Cuối xuân đầu hạ là lúc bắt đầu vụ mùa mới, thế nên đại lễ đăng cơ vì không muốn quấy nhiễu dân, đã tuyên cáo chỉ tiến hành các nghi thức liên quan tại Khúc Phụ. Lệnh này là do tân quân sắp lên ngôi Cơ Tống ban ra, làm cho các đại thần phụ trách việc nông và lê dân bá tánh rất cảm kích vị vua mới này, quốc vương thấu hiểu nỗi khổ dân chúng là phúc của quốc gia. Hôm nay là ngày cử hành đại lễ đăng cơ của tân quân, đại thần trong triều lại nhận được ý chỉ thứ hai của tân quân Cơ Tống, vì tiết trời nóng nực, lệnh cho các đại thần được ăn mặc gọn nhẹ, không cần mặc triều phục trong ngoài đến năm lớp dày cộm nữa, lệnh này làm cho càng nhiều quan lại biết ơn vị vua mới này hơn. Vốn dĩ tân quân một khi chưa đăng cơ, là không có quyền sử dụng quyền lực nhà vua, hơn nữa vấn đề được đề cập trong hai mệnh lệnh này, kẻ làm thần tử lại không thể quyết định thay được, việc liên quan đến đại lễ đăng cơ đơn giản hay long trọng, chỉ có tân quân mới có quyền lên tiếng. Hai mệnh lệnh này Cơ Tống trước đó đã phái người đi xin ý kiến của Tam hoàn, được sự đồng ý của Tư đồ, Tư không, Tư mã tam khanh, làm như vậy không sai qui tắc lại càng tỏ rõ vị vua mới yêu nước thương dân, quan tâm đại thần, hay nữa là đằng khác. Chính vì thế mọi tầng lớp ở Khúc Phụ khen ngợi không ngớt, Cơ Tống hãy còn không yên tâm lắm được các gia tướng thân tín dưới trướng kể cho nghe phản ứng của thần dân xong trong lòng an vui. Ban ra hai mệnh lệnh này, tất cả đều là kiến nghị của Khổng Khâu, do đó hắn càng coi trọng Khổng Khâu hơn. Mặt trời lên cao, triều thần nước Lỗ bước lên Phi Vân đài, các đường chính trong thành Khúc Phụ và các lối từ phủ công tử Cơ Tống đến hoàng cung đều được phong tỏa, mấy ngàn binh lính đứng dọc theo hai bên đường canh gác, trong hoàng cung dưới Phi Vân đài có một trăm chiến xa, năm trăm binh lính bày hàng ngũ nghi thức, các chiến kì phi hùng, phi xà dương cao phấp phới, trên Phi Vân đài cắm cây cờ lớn ghi quốc hiệu “Lỗ”. Đội vệ binh đi đón công tử Cơ Tống đã về đến hoàng cung, cổng hoàng cung rộng mở, các đại thần xôn xao hướng cả về phía cổng, đi trước là các binh lính cầm giáo mở đường, hôm nay các ngọn giáo đều được bọc đầu nhọn lại, là binh khí tổ chức nghi lễ không được sắc bén. Theo sau là các binh lính cầm rìu, tiếp đó là đội cầm cờ, rồi đến cỗ xe ngựa được bốn con ngựa kéo. Ngựa phải là ngựa trắng, trong cung có người quản lí ngựa riêng, căn cứ màu lông, hình dáng và sức chạy mà chia ngựa ra làm sáu loại, tức là Chủng mã(dùng sinh sản), Nhung mã(dùng cho quân đội), Tề mã(dùng trong nghi lễ), Đạo mã(dùng đưa tin), Điền mã(dùng săn bắn), Nô mã(dùng chuyên chở tạp dịch), bốn con ngựa kéo xe lông trắng thuộc Tề mã. Lúc bấy giờ chư hầu khắp thiên hạ đều không coi Chu thiên tử ra gì, lúc tổ chức nghi lễ long trọng theo nghi thức thiên tử ai cũng làm vậy, hơn nữa cái sau hoành tráng hơn cái trước, chỉ có nước Lỗ là còn giữ nghiêm nghi lễ Chu thất, quốc vương được bốn ngựa kéo đi, đồng thời theo quy tắc bố trí vật trang trí xếp thứ tự là Thiên tử, chư hầu cùng họ, chư hầu khác họ, chư hầu biên cương và chư hầu phiên quốc lần lượt dùng ngọc, vàng, da, ngà voi, gỗ, đã