Đại Mỹ Nhân Thập Niên 80
Chương 126
Sau khi Tạ Trường Du lợp xong tất cả ngói của cái gọi là nhà nghỉ, anh liền bắt đầu cùng Lâm Tố Mỹ quét tước bên trong. Gạch vụn, đá vỡ, bùn đất chất đầy trong đó, Lâm Tố Mỹ cầm chổi quét, còn Tạ Trường Du cầm xẻng xúc bùn đất, gạch đá vụn lên để tiện quét dọn.
Có lúc Lâm Tố Mỹ quét không nổi, chỉ có thể cầm chổi tre quờ quạng khua.
Cô sẽ bỏ chỗ gạch ngói vụn đó vào trong giỏ tre, còn Tạ Trường Du gánh ra ngoài vứt.
Hai người cứ chậm chạp thu dọn như vậy, thi thoảng sẽ nhìn nhau một cái. Đây rõ ràng là công việc tốn sức, ấy vậy mà cũng khiến họ cảm thấy được mấy phần ngọt ngào.
Sau khi quét dọn mặt đất một cách thô sơ, hai người lại đi quét mỗi căn phòng một lượt. Sau khi dọn dẹp sạch sẽ, bấy giờ họ cảm thấy bên trong rộng rãi hơn không ít. Trong cái nhìn của Lâm Tố Mỹ, dáng vẻ trống rỗng mà cũ kĩ đó càng giống với căn nhà đã lâu không ai sống nên xuất hiện vô số yêu ma quỷ quái. Bởi vì ô cửa sổ kia trống huơ trống hoác, nhìn từ xa tựa như một cái miệng đang mở ra, muốn nuốt chửng tất cả mọi thứ vào bên trong.
Cô không tiện nói ra suy nghĩ của mình với Tạ Trường Du, dẫu sao đây cũng là sản phẩm mà anh tận tâm tận lực làm ra.
Dù rằng cô lại cảm thấy anh không quá tận tâm. Như một cái kệ trống trơn vậy, rõ ràng anh không muốn làm quá nhiều. Cuối cùng anh khóa căn nhà lại, hiển nhiên là không muốn để ý đến nữa.
Cô không hỏi nhiều, bất giác cho rằng anh đang đợi sau này khi thật sự có rất nhiều người đến đây, anh sẽ dọn dẹp lại nhà nghỉ này, còn bây giờ thì chưa cần phải trang hoàng.
……
Trong kì nghỉ này, Lâm Tố Mỹ và Tạ Trường Du thường đích thân nấu cơm cho mọi người.
Lâm Tố Mỹ nghĩ khá đơn giản, mẹ cô và dì Trần vẫn cứ nấu cơm cho mọi người như thế, dù vào mùa vụ họ không nấu nữa thì cũng phải nấu cơm cho người nhà, giống như họ vẫn luôn bị quay quanh một bữa cơm vậy.
Trong mắt rất nhiều người, chuyện nấu cơm chỉ là chuyện nhỏ, hoàn toàn không đáng bận tâm. Nhưng nếu thật sự ngày nào cũng nấu cơm như vậy thì sẽ biết nó phiền thế nào. Ngày nào cũng máy móc rửa thức ăn, thái thức ăn, xào nấu thức ăn, còn phải suy nghĩ xem mỗi hôm nấu món gì, luôn có cảm giác giống như một công việc không trốn thoát được vậy.
Theo Lâm Tố Mỹ, công việc này thật sự khá giày vò người ta. Cho nên nếu có thể giúp mẹ và dì Trần nghỉ ngơi thì cô rất vui lòng.
Món ăn họ nấu cho công nhân đều là mấy món theo mùa. Chỉ là điều này sẽ dẫn đến một vấn đề, đó là một loại thức ăn đang vào mùa thu hoạch, gần như ngày nào cũng phải ăn chúng.
Chẳng hạn như trong khoảng thời gian này, rau củ nhiều nhất chính là đậu đũa và các loại mướp, xà lách. Lâm Tố Mỹ muốn đổi cách nấu, chế biến đậu đũa thành món lạnh, mướp đem nấu canh, còn xà lách thì xào suông.
Lúc Lâm Tố Mỹ xào rau, Tạ Trường Du làm mấy việc linh tinh giúp cô như rửa gừng, tỏi, vân vân, còn phải phụ trách nhóm lửa.
