Dấu Bộ Tứ (The Sign Of Four)
Chương 1 : Phép diễn dịch là một khoa học
Cô Morstan bước vào phòng với dáng đi quả quyết. Đó là một thiếu nữ tóc hoe vàng, nhỏ nhắn và mảnh mai, y phục đơn giản và tầm thường, tuy rất thanh nhã khiến ta liên tưởng đến những điều kiện sinh hoạt hạn chế của cô. Chiếc áo, không đồ trang sức cũng chẳng nữ trang, màu gạch non ngả sang màu xám. Cổ quấn một dải khăn choàng đầu nhỏ, cũng một màu xám xịt ấy, may là có điểm thêm một chiếc lông vũ màu trắng ở một bên. Vẻ đẹp của cô không ở trong đường nét thanh tú, không ở trong nước da trong sáng, mà phảng phất trong nét tinh anh linh động, cởi mở và dịu dàng, trong đôi mắt xanh lớn, đa cảm và thăm thẳm. Kinh nghiệm của tôi về phụ nữ, vốn bao trùm nhiều nước ở ba lục địa, chưa bao giờ cho tôi được chiêm ngưỡng một khuôn mặt nào biểu lộ một tâm hồn tế nhị một cách tuyệt vời như thế.
Shelock Holmes đẩy ghế tới mời cô ngồi. Tôi nhận thấy ngay miệng cô run run và đôi tay cô co quắp lại, toàn là những dấu hiệu của một sự xúc động nội tâm mãnh liệt.
- Tôi đến gặp ông, thưa ông Holmes! - Nàng nói - bởi vì ông đã giúp bà Cecil Forrester vốn là người mà tôi phục vụ, gỡ được một vụ rắc rối trong gia đình bà ấy. Tài năng và nhiệt tình của ông đã làm bà ấy cảm kích vô cùng.
- Bà Cecil Forrester à? - Anh nhắc lại, ra chiều nghĩ ngợi - À vâng, tôi nhớ đã giúp bà ấy một việc nho nhỏ. Tuy nhiên, nếu tôi còn nhớ rõ, thì đó chỉ là một vụ rất đơn giản thôi.
- Vâng, nhưng đó không phải là ý kiến của bà ta. Dầu sao chăng nữa, chắc là ông sẽ không nghĩ như vậy về câu chuyện của tôi đâu. Tôi thật khó lòng mà tưởng tượng ra một câu chuyện lạ lùng hơn, và hoàn toàn không thể giải thích gì được.
Holmes xoa tay vào nhau. Đôi mắt sáng ngời lên. Trong chiếc ghế bành, anh chồm tới trước với cái dáng nhìn nghiêng của loài chim săn mồi, và nét mặt đột nhiên biểu lộ một sự tập trung tư tưởng đến là lạ lùng.
- Mời cô trình bày trường hợp của cô đi - Anh nói.
Anh lấy giọng của một nhà doanh nghiệp. Địa vị của tôi lúc bấy giờ đâm ra khó xử, nên tôi đứng dậy cáo từ:
- Mong quý vị miễn thứ cho tôi.
Tôi rất đỗi ngạc nhiên khi người phụ nữ khoát bàn tay đeo găng giữ tôi lại.
- Nếu bạn ông vui lòng ngồi lại - Nàng nói - thì ông ấy có thể giúp đỡ tôi rất nhiều.
Tôi đành phải ngồi xuống.
- Sau đây là vắn tắt các sự kiện đã xảy ra - Nàng nói tiếp - Cha tôi là sĩ quan phục vụ tại Ấn Độ. Ông gởi tôi qua Anh thuở tôi hãy còn bé. Mẹ tôi mất sớm và ở đây tôi chẳng có người bà con nào. Vì vậy tôi được gởi vào một ký túc xá, nói đúng ra rất là đàng hoàng, ở Edinburgh, và tôi lưu lại tại đó mãi đến năm 17 tuổi. Đến năm 1878, cha tôi, với quân hàm đại úy cấp trung đoàn được nghỉ phép 12 tháng và trở về đây.
