Cố Niên Hoa
Chương 23
Sau khi dùng cơm tối với một nhà dân trong làng, tôi đến chăm sóc cho Cụ Nhỏ rồi trở về phòng, bò ra vẽ lại địa đồ bên trong thành Thăng Long và các vùng phụ cận. Địa đồ này do lão già vẽ ngày còn ở Dưỡng Chân Trang. Lúc sắp đi Hồng Lộ nhậm chức lão đã bảo tôi học thuộc, vẽ lại mấy lần để kiểm tra rồi đốt đi để tránh người khác nhìn thấy mà hại đến quân cơ. Những nét đầu tiên mãi mới thành hình vì tôi không kìm được nỗi xót xa, vẽ một nét lại tức ngực không thở nổi. Xưa nay, mất kinh đô nghĩa là mất nước!
Vết thương trên người tôi càng lúc càng trầm trọng, trán lúc nào cũng hâm hấp sốt, đầu óc mơ mơ hồ hồ như trong mộng. Túi thuốc tôi mang theo đã bị rơi mất trong lúc chạy trốn. May là quyển y thư của Nguyễn Nam vẫn giữ được. Dân làng để tôi ở nhà của một ông đồ hiện đang có việc ở bên ngoài ít hôm. Ở đây chỉ có cỏ mực để cầm máu và mấy loại cây thông thường dùng trị thương, muốn có tác dụng cũng phải đợi mươi ngày nửa tháng. Tôi chỉ hứng thú với độc dược, ngày thường hay ỷ lại lão già nên không tinh tường y lý đến mức biết kết hợp mấy loại cây xoàng xĩnh này thành thuốc tốt, giờ lại chẳng thể nhờ ai vì tôi mà liều mạng đi xa, đành dặn mình cố gắng ngồi yên một chỗ, cố gắng không nghĩ nhiều đến những chuyện đau lòng để tránh tinh thần sa sút hơn.
- Chị Nhã Phong, Minh Tịnh vào có được không? – Chú sa di đứng ngoài cửa nói vọng vào.
- Cậu vào đi. – Tôi giấu tấm địa đồ xuống gối rồi đáp, nén đau ngồi thẳng người hơn một chút.
Chú bước vào, tay bưng khay đựng hai bát tô, gương mặt non nớt sáng như trăng rằm nhìn tôi rất đỗi quan tâm:
- Ban chiều chị chỉ xơi có một ít cơm, bao giờ mới khỏi được. Minh Tịnh mang thêm cháo và thuốc đến.
Tôi mỉm cười, khẽ gật đầu tỏ ý cảm ơn. Chú sa di đặt cháo lên bàn, đưa thìa cho tôi rồi ngồi xuống nhìn tôi cố gắng nuốt từng chút một.
- Đau lắm phải không? Chị gắng lên một chút! – Giọng chú ôn tồn.
Miệng đắng lưỡi khô nhưng tôi vẫn cố ăn cho chú vui lòng. Đoạn, thấy không gian im ắng quá, tôi tìm chuyện hỏi bâng quơ:
- Cậu xuất gia bao lâu rồi?
- Thưa, được nửa năm. Sinh mẫu của Minh Tịnh biết mình khó qua khỏi nên gửi Minh Tịnh cho sư phụ...
- Đã thuộc bài kinh nào chưa? – Tôi hỏi tránh đi.
- Thưa, một vài rồi.
- Bỗng dưng đêm nay tôi thèm nghe quá... – Tôi cười nhạt, mắt nhìn mông lung ra màn đêm tĩnh mịch. – Cậu thuộc nhất bài nào thì tụng bài đó cho tôi vậy.
- Nghe nói Thần chú Dược sư quán đỉnh chân ngôn có thể giúp tiêu trừ bệnh tật. Đạo hạnh của Minh Tịnh chẳng có, nhưng cũng xin thử hầu mong giúp chị chóng lành.
