tháng hè trôi qua trong chớp mắt.      Năm đó, tôi xin vào trường Sao Mai, học chung lớp với Tiểu Li.      Ngày khai giảng, mẹ tôi dẫn tôi đến trường. Đi bên cạnh tôi là Tiểu Li. Dọc đường, nó cứ liếc trộm tôi và cười khúc khích.      Tôi cau mày:      - Cười gì cười hoài vậy?      Nó rụt cổ, đáp:      - Anh giống như em bé.      Nói xong, nó lại nhe răng sún ra cười. Chắc nó chê tôi không dám rời mẹ lấy nửa bước! Tôi đoán thầm như vậy và lặng lẽ rút tay khỏi tay mẹ tôi. Nhưng mẹ tôi kéo tôi lại:      - Để mẹ dẫn đi! Xe cộ nườm nượp con không thấy sao!      Nhưng tôi vẫn kiên quyết vùng tay ra:      - Con đi một mình được mà! Tiểu Li nó cũng đi một mình kìa!      Vừa nói tôi vừ vọt lên trước khiến mẹ tôi phải hối hả đuổi theo.      Đến trường, sau khi trao đổi với cô giáo, mẹ tôi quay lại dặn dò tôi đủ thứ. Tôi nghe câu được câu mất, đầu cứ gật lia.      Trước khi ra về, mẹ tôi còn kêu Tiểu Li lại nói:      - Cháu học ở đây lâu rồi, có gì cháu giúp đỡ bạn Thư với nghen!      Tiểu Li dạ lí nhí trong miệng nhưng trông vẻ mặt tươi hơn hớn của nó, tôi biết nó khoái cái nhiệm vụ "kềm cặp" tôi lắm.      Đợi ẹ tôi về rồi, tôi bảo nó:      - Mày ngon quá hén!      - Ngon gì đâu?      - Vậy mà không ngon! Mẹ tao bảo mày canh chừng tao!      Nó chớp mắt:      - Canh chừng đâu mà canh chừng! Mẹ anh chỉ bảo em giúp đỡ anh thôi!      Tôi liếm môi:      - Giúp đỡ là sao?      Tiểu Li ngẩn người ra:      - Em cũng chẳng biết.      Tôi nghĩ ngợi một lát rồi gật gù:      - Tao biết rồi.      - Biết sao? - Tiểu Li trố mắt.      Tôi hắng giọng:      - Ý của mẹ tao là hôm nào tao làm biếng chép bài mày phải chép giùm tao. Giúp đỡ là vậy đó!      Tiểu Li "xí" một tiếng:      - Ý của mẹ anh đâu phải như vậy!      Tôi khăng khăng:      - Vậy đó! Mẹ tao chứ đâu phải mẹ mày mà mày biết!      Tiểu Li không chịu thua. Nó tuyên bố một câu "xanh dờn" khiến tôi rụng rời tay chân:      - Để chiều nay em về hỏi lại mẹ anh coi thử phải ý mẹ anh là như vậy không.      - Thôi, thôi, đừng hỏi! - Tôi hốt hoảng ngăn chặn.      - Sao đừng hỏi?      - Tao nói đừng hỏi là đừng hỏi! Mày mà hỏi là tao nghỉ chơi mày ra liền!      Mỗi lần tôi tung ra đòn "nghỉ chơi", Tiểu Li đều nhanh chóng đầu hàng. Lần này cũng vậy, nghe tôi dọa, suốt buổi học hôm đó Tiểu Li không dám nhắc đến chuyện "hỏi đi hỏi lại" thêm một lần nào nữa.      Ở trong lớp, tôi ngồi ở đầu bàn thứ hai, sát trong tường. Tiểu Li ngồi kế tôi, phía bên phải. Cạnh nó còn thêm ba đứa nữa.      Đi học đến ngày thứ ba, tôi đánh rơi mất lọ mực. Không dám nói mẹ, sợ bị mắng, tôi đành phải chấm chung lọ mực của Tiểu Li.      Có dịp được "giúp đỡ" tôi, Tiểu Li mừng lắm. Nó hào phóng đẩy lọ mực về phía tôi, dặn:      - Anh chấm nhẹ nhẹ thôi! Chấm mạnh, rè ngòi viết hết!      Hai đứa chấm chung một thời gian, lọ mực cạn queo.      Tôi bảo Tiểu Li:      - Mày về đổ thêm nước vô đi!      Tôi bảo sao, Tiểu Li làm vậy. Hôm sau, nó đưa lọ mực khoe tôi:      - Nước đầy tràn trong này!      