Cưới Ma
Chương 43 : Chu Xung Và Lục Lục
Thị trấn Đa Minh đang nổi gió, đèn đường đung đưa dữ dội, ánh sáng lúc mờ lúc tỏ như trong một cơn mê.
Một con mèo từ trong Ngõ Tối chạy ra, rón rén đi men theo chân tường của các cửa hàng.
Khi nó đi qua dưới ánh đèn đường, Thiêm Trúc thấy hình như nó không phải là con mèo, điểm duy nhất giống con mèo là nó bước đi không hề gây tiếng động.
Cũng không giống gà hay chó, và càng không giống con thỏ.
Nó là con vật gì thế?
Sau đó có một tình tiết chứng minh chắc chắn nó không phải con mèo: có một con mèo hoang chui ra từ sau một đống rác, vừa nhìn thấy con vật này, con mèo lập tức kêu ré lên kinh hãi rồi co cẳng chạy nhanh như chớp, lủi mất luôn.
Con vật vô danh không có ý định truy kích, nó chỉ đứng đó nhìn theo bóng con mèo, ánh mắt có vẻ thân thiện.
Sau đó nó tiếp tục bước về phía trước.
Con vật vô danh này có bốn chân, mình trơn không có lông, nó bước đi như một đứa bé con đang bò, tốc độ khá nhanh.
Hoặc nói là, hai chân trước và hai chân sau của nó đều bám xuống mặt đất.
Nhưng nó tuyệt đối không phải là một đứa bé con, giữa mông nó có cái đuôi thon dài đung đưa sang hai bên.
Trên thế giới thật không có loài động vật như thế.
Ở đây núi cao rừng sâu, nào ai biết nó từ đâu chui ra! Nó tiếp tục đi ra khỏi thị trấn, rồi biến mất giữa rừng bia mộ.
Chu Xung và Lục Lục đã đoán mấy chữ ấy không phải “kẻ đoạt mệnh” và rất có thể nó là một tên một thị trấn nhỏ.
Nhưng họ đã lên mạng tra cứu gần một tiếng đồng hồ, vẫn không tìm thấy một địa danh có âm đọc tựa như “à …in…”
“Em cảm thấy thị trấn đó thuộc đại phận Đồng Hoảng.”
“Rất có khả năng này.”
“Chúng ta đến đó một chuyến?”
“Em đã đi một lần rồi, không kết quả gì.
Lần này chúng ta phải tìm hiểu kĩ đã rồi hãy lên đường.”
“Tìm hiểu thế nào?”
Chu Xung trầm ngâm một lúc, rồi nói: “Tìm người mù.”
Lục Lục bừng tỉnh.
Ông ta đưa ra câu đố thì lời giải phải ở chỗ ông ta.
Chu Xung lại nói: “Tìm thấy ông ta, anh sẽ hỏi thẳng luôn mấy chữ là gì.
Nếu ông ta vẫn làm ra vẻ bí hiểm thì anh nện luôn!”
Lục Lục vội can ngăn: “Đừng nên hà hiếp người khuyết tật.”
“Anh ngờ rằng tất cả là do ông ta bày trò.”
“Nhưng ta sẽ đi đâu để tìm ông ta?”
“Lại xuống hành lang ga tàu điện ngầm.”
“Liệu ông ta có xuất hiện ở đó không?”
“Chắc chắn ông ta đang chờ chúng ta.”
“Tức là, bây giờ anh đã công nhận rằng ông ta cố ý mai phục chúng ta!”
“Đúng! Cũng như ông ta cố ý ngồi gần nhà Hồ Tiểu Quân để chờ cô ấy.”
“Nếu Tiểu Quân mãi mãi mất tích thì anh có mãi mãi đi tìm cô ấy không?”
“Có thể.”
“Anh không sợ em giận à?”
“Em nghĩ xem, anh có phải là người em yêu nhất không?”
“Đúng thế!”
“Người mà em yêu nhất lại rất yêu người khác, thì người khác đó cũng là người em rất yêu, đúng không?”
“Đừng ràng buộc nhau kiểu ấy! Người mà em yêu nhất rất hận một người khác, thì chắc chắn em cũng hận người khác ấy; người mà em yêu nhất lại rất yêu một người khác, thì đó cũng là một người em rất hận!”
“Thế thì tại sao em vẫn cùng anh đi tìm cô ấy?”
“Là vì… cô ấy cũng là bạn em.”
