Cố Niên Hoa
Chương 28
Từ biệt chúng tôi, Dã Tượng và Yết Kiêu mang theo âm phù tìm đến bản doanh Hưng Đạo vương đang đóng. Địa Lô đứng mãi ở mạn thuyền, nhìn theo bóng hai người đến khi khuất hẳn. Lão già thấy thế, gọi cậu ta lại, hỏi:
- Cậu có muốn theo Dã Tượng không?
Địa Lô hốt hoảng:
- Thưa, Địa Lô đã thề cả đời phụng sự cho vương gia. Tôi chỉ thấy anh ấy dẫn đầu toán quân giả tiếng thú rừng dọa địch rất oai phong nên ngưỡng mộ, không có ý gì khác!
Lão thấy vẻ nghiêm túc trên mặt cậu nhóc, cười hiền:
- Ta vốn không hứng thú với binh nghiệp, lần này tham chiến chỉ là bất đắc dĩ. Cậu theo ta sẽ mai một tài năng. Đợi giặc tan, ta sẽ gửi cậu cho Hưng Đạo. – Ánh mắt Địa Lô vẫn chưa hết vẻ hoang mang, lão nói tiếp. – Lời thề của cậu với ta vẫn giữ theo một cách khác.
Địa Lô nhìn sang phía tôi như cầu cứu, tôi bèn vỗ vỗ vai cậu bé:
- Tiên sinh chỉ muốn tốt cho cậu, không phải chê cậu phiền tìm cách đuổi đi đâu! Hưng Đạo vương rất hay đến thăm tiên sinh, cậu nhớ chúng tôi thì cứ đi theo vương là được ấy mà!
Địa Lô ngớ người, nghĩ một lúc mới hiểu ra, sụp xuống lạy. Tôi nhìn sang lão già, nụ cười thuần hậu vẫn nguyên, ánh mắt xa xăm vẫn đó, lòng tôi bỗng khó chịu như có trăm con kiến đang bò. Chợt nhớ ra một việc, tôi kéo lão ra mũi thuyền, ngồi cuối gió, cầm tay lão lên xem. Lớp băng trắng giờ đã loang lổ máu.
- Em biết ngay mà, cây cung lúc nãy vừa to vừa nặng. – Tôi nhăn nhó. – Vết thương nứt toác cả rồi này!
Lão cười cười, đẩy đẩy trán tôi. Tôi nghiêng người tránh né, đoạn giở lớp băng, cố nhẹ nhàng kẻo làm lão đau thêm. Ngay khi thấy vết thương, suýt nữa tôi đã kêu lên vì nó trầm trọng hơn tôi nghĩ. Chỗ da thịt bị chém rất sâu, rất nham nhở, không biết bọn Thát chết tiệt đó đã dùng loại binh khí quái quỷ gì. Tôi lấy băng và thuốc trị thương mang theo người, lau máu sạch sẽ rồi bôi lại cho lão, thấy xót, thấy đau y như mình bị chém.
- Bấy lâu nghe câu "lương y như từ mẫu", ta cứ cho là thậm xưng, giờ nhìn vẻ mặt cau có của em mới tin là thật. – Lão bình thản như thể vết thương nọ ở trên người ai khác.
Tôi hậm hực lườm lão một cái sắc như dao, song vẫn chun môi thổi thổi chỗ vừa bôi cao cho đỡ buốt, vừa thổi vừa lẩm bẩm:
- Tiên sinh cũng là thầy thuốc mà chẳng biết tự chăm sóc mình gì cả!
- ...
- Thế này còn vung kiếm giương cung, bao giờ mới khỏi?
- ...
- Người còn nhớ mặt tên Thát đó không? Lần sau gặp lại em sẽ băm nó thành trăm mảnh cho hả giận!
- Kẻ bị thương nào vào tay em cũng bị dằn vặt thế này sao? Xem chừng cơ thể vừa lành lại đã mắc tâm bệnh. – Lão tựa lưng vào cột, gió từ sông thổi đến bay bay mấy sợi tóc trên trán lão, tạo nên một vẻ thong dong cực kỳ đáng ghét.
Tôi dừng tay, chợt nhận ra từ nãy đến giờ mình cứ làu bàu như một oán phụ lôi thôi, thật mất mặt, bèn thở hắt ra, đoạn nheo nheo mắt nhìn lão, lấy lại tinh thần nở một nụ cười diễm lệ:
- Em vốn chỉ biết dùng độc, kẻ được em chữa trị tự cổ chí kim độc có một anh lính đã yểu mệnh và đại tướng quân doanh Thánh Dực người thôi.
