Xử trí như vậy có thể vì muốn cho lão bát cổ một cái thang để leo xuống, cũng có thể là để chứng tỏ Khang Hi vẫn rất coi trọng lễ giáo truyền thống, dù sao lão Phương Đình này cũng là do Khang Hi ngàn chọn vạn tuyển để làm thầy giáo cho con mình, có thể thấy lão cũng là người đức cao vọng trong trong đám văn nhân.
Khang Hi mệnh cho Dận Chỉ lấy bức tranh trân quý từ trong thư phòng ra, hàn lâm học sĩ Trần Bang Ngạn cũng nhân cơ hội lấy bản biên tập bức tranh đề thơ thời Đường Tống của mình ra, xin Khang Hi bình phẩm.
Cùng lúc đó, Cố Minh giới thiệu Đông Thục Lan cho các họa sĩ cung đình.
Lang Thế Ninh mừng rỡ: “Lucia cũng vẽ tranh sao? Tranh vẽ có đẹp không? Vẽ về cái gì? Con người, phong cảnh hay hoa cỏ (tiếng Tây Ban Nha)?”
“Mời nói tiếng Italy. Như vậy người phiên dịch sẽ có việc để làm, những người khác cũng nghe hiểu được (tiếng Tây Ban Nha).” Đông Thục Lan không muốn vừa trả lời vừa phiên dịch đâu, nàng cũng không muốn đoạt bát cơm của người khác, người ta cũng có mẹ già con nhỏ.
“A, xin lỗi (tiếng Italy).” Lang Thế Ninh ôm quyền tỏ ý xin lỗi, rồi hắn lại dùng tiếng Italy hỏi lại một lần. Phó Thế Sơn bận rộn phiên dịch.
“Hoa cỏ. Đặc biệt là hoa hướng dương! Có thể nói là tuyệt bút!” Cố Minh cướp lời: “Thứ phúc tấn ở phương diện này có thiên phú hơn người. Nàng ở trước mặt mọi người vẽ ra một bức tranh hoa hướng dương, vẽ xong liền thu hút rất nhiều ong bướm bay tới đậu trên bức họa. Đáng tiếc là tại hạ mặc dù từng cả gan chỉ điểm thứ phúc tấn một hai trên phương diện vẽ vời nhưng lại không có vinh hạnh được nhìn thấy đàn bướm bay lượn trên bức tranh, quả là đáng tiếc, đáng tiếc!” Miệng thì nói đáng tiếc nhưng trên mặt lại tràn đầy kiêu ngạo.
Lời của Cố Minh khiến cho Lang Thế Ninh sợ hãi than: “Lucia thân ái, làm ơn hãy để cho tất cả mọi người được thưởng thức tác phẩm của nàng đi, chuyện này thật là khó tin.” Phó Thế Sơn cũng đi theo phiên dịch, tất nhiên là hai chữ “thân ái” đã được tự động lược bỏ.
“Chỉ tiếc chí hướng của thứ phúc tấn không để ở nơi này, kẻ từ khi nàng vẽ xong bức họa hoa hướng dương thu hút vô số ong bướm kia thì không bao giờ động tới bút vẽ nữa. Đây đúng là tổn thất lớn của giới hội họa Đại Thanh!” Một vị họa sĩ khác cũng vô cùng đau đớn cảm thán.
Ô Lạt Na Lạp Thị buồn cười nhìn về phía Đông Thục Lan xem nàng có đỏ mặt chút nào không, đáng tiếc người nào đó da mặt rất dày, không có một chút biến hóa nào cả. Trên thực tế, mỗ Lan căn bản cũng chẳng cảm thấy có gì phải xấu hổ, bở vì Cố Minh nói đều là sự thật, không thêm thắt, hư cấu bất kì điều gì, nên tất nhiên là nàng sẽ thản nhiên thừa nhận mấy lời khen đó.
Mặc dù Dận Chân biết rõ những người này nhiệt tình như vậy hoàn toàn là do tình yêu cuồng nhiệt đối với nghệ thuật vẽ tranh, nhưng cứ nhìn thấy cảnh Lang Thế Ninh nhiệt tình nói chuyện bằng tiếng Italy cùng cảnh đám người Cố Minh vây quanh Đông Thục Lan là hắn liền cảm thấy tâm phiền ý loạn.
“Lang linh mục gọi nàng là Lucia sao?” Dận Chân chuyển đề tài.
Ô Lạt Na Lạp Thị quá hiểu Dận Chân nên ngửi được mùi thuốc súng trong giọng nói của hắn.