“Nếu một người bạn khác mất tích liệu em có đi tìm không?”
“Chưa chắc.”
“Thế thì không được!”
Lục Lục thụi Chu Xung một cái: “Nói đi nói lại… cuối cùng thì vẫn vì anh, thế thôi!”
Chu Xung hôn cô, hình như là một sự đền đáp.
“Bài hát “Yêu hết mình” anh soạn cho trang web “Lưới tình”, là bài dành cho cô ấy phải không?”
“Có vẻ như thế không?”
“Anh nên nhớ em là dân chữ nghĩa.”
“Có thể là… cô ấy cho anh một chút cảm hứng, nhưng chắc chắn bài hát đó không phải dành cho cô ấy.
Nam giới hay có những ảo tưởng tốt đẹp về tình yêu, và luôn cố tô điểm để nó ngày càng đạt tới sự hoàn mỹ, nhưng càng tô điểm, nó lại càng trở nên mơ hồ; khiến người ta tưởng như trong cuộc sống hiện thực, không có gì có thể thay thế cho hình ảnh ấy.
Thực ra bài hát “Yêu hết mình” thể hiện một nỗi tuyệt vọng của anh.”
“Có phải nam giới các anh khi tự sướng sẽ tưởng tượng đến những ảo tưởng đó?”
“Không, lúc đó người ta thường nghĩ đến một người khác giới cụ thể.
Thậm chí có thể là một chị bán bánh rán ở cổng khu chung cư! Còn nữ giới thường thích coi một nam giới hoàn mỹ nào đó là đối tượng làm tình trong giả tưởng.”
“Anh quái thật đấy! Biết cả con gái đang nghĩ những gì!”
“Anh nghe em nói ra trong lúc ngủ mê.”
“Đồ khỉ ạ!”
“Em đoán xem, chúng ta ngủ với nhau đêm nào là hôm nào là hôm đáng nhớ nhất?”
“Không biết!”
“Đoán xem?”
“Lần đầu tiên?”
“Không! Mà là cái đêm ở dưới tầng hầm kịch viện Bắc Kinh.”
“Tại sao?”
“Anh cũng không biết diễn tả thế nào.”
Đêm, Lục Lục nằm trên giường, cô nhớ lại bộ dạng người mù, cô bỗng có cảm giác ông ta tựa như một bà đỡ đến từ một thế giới khác.
Cái từ “bà đỡ” khiến cô giật mình.
Tại sao cô lại nghĩ đến từ này nhỉ? Cô không dám nghĩ thêm nữa.
Sắp 12 giờ đêm, cô ngỡ Chu Xung nằm bên đã ngủ say, không ngờ anh bỗng nói rất tỉnh táo: “Anh có linh cảm Tiểu Quân lành ít dữ nhiều mất rồi.”
“Hả?”
“Cả người bạn trai của Khúc Thiêm Trúc nữa.
Đều không thể trở về.”
Chu Xung vốn tương đối sáng suốt, thế mà đêm khuya bỗng nói ra điều này.
Lục Lục rùng mình.
“Còn… Trường Thành thì sao?”
“Không biết.”
“Đừng nghĩ nhiều.
Em cho rằng cô ấy sẽ không sao cả.
Mai, nếu tìm thấy người mù thì anh đừng ép buộc người ta, cứ để em nói chuyện ôn hòa.”
“Còn tùy xem ông ta có biết điều hay không.”
“Thôi nào!”
“Ngủ đi!”
Hôm sau, vào giờ đi làm, Lục Lục và Chu Xung xuống hành lang thông với ga tàu điện ngầm.
Hôm nay là ngày 24 tháng 12.
Người qua lại rất đông.
Hơn chục sạp hàng tạp hóa bày dọc hai bên, chỉ còn chừa lại một lối đi hẹp ở giữa.
Anh chàng thấp bé hát rong lại đến, tiếp tục hát bài “Thảo nguyên”, giọng hơi buồn bã, rất không hợp với cảnh thành phố náo nhiệt.
Hai người đi lướt một vòng, không thấy bóng người mù đâu.
Chu Xung rút ra 50 đồng bỏ vào cái hộp bìa xanh của anh ta.
Anh ta chẳng buồn nhìn, tiếp tục say sưa hát.
Chu Xung yên lặng đứng bên, Lục Lục khoác tay anh đứng nghe.