Ông gởi cho tôi một điện tín từ London báo cho tôi biết là ông đã trở về bình an, và đợi gặp tôi ngay tại khách sạn Langham. Bức điện viết một cách đầy lòng yêu thương. Vừa đến London, tôi đi ngay tới khách sạn Langham. Tôi được người ta cho biết rằng đúng là đại úy Morstan có đăng ký phòng trọ tại đây, nhưng tối hôm qua ông ấy đã đi đâu đó mà chưa thấy trở về. Tôi chờ đợi trọn ngày hôm đó, nhưng bặt vô âm tín. Đến tối, theo lời khuyên của giám đốc khách sạn, tôi đi báo với cảnh sát sáng ngày hôm sau, mục rao vặt về việc này được đăng trên tất cả các báo. Công việc tìm kiếm của chúng tôi không kết quả, và cũng kể từ ngày đó tôi chẳng nhận được tin tức gì về người cha bất hạnh của tôi. Ông trở về quê hương lòng chứa chan hy vọng tìm được chút bình yên và an ủi, ấy thế mà...
Nàng đưa tay lên cổ, câu nói nghẹn ngào qua tiếng khóc.
- Xin cô cho biết rõ ngày, tháng xảy ra sự việc – Holmes vừa nói vừa mở sổ tay ghi chép ra.
- Cha tôi mất tích ngày 3 tháng Chạp năm 1878, tính đến nay là đã gần 10 năm.
- Còn hành lý thì sao?
- Vẫn còn ở khách sạn đây. Nhưng cũng chẳng có dấu tích gì. Toàn là quần áo, sách vở, và rất nhiều vật hiếm, lạ mang từ đảo Andaman[1] về. Tưởng cũng cần nói rõ thêm rằng cha tôi là sĩ quan đồn trú, chịu trách nhiệm về những tên tội phạm bị đày biệt xứ đến đó.
- Ở thành phố ông ấy có bạn bè nào không?
- Theo chỗ tôi biết, cha tôi chỉ có một người bạn duy nhất: đó là thiếu tá Sholto, cùng đơn vị, trung đoàn bộ binh thứ 35 Bombay. Viên thiếu tá nay đã nghỉ hưu, trước đó một thời gian về sống ở Thượng Norwood. Chúng tôi có tìm cách liên lạc với ông ấy; nhưng ông ấy lại không ngờ rằng bạn ông ấy lại có mặt tại Anh.
- Một vụ khá lạ lùng đây - Holmes nhận xét.
- À xin lỗi, tôi quên không thuật lại với quý ông giai đoạn rối rắm nhất của câu chuyện. Cách đây 6 năm, ngày 4 tháng 5 năm 1882, nếu muốn chính xác hơn, trên nhật báo “Times”, có đăng mục rao vặt hỏi thăm địa chỉ của cô Morstan, và còn nói rõ là cô nên cho biết tin tức về cô vì có lợi cho chính bản thân cô. Trong mục rao vặt đó, chẳng có tên, mà cũng không có địa chỉ. Lúc bấy giờ, tôi vừa mới được thâu nhận làm quản gia trong gia đình bà Cecil Forrester. Theo lời khuyên của bà này, tôi cũng nhờ đăng báo địa chỉ của tôi. Cùng ngày, tôi nhận được qua bưu điện một hộp nữ trang bằng giấy bồi, trong đựng duy nhất một viên ngọc trai cực lớn nước sáng rất đẹp. Kể từ ngày hôm ấy, năm nào cũng vậy, vào cùng ngày, tôi lại nhận được một bưu phẩm đựng một viên ngọc trai như thế, mà chẳng có tên tuổi, địa chỉ gì của người gởi. Tôi đã hỏi ý kiến một chuyên gia: những viên ngọc trai này thuộc một chủng loại hiếm có và có một giá trị to lớn. Mời ông cứ tự xem lấy mới thấy là đẹp biết nhường nào.
- Nàng mở một chiếc hộp đẹp, đưa chúng tôi xem 6 viên ngọc: những viên ngọc tinh thuần nhất mà tôi chưa từng thấy.
- Câu chuyện của cô rất là kỳ thú - Shelock Holmes nói - Có còn gì nữa không?
- Vâng, còn ạ. Mới hôm nay thôi ấy chính vì vậy mà tôi đến gặp ông đấy. Sáng nay tôi có nhận được một bức thư. Thưa ông, đây.
- Cám ơn, Holmes nói - Xin cho tôi xem cả phong bì. Dấu nhật ấn bưu điện London, khu vực Tây Nam. Ngày 7 tháng 7. Hừm! Ở phía góc, có dấu tay trái, có lẽ là của bưu tá. Loại phong bì 6 pence một tập. Giấy viết thư thuộc loại sang.