Lão bật cười, vò vò tóc tôi rồi ánh mắt lại hướng về phía Thăng Long. Tôi không nói thêm gì, lẳng lặng hoàn thành việc băng bó rồi đến ngồi sát mép nước trông ra. Mặt trời dần lên, sóng đùa mặt nước phản chiếu ban mai lấp lánh. Cả đêm qua chúng tôi không ngủ nhưng chẳng ai thấy mệt mỏi chút nào vì thắng lợi tinh thần nọ.
- Nghe nói khúc sông này có cá trắm đen, nướng riềng sả vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng, rất tốt cho vết thương của em đấy. Muốn ăn không? – Lão hỏi vu vơ.
Tôi lắc lắc đầu, nhặt bừa một viên sỏi nhỏ dưới lòng thuyền, ném cho nó lướt lướt trên mặt sông.
- Lại không vừa ý chuyện gì rồi? – Lão bước đến ngồi cạnh tôi, giọng nói có vẻ rất cao hứng.
- Người thấy cam tâm sao? – Tôi hỏi ngược lại.
- Hửm?
Tôi quay lại nhìn lão thật dịu dàng:
- Mấy năm qua chỉ chuyên tâm đọc Phật lý mà có thể dùng kế lung lạc lòng quân như thế. Giả như tiên sinh không phải là con trai của Khâm Minh đại vương, không biết binh nghiệp sẽ rực rỡ đến mực nào... – Nói đến đây, giọng tôi bỗng dưng nghẹn lại, tôi sợ lão buồn.
Lão nhìn theo một con cá đang bơi về phía xa, cười nhạt:
- Đi chỉ mấy ngày mà miệng lưỡi dẻo hơn nhiều đấy!
Tôi không buồn đáp trả, ngẫm nghĩ một chốc rồi chân thành nói tiếp:
- Nếu em đến Hoàng giang làm con tin, ngay khi Hưng Đạo vương phản công ở bộ đầu Triều Đông, người có thể dẫn quân vòng ra phía sau quân Thát để chiếm lại Thăng Long mà hoàng đế và thái sư vẫn yên tâm chứ?
Mắt lão thoáng mở to, chính tôi cũng kinh ngạc trước những gì mình vừa nói. Lão nhìn tôi hồi lâu, đoạn nhếch mép cợt nhả:
- Em là ai? Là vương phi hay ái thiếp của Hưng Ninh vương? Trong lòng ông ta em nặng nhẹ mấy cân? Họ Trần ở Hoàng giang giữ em lại ngoài việc tốn mỗi ngày thêm vài đấu gạo thì được lợi ích gì?
Tôi không ngờ lão đã nghe thấy cuộc nói chuyện của tôi và Trương Phi hôm trước, ngượng chín người song vẫn cố tỏ ra bình thản. Mãi không tìm được lý lẽ nào để thuyết phục, tôi chỉ biết nhìn lão chăm chăm. Đôi mắt lão trở lại vẻ điềm nhiên muôn thuở:
- Phải, ta đã hiểu quy luật tạo khói và cờ hiệu của chúng, cũng đã tìm được cách đột kích vào quân doanh, tất cả là nhờ tấm địa đồ của em.
- Thật ạ? – Tôi sửng sốt.
- Em vẽ dư một mật đạo dẫn từ cổng thành phía tây sang bộ đầu Triều Đông. – Lão nheo nheo mắt. – Buồn cười nhất là mật đạo ấy có thật nhưng người họ Trần vốn không hay biết. Ta nghe kể lúc còn rất nhỏ, nhiều năm qua chỉ nhìn địa đồ hiện tại mà quên mất chuyện này.
Thật không ngờ tôi nhớ mãi không biết mình vẽ sai điểm nào mà hóa ra lại ăn may! Họ Trần vốn không biết, như thế chỉ có thể do công chúa Thuận Thiên nói cho lão già. Cảnh này quả thật tình ngay lý gian. Người cha từng âm mưu làm phản, giờ con trai thứ thống lĩnh đại quân ở tiền tuyến, con trai trưởng theo một mật đạo cả hoàng đế cũng không hay biết mà chiếm lại kinh thành, chỉ sợ chưa diệt được giặc, quân ta đã tự loạn. Hơn cả hoàng đế, Trần Thủ Độ vốn luôn giữ mối nghi ngờ với chi Vạn Kiếp. Chẳng trách, quân đội đóng ở Cổ Mai chỉ bằng một nửa so với toàn quân Thánh Dực hôm xưa tôi gặp.