Tạ Trường Du nhóm lửa, cũng cảm khái không thôi: “Hồi nhỏ anh và Tạ Trường Bình phụ trách nấu cơm, luôn là một người phụ trách nhóm lửa, một người phụ trách nấu. Thỉnh thoảng khi nấu cơm khô, luôn là bà ấy phụ trách nhóm lửa, còn anh phụ trách nấu”.
“Thế thì anh được hời rồi còn gì?”
Phụ trách nấu thì cũng chỉ là ghế cơm mà thôi, chuyện rất đơn giản.
Còn nhóm lửa, nếu gặp phải ngày hè thì chỉ nghĩ thôi đã biết nó nóng nực cỡ nào.
Tạ Trường Du nháy mắt với cô. “Bà ấy sợ ghế cơm… Hiếm khi ăn một bữa cơm khô, nếu vì không biết ghế cơm lúc nào mà làm cơm khô thành khê thì bà ấy sẽ khóc.”
Lâm Tố Mỹ thật sự khó mà tưởng tượng dáng vẻ Tạ Trường Bình khóc. “Thế chị cả anh đâu?”
“Chị ấy đi học.”
Lâm Tố Mỹ quan sát tỉ mỉ nét mặt anh, phát hiện anh không cảm thấy Tạ Trường Linh là một điều kiêng kị, lúc nhắc đến cũng không có vẻ khó xử.
Tạ Trường Du ngẫm nghĩ rồi vẫn thêm mấy câu: “Khi đó chị ấy là cô gái đầu tiên thi đỗ vào cấp ba ở thôn mình, bố mẹ anh rất tự hào về chị ấy”.
Động tác tay của Lâm Tố Mỹ khựng lại, cô lập tức nhìn sang anh, Tạ Trường Du cũng nhìn cô.
Trong ánh nhìn im lặng, dường như hai người đã trao đổi điều gì đó.
Tạ Trường Linh là niềm kiêu hãnh của Trần Tư Tuyết và Tạ Minh, vậy chẳng lẽ lại không phải là niềm tự hào của Tạ Trường Du và Tạ Trường Bình?
Khi có một ngày, người chị vốn khiến mình cảm thấy tự hào thậm chí là bội phục biến thành dáng vẻ ấy, có lẽ Tạ Trường Du không hề oán giận Tạ Trường Linh, mà là cảm thấy khó chịu, đó quả thực là chị gái ruột của anh, là sự tồn tại mà thời thơ bé thậm chí anh cảm thấy ngưỡng vọng.
Đối với Tạ Trường Du mà nói, Tạ Trường Linh giống như thứ gì đó mà anh ngưỡng vọng đã dần dần rơi xuống. Chỉ là quá trình này khá chậm, không có nỗi đau khổ khi đột ngột rơi xuống.
Lâm Tố Mỹ mím môi.
Tạ Trường Du khẽ lắc đầu. “Anh không sao.”
Anh chẳng phải là trẻ con nữa, đương nhiên biết dù có là anh chị em thân thiết hơn nữa thì cũng sẽ có điều khác biệt sau khi kết hôn. Cho dù là Tạ Trường Bình, bây giờ người chị ấy đặt ở vị trí đầu tiên cũng là chồng chị ấy. Chuyện như vậy vốn chẳng thể chê trách, chỉ là sau khi một người thay đổi quá nhiều, lòng ta luôn thấy khó tả mà thôi.
“Sau này, có em ở bên anh.” Cô nói khe khẽ.
Dầu trong nồi đã nóng, cô cho gừng, tỏi vào rồi xào rau.
Trong tiếng giao lưu của rau và dầu, Tạ Trường Du nhìn người trên bếp, cả cõi lòng chỉ cảm thấy đã được thứ gì đó lấp đầy, vì thế anh gật đầu.
Liệu có người khiến bạn cảm thấy dù mình đánh đổi thế nào cũng không đủ trao cho cô ấy hay không? Anh nghĩ, bây giờ mình đang có cảm giác như vậy.
Dù là Tạ Trường Du hay Lâm Tố Mỹ, họ đều cảm thấy đáy lòng đủ đầy, không chỉ đủ đầy mà còn vô cùng chân thực. Tựa như tình cảm giữa hai người vậy, nó là thứ vật chất nhìn thấy được sờ vào được, chẳng có chút hư vô, mong manh nào.
