Cố Niên Hoa

Chương 30

- Chiêu Minh vương, xin hỏi vương định nằm lì ở phòng của kẻ hèn đến lúc nào? – Tôi rời mắt khỏi khung thêu, nói vọng về phía Quang Khải đang nửa nằm nửa ngồi vắt vẻo trên bậu cửa sổ đọc sách. Sau cái hôm tôi đến Hoàng giang, Quang Khải đã nhanh chóng gửi tôi đến ở cùng với em gái của lão già, rồi ngày nào hắn cũng vác mặt sang ngồi lì từ sáng đến chiều. Tôi cứ mặc kệ hắn ở đấy vì còn bận thêu một chiếc khăn tay có hình mộc lan hệt như cái mà công chúa Thuận Thiên để lại cho lão già. Chiếc khăn thật đã được tự tay lão trả về cho ông Đảm vào cái đêm tập kích bộ đầu Triều Đông, song tôi vẫn muốn thêu lại một chiếc để lão giữ làm kỷ niệm. Tôi đã từng ngắm nghía đóa mộc lan thêu dở ấy rất nhiều lần nên nhớ rõ như in nhưng tôi vốn không quen việc thêu thùa nên làm mãi vẫn chưa ưng ý. Quang Khải cũng không làm phiền tôi, chỉ ngồi một góc hết đọc binh thư lại luyện chữ, tuy nhiên chốc chốc lại có kẻ hầu đến tìm hắn xin chỉ thị về việc tuần tra ở hành cung. Thành thử, tôi tìm cách đuổi tên bằng hữu này đi để được yên tĩnh. - Dẫu gì ở Hoàng giang ngươi cũng đâu quen biết ai. Bản vương ở lại đây bầu bạn, ngày ngày có người đến hầu hạ, dâng sản vật, ngươi còn không biết tạ ơn? – Tên hoàng tử đáp, giọng nói ngang phè. - Bẩm vương, hiện kẻ hèn đang tá túc trong khuôn viên dành cho công chúa Thiều, tin rằng không có ai cả gan khinh nhờn, dám đâu nhọc lòng vương. Mời vương về cho, hai vị phu nhân đang trông ngóng mỏi mòn. – Tôi giả đò ôm quyền, cung kính đáp. Quang Khải cười khẩy một tiếng rồi tiếp tục đọc sách. Tôi đặt khung thêu xuống giường, đi ra chiếc bàn giữa phòng, nhón một quả quýt, tiện tay vứt một quả cho hắn. - Ta biết ngươi cố ý đến đây trông chừng, sợ ta chạy lung tung. – Tôi thấp giọng. – Nhưng trải qua từng ấy chuyện, ta cũng lớn khôn được một chút rồi. - Lớn khôn thế nào? – Quang Khải hất hàm hỏi tôi. Trong phút chốc, tôi đã ngỡ mình trông thấy nụ cười của lão già. - Này, ta và ngươi bằng tuổi nhau đấy, đừng có mà ra vẻ. – Tôi bĩu môi. - Quang Khải cười thành tiếng, cắm cúi bóc vỏ quýt. - Ta rời khỏi Yên Bang để đi tìm lão già đã báo hại ông Đảm mất mạng. Từ Cổ Mai đến Hoàng giang, ta lại khiến Trần Cụ bị trọng thương. – Tôi bước đến bên cửa, nhìn về phía chân trời. – Ngươi biết không, Quang Khải, ngay khi gặp công chúa Thiều, ta liền hiểu ra mình rất nực cười. Công chúa là em ruột của Hưng Đạo vương, em khác mẹ với lão già nhà tôi. Nàng ra đời lúc Khâm Minh đại vương, phụ thân của lão già, đã thất thế sau cuộc binh biến ở sông Cái. Lúc ấy, Hưng Đạo vương đã được đưa đến chỗ công chúa Thụy Bà từ lâu, một mặt để làm con tin, mặt khác, những người của chi Tức Mặc không muốn