Ban nãy, chính vì đoán ý lão già e ngại điều này mà rút quân nên tôi mới xin tự mình đến chỗ những người trong cung đang lánh nạn để làm con tin, quên mất mình vốn chẳng có danh phận gì chính đáng. Ngồi một chỗ thì tôi lại không yên! Nếu không nhìn thấy dáng vẻ uy dũng và ánh mắt rực lửa cùng nụ cười ngạo nghễ của lão trong cuộc đột kích tối qua, sợ rằng chẳng bao lâu nữa tôi cũng như mọi người, tin rằng lão chỉ là một vị vương gia tuổi đã cao, nhàn nhã vô hại, ra làm quan theo phận sự rồi vui thú tu hành. Thân là chủ tướng đội quân mang tên đôi cánh thần thánh mà không được toại ý tung bay như mình muốn, tôi thấy uất ức thay cho lão.
- Hay em đến đó cứ tự xưng là tiểu thiếp người sủng ái nhất, đằng nào mà sĩ tốt đã chẳng đồn ầm lên như thế. Cái gì danh tiết hay hậu quả, đợi giặc tan rồi mới tính có được không? – Nghĩ mãi không ra cách, tôi buộc miệng nói bừa một hơi.
Ánh mắt đông cứng như bị người xúc phạm nặng nề của lão khiến tôi biết mình vừa phát ngôn ngu dại.
- Tiên sinh, em nói sai rồi...
Lão im lặng không đáp, tôi cụp mắt, chẳng dám nhìn lên. Hồi lâu, lão nói chậm rãi từng tiếng:
- Tiểu thiếp, dẫu sắc đẹp nghiêng thành hay cầm kỹ xuất chúng, đối với một thân vương mà nói, muốn mấy người sẽ có mấy người. – Dừng một thoáng, giọng lão lại lạnh như gió sớm. – Những chuyện như thế, sau này đừng nhắc nữa.
Tôi vẫn cúi gằm mặt, thuyền đã về đến bến sông tối qua, chuẩn bị cập bờ. Tôi len lén nhìn sang, lão thấy dáng vẻ lấm lét của tôi thì phì cười. Không muốn cả hai mang tâm trạng nặng nề mãi, tôi cố nghĩ chuyện chọc lão vui, đoạn ghé tai lão thỏ thẻ:
- Em nghĩ ra rồi, em sẽ xưng là nam sủng, đang mang thai con đầu lòng của vương gia.
Lão hơi nghệch mặt ra, khóe môi giật giật rồi lấy lại ngay vẻ bình thản đứng dậy, mặc kệ tôi vẫn ngồi đấy, toan bước lên bờ. Tôi không bỏ cuộc, bám theo sau lão léo nhéo:
- Hay em bảo em là đứa con rơi vương gia giấu diếm bấy lâu...
Tôi chưa nói hết câu, lão đã ném cái áo choàng to đùng phủ lên đầu tôi. Không kịp phản ứng, tôi thấy mình bị cắp ngang hông rồi nhấc bổng lên cao, trời đất bỗng chao đảo. Khi bình tĩnh lại và kéo được áo choàng ra, tôi đã an toàn đứng trên đất liền. Binh sĩ nhìn tôi, mặt mũi ai nấy rất khó coi như đang cố nén cười. Trần Cụ cũng nhìn tôi, vẻ thất thểu như không thể hiểu tại sao vị sư phụ tài trí của mình lại giữ một đứa dở người bên cạnh, vừa phiền nhiễu vừa mất mặt.
Lão già đã ở tít đằng xa, đang ngồi trên phiến đá xem xét vật gì đó. Tôi nhanh chân bước lại, một vị tướng trẻ cúi đầu hành lễ:
- Mạc tướng Đỗ Ngạc bái kiến tiểu thư!
Tôi cố nhớ ra cái tên này, đoạn kêu lên:
- Anh là phó tướng quân Thánh Dực phải không? Sao hôm nay tôi mới gặp?