lấy vàng để trang trí. Xe dừng lại, Cơ Tống được mời xuống xe, phía trước có mười sáu đại thần dẫn đường, phía sau là Cửu khanh mặc triều phục tháp tùng, từ từ bước lên đài. Cửu khanh đều mặc triều phục, đội mũ giáp, đeo cung tên, tay cầm mâu, cứ như vệ sĩ của vua vậy. Các đại thần bình thường gặp mặt vua đều không quì xuống hành lễ, chỉ lúc này là ngoại lệ, Cơ Tống vừa bước lên, tất cả đại thần đều nhất nhất quì xuống. Cơ Tống lần đầu được đối xử trọng thể như vậy, khuôn mặt ửng đỏ, có hơi nôn nao không tự nhiên lắm, bước đi chậm lại, muốn dừng lại trả lễ với các đại thần, nhưng lại không biết làm vậy có phù hợp không, ánh mắt nhìn về các đại thần đang quì mọp trước mặt. Mười sáu khanh sĩ đi làm hai hàng, hai người cuối cùng người bên phải thân hình cao to, chính là Khổng Khâu, lúc này cũng đang len lén quay đầu lại, Cơ Tống nhìn về phía Khổng Khâu, Khổng Khâu lập tức hiểu ý, khẽ lắc đầu bước đi tiếp. Cơ Tống hiểu ra tiếp tục bước về phía trước, dưới sự hộ tống của các đại thần bước qua cánh cổng hoàng cung. Quần thần đứng dậy, vẫn đứng trên Phi Vân đài chờ đợi, sau khi Cơ Tống vào cung rồi, ngồi chễnh chệ trên ghế cao giữa điện xong xuôi, thái giám mới ra truyền chỉ, lúc đó hai cánh cổng trái phải mới mở ra, dưới chỉ dẫn của quan Ti lễ trong cung, các đại thần chia ra hai bên trái phải, ai có chức tước không có chức quan vào cửa bên phải, ai có cả chức tước và chức quan vào cửa bên trái, tất cả vào đến đại điện chính giữa, triều bái tân quân. Lúc này Cơ Tống đã được các tì nữ trong cung hầu hạ thay áo bào của quốc vương sau bình phong, áo bào lộng lẫy có mười hai chương, mười hai chương nghĩa là mười hai hoa văn, bao gồm Nhật, Nguyệt, Tinh, Sơn, Long, Phụng, Tảo, Hỏa, Phấn, Mễ, Phủ, Phất. Áo bào thiên tử có cả mười hai loại hoa văn, áo bào của chư hầu chỉ được dùng tám hoa văn từ Long trở xuống. Mặc chiếc áo lộng lẫy ấy vào, Cơ Tống hồi hộp đến mướt mồ hôi, lòng bàn tay ướt nhẹp, miệng khô khốc ngồi ở trên cao, đọc thầm lời phát biểu Khổng Khâu đã dạy. Nhìn thấy các đại thần hai bên lần lượt bước vào, trong lòng sợ sệt quên mất một nửa, Cơ Tống càng lo lắng, lựa lúc mọi người không để ý, lấy từ tay áo ra một mảnh lụa ghi chi chít chữ, xem tỉ mỉ thêm một lần nữa, miệng thì lẩm bẩm học thuộc. Các đại thần đứng cả dưới đại điện, đều không biết Cơ Tống đang bận học bài, nhìn thấy quốc vương ngồi trên cao, tuy trời nóng mồ hôi lấm tấm nhưng sắc mặt hồng hào, hai mắt cụp xuống tựa như không coi đại thần trong triều ra gì, vẻ uy nghi đó đúng là có phong thái của quân chủ, tất cả đều sinh lòng khâm phục. Các nghi thức Mộc, Trai, Đàn, Tế (Tắm rửa, ăn chay, lập đàn, bái tế), sau khi được triều thần vái lạy, tân quân phải trả lễ, sau đó phải thực hiện chức trách của quân vương sau khi đăng cơ, dẫn quần thần đi tông miếu bái tế tổ tiên, còn phải chia thịt cúng ban thưởng)… Tuy đại lễ đăng cơ của Cơ Tống đã giảm đi nhiều thứ lằng nhằng nhưng cũng đủ bận bịu nửa ngày trời. Các nghi thức cuối cùng cũng đã thực hiện xong, chia hết thịt cho quần thần, Cơ Tống khắp người mệt mỏi về đến hoàng cung, ngồi trên đại điện nguy nga tráng lệ, nhìn khắp các thái