hai anh em lão già ở cùng một chỗ, cùng được Khâm Minh đại vương nuôi dưỡng. Khi công chúa được vài tuổi thì mẹ nàng vắn số, nàng cũng được đưa đến ở cùng với Hưng Đạo vương, thi thoảng mới về Yên Bang thăm lão già nhà tôi. Thế nên từ trước đến giờ tôi và nàng chỉ gặp nhau được đôi lần. - Nếu ngay cả người con gái yêu quý nhất của chi Vạn Kiếp đang ở Hoàng giang cũng không thể khiến những kẻ đang nắm quyền của Tức Mặc yên lòng, thì có thêm mười đứa nhãi nhép như ta đến cũng có ý nghĩa gì đâu. – Tôi cười nhạt. – Giao trả ấn nội mật chẳng qua cũng chỉ là cái cớ để lão già lừa ta đến đây, không phải đối đầu với những hiểm nguy nơi tiền tuyến mà thôi. - Không đâu. – Quang Khải nhìn tôi, cười hiền. – Hôm trước lúc ta giao lại ấn cho quan gia, cả triều đình ai nấy cũng vui mừng. Ngươi thực sự đã lập được công to đấy. Hắn đưa tay định xoa đầu tôi, tôi thở hắt ra, gạt đi. Rồi chúng tôi ngồi im lặng thật lâu, mỗi người đều theo đuổi ý nghĩ riêng. Tôi không biết mình phải làm gì ngoài việc ngoan ngoãn ở lại đây, đợi thanh bình rồi sẽ gặp lại lão già. Bao nhiêu lần muốn lẻn trốn về Thăng Long, bao nhiêu lần muốn xin thái tử cho gia nhập quân đội của ngài để nhanh chóng tiến gần lão già hơn, là bấy nhiêu lần tôi buộc mình đến thăm Trần Cụ, mở to mắt nhìn những cơn đau đang hành hạ hắn, tự nhắc mình không được liên lụy thêm một người nào nữa. Mãi sau, tôi dứt khoát kéo Quang Khải đứng lên, đẩy ra cửa: - Kẻ hèn đã biết tấm lòng bao la quảng đại của vương. Giờ thỉnh vương yên tâm về cho! Kẻ hèn phước lớn mạng lớn, không vì chút muộn phiền này mà chết được đâu! Quang Khải đẩy tôi ra, lại bước vào phòng, ngồi xuống tiếp tục đọc sách. - Khải! – Tôi bắt đầu nổi cáu. – Ngươi thực sự xem nơi ở của ta là Chiêu Minh vương phủ chắc. Ông đây không dịu dàng kiên nhẫn như hai người vợ của ngươi đâu! - Chính vì hai người vợ ấy. – Quang Khải đặt quyển sách xuống, nhìn tôi, vẻ ngạo mạn ban nãy hoàn toàn biến mất. – Thái ấp Độc Lập của ta rất rộng lớn, trước đây mỗi người ở một nơi, từ sáng đến tối không cần chạm mặt nhau. Giờ đến cái hành cung nhỏ bé này, ba người ở cùng một khoảng sân, ta ở cùng ai cũng khó tránh khỏi cảm thấy bất công cho người còn lại. - Phụng Dương của ta thèm vào đi đố kỵ với cô đào hát của ngươi. – Tôi cười cười. - Đúng là nàng ấy không hề để mắt. – Quang Khải cũng bước đến ngồi đối diện tôi, trầm giọng. – Chính vì thế, ta càng thấy khó chịu hơn. - Ha! Ha! – Tôi cười vài tiếng, định châm chọc thêm mấy câu nhưng ánh mắt hơi bối rối của ông hoàng trẻ con khiến tôi bỗng thấy thương hại, bèn giữ nguyên dáng vẻ nghiêm trang, nói tiếp. – Ngươi áy náy thế nào mà lại ở đây cả ngày, không chừng báo hại hai nàng