Cố Niên Hoa
Chương 1
Từ lúc tôi còn rất nhỏ, vẫn luôn nghĩ lão già nhà tôi là một người dám nghĩ dám làm, đã làm thì không bao giờ hối hận.
Khi lớn hơn một chút, tôi dần nhận ra lão cũng có tiếc nuối đối với một vài chuyện, còn một vài chuyện đó là gì thì tôi không rõ. Chỉ biết một trong những chuyện khiến lão ân hận nhất, là cái tên của tôi.
Lão vẫn thường ngán ngẩm thở dài, lẽ ra không nên gọi tôi là Phong, mà phải đặt tên là Thạch. Ý lão không phải muốn tôi kiên cường vững chãi, chỉ đơn giản là ám chỉ tôi lì lợm, đầu cứng như tảng đá.
Mỗi khi nghe lão than phiền như thế, tôi chỉ biết nhăn răng cười, vì lão... hiểu tôi hơn ai hết.
Tôi vốn là đứa rất cứng đầu, nhất là đối với những chuyện tôi cho là đúng. Không ít lần, vì sự ngoan cố ấy, tôi mang họa vào thân.
Như lần này, tôi đang ngồi trong nhà lao Tiên Lễ[1], nhấm nháp chiếc bánh dày mua từ lúc sáng. Trong phòng giam đối diện, tên "đồng phạm" của tôi ngồi khoanh chân, lưng hơi tựa vào tường, mắt nhắm hờ. Chúng tôi vào đây từ lúc chiều, đến giờ vẫn chưa được cho ăn, chắc hắn cũng đói rồi. Tôi ngần ngừ nhìn chiếc bánh được bọc trong chiếc khăn để trước mặt.
- Này. – Tôi lên tiếng gọi.
Cứ tưởng hắn sẽ tiếp tục ngồi yên, không có phản ứng gì. Tôi sẽ giả vờ gọi thêm vài tiếng cho có lệ, sau đó ra vẻ buồn buồn:
- Ta đã có lòng mời, ngươi không ăn thì thôi vậy.
Không ngờ, tôi gọi nhỏ như vậy mà hắn cũng nghe thấy, mở mắt nhìn tôi.
- Chuyện gì?!
Tôi nhìn hắn, rồi lại nhìn xuống chiếc bánh còn nguyên lớp lá xanh mượt, hơi tiếc rẻ một chút, nhưng cuối cùng cũng cầm lên, ném sang cho hắn.
- Cảm ơn. – Hắn bắt lấy gọn gàng với một nụ cười.
- Bánh dày làng Gàu, năm xưa là đặc sản dâng lên cho vua[2] đấy. –Tôi nói, không giấu được chút ấm ức.
Gã con trai chỉ trạc tuổi tôi điềm nhiên mỉm cười, thong thả bóc bánh mà ăn rất ngon lành.
Mãi đến khi ăn xong một lúc lâu, hắn mới nhớ ra là tôi còn tồn tại, chắc cũng nhớ ra lý do khiến tôi bị giam ở nơi này, lên tiếng hỏi:
- Ngươi không phải là người Khoái Châu?!
- Không phải. Ta chỉ vô tình có việc ngang qua đây, ai ngờ lại bị cô đào hát của ngươi báo hại.
- Ngươi muốn đi đâu?!
- Hồng Lộ.
- Quê nhà ngươi ở đó sao?!
- Không phải. Ta đi tìm người quen.
- Ngươi là người ở nơi nào?!
- Yên Bang.
Nghe đến chữ này, ánh mắt của hắn bỗng trở nên đông cứng, nhìn chằm chằm tôi một lúc rồi lại tựa vào tường, nhắm mắt, im lặng hệt như lúc nãy.
- Này. – Tôi gọi.
- Chuyện gì. – Hắn vẫn không mở mắt.
