Thời gian trôi thật nhanh, sang năm mới mỗi người lại thêm một tuổi . Chu Tiểu Vân có chút cảm khái, bất tri bất giác đã đi qua bốn năm. Cô năm nay đã mười tuổi. Đứng trước gương to treo trên tường cô tự ngắm mình, hình như cao hơn một chút, khuôn mặt non nớt bắt đầu lộ ra đường nét của thiếu nữ. Triệu Ngọc Trân bàn với chồng chuyện tổ chức sinh nhật mười tuổi cho con gái. Ở nông thôn, thông thường với con trai, sinh nhật năm sáu tuổi là cột mốc quan trọng nhất. Nguyên nhân cụ thể tại sao thì Chu Tiểu Vân không rõ lắm. Cô nhớ khi Tiểu Bảo tổ chức ở nhà, làm đến sáu, bảy mâm, thân bằng cố hữu, bà con hàng xóm đều đến dự. Tiểu Bảo từ nhỏ đã nuôi một đoạn tóc trên đỉnh đầu, lớn lên bện thành một sợi nhỏ đằng sau gáy. (nôm na là như tóc đuôi sam của nam thời nhà Thanh chẳng qua nó rất mảnh) Vào ngày này còn diễn ra một nghi thức quan trọng khác: cạo đầu. Chu Quốc Cường đặc biệt mời thợ cắt tóc đến nhà. Trong tiếng pháo nổ ầm ĩ, người thợ cầm bím tóc của Tiểu Bảo xoẹt một cái, bím tóc nuôi mấy năm của em trai cô đã bị cắt bỏ. Tóc cắt xuống được cất vào trong phong bao đỏ treo ngược trong phòng, nghe nói làm vậy để thông minh hơn. Sinh nhật của con trai quan trọng là thế, trong khi đó của con gái đơn giản hơn nhiều. Mười tuổi mời bạn tốt đến nhà ăn một bữa là xong. Chẳng qua Chu Quốc Cường không muốn con gái bị thiệt thòi nên định làm to một chút. Triệu Ngọc Trân cũng có ý nghĩ tương tự. Hồi trước nhà nghèo nên mới phải để bọn nhỏ tủi thân. Giờ trong nhà khá giả hơn, không cần quá bận tâm số tiền đó. Phải tổ chức thật chu đáo, để sinh nhật năm mười tuổi của con gái thật hoành tráng. Hai vợ chồng ở trong phòng nghiên cứu cả buổi tối, bước đầu lên danh sách khách mời. Bên nhà Chu Quốc Cường, hai anh em trai, một em gái. Triệu Ngọc Trân bên kia hai chị một em trai, phải mời bằng được, đương nhiên phải mời cả trưởng bối trong nhà đến. Cộng thêm bà con hàng xóm thân thiết thường ngày lui tới cũng phải mời đủ. Tổ chức tiệc sinh nhật cũng là một môn học thâm sâu, nếu nhỡ sơ sẩy thiếu ai đó, sẽ khiến họ giận. Đây có thể gọi là “thay người tiết kiệm tiền lại bị người trách”, có tiền hay không có tiền cũng phải chú ý đến thể diện, cấp bậc, lễ nghĩa. Dù vay tiền cũng phải đưa đủ lễ, đó là nếp nghĩ ăn sâu trong tiềm thức của những người dân quê. Những ngày tiếp theo rất bận bịu, đi mời mọi người và thông báo ngày giờ cụ thể. Chu Quốc Cường tranh thủ buổi trưa chạy đi, may thay một số nhà có điện thoại, nên có thể gọi điện mời. Như nhà Chu Quốc Dân ở trên thị trấn, hay nhà Chu Phương ở thôn bên cạnh, một cú điện thoại là xong, tiết kiệm thời gian. Đúng là lắp điện thoại rất hữu ích! Xa nhất là nhà hai chị gái của Triệu Ngọc Trân. Hai người gả khá xa, trong nhà lại không lắp điện thoại, Triệu Ngọc Trân đành tự thân xuất mã cưỡi xe đạp đến nhà chị mời. Hai năm qua, vì buôn bán Chu Quốc Cường quen thêm rất nhiều người, tính hết được gần tám mâm. Đây không phải là con số nhỏ, ai chuẩn bị lễ chứng tỏ sẽ đi cùng cả nhà, nên phải chuẩn bị thêm thức ăn dự trữ. Xong chuyện mời khách là đến việc mua thức ăn, không cần lên chợ lớn trên thị trấn mua, ông tìm ngay trong chợ Hưng Vượng, nhờ một số quầy rau quen biết lấy thêm hàng. Đương nhiên không thể thiếu thịt. Thịt lợn là nguyên liệu chính trong mọi bữa cỗ. Ông giết hẳn hai con lợn để