Con Chim Khát Tổ
Chương 10
Robin đứng nghiêng ngả chen chúc với đám khách đi tàu trên tuyến Bakerloo phía bắc. Gương mặt ai cũng xám xịt và căng thẳng, đúng kiểu sáng thứ Hai. Robin thấy điện thoại trong túi áo rung lên. Loay hoay mãi cô mới rút ra được, khuỷu tay tình cò chạm vào chỗ mềm mềm không biết là bộ phận gì của người đàn ông hôi miệng mặc complet đứng bên cạnh. Khi thấy tin nhắn từ Strike, trong giây lát Robin thấy vô cùng phấn chấn, gần bằng lúc cô phát hiện tin Duffield trên báo hôm qua. Cô kéo màn hình điện thoại xuống, đọc:
Hôm nay tôi đi ra ngoài. Chìa khóa đằng sau bồn cầu. Strike.
Robin không bỏ lại điện thoại vào túi mà giữ chặt trong tay lúc tàu rung lắc rầm rầm qua những đường hầm tối. Cô nín thở cố né mùi khó chịu của ông mập. Robin đang rất bực. Hôm qua cô và Matthew đi ăn trưa với hai người bạn cùng học đại học với Matthew ở quán The Windmill on the Common, cũng là quán yêu thích của Matthew. Khi Robin thấy hình của Evan Duffield trên báo News of the World ở bên cạnh, cô đứng bật dậy xin phép chạy ra ngoài, ngay giữa câu chuyện của Matthew chỉ để nhắn tin cho Strike.
Sau đó Matthew nói cô thật bất lịch sự, đã vậy còn không thèm giải thích gì cả, cứ tỏ vẻ bí hiểm.
Robin nắm chặt lấy dây vịn tay trên tàu. Tàu chậm dần lại, ông mập đổ về phía cô. Robin thấy mình thật ngu ngốc, rồi thấy bực cả Matthew và Strike, đặc biệt là tay thám tử vì hắn chẳng có vẻ quan tâm gì đến hành động không bình thường của bạn trai cũ của Lula Landry.
Robin đi qua đám đông lộn xộn và gạch đá trên phố Denmark, lấy chìa khóa đằng sau bồn cầu như Strike dặn, gọi điện thoại cho văn phòng của Freddie Bestigui nhưng chỉ được một giọng con gái trịch thượng từ chối thẳng thừng. Tới lúc này, tâm trạng của Robin vô cùng tồi tệ.
Cùng lúc, Strike đi qua địa điểm diễn ra giây phút lãng mạn nhất trong đời của Robin, mặc dù hắn hoàn toàn không biết gì. Sáng hôm đó, một đám choai choai người Ý ngồi đầy trên những bậc thang ngay dưới chân tượng thần Tình yêu. Strike đi dọc bên phía St James, hướng về phố Glasshouse.
Lối vào hộp đêm Barrack chỉ cách vòng xoay Piccadilly Circus một quãng đi bộ ngắn ngủi. Đây là nơi Deeby Macc được đưa đến ngay khi vừa xuống máy bay từ Los Angeles và ông ta thích đến nỗi ở lại tới ba tiếng đồng hồ. Mặt tiền hộp đêm trông như xây bằng bê tông công nghiệp, trên đó gắn mấy chữ cái BARRACK màu đen sáng bóng theo chiều dọc. Hộp đêm có tất cả bốn tầng. Như Strike đoán, trên cừa ra vào có lắp camera an ninh. Strike áng chừng cự ly bao phủ của camera cũng phải đến hết gần con đường. Hắn đi quanh tòa nhà, quan sát những lối thoát hiểm và vẽ sơ đồ cả khu vực.
Đêm trước đó Strike lại tiếp tục tìm kiếm trên internet. Giờ đây Strike đã biết khá rõ mối liên hệ giữa Deeby Macc với Lula Landry. Nghệ sĩ rap này từng nhắc đến cô người mẫu trong lời ba bài hát trong hai album khác nhau. Trong nhiều cuộc phỏng vấn, ông ta nói đến Lula như một người phụ nữ lý tưởng, một người bạn tâm giao chưa bao giờ gặp. Rất khó để biết Macc nghiêm túc tới mức nào trong những cuộc phỏng vấn đó, thứ nhất vì ông ta có một khiếu hài hước kiểu tỉnh khô, rất thích châm biếm, thứ hai là phóng viên nào tiếp cận Macc cũng đều tỏ ra vừa ngưỡng mộ vừa sợ hãi.
Từng là dân anh chị thứ thiệt, phải đi tù vì những tội liên quan tới súng và thuốc phiện ở Los Angeles, Deeby Macc giờ đây đã là triệu phú, bên cạnh sự nghiệp ca hát còn có rất nhiều công việc ăn nên làm ra. Chẳng bất ngờ gì khi báo giới trở nên “phấn khích” – từ Robin dùng, khi có tin rò rỉ là công ty thu âm của Macc thuê riêng cho ông ta căn hộ ngay dưới căn của Lula. Dư luận say sưa suy đoán chuyện gì sẽ xảy ra khi Deeby Macc chỉ cách người yêu trong mộng một tầng lầu. Nhân vật mới hấp dẫn này liệu sẽ ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ sóng gió giữa Landry và Duffield. Những câu chuyện vô bổ còn được gia giảm thêm với những lời bình luận, đương nhiên là bịa hết, từ “bạn” của cả hai người – “Macc đã gọi điện cho Lula mời đi ăn tối,” “Lula đang chuẩn bị một bữa tiệc nhỏ ngay trong căn hộ khi Macc đến London”. Những phỏng đoán kiểu đó át hết phản ứng giận dữ của một vài nhà báo lẻ tẻ khác trước chuyện người ta cho phép nhập cảnh một kẻ từng hai lần tù tội lại còn hát thứ nhạc (mà theo họ là) vinh danh quá khứ tội lỗi.