- Thưa, trước tôi đóng ở lộ Khoái, mấy hôm nay theo lệnh vương gia ở lại Thăng Long để theo dõi động tĩnh quân Thát. Nghe danh tiểu thư Nhã Phong đã lâu, giờ mới được diện kiến!
Tôi quan sát người trước mặt, Đỗ Ngạc kém lão già vài tuổi, gương mặt và tác phong đều hiện rõ phong thái đĩnh đạc của người quen quân ngũ. Nghĩ đến chị gái tôi, nghĩ đến anh Thân, nghĩ đến Trần Cụ, tôi chợt nhận ra lão rất thích thuộc hạ nghiêm túc, hành xử theo phép tắc. Đã thế, tôi càng phải chăm chỉ ở cạnh lão bày trò vui để cuộc sống của lão bớt nhàm chán phần nào, nếu không vài năm nữa biết đâu lão sẽ lên Yên Tử xuất gia thực sự.
- Việc ấn nội mật bị mất, ngoài cậu ra còn ai biết nữa không? – Lão hỏi Đỗ Ngạc.
- Bẩm vương gia, chỉ có mạc tướng và thuộc hạ thân tín biết. – Anh ta nhỏ giọng trình.
Tôi nhìn vật lão đang cầm trên tay, hóa ra đây chính là con ấn của vua! Chắc nó bị lạc mất trên đường di tản, may mắn được quân ta tìm lại, nếu rơi vào tay giặc không biết hậu quả sẽ ra sao. Nhưng như thế, bấy lâu nay, thư lệnh trong quân đang dùng ấn gì, làm thế nào để hiệu lệnh cho tướng sĩ ở xa? Ngẫm nghĩ một hồi bỗng thấy ánh sáng trong đêm tối, đoan chắc lão cũng nghĩ như mình, tôi liền quỳ xuống, tay đặt lên gối lão rất thành khẩn:
- Tiên sinh, đây chẳng phải thời cơ ta đang đợi sao? Xin người để em đi!
Nếu tôi thay lão già mang ấn báu trả lại cho hoàng đế, lão có thể phối hợp với Hưng Đạo vương đánh vào Thăng Long mà không khiến triều đình nghi kỵ. Trận chiến này có thể kết thúc sớm hơn một chút, số người ngã xuống cũng ít đi một chút. Hùng tâm tráng chí của lão cũng được an ủi phần nào.
Bàn tay to lớn của lão nắm hờ rồi đặt lên tay tôi, mắt lão thoáng nét đăm chiêu đoạn chậm rãi khép lại như đang suy nghĩ rất lung. Hồi lâu, đôi mắt ấy mở to, trở về vẻ tinh anh và quyết liệt của đêm hôm trước, lão khẽ khàng ban từng lệnh:
- Đỗ Ngạc, cậu dẫn người dọ thám mật đạo ở cổng tây thành. Hơn hai mươi năm không ai dùng đến, phải kiểm tra cẩn thận phòng bất trắc.
- Tuân lệnh! – Đỗ Ngạc lập tức rời đi.
- Trần Nhã Phong, em mang ấn nội mật đến Hoàng giang giao cho Chiêu Minh. Những việc cần nói cứ để cậu ấy truyền đạt đến hoàng đế và thái sư.
- Tuân lệnh! – Tôi hồ hởi đáp.
- Trần Cụ! – Lão gọi to, hắn sải bước đến ngay.
- Sư phụ gọi con?
- Mang theo một ngũ binh bảo vệ ấn báu, nhất định phải đến nơi bình an vô sự.
- Thưa vâng!
Nói rồi, lão bước về phía ba quân đang đợi lệnh, dõng dạc nói to:
- Toàn quân nghe lệnh, trở về rừng mơ chỉnh đốn lực lượng, chuẩn bị tiến đánh Thăng Long!
- Rõ! – Muôn người đồng thanh rồi nhanh nhanh chóng chóng vào hàng ngũ lên đường.
Gió từ triền sông lồng lộng thổi vào, quân kỳ Thánh Dực bay phần phật, rực rỡ trong nắng sớm.
***
Tôi gói ấn nội mật vào mấy lần vải rồi để vào cái đẫy buộc chặt bên vai. Lão già đưa tay toan đỡ tôi bước xuống thuyền, song tôi chỉ siết tay lão thật chặt rồi buông ra ngay, đoạn nhanh như cắt lấy đà búng người lộn một vòng, gọn gàng đáp lên mũi thuyền. Thuyền chòng chành khiến tôi hơi choáng váng nhưng vẫn nở được một nụ cười rạng rỡ, chắc mẩm cả Trần Cụ và tướng sĩ xung quanh đều đang trầm trồ thán phục. Ông đây khi muốn ỷ lại lão già sẽ vô dụng hơn cả kẻ vô dụng nhất, khi cần được việc thì tuyệt nhiên không thua kém một ai, các người đã hiểu chưa?
Lão già đứng trên bờ mỉm cười có vẻ hài lòng. Vẫn giữ vẻ giương giương tự đắc, tôi ngẩng đầu nhìn quân kỳ đầy kiêu hãnh rồi đọc to hai câu thơ trong sử ký của ông Tư Mã:
"Phong tiêu tiêu hề, Dịch thuỷ hàn,
Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn." [2]
Nhìn lại chỉ thấy lão già chuyển sang cười nhạt, còn lại binh sĩ ai nấy mặt mày xám ngoét. Trần Cụ đứng sau tôi khẽ nhắc:
- Cô Nhã Phong, chuyến này chúng ta không hề có ý định ám sát hoàng đế như Kinh Kha tráng sĩ!
Quả nhiên sau một đêm thiếu ngủ, dù là người sáng suốt tỉnh táo đến đâu cũng dễ phạm sai lầm. Vốn thông minh tuyệt đỉnh, tôi gỡ gạc được ngay, nét cười say đắm lòng người vẫn không lay chuyển:
- Đó là khẩu khí bi tráng của người xưa, còn Nhã Phong em đây vốn quý trọng cuộc sống vô cùng. Hôm nay từ biệt mọi người chỉ nói đơn giản một câu: Tiên sinh, hẹn thanh bình gặp lại! – Nói rồi, tôi ôm quyền chào lão, biết rõ trong lòng lão đang nhạo báng nhưng tôi không chấp, ngoài mặt vẫn giữ nguyên tư thế của một đại trung thần.
- Vương gia, thanh bình gặp lại! – Binh sĩ đã lên thuyền cũng nhất loạt cúi đầu chào.
Lão gật đầu, nụ cười sáng rực đầy tin tưởng, dáng người cao cao thẳng tắp, một tay chống hông, một tay đặt lên chuôi kiếm. Tôi nhìn thật lâu dáng hình thân thương ấy rồi hít một hơi sâu, nhắm mắt ngửa mặt lên trời mơ về một ngày cờ Thánh Dực quân lộng gió Thăng Long. Sau một tiếng hô của anh trạo phu trưởng, thuyền tách bến, xuôi về phương nam. Tôi biết lão sẽ thắng, tôi biết mình sẽ bình an trở về gặp lão. Nỗi buồn tiễn biệt hôm nay là để cánh chim bằng của tôi vút cao trên bầu trời rộng lớn. Đây có lẽ là chuyến đi ý nghĩa và hữu dụng nhất của tôi suốt mấy năm qua.
***
- Cô Nhã Phong uống chút cho ấm người! – Trần Cụ đưa cho tôi một bình rượu nhỏ.
- Ta không uống được rượu, cảm ơn ngươi! – Tôi mỉm cười với hắn, kéo lại tấm áo choàng của lão già. Thật lòng tôi muốn tìm góc mà đánh một giấc nhưng vẫn cố chống chọi, tự nhủ mình không được lộ vẻ mệt mỏi khiến binh sĩ mất tinh thần.
- Lúc ở hồ Cấm Sơn thấy cô khen rượu do Cụ ủ, Cụ cứ tưởng tửu lượng cô rất cao. Hóa ra Cụ không hiểu gì về cô cả! – Tên sư đệ của tôi bỗng buồn buồn.
- Chúng ta mới gặp nhau có vài lần, không rõ tính nhau cũng bình thường thôi mà! – Tôi bắt chước dáng vẻ của lão già, đấm đấm vào ngực hắn trêu.
Trần Cụ đưa tay sờ lên chỗ tôi vừa đấm, nét mặt rất lạ kỳ. Tôi nghĩ mình đã quá tay, liền nói:
- Xin lỗi! Ta làm ngươi đau có phải không?
- Không ạ. – Tên Thích Đối Xứng khẽ lắc đầu. – Do Cụ bất tài, cố gắng thế nào cũng không chạm đến một phần của sư phụ.