giám đang cung kính cúi rạp người, lại nhìn các cung nữ xinh xắn kế bên, Cơ Tống cứ ngỡ đang trong mơ: Kể từ hôm nay, ta đã là quân chủ của nước Lỗ rồi sao? - Bệ hạ, nghi thức đăng cơ đã xong, Khổng Khâu xin phép lui xuống. Cơ Tống hãy còn đang ngơ ngác, Khổng Khâu đã đứng ra hành lễ. Vừa thấy Khổng Khâu, Cơ Tống thấy vui trong lòng, vội nói: - Phu tử đến hay lắm, hôm nay nếu không có phu tử quả nhân thật không biết phải làm sao, cũng nhờ phu tử nhắc nhở quả nhân mới không làm sai. Người xưa nói, quốc gia có hiền tài mà không dùng là sai lầm của quốc vương. Phu tử tài học xuất chúng, phẩm đức cao thượng, chính là hiền tài nước Lỗ ta, quả nhân muốn sắp xếp cho một chức vụ, để phu tử lúc nào cũng ở bên quả nhân, phò trợ quả nhân trị nước. Khổng Khâu đáp tạ: - Khổng Khâu chỉ là một sĩ tử cơ hàn, được bệ hạ nể mặt thật không dám nhận, được ở bên quốc vương đều là các trọng thần, Khổng Khâu chưa từng có công lao gì, thật không dám nhận chức vụ. Cơ Tống cười: - Việc này phu tử không nên từ chối, đợi khi quả nhân nghĩ ra chức vụ thích hợp rồi nói sau. Nói đến quốc sự, ngày mai quả nhân phải lên triều nghị chính rồi, nhưng giờ không có chủ ý gì cả, phu tử có thể dạy ta không? Khổng Khâu mỉm cười đáp: - Chính trị, cũng là chính trực. Quân vương đoan chính, thần tử phục tùng. Quốc vương chỉ cần đối xử tốt với quần thần, yêu thương dân chúng. Vua dùng lễ đối xử với thần, thần tận trung với vua, đất nước sợ gì không hưng thịnh? Cơ Tống tỉnh ngộ: - Phu tử nói rất đúng, nhưng… cụ thể quả nhân phải làm những gì? Khổng Khâu đáp: - Trị vì quốc gia không phải chuyện ngày một ngày hai, vội vàng không được. Bệ hạ vừa mới đăng cơ khó tránh bỡ ngỡ, vua mới đăng cơ cái cần trước mắt là ổn định lòng dân, còn các sách lược cai trị lớn lao không vội vào lúc này. Bệ hạ bản tính lương thiện, lại tuổi trẻ thông minh, đợi sau khi làm quen việc nước rồi, lo gì không cai trị tốt? Hôm nay vất vả cả ngày, chắc bệ hạ đã mệt, xin hãy sớm nghỉ ngơi ạ. Khổng Khâu không tiện nán lại trong cung quá lâu, xin phép cáo từ. - Ờ…được. Cơ Tống nhìn Khổng Khâu chắp tay hành lễ lui ra, trong lòng chợt này ra một ý, buộc miệng gọi: - Phu tử hãy khoan, không biết phu tử giờ đang ở đâu? Khổng Khâu cúi chào nói: - Giờ Khổng Khâu đang thuê một căn nhà nhỏ trong thành, kể ra nơi đó cũng tao nhã thanh tịnh, sao bệ hạ lại hỏi đến? - Thuê nhà để ở? Thế sao được, quả nhân giờ đã ở trong cung, nhà cũ kia của ta giờ bỏ trống, tặng cho phu tử vậy. Khổng Khâu giật mình, vội xua tay: - Làm thế đâu được. - Sao lại không được? Cơ Tống quay mặt nhìn hai tì nữ hai bên, tiếp: - Phu tử một mình ở Khúc Phụ, không ai chăm sóc không được đâu, hai cô gái này quả nhân ban cho ông, hầu hạ chuyện ăn uống ngủ nghỉ, đây là tấm lòng của quả nhân, phu tử không cần khách sáo. Tiếp nhận căn nhà Cơ Tống từng ở, Khổng Khâu có hơi chút lo âu, còn về việc tặng hai tì nữ, đó là chuyện thường thấy của các gia đình quý tộc, không bằng tấm chân tình tặng căn nhà quốc vương từng ở, Khổng Khâu thấy Cơ Tống nhiệt tình vậy, chắp tay đáp tạ. Cơ Tống trẻ tuổi nóng vội, lập tức phái người chuẩn bị xe ngựa đưa hai cô tì nữ xinh xắn đến căn