Gia đình Robertson sống sót được tám mươi tám ngày trên biển cả. Thuyền trưởng Blight của con tàu Bounty nổi tiếng đã bị thuỷ thủ nổi loạn và ông cùng những người cộng sự của ông bị ném ra khỏi tàu đã sống được bốn mươi bảy ngày. Steven Callahan sống được bảy mươi sáu ngày. Owen Chase, mà câu chuyện của ông về tàu đánh cá voi Essex đã bị một con cá voi đánh chìm ra sao đã là nguồn cảm hứng của Herrman Melville, đã sống được tám mươi ba ngày trên biển cả cùng với hai thuỷ thủ, trong đó có một tuần lễ trên một hòn đảo thù địch. Gia đình Bailey sống được một trăm mười tám ngày. Tôi nghe một thuỷ thủ thương gia Triều Tiên tên là Poon gì đó đã sống sót trên Thái Bình Dương trong một trăm bảy mươi ba ngày vào những năm 1950. Tôi đã sống sót trên biển trong hai trăm hai mươi bảy ngày. Thử thách của tôi kéo dài như vậy đấy, hơn bảy tháng trời. Tôi giữ cho mình luôn bận rộn. Đó là chìa khoá để sống còn. Trên một chiếc xuồng, thậm chí một cái bè, lúc nào cũng có những việc cần phải làm. Một ngày điển hình của tôi, nếu khái niệm đó có thể áp dụng cho một kẻ đắm tàu, đại khái diễn ra như sau: Từ lúc mặt trời mọc cho đến giữa buổi sáng: * thức dậy * cầu nguyện * cho Richard Parker ăn sáng * kiểm tra chung tình trạng của bè, xuồng, đặc biệt chú ý đến tất cả các nút dây buộc * chăm chút các máy cất nước (lau chùi, thổi căng, đổ nước) * ăn sáng và kiểm tra kho đồ ăn * câu cá và làm cá nếu cắn câu (mổ, rửa, phơi các rẻo thịt lên dây để phơi nắng cho chín) Từ giữa sáng đến chiều muộn: * cầu nguyện * ăn nhẹ bữa trưa * nghỉ ngơi và làm những việc nhẹ nhàng (viết nhật kí, xem xét các vết xây xát trên người, sửa sang các vật dụng, thu xếp tủ chứa cho gọn gàng, quan sát và nghiên cứu Richard Parker, vân vân) Từ cuối chiều đến gần tối: * cầu nguyện * câu cá và làm cá * chăm các rẻo thịt phơi (lật mặt, cắt bỏ các chỗ ươn) * chuẩn bị bữa ăn tối * ăn bữa tối cùng với Richard Parker Mặt trời lặn: * kiểm tra tình trạng chung của bè và xuồng (dây với nút buộc) * thu trữ nước ngọt từ các máy cất * cất giấu tất cả thức ăn và vật dụng * sửa soạn cho ban đêm (soạn chỗ nằm, cất pháo sáng vào nơi an toàn trên bè để nhỡ có gặp tàu đi qua, và cái hứng mưa để nhỡ có mưa ban đêm) * cầu nguyện Đêm: * ngủ từng giấc ngắn * cầu nguyện Các buổi sáng thường dễ chịu hơn những lúc chiều muộn, khi sự trống rỗng của thời gian có chiều hướng hiện ra trong lòng rõ rệt hơn. Bất kỳ sự kiện gì cũng có ảnh hưởng đến nếp sống thường ngày đó. Trời mưa, bất cứ lúc nào, cũng dừng mọi việc khác đang làm, và trong lúc mưa, tôi giữ cái hứng nước, hăng hái tập trung vào việc thu trữ nước hứng được. Có con rùa xuất hiện cũng là một ngắt quãng lớn. Và tất nhiên, Richard Parker là một náo động thường xuyên. Điều gì làm cho nó yên được là tôi ưu tiên không dám lơi là một phút