- Còn ngươi?! – Tôi cũng không muốn biết quê quán hắn làm gì, chỉ cảm thấy hắn đã biết được về tôi, mà tôi không biết chút gì về hắn, là rất không công bằng.
- Tức Mặc.
- Vậy ngươi với ta cũng xem như là hàng xóm[3]. Ngươi đến Khoái Châu... - tôi nghĩ một lúc rồi nở nụ cười ma mãnh – ... hẳn là để tìm cô đào hát đó.
- Ngươi ở Yên Bang, chắc đã từng nghe nói đến Dưỡng Chân Trang?! – Hắn không trả lời câu hỏi của tôi.
Thật ra, từ họ Lý đến họ Trần đều rất coi trọng Phật giáo. Dưỡng Chân Trang lại là nơi tu hành kỳ lạ nhất, nên đừng nói là người ở Yên Bang, dù là người ở vùng xa xôi hẻo lánh, ít nhiều gì cũng phải từng nghe nói đến nơi này.
- Ta không chỉ nghe, mà đã từng đến đó vài lần. – Tôi đáp.
- Nơi đó... kỳ quái thế nào? – Kẻ áo xanh trước mặt tôi ra vẻ tò mò.
- Thật ra cũng chẳng có gì quái lạ. Chẳng qua là những người tu thiền nơi ấy không ăn chay, vẫn lập gia đình. Đối với người đời nông cạn vẫn quen thấy người tu hành ăn chay niệm phật thì nơi này có chút trái lẽ thường. Chỉ vậy thôi.
Nghe tôi nói một hồi, hắn chỉ nhếch môi cười, không bình phẩm gì thêm.
Tôi nghĩ xem còn có chuyện gì để nói cho qua một đêm dài. Nghĩ một lúc, cơn buồn ngủ kéo đến, tôi cũng bắt chước hắn, dựa lưng vào tường, khép mi lại.
- Phong!
Quỷ tha ma bắt cái tên áo xanh buồng bên cạnh, trong lúc tôi đang mơ màng ngủ thì bị hắn gọi, giật nảy người, đầu đập vào tường đau điếng.
- Chuyện gì?! – Tôi cau có hỏi.
- Vài hôm nữa có được thả ra ngoài, ngươi... đừng làm khó Nguyệt Nhi có được không?! – Hắn có chút rụt rè.
Nguyệt Nhi... chắc là tên cô đào hát đó.
Nửa tháng trước, tôi trốn khỏi nhà, một mình một ngựa thẳng hướng Hồng Lộ mà đi. Một mặt muốn tìm người, mặt khác muốn thử cảm giác dong ruổi đó đây, thưởng thức hết đặc sản ở những vùng tôi sẽ đi qua. Tôi lại là kẻ thích kén cá chọn canh, món nào không thích thì dù chết đói cũng không đụng đũa. Thứ tôi đặc biệt ghét là những con vật không có chân, những món ăn vừa trơn vừa nhớt, nên từ nhỏ đến lớn chưa từng động đến ếch. Vậy mà, cách đây vài tháng, một người khách từ Khoái Châu đến chơi lại đọc mấy câu thơ:
"Đi thì nhớ vợ cùng con
Về nhà lại nhớ ếch om Phượng Tường."
Gã ấy lại còn miêu tả tỉ mĩ cách chế biến, màu sắc và mùi vị. Thế nên, sáng nay dù đã mua sẵn mấy chiếc bánh dày, tôi vẫn muốn để bụng thật đói, đến Tiên Hoa ăn thử món này. Tôi nghĩ, dù đã quyết tâm đến chết đói cũng không đụng đến những món mà mình không thích, nhưng đến lúc chết đói thật, thì thứ gì trâu bò ăn được ắt là người sẽ ăn được. Biết đâu nhân dịp này tôi lại biết thêm được một món ngon.
Vậy mà, lúc món ếch còn chưa được dọn ra, tôi đã xung đột với một tên công tử mặt trắng ở Khoái Châu, chỉ vì hắn ta trêu ghẹo một cô đào hát.