Chờ cậu ta hát xong, Chu Xung hỏi: “Chú em có thấy ông thầy bói mù đến đây không?”
“Ngày nào ông ta cũng có mặt, nhưng chỉ buổi chiều mới đến.”
Chu Xung: “Cảm ơn.” Rồi anh nói với Lục Lục “Chiều ta lại đến chờ vậy.”
Cả hai bước đi không xa, lại ghe tiếng ghi-ta vang lên.
Khoảng hơn ba giờ chiều Chu Xung và Lục Lục quay lại.
Các sạp hàng đã vãn đi rất nhiều, cũng không thấy anh chàng hát rong đâu nữa.
Hai người tìm khắp vẫn không thấy người mù ấy đâu.
Lục Lục nói: “Hay là… mai ta lại đến?”
Chu Xung bảo cô: “Chờ một chút nữa.” Và hậm hực bổ sung: “Anh sẽ chờ lão đến cùng.”
Cả hai lững thững đi đi lại lại, bỗng nghe thấy tiếng hô: “Bảo vệ đến!” Chủ các sạp hàng rong vội dọn hàng rất nhanh rồi chạy biến.
Ba người bảo vệ mặt lạnh như tiền xuất hiện.
Một tiểu thương chạy chậm, bị tóm cổ.
Mấy chục bộ quần áo bị tịch thu; ba người bảo vệ bỏ đi, người chủ hàng chạy theo luôn mồm nài nỉ xin họ “tha”.
Tuyến hành lang bỗng vắng lặng.
Chu Xung và Lục Lục tiếp tục lượn lờ, lúc này trông họ thật lạc lõng.
Chu Xung bỗng nói: “Ở kia!” Lục Lục nhìn sang.
Người mù đã xuất hiện! Ông ta mặc áo gió màu xanh, đeo kính râm, lưng đeo ba lô màu đen, tay cầm gậy trúc dò đường từ từ bước.
Chu Xung định cất bước thì Lục Lục ngăn lại.
Rồi cô bước đến.
“Ông ơi.” Lục Lục gọi.
Người mù dừng lại, nghiêng đầu nghe.
“Tôi và ông đã từng nói chuyện.”
“Hả?” ông ta đáp ứng rất nửa vời, mơ hồ.
“Hôm đó ông nói: người ta chết, như ngọn đèn tắt, nhưng không phải là hết sạch; mà chỉ là bỗng dưng tối sầm.
Con người ở thế giới bên kia không còn thể xác, chỉ còn ý thức; giống như trạng thái nằm mơ… Ông đã nhớ ra chưa?”
“Ừ.”
Chu Xung đứng bên gườm gườm nhìn cặp kính râm của ông ta, cứ như là sẵn sàng cho ông ta một cái tát.
“Ông nói là ông có thể cho tôi biết: tôi và bạn trai, ai chết trước ai chết sau; và còn đưa tôi một mảnh giấy.
Nên tôi muốn tìm ông để hỏi xem mấy chữ nổi đó là ý gì.
Tôi xin trả thêm phí tư vấn.”
Người mù khẽ nói: “Cô thật nhiệt tình.
Vậy tôi sẽ nói cho cô biết đó là một địa chỉ.”
“Địa chỉ gì?”
“Là thị trấn Đa Minh thuộc Đồng Hoảng tỉnh Quý Châu.”
Lục Lục và Chu Xung đưa mắt nhìn nhau.
Người mù nói tiếp: “Cách đây một trăm năm, ở đó tổ chức một đám cưới ma.
Nếu cô tìm đến đúng nơi làm đám cưới ấy rồi chụp bức ảnh chung, thì sẽ biết ai chết trước, ai chết sau.
Trong bức ảnh đó, người sẽ phải chết trước nhất định nhắm mắt.
Tuy nhiên, ảnh phải chụp vào ngày Chủ nhật.”
Tuy Chu Xung đứng đó không hề lên tiếng, nhưng người mù vẫn ngoảnh mặt sang phía anh, rồi nói tiếp: “Đôi trai gái nào cũng phải chung một kết cục: một người chết trước một người chết sau.
Xét từ khía cạnh này thì bất cứ đám cưới nào cũng là đám cưới ma.”
Lục Lục thầm nguyền rủa: đúng là nói gở! Nhưng cô chỉ nói: “Ông bỏ quá cho nhé, ông nói trong bức ảnh chụp nhất định phải có người nhắm mắt, thì tôi không tin lắm.”
