Cửu Dung
Chương 126 : Trùng phùng Dung Hoa hội
Sáng sớm ngày hôm đó đã có phi tần lục tục kéo đến. Ban đầu, từ sau khi những phi tần này nghe Minh quý phi buông lời rằng ai đến Dung Hoa cung tức là gây khó dễ cho nàng ta thì đã không còn đến đây, hiện giờ là ý của Hoàng thượng nên các nàng đều không thể chờ được mà nườm nượp tới.
Chẳng mấy Hoàng hậu nương nương cũng đã đến. Tôi thấy thế vội ra nghênh đón.
Hoàng hậu nương nương lại nói: “Muội muội đang mang thai, không cần đa lễ vậy đâu”.
Tôi đáp: “Lễ không thể bỏ, Dung Nhi bái kiến nương nương”.
Hoàng hậu nương nương đỡ lấy tôi, nhỏ giọng: “Dung Nhi, việc lần trước muội bị hãm hại, ai gia cũng có nghe nói, nhưng vì nhân chứng chết thảm, không có cách nào điều tra rõ ràng, thật sự là có lỗi với muội”.
Tôi cũng nhỏ giọng nói: “Việc này sao có thể trách nương nương chứ. Nương nương hết lòng hết dạ giúp Dung Nhi, Dung Nhi thật sự là cảm kích còn không kịp”. Điều tôi muốn nói là chuyện tôi được thăng làm Dung phi. Hoàng hậu nương nương mỉm cười, thế là hai chúng tôi ngầm hiểu mà không lên tiếng, không nhiều lời về đề tài này nữa.
Tôi vốn cho rằng Minh quý phi sẽ không đến, nhưng thật không ngờ, nàng ta cũng đến ngay sau khi Hoàng hậu nương nương vừa đến. Tôi lại không thể không tiến lên nghênh đón, Minh quý phi nhìn tôi đôi cái, cười khẩy: “Cửu Dung, ngươi cũng bày đặt lớn quá ha, không ngờ Hoàng thượng lại tổ chức gia yến cho ngươi. Đừng nói là ta, ngay cả Hoàng hậu tỷ tỷ còn chưa có được vinh hạnh đặc biệt này nữa là”. Minh quý phi nói chuyện, nhưng lại rề rà không để cho tôi đứng lên.
Hoàng hậu tiến tới gần, nói: “Hoàng quý phi muội muội, những tỷ muội chúng ta đây, ai có thể được Hoàng thượng ân sủng đặc biệt, người đó ắt có chỗ hơn người. Bản cung và Hoàng thượng là phu thê nhiều năm, đã không để ý đến chuyện này từ lâu rồi. Mà Cửu Dung muội muội mới mang thai, có thể kéo dài dòng dõi cho hoàng tộc, thật sự là công thần của chúng ta. Hoàng thượng tổ chức Dung Hoa hội này cho muội ấy, muội ấy cũng phải nhận thôi. Đúng rồi, Cửu Dung muội muội là người đang mang thai, mau đứng lên đi, không cần đa lễ nữa. Nếu động thai khí, Hoàng thượng trách móc thì ai gia cũng không đảm đương nổi”.
Minh quý phi không còn cách nào, đành phải để tôi đứng dậy, hận đến nghiến răng nghiến lợi.
Đúng lúc này, Tiểu Tam Tử hét to: “Lâm tần nương nương đến!”.
Tôi ngẩng đầu nhìn lên, quả nhiên là cung nữ của Lâm tần đang đỡ cô ta đi đến. Từ sau khi tôi dọn tới Dung Hoa cung này, cô ta chưa từng đến thăm tôi lấy một lần, song thật không ngờ, Hoàng thượng hạ lệnh tổ chức Dung Hoa hội thì cô ta lại đến.
Lâm tần hành lễ với Hoàng hậu nương nương và Minh quý phi trước, sau đó lại hành lễ với tôi. Tôi thờ ơ nói: “Lâm tần cũng là người có thai, không cần đa lễ nữa”.