nào. Nó chẳng có một nếp công việc gì ngoài ăn, uống và ngủ, nhưng có những lúc nó bị khuấy đảo khỏi tình trạng ù lì và lồng lộn quanh lãnh thổ của mình, đánh động, trở nên khó hiểu. May sao, lần nào như vậy, nó cũng nhanh chóng bị nắng và nước biển bao la làm cho mệt mỏi và chỉ biết quay vào trong mui bạt, lại nằm nghiêng hoặc ép bụng xuống sàn xuồng, đầu dựa lên hai chân trước bắt chéo nhau. Nhưng tôi không chỉ để ý đến nó vì cần thiết. Tôi qua hàng nhiều giờ liền chỉ quan sát nó vì đó cũng là một việc thu hút sự chú ý của tôi. Một con hổ lúc nào cũng là một con thú đầy thú vị, và càng như thế khi ta chỉ có nó là bạn đồng hành. Lúc đầu, tôi luôn có ý thức nhìn quanh và trông chờ một con tàu xuất hiện, gần như là không nhìn được. Nhưng sau một vài tuần, năm sáu tuần gì đó, tôi hầu như hoàn toàn không có ý thức ấy nữa. Và tôi đã sống sót bởi vì tôi đã quyết định phải lãng quên. Câu chuyện của tôi bắt đầu vào một ngày có trong lịch – ngày 2 tháng 7 năm 1977 – và kết thúc vào một ngày cũng có trong lịch – ngày 14 tháng 2 năm 1978 – nhưng khoảng thời gian giữa hai ngày đó thì không có lịch nào cả. Tôi không đếm ngày, đếm tuần, đếm tháng. Thời gian là một ảo giác chỉ làm cho ta phải thở dốc. Tôi đã sống vì tôi đã quên cả ý thức về thời gian. Những gì tôi nhớ được là các sự kiện và các cuộc gặp gỡ, cùng các nếp quen thuộc hàng ngày, những dấu mốc tự chúng xuất hiện đây kia từ đại dương thời gian và in hằn vào kí ức tôi. Ví dụ như mùi của các vỏ pháo sáng đã phóng lên từ tay tôi, những lời cầu nguyện khi rạng ngày, việc giết rùa, và các đặc tính sinh học của các loài tảo. Và nhiều cái khác nữa. Nhưng tôi không biết có thể kể lại chúng theo trình tự hay không. Ký ức tôi trở lại thành từng mớ hỗn độn. Quần áo tôi rữa nát, nạn nhân của nắng và muối. Lúc đầu, chúng cứ mỏng dần. Rồi chúng rách tơi ra cho đến lúc chỉ còn lại những đường chỉ. Cuối cùng, cả những đường chỉ đó cũng bục đi. Nhiều tháng trời, tối sống trần như nhộng, chì có cái còi lủng lẳng trên cổ bằng một sợi dây. Bỏng rộp vì nước muối – những vết rộp khó chịu, đỏ loét và chẳng ra hình thù gì – là chứng bệnh cùi của biển khơi, do bị ngâm và sũng nước lâu ngày. Khi các vết rộp ấy vỡ, da tôi trở nên đặc biệt nhạy cảm. Nhỡ chạm phải một vết loét ấy là tôi phát khóc và nghẹt cả thở vì đau. Tất nhiên, các vết rộp này rộ lên tại những chỗ cơ thể tôi hay bị ướt nhất khi ở trên bè, tức là ở hai bên sườn. Biết bao ngày tôi đã không thể tìm được tư thế nào để nằm nghỉ được dễ chịu. Thời gian và ánh nắng làm lành được một vết rộp, nhưng rất lâu, và nếu tôi không giữ được khô người thì các vết rộp mới lại xuất hiện. Tôi bỏ hàng nhiều giờ để cố tìm hiểu hết các ý nghĩa các dòng viết về kĩ thuật đi biển trong cuốn cẩm nang. Có rất nhiều cách giải thích rõ ràng và dễ hiểu