Tôi cầm lọ mực đưa lên tai, lắc thử. Nghe tiếng óc ách, tôi nhăn mặt, nói:      - Mày ngu quá! Đổ nước in ít thôi! Nước nhiều như thế này, mực nhạt thếch, làm sao viết ra chữ!      Tôi nói quả không sai. Tới giờ học, cả tôi lẫn Tiểu Li không đứa nào viết được lấy một chữ. Chấm mực y như chấm nước lã, thiệt chán!      Tôi bực mình thò ngòi viết sát đáy lọ mực, khuấy mạnh. Khi rút cây viết lên, tôi thấy một cục mực dính toòng teng ở ngòi viết. Cục mực đen thùi lùi nom giống hệt con ruồi.      Đang rầu rĩ, tôi nóng tiết bặm môi rảy mạnh một cái. Cục mực như muốn chơi xỏ tôi. Nó văng ra và hớn hở đập "bép" một phát vào giữa cuốn tập của Tiểu Li.      Bị bất ngờ, Tiểu Li giật mình kêu lên:      - Chết rồi!      Kêu xong, nó hoảng hồn lấy tay bụm miệng. Nhưng cô giáo đã nghe thấy.      - Gì vậy Tiểu Li?      Cô hỏi và rời bàn bước xuống chỗ hai đứa tôi. Tôi xanh tái mặt mày. Tiểu Li cũng vậy. Nó ấp úng thưa:      - Dạ, không có gì ạ.      Cô giáo xoay cuốn tập của Tiểu Li lại:      - Vậy mà không có gì! Mực ở đâu dính vô đây?      Tiểu Li liếc tôi khiến tôi nín thở. Nhưng Tiểu Li không tố cáo tôi. Nó quay nhìn cô giáo, rụt rè đáp:      - Thưa cô, em lỡ tay làm rớt ạ.      - Từ nãy đến giờ em làm gì mà không chép bài?      Tiểu Li cắn môi:      - Thưa cô, mực lợt quá, em viết không được ạ.      Trong khi cô "truy" Tiểu Li, tôi len lén gấp cuốn tập của mình lại và khoanh tay chặn lên trên, mắt giả vờ chăm chú nhìn lên bảng.      Nhưng tôi không bị cô giáo hỏi. Chỉ có Tiểu Li bị phạt đứng tại chỗ về tội ngồi chơi không chép bài, lại còn làm dây mực vô tập.      Nhìn Tiểu Li đứng cúi gằm mặt xuống đất, lòng tôi bâng khuâng quá chừng. Khi nãy nếu nó không "cứu" tôi chắc tôi đã bị phạt thay cho nó rồi.      Để cảm ơn nó, trên đường về, tôi móc túi cho nó mấy viên bi:      - Cho mày nè!      Tiểu Li lắc đầu:      - Em không lấy đâu! Con gái ai lại chơi bi!      Tôi khịt mũi:      - Mày ngu quá! Tao đâu có bảo mày chơi! Mày kiếm một cái lọ thủy tinh bỏ mấy viên bi rồi đổ nước vào!      - Chi vậy?      - Chơi vậy thôi! Để trên bàn học trông đẹp lắm!      Nghe tôi quảng cáo, Tiểu Li bùi tai liền lấy mấy viên bi bỏ vào cặp.      Về tới nhà chưa kịp ăn cơm, tôi đã nghe Tiểu Li kêu om sòm:      - Anh Thư ơi, Anh Thư!      Tôi chạy ra cửa dòm sang:      - Gì vậy?      Tiểu Li ngoắc lia:      - Qua đây!      Tôi chạy qua.      Tiểu Li chỉ tay lên bàn:      - Anh coi kìa!      Hóa ra Tiểu Li đã bỏ mấy viên bi tôi cho vào trong ly nước. Nó còn ngắt mấy bông cúc trước sân cắm vào ly. Tôi ngắm nghía một hồi rồi buột miệng khen:      - Đẹp ghê hén!      - Ừ, đẹp ghê! - Tiểu Li hớn hở nói theo.      - Sao mày không kiếm một cái lọ?      - Không có lọ, em bỏ trong ly.      Tôi gật gù:      - Bỏ trong ly cũng được. Nhưng cái ly lớn quá, để hôm nào tao đánh bi thắng nhiều nhiều tao sẽ ày thêm vài viên nữa bỏ vào.      - Anh nhớ nghen!      - Nhớ chứ! Tao lỡ quên thì mày nhắc tao!      