Đông Thục Lan sửng sốt, không ngờ gia lại đột nhiên nói vậy. Nàng vội nhún gối, cúi đầu trả lời: “Bẩm gia, Lucia là tên phụ nữ Tây Ban Nha thường dùng nhất. Lúc trước, Lang linh mục hỏi tục danh của thiếp thân, thiếp thân cảm thấy nếu chỉ nói cho linh mục biết họ của mình thì với vốn tiếng Hán bây giờ của linh mục chắc chưa thể đọc đúng được, nếu nói cho linh mục biết khuê danh của thiếp thân thì vô cùng không hợp lễ. Nhưng linh mục đến Đại Thanh chưa lâu, chưa có đủ hiểu biết về lễ giáo, quy củ của Đại Thanh ta. Có câu người không biết thì không có tội. Vì vậy, sau khi suy đi tính lại thì thiếp thân liền nghĩ ra tên người Tây Ban Nha thường dùng nhất để cho linh mục gọi.”
“Phó Thế Sơn.” Dận Chân thuận thế gọi.
“Có hạ quan.”
“Tìm một quan lễ nghi, ta muốn Lang Thế Ninh có thể hiểu rõ lễ nghi quy phạm của Đại Thanh ta trong thời gian ngắn nhất.”
“Rõ.”
Xung quanh vô cùng yên ắng, dù lời của Tứ bối lặc không lớn, nhưng sắc mặt lại vô cùng nghiêm túc, vài người thông minh âm thầm suy đoán, không biết Lang Thế Ninh vì sao mà đắc tội Tứ a ca. Đúng lúc này Khang Hi đã bình thơ xong, đang ngắm tranh, sai người đưa các thợ vẽ đi. Mọi người cũng nhân cơ hội này rời đi chỗ khác. Lang Thế Ninh cũng bị Phó Thế Sơn lôi đi theo.
“Thục Lan.” Sau khi đám người tản đi, Ô Lạt Na Lạp Thị mới mở miệng.
“Phúc tấn.” Đông Thục Lan vội cúi đầu làm bộ nhận tội.
“Sau khi về chép Nữ giới mười lần.”
“Dạ.”
“Đừng tưởng bình thường ta dung túng muội thì muội có thể cả gan làm loạn.”
“Thục Lan không dám, Thục Lan biết sai rồi.” Sau đó Đông Thục Lan bước đến bên cạnh Ô Lạt Na Lạp Thị: “Phúc tấn, hôm trước thiếp thân phát hiện tập thi từ Nạp Lan Dung Nhược(*) để lại trong thư phòng lúc theo Hoàng thượng xuống Giang Nam.”
(*) Nạp Lan Tính Đức, tên nguyên là Thành Đức, tự Dung Nhược, hiệu Lăng già sơn nhân (1655-1685) là một từ nhân người Mãn Châu đời nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc. Ông được biết đến như là một tài năng văn chương, tài hoa nhưng yểu mệnh, được tôn là “Thanh sơ đệ nhất từ nhân”.
“Muội muốn nói điều gì?”
“Thục Lan biết phúc tấn rất có hứng thú với thi từ mang phong cách Nam Đường hậu chủ(*) của Nạp Lan. Nếu như khẽ nhắc nhở chủ nhà thì tất nhiên là vị đại nhân kia sẽ vô cùng vui mừng dâng tập thi từ cho phúc tấn. Chuyện nhỏ như vậy nhưng nếu bối lặc gia biết thì nhất định sẽ không vui.”
(*) Lý Dục (937-978) tự Trùng Quang, hiệu là Chung Ẩn, người đời quen gọi là Nam Đường Hậu Chủ. Ông là người nhân hậu minh mẫn, văn hay hoạ khéo, biết âm luật. Ông tự hiệu là Chung Nam ẩn sĩ.
Ông là người yếu đuối, ủy mị, nên từ của ông cũng mang vẻ sầu bi, đa cảm.
Từ của Nạp Lan Dung Nhược cũng mang phong cách thê lương, bi thảm, phảng phất phong cách của Nam Đường hậu chủ.
Từ là một thể loại văn học, có số chữ trong bài cố định, câu dài ngắn, và phối hợp chặt chẽ với âm nhạc.
Một bài từ của Nam Đường Hậu chủ
Một bài từ của Nạp Lan Dung Nhược
“Cho nên Thục Lan nghĩ, Nữ giới thì Thục Lan nhất định sẽ chép đủ để tỏ lòng ăn năn hối lỗi, sáng sớm ngày mai Thục Lan sẽ dâng bản chép phạt thứ nhất lên cho phúc tấn. Về phần chín bản Nữ giới còn lại, sao không sửa thành chép phạt tập thi từ của Nạp Lan? Coi như là một công đôi việc. Không biết phúc tấn thấy thế nào?”
“Muội ấy, muội cứ thế này thì ta cũng chẳng biết phải nói là tốt hay xấu nữa. Ở bên ngoài không thể bằng khi ở trong phủ, nhất định phải chú ý tránh mọi hiềm nghi, đừng bao giờ để người khác bắt được điểm yếu.”