nhà ở trước kia, Khổng Khâu đáp tạ lui ra. Cơ Tống hài lòng mỉm cười, tự nhủ: Thế này là đối xử tốt với thần tử, ta ban cho ông nơi ở, mỹ nhân, còn sợ gì ông không tận trung phò trợ cho ta sao? Nhớ đến mỹ nhân, trong đầu hắn chợt hiện ra hình ảnh cô gái thướt tha ủy mị, trong lòng day dứt: Tiểu Ngải, trước đây nàng không chịu qua lại với ta, giờ ta là quân vương nước Lỗ, chẳng lẽ lại không xứng với nàng? - Nhiễm Mãnh, Nhiễm Mãnh. Nghĩ đến nàng ta, Cơ Tống lập tức truyền gọi. Nhiễm Mãnh là gia tướng của phủ Cơ Tống, xưa nay rất trung thành, giờ Cơ Tống lên ngôi, Nhiễm Mãnh được giữ chức tướng quân thống lĩnh thị vệ trong cung. Nhiễm Mãnh nghe truyền triệu vội bước vào, Cơ Tống bảo hắn bước lại gần, nhỏ tiếng căn dặn: - Nhiễm Mạnh, mau sai mấy người lanh lợi đến Phí thành dò la tung tích của Tiểu Ngải cô nương, mời nàng đến đây gặp ta. Nhiễm Mạnh ngây người ra: - Bệ hạ, giờ thân phận của ngài đã khác xưa, hà tất hạ mình với Tiểu Ngải cô nương? Chi bằng nói thẳng ra với Quý Tôn đại phu, chẳng lẽ ông ta từ chối cơ hội kết thân với ngài sao? Cơ Tống chỉ nghĩ tới giờ mình là quốc vương nước Lỗ, Quý Tôn Tiểu Man biết được thân phận hắn, chắc sẽ không từ chối tình cảm của hắn. Nếu nói với Quý Tôn Ý Như sắp đặt sẵn hôn sự trước, lại mất đi cái thú vị. Xua tay: - Ngươi cứ cho người đi tìm nàng ta, nếu được người đẹp gật đầu đồng ý, khi đó quả nhân mới đi cầu thân với Quý Tôn đại phu. - Dạ. Nhiễm Mạnh tuân lệnh lui ra, Cơ Tống hài lòng thở phào, vừa định cởi chiếc áo bào lộng lẫy ra, thái giám chạy ù vào bẩm báo: - Bệ hạ, Quý Tôn đại phu cầu kiến. Cơ Tống giật mình, giờ hắn tuy đã là vua nhưng đối với Quý Tôn Ý Như nắm giữ quyền lớn trong triều vẫn e sợ đến bảy phần, vừa nghe hắn đến, Cơ Tống không khỏi lo lắng, trước mắt lại không ai để hỏi, chỉ còn cách gắng gượng: - Mau mời ông ta vào đây. Chỉ trong giây lát Quý Tôn Ý Như đã nghe truyền gọi bước vào. Trên đại điện, ba cánh cửa mở toang, vì hôm nay là đại lễ đăng cơ nên những tấm vải tang trắng để tế tiên quân được gỡ xuống, thay vào đó là tơ lụa màu đỏ, thể hiện không khí tươi vui. Quý Tôn Ý Như ngang nhiên bước vào, lại đi vào bằng cửa giữa, cửa giữa là cửa quốc vương đi, theo quy tắc hắn phải vào bằng cửa hông mới phải. Cơ Tống trong lòng không yên, không để ý đến việc này, mà cho dù có để ý đến chắc cũng không có gan trách phạt Quý Tôn Ý Như. Quý Tôn Ý Như bước vào đại điện, hai mắt quét qua mặt Cơ Tống, Cơ Tống cảm thấy nhói trong lòng, không tự chủ được đứng bật dậy. Quý Tôn Ý Như cười mỉm, hành lễ: - Quý Tôn Ý Như tham kiến quốc vương. - À, Tư đồ đại nhân không cần đa lễ, mời ngồi. Cơ Tống vội mời hắn ngồi, lại sai người mang lên cây trái rượu ngon, sau đó còn kính hắn một ly, dè dặt: - Không biết tư đồ đại nhân đến gặp vào giờ này, chắc có…có chuyện gì quan trọng phải không? Quý Tôn Ý Như không nâng ly, nghiêm nghị: - Đúng vậy, Quý Tôn Ý Như nhận được mật báo, đại đạo Triển Chích dựng căn cứ tại Tang Hà lĩnh, chiêu binh mãi mã, tích trữ tiền lương, không lâu nữa sẽ làm phản! Cơ Tống giật nảy mình, tay cầm rượu run rẩy, nửa ly rượu ngon bị hất đổ xuống bàn: - Cái…cái gì? Triển Chích muốn tạo phản?