Tôi cười cười nhìn Tiểu Li và bỗng dưng tôi phát hiện ra đôi mắt của nó long lanh không khác gì những viên bi đang tắm mình trong nước đằng kia.      - o O o -      Đôi mắt Việt An cũng giống hai viên bi nhưng nom "oai phong lẫm liệt" hơn hai viên bi của Tiểu Li nhiều.      Lúc này, hai viên bi của Việt An đang nhìn tôi với vẻ trách móc:      - Lần sau có chết tôi cũng không đưa tập cho anh chép bài giùm nữa!      Tôi khụt khịt mũi mấy cái rồi ngồi im trên ghế chịu trận.      Quả thật tôi cũng không biết phải ăn nói với Việt An như thế nào. Chuyện tôi lãnh zero hôm trước không biết ai "truyền đạt" lại mà tôi mới thò đầu vô nhà, Việt An đã lôi tôi ra "khiển trách". Chắc là Hồng Hoa nói, tụi con gái là chúa mách lẻo! Tôi ấm ức nhủ bụng và cựa quậy người trên ghế một cách khó khăn.      Việt An lại hỏi:      - Anh chép câu thơ "Lòng em như chiếc lá khoai..." là anh muốn ám chỉ ai vậy?      Tôi giật thót:      - Tôi đâu có ám chỉ ai! Thấy hay, tôi chép chơi vậy thôi!      Việt An hứ một tiếng:      - Anh là chúa chép bậy! Bữa trước chép bậy bị bắt đền sách một lần rồi mà anh chưa sợ hả?      Tôi lại ngồi im, lúng túng một cách khổ sở, hệt như hôm nào tôi đứng trước cô Hường.      Dường như sự loay hoay tội nghiệp của tôi khiến trái tim đá của Việt An "mẻ" một miếng. Nó hỏi:      - Chiều nay anh rảnh không?      Tôi ngạc nhiên:      - Chi vậy?      - Đi xem phim.      Tôi nuốt nước bọt:      - Đi với ai?      Việt An nói tỉnh bơ:      - Tôi rủ anh đi.      Tôi như không tin vào tai mình:      - Thật không?      Việt An "nắn gân" tôi:      - Thật, nhưng anh bận thì thôi!      Tôi hốt hoảng:      - Không, không, tôi có bận gì đâu!      Điệu bộ của tôi khiến Việt An bật cười:      - Không bận thì thôi! Chiều nay đúng năm giờ anh đợi tôi trước rạp Quốc Tế!      Trời ơi, Việt An còn cho tôi "điểm hẹn tình yêu" nữa, thế có "chết" tôi không! Tôi ra khỏi nhà Việt An, mặt mày xây xẩm, suýt chút nữa đâm đầu vào bánh xe ô tô.      Tôi đi tìm cả buổi mới gặp Hải gầy. Nghe tôi khoe vung vít, nó cười cười:      - Xạo đi mày!      Tôi huơ tay:      - Mày không tin thì chiều nay đi với tao.      - Việt An hẹn mày, tao đi theo "cản mũi kỳ đà" bất tiện lắm.      - Ai bảo mày xuất đầu lộ diện chi! Mày cứ đứng lấp ló đâu đó để chứng kiến cảnh "sum họp" của hai đứa tao.      Sau một hồi do dự, Hải gầy đồng ý. Nó có vẻ không vui về buổi hẹn hò đầu tiên của tôi. Có lẽ nó cho rằng nó không có đóng góp gì trong "thành quả" này.      Đúng bốn giờ rưỡi chiều, tôi đã có mặt trước rạp Quốc Tế, quần áo bảnh bao, tóc tai láng coóng. Hải gầy ngồi thậm thụt trong quán cà phê bên kia đường. Nó mang kiếng đen, nón kê - pi kép sụp xuống trán, hệt như một thám tử chuyên nghiệp.      Tôi coi đồng hồ từng phút một. Chưa bao giờ tôi thấy thời gian trôi chậm chạp như lúc này, cứ y như rùa bò. Hai cây kim nhích từng bước, uể oải, lề mề, trông phát ghét. Vậy mà trong sách người ta nói thời gian trôi vùn vụt như ngựa phi qua cửa sổ, thật sạo hết chỗ nói!      