Tôi bật cười, xoa xoa đầu hắn:
- Ngươi kém lão hơn mười tuổi, sao mà so bì được. Ngươi sáng dạ lại chăm chỉ, vài năm sau thành tựu chắc chắn khiến người người ngưỡng mộ, đừng vội!
- Vội thế nào cũng không lấy lại được mười mấy năm qua cô Nhã Phong kề cận bên thầy. – Hắn tránh khỏi bàn tay của tôi, ánh mắt bỗng xa xăm.
- Nói cũng phải. – Tôi thở dài nhìn theo một đám lục bình trôi trên sông. – Xem ta là đối thủ để so bì thì dễ thất vọng lắm, xem là mục tiêu để noi theo thì rất được! Một ngày nào đó, ngươi nhất định sẽ tài trí như ta của bây giờ! – Tôi vỗ vỗ vai tên sư đệ động viên nhiệt tình.
Trần Cụ đúng là đầu đất, mãi không hiểu ý tốt của tôi nên thở dài đánh thượt rồi bỏ đi về phía đuôi thuyền, thả cần câu. Thuyền đi rất nhanh nên dĩ nhiên hắn không bắt được con cá nào. Dưới hàm hắn lún phún râu, dáng vẻ thì ủ rũ, trông cứ như ông Lã Vọng đang câu cá chờ thời.
Tôi lại tựa cột nghĩ bâng quơ, chuyến này tuy có thể tiếp cận Trần Thủ Độ nhưng tôi đang thay mặt lão già đến đó, không thể gây rắc rối cho lão, lời thề trả hận thay ông Đảm chỉ đành gác lại chờ dịp khác.
Khi gặp lại hẳn là Quang Khải rất ngưỡng mộ tôi, tôi có thể chỉ huy dân làng, một mình tả xung hữu đột với giặc, theo lão già gây náo loạn ở Triều Đông, mang ấn báu trả về khổ chủ. Còn hắn, thân là hoàng tử cao quý, là thiếu niên ngạo khí ngút trời, chuyến này chỉ vì còn trẻ tuổi mà phải ngoan ngoãn ở lại hành cung cùng với đám nữ quyến họ Trần, chịu sự quản thúc của quốc mẫu. Thành tựu lớn nhất trận này của hắn có khi lại là thêm vài tiểu thiếp. Nghĩ đến đây tôi bỗng thấy mình thật oai phong, che miệng cười không thành tiếng.
Thuyền đi đến lúc trời sập tối thì gần tới hành cung, tôi định lệnh cho mọi người dừng lại nghỉ ngơi kẻo tiếp cận trong đêm lại gây hiểu lầm không đáng có. Không ngờ trạo phu vừa dừng chèo đậu thuyền sát bờ lau lách, tiếng vó ngựa từ đâu vẳng đến ngày một gần hơn, tim tôi cũng theo đó mà lạc nhịp. Tôi biết đây không phải quân Đại Việt đang đi tuần, bởi âm thanh này đã ám ảnh tôi trong rất nhiều đêm trước. Ra hiệu cho mọi người im lặng cúi thấp đầu, tôi than thầm với Trần Cụ:
- Ngươi biết không, cái khổ của đại mỹ nhân như ta là đi đến đâu cũng được đón tiếp nồng nhiệt quá!
[1] Câu này dẫn bài kệ thị tịch "Nguyên hỏa" của thiền sư Khuông Việt thời tiền Lê:
"Mộc trung nguyên hữu hoả,
Nguyên hoả phục hoàn sinh.
Nhược vị mộc vô hoả,
Toàn toại hà do manh?"
Dịch nghĩa:
"Trong cây vốn có lửa,
Sẵn lửa, lửa mới sinh ra.
Nếu cây không có lửa,
Cọ xát sao lại thành?"
[2] Dịch thủy ca, nghĩa là:
"Gió se sắt chừ, sông Dịch lạnh tê
Tráng sĩ một đi chừ, chẳng trở về."
Hai câu này chép trong Sử ký của Tư Mã Thiên. Tương truyền, Kinh Kha khi lên đường làm thích khách để ám sát Tần Thuỷ Hoàng, được thái tử Đan và quần thần đưa tiễn đến bờ sông Dịch, tại đây, Kinh Kha khảng khái hát hai câu này.
Truyện khác cùng thể loại
25 chương
28 chương
17 chương
167 chương
24 chương
56 chương
37 chương
180 chương