Khi thấy không còn khai thác thêm được gì từ những con phố bao quanh Barrack, Strike đi tiếp, ghi chú lại những vạch vàng hạn chế đậu xe ở xung quanh, các biển cấm đậu xe tối thứ Sáu và những công trình gần đó có lắp camera. Ghi chép xong, Strike thấy nên tư thưởng cho mình một tách trà và một cái bánh mì kẹp thịt muối, tính vào công tác phí. Hắn vào một quán cà phê nhỏ, uống trà ăn bánh và đọc tờ Daily Mail của ai đó bỏ lại.
Điện thoại đổ chuông ngay lúc Strike vừa mới bắt đầu tách trà thứ hai và đang đọc đến vụ Thủ tướng bị hớ vì càm ràm một nữ cử tri cao tuổi là “mù quáng” mà không biết là micro vẫn chưa tắt.
Một tuần trước đó khi Robin gọi, Strike không bắt máy, để cuộc gọi vào thẳng hộp thư thoại. Nhưng hôm nay thì khác.
“Chào Robin, cô sao rồi?”
“Tốt. Tôi gọi vì có mấy tin nhắn cho anh.”
“Cô nói đi,” Strike đáp, rút cây viết ra.
“Alison Creswell, thư ký của John Bristow vừa gọi – cổ nói là đã đặt một bàn ở Cipriani một giờ chiều mai để ông Bristow giới thiệu anh với Tansy Bestigui.”
“Tuyệt vời.”
“Tôi có gọi lại cho công ty của Freddie Bestigui. Họ bắt đầu bực rồi. Họ nói ông ta đang ở LA. Tôi để lời nhắn yêu cầu ông ta gọi cho anh.”
“Tốt”
“Peter Gillespie lại gọi nữa.”
“Ừm,” Strike đáp.
“Ông ta nói là việc gấp, phiền anh gọi lại ngay khi có thể.”
Strike sém chút nữa mở miệng nhờ Robin gọi lại cho Gillespie và nhắn hắn đi chết đi cho rồi.
“Được rồi, tôi sẽ gọi. À, cô nhắn tin cho tôi địa chỉ của hộp đêm Uzi được không?”
“Được thôi.”
“Nhờ cô tìm thêm số của Guy Somé. Ông này là nhà thiết kế thời trang.”
“Đọc là ghi, chứ không phải gai,” Robin nói.
“Gì kia?”
“Tên của ông ấy. Anh phải đọc theo kiểu tiếng Pháp là ghi.”
“À, hiểu rồi. Vậy cô tìm số ông ta giùm tôi được không?”
“Được,” Robin đáp.
“Rồi gọi luôn và hỏi là ông ta có cho tôi gặp được không. Để lại lời nhắn nói rõ tôi là ai, làm việc cho ai.”
“Được thôi.”
Strike nhận ra sự lạnh lùng trong giọng của Robin. Một hai giây sau đó, hắn đoán ra lý do.
“À còn nữa, cảm ơn cô vụ nhắn tin hôm qua,” hắn nói. “Xin lỗi vì tôi không nhắn lại ngay cho cô được; lúc đó tôi ở chỗ không tiện lắm. Nhưng phiền cô gọi luôn cho Niegel Clemént, người đại diện của Duffield và xin một cuộc hẹn, được vậy thì tốt quá.”
Sự lạnh lùng của Robin tan biến ngay, đúng ý Strike; giọng nói của cô cũng trở nên ấm áp hơn nhiều, gần như là phấn khích.
“Nhưng rõ là Duffield vô can còn gì? Anh ta có chứng cứ ngoại phạm chắc chắn!”
“Ừm, để coi,” Strike đáp, tỏ vẻ bí hiểm. “À còn nữa Robin này, nếu có thêm một thư dọa giết, mấy cái đó hay tới vào thứ Hai…”
“Tôi nghe đây?” Robin hăng hái.
“Cô cứ lưu nó lại,” Strike nói.
Strike ngờ ngợ - thật khó tin vì Robin lúc nào cũng nghiêm nghị, nhưng rõ là ngay lúc đó hắn có nghe tiếng Robin lầm bẩm “Lưu cái đầu anh,” trước khi cô dập máy.
Sau đó Strike tiếp tục làm những việc tẻ nhạt nhưng cần thiết. Sau khi Robin nhắn tin địa chỉ, Strike đi ngay đến hộp đêm Uzi ở Nam Kensington. Hoàn toàn đối lập với Barrack; lối vào của Uzi nhỏ và kín đáo như lối một căn nhà riêng cao cấp. Trên cửa cũng có gắn camera an ninh. Strike đón xe buýt đi về phố Charles, nơi có nhà của Guy Somé và đi bộ theo con đường ngắn nhất từ đó về nhà cũ của Landry.
Tới cuối buổi chiều Strike thấy đau chân kinh khủng. Hắn dừng lại nghỉ một lát, ăn thêm bánh mì rồi đi đến quán Feathers gần trụ sở cảnh sát London để gặp Eric Wardle.
Quán Feathers cũng là một quán bia theo kiểu Victoria với những ô cửa sổ rất lớn chạy từ trần tới gần chạm sàn. Cửa sổ nhìn ra một tòa nhà màu xám to sừng sững kiểu những năm 1920, trang trí bằng mấy bức tượng của Jacob Epstein. Bức tượng gần nhất ngồi ngay trước lối vào, nhìn thẳng ra cửa sổ quán bia. Đó là tượng một vị thần đang ngồi, nét mặt dữ tợn, được một đứa bé trai đứng trước choàng tay ôm cổ, đứa bé vặn người quay hết chim chóc ra đằng trước. Lâu dần rồi người ta cũng không thấy sốc nữa.
Bên trong quán Feathers, các thể loại máy trò chơi kêu leng keng, đèn màu sắc sỡ chớp nháy liên tục. Trên tường treo TV màn hình phẳng, chung quanh là ghế bọc da. TV đang chiếu trận West Bromwich Albilo gặp Chelsea nhưng không bật tiếng. Thay vào đó giọng Amy Winehouse rền rĩ thét gào từ những chiếc loa giấu khắp quán. Tên các loại bia được sơn lên bức tường màu kem ngay trên quầy bar. Đối diện đó là cầu thang rộng bằng gỗ tối màu với những bậc thang uốn lượn và tay vịn bằng đồng thau sáng loáng dẫn lên tầng một.