ấy đến đây gây rắc rối cho ta. - Không đâu. – Hắn đáp tỉnh rụi. – Họ thừa biết ta không có hứng thú với đàn ông. Tôi chộp nhanh lấy thanh kiếm để trên giường, chĩa về phía hắn: - Được, vậy hãy quyết đấu với ông như những trang hảo hán nào! Quang Khải cười nhạt một tiếng rồi cũng cầm lấy thanh kiếm của hắn, sẵn sàng cho một trận thư hùng. Bên ngoài vang lên tiếng ho sù sụ, công chúa Thiều và cô thị nữ đi sau vờ như không thấy hành vi khiếm nhã của tôi, tôi cũng lập tức đặt kiếm lên bàn, giũ váy, cúi chào rất đoan trang. Quang Khải nghiêm mặt nhưng không giấu được tiếng cười trong cổ họng, tôi lờ đi như không nghe không biết. Trong ký ức của tôi, công chúa Thiều là một cô gái có cốt cách dịu dàng và có phần nhút nhát. Nàng sợ hổ, sợ sâu, thích nép sau lưng hai người anh lớn. Nhiều năm không gặp, vẻ nhút nhát ấy được khéo léo giấu sau nụ cười ngọt như rót mật. - Nhã Phong, em ở đây có quen không? – Nàng nhỏ nhẹ hỏi tôi sau khi khẽ gật đầu chào Quang Khải. - Thưa, tốt lắm ạ. – Tôi đáp. – Ngày nào cũng có người mang thức ăn ngon đến, em chỉ ăn rồi ngủ, sắp béo ú rồi đây. - Chứ không phải mất ăn mất ngủ vì thêu mãi không ra hình mộc lan phỏng? – Quang Khải bước đến phía sau nói khẽ vào tai tôi. Tôi nguýt hắn một phát rõ dài, đoạn nảy ra một ý, kéo công chúa đến xem chiếc khung thêu: - Công chúa khéo tay, xem giúp em chỗ này phải thêu thế nào ạ? Công chúa ngắm nghía một lúc rồi cầm lấy kim, tôi vội ngăn: - Cô dạy em là được, không dám phiền cô! - Cái này... - Nàng nhìn tôi một lúc, hàng mi dài khẽ chớp. – Em tặng tình lang nên muốn tự mình làm lấy từ đầu đến cuối phải không? - Thưa không, em thêu cho tiên sinh đấy ạ. – Tôi đáp. Đôi mắt long lanh của công chúa mở to hơn, đoạn nàng bật cười, đưa tay che miệng: - Hóa ra cũng không hẳn là lời đồn. - Sao ạ? - Không có gì, để ta bày cho em. – Nàng ôn tồn đáp. Được mỹ nhân tận tay chỉ việc, tôi hoàn thành mũi thêu rất nhanh. Quang Khải thấy bọn tôi trò chuyện tương đắc thì định rời đi, không ngờ vừa đến cửa đã đâm sầm vào cậu hoàng nhỏ tuổi. - Nhật Duật, em chạy đâu mà vội thế? – Quang Khải bế cậu lên. - Thái tử bảo em dẫn anh ấy đi tìm anh. – Nhật Duật đáp, bàn tay bé xíu chỉ về phía sân. - Tìm anh? – Quang Khải ngạc nhiên. – Cả hành cung đều biết mấy ngày nay anh đi cùng Nhã Phong, mà chính thái tử lệnh cho anh gửi Phong đến chỗ công chúa... Nói đến đây, bọn tôi đều nhận ra gò má công chúa hơi ửng hồng. Tôi liền nói ngay: - Khải, không phải ngươi bảo ta nên đến hậu viên giúp đỡ chữa trị cho thương binh sao? Mau dẫn đường! Quang Khải lập tức hiểu ý: - Chỉ tại ngươi cà kê mãi, bổn vương đã đợi từ sớm đến giờ. Thái tử vừa vào đến, chúng tôi nhanh nhẹn cúi chào