Thi thoảng Trần Tư Tuyết sẽ đến xem con trai và con dâu tương lai của mình đang làm gì. Vừa trông thấy dáng vẻ của họ, dì đã cảm khái không thôi, sau đó cùng Tạ Minh phỉ báng con trai mình: nuôi anh con trai lâu như thế, thoáng cái đã trở thành của nhà người khác rồi.
Trần Đông Mai cũng sẽ đến xem, xem xong thì cùng Lâm Kiến Nghiệp phỉ nhổ: con gái bảo bối của mình sắp trở thành của nhà người khác rồi, nếu Tạ Trường Du dám đối xử không tốt với Tiểu Mỹ thì dì sẽ liều mạng xử lý thằng oắt Tạ Trường Du kia.
……
Thời gian thấm thoắt trôi qua, đảo mắt đã đến ngày hội lớn của năm nay.
Thế vận hội Olympic đã bắt đầu.
Thực ra, đừng nói là hiểu quy tắc thi đấu, đến cái tên cụ thể của Thế vận hội, rất nhiều người trong thôn Cửu Sơn đều không nói ra được. Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi người sẽ mất đi sự nhiệt tình với Thế vận hội. Dù là lúc nào, hạng mục thi đấu thể dục thể thao cũng có thể nhanh chóng nối liền bầu nhiệt huyết sôi sục nơi đáy lòng.
Người có vô tuyến trong thôn Cửu Sơn cũng chỉ có mấy nhà. So với vô tuyến, vì một vài nguyên nhân mà thứ mọi người muốn mua đều là xe đạp, cho nên mấy gia đình mua vô tuyến không nhiều, dẫu sao tiền mua xe đạp cũng là một khoản chi phí lớn.
Nhà có vô tuyến màu trong thôn chỉ có một mình nhà Lâm Tố Mỹ.
Chuyện này thì lúng túng rồi. Ban đầu, chỉ là một vài người đến thời gian sẽ chạy tới nhà họ Lâm xem thi đấu trực tiếp. Bây giờ cuộc sống của nhà họ Lâm cũng đã chuyển biến tốt, Trần Đông Mai và Lâm Kiến Nghiệp đều không phải người keo kiệt, người khác muốn tới xem thì cứ xem. Vì thế gian nhà chính từ mấy người thành chen chúc mấy chục người, cuối cùng gian nhà không chứa nổi nhiều người như vậy nữa.
Lâm Kiến Nghiệp hết cách, bèn chuyển vô tuyến ra sân đá, bắc một cái kệ ở sân rồi bật vô tuyến lên luôn, ai muốn xem thì cứ xem tùy thích.
Cho nên vừa đến buổi trưa, mọi người đều sẽ ùa đến nhà họ Lâm. Có người tự mang ghế, cầm hạt dưa theo; có người thậm chí còn mang theo rượu, cùng người quen vừa xem vừa nhâm nhi rượu, cực kì thư thái.
Người đến nhà họ Lâm xem truyền hình trực tiếp lần đầu tiên sẽ luôn cảm khái – Cái vô tuyến này xem khác hẳn, thích hơn vô tuyến đen trắng.
Sau đó mọi người đều sẽ bàn luận về chủ đề này, cho dù đến vô tuyến đen trắng phần lớn mọi người còn chưa xem bao giờ.
……
Tình huống này khiến Lâm Tố Mỹ cảm thấy hơi bối rối.
Trần Tư Tuyết và Tạ Minh không đến nhà họ Lâm xem truyền hình trực tiếp vì nhà họ đã có vô tuyến. Nhưng chuyện người trong thôn chạy tới nhà họ Lâm xem vô tuyến chắc chắn chẳng thể giấu nổi, Lâm Tố Mỹ từng trông thấy Trần Tư Tuyết nhìn về phía nhà họ Lâm với tâm trạng phức tạp.
Lâm Tố Mỹ chỉ đành kéo Tạ Trường Du, thậm thụt nói với anh: “Anh nghĩ cách mua cho nhà anh một chiếc vô tuyến màu nhé!”.
Tạ Trường Du đương nhiên hiểu cô có ý gì.
Anh gật đầu.