Một bên mặt của người mù có nét kỳ quái, ông ta dằn từng tiếng một: “Các vị cứ đi thử xem.”
Lục Lục hỏi: “Tại sao sẽ là như thế? Tôi chỉ là một người bình thường, mong ông chỉ bảo cho?” Cô vừa nói vừa lấy ra tờ 50 đồng đưa vào tay người mù.
Những ngón tay nhợt nhạt của ông ta mân mê tờ giấy bạc, cẩn thận gấp đôi lại nhét vào túi áo.
Rồi chậm rãi nói: “Tôi lên lớp cho mà nghe vậy.
Huyền diệu nhất trên đời là thứ gì? Thời gian! Các nhà khoa học nói: vụ Big Bang trong vũ trụ là khởi đầu của thời gian, trước đó không có thời gian! Không có thời gian nghĩa là gì, tôi khuyên cô khỏi cần băn khoăn, nếu không cô sẽ loạn óc mất! Sinh hay tử, nói cho cùng, đó là bí mật của thời gian.
Không thể níu giữ thời gian, nhưng nhân loại đã phát minh ra máy ảnh, đó là ảo tưởng níu giữ thời gian.
Vậy máy ảnh chính là sự sơ hở của thiên cơ.”
Ông ta nói thế cũng hơi có lý.
Khi xưa máy ảnh du nhập vào Trung Quốc, một số quan lại nhà Thanh kiên quyết không chụp ảnh, vì sợ rằng cái của nợ ấy sẽ bắt mất hồn phách của họ.
Sắc mặt Chu Xung cũng hơi thay đổi, có vẻ nghiêm túc hơn.
Có lẽ anh nhận ra rằng người này chẳng phải hạng tầm thường, cái mặt ông ta không phải cứ muốn là có thể tát được!
Người mù nói tiếp: “Máy ảnh do một người Pháp là ông Louis Jacques Mandé Daguerre phát minh năm 1839, trước đó người ta ra sức nghiên cứu nguyên lý đục lỗ làm ra hình ảnh.
Cuốn “Mặc Kinh” thời Xuân Thu – Chiến quốc có nói về điều đó.
Nhà khoa học thời Bắc Tống là Thẩm Quát cũng viết trong cuốn “Mộng Khê bút đàm” rằng, đại dương xuất hiện trên trời, đỉnh bảo tháp chúc xuống dưới, là chuyện rất bình thường.
Cũng có nghĩa là loài người vẫn muốn thử cưỡng lại thời gian, vẫn đang khám phá bí mật về sinh tử… Thôi, tôi phải về nhà.”
Câu nói cuối cùng quá đột ngột, Lục Lục ngớ ra, vội nói: “Vâng, cám ơn ông.” Người mù cười khô khốc, khua cây gậy dò đường bước về đầu kia của tuyến hành lang tàu điện ngầm.
Chu Xung nói nhỏ: “Bám theo ông ta.”
Lục Lục nhìn anh, không hiểu ý.
“Cứ nghe anh!”
Anh kéo Lục Lục đi theo người mù, ra khỏi hành lang lên phố, lập tức nghe thấy tiếng còi ô tô inh ỏi.
Người mù chầm chậm bước trên vỉa hè đi về phía trước.
Chu Xung và Lục Lục lên chiếc xe đạp ba bánh chở người, gọi là xe lôi.
Chu Xung nói nhỏ với anh lái xe: “Đi theo người mù kia!”
Người đạp xe hỏi: “Đi đâu?”
Chu Xung nói: “Ông ta đi đâu, anh đi theo đó.”
Xe lôi chầm chậm tiến lên.
Lục Lục không biết Chu Xung định làm gì, cô im lặng cùng anh nhìn theo bóng người mù.
Ông ta khiếm thị nhưng vẫn cúi đầu nhìn đường theo bản năng.
Bước đi rất chậm, không đi theo đường thẳng, luôn đưa gậy ra ra dò đường, lúc bước sang trái lúc tạt sang phải, đi như hình chữ Z.
Phía trước có một đôi nam nữ đi lại, vui vẻ nói cười, suýt va phải người mù, họ cười phá lên rồi tránh sang bên.
Ông ta vẫn cúi đầu, chuệch choạng bước đi.
Lục Lục và Chu Xung đi theo ông ta hết phố này sang phố khác, rất đơn điệu, Lục Lục nói: “Ta về thôi.”