Strike đứng xếp hàng chờ gọi đồ uống, tranh thủ quan sát chung quanh. Quán đầy đàn ông, hầu hết đều cắt tóc ngắn kiểu lính. Có ba cô gái da nâu hơi ngả cam, nhìn là biết vừa mới đi tắm nắng nhân tạo về. Ba cô đứng quanh một cái bàn cao, liên tục hất ra sau mớ tóc nhuộm duỗi thẳng đơ. Cả ba mặc đầm bó sát ngắn cũn cỡn dát kim sa lấp lánh và mang giày cao chót vót, thỉnh thoảng lại làm bộ nghiêng người qua một bên. Các cô giả vờ không để ý đến người ngồi uống bia một mình duy nhất trong quán. Đó là một anh chàng đẹp trai, gương mặt non tơ, mặc áo khoác da thuộc ngồi bên quầy bar cạnh cửa sổ. Anh chàng nãy giờ cũng đang nhìn các cô rất kỹ, ra vẻ sành sỏi. Strike gọi một vại bia Doom Bar rồi tiến về phía anh chàng đẹp trai.
“Cormoran Strike,” hắn tự giới thiệu khi tới bàn của Wardle. Kiểu tóc của Wardle khiến hắn thấy ghen tị, như vẫn ghen tị với hầu hết những tay đàn ông khác. Wardle ắt hẳn không bao giờ bị đặt biệt danh là “Tổ chim”.
“À, tôi cũng đoán là anh,” anh cảnh sát lên tiếng, bắt tay Strike. “Anstis có nói anh rất to con.”
Strike kéo ghế ra, Wardle nói luôn không rào đón gì.
“Vậy anh có gì cho tôi?”
“Tháng rồi có một vụ đâm chết người ở Ealing Broadway. Nạn nhân Liam Yates? Người từng cung cấp thông tin cho cảnh sát, đúng không?”
“Ừ, anh ta bị đâm ngay vào cổ. Nhưng tụi tôi biết đứa nào làm,” Wardle vừa nói vừa cười ra vẻ trịch thượng. “Một nửa bọn trộm cướp ở London đều biết. Nếu thông tin của anh chỉ có vậy…”
“Nhưng anh không biết nó đang ở đâu, đúng không?”
Wardle liếc nhanh về phía mấy cô gái đang giả bộ ngó lơ, rồi rút ra một cuốn sổ từ trong túi áo.
“Nói đi.”
“Hiệu cá cược Betbusters trên phố Hackney có một nhân viên nữ tên là Shona Holland. Cô này đang thuê căn hộ chỉ cách Betbusters có hai dãy phố. Hiện giờ trong nhà cô ta có một vị khách không mời, tên là Brett Fearney, trước đây thường đánh đập chị cô ta không ra gì. Nghe đâu tay này rất dữ, đừng hòng từ chối hắn chuyện gì mà yên.”
“Anh có địa chỉ cụ thể không?” Wardle hỏi, tay vẫn viết liên tục.
“Tôi mới đưa cho anh tên người ta cộng với một nửa số nhà còn gì. Chịu khó làm thám tử một chút vậy nhé?”
“Anh nói có được thông tin này từ đâu nhỉ?" Wardle hỏi, vẫn tiếp tục viết vào cuốn sổ đặt trên đầu gối.
“Tôi chẳng nói gì cả,” Strike đáp, kề miệng vào ly bia.
“Chắc anh quen biết nhiều chỗ hay lắm hả?”
“Rất hay. Và bây giờ, bánh ít có đi thì bánh qui có lại…”
Wardle đút cuốn sổ vào trong túi, bật cười.
“Mấy thứ anh vừa nói biết đâu toàn là rác rưởi.”
“Không có chuyện đó. Chơi đẹp chứ, Wardle.”
Tay cảnh sát nhìn Strike trong chốc lát, có vẻ vừa buồn cười vừa nghi ngờ.
“Anh muốn gì nào?”
“Tôi đã nói trên điện thoại rồi: chút thông tin nội bộ về vụ Lula Landry.”
“Anh không đọc báo hả?”
“Thông tin nội bộ, tôi nói rồi. Thân chủ của tôi nghi ngờ có gì đó mờ ám.”
Wardle cau mặt lại.
“Anh ăn chia gì với báo lá cải hả?”
“Không,” Strike đáp. “Anh của cô ta thuê tôi.”
“John Bristow?”
Wardle nốc một hơi dài, mắt vẫn dán vào đùi của cô gái gần nhất, nhẫn cưới trên tay anh ta phản chiếu lại ánh đèn đỏ từ máy trò chơi gắp bóng gần đó.
“Ông ta vẫn khăng khăng về mấy đoạn phim đó hả?”
“Ông ta có nhắc tới.” Strike thừa nhận.
“Tụi tôi cũng cố theo dấu của hai người da đen trong phim. Có phát lời kêu gọi ra trình diện. Không ai ra mặt hết. Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên… xe hơi gần đó có phát báo động ngay lúc họ chạy qua… hoặc biết đâu lúc đó họ đang cố bò vào trong xe cũng có. Xe Maserati đàng hoàng. Rất ngon lành.”
“Anh nghĩ họ ăn trộm xe hả?”
“Tôi không nói là họ tới đó chỉ để trộm xe; biết đâu là chỉ tình cờ thấy rồi mới ra tay – chẳng biết thằng ngu nào lại đậu con xe Maserati như vậy? Nhưng lúc đó gần hai giờ sáng, nhiệt độ thì dưới không. Hai tên đó không có lý do chính đáng gì để tới Mayfair cả. Sau này tụi tôi có điều tra nhưng không có ai giống như vậy sống ở khu đó.”
“Không biết họ từ đâu tới, rồi sau đó đi đâu à?”