rồi tiếp tục sải bước. - Hai người đi nhanh quá, Duật đuổi theo không kịp! Hóa ra cậu hoàng nhỏ tuổi đang đuổi theo bọn tôi, thở hổn hển, mồ hôi lấm tấm trên gương mặt phúng phính đỏ bừng. - Em chạy theo làm gì? – Quang Khải bước đến hỏi cậu ta. - Thế hai người chuồn nhanh như vậy làm gì? – Nhật Duật quệt mồ hôi trên trán, giọng như ông cụ non. – Còn không phải muốn để hai anh chị đấy có thời gian bên nhau phỏng? *** Hậu viên là mỏm đất nhỏ nhô ra sông, trước có mấy mái đình dùng để câu cá và hóng mát, giờ đang được dùng làm y quán chữa trị cho những thương binh còn sống sót sau trận Bình Lệ Nguyên và trận chiến bất ngờ của Trần Cụ với quân Thát vừa rồi. Cũng may trận chiến chưa kéo dài, thuốc men và lương thực vẫn còn đầy đủ, song không vì thế mà nỗi đau của những người lính kia giảm đi được chút nào. Vũ khí mà bọn rợ Thát dùng có thể gây ra những vết thương mãi không khép miệng. Tôi chợt nghĩ đến cánh tay của lão già, không biết lúc này lão đang ở đâu rồi, đã vào hoàng thành chưa, có biết tự chăm sóc cho mình không hay cứ để vết thương vừa kéo da non lại nứt ra rồi rỉ máu mãi. - Cô Nhã Phong... cô là cô Nhã Phong có phải không? – Tiếng thì thào sau lưng cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Tôi giao việc băng bó cánh tay của một người lính cho Nhật Duật, đỡ anh lính đang chống gậy nọ ngồi xuống cạnh bên: - Anh biết tôi sao? Vết thương của anh thế nào rồi? – Tôi ôn tồn hỏi. - Bẩm, tôi là lính Thánh Dực, trước đây từng được thấy cô Nhã Phong ở Hồng Lộ. – Anh ta đáp. - Cô Nhã Phong! Cô thật là cô Nhã Phong ư? – Lại có tiếng reo khe khẽ. - Thật không ngờ chị nổi tiếng trong quân đội như thế! – Nhật Duật trầm trồ. - Có phải thấy chị cậu rất lợi hại không? – Tôi nheo mắt nói nhỏ với cậu. - Ngưỡng mộ! Ngưỡng mộ! – Hoàng tử nhỏ ôm quyền cười toe toét. - Anh đợi một chút, tôi sẽ quay lại ngay. – Tôi nói với người chống gậy, đoạn đứng lên nhìn quanh. – Ai vừa gọi Nhã Phong thế ạ? - Cô Nhã Phong... – Từ góc đình bên kia, một bàn tay run rẩy đưa lên. Tôi nhanh chóng bước đến xem. Người này bị thương khá nặng, lớp băng trên ngực và vai ướt sũng máu. Ông ta cố gắng lắm cũng chỉ ngẩng đầu lên được một chút. - Bác đừng vội! – Tôi thận trọng bước qua những người đang nằm phía bên ngoài, đoạn ngồi xuống, kê cao chiếc gối sau đầu để ông ấy dễ chịu hơn một chút. – Tôi là Nhã Phong đây ạ, bác biết tôi chăng? Bàn tay gầy guộc của bác ta nắm chặt cổ tay tôi, yếu ớt nói: - Tôi là gia nhân của nhà họ Phạm. Cậu chủ... cậu chủ kể cho chúng tôi nghe rất nhiều về cô. Nhà họ Phạm... Tôi nhớ ra ngay. Phạm Cự Chích! Nguyễn Nam! Đây chính là người trong quân của Nguyễn Nam. Gai ốc đột nhiên nổi khắp người, khóe