Chu Xung: “Tiếp tục bám theo.”
Đi vài chặng nữa thì ra đến ngoại ô phía đông Bắc Kinh, nhà cửa thấp dần, người đi đường cũng thưa thớt.
Người mù đứng lại bên một cái cổng lớn, rồi dò gậy, từ từ bước vào.
Bên cạnh cái cổng lớn có tấm biển gỗ viết: “Xưởng hóa chất Đông Giao.” Dân Bắc Kinh đều biết tháng Tư năm ngoái nhà kho của xưởng này có vụ cháy nổ, 18 người chết, gần trăm người bị thương, lúc đó nơi này biến thành biển lửa, mấy tòa nhà biến thành đống gạch vụn…
Lục Lục khẽ nói: “Ông ta vào đó làm gì nhỉ?”
Chu Xung nói: “Rất có thể ông ta hỏng mắt trong vụ hỏa hoạn ấy…”
Họ đang nói thì người mù lại trở ra, hình như đi nhầm đường.
Ông ta đứng lại chốc lát rồi tiếp tục bước đi.
Anh lái xe tỏ ra rất thạo việc, chờ người mù đi vài chục bước rồi anh mới đạp xe bám theo.
Cứ thế đi mãi, rồi người mù rẽ vào một con ngõ yên tĩnh.
Kể cũng may, xe lôi hầu như không phát ra tiếng động nếu cứ giữ khoảng cách hợp lý thì đối phương không thể biết mình bị bám đuôi.
Bỗng nhiên người mù rảo bước, có vẻ như ông ta rất quen với con ngõ này, rất có thể nhà ông ta ở gần đây cũng nên.
Lục Lục mở to mắt.
Người mù bước đi càng lúc càng nhanh, rồi ông ta cầm cây gậy lên, không cần dò đường, đầu cũng ngẩng lên, bước thẳng về phía trước…
Lục Lục nắm chặt cánh tay Chu Xung.
Chu Xung mắt vẫn dõi theo người mù, khẽ nói: “Em đã nhận ra vấn đề rồi chứ?”
Tiếp đó, người mù bước nhanh, gần như chạy, anh lái xe phải đạp cật lực mới không bị ông ta cắt đuôi.
Lục Lục căng thẳng: “Ông ta… thế là thế nào?”
Chu Xung lầm bầm: “Còn gì nữa? Trò bịp bợm!”
Cuối cùng người mù dừng lại trước một cái cổng nhỏ.
Chắc ông ta đã về đến nhà.
Chu Xung nói nhỏ: “Dừng!”
Xe lôi lập tức dừng lại.
Chu Xung kéo Lục Lục xuống xe, nhanh chóng dúi vào tay anh lái xe tờ giấy bạc.
Rồi cả hai rảo bước về phía người mù.
Nghe thấy tiếng bước chân của họ, ông ta bèn dừng lại, mặt ngoảnh về phía hai người.
Chu Xung chạy đến trước mặt ông ta, đưa tay giật phắt cái kính râm xuống.
Lúc này Lục Lục cũng chạy đến nơi.
Lần đầu tiên nhìn thấy cả khuôn mặt người mù, Lục Lục kinh ngạc: hai mí mắt của ông ta gần như dính vào nhau chỉ còn hé ra hai cái lỗ nhỏ bất quy tắc; nhìn vào hai cái lỗ ấy chỉ thấy con mắt thành sẹo khô, không có con ngươi, chỉ có lòng trắng trông thật khốn khổ.
Chu Xung cũng ngớ ra, đúng là ông ta mù thật! Nhưng tại sao vừa nãy ông ta còn đi nhanh hơn cả người bình thường? Thậm chí không cần gậy dò đường vẫn tránh được các cột đèn!
Người mù bình tĩnh hỏi: “Anh định làm gì?”
Chu Xung im lặng, đưa trả ông ta cặp kính râm.
Ông ta lại đeo lên mắt rồi cầm gậy dò mặt đường, bước vào cái cổng.
Chỉ là căn nhà rất xập xệ, cổng không cánh cửa.
Trong sân có hai gian nhà thấp lè tè, cửa đang khóa, bên cạnh là hai gian trái còn thấp hơn, cửa sổ treo tấm rèm bẩn lem nhem.
Chắc đó là chỗ để các đồ linh tinh.
Ông ta bước vào gian trái ấy, đóng cửa “xịch” một cái.