Không địa chỉ.
Bức thư như sau:
"Bảy giờ tối nay xin có mặt tại Nhà hát Lyceum, cạnh cột thứ ba lối đi ra tỉnh từ bên trái. Nếu cô không tin tưởng, cô có thể mời hai người bạn đi theo. Cô là nạn nhân của một sự bất công và sự bất công này sẽ được đền bù. Xin đừng đem cảnh sát theo. Nếu không, tất cả sẽ thất bại. Người bạn vô danh của cố.”
- Thế đấy, quả là một bí ẩn nho nhỏ, ngồ ngộ. Cô có dự tính gì không, cô Morstan?
- Đó lại chính là câu hỏi tôi muốn đặt ra với ông đấy.
- Nếu thế thì, chắc chắn chúng ta sẽ đến điểm hẹn, cô, tôi và... dĩ nhiên, cả bác sỹ Watson nữa. Người viết thư cho cô chấp thuận cho cô mang theo hai người bạn: bác sỹ đây đúng là người mà ta cần. Chúng tôi đã từng làm việc chung với nhau.
- Nhưng liệu ông ấy có muốn đến không? - Nàng hỏi bằng giọng thúc bách.
- Tôi sẽ rất hãnh diện và sung sướng - Tôi sốt sắng nói - Nếu tôi có thể giúp cô phần nào đó.
- Cả hai ông đều thật là tử tế quá - Nàng đáp - Tôi vốn sống một cuộc sống thầm lặng, và tôi chẳng có ai là bạn bè để nhờ cậy cả. Tôi nghĩ là ta sẽ có đủ thời giờ nếu tôi trở lại đây lúc 6 giờ.
- Nhớ đừng đến trễ nhé - Holmes nói - Cho tôi hỏi thêm một câu. Tuồng chữ trên phong bì này có giống với tuồng chữ cô đã trông thấy trên mấy chiếc hộp đựng ngọc trai không?
- Đây, tôi có sẵn đây - Nàng đáp và đưa ra 6 mẫu giấy.
- Cô quả thật là một thân chủ gương mẫu, trực giác đã cho cô biết điều gì quan trọng trong nội vụ này. Nào, giờ ta hãy xem nào.
Trải rộng mấy mẫu giấy lên bàn, anh so sánh bằng cái nhìn linh hoạt và sâu sắc.
- Nét chữ thì giả mạo, trừ bức thư, song tác giả chắc chắn chỉ là một - Anh nói - Các bạn cứ xem kỹ chữ “e” kiểu Hy Lạp cứ xuất hiện mỗi lúc tác giả thiếu chú ý và nét cong đặc biệt ở chữ "s” cuối từ[2]! Tôi chẳng muốn gây cho cô niềm hy vọng giả tạo, cô
Miorxtan ạ, nhưng cô thấy có gì giống nhau giữa nét chữ này và nét chữ của cha cô không?
- Hoàn toàn không ạ. Hai tuồng chữ khác hẳn nhau.
- Tôi cũng đoán trước câu trả lời ấy rồi. Thế thì xin hẹn đến sáu giờ chiều nay. Cho phép tôi giữ mấy tờ giấy này. Bây giờ chỉ mới ba giờ rưỡi và có thể tôi sẽ cần đến khoảng thời gian còn lại trước khi cô trở lại đây. Xin tạm biệt[3]!
- Vâng, xin tạm biệt[4] - Thiếu nữ đáp lại.
Cầm lại hộp ngọc trai, nàng mỉm cười duyên dáng và nhanh nhẹn ra về.
Qua cửa sổ, tôi nhìn theo dáng đi thoăn thoắt của nàng trên đường phố, mãi đến khi chiếc khăn choàng đầu màu xám và chiếc lông vũ trắng tan biến đi giữa đám đông.
- Chà! Cô gái mới quyến rũ làm sao! - Tôi vừa nói lớn vừa quay lại với bạn tôi.
Anh đã đốt lại ống điếu và ngồi gọn sâu vào chiếc ghế bành, mắt nhắm lại.
- Thật à? - Anh nói bằng giọng uể oải - Thế mà tôi không để ý đấy.
- Anh đích thực là một người máy? - Tôi nói - Một cái máy biết lý luận. Đôi khi tôi thấy anh hoàn toàn mất hẳn nhân tính.