“Với người mà Bristow nghi ngờ, tức là cái người đi về nhà cô ta trước khi cô ta rơi xuống thì tụi tôi biết chắc lúc mười một giờ mười lăm anh ta xuống xe buýt số ba mươi tám ở phố Wilton. Không ai biết anh ta làm gì trước khi đi ngang qua camera ở phố Bellamy đúng một tiếng rưỡi sau đó. Mười phút sau khi Landry nhảy xuống, anh ta lại xuất hiện trên cùng một camera, rồi chạy hết phố Bellamy và rất có thể rẽ qua phố Weldon. Có một đoạn băng có hình một người giông giống anh ta – cao, da đen, mặc áo thun dày có cổ, quàng khăn kín mặt ngay trên phố Theobalds khoảng hai mươi phút sau.”
“Phải rất nhanh mới chạy từ đó đến Theobalds chỉ trong hai mươi phút,” Strike bình luận. “Ra hướng Clerkenwell đúng không? Cũng phải ba, bốn cây số. Vỉa hè lại đóng băng nữa.”
“Ừ, nên có thể không phải là anh ta. Đoạn băng rất mờ. Bristow rất nghi ngờ chi tiết che mặt, nhưng hôm đó âm 10 độ, tôi cũng phải đội mũ trùm kín mặt đi làm. Mà bất kể anh ta có tới phố Theobald thật hay không thì cũng không ai nhận ra anh ta cả.”
“Còn người kia?”
“Chạy như bay về phía phố Halliwell, cách hiện trường khoảng một trăm tám chục mét, không ai biết sau đó đi đâu.”
“Còn trước đó thì sao?”
“Có thể tới bất kỳ hướng nào. Không có băng hình nào cả.”
“Nghe nói ở London có tới mười ngàn camera an ninh kia mà?”
“Không phải ở đâu cũng có. Camera không có tác dụng gì, nếu không được duy trì và theo dõi thường xuyên. Phố Garriman vừa mới được lắp một cái, nhưng Meadowfield hay Hartley thì vẫn chưa có. Anh cũng giống y những người khác, Strike à. Anh muốn viện quyền tự do công dân để nói dối vợ là đi làm rồi đi hộp đêm coi gái nhảy, nhưng cũng lại muốn tụi tôi phải coi chừng nhà anh suốt hai mươi bốn tiếng, phòng khi có ai nhảy vào từ cửa sổ buồng tắm. Làm gì có chuyện được cái chai mà không mất cái lọ.”
“Tôi chẳng muốn chai lọ gì cả,” Strike nói. “Tôi chỉ hỏi anh biết gì về người bỏ chạy thứ hai.”
“Cũng che mặt kín mít, y như người đầu vậy; chỉ thấy hai bàn tay. Nếu anh ta có ý đồ gì với chiếc Maserati và thấy sợ thì theo lý, anh ta sẽ chui ngay vào một quán bar rồi sau đó đi ra cùng với nhiều người khác. Gần phố Halliwell có quán Bojo’s, có thể anh ta đã chui vào đó rồi trà trộn trong đám nhậu nhẹt. Nhưng tụi tôi cũng kiểm tra hết rồi,” Wardle nói, chặn trước câu hỏi của Strike. “Không ai nhận ra người trong băng cả.”
Hai người ngồi im lặng trong giây lát, tiếp tục uống bia.
“Thậm chí nếu có tìm ra hai tên đó,” Wardle đặt ly bia xuống bàn rồi nói tiếp “cùng lắm là chỉ có thêm lời khai chứng kiến Landry nhảy xuống. Trong căn hộ của cô ta không có mẫu AND lạ nào cả. Không có ai ở trong tòa nhà lúc đó mà không có lý do chính đáng cả.”
“Nghi vấn của Bristow không chỉ từ mấy đoạn băng. Ông ta có gặp Tansy Bestigui.”
“Đừng có nhắc tới con mụ chết tiệt đó trước mặt tôi,” Wardle bực tức.
“Tôi phải nhắc tới bà ta, vì thân chủ của tôi tin bà ta nói thật.”
“Lại thế nữa? Chưa chán à? Thôi thì để tôi nói hết với anh về cái quý bà Bestigui này nhé?”
“Anh cứ nói,” Strike đáp, một tay ôm lấy ly bia trước ngực.
“Carver và tôi đến nơi khoảng hai mươi, hai lăm phút sau khi Landry rơi xuống đường. Cảnh sát đồng phục đã có mặt ở đó. Tansy Bestigui vẫn còn bị kích động mạnh, lắp ba lắp bắp, vừa run vừa gào rằng sát thủ còn nấp trong nhà.
“Bà ta kể lúc hai giờ sáng bà ta bò ra khỏi giường để đi tè; đột nhiên nghe tiếng hét tùa căn hộ trên tầng ba rồi thấy Lula rơi xuống qua cửa sổ.
“Cửa sổ mấy căn hộ ở đó đều là kính ba lớp, hay đại loại như vậy, vừa giữ kín nhiệt và hơi máy điều hòa ở bên trong vừa cách ly bọn họ khỏi tiếng ồn của đám dân đen bên ngoài. Lúc tụi tôi phỏng vấn bà ta trong nhà, xe cảnh sát và hàng xóm đứng đầy đường nhưng người ở trong không hề biết gì nếu không thấy ánh đèn xanh chớp liên tục. Cứ như ở trong kim tự tháp vậy.
“Vậy là tôi nói với bà ta, ‘Bà có chắc là có tiếng la hét không Bestigui? Chỗ này cách âm khá tốt.’
“Nhưng bà ta vẫn khăng khăng. Còn thề thốt là nghe không sót một từ. Theo lời bà ta, Landry hét lên ‘Quá muộn rồi,’ và giọng đàn ông nói lại ‘Mày là đồ dối trá chết tiệt.’ Ở đây từ chuyên môn gọi là ảo thanh. Kiểu như tưởng tượng ra âm thanh sau khi hít cocaine vô tội vạ đến nỗi não chảy ra đằng mũi.”
Wardle nốc thêm một hơi dài.