về việc làm sao sống được trên mặt biển, nhưng các tác giả đã giả định rằng người đọc đều đã có những kiến thức cơ bản về hàng hải. Họ cho rằng nạn nhân đắm tàu đều là những thuỷ thủ có kinh nghiệm, với com-pa, bản đồ và máy ngắm trong tay, và đều biết phải tìm đường tránh nạn ra sao. Kết quả là những lời khuyên như: “Hãy nhớ rằng thời gian là khoảng cách. Đừng quên lên giây đồng hồ,” hoặc “Có thể dùng ngón tay để do vĩ độ khi cần thiết”. Tôi có một cái đồng hồ, nhưng bấy giờ nó đã nằm dưới đáy Thái Bình Dương. Tôi đã mất nó khi chìm tàu Tsimtsum. Còn với kinh độ vĩ độ thì ôi thôi, kiến thức hải dương của tôi chỉ bó hẹp trong những gì cuộc sống trong nước biển và không được mở rộng sang những gì chạy đi chạy lại trên mặt biển. Gió và dòng chảy là một bí hiểm đối với tôi. Các vì sao không có nghĩa lí gì với tôi. Tôi không thể gọi tên được một chòm sao nào hết. Gia đình tôi đã sống với chỉ một ngôi sao: mặt trời. Chúng tôi ngủ sớm và dậy sớm theo mặt trời. Trong đời tôi đã từng ngắm nhìn những đêm sao đẹp đẽ khi thiên nhiên vẽ nên bức những bức tranh vĩ đại nhất chỉ với hai màu và những phong cách giản dị nhất, và tôi cũng cảm được sự diệu kì, nhỏ bé mà tất cả chúng ta đều cảm thấy, và cũng nhận ra cảm giác rõ rệt về hướng đi của cuộc đời từ quang cảnh hùng vĩ đó, hầu như rõ rệt, nhưng là nói với nghĩa tâm linh mà thôi, chứ không phải với nghĩa địa lí. Tôi không có một chút ý niệm gì về việc có thể dùng bầu trời sao ấy làm một bản đồ chỉ đường. Làm sao những ngôi sao ấy, cho dù sáng đến đâu, lại có thể giúp tôi tìm đường cho mình nếu chúng cũng chuyển dịch không ngừng? Tôi từ bỏ ý định tìm hiểu vấn đề đó. Có biết thêm được gì nữa thì cũng là vô bổ. Tôi chẳng có phương tiện gì để chủ động được hướng đi của mình – không chân vịt, không buồm, không động cơ, chỉ vài mái chèo nhưng không đủ sức điều khiển. Vạch ra một hướng đi chỉ là vô nghĩa nếu tôi không thể làm gì để thi hành việc đó? Ngay cả khi có thể làm được thế, làm sao tôi biết mình nên đi về đâu? Sang phía Đông, đến Mỹ? Lên Bắc, đến Châu Á? Xuống phía Nam, nơi có các luồng tàu? Lựa chọn nào cũng tốt xấu ngang nhau. Thế nên tôi trôi dạt. Gió và dòng chảy quyết định nơi tôi sẽ đến. Thời gian trở thành khoảng cách đối với tôi cũng như mọi sinh vật có sinh tử khác ở đời – tôi du hành xuôi theo con đường đời – và tôi dùng ngón tay mình làm các việc khác chứ không cố đo vĩ độ với chúng. Sau này, tôi tìm ra rằng tôi đã du hành dọc một con đường nhỏ hẹp, đó là dòng hải lưu ngược xích đạo của Thái Bình Dương. Tôi câu với các loại lưỡi câu khác nhau, ở các độ sâu khác nhau và nhằm vào các loại cá khác nhau, từ lối câu cá dưới đáy biển với các lưỡi rất to cùng nhiều hòn chì nặng thả dây thật sâu đến những lưới nhỏ hơn với chỉ một hai hòn chì để nhử cá ăn nổi trên mặt