Kể từ lúc bước chân ra khỏi nhà, tôi vẫn luôn tự nói với mình nhất định phải giữ an toàn cho bản thân. Dù thấy người vô tội bị giết trước mặt mình cũng phải giả vờ như không thấy. Nơi này không phải Yên Bang, không phải là nơi mà dù tôi có gây họa thế nào cũng sẽ có người giải cứu kịp thời.
Vậy mà, đến lúc thấy một cô gái bị ức hiếp trước mặt mình, bản tính hiệp nghĩa rất đàn ông của tôi lại trỗi dậy không kìm được.
Không ngờ, ở bàn bên cạnh, một gã công tử áo xanh cũng nghĩa khí chẳng kém tôi, cùng tôi hợp sức đập tên công tử phong lưu kia một trận.
Kết quả, hai chúng tôi bị quan phủ Khoái Châu giữ lại vì đánh người vô cớ. Còn nạn nhân, dịu dàng đưa tay lau nước mắt, bảo rằng cô ta không biết tại sao chúng tôi lại xảy ra xung đột với gã kia.
Tôi vẫn chưa hết ấm ức khi nghĩ đến cô ả Nguyệt Nhi, nhưng nhìn ánh mắt rất chân thành của bạn tù bên cạnh, tôi không nỡ trách móc thêm.
- Thôi bỏ đi. – Tôi thở dài. – Dù gì cô ta cũng là người sống ở nơi này, lại còn có cha già phải nuôi dưỡng, không thể gây thù kết oán với bọn chúng.
Trên gương mặt anh tuấn của kẻ áo xanh kia hiện ra một nụ cười buồn.
Tôi lại thở dài thêm một tiếng.
- Ngươi thì hay rồi, có thể làm anh hùng cứu mỹ nhân. Còn ta, mỹ nhân không những không biết ơn, còn báo hại ta vào ngục cùng ngươi.
- Phong. – Hắn cười cười. – Đợi khi ra khỏi nơi này, ta dắt ngươi đi ăn hết đặc sản Khoái Châu để đền bù, được không.
- Tên ngươi là gì?! – Tôi chợt nhớ ra mình vẫn chưa biết tên hắn, trong khi tên tôi thì hắn đã gọi cả chục lần.
- Khải. – Hắn đáp ngắn gọn, quyết tâm không để tôi biết nhiều hơn hắn.
- Khải. – Tôi nhắc lại, ngữ điệu y hệt như khi hắn gọi tên tôi. – Ếch om Phượng Tường, chả gà Tiểu Quan, còn có chè sen, nhãn lồng... Quân tử nói rồi phải giữ lời.
Hắn bỗng bật cười khùng khục.
Nhà giam ẩm thấp, tối tăm, tôi không thấy đường để ngủ nên trằn trọc suốt một đêm.
Đến lúc tiếng gà gáy sáng từ đâu vẳng lại, tôi không chịu được nữa, ngồi dậy cất tiếng gọi hắn.
- Khải. Dậy đi.
- Ta không có ngủ. – Hắn đáp, mắt vẫn nhắm nghiền.
- Đừng nói là ngươi thức suốt đêm qua để nghĩ cách ra ngoài nhé. – Tôi châm chọc. – Đã nghĩ ra được cách nào chưa?!
- Nghĩ ra rồi. – Hắn hờ hững nói. – Tội đánh nhau, cùng lắm là bị phạt tiền, giam một tháng là được thả ra.
- Một tháng?! – Tôi sửng sốt. – Nếu ta không đến được Hồng Lộ, hoặc trở về Yên Bang trong vòng nửa tháng thì sẽ có chuyện lớn đấy.
- Chuyện lớn gì cũng vậy, ta không vượt ngục với ngươi, cũng không mua chuộc bọn quan phủ đâu.