“Thục Lan xin ghi nhớ lời dạy bảo của phúc tấn.”
“Sáng sớm mai nộp trước một bản Nữ giới.”
“Tạ phúc tấn khai ân.”
Hai người nói xong liền đuổi theo Dận Chân. Chờ hai người rời đi, ở sau một thân cây cách đó không xa có hai người cầm ly rượu bước ra, một người đối với thư họa không có hứng thú là Thập a ca Dận Nga, một người thì lại rất có hứng thú với giá bán của thư họa, là cửu a ca Dận Đường.
Dận Nga đung đưa ly rượu: “Nữ nhân này đúng là gặp người nói tiếng người, gặp quỷ nói tiếng quỷ (giỏi tùy cơ ứng biến). Hôm nay đúng là được mở rộng tầm mắt. Cửu ca, ngày trước huynh thua cuộc là đúng rồi, không hề oan uổng tí nào. Huynh nên thấy may vì Tứ ca sẽ không để cho nữ nhân này quản lý một phần cửa hàng của huynh ấy, nếu không sợ rằng huynh phải húp cháo loãng qua ngày rồi.”
Dận Đường lắc đầu, “Nữ nhân này thì chỉ được cái miệng lưỡi lợi hại chút thôi, những chuyện khác cũng không có gì đặc biệt. Theo ta thì người lợi hại là Tứ ca! Đệ thử nghĩ xem, bức tranh hoa hướng dương kia giờ đã có người ra giá hơn vạn lượng hoàng kim để mua, nhưng Tứ ca không những không chịu buông tay mà còn sai người làm bản sao, mượn danh để bán, lại có tin đồn rằng bản sao mua về cũng thu hút bướm đến đậu bên trên, khiến người người tranh nhau mua, đúng là vớ vẩn hết sức. Đông Giai Thị kia thì được gì chứ, nghe nói nàng ta chẳng biết gì đến chuyện buôn bán. Còn về chuyện của Tòa Thánh La Mã, là Đông Giai Thị mách nước thật đấy nhưng đến cuối cùng dù Tứ ca lời được một khoản lớn thì nữ nhân kia cũng chỉ lấy được một đống sách.”
“Nhưng không phải nàng ta muốn sách sao? Bây giờ cả kinh thành có ai không biết trong phủ Tứ ca có một thứ phúc tấn Đông Giai Thị yêu sách thành ngốc.”
“Có tiền thì sách nào chẳng mua được?!” Dận Đường khinh bỉ nói, uống một ngụm rượu.
“Cũng đúng.” Dận Nga gật đầu đồng ý.
“Bản thân đệ cũng đồng ý với Thập ca.” Thập Tứ a ca Dận Trinh từ phía khác xuất hiện.
“Tại sao?” Dận Đường nhướng mày.
“Chưa nói đến việc này đối với Đông Giai Thị là lợi hay hại, không thể phủ nhận rằng, hai lần trúng mánh của Tứ ca đều có liên quan đến nữ nhân này. Như Thập ca nói, nếu như Tứ ca để cho nữ nhân này quản lý một phần làm ăn buôn bán của mình, bằng vào tài ăn nói của nữ nhân này cộng với chỗ dựa phía sau là Tứ ca, hai người bắt tay, Cửu ca à… việc buôn bán của huynh sợ rằng sẽ bị sa sút không ít. Điều đáng tiếc chính là, nàng ta họ Đông Giai, cho nên sẽ không trở mình được. Nhưng nói đi nói lại, cũng chính bởi vì nàng ta họ Đông Giai cho nên Tứ ca sẽ không để cho nàng nhúng tay vào việc làm ăn của mình. Tứ ca sẽ không bao giờ để cho ngoại thích nắm được điểm mấu chốt của huynh ấy.” Dận Trinh chắp tay sau lưng, thoải mái giải thích.
“Được rồi, nói ít đi. Chỗ Tam ca còn đang làm gì?” Dận Nga có chút khó chịu. “Khó hiểu thật, mấy bức thư họa này sao lại có nhiều chuyện để nói vậy chứ.”
“Khi đệ tới thì Trần Bang Ngạn đang xin Hoàng a mã đặt tên cho bức họa.” Dận Trinh trả lời. “Tám phần là sắp truyền yến nên Bát ca bảo ta tới tìm hai vị ca ca.”
Ba người đi về phía đại sảnh…
Bản biên tập lại các tác phẩm thư họa từ thời Đường Tống của Trần Bang Ngạn được đích thân Khang Hi đề tên “Thư họa qua các triều đại”.
Truyện khác cùng thể loại
37 chương
100 chương
4707 chương
72 chương
510 chương
46 chương