nước. Lâu lắm mới có cá cắn câu, khiến cho lần nào được cá tôi cũng rất mừng, nhưng kết quả có vẻ không tương xứng tí nào với nỗ lực đã bỏ ra của tôi. Chờ cá cắn câu quá lâu, cá câu được quá nhỏ, và Richard Parker luôn luôn bị đói. Cuối cùng thì tôi thấy cái lao móc câu lại và vũ khí bắt cá rất lợi hại. Mỗi cây lao gồm có ba phần được vặn vào với nhau: hai đoạn gậy tròn tạo thành phần cán lao – một đoạn có tay nắm bằng nhựa ở một đầu và có vòng để nối cây lao vào dây bảo hiểm – và một phần nữa có một cái lưỡi móc câu có đường kính phần uốn cong rộng đến năm phân và một mũi nhọn sắc bén như kiểu dây thép gai. Lắp hết lên, một cái lao dài khoảng một thước rưỡi, cầm thấy nhẹ và chắc như một thanh gươm. Lúc đầu tôi thường thọc lao xuống sâu độ hơn một thước, có khi móc cả một con cá vào mũi lao làm mồi, và ngồi đợi. Thường phải đợi lâu hàng giờ, thân thể tôi căng thẳng đến đau nhừ. Khi thấy một con cá đã bơi vào đúng chỗ, tôi lấy hết sức lực rút thật nhanh cái lao lên. Đó là một quyết định phải thi hành lập tức chỉ trong một phần giây đồng hồ. Kinh nghiệm dạy tôi rằng chỉ nên rút lao khi tôi thực sự cảm thấy có cơ hội bắt được cá, không nên rút một cách hú họạ, vì cá cũng rút kinh nghiệm rất nhanh, và không bao giờ rơi vào cùng một cái bẫy đến lần thứ hai. Khi may mắn, lưỡi lao sẽ móc chắc vào con cá và tôi có thể bình tĩnh đem nó lên bè. Nhưng nếu tôi móc một con cá lớn vào đúng phần bụng hoặc đuôi, nó sẽ vặn người tuột khỏi lao và vuột đi mất với một tốc độ bất ngờ. Bị thương như vậy, con cá dễ dàng trở thành mồi ngon cho các con cá khác, một món quà mà tôi không hề muốn tặng cho chúng. Vì vậy mà khi thấy cá to, tôi luôn cố nhằm vào phần bên dưới mang và vây sườn của nó, vì phản ứng bản năng của cá khi bị tấn công là bơi lên trên để tránh lưỡi câu, theo đúng hướng tôi sẽ rút lao. Có những lần, mũi lao chỉ gãi chứ không móc được vào người con cá và chúng cứ thế lao thẳng lên khỏi mặt nước, nhào vào tận mặt tôi. Tôi nhanh chóng mất cảm giác sợ hãi khi chạm vào các con vật dưới biển. Không còn những xúc động như lần giết con cá bay trong chăn nữa. Một con cá nhảy khỏi mặt nước bây giờ sẽ phải đương đầu với một thằng bé đói khát đang sẵn sang làm tất cả mọi thứ để bắt nó. Nếu cảm thấy lưỡi lao móc vào cá có vẻ còn lỏng lẻo, tôi thường buông lao – vì đã buộc nó vào dây bảo hiểm – và dùng cả hai tay bắt lấy con cá. Ngón tay, mặc dù cùn, vẫn nhanh nhẹn và khéo léo hơn một cái móc rất nhiều. Cuộc chiến đấu sẽ rất dữ dội và nhanh chóng. Những con cá thì trơn tuột và tuyệt vọng, còn tôi thì chỉ tuyệt vọng mà thôi. Ước sao tôi có được nhiều tay như nữ thần Durga – hai tay giữ lao, bốn tay bắt cá và hai tay nữa sử dụng rìu. Tôi phải thu xếp mọi việc với hai tay nữa sử dụng rìu. Tôi thọc ngón tay vào mắt, thọc cả bàn tay vào