Đúng lúc này, Tiểu Tam Tử lại lớn tiếng hô: “Hoàng thượng giá lâm! Tiết vương gia đến! Thanh Dao vương phi đến!”.
Hoàng thượng giá lâm là chuyện trong dự tính, nhưng lại chưa từng nghĩ rằng Tiết vương gia và Thanh Dao vương phi cũng đến. Trong lòng tôi khẽ run lên, nhưng trong phút chốc lại bình phục như thường.
Hoàng thượng đi cùng với Tiền Tam công công, theo sau là Tiết vương gia và Thanh Dao vương phi. Tất cả phi tần trong Dung Hoa cung đều hành lễ bái kiến Hoàng thượng.
Hoàng thượng cười nói: “Hôm nay là ngày đại hỷ, huống hồ lại là gia yến, Tiết vương gia và Thanh Dao vương phi đều là người nhà chúng ta, chư vị ái phi không cần phải đa lễ”. Thế là, mọi người đứng dậy, dựa theo thứ tự mà an tọa.
Hoàng thượng nói: “Dung Hoa hội này là để chúc mừng Dung phi có thai nên đặc biệt tổ chức. Chư vị ái phi đều không cần phải câu nệ”.
Hoàng hậu cũng ở bên cạnh, nói: “Đều là tỷ muội một nhà cả, Hoàng thượng đã nói không cần câu nệ thì chúng tỷ muội cứ tận lòng thoải mái là được”.
Minh quý phi thấy Hoàng hậu nói chuyện, cực kỳ mất hứng, giành hỏi Hoàng thượng: “Hoàng thượng, hôm nay chúng ta có tiết mục gì vậy?”.
Hoàng thượng nghĩ ngợi rồi nói: “Trẫm lâm thời chỉ nghĩ làm Dung Hoa hội chứ cũng không nghĩ ra tiết mục gì, chi bằng chư vị ái phi ai có sở trường gì thì mang ra biểu diễn một chút được không?”.
Chư vị phi tần nghe Hoàng thượng nói vậy, có vài người đã nóng lòng muốn thử. Dù sao giai nhân hậu cung đông thế này, nhưng có thể giành được sự sủng ái của Hoàng thượng thật sự lại không nhiều lắm. Nếu như có thể biểu diễn tuyệt nghệ của mình trong Dung Hoa hội ngày hôm nay, có được sự tán thưởng của Hoàng thượng, sau này muốn được sủng ái cũng sẽ dễ dàng hơn.
Trong đám phi tần đang ngồi, có Tôn thục dung tranh nói trước: “Hoàng thượng, lúc thần thiếp ở nhà cũng đã học đàn. Hôm nay hiếm thấy Hoàng thượng có nhã hứng, chư vị tỷ muội lại đang ở cả đây, thần thiếp bất tài, muốn gảy một bản đàn vì Hoàng thượng và chư vị nương nương”.
Hoàng thượng cười bảo: “Vậy thì tốt quá. Người đâu, đi lấy một cây đàn tốt nhất đến đây để Tôn ái khanh gảy đàn”. Ngay lập tức, có một tiểu thái giám đưa một cây đồng mộc cầm đến trước mặt Tôn thục dung.
Tôn thục dung ngồi trước đàn, tay ngọc vuốt khẽ, chỉ trong phút chốc đã có tiếng đàn như nước chậm rãi chảy tràn ra dưới đôi bàn tay nàng. Tiếng đàn kia vô cùng tao nhã, nghe mà cảm thấy vui tai vui mắt.
Khúc nhạc đã dứt, Hoàng thượng tán thưởng: “Tài đánh đàn của Tôn thục dung quả thật là rất giỏi, trước kia trẫm lại không biết, sau này trẫm phải năng đến Khởi La các của ái khanh hơn để nghe đàn mới được”. Tôn thục dung mừng rỡ, vội vàng cảm tạ lời khen của Hoàng thượng. Hoàng thượng lại ban cho nàng một miếng ngọc như ý, Tôn thục dung dạt dào niềm vui mà nhận lấy.
