Chu Quốc Cường lại vào thị trấn một chuyến, mua một cái cân lớn và một cái cân nhỏ. Cân lớn để lúc mua lợn dùng, cân nhỏ để lúc bán thịt dùng. Chờ mọi thứ được chuẩn bị xong, hai vợ chồng bắt đầu bận rộn. Chu Quốc Cường đạp xe ba bánh đi khắp các thôn gần đó, tìm xem có nhà nào muốn bán lợn không. Ông vốn giết lợn thuê cho người khác, lợn nhà ai đã lớn muốn bán đều biết, rất ít khi về tay không. Ông lại trả bằng tiền mặt, giá cả cao hơn người từ trong thị trấn xuống thu gom. Vì thế, nhà nào có lợn đều muốn bán cho ông. Chu Quốc Cường đạp xe chở lợn về nhà, quay lại nghề cũ của mình: Đồ tể. Đến phiên chợ, mang thịt lợn cắt sẵn ra chợ bán. Chu Tiểu Vân tìm mấy thùng các-tông bỏ đi, dùng bút lông viết mấy chữ to “Thịt heo tốt nhất, giá thấp nhất”, cắm trước xe ba bánh. Mọi người nhìn thấy có tấm biển lớn rất ngạc nhiên, khiến cho Chu Quốc Cường có nhiều khách hơn. Trên chợ cũng có một vài người bán thịt heo nhưng rất ít người bán lâu dài như Chu Quốc Cường. Lúc mới bắt đầu bán, ông thà rằng kiếm ít tiền hơn để tạo danh tiếng tốt, cố gắng giảm giá thấp hơn một phần. Đồng thời, cân đủ, không cân thiếu, khiến cho người đến mua hài lòng ra về, rối rít khen Chu Quốc Cường buôn bán thật thà. Có người nghe nói chuyên đến quầy của ông mua thịt. Không lâu sau, quầy thịt lợn của ông lấy giá rẻ làm ưu thế, trở thành quầy hàng đông khách nhất chợ. Triệu Ngọc Trân luôn đi bán cùng chồng, mang theo Tiểu Bảo và Nhị Nha ở bên cạnh, vừa bán hàng vừa trông con không ảnh hưởng gì. Khi đó các nhà nuôi lợn đến khoảng trăm cân mới bán, bỏ đi nội tạng, da lông linh tinh, một con lợn chỉ còn mấy chục cân, cơ bản mỗi lần đều bán được gần hết. (1 cân ở TQ = 0,5 kg của mình) Sau này, nhà nào trong thôn có khách tìm đến tận nhà Chu Quốc Cường mua thịt. Thậm chí có người ở thôn bên cạnh cũng đến nhà mua. Cho dù không họp chợ, mỗi ngày cũng bán được mấy cân thịt heo. Vốn dĩ ông đang lo thịt heo không bán được, để lâu sẽ bị thiu, giờ vấn đề đã được giải quyết. Thời gian thấm thoát trôi đi, việc bán thịt heo của Chu Quốc Cường đã đi vào quỹ đạo. Một cân thịt có thể bán được một hai giác tiền. Bán được mười mấy cân ít nhất lãi được mấy nguyên. Hơn nữa cả con lợn chỗ nào cũng tận dụng được. Tim gan, xương lợn, ruột lợn đều bán được lấy tiền. Nhìn nụ cười càng ngày càng rạng rỡ trên khuôn mặt hai người là có thể thấy tiền thu được rất khả quan. Trời vừa tối, hộp đựng tiền đầy hơn nửa. Triệu Ngọc Trân vui vẻ đếm tiền. Nhưng tiền một hai giác quá nhiều, đếm một lúc rất dễ nhầm. Chu Tiểu Vân xung phong sang giúp một tay. Cô xếp tiền thành một xấp, một giác, hai giác, ngũ giác, một nguyên, hai nguyên cứ thế mà làm. Rất nhanh đã đếm xong: Ba mươi ba nguyên bốn giác. Trừ đi tiền vốn có thể kiếm được mười nguyên. Đây là số tiền trước đây Triệu Ngọc Trân không dám mơ đến, lúc đếm tiền tay bà còn run run. Hơn