Sau đó, có vẻ Tạ Trường Du không cần làm chuyện này nữa…
Đúng là tâm trạng Trần Tư Tuyết khó chịu, vô cùng khó chịu, nhất là khi nghe người khác nói chiếc vô tuyến màu nhà Lâm Tố Mỹ hay ho thế nào, lúc xem người đều có màu có sắc, đến kích thước cũng to hơn vô tuyến đen trắng, xem càng rõ ràng hơn.
Trần Tư Tuyết chua chát trong lòng, càng nghĩ càng cảm thấy mình đau xót biết bao, khó khăn lắm mới sinh ra được một anh con trai có tiền đồ, kết quả là nó mua một chiếc vô tuyến màu để đi lấy lòng nhà mẹ vợ, còn chẳng buồn nghĩ đến mẹ ruột nó.
Tạ Minh đương nhiên để ý đến sắc mặt vợ, chỉ cảm thấy buồn cười. “Bà đi so đo chuyện này làm gì? Cái vô tuyến nhà mình mới mua bao lâu chứ? Với lại không phải Trường Du nói muốn đổi nhưng tự bà nói lãng phí không được đổi đấy sao.”
“Tôi chỉ nói thế thôi… giống nhau được chắc? Cứ làm như tôi muốn đòi ấy, nó không thể chủ động hơn một chút à?”
“Ngần này tuổi rồi mà vẫn còn chuyên làm khó con trẻ. Cái vô tuyến đen trắng này thì sao, tôi cảm thấy tốt mà.”
“Tốt gì mà tốt? Vô tuyến màu của người ta có màu sắc, của nhà mình thì xám xịt, xem cũng thấy cáu rồi.”
Tạ Minh: …
Tiếp đó đến ngày hôm sau, Trần Tư Tuyết thấy lòng khó tả, nhất là khi nhìn mọi người đều đi về phía nhà họ Lâm, ngay cả người của một vài thôn bên cạnh cũng chạy tới.
Sau đó dì cũng đi, người có màu sắc cơ mà, dì cũng đến xem chút.
Sau đó Trần Tư Tuyết cùng người khác đứng trên sân đá rồi chẳng rời đi được nữa.
“Cố lên…”
“Đây là gì vậy?”
“Bắn súng…”
“Bắn súng mà cũng có thể thi đấu hả!”
“Thắng rồi đúng không, đúng không vậy?”
“Đúng, quán quân, á á á, nước mình, đúng là nước mình…”
……
“Nhảy cầu mà cũng phải thi đấu à, môn này thi thế nào?”
“Nhảy xuống mà bọt nước lớn nhất là tốt nhất.”
“Thế bọt nước của nước mình có phải hơi nhỏ không?”
“Mấy người nói linh tinh gì đấy, chắc chắn bọt nước nhỏ tốt mà? So bọt nước to, đẩy ông xuống có phải bọt nước càng to không?”
“Đúng đấy…”
“Này, có phải nước mình bọt nước nhỏ nhất không?”
“Hình như thế, tôi cảm thấy vậy…”
“Có phải quán quân không, nhất định phải quán quân đấy…”
“Á, đúng là quán quân, nước mình…”
Khoảnh khắc chiến thắng, có người kích động đến nỗi trào nước mắt, sau đó cùng người bên cạnh ôm chầm lấy nhau.
……
“Môn cử tạ này, ê, mày béo như thế, mày cũng nên đi thử xem.”
“Ha ha ha, nó mà đi thử thì đảm bảo bị đè chết, nó béo giả thôi.”
“Mày mới béo giả, cả nhà mày đều béo giả.”
“Ê này, cái số ki lô gam to oành kia là sao?”
“Chắc là chỉ trọng lượng của tạ.”
Có đứa bé không nhịn được mà lên tiếng: “Là cân nặng của vận động viên, mọi người nghe cho kĩ vào đi”.
“Ờ ờ ờ, là vậy à…”
……
Kiểu bàn luận như thế gần như ngày nào cũng xảy ra. Lần đầu tiên Trần Tư Tuyết đến liền cùng mọi người thảo luận về mấy môn thể thao này. Rõ ràng mọi người đều không hiểu, nhưng vẫn bàn luận anh một câu tôi một câu, đúng thì tốt mà sai cũng được, đều chẳng sao cả, điều quan trọng là bầu không khí mà.