Các phi tần khác thấy Tôn thục dung vì biểu diễn tài nghệ nên được Hoàng thượng khen ngợi, cảm thấy rất được cổ vũ, ai nấy đều tranh nhau thể hiện. Ngay sau đó, lại có cả loạt phi tần Lý lương nhân, Công Tôn tài nhân, Tư Mã chiêu nghi đều phô bày tuyệt kỹ sở trường. Hoàng thượng xem mà long tâm cực kỳ vui vẻ, ban thưởng cho từng người một.
Minh quý phi ở bên cạnh, ngó thấy đâm khó chịu, liền nói với Hoàng thượng: “Hoàng thượng, Hoa Dung hội ngày hôm nay chuẩn bị cho Cửu Dung muội muội, người bảo nhiều người biểu diễn như vậy, chẳng phải là đoạt mất sự nổi bật của Cửu Dung muội muội sao? Nói không chừng trong lòng muội ấy còn đang mất hứng ấy chứ. Hoàng thượng, người nghĩ coi thiếp nói có đúng không?”.
Hoàng hậu thấy Minh quý phi nói những lời này, vội vàng nói: “Ta nghĩ Hoàng quý phi muội muội đã lo nghĩ nhiều rồi, Cửu Dung muội muội từ xưa đến nay hiền đức, sao lại so đo việc này chứ?”.
Hoàng thượng phụ họa: “Vẫn là những lời Hoàng hậu nói hợp với lòng trẫm. Từ trước đến nay Dung phi là người thanh nhã hiền lành, không thích so bì với người khác. Quý phi cũng đừng bận lòng vì nàng ấy nữa”.
Minh quý phi gặp phải chút trách móc của Hoàng thượng và Hoàng hậu, cực kỳ tức giận, song lại không tiện phát tiết nên nói: “Đã là như vậy, nhưng cũng không thể lạnh nhạt với người ta được. Hoàng thượng, theo như thiếp thấy, chi bằng để Cửu Dung muội muội cũng trổ chút tài nghệ của muội ấy, không biết Hoàng thượng và Hoàng hậu nương nương thấy thế nào?”.
Hoàng thượng nghe vậy, vui vẻ nói: “Đó cũng là một chủ ý hay, Dung Nhi, gia yến ngày hôm nay đặc biệt được tổ chức cho nàng vì để chúc mừng nàng đã mang thai lân nhi, nàng cũng thể hiện tài nghệ của mình cho mọi người xem đi. Dung Nhi nàng xưa nay đa tài, trẫm đã nghe nói từ trước, đương nhiên là sẽ không để cho trẫm thất vọng”.
Hoàng thượng đã nói những lời này, cho dù tôi không muốn đi ra cũng không được. Nhưng bất luận là ca vũ hay cầm xướng đều không phải sở trường của tôi. Trong khoảng thời gian ngắn, tôi cũng không biết phải làm thế nào cho phải. Nếu tôi không làm, đương nhiên sẽ mắc phải tội khinh nhờn Hoàng thượng; nếu tôi gắng gượng ra mặt, cũng thật sự là không có gì có thể thể hiện. Trong chốc lát, tôi cảm thấy thật sự rất khó khăn.
Minh quý phi ở bên cạnh nói: “Cửu Dung muội muội không phải là không có tài nghệ nào có thể mang ra chứ? Nếu là như vậy thì cũng không cần cố gắng, nói thẳng với Hoàng thượng là được rồi, từ trước đến nay Hoàng thượng rộng lượng, sẽ không trách cứ muội muội đâu”.
Điều làm tôi không ngờ nhất là Đỗ Lâm Nhược cũng lên tiếng: “Hoàng thượng, Hoàng hậu nương nương, Hoàng quý phi nương nương, xin đừng truy cứu sai lầm của Cửu Dung tỷ tỷ nữa. Trước giờ thiếp và Cửu Dung tỷ tỷ thân thiết với nhau, thiếp rất hiểu chuyện của tỷ ấy. Từ tấm bé tỷ ấy đã lớn lên ở nơi thôn dã, phụ thân là một con bạc, Cửu Dung tỷ tỷ đến Thẩm gia làm tiểu thiếp, trộm nghĩ cũng không có thời gian để học tập tài nghệ. Xin Hoàng thượng và chư vị nương nương hãy thông cảm cho xuất thân của tỷ tỷ, đừng làm khó tỷ tỷ”.