Nói rồi, chú sải bước ra ngoài, liền sau quay lại với một nén hương và một bộ mõ. Rồi chú cung kính đốt hương, thành tâm đỉnh lễ, bắt đầu tụng nguyện:
"Nam-mô bạt dà phạt đế
Bệ sát xả
Lụ rô thích lưu ly
Bát lặt bà
Hắt ra xà dã
Đát tha yết đa da
A ra hắt đế
Tam miệu tam bột đà da..."
Minh Tịnh ung dung tụng hết một trăm linh tám biến. Tôi ăn cháo, uống thuốc xong thì lên giường nằm, thiếp dần đi trong âm thanh bình an ấy.
Sáng hôm sau thức dậy, tôi thấy cơ thể khỏe khoắn hơn rất nhiều. Trong giấc mơ tối qua, dường như tôi đã đi một chuyến rất dài về những ngày thơ ấu, tôi hay ngồi cạnh khi lão già giảng pháp cho chư tăng đến lúc ngủ thiếp đi. Xưa giờ chỉ có cư sĩ đến thỉnh giáo tăng lữ, nay người xuất gia lại vì nể giác ngộ của kẻ ở phàm trần mà đến cầu chân lý, tôi lấy làm hãnh diện lắm, miệng cười cả trong mơ. Tôi không hiểu được Phạn ngữ như lão, nhưng điều nhiệm màu của Phật giáo là kẻ nghe kinh, chú chẳng cần phải hiểu cũng được chữa lành. Có lẽ vì lão già của tôi đã mang hết tấm lòng quảng đại đặt vào mỗi một chữ thốt ra, cũng như chú Minh Tịnh đêm qua đã dùng hết lòng thành nguyện cầu cho tôi mau bình phục.
Hai tấm địa đồ cuối cùng cũng hoàn thành, một của Thăng Long, một của làng Cổ Sở. Nhưng vẽ xong rồi thì đã làm sao? Tôi lại thấy mình thừa thãi. Tôi chỉ hỏi được dân làng chuyện mấy ngày trước, có toán lính triều đình đến truyền lệnh bảo họ chuẩn bị vũ khí đề phòng giặc đến cướp, nếu không chống nổi thì lánh vào rừng, tuyệt không được hàng. Biết thế cũng bằng không! Trong tay tôi chẳng có lấy một binh một tốt. Giữa lúc này, dù là mãnh tướng thì một thân một mình cũng chẳng làm nên trò trống gì nữa là đứa nhãi nhép như tôi. Nơi này, đừng nói là những người đàn ông cứng cổ, ở làng còn có hương chức hội tề, hội đồng kỳ mục, đâu phải là Dưỡng Chân Trang hay quân doanh Thánh Dực của lão già, đâu ai biết tôi cũng thông thạo binh thư, cũng lắm mưu nhiều kế mà chịu nghe cho nửa chữ. Mà, dù họ có tin, giờ tôi cũng thấy không tự tin với mưu kế bé mọn của mình. Tôi sợ... lại có người vì trò ngu dại của tôi mà hy sinh oan uổng!
Thậm chí, cả việc của địa đồ Thăng Long có chính xác hay không tôi cũng không dám chắc. Cơ thể suy nhược lại nghĩ toàn chuyện thương tâm, đầu óc chẳng thể nào minh mẫn được. Ai cũng bảo tôi là truyền nhân mà lão già tâm đắc nhất, nhưng lần này tôi khiến lão thất vọng rồi! Chẳng có lão già ở bên, có lẽ việc tốt nhất tôi làm được là ngồi yên một chỗ đừng gây họa nữa. Dũng mãnh không xong, an phận không đành, lòng tôi cứ như lửa đốt.
- Chị là người ở làng khác đến phỏng? – Một người đàn ông tuổi trạc tứ tuần vừa đến bờ rào, hỏi.
Tôi nhìn vóc dáng thư sinh của ông ta, mạnh dạn đoán:
- Thưa phải, mấy ngày qua tôi mạo muội ở nhà thầy, mong thầy không phiền trách!