Trần Tư Tuyết lập tức phát hiện, xem Thế vận hội Olympic, điều quan trọng không phải vấn đề có phải vô tuyến màu hay không, mà là vấn đề bầu không khí. Xem thi đấu ở nhà họ Lâm, có cảm giác thật sự khác biệt.
Ngay cả người tầm này tuổi như Trần Tư Tuyết cũng không nhịn được mà nhảy cẫng lên, rồi giơ nắm tay khua khoắng, cổ vũ nhất định phải thắng.
Vì thế Trần Tư Tuyết cũng cùng đội quân hùng hậu ngày ngày chạy đến nhà họ Lâm báo danh.
Lần đầu tiên trông thấy tình huống này, Lâm Tố Mỹ đứng hình, Tạ Trường Du cũng cảm thấy rất khó hiểu. Sau đó thì sao, hai người cũng xem cùng mọi người.
Trong kì Thế vận hội này, điều mọi người ấn tượng sâu sắc nhất đương nhiên là chàng trai đạt được ba huy chương vàng, anh ta trở thành tấm gương của các bạn nhỏ, chúng nói sau này lớn lên rồi cũng giống anh ta, phấn đấu vì đất nước, mang lại niềm vui to lớn cho mọi người.
Lâm Tố Mỹ cũng cùng Tạ Trường Du bàn luận về các trận thi đấu.
Tạ Trường Du thích nhất là môn bắn súng, cảm thấy kích thích hơn, lúc xem thi đấu mà trái tim cũng nhảy vọt lên. Đương nhiên, các môn thể thao khác anh cũng xem, chỉ cần là trận thi đấu có vận động viên nước mình tham gia thì nhất thiết phải xem.
Lâm Tố Mỹ thích nhất là các trận thi đấu của đội bóng chuyền nữ. Cho dù biết kết quả cuối cùng là giành được thắng lợi nhưng lúc xem, cô vẫn không khỏi thấp tha thấp thỏm. Thấp thỏm vì các cô gái đang đổ mồ hôi nhễ nhại trên sân, cũng khâm phục sự phấn đấu bền bỉ và ý chí kiên cường của họ.
Chỉ là đội bóng chuyền nữ quốc gia lúc này rất mạnh, khiến người xem vô cùng yên lòng. Họ dựa vào thực lực mạnh mà dễ dàng đánh bại các đội khác. Có điều khi đấu với đội chủ nhà, họ thua với tỉ số 3:1. Song khi tranh chức vô địch ở trận chung kết, hai đội lại tái ngộ.
Trận thi đấu này khiến Lâm Tố Mỹ xem mà cứ nơp nớp, không muốn dời bước chân một chút nào, mắt vẫn nhìn chằm chằm vào vô tuyến.
Nhất là trong set thi đấu thứ ba, lần đầu tiên cô tiếc nuối sao mình không ở trên sân cơ chứ! Lúc này cái gọi là truyền hình trực tiếp thực ra chậm hơn tình hình thi đấu thực tế hai mươi mấy phút, nếu cô có mặt được ở trên sân thì đã có thể biết kết quả thi đấu ngay đầu tiên rồi.
Mà xem thi đấu trên vô tuyến so với xem thi đấu trên sân, tâm trạng nhất định sẽ khác. Tựa như có thể tham dự vào trận thi đấu có một không hai này một cách gần gũi, kết nối trái tim với nhất cử nhất động của mỗi một vận động viên vậy.
Bản thân cô cũng cảm thấy rất buồn cười, rõ ràng biết cuối cùng sẽ chiến thắng đối thủ, nhưng cô vẫn kích động mãi như thế.
Cuối cùng, đội bóng chuyền nữ quốc gia giành chức vô địch, cô cũng không nhịn được mà hò hét cùng mọi người, vô cùng phấn khích.
Những cô gái dũng cảm ấy tựa như những chiến sĩ anh dũng vô địch, không gì phá nổi trên chiến trường. Mà một cô gái chủ lực trong đó sẽ đi vào lịch sử đội bóng chuyền nữ quốc gia, trở thành huấn luyện viên bóng chuyền nữ nổi tiếng cả thế giới.