Anh mỉm cười, đáp lại:
- Có một điều tối quan trọng là tôi không được để bị ảnh hưởng bởi những tính chất riêng của từng người. Một thân chủ đối với tôi chỉ là một yếu tố trong một bài toán mà thôi. Tính cảm xúc cảm trở sức lập luận trong sáng và óc phán đoán lành mạnh. Người đàn bà quyến rũ nhất mà tôi đã từng biết đã bị treo cổ chỉ vì bà đã đầu độc 3 đứa con mình để lãnh món tiền bảo hiểm nhân mạng ký kết trên đầu chúng nó. Mặt khác, gã đàn ông đáng ghét nhất trong chỗ quen biết của tôi lại là một người đầy lòng nhân ái, dám bỏ ra gần nửa triệu bảng cho kẻ nghèo khó.
- Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt này...
- Tôi không bao giờ đặt ngoại lệ. Với tôi ngoại lệ phủ nhận quy tắc. Anh có bao giờ gặp dịp tìm hiểu tính tình của một người qua nét chữ của họ không? Và anh nghĩ gì về tuồng chữ như thế này?
- Nó trông dễ đọc và đều đặn - Tôi đáp - Tuồng chữ của một người từng quen với công việc làm ăn, và có một cá tính khá mạnh mẽ.
Holmes lắc đầu, không đồng ý.
- Anh hãy nhìn những chữ có vòng gút: chúng chẳng khác gì nhau lắm. Chữ “d” cũng có thể là chữ “a”, và chữ “l” có thể là chữ “e”. Những người có cá tính luôn luôn viết rõ ràng những chữ có vòng gút, dầu cho họ có viết xấu đến đâu chăng nữa. Chữ “k” hơi run, và những chữ hoa chứng tỏ chút ít tự phụ... Thôi được. Giờ tôi phải đi. Tôi cần thêm vài tin tức. Để tôi giới thiệu với anh cuốn sách này trong khi chờ tôi; Watson ạ. Hay tuyệt đấy. Đó là cuốn "Kiếp đọa đày của con người"[5], của Winwood Reade. Trong vòng 1 tiếng nữa tôi sẽ trở về thôi.
Tôi cầm lấy cuốn sách ngồi lại gần cửa sổ, song chẳng mấy chốc dòng suy nghĩ của tôi tách rời khỏi những thuyết lý táo bạo của nhà văn. Tôi hình dung lại cô thiếu nữ với nụ cười của nàng; tôi lại nghe thấy giọng nói uyển chuyển và êm ái khi nàng thuật lại điều bí ẩn lạ lùng đang bao trùm lên cuộc đời nàng.
Nếu nàng vừa 17 tuổi lúc cha nàng mất tích, thì nay chắc nàng phải ở vào độ 27. Ôi, cái tuổi đẹp biết nhường nào? Cái tuổi thanh xuân, đang còn ở độ rực rỡ, tâm hồn không vướng bụi vị kỷ và lại được kinh nghiệm đời lắng dịu xuống... Tôi ngồi trong ghế bành, mải mơ màng như vậy cho đến khi những ý nghĩ độc hại ùa đến trí óc tôi. Thế là tôi đâm nhào đến bàn giấy và đọc ngấu nghiến đến quên mình tập thảo luận sau cùng về bệnh lý học. Nhưng, tôi là cái gì kia chứ? Một bác sĩ phẫu thuật trong quân đội, khổ sở vì cái chân yếu đuối và một trương mục ngân hàng lại càng yếu kém hơn nữa. Thế thì sao tôi lại có thể thả hồn theo dòng suy nghĩ ngông cuồng đến thế? Người thiếu nữ kia chẳng qua cũng chỉ là một thành phần, một yếu tố trong bài toán mà thôi. Nếu tương lai tôi có đen tối đi nữa, tốt hơn là cứ nhìn thẳng vào nó, mặt đối mặt, như một con người còn hơn là che đậy nó sau những hình ảnh ngông cuồng huyễn hoặc do óc tưởng tượng thêu dệt nên.
---
[1] Tên một quần đảo vịnh Bengal, thuộc lãnh thổ Ấn Độ.
[2] Cụm từ “two friends” (hai người bạn-tiếng Anh)
[3] Nguyên văn: “Au revoir” (tiếng Pháp)
[4] Như trên
[5] Nguyên văn: “MARTYRDOM OF MAN”
Truyện khác cùng thể loại
55 chương
13 chương
11 chương
10 chương
25 chương