Ông đồ nọ khẽ gật đầu rồi đi vào nhà, đặt túi vải lên bàn. Tôi đến gần nhìn rồi buộc miệng reo lên:
- Cây đẳng sâm rừng!
- Chị cũng biết nhìn đấy nhỉ. – Ông đồ cười đáp. – Thầy nghe bác Diệp kể chị bị thương trong lúc chạy nạn, vừa hay lần này hái được sâm quý. Chốc nữa thầy sắc cho mà dùng.
Bấy giờ tôi mới nhìn kỹ gương mặt thầy đồ. Đoạn cố tỏ ra bình thản, tôi vờ như vô tình hỏi:
- Tôi người ở Gia Lâm lưu lạc đến đây. Nghe nói phía tây Thăng Long có làng Giá rất nhiều con gái đẹp, làng đó có gần đây không ạ?
Thầy đồ ngẩn người một lúc rồi cười to:
- Cổ Sở là làng Giá, làng Giá là Cổ Sở! Mấy ngày qua chị đã thấy được mấy cô có nhan sắc rồi?
Suýt chút nữa tôi đã ngã nhào vì kinh ngạc. Tôi rời làng khi còn quá bé, vốn không biết đến cái tên "Cổ Sở" mà người ngoài làng vẫn gọi. Thảo nào lúc ngang qua cổng làng, chạy trên con đê dẫn vào đây, tôi thấy mọi thứ quen thuộc lắm mà cứ nghĩ vì làng nào chẳng giống nhau...
- Thưa, thầy cho tôi hỏi quý danh?
- Mọi người đều gọi thầy là đồ Vĩ.
Ông đồ mang mấy củ sâm xuống bếp, tôi ngồi thừ suy nghĩ hồi lâu. Bỗng tôi nhớ ra một việc, liền mang giấu thanh bảo kiếm Trần Cụ đã tặng xuống dưới chăn. Nửa ngày sau, ông mang siêu thuốc vào bảo tôi uống cho mau lại sức. Tôi nhận bằng hai tay, thong thả uống rồi cất giọng ngâm nga:
"Quốc phá sơn hà tại,
Thành xuân thảo mộc thâm.
Cảm thì hoa tiễn lệ,
Hận biệt điểu kinh tâm.
Phong hoả liên tam nguyệt,
Gia thư để vạn kim.
Bạch đầu tao cánh đoản,
Hồn dục bất thăng trâm." [2]
Ông sững người, nhìn tôi trân trối. Tôi mỉm cười, vô tư đáp:
- Thuở bé thơ tôi mang ơn một người con gái đẹp đến từ làng Giá. Nàng cứu tôi, còn dạy cho bài thơ này. Tôi ít chữ chẳng hiểu được, nhờ thầy giảng giúp cho!
Ông đồ bỗng sững sờ rồi sắc mặt càng lúc càng tệ, ông ngồi bất động hồi lâu, đưa ánh nhìn mênh mông về phía dãy núi mờ xa.
Nhiều năm trôi qua như thế, ký ức của tôi đã phai nhạt ít nhiều mà hình dáng người cũng đổi khác. Tôi chỉ nhớ được ánh nhìn buồn rười rượi và giọng nói ôn tồn đó. Người này họ Phạm, tên Vĩ, là thanh mai trúc mã của dì Lý Cát, đã mấy lần qua lại nhà của mẹ con tôi để thăm dì. Từng yêu thương dì tôi sâu đậm, chắn chắn ông ta ít nhiều ghi hận họ Trần. Mấy ngày qua, giữa lúc mọi người cố lánh giặc thì ông ta lại rời làng, tôi đồ rằng không đi bán tin cho quân Thát thì cũng đi tìm mấy vị nữ quyến họ Lý trước đây bị gả cho các tộc trưởng người Man ở vùng núi phía tây, lợi dụng lúc họ Trần rời khỏi kinh sư mà bàn chuyện đông phong tái khởi. Người được dì tôi lựa chọn, người có ánh mắt lay động tâm can đó chắc không đến nỗi cõng rắn cắn gà nhà nên tôi thiên về nghi vấn thứ hai, nhất là khi ở vùng núi ấy đầy cây đẳng sâm mọc dại.