mang, dùng đầu gối ấn nát bụng, dùng răng cắn đuôi – làm đủ mọi thứ cần thiết để giữ được con cá trên bè cho đến lúc có thể với được rìu và chặt đầu nó. Với thời gian và kinh nghiệm, tôi đã trở thành một thợ săn giỏi hơn. Tôi mạnh bạo hơn và lanh lẹ hơn. Tôi đã phát triển được một bản năng, một cảm giác rõ rệt về việc phải làm. Tôi thành công lớn hơn khi bắt đầu dùng đến một phần của cái lưới đựng hàng. Với tư cách một cái lưới bắt cá thì nó hoàn toàn vô dụng – quá cứng, quá nặng, và mắt lưới rõ dệt không đủ mau. Nhưng nó là một cái nhử cá hoàn hảo. Buông thả và uốn lượn tự do dưới nước, nó là một hấp dẫn không cưỡng lại được đối với các con cá và càng hấp dẫn hơn khi rong biển bắt đầu mọc bám vào nó. Những con cá kiếm ăn gần bắt đầu quanh quẩn coi cái lưới như hàng xóm của mình, còn bọn ăn xa, trước chỉ hay đáo qua rất nhanh như bọn dorado, nay cũng phải lượn lờ chậm lại để xem xét cái khu phố mới mở ấy. Bọn sở tại cũng như bọn khách ghé qua có biết đâu rằng mắt lưới có cài lưỡi câu. Có những ngày, chẳng may quá ít, tôi cứ rút lao lên cái nào là có cá cái ấy. Những lúc đó tôi săn được thật thừa thãi; trên xuồng không còn đủ chỗ mà dây căng trên bè cũng chật ních những rẻo thịt dorado, cá bay, cá ngừ, chim, nụ… chứ đừng nói gì đến cái bụng no kễnh của tôi. Tôi trữ tất cả những gì cần cho mình, còn lại thì cho Richard Parker. Trong những ngày no đủ ấy, tôi bắt được nhiều cá đến nỗi thân thể bắt đầu lấp lánh đầy những vẩy cá bám chặt vào da thịt. Tôi cứ để nguyên những chấm sáng ngời ánh bạc ấy trên người như một tín đồ Hinđu mang trên trán biểu tượng thần linh. Nếu có thuỷ thủ nào gặp tôi trên biển lúc đó, chắc hẳn họ phải nghĩ tôi là một vị thần cá đang đứng trên vương quốc của mình. Đó thật là những ngày tốt đẹp hiếm hoi. Rùa quả thật dễ bắt, đúng như viết trong cẩm nang. Trong chương về “săn bắt và hái lượm”, rùa được nói đến trong phần “hái lượm”. Mặc dù chúng chắc nịch như xe tăng, rùa không phải là một loài bơi nhanh và khoẻ; chỉ cần một tay tóm lấy một cái chân sau là có thể bắt được chúng. Nhưng cuốn cẩm nang quên không nói được rằng tóm được rùa chắc đã là tóm được nó. Còn phải mang nó lên khỏi mặt nước nữa. Mà kéo một con rùa nặng hàng bảy mươi cân đang quẫy đạp lên được xuồng không phải dễ. Việc đó cần có sức khoẻ phi thường. Tôi đã phải làm như sau: lôi con rùa vào sát mạn xuồng, lấy dây buộc cổ, chân trước và cả chân sau, rồi kéo nó lên cho đến khi tay muốn gãy rời ra và mắt nổ đom đóm. Phải ghì dây thật chắc vào cái móc của mui bạt phía bên kia mũi xuồng, rồi mỗi khi sợi dây chùng ra một tí là phải kéo thêm lên rồi ghì lại ngay, từng phân một. Con rùa sẽ được kéo lên khỏi mặt nước cũng từng phân một như thế. Không thể sốt ruột được. Tôi còn nhớ một con rùa biển màu xanh lá cây đã bị treo bên cạnh