Lời Đỗ Lâm Nhược nói quả nhiên là độc. Người khác nghe thì có vẻ giống như đang giải vây cho tôi, song từng câu từng từ như có kim trong bông, trên thực tế là muốn nói cho người khác biết sự thật tôi đã từng gả cho Thẩm Hồng làm tiểu thiếp. Từ sau khi Hoàng thượng và tôi viên phòng, ngài đã quên chuyện này đi, giờ Đỗ Lâm Nhược nhắc lại, chỉ sợ Hoàng thượng có lẽ sẽ nổi trận lôi đình, đến lúc đó người gặp vận rủi chỉ e không chỉ là tôi mà còn cả Thẩm Hồng, thậm chí là người của Thẩm gia.
Sắc mặt Hoàng thượng quả nhiên dần trở nên có chút khó coi, may mà có Hoàng hậu đỡ lời: “Hoàng thượng, đó gọi là không ai có thể lựa chọn xuất thân, thế nhưng đức hạnh lại sinh ra sau này. Nhìn chung những người hiền đức trong lịch sử, có mấy người không xuất thân nghèo hèn chứ? Nhưng thành tựu sau cuối của bọn họ lại không ai có thể sánh bằng. Thay vào đó có những kẻ xuất thân phi phàm, nhưng lại không biết trân trọng nên kết quả là chẳng làm nên trò trống gì. Bởi vậy mọi người đều nói, “tự cổ công trạng chốn dân gian, nào giờ quần lụa ít vĩ nam[1]”. Nếu chỉ lấy riêng xuất thân ra bàn luận thì thật sự là không còn gì để nói nữa. Mặc dù Cửu Dung muội muội xuất thân thôn dã, hơn nữa bị buộc gả vào Thẩm gia, nhưng điều đáng quý nhất chính là muội ấy có thể “mọc từ bùn lầy mà không tanh, đắm mình trong nước mà không lẳn[2]”, cái gọi là “nước trong nở đóa phù dung, tự nhiên vẫn đẹp hơn cùng khắc điêu[3]” chính là như thế. Hoàng thượng sủng ái Cửu Dung muội muội cũng là vì muội ấy hiền đức hơn người. Con mắt của Hoàng thượng sao lại có thể sai lầm được?”.
[1] Ý nói xưa nay những người có công trạng lớn hầu như xuất thân trong dân gian, những người quần là áo lượt sống cảnh giàu sang thì ít ai có được cái chí khí của bậc anh hùng.
[2] Trích câu trong bài Ái liên thuyết của tác giả Chu Đôn Di thời Tống, để miêu tả vẻ đẹp của hoa sen.
[3] Trích hai câu thơ trong bài Kinh ly loạn hậu thiên ân lưu dạ lang ức cựu du thư hoài tặng Giang Hạ vi thái thú Lương Tế của nhà thơ Lý Bạch thời Đường. Hai câu thơ này dùng để miêu tả vẻ đẹp tự nhiên không gọt giũa.
Hoàng thượng vốn đã có chút giận dữ, nghe thấy những lời Hoàng hậu nói lại trở nên vui sướng, bảo: “Hoàng hậu nói rất đúng, Dung phi là người của trẫm, nàng ấy thế nào, trẫm là người hiểu rõ nhất. Hôm nay Dung phi không thể thi triển tài nghệ, trẫm nghĩ là bởi nguyên nhân nàng đang mang thai, thân thể không được khỏe. Chư vị ái phi cũng đừng gây khó dễ thêm nữa”.
Minh quý phi thấy Hoàng thượng không truy cứu tôi, hết sức tức tối. Tôi lặng lẽ liếc nhìn Đỗ Lâm Nhược, trong mắt cô ta lại mơ hồ ánh lên vẻ tàn độc.
Truyện khác cùng thể loại
51 chương
100 chương
197 chương
12 chương
46 chương
128 chương