phạm quay lại!”
Khương Minh Trân khoanh tay, miệng dẩu gần đến tận trần nhà. Món canh sườn trước mặt đã nguội rồi, con bé bảo không ăn, thì là không ăn.
“Tiểu Trân ngoan nào, tay mẹ nhức quá, con ăn một miếng thôi được không?” Từ Mỹ Nhân giơ thìa, dịu giọng dỗ dành: “Bố mẹ đã thuê vú em mới rồi, chiều nay chị ấy sẽ đến nhà mình chơi với con.”
“Con không cần vú em mới!”
Cánh tay của đứa trẻ phẩy mấy cái trong không trung, nước canh trong thìa bắn hết lên tay áo người mẹ.
Khương Minh Trân vẫn còn chưa ngúng nguẩy hết cơn: “Cơm vú em mới nấu không ăn nổi, cơm mẹ nấu cũng không ăn nổi, con chỉ cần dì Phạm thôi.”
Từ Mỹ Nhân nhăn đôi mày thanh tú lại, thở dài khe khẽ.
Chị đúng thật chẳng thể trị nổi đứa con gái của mình.
Lúc trước Khương Nguyên cưới Từ Mỹ Nhân là vì ưng bụng nét đẹp dịu dàng và sự ăn học hiểu biết của chị. Chị là tiểu thư quyền quý dòng dõi thư hương, đời này chưa từng sẵng giọng với ai, luôn nói chuyện nhỏ nhẹ. Ai ngờ đứa con gái mà hai người sinh ra lại chẳng kế thừa được chút tính cách tốt đẹp nào của Từ Mỹ Nhân.
Năm Khương Minh Trân 5 tuổi, con bé đã là bà tướng nhỏ trong nhà, không ai chế ngự được. Trước nay con bé có nguyện vọng gì, cha mẹ nó đều đáp ứng bằng sạch. Thi thoảng yêu cầu của con bé quá quắt quá, bố mẹ không chịu, lúc ấy Khương Minh Trân sẽ càng hăng hái hơn, một khóc hai quấy, ăn vạ vùng vằng đến khi nào cha mẹ gật đầu mới thôi.
Nhưng lần này thì hơi khác rồi.
Hồi tuần trước, bà vú họ Phạm chăm sóc Khương Minh Trân từ nhỏ đã xin nghỉ làm vú em.
Dì Phạm nhà quê lên tỉnh, vào thành phố làm thuê, có một thằng con trai tuổi cũng tầm Khương Minh Trân. Tuần trước dì nhận được một cuộc điện thoại, chồng dì gặp tai nạn lúc đi làm công ở công trường, trụ cột trong gia đình thế là đi tong. Dì Phạm buồn lòng chết thôi, thằng con trai còn bé bỏng ở quê không có người chăm sóc, dì không thể không trở về.
Khương Minh Trân quấy phá dữ quá, nhà họ Khương cũng chẳng có cách nào mở miệng kêu dì Phạm bỏ con trai lại, đến nhà họ chăm con cho họ.
“Tiểu Trân, nhà dì Phạm xảy ra chuyện rồi……”
Từ Mỹ Nhân không biết phải giải thích nỗi khó xử trong chuyện này thế nào cho con gái hiểu.
“Con mặc kệ, dì Phạm không ở đây thì con sẽ khó chịu, con mà khó chịu thì không ăn cơm đâu.”
Được lắm, Khương Minh Trân nào phải là đứa biết lí lẽ gì.
Con gái đã bỏ ăn hai bữa rồi, Từ Mỹ Nhân lo quýnh lên như kiến bò trên chảo nóng.
Chờ Khương Nguyên về nhà, chị không thể không thương lượng với chồng, có thể trả thêm tiền để thuê dì Phạm về được không.
“Tiểu Trân nhà mình từ bé đã được dì ấy chăm bẵm rồi,” chị nói: “Đột nhiên đổi người, khẩu vị thức ăn cũng thay đổi, con nó không quen được cũng là khó tránh.”
Lúc nhà họ Khương gọi điện cho dì Phạm, dì vừa mới xử lý xong chuyện ma chay.
Khương Minh Trân là một đứa nhỏ khó hầu hạ, nhưng nói bằng lương tâm thì, tiền lương nhà họ Khương trả vẫn luôn rất hậu hĩnh. Lúc này họ muốn thuê bà vú kia về, lại bận tâm đến chuyện nhà bà vú, nên so với lúc trước, tiền công còn phải tăng gấp đôi có thừa.
Mới dăm ba câu, dì Phạm đã xiêu lòng.