xuồng như vậy trong hai ngày, và nó liên tục quẫy đạp như điên cuồng. May sao, vào lúc cuối thì rùa lại thường giúp tôi một tay mà không biết. Tức là khi nó đã bị kéo đến mép xuồng, rùa càng điên cuồng càng muốn thoát thân và nó cố rụt bốn chân bị trói vào thật mạnh, đúng lúc ấy, tôi cũng cố sức kéo dây thật mạnh, và hai lực ngược chiều như vậy bỗng hất con rùa bật lên qua mép xuồng và rơi trượt vào tấm bạt. Tôi sẽ ngã người ra sau, kiệt sức nhưng thật hỉ hả. Rùa biển xanh lá cây cho nhiều thịt hơn rùa mỏ diều, và mai phía bụng của chúng cũng mỏng hơn. Nhưng chúng thường to hơn rùa mỏ diều, trong nhiều trường hợp là quá to đối với một kẻ đắm tàu đang ngày càng yếu đi như tôi. Lạy Chúa, cứ nghĩ rằng tôi vốn là một kẻ ăn chay kiêng khem rất kĩ. Cứ nghĩ lại hồi trước chỉ cần nghe tiếng bẻ một quả chuối là tôi đã rùng mình vì tưởng tượng như tiếng một con vật bị bẻ gãy cổ. Tôi đã rơi vào tình trạng man rợ không thể tưởng tượng nổi mất rồi. Đáy cái bè đã trở thành nơi trú ngụ của rất nhiều sinh vật biển, cũng giống như cái lưới, nhưng nhỏ hơn. Nó bắt đầu bằng một lớp tảo xanh rờn mềm mại bám vào cái áo phao. Rồi đến các loại tảo cứng hơn và có màu sẫm hơn. Chúng sinh sôi nảy nở và ngày càng dày ra. Các sinh vật khác bắt đầu tới. Đầu tiên là những con tôm nhỏ xíu, trong suốt, dài chỉ độ mươi phân. Theo sau đó là những con cá cũng nhỏ như thế và trông như thể suốt đời bị chiếu X quang; ruột gan chúng rõ mồn một dưới lần da thịt trong suốt. Sau đó, tôi để ý thấy những con giun màu đen có dây sống trắng ngần, bọn nhuyễn thể lầy nhầy màu xanh lá cây với đám chân tay chưa tiến hoá thành hình thù gì rõ rệt, những con cá màu sắc sặc sỡ chỉ dài độ ba mươi phân với những cái bụng phệ, và cuối cùng là cua, chỉ bé độ một hai phân và có màu nâu. Tôi đã ăn thử tất cả bọn chúng, kể cả rong tảo, chỉ chừa lũ giun đen. Chỉ có bọn cua là không có vị mặn đắng khó chịu ở trong miệng. Mỗi lần chúng đến, tôi lại ném vào miệng hết con này đến con khác. Tôi không thể kiềm chế được mình. Những đàn cua ngon lành ấy thỉnh thoảng mới kéo đến mà thôi. Vỏ xuồng cũng trở nên đầy rẫy sự sống, dưới dạng những con hà cổ ngỗng. Tôi mút mát chúng. Thịt chúng làm mồi câu rất tốt. Tôi trở nên gần gũi với những kẻ đi ở nhờ bè ngoài biển khơi của tôi, mặc dù chúng có làm cái bè nặng nề hơn đôi chút. Chúng thu hút sự chú ý của tôi làm tôi đỡ lo nghĩ, cũng như Richard Parker. Tôi để hàng giờ không làm gì hết, chỉ nằm nghiêng, đẩy một cái áo phao ra khỏi vị trí độ mươi phân, như thể mở một cái rèm cửa sổ, và nhìn qua đó xuống dưới nước. Những gì tôi thấy là cả một thị trấn lộn ngược, nhỏ bé, yên tĩnh và an bình, với những cư dân đi lại trong đó, lịch sự như thiên thần. Cảnh tượng ấy làm cho thần kinh mệt mỏi của tôi có được những giây phút thư giãn nghỉ ngơi.