Đất trời
Chương 12 : Ngoại truyện
….
Thật ra, chẳng những xác mà cả hồn Thị Lộ vẫn đấy, như đất, như trời. Như lịch sử. Nghĩa là như chúng ta, những con người thay nhau truyền đời nối kiếp, đằng sau là lịch sử. Và đằng trước, cũng chỉ có thể sẽ là lịch sử.
Lịch sử tiếp tục, phải chăng trên một con đường vô định ?
Bốn ngày trước khi hành quyết Nguyễn Trãi và Thị Lộ trong Vụ án Vườn Vải, thái tử Bang Cơ được hai tuổi, lên ngôi lấy đế hiệu là Nhân Tông hoàng đế, niên hiệu là Thái Hòa. Hoàng thái hậu Nguyễn thị, húy là Anh, người làng Bố Vệ, huyện Ðông Sơn, Thanh Hóa buông rèm coi chính sự. Ban đầu, bọn đại thần phụ chính có Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thụ và Trịnh Khắc Phục. Sau Xí bị bãi chức. Khả và Phục bị giết, Thụ bị giam. Nhân Tông ở ngôi được mười bảy năm. Ðến năm Kỷ Mão ( 1459 ), Lạng Sơn vương Nghi Dân kéo người trèo thành vào cung cấm giết Vua và Hoàng thái hậu. Nghi Dân là con của Thái Tông Nguyên Long và Dương thị Bí, không được lập vì Bí có tội. Lên ngôi, Nghi Dân ban đại xá, công bố ‘ ‘…
Diên Ninh tự biết mình không phải là con của tiên đế, hơn nữa lòng người ly tán, nên ngày ba tháng mười năm nay, đã ra lệnh cho trẫm lên thay ngôi báu ’’.
Diên Ninh, tức Lê Nhân Tông Bang Cơ, thật ra bị Nghi Dân đâm chết. Tháng sáu năm sau, bọn Nguyễn Xí, Ðinh Liệt xướng nghĩa, truất Nghi Dân xuống tước hầu, lập Tư Thành, con thứ tư của Lê Thái Tông, lên ngôi vua, đế hiệu là Thánh Tông Thuần hoàng đế. Vua ở ngôi ba mươi tám năm, lấy niên hiệu là Quang Thuận, rồi Hồng Ðức. Minh oan cho Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông truy tặng tước Tán Trù Bá, tìm người con Trãi trốn thoát được là Anh Vũ, bổ làm tri huyện và cấp cho trăm mẫu đất hương hỏa.
Trên con đường vào tương lai, lịch sử có khả năng oái oăm ngoằn ngoèo, đôi khi lập lại, khiến điểm đi và điểm đến trùng hợp.
Ngoại truyện đất trời, là chuyện gì ? Cái phải bổ xung thêm trong bộ ba Thiên - Ðịa - Nhân, là con người cũng hằng cửu như Ðất - Trời. Chẳng phải chỉ trong Phật giáo mà chính ở hệ tâm linh dân Mường - Việt, ý niệm luân hồi cũng đã có. Với khả năng cứ tạm gọi là tái sinh đó, Con Người phải đối mặt với tương lai. Ðó là Con Người viết bằng chữ hoa. Vừa là sản phẩm, nhưng đồng thời là tác nhân, Con Người, chủ thể của lịch sử , gánh trên thân phận mình cả nhân loại đang đi tới, và phải chịu toàn bộ trách nhiệm của mình với cả phía trước lẫn dằng sau của hiện tại.
Truyền thuyết thứ nhất cho rằng Nguyễn Trãi tái sinh thành Nguyễn Thiếp, một danh sĩ dưới thời Trịnh tàn - Lê Mạt. Thiếp cũng bám vào thuyết chính danh và mơ mộng thời Nghiêu - Thuấn. Tác giả tiểu thuyết này không cho là vậy, bảo Thiếp không thể đứng đến vai Trãi, dẫu Thiếp cũng đóng vai trò chính nhân quân tử với đám nho sĩ cũng thời.
Truyền thuyết thứ hai, cho rằng Nguyễn Trãi tái sinh thành Nguyễn Công Trứ. Tại sao ? Bởi Trãi cũng xin kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo. Tác giả tiểu thuyết này không cho là vậy. Trứ ngông nghênh, chất tài tử khiến tình nhiều, lý đơn sơ, thiếu chiều sâu để đạt đến cái thảm kịch của Trãi. Trứ có cao, cũng chỉ nhỉnh hơn Thiếp một chút.
