Cuối tháng ba, năm thứ hai mươi hai theo Đường lịch Khai Nguyên, đúng là mùa xuân trăm hoa đua nở. Nhất là ở đây đất đai phì nhieu, khí hậu ấm áp, hơi thở của mùa xuân đến sớm hơn nội địa một bước, làm cho người ta cảm giác sinh cơ bừng bừng, nồng đậm. Trên con đường từ Ích Châu tới Thục Châu của Kiếm Nam đạo, một chiếc xe ngựa và một con ngựa đang đi chậm rãi như thể du khách đang đi du xuân. Khi đi tới chỗ nông dân đang canh tác, chiếc xe ngựa dừng lại, một thiếu niên anh tuấn, tự nhiên và hai thiếu nữ tuyệt đẹp đang tuổi dậy thì đi xuống rìa quan đạo, chợt hấp dẫn ánh mắt kinh ngạc của mọi người qua đường. Xe ngựa giao cho phu xe đi tới thành trước, một nam hai nữ sóng vai vừa đi vừa chỉ trỏ, khe khẽ cười đùa. Chỉ có một thanh niên hắc y sắc mặt trầm ổn dẫn ngựa đi theo sau, từ đó thu hút vô số ánh mắt hoặc là hâm mộ, hoặc là kinh ngạc. Thục châu nằm trên bình nguyên Xuyên Tây xinh đẹp, trù phú, cách Ích Châu (cũng chính là Thành Đô đời sau) khoảng mười dặm. Từ xưa tới nay, vẫn nổi tiếng là nơi giàu có và trù phú nhất của đất Thục, được xưng là “Thục của đất Thục”. Vương Bột có một danh ngôn thiên cổ được lưu truyền là “hải nội tồn tri kỷ, thiên nhai nhược bỉ lân” (trên đời có tri kỷ, dù xa ngàn trùng mà vẫn như bên cạnh), nói chính là Thục châu. Người ta vẫn nói về quê thì trở nên rụt rè. Khi tường thành Thục châu cũng không cao lớn dần dần hiện ra trước mắt bốn người, mới vừa cười hi hi ha ha chọc cười Tú Nhi, thiếu nữ Ngọc Hoàn dần trở nên kích động, trong đôi mắt sau thăm thẳm như nước hồ thu lộ ra đủ loại tình cảm mềm yếu rối loạn. Khi rời khỏi Thục châu, nàng mới chỉ là một đứa trẻ bảy, tám tuổi. Thời gian thấm thoát thoi đưa, hiện giờ trở về cố hương Thục châu như đang ở trong giấc mộng, có thể gặp lại mẫu thân bởi vì kế sinh nhai mà bắt buộc phải gửi mình cho thúc phụ nuôi, trong lòng nàng vô cùng run rẩy, đau nhói, đôi mắt đỏ lên, hai hàng lệ lấp lánh tràn mi. Thiếu niên than nhẹ một tiếng, nhẹ nhàng vỗ vỗ bả vai Ngọc Hoàn, thấy ven đường có một tửu quán đơn sơ liền liếc mắt ra hiệu cho Tú Nhi đang đứng bên cạnh. Tú Nhi vội vã tiến tới sửa sang lại quần áo cho thiếu nữ, đưa cho nàng một chiếc khăn thơm, dịu dàng nói, - Ngọc Hoàn tiểu thư, sắp tới Thục châu rồi, bên kia có một tửu quán, chúng ta vào đó nghỉ chân, ăn một chút gì nhé. Được không? Ngọc Hoàn thở dài sâu kín, nhận lấy khăn thơm, lau khóe mắt, gật gật đầu. Đây là một tửu quán rất đơn sơ, một cái lều lộ thiên dựng ở ven đường, trước lều có một cái cột bằng gỗ hòe, trên cột là một mảnh vải tam giác bẩn không chịu nổi đang tung bay, coi như là dấu hiệu của tửu quán. Bên trong chỉ có vài chiếc bàn thấp nhỏ đã bong hết sơn, thô ráp không chịu nổi, cũng chính là một chỗ nghỉ ngơi tạm thời cho dân phu. Ba người đi vào tửu quán, tiểu nhị kiêm ông chủ của tửu quán là Trương lão hán giật mình kinh hãi. Tửu quán hạ đẳng của lão đã bao giờ được đón khách qúy quần áo hoa lệ phong tư tao nhã như thế này, đa phần là những phu phen, thương lái nhỏ mà thôi. Lão vội vàng tiến lên tiếp đón, cầm chiếc khăn đầy mồ hôi trong tay ra sức lau hết các ngóc ngách của mấy cái bàn, cái ghế trong quán, mời bốn người ngồi xuống. Tú Nhi là hạ nhân, làm sao dám ngồi, chỉ đứng ở sau lưng Ngọc Hoàn. Lệnh Hồ Xung Vũ mặc dù không phải là hạ nhân của Tiêu gia, xuất hành lần này đi theo Tiêu Duệ với danh nghĩa “bằng hữu” kiêm “bảo tiêu”, nhưng dọc theo đường đi, lúc nào hắn cũng tự cho mình là hạ nhân, khiến Tiêu Duệ nhiều lúc cũng phải phát bực. Lúc này, Lệnh Hồ đại hiệp lại im lặng đứng ở phía sau lưng khiến Tiêu Duệ không khỏi cười khổ: - Lệnh Hồ huynh, ngồi xuống uống một chút rượu, ăn chút gì đó đi! Ngươi còn đứng ở đó nữa, Tiêu Duệ làm sao có thể cứ đứng tiếp rượu ngươi mãi được? Lệnh Hồ Xung Vũ do dự