“Tôi rất sẵn lòng về chăm sóc cô chủ Trân, nhưng con trai tôi thui thủi một mình ở quê, thực sự không kiếm được họ hàng nào giúp đỡ cả.” Sau khi cân nhắc, dì Phạm lại hỏi thật cẩn thận: “Có thể cho tôi đưa cả con trai tôi lên thành phố được không ạ?”
Dì ta nguyện ý trở về, nhà họ Khương đã cảm tạ lắm rồi, vậy nên họ đồng ý ngay tắp lự.
“Đương nhiên là được!”
Nỗi lo trong lòng đã được hóa giải, Từ Mỹ Nhân vô cùng vui vẻ, thu xếp chuyện đưa dì Phạm quay về.
Vú em mới, đuổi; căn phòng cho bảo mẫu mà dì Phạm ở trước kia lại khôi phục trạng thái ban đầu.
Khương Minh Trân biết dì Phạm sắp về, tất nhiên cũng vui chết lên được. Sáng sớm vừa nghe thấy vụ này, con bé còn chưa tỉnh ngủ đã tung tăng nhảy nhót xuống lầu, nói muốn ra nhà ga đón dì Phạm.
Từ Mỹ Nhân vội vàng giải thích, mấy ngày nữa dì mới về được. Vì thế Khương Minh Trân rũ rượi hẳn đi, y như một quả bóng cao su bị châm kim vậy.
“Mấy ngày nay, con có thể giúp mẹ bố trí phòng cho con trai dì Phạm.”
Khương Minh Trân thấy hứng thú hơn một chút: “Ai thế ạ?”
“Con trai của dì Phạm đấy, thằng bé cũng theo dì Phạm đến ở nhà mình.”
Từ Mỹ Nhân xoa loạn phần tóc mái của con gái lên, cười hỏi: “Về sau nhà mình sẽ có thêm một người để chơi cùng với Tiểu Trân rồi, có vui không nào?”
Tất nhiên là vui rồi, Khương Minh Trân khụt khịt mũi, không muốn biểu hiện rõ ràng quá: “Đứa đấy mấy tuổi ạ?”
“Chắc là lớn hơn con một chút đấy?” Từ Mỹ Nhân nói áng chừng. Từ xưa dì Phạm đã là vú em của Tiểu Trân, con nhà dì ấy có lẽ sẽ nhiều tháng hơn Tiểu Trân.
“Ồ.” Khóe miệng Khương Minh Trân lại nhếch lên một ít.
Hình như bọn trẻ con đều thích chơi với những đứa lớn hơn mình, Khương Minh Trân cũng không phải là ngoại lệ.
Con bé là đứa con gái duy nhất trong nhà, không có anh trai chị gái, chỉ có mấy đứa bạn cùng tuổi chơi cùng nó. Nhưng cũng vì tính tình Khương Minh Trân quá khó ưa nên chẳng mấy đứa chơi nổi với nó.
Bây giờ sắp có một cậu nhóc mới tới, con bé hưng phấn đến độ hận không thể siết nắm tay đập bàn thùm thụp cho thỏa nỗi bồn chồn
“Ở phòng để đồ chơi của con cũng được đấy ạ.” Khương Minh Trân đề nghị.
Phòng để đồ chơi ở ngay sát vách với phòng con bé.
Từ Mỹ Nhân không nhận ra được tâm tư của con bé: “Không cần phải ở phòng để đồ chơi của con đâu, nhà mình có nhiều phòng cho khách mà.”
Khương Minh Trân kiên trì: “Chắc chắn là anh ý sẽ thích phòng để đồ chơi hơn, phòng để đồ chơi có rất nhiều món đồ chơi của con.”
Nghe thấy con gái mình nói năng tự nhiên như thế, giọng điệu tự tiện quyết định trước thay người khác này bỗng khiến Từ Mỹ Nhân thoáng thấy lo lo.
“Tiểu Trân, chờ con trai dì Phạm tới, con phải đối xử lịch sự với thằng bé, biết chưa?”
“Biết ạ.” Khương Minh Trân đồng ý ngay tắp lự.
Nhưng định nghĩa ‘lịch sự’ của Khương Minh Trân, và cái ‘lịch sự’ mà Từ Mỹ Nhân yêu cầu con bé phải làm theo, có lẽ vẫn khác nhau.
“Lần trước, bạn của mẹ đưa con gái chị ấy đến nhà mình chơi, mẹ cũng dặn đi dặn lại con là nhất định phải lịch sự với người ta. Cuối cùng con thúc ép đòi người ta phải chơi trò xếp gỗ với con. Con bé không muốn chơi, thế là con cầm miếng gỗ ném nó. Lần trước con đã đồng ý với mẹ, con có làm được đâu.”