Truyền thuyết thứ ba, quyết rằng Thị Lộ là tiền thân của Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ nôm, cô tổ của các vị thi sĩ gốc Giao Chỉ, kể cả thời dùng chữ quốc ngữ với các trào lưu nhập từ Âu Tây, từ lãng mạn đến hiện thực, rồi hiện đại và nghe đâu nay có cả hậu hiện đại. Tác giả tiểu thuyết này tin là thật. Có kẻ hỏi, tại sao ? Xin hỏi lại, ai đã dám bảo ‘‘Giơ tay với thử trời cao thấp, xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài ’’, kể cả những nam nhi ngang tàng nhất như Cao Bá Quát ? Lại có người bàn, bà Hương ngổ ngáo hơn Thị Lộ nhiều. Xin nhắc, ai đợi lâu mà chẳng bồn chồn nóng nẩy. Ðể tái sinh thành Hương, Lộ phải chờ mười hai vạn ba ngàn hai trăm mười bảy ngày. Và chờ với sự ấm ức về cái thân phận của người đàn bà trong mọi thế giới, âm cũng như dương, của đám đàn ông sống chết vẫn cứ nằng nặc « tam tòng tứ đức » như một thứ quyền lợi giống đực !
Thôi được, cứ cho là Lộ đã thành Hương. Thế Trãi đâu ? Có kẻ bảo Trãi thành Nguyễn Du. Rất có thể, vì thế là Trãi chỉ lấy thời gian làm công việc còn dở. Sau khi phục hồi tước vị cho Trãi, Lê Thánh Tông hạ lệnh sưu tập tất cả trước tác của Trãi, nhưng không làm sao tìm lại được tập Nam Dao chí lại thất lạc. Thành thử mấy nghìn câu trong truyện Kiều chính là ca dao tục ngữ của dân Ðại Việt trong Nam Dao chí được Du viết lại dưới dạng thơ lục bát.
Nhưng Hương chết, thế thì Hương đâu ? Rồi Du cũng chết, thế thì Du đâu ?
Tác giả xin phép cho trả lời sau. Ðể tiếp phần ngoại truyện, kể thêm là Hà Trí Viễn không thuyết phục được Trãi, kéo đám tráng đinh con cháu về chân núi Giăng Màn và sau di vào bản Mê Thượng nằm trên ranh giới nước Lão Qua. Hơn ba trăm năm sau, hậu duệ của họ Hà thổi Gió Ðằng Trong ra dập Lửa Ðằng Ngoài và xóa con sông Gianh như biểu tượng của một sự chia cắt Bắc - Nam.
Lịch sử vẫn tiếp tục, con đường phải chăng vô định ?
- Trả lời đi ! Du đâu, Hương đâu ?
- Những người xa xưa đó vẫn đây, ở trong ngay trí tuệ và tâm thức mỗi người chúng ta, chứ còn ở đâu khác được !Ðó là lời tác giả đáp câu hỏi đã khất.
Lịch sử tiếp tục, đôi khi tình cờ lập lại khiến điểm đi và điểm đến có vẻ trùng hợp. Nhưng ngay trùng hợp cũng không có nghĩa là một. Bởi trong trí tuệ và tâm thức chúng ta, đã có Trãi, có Lộ, có Du, có Hương và biết bao nhiêu người khác, như đám ca nhi trên đường lên ải Phá Lũy, như Xuyến, như Ðạo Khiêm, như Ðào lão, Ðào Nương, Vàng Anh ... Họ dẫu nằm xuống, nhưng họ vẫn đây, trong chúng ta, qua ngôn ngữ, vốn sống, cách làm người, và như thế họ tiếp tục làm đá lót cho con đường tương lai. Nhưng đi tới là bước của chúng ta, những kẻ đang sống. Với khả năng tái sinh của những Con Người, viết bằng chữ hoa, dĩ nhiên.
Nam Dao26 - 11 - 2001 HẾT
Truyện khác cùng thể loại
8 chương
108 chương
28 chương
4883 chương
37 chương
12 chương
30 chương