làm thịt kho tàu, thịt viên rán, chân giò hầm măng, giả cầy… đầy đủ các món. Sau đó ra vườn, giết tám, chín con gà đã được vỗ béo hơn năm, mua thêm tám, chín cân cá. Đúng là rất nhiều việc, hai ba ngày sau mọi chuyện mới tạm đâu ra đấy. khoa trương quá ah @@ Rất may là sinh nhật theo lịch âm của cô đúng vào chủ nhật. Từ tờ mờ sáng, hai vợ chồng Chu Quốc Cường đã dậy chuẩn bị. Đến các nhà gần đó mượn bàn. Nhà chính hai bàn, trong phòng một, ngoài sân ba, còn hai bàn hết chỗ đành kê tạm sang nhà anh Cả cạnh đó. Thẩm Hoa Phượng và Chu Quốc Phú cũng qua giúp, Chu Phương cùng chồng dắt theo hai con cũng đến sớm. Chu Quốc Cường và Chu Quốc Phú vội vàng bê bàn, kê ghế, làm những việc nặng, có thêm Ngô Hữu Đức giúp đỡ. Còn phụ nữ thì nhặt rau, rửa rau, luôn tay luôn chân. Vậy nhân vật chính của chúng ta đang ở đâu nhỉ? Ha ha, không cần tìm! Đang phụ rửa rau đó! Cũng may bọn nhỏ đều đã lớn, có thể giúp bố mẹ một tay. Ngô Mai ngồi rửa rau cùng Chu Tiểu Vân. Chu Tiểu Hà bình thường ở nhà không làm việc, lúc này thấy mọi người ai cũng bận, không thể lười biếng nên cũng giả vờ giả vịt nhặt rau. Đại Bảo, Chu Chí Hải, Ngô Lỗi, ba cậu nhóc khí lực lớn, thay phiên nhau phụ trách việc xách nước. Nguồn nước dồi dào không ngừng được đưa đến cho mấy cô bé dùng để rửa sau. Một lúc sau, Vương Tinh Tinh, Chu Thiến Thiến và Tôn Mẫn đến. Người lớn trong nhà đến giờ cơm mới qua, còn các cô không chờ được nên sang sớm. Vào nhà nhìn thấy Chu Tiểu Vân đang bận việc, Vương Tinh Tinh vung tay hô to: Chu Tiểu Vân, tớ đến rồi! Có việc gì cần giúp cứ nói, dù vào nơi nước sôi lửa bỏng quyết không chối từ! Bị Chu Tiểu Vân cười mắng một câu: “Làm như đi đánh trận ấy, các cậu ngồi chơi đi, ở đây có tớ và Tiểu Mai là đủ rồi.” Tiết ngữ văn cũng không thấy Vương Tinh Tinh sử dụng thành ngữ thành thạo thế đâu. Ba người muốn qua giúp Chu Tiểu Vân, đâu chịu ngồi không, chạy qua chỗ chậu nhựa đỏ phụ rửa rau. Tôn Mẫn không chú ý hắt nước vào người Chu Chí Hải. Cậu trợn mắt muốn báo thù, kết quả là các cô gái ngồi gần đó đều gặp hoạ. Vương Tinh Tinh nhảy dựng lên gào thét, đùa giỡn ầm ĩ với Hải. Lại thêm Đại Bảo mồm to và Ngô Lỗi, vừa giúp vừa chơi với Chu Thiến Thiến, không loạn mới lạ! Chu Tiểu Vân cười suốt, hôm nay tâm trạng cô rất tốt, nhìn gì cũng thấy vui. Cô nhớ lại thời gian này ở kiếp trước, sáng dậy ăn một bát mỳ trường thọ, buổi trưa, bác Cả, chú Ba, cô Út qua dùng cơm là kết thúc một ngày sinh nhật. Kiếp này, cha mẹ coi trọng sinh nhật của cô đến vậy khiến Chu Tiểu Vân vừa cảm động lại hài lòng, đó là tấm lòng của cha mẹ! Trước sinh nhật hai tuần, mẹ dẫn cô đến cửa hàng mậu dịch trên thị trấn mua quần áo mới và một đôi giày da mới. Lần đầu tiên cô không phản đối để mẹ chọn cho mình một cái áo khoác đỏ tươi! Mặc xong ra soi gương, cô mới phát hiện ra mình mặc màu đỏ đẹp phết, hi hi. Đầu bếp là Thạch Vĩnh Thọ, người cùng thôn, chính là chú hai của Thạch Đầu. Anh thường xuyên đến nấu thuê cho các nhà tổ chức cỗ bàn. Đồ ăn chủ nhà tự chuẩn bị nguyên liệu, cộng thêm ít tiền công trả cho anh là được. Thạch Vĩnh Niên viết chữ rất đẹp, được Chu Quốc Cường mời đến làm người ghi lễ, còn Ngô Hữu Đức phụ trách phát kẹo, hai người ngồi ở bàn ngay chỗ cửa ra vào, cười nói rôm rả. Thạch Đầu đi cùng Thạch Vĩnh Niên đến, chạy tót đi tìm Đại Bảo chơi đùa vui vẻ.