một tháng sau, Chu Quốc Cường trả cho em gái hai trăm nguyên. Cứ như vậy, không đến một năm có thể sửa lại nhà. Triệu Ngọc Trân hạnh phúc nghĩ đến tương lai sáng lạn, cười híp mắt. Cuộc sống trong nhà dần dần thay đổi, thay đổi bắt đầu từ bữa ăn trong gia đình. Triệu Ngọc Trân đi bán hàng có lúc không kịp về nấu cơm, Chu Tiểu Vân bắt đầu nấu mấy món đơn giản ăn tối. Triệu Ngọc Trân vốn lo lắng con gái còn quá nhỏ không biết nấu nướng thế nào, sau này thấy con chỉ huy Đại Bảo nhóm lửa còn mình đứng bếp y như người lớn. Không ngờ cơm nấu ra rất ngon, bà cũng an tâm. Sau này biến thành một ngày ba bữa cơm hơn nửa đều do Chu Tiểu Vân nấu. Kiếp trước, nấu nướng là sở trường của cô. Nói đi cũng phải nói lại, ai ở nhà nấu cơm bảy tám năm không thể nấu ăn quá kém được. Hơn nữa, người kia ăn uống rất kĩ tính, tài nấu nướng của Chu Tiểu Vân tiến bộ rất nhanh cũng là do công của ông chồng chọn ba kén bốn. Sau khi Chu Tiểu Vân bắt đầu nấu cơm, vui nhất là Tiểu Bảo . Thịt lợn để bán kiếm tiền , không phải bữa nào cũng được ăn. Nhưng cách ba, bốn ngày lại có một ít thịt thừa không bán hết. Chu Tiểu Vân dùng xì dầu làm món thịt ba chỉ kho tàu màu cánh gián. Cắn một miếng, hương vị đậm đà ngậm tràn trong miệng. Tiểu Bảo không thích ăn thịt cũng ăn mấy miếng mới ngừng. Thông thường nếu bán ít thịt hay còn thừa ít xương ống, Chu Tiểu Vân bỏ vào nồi hầm nhừ, lấy nước xương nấu cháo. Tiểu Bảo ăn rất ít, không chịu ăn cơm, nhưng thấy chị gái dùng nước xương nấu cháo, lại ăn kèm với củ cải muối giòn. Cháo nóng hổi, hương thơm ngào ngạt khiến cơn thèm ăn nổi lên, có thể ăn hai bát. Cánh tay gầy nhẳng của Tiểu Bảo bắt đầu có da có thịt, điều này khiến cho Chu Tiểu Vân mừng lắm. Nước xương hầm nhiều canxi hiệu quả rất tốt, so với uống thuốc tốt hơn nhiều. Tiểu Bảo yếu ớt hay uống canh hầm, có thể tăng cường sức đề kháng. Chu Tiểu Vân tốn không ít tâm tư để Tiểu Bảo ăn được nhiều hơn, cố ý làm các món hợp khẩu vị của em. Thấy em ăn được càng ngày càng nhiều, cơ thể trở nên khoẻ mạnh hơn, khỏi phải nói cô vui thế nào. Đến chính cô còn mập lên một ít. Da dẻ vàng vọt trở nên hồng hào hơn, không quắt queo như trước nữa. Quả nhiên, được ăn ngon, dinh dưỡng tốt có khác! Triệu Ngọc Trân hàng ngày ngoài trông con, làm việc nhà, còn phải giúp chồng bán hàng, trăm công nghìn việc. Có con gái là trợ lý đắc lực quán xuyến cơm nước, trách nhiệm nhẹ đi nhiều. Bà rất tự hào, thường xuyên khen con gái mình. Đến nỗi Chu Tiểu Vân hễ nghe thấy mẹ nói ” Đại Nha nhà chúng ta..” đã chạy trối chết, xấu hổ lắm. Muốn khen con cũng phải để người ta nói trước, nào có con hát mẹ khen hay, người ta không cười sau lưng mới lạ. Nhưng được mẹ khen đồng nghĩa với việc địa vị của mình trong lòng cha mẹ cao hơn trước. Nghĩ thế, Chu Tiểu Vân vui lắm. Có đứa con nào không hi vọng được cha mẹ yêu thương, khen ngợi không?