Đúng năm giờ, không thấy Việt An đâu, tôi đã bắt đầu bồn chồn. Năm giờ là giờ tan sở nên lưu lượng xe cộ qua lại trên con đường trước rạp mỗi lúc một đông. Tôi quay đầu nhìn ngang nhìn dọc, trông ngược trông xuôi muốn gãy cả cổ. Có nhiều cô gái trông từ xa giống hệt Việt An, nhác thấy tim tôi đã muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, nhưng khi đến gần hóa ra không phải. Tôi mừng hụt như vậy cả chục lần, trong bụng vừa rầu vừa cáu.      Bên kia, Hải gầy đã tháo cặp kiếng "điệp viên" ra khỏi mắt. Chắc nó nóng ruột muốn "quan sát mục tiêu" giùm tôi.      Tội nghiệp nó, chắc từ nãy đến giờ, nó đã uống cả chục ly cà phê!      Trong lúc tôi bắt đầu chán nản và đinh ninh Việt An cho tôi "leo cây" thì bỗng một giọng nói vang lên từ sau lưng:      - Anh đợi lâu chưa?      Tôi giật mình quay phắt lại. Thấy Việt An đứng ngay bên cạnh, tôi mừng đến líu lưỡi:      - Chư... ư... ưa, chưa! Tôi mới đến!      Việt An bĩu môi:      - Hẹn năm giờ mà bây giờ anh mới đến?      Tôi càng cuống:      - Đâu có! Tôi đến hồi bốn giờ rưỡi!      Việt An mỉm cười độ lượng:      - Thôi, anh vào mua vé đi!      Chỉ đợi có vậy, tôi hí hửng phóng vào phòng vé.      Nhưng tôi vừa dợm bước, Việt An đã gọi giật:      - Anh nhớ mua bốn vé nghen!      Tôi ngạc nhiên:      - Sao lại mua bốn vé?      Việt An mỉm cười chỉ vào hàng quà xế cửa rạp. Tôi nhìn theo và tái người khi nhìn thấy Hồng Hoa và Chiêu Minh đang lúi húi mua mấy bịch cóc, ổi. Rõ ràng tụi nó đang chuẩn bị đóng vai "kỳ đà" trong buổi xem phim hôm nay. Bất giác tôi buông một tiếng thở dài não ruột và đau khổ nhận ra "tình yêu khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì bị Hồng Hoa và Chiêu Minh phá đám liên miên".      Chẳng lẽ đến đây rồi lại bỏ về, tôi đành bước vào phòng vé trên đôi chân thất thểu. Khi tôi cầm vé đi ra, Hồng Hoa hỏi:      - Đi coi phim với tụi này, sao mặt mày ông bí xị vậy?      Tôi cười gượng:      - Bí xị gì đâu! Tại chen vô mua vé hơi mệt chút thôi!      Hồng Hoa đưa tôi một trái ổi:      - Ông ăn cái này vô là hết mệt liền!      Nó đâu có biết bây giờ tôi ăn cả trái... đất cũng không hết "mệt" nữa là trái ổi cỏn con này. Tôi cầm lấy trái ổi và cáu tiết bóp mạnh, hệt như Trần Quốc Toản bóp trái cam ngày trước. Nhưng trái ổi cứng hơn trái cam nhiều. Tôi bóp một hồi, mấy ngón tay đau điếng mà trái ổi vẫn trơ trơ, không móp một tí ti nào. Tức mình, tôi bèn đưa lên... miệng, ngoạm một miếng và... ăn ngon lành.      Khi đi vào rạp, tôi cố tình đi ngay trước Việt An. Tiếp theo là Hồng Hoa và Chiêu Minh. Tôi chắc mẩm đi theo trật tự này, thế nào tôi cũng được ngồi cạnh Việt An. Được như vậy, tôi cũng đỡ buồn phần nào.      Ai dè khi tôi bước vào chỗ ngồi trong dãy ghế trống thì Việt An không chịu vào ngay theo mà đứng lại bên ngoài nhường cho Hồng Hoa và Chiêu Minh vào trước.      