mắt cay xè, tôi gấp gáp hỏi bác ta: - Anh ấy nói gì về tôi? - Cậu Chích nói, chính cô là người chỉ cho cậu ấy biết sứ mệnh thực sự của mình... - Cơn ho dữ dội cắt ngang lời nói của người thương binh khốn khổ nọ. - Cậu ấy còn dặn... nếu chẳng may cậu bạc phần, bọn tôi nhất định phải nghe theo mệnh lệnh của cô... - Bọn tôi? – Tôi sững sờ nhìn những người nằm bên cạnh, kẻ băng đầu, người chỉ còn lại một chân, tất cả đều đang gượng đau ngồi dậy. - Xin đợi lệnh của cô! – Gần ba mươi con người còn sống sót đồng thanh đáp. Môi tôi run run không nói được lời nào. Nước mắt không kiềm được, cứ thế rơi ướt đẫm mặt. Những lời lão già kể vọng về bên tai, vẽ ra bức tranh thảm khốc của trận chiến hôm ấy. Toàn quân Đại Việt sau khi bị vỡ trận ở Bình Lệ Nguyên đã lui về bến Lãnh Mỹ, nơi chiến thuyền neo sẵn phòng bất trắc. Giặc Thát vẫn đuổi theo ráo riết phía sau, tình thế rất ngặt nghèo. Đến sách Cụ Bản, một đội quân trang bị khác lạ xông ra. Người dẫn đầu đội quân ấy đã thúc ngựa vào giữa đoàn binh bọc hậu và quân giặc, miệng không ngừng gọi lớn: - Hưng Ninh vương! Hưng Ninh vương! Ông ở đâu? Chủ tướng quân Thánh Dực vừa giết giặc vừa dõng dạc trả lời: - Ta đây! Cậu thanh niên chỉ ngoài hai mươi nhanh chóng chạy đến tiếp ứng cho vương. Hai người chung lưng đấu cật diệt được mấy toán quân, đoạn trông thấy phía sau quân giặc bụi cuốn mù trời, vị thủ lĩnh trẻ ấy bỗng nhoẻn miệng cười, hất hàm bảo vương: - Các người còn việc phải làm thì đi nhanh! Chỗ này để tôi lo là đủ! - Cậu tên gì? – Hưng Ninh vương sững người. - Phạm Cự Chích. – Cậu nói, đoạn đạp mạnh vào ngựa của vương làm nó lồng lên, phóng rất xa về phía trước. – Nhã Phong đang đợi. Về nói với cô ấy là tôi đã cứu ông! Đội quân cứu viện không rõ từ đâu đến ấy nhanh chóng tạo thành một lớp hàng rào chặn sau quân triều đình, không lui nữa. "Là cậu ấy đã cứu mạng ta." Lão già nhắc lại với tôi như thế. Khi ấy, tôi rúc trong lòng lão, cảm thấy mọi đau thương đều là việc đã qua rồi. Không ngờ lúc này đối mặt với những người lính của Nguyễn Nam, nỗi bi ai lại ngập tràn. Tôi vừa thương vừa giận, không biết thương ai mà cũng không biết giận ai. Tôi gọi thêm vài người đến giúp thay băng và lau mặt, vệ sinh chỗ ở của những người lính bị thương. Mãi đến khi trời tối hẳn công việc mới hoàn thành, tôi ghé qua thăm Trần Cụ rồi uể oải trở về phòng mình. Dù đã tắm thật lâu, mùi máu tanh hãy còn phảng phất. Lúc này, tôi bỗng nhớ đến mềm lòng hương trầm luôn thoang thoảng trên người lão già. Hóa ra cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, những thứ đã mất đi là thực sự đã mất đi, khói lửa vẫn còn cháy mãi ngoài kia... Nghĩ thêm một chốc nữa, tôi quyết định