“Dù vậy, sau đó tụi tôi cũng có làm thực nghiệm và chứng minh được rằng là bà ta không thể nghe được gì. Ngay hôm sau hai vợ chồng Bestigui dọn qua nhà một người bạn để tránh báo chí, vậy là tụi tôi cắm vài đứa trong căn hộ của họ, cho một đứa chạy lên ban công nhà Landry la hét om sòm. Đám trong căn hộ tầng một không thể nghe được gì cả. Tất cả đều tỉnh táo không hề say xỉn và cố căng tai ra mà nghe.
“Nhưng trong khi tụi tôi chứng minh bà Bestigui nói nhảm thì bà ta đã kịp gọi cho cả nửa dân số London rồi lu loa rằng bà ta là nhân chứng duy nhất trong vụ án mạng Lula Landry. Báo chí ra tay liền, vì trước đó mấy người hàng xóm có nghe bà ta la hét là có kẻ đột nhập. Báo chí đã xử và kết án Evan Duffield trước cả khi tụi tôi quay lại nói chuyện với bà Bestigui.
“Tụi tôi nói thẳng là đã chứng minh được rằng bà ta không thể nào nghe được gì cả. Nhưng rõ là bà ta vẫn không muốn thừa nhận mình bị ấm đầu. Bà ta đang nổi như vậy, báo chí vây quanh như thể bà ta là Lula Landry tái sinh. Vậy là bà ta bịa tiếp ‘Ơ, lúc đó tôi không nói à? Tôi có mở cửa sổ. Đúng rồi, có mở cửa sổ cho thoáng.”
Wardle cười nhạt.
“Giữa lúc nhiệt độ dưới không, lại có tuyết rơi.”
“Lúc đó bà ta chỉ mặc mỗi đồ lót đúng không?”
“Trông y như cái bừa cào hai trái quýt bằng nhựa,” Wardle bật ra câu so sánh quá ngọt đến nỗi Strike chắc rằng hắn không phải là người đầu tiên nghe những từ đó. “Tụi tôi vẫn tiếp tục điều tra theo hướng mới; tụi tôi lấy dấu vân tay trên cửa sổ, rõ ràng là bà ta không hề mở cửa. Không có dấu vân tay nào trên chốt cửa hay bất kỳ đầu; lao công đã dọn nhà vào buổi sáng trước khi Landry chết và sau đó vẫn chưa quay lại. Tất cả mọi cửa sổ đều được khóa chặt và chốt lại khi tụi tôi có mặt, vậy nên chỉ còn một kết luận thôi, đúng không? Bà Tansy Bestigui là một kẻ dối trá khốn nạn.”
Wardle uống cạn ly.
“Làm ly nữa nhé,” Strike nói rồi đi thẳng ra quầy bar mà không đợi Wardle trả lời.
Hắn để ý thấy Wardle tò mò nhìn theo ống chân hắn khi hắn trở lại bàn. Giả như vào lúc khác, hắn đã đá ống chân giả vào chân bàn rồi nói luôn “là bên chân này.” Nhưng hắn không làm vậy. Hắn đặt xuống bàn hai vại bia mới mua và món da lợn chiên giòn, hơi bực mình vì quán này khá bày vẽ, da lợn mà bày trong đồ sứ màu trắng. Hắn tiếp tục câu chuyện. “Nhưng đúng là Tansy Bestigui nhìn thấy Landry rơi qua cửa sổ phải không? Bởi vì Wilson nói là ông ta nghe tiếng thi thể rới xuống ngay trước khi bà Bestigui bắt đầu la hét.”
“Có thể là bà ta thấy thật, nhưng lúc đó bà ta không hề đi tè như đã kể. Bà ta thực ra đang phê vài tép trong buồng tắm. Tụi tôi có tìm thấy mấy tép thuốc đã cắt sẵn.”
“Phê chưa hết, đúng không?”
“Ừ, Chắc là nhìn người ta rớt qua cửa sổ xong thì ngán quá.”
“Từ nhà tắm nhìn thấy được cả cửa sổ à?”
“Ờ, sít sao.”
“Các anh tới đó khá nhanh, đúng không?”
“Cảnh sát đồng phục có mặt sau tám phút, còn tôi và Carver tới nơi sau khoảng hai mươi phút.” Wardle nâng ly lên, như thể chúc mừng thành tích của ngành.
“Tôi có nói chuyện với Wilson, là người trực bảo vệ hôm đó,”
“Vậy hả? Tay đó rất được việc,” Wardle đáp, giọng kể cả. “Vụ đau bụng không phải lỗi của ông ta. Nhưng ông ta chẳng đụng vô thứ gì và có đi kiểm tra kỹ càng sau khi Landry rớt xuống. Rất khá.”
“Mấy người trực bảo vệ ở đó hình như không cẩn thận lắm về chuyện mật mã khóa cửa.”
“Ai cũng vậy thôi. Có bao nhiêu là mã số với cả mật khẩu phải nhớ mà. Tôi cũng vậy.”
“Bristow rất quan tâm đến chuyện gì xảy ra trong vòng mười lăm phút khi Wilson đang ngồi trong nhà vệ sinh.”
“Tụi tôi cũng vậy, nhưng chỉ quan tâm khoảng năm phút thôi, trước khi tụi tôi nhận ra rằng bà Bestigui là một con nghiện thích nổi tiếng.”
“Wilson có nói là hôm đó cửa hồ bơi không khóa.”
“Thế ông ta có giải thích được làm cách nào một tên giết người lẻn vào hồ bơi rồi đi ra mà không qua mặt ông ta không? Cái hồ khốn nạn,” Wardle tiếp, “to gần bằng cái hồ bơi chỗ tôi tập thể dục, mà chỉ để cho ba người dùng. Còn có một phòng ở tầng trệt ngay sau ban trực. Rồi cả bãi đỗ xe dưới tầng hầm. Trong căn hộ thì lát đá hóa nọ kia… mẹ kiếp, nhà ở mà cứ như khách sạn năm sao nào.”
