Sáng sớm hôm sau, Phó Lâm Ý đang mơ thấy Phương Khai Tạ hẹn mình đi thưởng hoa, cao hứng vô cùng, vui mừng vô hạn, đột nhiên bên tai vang lên một tiếng quát: “Dậy đi khám nghiệm tử thi!” Đại phá phong cảnh. Phó Lâm Ý phẫn nộ, mở mắt ra, nhưng nhìn thấy khuôn mặt vừa thanh tú vừa xinh đẹp của Hạ Mẫn Chi cùng thần tình như lang như hổ của ai đó, lửa giận cũng bị dọa cho bay sạch, chỉ dám lí nhí kháng cự: “Ta không đi! Mới sáng sớm, cho ta ngủ thêm chút đã, đêm qua uống đến đau đầu…” Niếp Thập Tam không đủ kiên nhẫn để nghe hắn kể lể, trực tiếp túm lấy cổ áo hắn. Thập nhất vương gia lập tức tươi cười rời giường, không nói hai lời, nhanh nhẩu rửa mặt thay y phục đi theo họ. Hạ Mẫn Chi mang theo ngỗ tác và thư lại của Đại Lý Tự, đoàn người đi ra nghĩa trang ở ngoại thành. Duệ vương phi thân phận tôn quý, sau khi chết trong ngục, ngục tốt cũng không dám tùy tiện vứt thi thể ở bãi tha ma. Mạc Thái Vi phân phó hạ nhân mua một cỗ quan tài đơn sơ, gửi tạm ở nghĩa trang. Trên quyển tông ghi rằng, nguyên nhân cái chết của Duệ vương phi là cảm nhiễm phong hàn, tích bệnh vô phương cứu chữa. Hạ Mẫn Chi trong lòng hoài nghi, nên khi đi mang theo ngỗ tác giàu kinh nghiệm nhất Đại Lý Tự là Trần sư phụ. Về phần kéo Phó Lâm Ý cùng đi nghiệm thi, là bởi vì có thể sẽ phải mổ thi thể vương phi ra thận trọng điều tra, được Thập nhất vương gia đích thân cho phép, Đại Lý Tự mới có thể thi hành. Tới nghĩa trang, mở nắp quan tài. Lão nhân canh giữ nghĩa trang rất tinh ý, biết Duệ vương phi chết trong lao, đoán chắc sau này sẽ có quan sai đến nghiệm thi, bèn dùng những thứ như vôi, nhựa tùng rải đầy dưới đáy quan tài, vừa vặn đang vào mùa đông khắc nghiệt, cố Duệ vương phi tuy đã chết gần một tháng, ngoài việc chỉ có khuôn mặt hơi sưng, tròng mắt hơi lồi ra, toàn thân rải rác vài đốm xanh đen, chung quy thi thể được bảo trì thập phần hoàn hảo. Lập tức tìm một gian phòng nhỏ, ngỗ tác tỉ mỉ khám nghiệm thi thể, mùi thối rữa dần dần lan khắp phòng. Tuy đã mở cửa thông khí, cổ họng Phó Lâm Ý vẫn nhịn không được “khụ khụ” mấy tiếng, vừa buồn nôn vừa muốn ợ. Hạ Mẫn Chi sắc mặt tái nhợt, nhưng khí định thần nhàn, nhìn bộ dáng chật vật của hắn, nhíu mày nói: “Ngươi đi ra ngoài mà nôn, đừng quấy rầy Trần sư phụ.” Phó Lâm Ý như được đại xá, bỏ chạy ra ngoài vịn vào gốc cây khô nôn thốc nôn tháo một trận, nhưng khóe mắt đã ngấn lệ. Duệ vương phi và hắn không hề có thâm giao, chỉ vài lần gặp mặt ít ỏi, trong ký ức nàng là một nữ tử đoan trang hiền thục thấu tình đạt lý, nguyên là nữ nhi của một vị chủ sự bên Lễ bộ. Còn nhớ năm đó mình đến Lâm Châu, nàng dâng lên một bình trà, mỉm cười điềm đạm thanh nhã. Không ngờ gặp lại đã là một cỗ thi thể trương sình. Ngỗ tác cẩn thận sờ đỉnh đầu, vành tai, sau gáy, cùng những nơi tư mật dưới hạ thể, mới hồi bẩm: “Đại nhân, nếu chỉ khám bên ngoài, thật sự không thể tìm ra nguyên nhân cái chết của vương phi.” Trầm ngâm một lát, nói: “Riêng phần bụng thi thể, sờ vào cảm thấy có dị vật, nếu chỉ là sau khi chết ruột phình lên vì trướng khí, cũng không thể cứng như vậy, hơn nữa hạ thân của thi thể còn có một đường may nhỏ, tiểu nhân hoài nghi…” Hạ Mẫn Chi nói: “Trần sư phụ cứ việc khám nghiệm, cần mổ thì mổ, có chuyện gì bổn quan một mình gánh chịu.” Ngỗ tác đáp ứng, lấy dao kéo ra, rạch từng lớp từng lớp da bụng, ngay sau khi “xoát” một tiếng, thi khí tích tụ trong bụng thi thể tràn ra, tanh tưởi khắp phòng, xông thẳng vào mắt. Ngỗ tác lại trấn định vô cùng, gắp ra một vài vật, đặt lên mảnh vải trắng để kế bên. Phó Lâm Ý không biết từ lúc nào, đã lặng lẽ trở về, đứng cạnh Hạ Mẫn Chi, lặng lẽ quan sát. Một hồi lâu, trong bụng thi thể không còn dị vật nữa, ngỗ tác mới khâu tử thi lại đặt trở về quan tài. Hạ Mẫn Chi dẫn đoàn người quay lại đại sảnh của nghĩa trang, hỏi: “Trần sư phụ có phát hiện gì?” Ngỗ tác mở tấm vải trắng ra, bên trong là mấy chục mảnh sứ vỡ: “Duệ vương phi không phải chết vì bệnh, mà là bị kẻ khác dùng cách thức cực kỳ âm độc hại chết.” Giải thích: “Có lẽ là ngục tốt Lâm Châu, lấy một bình sứ mỏng nhét vào hạ thể của Duệ vương phi, lại dùng chỉ mảnh bằng ruột dê trong suốt khâu lại hạ thể, đẩy bình sứ từ từ vào sâu đến bụng, cách lớp da bụng, sờ đúng vị trí của bình sứ, lấy chùy gỗ khẽ dụng lực đập vỡ, Duệ vương phi thoạt nhìn lông tóc vô thương, nhưng mảnh sứ vỡ vô cùng sắc bén, đã cắm vào nội tạng, lại không chết ngay tức khắc, đợi vài canh giờ sau, chết dần chết mòn trong nhà lao, thế là thần không biết quỷ không hay.” Phó Lâm Ý nghe đến nổi da gà, Hạ Mẫn Chi phân phó thư lại ghi chép tường tận, lạnh lùng nói: “Cách thức này không biết là ai dạy cho Thái tử, nếu không nghiêm trị, mặc hắn dạy hư thiên hạ, vô pháp vô thiên, chén cơm ta ăn của Đại Lý Tự nhất định phải trộn đinh trộn cát ăn không vô nữa.” Trong đôi nhãn châu của Niếp Thập Tam đã lóe lên một tia huyết quang: “Quy củ giang hồ càng dễ xử hơn.” Phó Lâm Ý hỏi: “Quy củ gì? Một đao chém chết, thay trời hành đạo?” Niếp Thập Tam buông từng chữ một: “Lấy răng trả răng, lấy mắt trả mắt. Đem mấy mảnh sứ vỡ đó nhét vào phía dưới của hắn.” Phó Lâm Ý trợn mắt há mồm. Thư lại kia đã ghi chép xong, ngẩng đầu nói: “Đại nhân, ty chức nghe nói, Ân văn thư ở Lâm Châu phủ lao này thích nhất là thêu dệt tội danh, sáng tạo ra đủ loại cực hình không thể tưởng tượng được. Tội ác đẩy bình vào bụng này, hơn phân nửa là chủ ý của hắn.” Trở lại dịch quán, Hạ Mẫn Chi ngả đầu liền ngủ, phân phó hạ nhân báo với Mạc Thái Vi, ngày mai thẩm án. Ngày mười bảy. Sáng sớm, trước Lâm Châu phủ đã tụ tập đầy bách tính, đều đến để kêu oan cho Đàn Khinh Trần. Tiếng huyên náo vượt qua đại môn nặng nề, truyền thẳng tới chính điện. Hạ Mẫn Chi đang nhấm trà, nghe thấy có người gân cổ gào to: “Thanh thiên đại lão gia, Duệ vương gia luôn yêu dân như con, oan uổng quá!”, không khỏi cười nói: “Người này kêu oan cũng không biết kêu, yêu dân như con có liên quan gì đến oan uổng quá? Chẳng lẽ Duệ vương yêu dân như con, nên bị oan uổng sao? Đúng là buồn cười.” Thái tử hừ mạnh một tiếng. Mạc Thái Vi vội cười nói: “Bá tính chỉ biết kêu loạn, hay là giải tán bọn họ, tránh để ảnh hưởng đại nhân thẩm án.” Nói xong ra lệnh giải Đàn Khinh Trần cùng Thừa Thiên hộ pháp của Thanh Thần giáo Tề Vân Vĩnh lên. Dân chúng ngoài phủ không biết từ đâu hay tin Đàn Khinh Trần đã chịu đại hình, chân không chạm đất bị kéo lê tới chính điện, nhất thời càng náo loạn. Trên mặt Thái tử đã lộ vẻ giận dữ. Hạ Mẫn Chi lại cười nói: “Bá tính dám kêu oan, chính là điềm thịnh thế khai sáng, rất tốt.”