Cũng có thể tôi đã nghĩ quá nhiều nhưng nhìn dáng vẻ đau khổ nọ, tôi biết tôi đoán chẳng sai. Ông Đảm từng kể với tôi, những người một lòng theo họ Lý đến giờ vẫn chưa bỏ cuộc, họ vẫn âm thầm hội binh đợi thời cơ. Tình thế bây giờ, kẻ có đầu óc đều biết không phải thời cơ, nhưng nếu một mặt phải chống giặc ngoài, mặt khác phải đối phó thù trong, họ Trần chưa tận cũng suy. Tôi hy vọng cái cơ đồ hai trăm năm kia hãy còn để lại những người biết suy nghĩ cho đại cuộc.
- Thầy làm sao thế, tôi đã nói điều gì không phải phép chăng? – Tôi bước đến trước mặt ông đồ Vĩ, ngây thơ hỏi.
- Chị họ gì? – Ông chợt nắm chặt cổ tay tôi, giọng siết bao tha thiết.
- Nguyễn... Thầy tôi họ Nguyễn! – Tôi tròn mắt, môi run run.
Ông nhìn tôi một lúc rồi lại buông tay, thở dài một tiếng. Tôi cũng thở phào, thầm cảm ơn mẹ đã cho tôi gương mặt rất hiền lành, chỉ cần tỏ ra ngơ ngác thì chẳng ai nghi ngờ gì nữa. Năm xưa, khi họ Trần có được giang sơn đã ra lệnh cho toàn dân ai họ Lý phải đổi sang họ Nguyễn, lấy cớ là phạm húy Nguyên Tổ [3] nhưng ai mà chẳng rõ nguyên nhân thực sự. Tôi bảo thầy tôi họ Nguyễn, nửa không liên quan, nửa lại rất gần gũi, mặc ông đồ muốn đoán sao thì đoán. Tôi muốn thuyết phục ông ta nhưng dù thế nào, tôi cũng không thể để ai biết việc trong phủ Hưng Ninh vương có một kẻ giả họ Trần nên chẳng thể tiết lộ gì hơn.
- Lúc thầy ra ngoài có nghe ngóng được gì chăng? Động tĩnh quân giặc thế nào rồi ạ? – Tôi lảng sang chuyện khác.
- Vẻ như bọn chúng đã tràn vào kinh sư. – Ông đáp rồi buồn bã đến lấy cần câu dựng ở chái nhà, đi một mạch ra đồng.
Đến chiều mà ông đồ Vĩ vẫn chưa về, tôi bèn nấu một bữa cơm chay rồi đi tìm Minh Tịnh.
- Cậu ra bờ sông mời thầy đồ Vĩ về giúp tôi, bảo thầy rằng tôi muốn cúng một bữa cơm cho cụ ông Lý Đảm.
Tôi biết Minh Tịnh sẽ kể cho ông Vĩ chuyện ông Đảm đã anh dũng chiến đấu thế nào. Tôi muốn ông ta biết, một người họ Lý muốn họ Trần tận diệt đã vì người dân mà liều mạng ra sao. Người đời ai cũng nói "quốc phá gia vong", chỉ có dì tôi và lão già hay dạy rằng "quốc phá, sơn hà tại" [4]. Tôi không dám chắc mối nguy này có thật không, chỉ biết phải dốc hết sức để đề phòng. Đây là việc duy nhất tôi làm được lúc này.