Anh chàng cảnh sát ngao ngán lắc đầu trước sự phân hóa giàu nghèo bất công.
“Đúng là một thế giới khác,” anh ta nói.
“Tôi cũng muốn biết về căn hộ tầng giữa,” Strike lên tiếng.
“Của Deeby Macc?” Wardle hỏi lại. Strike ngạc nhiên khi thấy Wardle cười đầy vẻ thật tình. “Căn đó thì sao?”
“Anh có đi vào trong không?”
“Có vào xem, nhưng Bryant đã kiểm tra hết rồi. Trống trơn. Cửa sổ chốt chặt, hệ thống báo động có kích hoạt và hoạt động bình thường.”
“Bryant là người chạy đâm vào cái bàn và làm vỡ bình hoa?”
Wardle cười khẩy.
“Biết vụ đó nữa à? Lão Bestigui không được vui lắm. Ờ thì rõ. Hai trăm bông hồng trắng cắm trong lọ pha lê to bằng cái thùng rác. Lão đọc được ở đâu rằng Macc mỗi khi trình diễn đều đòi phải có hoa hồng trắng,” Wardle nói, cứ như thể Strike chẳng biết gì về giới nghệ sĩ, rồi loay hoay giải thích thêm “Nghệ sĩ họ hay đòi có vài thứ đặc biệt trong phòng thay đồ trước khi diễn. Tôi cứ nghĩ anh phải biết mấy chuyện này.”
Strike lơ luôn câu cạnh khóe của Wardle. Hắn hơi thất vọng, nghĩ người quen của Anstis hẳn phải khá hơn thế này.
“Anh có biết tại sao Bestigui tặng hoa cho Macc không?”
“Nịnh bợ chứ gì nữa? Chắc muốn dụ Macc đóng phim. Lão tức sôi máu khi nghe chuyện Bryant đánh đổ bình hoa. Hét ầm cả nhà.”
“Không ai thấy có gì lạ à? Ông ta đi tức tối vụ hoa lá ngay trong khi hàng xóm vừa rớt xuống đường vỡ cả đầu?”
“Lão này tởm không chịu được.” Wardle bình phẩm đầy cảm xúc. “Quá quen với chuyện lúc nào cũng được người khác tung hô mà. Mới đầu còn dám đối xử với tụi tôi như lính của lão, sau mấy tỉnh ra là làm vậy thực không khôn ngoan chút nào.
“Nhưng lão la hét không phải chỉ vì mấy cái hoa. Thực ra lão đang cố hét át tiếng bà vợ, để bà ta bình tĩnh lại. Lão cứ chen ngang khi tụi tôi phỏng vấn bà. Lão già đó cũng to con lắm.”
“Ông ta lo chuyện gì à?”
“Lo là nếu con mụ kia cứ gào oang oang rồi lẩy bẩy như chó mắc mưa thì người ta sẽ biết là mụ vừa phê thuốc. Chắc lão cũng biết trong nhà có thuốc. Nên không muốn cảnh sát xông vào. Vậy là lão cố đánh lạc hướng bằng cách la hét om sòm vụ cái bình hoa năm trăm bảng.
“Tôi có đọc đâu đó là lão ta đang làm thủ tục li dị mụ vợ. Tôi chẳng ngạc nhiên gì. Lúc nào báo chí cũng chực chờ chung quanh lão, vì lão nổi tiếng khoái kiện tụng mà. Con mụ Tansy mở miệng, ắt hẳn lão rất bực. Báo chí thì luôn tranh thủ. Cho đăng ngay lại mấy vụ xa xưa, như chuyện lão ném đĩa vào đầu nhân viên, đấm vào mặt người ta khi đang họp hành. Còn cả vụ lão phải trả cho bà vợ trước một đống tiền để bà ta khỏi đem chuyện giường chiếu ra kể trước tòa. Lão ta rất nổi tiếng kiểu khốn nạn như vậy.”
“Anh không nghi ngờ gì ông ta à?”
“À có chứ, tụi tôi cho ngay vào diện nghi ngờ, lão ta có mặt hiện trường, lại có tiền sử bạo lực. Mặc dù vậy khả năng đó cực kỳ thấp. Nếu bà vợ biết lão ta là thủ phạm, hoặc lão ta đi ra khỏi nhà lúc Landry rớt xuống, tôi cá là bà ta đã kể hết vì lúc tụi tôi tới bà ta rất hoảng loạn. Nhưng bà ta lại nói là khi đó lão đang ngủ, trên giường chăn mền khá lộn xộn, đúng kiểu là có người vừa nằm đó.
“Hơn nữa, thậm chí nếu lão ta đi ra khỏi nhà mà bà vợ không hay biết, rồi chạy lên nhà Landry, chúng ta vẫn không thể giải thích được làm sao lão lại có thể qua mặt Wilson. Vì nếu làm vậy thì lão không dùng thang máy, nên chắc chắn khi chạy xuống đã phải đụng ngay Wilson ở cầu thang.”
“Vậy là chỉ dựa vào thời gian mà xác nhận vô can à?”
Wardle chần chừ.
“Ừm, thì vẫn có khả năng đó chứ. Cứ cho là Bestigui có thể chạy nhanh hơn tuổi tác và cân nặng cho phép và đẩy xong Lula là lao ngay xuống lầu đi. Nhưng mà không hề có ADN của lão ta trong nhà Landry, rồi làm sao lão ta đi ra khỏi nhà mà bà vợ không biết, và đâu có cớ gì khiến Landry mở cửa cho lão vào. Tất cả bạn bè của Landry đều đồng ý là cô ta chẳng ưa gì Bestigui. Với cả,” Wardle uống cạn ly bia rồi nói tiếp “Bestigui là loại người sẵn sàng thuê sát thủ nếu muốn làm thịt ai đó. Lão ta chẳng dại gì mà tự làm cho bẩn tay.”
“Làm ly nữa không?”
Wardle nhìn đồng hồ.