Theo cái "thế trận" đó, Hồng Hoa và Chiêu Minh vẫn án ngữ ngay trước trái tim tôi! Biết như thế này thà ở nhà nằm ngủ sướng hơn! Tôi cay đắng nhủ bụng và ngồi tựa lưng vào ghế, nhắm mắt lại. Tôi định phản đối buổi đi xem phim vô duyên hôm nay bằng cách ngủ ngay trong rạp.      Hồng Hoa quay sang thấy tôi ngủ, liền hỏi:      - Ông làm gì vậy?      Tôi tảng lờ không đáp.      Nó hừ mũi:      - Thức dậy đi! Đi xem phim với phụ nữ mà ngồi ngủ, ông không biết mắc cỡ hả?      Tôi không mắc cỡ về chuyện ngủ trong rạp nhưng lại mắc cỡ vì cái giọng chê bai của nó. Nó lại nói oang oang, chắc Chiêu Minh và Việt An nghe hết. Điều đó khiến tôi điên tiết, nhưng chẳng biết làm gì tôi đành phải mở mắt ra.      Nhưng dù mở mắt thao láo, tôi vẫn chẳng thấy gì trên màn ảnh. Đầu óc tôi mải loay hoay nghĩ đến mối tình bầm dập của mình. Tôi rủ đi xem phim thì Việt An không đi. Đến khi nó rủ thì lại kéo theo một lô một lốc bạn bè, làm như tôi muốn đi chơi với nó thì phải đi "kèm", giống như ở nhà hàng muốn uống bia phải kèm mồi vậy.      Nghĩ lan man một hồi, tôi lại giật mình nhớ đến Hải gầy. Khi nãy đang cơn bối rối, tôi quên liếc qua chỗ nó xem nó phản ứng ra sao. Thế nào sáng mai gặp nó, tôi cũng bị nó giỨễu cợt một mẻ ra trò.      Nghĩ vơ vơ vẩn vẩn, phim hết lúc nào tôi chẳng hay. Đến khi đèn trong rạp bật sáng, tôi mới giật mình đứng dậy.      Ra khỏi rạp, Việt An hỏi tôi:      - Phim hay không?      Tôi xẳng giọng:      - Dở ẹc!      - Phim vậy mà dở! Dở chỗ nào?      Tôi ú ớ:      - Dở ở chỗ... ở chỗ...      Thấy tôi cà lăm, Việt An lấn tới:      - Chỗ nào?      Bị "dồn vào chân tường", tôi nổi điên nói đại:      - Dở ở chỗ... xem phim mà đi tới bốn người!      Việt An liếc tôi:      - Chứ theo anh thì sao?      Sẵn trớn, tôi "đề nghị" luôn:      - Mỗi lần đi hai người thôi! Lần này hai người, lần sau hai người!      Việt An cười tỉnh:      - Dễ thôi!      Tôi trố mắt:      - Vậy mà dễ?      Việt An nhún vai:      - Chứ sao! Tuần sau áp dụng liền!      - Ngay tuần sau?      - Ừ, ngay tuần sau.      Tôi nín thở, hỏi dò:      - Tuần sau hai người nào đi trước?      - Tôi với Hồng Hoa.      Một lần nữa, bằng một cú "direct" cực mạnh và đầy bất ngờ, Việt An đã cho tôi đo ván thảm hại, hệt như Myke Tyson đã kết liễu Micheal Spinks sau một loạt động tác giả hư hư ảo ảo.      Tôi len lỏi vào bãi giữ xe như đi trong một màn sương, những bóng người chung quanh chập chờn và nhòe nhoẹt.      Khi tôi lững thững dắt xe ra đã thấy Việt An, Hồng Hoa và Chiêu Minh đang đứng đợi.      Việt An nhìn tôi, rủ:      - Ghé lại đường Bùi Thị xuân ăn chè đi!      Tôi lắc đầu:      - Tôi phải đi công chuyện ngay bây giờ.      Hồng Hoa nheo mắt:      - Công chuyện gì giờ này?      Tôi tặc lưỡi:      - Thật mà! Tôi có hẹn!      - Hẹn với cô nào phải không?      Mặc cho nó khiêu khích, tôi lặng lẽ đạp xe đi.      Chẳng biết đi đâu, tôi đạp xe lòng vòng trong thành phố cho đến tận tối mịt. Khi nỗi giận dỗi và muộn phiền đã vơi bớt, tôi nghe bụng đói meo, liền vội vã chạy về nhà.      Mẹ tôi báo:      - Thằng Hải tới tìm con, đợi lâu quá không được nó về rồi.