Còn bây giờ, những cô gái ấy vẫn đang ở trong độ tuổi rạng rỡ như hoa nhưng đã đứng trên bục nhận giải Olympic, vì nước nhà và vì bản thân, họ giành được tấm huy chương vàng quý giá, cũng tạo nên chuỗi ba lần liên tiếp vô địch các giải đấu tầm cỡ: Cúp Bóng chuyền nữ Thế giới năm 1981, giải Bóng chuyền nữ Vô địch Thế giới năm 1982, cùng với quán quân Thế vận hội Olympic lần này.
……
Tạ Trường Du ấn vai cô lại bằng một tay. “Đã qua mấy ngày rồi, sao lúc nhắc đến em vẫn còn kích động vậy?”
“Thì kích động lắm mà. Lúc nào chiếu lại, em phải xem chiếu lại.”
“Biết rồi biết rồi ạ.”
Cảm giác mọi người cùng xem Olympic thật sự khác biệt. Đây là lúc hòa hợp chưa từng có, mọi người đều sẽ mang một vài thứ đến đây, vừa nói vừa ăn.
Có vài người không hiểu nhưng vờ như hiểu mà phổ cập cho người khác. Mỗi lần nghe thấy mấy lời khiến người ta không nhịn được cười đó, Lâm Tố Mỹ đều sẽ cùng Tạ Trường Du đưa mắt nhìn nhau, sau đó không nhịn nổi cười, song sẽ không phản bác người khác.
Chỉ khi bị hỏi, họ mới nói. Đương nhiên, không phải cái gì họ cũng biết.
Nhưng bầu không khí lại vô cùng tuyệt vời.
Năm nay, nước nhà đã giành được thành tích tốt: mười lăm huy chương vàng, tám huy chương bạc và chín huy chương đồng.
Sau khi Thế vận hội kết thúc, dư âm vẫn chưa tan, rất nhiều người đều sẽ nhắc đến kì Olympic này, sau đó nói về nội dung thi đấu trong đó, ai đã xem vô tuyến thì cùng bàn luận, ai chưa xem được thì chăm chú nghe người khác nói.
- --------------------------
Lại một lần nữa khai giảng, Lâm Tố Mỹ cùng Tạ Trường Du quay về thành phố. Chỉ là lần này, cô có thể cảm nhận rõ rệt trọng tâm của Tạ Trường Du không đặt vào nhà máy ở quê, bởi vì số lần Tạ Trường Du trở về thôn Cửu Sơn ít hơn rất nhiều.
Lâm Tố Mỹ đương nhiên biết Tạ Trường Du đang làm gì.
Bây giờ anh đang chuẩn bị cho nhà máy của hai người. Chỉ là nhà máy được xây xong, thiết bị được mua đủ hết, thậm chí những công nhân có thể tuyển đến làm vẫn chưa đủ, bởi họ cần nhân tài.
Lúc này, trải nghiệm học tập của Tạ Trường Du ở Nhất Trung hồi đó đã có tác dụng hữu ích. Khi nhắc đến Tạ Trường Du, người của Nhất Trung ở đại học Vân đều biết người này.
Bởi thế, khi Tạ Trường Du đề nghị sau khi tốt nghiệp họ hãy cùng anh phấn đấu, rất nhiều người tuy cảm thấy sốc nhưng vẫn chưa từ chối ngay lập tức.
Khi một người có thể làm được những gì mình không thể, thậm chí một vài hành vi nào đó vượt qua nguyên tắc thông thường thì trong lòng họ, người đó đã trở nên khác biệt. Chí ít trong đám người này, Tạ Trường Du chính là sự tồn tại như thế.
Muốn để người ta từ bỏ công việc tiền đồ sáng lạn trong mắt người khác, cùng tới phấn đấu với Tạ Trường Du, Tạ Trường Du nhất thiết phải thuyết phục họ. Chuyện này nói khó không khó, nhưng nói đơn giản lại rất không đơn giản.
……
Cho nên Tạ Trường Du trở nên bận bù đầu, Lâm Tố Mỹ cũng bắt đầu bận bịu.
Mãi cho đến Tết, hai người mới có khoảng thời gian tương đối thư thái.
Hằng năm, mỗi khi sắp đến Tết, chuyện phải làm đều chẳng khác nhau là bao: đúc lạp sườn, hun lạp sườn và hun thịt xông khói, vân vân.