Nén hương kính vong linh cụ Đảm vừa tàn, anh mõ đã đến gọi mọi người ra đình làng gấp. Tin cấp báo về: quân Thát đang kéo quân đến cướp bóc ở mấy làng bên cạnh, dân làng chống trả rất quyết liệt, giặc thương vong mất một nửa mà chỉ cướp được một bao thóc nhỏ. Có làng còn đốt cả kho gạo rồi đưa nhau trốn vào rừng, giữa đường chết không ít người. Tôi thấy sởn tóc gáy, mũi như lại ngửi thấy mùi tanh của máu.
Giữa đám đông, một thiếu phụ ôm chặt đứa con nhỏ vào lòng, thảng thốt kêu:
- Sớm muộn gì bọn chúng cũng cướp đến làng ta, biết làm thế nào đây?
Tôi nhìn quanh, vài bác gái khác cũng nhíu mày lo lắng. Nếu là trước đây, có lẽ tôi đã nhảy lên giữa đình mà nói mấy lời ái quốc trung quân khiến ai cũng rơi nước mắt rồi hăng hái cầm đao giết giặc. Nhưng hôm nay, tôi có chút hoài nghi...
Ông đồ Vĩ dường như ông ta đã mất vẻ ủ ê ban sáng, gương mặt đầy quyết tâm bước lên thềm cao dõng dạc nói với mọi người:
- Tôi nghe chú tiểu kia kể lại mấy ngày trước ở Thăng Long, một vị anh hùng chỉ có một chân cũng tả xung hữu đột giết được hơn mười tên giặc, bị tên cắm vào người vẫn đứng hiên ngang. Lẽ nào làng ta toàn những người lành lặn thế này lại chỉ biết trốn tránh, chỉ biết bỏ chạy sao?
Cả đình bỗng lặng đi, chốc sau trong đám trai làng có người đáp lớn:
- Thường ngày chúng ta theo lệnh vua, vào vụ mùa thì cấy gặt, lúc nông nhàn thì luyện tập kiếm cung. Mỗi người chúng ta cũng là một quân nhân. Giặc đến thì ta đánh, bọn tôi không sợ!
- Không sợ! Không sợ! – Một, hai người rồi cả làng đồng thanh hưởng ứng.
- Nếu mọi người tin tưởng đồ Vĩ tôi có đọc chút binh thư, xin theo sự sắp xếp của tôi mà chống giặc!
- Được! Được! – Muôn người lại một lòng.
Tôi đứng ở góc đình, nhìn khí thế ấy mà mừng suýt khóc, mọi băn khoăn từ bấy đến giờ bỗng tiêu tan. Tuy không biết tình hình quân đội ta thế nào, nhưng dù chỉ diệt được vài tên lính, trận này vẫn đáng đánh hơn cảnh ngồi yên chờ chết! Một làng như thế, rồi cả nước đều như thế! Tôi nghe mọi người lao xao bàn tính, bèn nghĩ ngợi một lúc rồi cao giọng:
- Phải chi làng ta có khu đầm lầy nào đó dụ bọn Thát vào cho ngựa sa lầy thì hay quá! – Mọi người đều nhìn cả về phía tôi ngồi.
- Ồ, có chứ! – Ông trưởng làng hồ hởi đáp. – Từ cổng làng đi về phía bắc hai dặm có một khu đất trũng, chỉ có người quen thuộc địa hình mới băng qua được.
- Để cho tôi. – Một anh nông dân thấp người vỗ ngực tự hào. – Cứ cách ngày tôi lại vào đó bắt cá, biết từng viên đá ngọn cỏ, nhắm mắt cũng có thể vượt qua.
Rồi mọi người lại nói tranh, nào đặt bẫy, nào cắm chông, ồn ào như ong vỡ tổ.
Ông đồ Vĩ bước đến chỗ tôi nói nhỏ:
- Chị còn quỷ kế gì cứ đưa ra, không cần tỏ vẻ ngờ nghệch nữa.