“Để tôi mua,” anh ta nói rồi đi về phía quầy bar. Ba cô nàng đứng quanh cái bàn tròn tự nhiên im lặng, nhìn theo anh ta thèm thuồng. Wardle mua hai ly bia mới, cười điệu một cái với các cô rồi quay trở lại bàn. Các cô vẫn nhìn theo.
“Anh nghĩ gì về khả năng Wilson là thủ phạm?” Strike hỏi.
“Rất thấp,” Wardle trả lời. “Ông ta không thể có đủ thời gian chạy lên rồi chạy xuống gặp Tansy Bestigui ở tầng trệt. Có điều lý lịch của ông ta rất xạo. Ông ta được nhận vô làm chỉ vì bốc phét là đã từng làm cảnh sát.”
“Hay thật. Vậy không làm cảnh sát thì làm gì?”
“Làm bảo vệ suốt thôi. Ông ta nói là nhờ khai dối mà có được công việc bảo vệ đầu tiên, khoảng mười năm trước, nên cứ phải giữ lý lịch như vậy.”
“Ông ta có vẻ thích Landry.”
“Ừ đúng thế. Trông vậy mà già rồi đó,” Wardle nói tiếp, chẳng ăn nhập gì. “Cỡ ông nội ông ngoại rồi chứ chẳng chơi. Người Caribe da đen họ không có già nhanh như người mình, hả? Nói thật tôi nghĩ có khi trông anh còn già hơn ổng.” Strike tự nhủ không biết Wardle nghĩ hắn bao nhiêu tuổi.
“Bên pháp y có kiểm tra trong căn hộ của Lula không?”
“Có chứ,” Wardle đáp, “nhưng chủ yếu là vì ở trên muốn làm cho thật kỹ, loại trừ hết mọi nghi ngờ có thể. Trong vòng hai mươi bốn tiếng sau đó tụi tôi đã chắn chắn vụ này là tự tử rồi. Nhưng tụi tôi vẫn làm tiếp, trong khi cả thế giới xúm vào theo dõi từng phút.”
Wardle nói, không che đậy nổi sự tự đắc.
“Lao công sáng hôm trước có dọn hết cả tòa nhà – em đó người Ba Lan, rất sexy, nhưng tiếng Anh dở như hạch, được cái lau bụi rất kỹ - nhờ vậy mà dấu vết hiện trường rất rõ ràng. Không có gì khác thường cả.”
“Như vậy thì chắc phải có vân tay của Wilson, vì ông ta đi kiểm tra tất cả sau khi cô ta rơi xuống?”
“Ừ có, nhưng không ở chỗ nào khả nghi cả.”
“Vậy theo như anh nói thì hôm đó chỉ có ba người ở trong cả tòa nhà. Deeby Macc lẽ ra cũng có mặt nhưng...”
“... anh ta đi thẳng từ sân bay về hộp đêm,” Wardle tiếp lời Strike. Một lần nữa, anh chàng cảnh sát cười tự nhiên, mặt mày vui vẻ hẳn. “Hôm sau tôi phỏng vấn Deeby ở khách sạn Claridges. Anh ta to con ghê. Như anh vậy,” Wilson nói thêm, liếc nhìn thân hình bệ vệ của Strike, “chỉ có điều nhìn ngon lành hơn.” Strike nhận cú đâm thọc mà không thèm phản ứng. “Đúng là cựu xã hội đen thứ thiệt. Vào tù ra tội ở LA. Sém chút nữa là không được cấp visa vào Anh quốc luôn.
“Anh ta có nguyên một đoàn tùy tùng,” Wardle kể tiếp. “Đứng đầy phòng, ai cũng đeo nhẫn đầy tay, xăm trổ đầy cổ. Anh ta to con nhất hội. Deeby ngầu thiệt, tưởng tượng đang đi trong hẻm vắng mà đụng phải anh ta thì ngán thiệt. Anh ta lịch sự hơn Bestigui cả khối lần. Còn hỏi tôi làm cảnh sát mà sao không có súng.”
Anh chàng cảnh sát cười tươi rói. Strike nghĩ thầm, cái tay Eric Wardle này là nhân viên cục điều tra tội phạm mà cũng lậm sao siếc y chang như anh lái xe Kieran Kolovas-Jones.
“Phỏng vấn có chút xíu à, Macc vừa xuống máy bay, còn chưa đặt chân tới Kentigern Gardens. Làm cho đủ thủ tục. Cuối cùng tôi nhờ anh ta ký tên đĩa CD mới ra,” Wardle nói thêm, như không kìm được. “Khi tôi đưa cái đĩa ra cả phòng nhộn nhạo cả lên. Deeby Macc rất khoái chí. Con vợ tôi cứ đòi đem bán trên eBay nhưng tôi muốn giữ...”
Wardle tự nhiên ngừng nói, như thể nhận ra vừa vô ý nói quá nhiều. Strike thấy buồn cười, hắn bốc thêm một mớ da lợn chiên giòn.
“Còn Evan Duffield thì sao?”
“Thằng đó hả,” Wardle đáp. Vẻ ưu ái hâm mộ của anh cảnh sát khi kể về Deeby Macc lập tức biến mất; anh ta cau mặt lại. “Thằng oắt con dở hơi. Nó làm tụi tôi bực muốn khùng từ đầu tới cuối. Sau khi cô ta chết thì nó cũng đi thẳng vô trại cai nghiện luôn.”
“Tôi có đọc thấy. Ở đâu vậy?”
“Trung tâm an dưỡng Priory, chứ còn chỗ nào? An với chẳng dưỡng.”
“Vậy anh phỏng vấn anh ta khi nào?”
“Ngay hôm sau, nhưng đầu tiên phải kiếm cho ra nó đã; nhân viên của nó chặn đủ đường. Cùng một thể loại như cha Bestigui. Không muốn tụi tôi biết gì cả.” Wardle lại nhăn mặt, nói tiếp “Con vợ tôi cứ nói là nó thật sexy. Anh có vợ con gì không?”
“Không.” Strike đáp.
“Anstis kể là anh giải ngũ để chuẩn bị cưới một cô đẹp như siêu mẫu.”