Năm nay không phải là Lâm Tố Mỹ hun thịt, nhưng cô hối hận gần chết vì mình đã không hun.
Bởi vì Trần Đông Mai đang tranh cãi với Lâm Kiến Nghiệp, nguyên nhân vì chuyện hun thịt này.
Vốn là Trần Đông Mai đích thân hun, sau đó Trần Đông Mai đi nấu cơm nên bảo Lâm Kiến Nghiệp đi hun. Lâm Kiến Nghiệp cảm thấy đốt lửa tự nhiên hun thịt rắc rối, dứt khoát dùng chút gỗ ẩm tạo ra rất nhiều khói để hun thịt. Sau khi Trần Đông Mai phát hiện, dì mắng Lâm Kiến Nghiệp xối xả, tận mấy ngày liên tiếp vẫn cứ hầm hầm với Lâm Kiến Nghiệp.
Bản thân Lâm Kiến Nghiệp cũng cực kì ấm ức, không dùng khói hun thịt thì còn gọi là thịt hun cái gì?
Lâm Tố Mỹ rất bất lực, cô nói chuyện với bố mình đều phải giấu mẹ mình mới được.
Tạ Trường Du nghe mà buồn cười. Nhưng nhà anh cũng chẳng tốt hơn bao nhiêu, Trần Tư Tuyết cũng sẽ cãi nhau với Tạ Minh, vì một chuyện vặt vãnh cũng có thể ầm ĩ hết cả lên.
Ra Tết…
Trần Đông Mai nghĩ bây giờ mối quan hệ giữa con gái mình và Tạ Trường Du đã ổn định, bèn gọi Lâm Tố Mỹ lại: “Hôm nay đến nhà bà ngoại con, con đi gọi Tạ Trường Du đi cùng con, cũng coi như ra mắt luôn”.
Lâm Tố Mỹ hơi kinh ngạc, nhưng vẫn làm theo, đi gọi Tạ Trường Du.
Tạ Trường Du vừa nghe thì cũng cực kì căng thẳng, vội vã đi thay quần áo, sau đó lục những thứ đồ có thể đem tặng trong nhà. May mắn bây giờ đang là Tết, đồ trong nhà không ít.
Lâm Tố Mỹ hiếm khi thấy anh căng thẳng như thế, vậy mà có mấy phần thích thú tựa như hưởng thụ.
Tạ Trường Du phát hiện ra điều đó, không nhịn được mà thở dài với cô, thấy anh sống không tốt, cô vui đến vậy à?
Tạ Trường Du xách cả đống đồ, cùng nhà Lâm Tố Mỹ đến nhà bà ngoại cô. Chuyện này khá bối rối. Thôn nhà bà ngoại Lâm Tố Mỹ cũng chính là thôn nhà bà ngoại Tạ Trường Du, cho nên đồ mà Tạ Trường Du xách cũng có phần anh xách đến cho bà ngoại mình.
Vì thế bản thân Lâm Tố Mỹ cũng căng thẳng. Tạ Trường Du đến nhà bà ngoại cô, chẳng lẽ cô không đến nhà bà ngoại Tạ Trường Du?
May mà không xảy ra chuyện gì, mọi người đều rất niềm nở với họ. Lâm Tố Mỹ và Tạ Trường Du từ chối lời mời ở lại nhà bà ngoại anh ăn cơm, vẫn đến nhà bà ngoại cô dùng bữa.
Chủ yếu là vì hai người bác của cô ở nhà.
Ông bác bé của cô cực kì nói nhiều, Tạ Trường Du cũng đã được mở mang.
“Cháu chính là Trường Du à! Được đấy được đấy. Bác nói cháu nghe, bác chỉ có một cô em gái vậy thôi, con gái của em gái bác, bác yêu thương như con ruột. Cháu và Tiểu Mỹ yêu nhau rồi thì cháu nhất định không được có lỗi với nó, nếu không người làm bác như bác sẽ không bỏ qua cho cháu đâu.” Trần Thu Sinh vỗ vai Tạ Trường Du. “Cháu đi hỏi thăm mà xem chân tay bác lợi hại cỡ nào.”