Cũng may, chúng tôi bị giam ở hai buồng riêng biệt, nếu không tôi sẽ lao đến đánh cho hắn một trận, thời gian bị giam giữ sẽ kéo dài thêm.
Tuy hắn khiến tôi sốt ruột, nhưng những lời hắn nói không phải là không có lý. Với thân phận của tôi, không thể vượt ngục, cũng không thể đút lót để được ra ngoài. Vậy chỉ có cách khiến bọn chúng cam tâm tình nguyện thả tôi ra.
- Khải. – Tôi lại gọi. Thầm nghĩ bị giam thêm vài ngày nữa, bài ca "Khải – Phong" sẽ khiến những tù nhân ở các buồng bên cạnh nổi khùng. – Ngươi có biết gì về tri huyện Tiên Hoa không?!
Khải khẽ nhướn mày, suy nghĩ một lúc.
- Cũng không biết nhiều lắm. Nghe đồn cũng là một vị quan tốt được lòng dân, lại rất thành tâm hướng Phật. Lần trước ta đến, nghe đồn ông ta còn mời thiền sư Tiêu Dao đến giảng đạo, cho cả người dân đến dự.
- Thiền sư Tiêu Dao?! – Tôi không giấu được vẻ mừng vui. – Ý ngươi là... Thiền sư Tiêu Dao ở Phước Đường?!
- Hình như là vậy.
Tôi bật cười thành tiếng. Duyên phận con người quả là kỳ diệu.
- Phong! Phong! – Khải khẽ gọi, không giấu được vẻ lo lắng.
Tôi vẫn chưa dứt được tràng cười, nhìn sang hắn.
- Khải. Ở Tức Mặc có đặc sản gì không?!
- Quýt.
- Được, vậy sau khi rời khỏi đây, ngươi cho người mang đến Yên Bang hai xe quýt tạ ơn ta.
Những việc sau đó xảy ra rất nhanh chóng, đến khi đã ra khỏi nhà lao và mời tôi hai đĩa ếch om no căng bụng, Khải vẫn còn mù mờ chưa hiểu.
- Ngươi không cần giấu sự tò mò như vậy, ta chẳng tài giỏi gì đâu. – Tôi thấy hắn tội nghiệp quá nên đành kể thật. – Chẳng qua do ngươi bảo tri huyện Tiên Hoa rất sùng bái Thiền sư Tiêu Dao, ta lại vô tình có giữ một miếng ngọc của người, nên gặp được tri huyện. Gặp mặt thì chuyện trò vài câu tương đắc, thế là chúng ta được tự do. Cũng nhờ may mắn cả, ngươi không cần cảm thấy nợ ta. Tuy nhiên, đừng có quên hai xe quýt.
- Ngươi cũng biết về Phật pháp?! – Hắn hơi ngạc nhiên.
- Sao lại không?! Nhìn ta phàm tục lắm sao?! – Máu tự ái của tôi bỗng nổi lên vì câu hỏi đầy tính kỳ thị của hắn.
Thật ra, tôi chẳng phải người tu hành, càng không phải là người sùng bái đạo Phật. Chẳng qua là nhà tôi có rất nhiều kinh Phật. Khi tôi còn nhỏ, mỗi lần phạm lỗi, lão già sẽ bắt tôi ở trong phòng chép kinh đến thuộc lòng. Sau này, nhờ việc ấy mà tôi viết được cả hai tay, mỗi tay một kiểu chữ khác nhau. Cũng nhờ việc ấy, mỗi khi phải trò chuyện với những người lớn tuổi hơn, tôi đều có đề tài để nói, tỏ ra rất uyên bác, rất thông tuệ. Thế nên khi lớn hơn một chút, mỗi khi buồn buồn hoặc giận dỗi lão già, tôi sẽ lẳng lặng vào thư phòng chép kinh, chủ yếu để mình mau thuộc. Những lúc ấy lão già sẽ nhận ra tâm trạng tôi bất ổn, liền quan tâm chăm sóc. Sau này nữa, khi nhận thấy việc chép kinh có trăm cái lợi, chỉ một cái hại là mỏi tay, tôi càng tích cực hơn, không vui không buồn, cứ rảnh ra là chép.