“Vậy Duffield nói gì khi anh phỏng vấn?”
“Hai người cãi nhau to tiếng ở hộp đêm Uzi. Có rất nhiều nhân chứng vụ đó. Cô ta bỏ về. Nó kể là năm phút sau đó nó đi theo cô ta. Nó đội mũ mẽo giả làm chó sói gì đó. Cái mũ che hết cả đầu, giống y thật, đầy đủ lông lá. Nó nói là lấy từ một đợt chụp hình thời trang.”
Wardle tỏ vẻ khinh bỉ rõ rệt.
“Nó thích đội những thứ như vậy khi đi tới chỗ này chỗ kia, để chọc tức bọn paparazzi. Sau khi Landry bỏ về, nó cũng lên xe, tài xế đã đậu xe đợi sẵn ở ngoài, rồi về Kentigern Gardens. Tài xế cũng xác nhận như vậy. Thôi được,” Wardle tự sửa lời, “tài xế xác nhận là có lái xe chở một người đàn ông đội mũ hóa trang chó sói, đoán là Duffield vì người ngợm giống Duffield, mặc đồ y chang vậy, giọng nói cũng giống y, chở về Kentigern Gardens.”
“Nhưng lúc ở trong xe anh ta không hề mở cái mũ ra?”
“Từ hộp đêm Uzi về nhà cô ta chỉ có mười lăm phút. Đúng là không mở mũ, thằng ranh con chết tiệt.
“Duffield kể tiếp là tới nơi thì thấy paparazzi đứng đầy đường nên quyết định không vào nữa. Nó biểu lái xe chở tới Soho, rồi nhảy xuống đi bộ. Nó đi tới căn hộ của thằng buôn thuốc trên phố d’Arblay, rồi ở lại đó phê luôn.”
“Vẫn còn đội mũ chó sói?”
“Không tới đây thì cởi ra rồi,” Wardle giải thích. “Thằng buôn thuốc tên là Whycliff, nghe nói dân học trường tư đàng hoàng nhưng giờ còn nghiệp ngập hơn cả Duffield. Nó có khai đầy đủ là Duffield tới gặp nó lúc khoảng hai rưỡi sáng. Lúc đó chỉ có hai đứa tụi nó trong nhà. Cũng có thể là Whycliff bao che cho Duffield nhưng bà ở tầng trệt cũng khai là có nghe thấy chuông cửa, và có thấy Duffield đi lên lầu.
“Sau đó Duffield rời chỗ của Whycliff khoảng bốn giờ sáng, lại tiếp tục đội cái mũ chó sói dở hơi. Nó đi ra chỗ xe chờ sẵn; chỉ có điều tài xế đã lái xe đi mất tiêu. Tay tài xế sau đó khai là hiểu lầm ý nó. Tay tài xế cũng coi Duffield chẳng ra gì, lúc tụi tôi lấy lời khai thấy hắn tỏ rõ thái độ luôn mà. Duffield không trả tiền nong gì vì xe là của Landry thuê.
“Vậy là sau đó Duffield không một xu dính túi, đi bộ suốt quãng đường về chỗ của Ciara Porter ở Notting Hill. Có vài người nói là có thấy một người đàn ông đội mũ chó sói đi bộ đúng tuyến đường đó, còn có cả băng ghi hình nó xin hộp diêm từ một người đàn bà trong garage mở cửa suốt đêm bên đường.”
“Anh có nhận ra gương mặt của Duffield trong băng không?”
“Không, vì khi nói chuyện với bà này nó chỉ đẩy cái mũ lên, trên hình chỉ thấy mỗi cái mõm chó sói. Nhưng bà ta nói đúng là Duffield.
“Nó tới nhà Porter khoảng bốn rưỡi sáng. Porter cho nó ngủ lại trên ghế sofa. Được một tiếng sau thì Porter nghe tin Landry chết nên đánh thức nó dậy để báo. Sau đó là màn khóc lóc ỉ ôi như kịch rồi đi thẳng vào trại.”
“Anh có tìm thư tuyệt mệnh trong căn hộ của Landry không?” Strike hỏi.
“Có chứ. Bên trong căn hộ không có gì cả, trên laptop cũng không có, nhưng chẳng có gì ngạc nhiên. Cô ta nhảy xuống trong cơn bốc đồng mà? Cô ta bị rối loạn lưỡng cực, vừa mới cãi nhau với thằng đó, tức quá, chịu không nổi nên nhảy xuống, vậy cũng như thằng đó gián tiếp xô cổ vậy, anh hiểu ý tôi mà.”
Wardle lại xem đồng hồ và uống cạn ly cuối cùng.
“Tôi phải đi đây. Con vợ ở nhà chắc đang điên. Tôi nói chỉ đi có nửa tiếng thôi.”
Ba cô gái da nâu đã đi mất, không biết từ lúc nào. Ra khỏi quán, cả hai cùng châm lửa đốt thuốc một lúc.
“Tôi ghét vụ cấm hút thuốc trong nhà ghê gớm,” Wardle vừa nói vừa kéo dây khóa áo lên đến cổ.
“Như vậy là anh đồng ý rồi?” Strike hỏi
Ngậm thuốc lá trong miệng, Wardle mang găng tay vào.
“Chưa biết.”
“Thôi nào, Wardle,” Strike nói tiếp, đưa cho tay cảnh sát một cái danh thiếp, Wardle hờ hững cầm lấy như chơi. “Tôi vừa nộp cho anh Brett Fearney còn gì.”
Wardle cười phá lên.
“Chưa, chưa nộp niếc gì cả.”
Anh ta bỏ danh thiếp của Strike vào túi, rít một hơi thuốc, phả khói rồi nhìn Strike, vừa tò mò vừa nể nang.
“Thôi được rồi. Nếu tụi tôi bắt được Fearney, anh sẽ có được bộ hồ sơ.”
Truyện khác cùng thể loại
46 chương
19 chương
26 chương
47 chương
283 chương
25 chương
19 chương
133 chương