mang quyển y thư mà Nguyễn Nam để lại cho tôi đến nơi ở của thái tử xin yết kiến. Tôi biết bây giờ không phải lúc thích hợp, song vẫn là việc phải làm. - Xá tội cho Vũ Thành vương? – Thái tử kinh ngạc nhắc lại lời tôi. - Thưa, phải! – Tôi quỳ trước mặt ngài, đầu cúi thấp. – Tôi biết lúc này cầu xin cho Vũ Thành vương là không thích hợp. Tôi cũng biết mang việc Phạm Cự Chích xả thân tiếp ứng để đổi lấy tự do cho một kẻ phản quốc là sỉ nhục tấm lòng tận trung của họ Phạm. Tuy nhiên... - Tôi mạnh dạn ngẩng lên tha thiết nhìn thái tử. – Tuy nhiên báo ơn cho Vũ Thành vương lại là tâm nguyện lớn nhất của Phạm Cự Chích lúc sinh thời, dù thái tử trách phạt, Nhã Phong cũng phải thay hắn hoàn thành. Hơn nữa... - Hơn nữa thế nào? – Thái tử hỏi. - Hơn nữa, ở hậu viên vẫn còn tàn quân của họ Phạm. Một lệnh ân xá của triều đình lúc này chính là lời an ủi tốt nhất giúp họ mau hồi phục. - Ta nghe nói những người lính họ Phạm kia đã thề chết nghe lệnh cô Nhã Phong. Ta cũng nghe nói, Nhã Phong chính là người được sủng ái nhất phủ Hưng Ninh vương? – Thái tử không giấu vẻ thăm dò. - Bẩm, phải. – Tôi không do dự đáp. – Hưng Ninh vương lại tận trung với họ Trần. Suy cho cùng, những người họ Phạm ấy đều là người của quan gia và thái tử. Thái tử nhìn tôi, tôi cũng nhìn ông ta. Bỗng thái tử bật cười sảng khoái: - Ta nghe danh truyền nhân của Hưng Ninh vương đã lâu, nay đã hiểu rồi. Chẳng trách tướng quân họ Phạm kia lại vì cô mà chiến đấu không màng sống chết. - Phạm Cự Chích tướng quân là vì Đại Việt mà chiến đấu không màng sống chết. – Tôi chậm rãi đáp, đoạn lại cúi đầu sát đất. – Xin thái tử vì tấm lòng trung thành này mà thay tướng quân xin tội cho Vũ Thành vương trước mặt quan gia. - Được. Ta hứa với cô. – Thái tử cũng đáp từng lời như đinh đóng cột. --- P.S: Trong lúc chờ chương mới, mọi người có thể ghé qua đọc Quan san nguyệt - Ngoại truyện của Cố niên hoa, viết về thời niên thiếu của Trần Tung hén. :D --- [1] Lấy ý từ bài Thủ nghê nưu (Chăn con trâu đất) của Tuệ Trung Thượng sĩ: Thủ nê ngưu Nhất thân độc thủ nhất nê ngưu, Đằng tỵ khiên lai vị khẳng hưu. Tương đáo Tào Khê đô phóng hạ, Mang mang thuỷ cấp đả viên cầu. Dịch nghĩa Một mình riêng giữ con trâu đất, Xỏ mũi dắt về chưa từng chịu nghỉ. Đem đến Tào Khê thì thả ra, Mênh mông nước chảy cuốn quả cầu tròn. Trong Ngữ Lục Triệu Châu ghi: "Có vị tăng hỏi: Đứa trẻ mới sinh đầy đủ sáu thức hay không? Thiền sư Triệu Châu trả lời: Giống như trên dòng nước chảy xiết đánh cầu." Chú thích: Trên dòng nước chảy xiết đánh cầu, ý nói đứa trẻ mới sinh tuy tâm niệm của nó như dòng nước chảy không dừng, nhưng sáu thức không phát khởi công dụng, do đó không có phân biệt sai quấy.