Dần dần, những người được thuê về chép kinh Phật ở Dưỡng Chân Trang lo sợ mất việc làm, họ không cho tôi chép nữa.
Chép nhiều như thế, tôi cũng thuộc rất nhiều, chỉ có điều không hiểu, cũng không giác ngộ được.
Lão già bảo tôi không có tuệ căn, đã thế còn ham ăn ham ngủ ham chơi.
Mãi nhớ chuyện cũ, tôi không nhận ra Khải đã nhìn tôi chằm chằm từ nãy đến giờ. Bị tôi bắt gặp, hắn không những không bối rối, mà còn cười cười cợt nhã:
- Cũng không phải phàm tục lắm. Có điều... ta chưa thấy cô gái nào lại tên Phong.
- Ha ha. – Tôi bật cười lớn. – Như vậy chỉ trách ngươi kiến thức nông cạn. Cái tên có hợp hay không, còn tùy thuộc vào chữ đi cùng nó nữa.
- Chữ gì vậy? – Khải tò mò hỏi.
- Nhã Phong. Có phải là rất nữ tính không?! – Tôi vênh váo đáp.
Khải "À" một tiếng, gật gù có vẻ đã phục.
- Nếu ngươi cảm thấy cái tên đó quá đẹp đẽ, đẹp đến ngại không dám gọi, cũng có thể gọi ta là Yên Phong – gió ở Yên Bang.
Hắn bật cười, lắc lắc đầu tỏ vẻ không còn cách nào nói lại tôi.
- Này. Còn ngươi thì sao? Tên đầy đủ của ngươi là gì?! – Tôi nhất quyết không chịu thiệt dù một chữ.
- Quang Khải.
Tôi hơi bất ngờ, nhưng vẫn cố tỏ vẻ bình thường, mỉm cười nhìn hắn bước ra khỏi quán.
- Có duyên gặp lại.
- Lễ cưới của ngươi và Nguyệt Nhi phải mời ta đấy. – Tôi nói với theo.
Quang Khải ở Tức Mặc, Thiên Trường.
Một mình đến Tiên Hoa để gặp một cô đào hát, dù bị bắt giam cũng không nói ra thân phận, không cầu xin, không hối lộ.
Đó là lần đầu tôi gặp Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải – con trai ruột của quan gia – năm ấy mười sáu, bằng tuổi với tôi.
Tôi lại một mình tiếp tục quãng đường đến Hồng Lộ, vừa đi vừa suy nghĩ vẩn vơ.
Tôi rất tự hào về cái tên của mình, cũng rất khâm phục lão già đã nghĩ ra cái tên mà, gọi một chữ thì cứ ngỡ là một chàng trai phong lưu anh tuấn, gọi hai chữ lại hóa ra một cô gái dịu dàng xinh đẹp hơn người.
Có lần, lúc lão nhắc về cái tên Thạch, tôi lại cố nghĩ xem có chữ nào đi cùng chữ Thạch để tạo thành một cái tên nữ tính giống như Nhã Phong không. Nghĩ một lúc được mấy cái tên: Cẩm Thạch, Ngọc Thạch,... thấy vẫn chưa vừa ý lắm, tôi mang nỗi thắc mắc ấy đi hỏi lão.
Nhằng nhẵng bám theo lão mất nửa ngày, cuối cùng lão vứt cho tôi một cái tên:
- Thiên Thạch.
[1] Huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên ngày nay
[2] Thời vua Hùng, bánh dày làng Gàu được xem là cống vật tiến vua
[3] Yên Bang và Tức Mặc đều thuộc Nam Định ngày nay.
Truyện khác cùng thể loại
16 chương
17 chương
15 chương
78 chương