Tôi bị vạch mặt bèn cười giả lả, đoạn lấy từ ống tay áo ra tấm địa đồ tôi vẽ khu vực quanh làng, môi chẳng còn khô, miệng chẳng còn đắng, tôi nói liền một mạch:
- Thay vì ngồi đợi giặc đến cướp, chi bằng chúng ta chủ động dụ địch sa vào bẫy. Tôi đoán ở cổng thành phía Tây sẽ có chốt chặn, chúng ta chỉ cần giả vờ lén tải lương thực ngang qua. Đến cổng làng, ta chia thành hai hướng, một về phía đầm lầy, một chạy về làng. Bọn chúng nhất định sẽ chia quân đuổi theo. Đầm lầy sẽ giúp ta diệt một nửa toán quân, nửa còn lại, ta chỉ cần giả vờ chống trả...
- Chị muốn tẩm độc vào gạo đó rồi để chúng cướp đi sao? – Ông đồ Vĩ lập tức đoán được ý tôi.
- Ồ, đó cũng là một ý hay, thầy quả là một cao thủ dùng binh! – Tôi không ngớt lời ca tụng.
Cây đẳng sâm quả nhiên là thuốc bổ, tối ấy tôi bày dân làng cách làm bẫy, chế độc đến tận khuya mà vẫn còn tỉnh táo. Đồ Vĩ sang ở cùng trưởng làng, nhường hẳn nhà cho tôi và ba đứa trẻ. Khi mọi người đều đã về nghỉ, tôi lại đóng cửa thảo một bức thư trên một dải lụa dài. Đây là cách viết thư mà lão già đã dạy cho tôi để tránh lộ thông tin cơ mật: lấy một dải lụa quấn quanh cây trúc rồi viết từng dòng theo thân cây, khi tháo ra, dải băng chỉ là những từ rời rạc vô nghĩa. Tôi chọn một cây trúc có kích thước bằng với cây sáo ngọc của tôi, tin rằng lão sẽ đoán ra ngay. Viết xong, tôi lại bỏ thư vào một túi vải, rút dây thật chặt rồi mang qua đưa cho Minh Tịnh.
- Sau khi giặc tan, nếu quá nửa tháng mà tôi không trở lại làng, phiền cậu mang thư này đến Dưỡng Chân Trang giao cho thầy Tuệ Trung rồi nhận ngài ấy làm sư phụ.
- Chị định sẽ làm gì? – Chú lo lắng hỏi tôi.
- Chỉ đề phòng bất trắc thôi. Thời tao loạn thế này, ai mà lường trước được ngày mai! – Tôi cười hiền. – Cậu đừng để ai biết việc này!
Chú sa di nhìn tôi rất lâu, tôi bèn ngồi xuống bên cạnh chú.
- Cậu có giận tôi dùng độc để sát sinh không?
Chú khẽ lắc đầu. Tôi xòe bàn tay trái ra trước mặt mình, mân mê cổ tay còn quấn tràng hạt của ông Đảm, rồi nắm chặt thành đấm, nhếch mép cười:
- Cậu giận cũng đành... Chỉ cần có thể cứu được thêm một mạng người dân Đại Việt, tôi tình nguyện vào địa ngục!
***
Trời vừa rạng sáng, ba anh trai làng đã rời đi theo kế hoạch. Vết thương tuy đã hồi phục ít nhiều nhưng vẫn không thể phản ứng nhanh, tôi đành giành việc quan sát trên điếm canh đê cùng với hai cậu Nhất, Nhị, một bên để thanh kiếm, tay kia sẵn cái tù và. Đợi từ lúc mặt trời chưa mọc đến khi nắng lên, phía cổng làng vang lên tiếng vó ngựai. Hai anh trai làng đánh ngựa chạy thục mạng, kéo theo một xe gạo, phía sau có khoảng hai mươi tên lính chạy dọc đường đê. Như vậy bọn chúng có khoảng ba đến bốn mươi tên, một nửa sẽ bỏ mạng ở khu đất trũng. Bọn ngựa giẫm phải bẫy đặt dưới các hố đất, hất bọn giặc ngã nhào. Tôi đưa tù và lên thổi một hồi dài. Dân làng từ dưới ruộng lúa bắn tên tới tấp, dân trong làng ùa ra đánh. Tầm vông, cuốc, xẻng đều trở thành vũ khí lợi hại. Bọn chúng rất hung hãn toan chém giết nhưng mọi người theo như kế hoạch chỉ đánh cầm chừng rồi nhanh chóng rút lui, bỏ lại một xe gạo đầy, bên trên còn phủ mấy bó cỏ lớn cho ngựa ăn. Quân Thát còn lại khoảng mười tên sợ phía trước có mai phục không dám đuổi theo, nhìn thấy chiến lợi phẩm bị bỏ lại liền kéo về thành. Chúng vừa đi khuất, hai đứa trẻ đứng cạnh tôi liền reo hò phấn khích.