Lâm Tố Mỹ không nhịn được nhắm mắt lại, không cần hỏi thăm, lịch sử đánh con của ông bác cô quá chói lọi rồi. Hậu quả gây ra chính là bây giờ khi con cái bác ấy “ngứa mắt” bác ấy thì sẽ đánh tay đôi với bác ấy…
Tạ Trường Du chỉ biết gật đầu vờ ngoan ngoãn, tuyệt đối không nói nhiều lời.
Trần Thu Sinh thật sự hài lòng về Tạ Trường Du, kéo Tạ Trường Du nói này nói nọ.
Sau đó đến giờ ăn cơm thì càng khỏi nói, Trần Thu Sinh vốn là sâu rượu, bị vợ mình ca cẩm cũng chẳng bận tâm, tự uống rượu còn cảm thấy không “phê”, muốn bảo Trần Thủy Sinh và Tạ Trường Du uống cùng.
Vẫn là Lâm Tố Mỹ và Trần Đông Mai nói hết lời thì họ mới “được” uống ít lại. Nếu không với tính cách của Trần Thu Sinh, bữa cơm này chắc chắn không say không tàn.
Trần Thu Sinh uống rượu không tận hứng, ăn cơm xong liền soi mói vợ: “Bảo bà dọn dẹp bát đũa, bà xem bà dọn kiểu gì đi. Nhà còn có khách mà bừa bộn như thế, người khác sẽ nghĩ thế nào?”.
Trần Đông Mai vội khuyên Trần Thu Sinh: “Đều là người một nhà, nói chuyện này làm gì, chỗ nào không ổn thì dọn dẹp là được, cả ngày cứ hò hét vớ vẩn làm gì”.
Trần Thu Sinh vẫn nghe lời cô em gái này, chỉ là vừa xoay người lại dạy dỗ vợ mình.
Sau đó có lẽ bác dâu của Lâm Tố Mỹ cũng bị Trần Thu Sinh làm cho phát phiền: “Ông nói xem phải dọn kiểu gì, ông dạy tôi xem nào”.
“Chẳng được cái tích sự gì cả, có thế cũng phải dạy…”
Sau đó Lâm Tố Mỹ và Tạ Trường Du quan sát toàn bộ quá trình Trần Thu Sinh dạy người khác quét dọn vệ sinh thế nào: phải lau bàn lau ghế, phải lau sạch bong, một tí tẹo vết bẩn cũng không để lại…
Tất cả mọi người đều sốc.
Con người Trần Thu Sinh mưa không tới mặt, nắng chẳng tới đầu, trước giờ không làm việc nhà, cứ dạy mãi như thế thì đã dọn dẹp tất cả các phòng sạch bong kin kít…
Lâm Tố Mỹ không nhìn tiếp được nữa, kéo Tạ Trường Du bất lực nói: “Sau này anh cũng dạy em như vậy nhé!”.
Tạ Trường Du: “Em thông minh như thế, căn bản không cần anh dạy”.
Hờ hờ…
……
Lúc rời đi, Lâm Tố Mỹ và Tạ Trường Du được Trần Thu Sinh lén nhét cho tiền mừng tuổi. Chuyện này khiến tâm trạng hai người đều rất phức tạp. Bây giờ hai người thật sự không được ai cho tiền mừng tuổi nữa, nhưng mà Trần Thu Sinh vẫn cho họ lì xì, còn lén dúi cho, chứng tỏ những người khác đều không được.
Họ thường sống trên huyện, đương nhiên biết những chuyện Trần Thu Sinh làm bên ngoài. Điều này khiến tình cảm của Lâm Tố Mỹ với ông bác này rất phức tạp. Đối với bác dâu mà nói, bác trai hoàn toàn là tên đàn ông khốn nạn. Nhưng bác trai lại đối xử với cô rất tốt, tốt hơn nhiều so với bác trai cả.
Giống như bình thường, ăn xong một bữa cơm trưa, mọi người lại ngồi nói chuyện một lúc rồi về thôn Cửu Sơn.
Trên đường về, mọi người đều rất thoải mái. Lâm Tố Mỹ và Tạ Trường Du đi đi dừng dừng, chốc chốc lại nhìn bên này ngó bên nọ, coi mỗi quang cảnh ruộng vườn thành phong cảnh mà thưởng thức.
Trần Đông Mai đi phía sau họ thấy vậy, rất hài lòng và an tâm.
Truyện khác cùng thể loại
227 chương
705 chương
67 chương
89 chương
56 chương
58 chương
3 chương