Nhìn từ ngoài vào có thể đoán được chỗ đó chỉ kê một cái giường đơn.
Chu Xung kéo Lục Lục rón rén bước vào, ngó nhìn hai bên, anh sợ chó sổng ra.
May mà không có chó.
Cả hai bước đến bên cửa sổ gian trái, dỏng tai nghe lén.
Có tiếng người mù đang nói chuyện.
Chẳng lẽ căn nhà bé xíu này có thể chứa thêm một người nữa? Hình như ông ta lấy ra một thứ gì đó rồi lẩm bẩm: “Đừng tranh nhau, mười một người ai cũng có phần.
Ăn đi, ăn đi!” Lẽ nào trong đó có mười một người?
Khi Lục Lục và Chu Xung về đến nhà thì trời đã tối.
Họ không hiểu nổi tại sao người mù ấy bước vào xưởng hóa chất rồi lại đi ra? Mắt đã hỏng, tại sao ông ta có thể chạy nhanh như thế? Và, gian nhà bằng cái bao diêm, sao có thể chứa mười một người?
Chu Xung nói: “Kệ ông ta.
Mai chúng ta sẽ đi Quý Châu tìm Hồ Tiểu Quân.”
Lục Lục chần chừ: “Để đảm bảo an toàn, ta nên tìm hiểu rõ về người mù kia đi…”
Chu Xung quyết định: “Tiểu Quân đang nguy ngập, ta phải hành động gấp.”
Nói rồi anh vào thư phòng, lên mạng tra cứu về Đồng Hoảng.
Lục Lục không nói gì nữa, cô đi đánh răng rửa mặt.
Bước vào toilet cô nhìn khắp lượt, rất sạch sẽ, cái nắp cống vẫn chặn kín.
Lúc lấy bàn chải đánh răng, cố vẫn cố nhìn thật kỹ rồi đưa tay sờ.
Chính xác không phải sâu bọ gì cả.
Thế nhưng lúc đánh răng, Lục Lục vẫn thấy hơi ghê, cô có cảm giác sợi bàn chải răng giống như những cái chân con sâu đang dính vào răng…
Bỗng nghe thấy tiếng Chu Xung gọi: “Lục Lục!”
Anh thường gọi cô là “em ơi”.
Khi gọi “Lục Lục”tức là đã có chuyện gì đó.
“Sao?”
“Tấm ảnh cưới ma lại xuất hiện!”
“Thế ư?”
“Em vào đây!”
Lục Lục vội súc miệng rồi chạy vào thư phòng.
Sắc mặt Chu Xung rất khác thường, anh nói: “Em nhìn xem, trong ảnh này là ai?”
Anh nói thế khiến Lục Lục hơi sợ không dám xem.
Anh gọi to: “Mau lại nhìn đi!”
Cô bước lại.
Trên màn hình máy tính lại là tấm ảnh cưới ma!
Cô nhìn kỹ, rồi thấy toàn thân dần lạnh buốt, phát run… Không phải lần đầu nhìn thấy tấm ảnh cưới ma, nhưng sao lần này cô thấy quá kinh hãi, cô không hiểu.
Cô có cảm giác ảnh này hơi quen quen.
Cô thấy ớn lạnh từ trong xương tủy.
Vẫn thế, tấm ảnh chẳng có gì khác.
Vẫn là ảnh đen trắng được tô màu trông rất kỳ cục.
Vẫn là một nam một nữ, nam đội mũ phớt đen mặc áo dài và áo chẽn, trước ngực cài bông hoa hồng trên nền lá xanh đen; nữ nhắm mắt, mặc áo váy đen, đầu chít đai thất tinh như trong các vở hí kịch, chính giữa gắn bông hoa màu đen, hai dải lụa to thả từ đôi vai xuống, trông rất giống mảnh băng đen cài trên vòng hoa viếng đám tang, phía dưới lộ ra hai bàn chân thon nhỏ…
Rồi Lục Lục nhìn khuôn mặt cô gái kĩ hơn.
“Là… ai thế kia?”
Chu Xung: “Nhìn lại xem.”
Lục Lục lại chăm chú nhìn.
Rồi đầu cô như vỡ òa, choáng váng.
Cô gái đó là Hồ Tiểu Quân!
Truyện khác cùng thể loại
19 chương
45 chương
10 chương
102 chương
5 chương
64 chương