Chưa kịp vui mừng, sau lưng tôi lại nghe tiếng rầm rập, chắc một đám lính khác nghe tiếng tù và nên kéo đến. Tôi chộp lấy thanh kiếm, bảo hai đứa trẻ ở yên trong điếm rồi nhảy ra ngoài, chặn giữa đường bọn chúng.
Không ngờ người dẫn đầu lại rất quen mặt. Tôi mừng rỡ kêu:
- Anh Dã Tượng!
Người đàn ông vạm vỡ ngồi trên ngựa cũng ngỡ ngàng:
- Cô Nhã Phong? Sao cô lại ở đây?
Chợt thấy quân lính phía sau anh ta toan đuổi theo chặn đường bọn giặc để cướp lại quân lương, tôi liền ngăn cản:
- Cứ để bọn chúng đi, đó là kế của em!
Tôi hay lén gọi Dã Tượng là anh Voi Lớn. Anh to lớn nhưng hiền như voi, chất phác thật thà, trong một lúc không kịp hiểu chuyện gì bèn nhảy xuống ngựa đến trước mặt tôi, tôi lại hỏi dồn:
- Anh ở đây nghĩa là Hưng Đạo vương đến rồi? Quân ta sắp phản công sao?
Gia tướng của Hưng Đạo vương vỗ vỗ vai tôi, chỉ chỉ lên lá cờ hiệu, là cờ của quân Thánh Dực! Mấy anh lính giờ mới nhận ra tôi, liền xuống ngựa ôm quyền chào. Voi Lớn ôn tồn bảo:
- Lần này tôi theo Hưng Ninh vương có nhiệm vụ khác. Vương gia đang ở rất gần đây!
[1] Tôn Tử binh pháp viết: "Binh vô thường thế, thủy vô thường hình, năng nhân địch biến hóa nhi thủ thắng giả, vị chi thần". Ý nghĩa là: người dụng binh cũng giống như thế nước chảy, luôn vô định, vô hình tuỳ cơ ứng biến, không có quy mô làm mẫu. Nếu như có thể tùy theo tình hình biến hóa của địch mà biến đổi theo đó giành thắng lợi. Đó chính là cái được gọi "dụng binh như Thần".
[2] Dịch nghĩa:
"Nước mất núi sông còn đó,
Vào xuân hoa cỏ xanh rì.
Đau xót hoa còn rướm lệ,
Kinh hoàng chim sợ phân ly.
Khói lửa mịt mờ ba tháng,
Thư nhà khoắc khoải người đi.
Tóc bạc bơ phờ năm tháng,
Trâm cài chẳng được còn chi!"
(Xuân vọng – Đỗ Phủ)
[3] Trần Nguyên Tổ (1151 – 1210): tên thật là Trần Lý, cha của Thượng hoàng Trần Tự Khánh, ông của Trần Thái Tông, được xem là ông tổ của nhà Trần.
[4] "Quốc phá gia vong": Nước mất nhà tan.
"Quốc phá, sơn hà tại": Nước mất, sông núi vẫn còn.
Truyện khác cùng thể loại
25 chương
28 chương
17 chương
167 chương
24 chương
56 chương
37 chương
180 chương