một chút, ngẩng đầu thấy ánh mắt sáng ngời trong trẻo của Tiêu Duệ, liền chắp tay thi lễ, im lặng ngồi bên dưới tay Tiêu Duệ. Tú Nhi kính cẩn đứng ở một bên, nói với Trương lão hán: - Lão tiểu nhị, có cái gì tốt thì mang cho thiếu gia và tiểu thư của ta ăn đi. Đứng trước mặt thiếu nữ xinh tươi hiếm có, Trương lão hán nuốt một ngụm nước miếng, cất giọng khàn đục đặc sệt chất Thục: - Bốn vị khách quý, tiểu điếm chỉ có bánh bao thường và bánh bao chiên dầu, không biết quý khách... ... Tú Nhi nhíu nhíu mày: - Cũng được, mang ra một ít. À, có rượu không? Trương lão hán xấu hổ xoa xoa bàn tay hơi dơ bẩn của mình, đang định nói gì, lại nghe Tiêu Duệ chỉ vào mấy cái án trên tường, nhẹ nhàng hỏi: - Đó có phải rượu không? - Đúng, đúng, hồi bẩm thiếu gia, đó là tạp lương xuân tửu (rượu hoa màu) của bản địa, chỉ có điều vị rượu không đủ, thô tục không chịu nổi, chỉ sợ quý khách không uống được thôi. Trương lão hán vội vã cười giải thích. - Tạp lương xuân tửu? Tiêu Duệ cảm thấy tò mò, thấy ở bàn bên cạnh có bốn người phu, mỗi người ngậm một chiếc ống trúc nhỏ cắm vào vò rượu, vừa cười đùa thô tục, vừa cúi người hút, lại càng thêm kỳ quái: - Uống rượu không cần chén, ngược lại dùng ống trúc, như vậy quả thật là chuyện rất mới lạ… Được, xuân tửu như vậy, mang cho chúng ta một vò. Đưa vò rượu tới xong, Trương lão hán lại bưng tới một cái đĩa đen xì đựng bánh. Thấy trên bánh rất bản, Tiêu Duệ cảm thấy hơn buồn nôn, căn bản không muốn động vào chút nào, nhưng thiếu nữ Ngọc Hoàn lại không thèm quan tâm, cầm lấy một chiếc, chậm rãi cho vào miệng nhẹ nhàng nhai, trên mặt thậm chí còn hiện lên vẻ say mê. Tiêu Duệ và Lệnh Hồ Xung Vũ bắt chước động tác của mấy người kia, cũng cúi đầu ngậm lấy ống trúc, cẩn thận hút một ngụm. Vừa vào miệng, cảm giác hơi chua, đắng, mùi như có như không, mà vị rượu lại cực nhạt gần như có thể không tính đến. Tiêu Duệ nhướn mày, trong lòng khẳng định: Đây chắc chắn là do nhiều loại lương thực hỗn tạp ủ cùng một chỗ, bởi vì phối hợp không tốt nên không tạo ra được mùi thơm của lương thực, ngực lại chính vì trộn lẫn lung tung nên hương vị cực kỳ tồi. Mà mùi chua và đắng hiển nhiên là do loại rượu này được bảo quản không tốt, chỉ vài ngày đã biến chất. Thấy Tiêu Duệ chỉ một ngụm đã buống ống trúc, Trương lão hán cười ha hả: - Rượu thô tục, quý khách uống không quen cũng là lẽ thường. - Lão cha, tại hạ thật sự cảm thấy tò mò, các ngươi vì sao lại dùng nhiều loại lương thực tạp nham như vậy để ủ rượu chứ? Như vậy vừa lãng phí lương thực, vừa không làm được ra loại rượu gì ngon lành cả, sao phải khổ như vậy? Tiêu Duệ mỉm cười hiền lành, vẫy tay với Trương lão hán - Quý khách có điều không biết. Trương lão hán tuy rằng chưa quen biết, nhưng dù sao cũng đã mở tửu quán, công phu quan sát và công phu đầu môi tấc lưỡi đều rất cao thâm, thấy quý nhân hỏi, vội vã tới gần giải thích: - Quý khách có điều không biết. Đây là hoa màu mà dân chúng Thục châu chúng ta ăn từ đầu năm còn thừa, trộn lẫn vào với nhau, ủ thành thanh tửu này để chuẩn bị qua xuân thì uống. Các ủ đơn giản, thô lâu, bình thường thì các lão gia trong thành cũng không uống loại rượu này. Tiêu Duệ a một tiếng, lại không phát hiện trên gương mặt già nua đầy nếp nhăn của Trương lão hán không ngờ lại ửng đỏ. Trương lão hán cũng không nói thật, loại tạp lương xuân tửu này đích thật là dùng hoa màu còn thừa của thôn dân Thục châu ủ, nhưng không nhất định phải là “đầu năm”, mà là loại hoa màu đã tồn trữ không biết bao nhiêu năm đã sắp mốc meo biến chất. Tất cả các hoa màu và gạo thừa được trộn vào nhau, cho vào trong một cái nồi đất nấu lên, để nguội, sau đó cho men rượu thô vào quấy, rồi đậy kín lại, dùng bùn đất bịt kín, dùng cỏ khô bao trùm lên, để cho lên men, khoảng mười ngày là thành.