“Con đã lịch sự lắm rồi mà. Con đã mời bạn ấy chơi với con, ôm hết đồ xếp gỗ ra, nhưng bạn đó không chơi,” Khương Minh Trân trợn tròn mắt, mặt đầy vẻ khó tin: “Trò xếp gỗ vui thế cơ mà!”
“Con cảm thấy vui, nhưng chưa chắc người ta đã thấy vậy. Mẹ bảo con phải biết lịch sự, nghĩa là con phải tôn trọng sự lựa chọn của khách. Họ muốn làm gì thì con để họ làm nấy, con phải biết suy nghĩ đến cảm nhận của họ trước.”
Từ Mỹ Nhân nói lời thấm thía như vậy, mỗi tội kẻ đứng trước mặt chị chỉ là một con nhóc 5 tuổi ngố tàu.
Khương Minh Trân chả hiểu gì sất.
Nhưng thôi, con bé cảm thấy mẹ nói thế cũng có lý, vì vậy nó đáp “Vâng vâng”, gật đầu như giã tỏi.
Ngày bà vú đưa con từ quê lên phố, Khương Minh Trân đã chuẩn bị từ trước.
Con bé gọi rất nhiều đồng bọn tới nhà.
Chuyện là vầy nè, Khương Minh Trân phát hiện, mỗi lần con bé chơi riêng với đứa nào, đứa ấy đều sẽ chơi không được vui lắm. Nếu có bọn con nít khác ở đây, bạn đó có thể chơi với những người khác, khi ấy bạn đó sẽ được vui vẻ nhất.
Con bé nghĩ, đây là cái “có lịch sự” mà mẹ mình nói đấy. Suy xét đến cảm nhận của khách trước khi nghĩ đến cảm nhận của mình.
Mấy đứa trẻ con chơi với nhau tới gần giữa trưa thì rốt cuộc chuông cửa nhà con bé cũng reo vang.
Trong khoảnh khắc chuông vang lên ấy, Khương Minh Trân tựa như chim sợ cành cong, con bé nhảy dựng lên, chạy biến ra sân sau trốn.
Mấy đứa con nít trong nhà không hiểu gì cả. Thấy con bé luống ca luống cuống, như ra trận đến nơi, tụi nó còn tưởng đây là trò chơi quỷ quái gì đấy, cả lũ cùng chạy ùa ra sân sau theo con bé.
Từ Mỹ Nhân xuống lầu mở cổng.
Lúc mở cổng chị còn nghi hoặc, mới nãy phòng khách còn cãi cọ ồn ào, sao giờ đã im thin thít ngay vậy nhỉ.
“Tiểu Trân? Tiểu Trân?” Không ai đáp lại.
Một đám tiểu quỷ ngồi xổm ở sân sau, ghé đầu vào cạnh cửa, tập trung tinh thần nhìn người sắp bước qua cánh cổng.
Từ Mỹ Nhân mở cổng.
Về sau Hà Ngọc hỏi Khương Minh Trân, lần đầu tiên thấy anh, cô có ấn tượng gì.
Cô thành thật trả lời: “Hồi còn bé trông anh rất bình thường.”
Một thằng nhóc 5 tuổi bình thường trông thế nào thì Hà Ngọc trông thế đấy.
Lùn lùn, tóc ngắn ngủn. Cái mặt tròn tròn, hai má núng nính, cho nên phình phình.
Một mũi, hai mắt, một miệng, chẳng có bất kỳ chỗ nào xuất sắc đáng để bình luận.
Bình thường, ngoài bình thường ra thì chả còn gì để nói.
Bọn con trai nông thôn trong tưởng tượng của Khương Minh Trân đúng ra phải đen gầy hơn cu cậu này mới phải. Nhưng diện mạo của thằng nhóc này trông chẳng khác gì bọn con trai 5 tuổi trên thành phố.
Thằng bé không đen, cái mặt núng nính được mẹ cu cậu lau rất sạch và rất trắng.
Nếu phải miêu tả thì, nó giống như một chiếc bánh bao, loại được vo tròn ung ủng, nặn tròn xoe xoe, hấp lên trắng ngần ấy.
Bởi vì câu Hà Ngọc hỏi Khương Minh Trân chính là, ấn tượng của cô khi thấy anh lần đầu, nên cô chỉ có thể nói là bình thường.
Nhưng nếu anh hỏi, lần đầu cô thấy anh, cô có cảm giác gì thì……
Chẳng ai biết rằng, Khương Minh Trân thích ăn bánh bao được nặn tròn hơn.
Cho nên lần đầu thấy Hà Ngọc, cô đã cảm thấy, rất muốn cắn anh một miếng.
Truyện khác cùng thể loại
80 chương
35 chương
27 chương
36 chương
162 chương
67 chương
317 chương
70 chương