Cô Gái Có Hình Xăm Rồng
Chương 16
Chủ nhật, 1 tháng Sáu
Thứ Ba, 10 tháng Sáu
Sau sáu tháng nghiền ngẫm không hiệu quả, vụ Harriet bỗng nứt rạn. Tuần đầu tháng Sáu, Blomkvist phát hiện ra ba miếng mới toanh trong bảng ghép hình. Hai trong ba miếng đó la anh tìm ra. Miếng thứ ba có người giúp.
Sau lần Berger đến thăm vào tháng Năm, anh lại nghiên cứu quyển album lần nữa, ngồi hàng ba giờ đồng hồ liền, xem lần lượt từng tấm ảnh một, cố phát hiện thêm những chi tiết đã từng gây ấn tượng cho anh. Vẫn không ăn thua cho nên anh để quyển album sang bên và quay về với quyển biên niên của gia đình.
Một hôm vào tháng Sáu, ở Hedestad anh đang nghĩ đến một chuyện hoàn toàn khác thì chiếc xe buýt nhỏ chở anh rẽ vào Jarnvagsgatan và cái điều đang ủ mầm trong đầu anh bỗng hiện ra như sét đánh giữa trời xanh. Anh thấy bàng hoàng đến nỗi cứ đứng đực ra ở trên xe buýt cho tới tận trạm đỗ sau cạnh ga xe lửa. Anh bắt ngay chuyến xe buýt đầu tiên quay về Hedeby để kiểm tra xem anh nhớ có đúng hay không.
Đó là bức ảnh đầu tiên trong album, bức Harriet Vanger chụp lần cuối cùng vào cái ngày định mệnh ấy, ở Jarnvagsgatan tại Hedestad trong khi cô đang xem cuộc diễu hành của Ngày Trẻ con.
Bức ảnh này là một bức lạ lùng đã được cho vào album. Nó được để vào đây vì nó được chụp cùng ngày hôm ấy, nhưng nó là bức duy nhất không phải về tai nạn xe trên cầu. Mỗi lần Blomkvist và mỗi ai khác (anh cho là vậy) xem quyển album thì sự chú ý đều bị hút mất vào con người và các chi tiết trong các bức ảnh của cây cầu. Không có kịch tính nào trong bức ảnh về một đám đông tại cuộc diễu hành Ngày Trẻ Con, vài giờ trước đó.
Blomkvist xem bức ảnh dễ có đến cả nghìn lần, một việc làm nó cứ gợi cho anh đau buồn nhớ rằng anh sẽ không còn bao giờ thấy lại cô gái nữa.
Nhưng Blomkvist không phản ứng lại với điều đó.
Nó được chụp từ bên kia đường, chắc là từ một cửa sổ tầng hai. Ống kính mở ở góc độ rộng nên đã chụp được mũi đằng trước của một trong những con thuyền diễu hành. Trên thuyền là những phụ nữ mặc những bộ đồ bơi lấp lánh hay những quần áo của cung tần thị nữ, ném kẹo xuống cho đám đông. Một số người trong họ nhảy múa. Ba anh hề nhảy nhót ở trước mũi con thuyền.
Harriet ở trong hàng đầu của đám đông đứng trên đường lát đá. Cạnh cô là ba cô gái, rõ ràng là bạn học của cô, và ít nhất một trăm người xem khác ở quanh và sau lưng họ.
Từ trong tiềm thức Blomkvist đã lưu lại điều này và khi chiếc xe buýt đi qua vào đúng chỗ ấy thì nó chợt bừng tỉnh.
Đám đông cũng giống như một công chúng khán, thính giả vậy. Mắt họ dõi theo quả bóng trên sân tennis hay quả cầu trên mặt băng đánh khúc côn cầu. Những người ở đầu cùng bên trái bức ảnh nhìn những anh hề ngày đằng trước mặt họ. Những người ở gần con thuyền hơn thì đều nhìn vào những cô gái ăn mặc hở hang. Vẻ mặt của họ bình thản. Trẻ con chỉ trỏ. Một vài người cười toe toét. Nom đều vui vẻ.
Trừ một.
Harriet lại nhìn chéo sang bên. Ba cô bạn và những người khác ở quanh cô đều đang nhìn những anh hề. Mặt Harriet quay đi gần đến 30, 35 độ sang bên phải. Mắt cô như đang tập trung vào một cái gì ở bên kia đường nhưng ở ngoài rìa trái của bức ảnh.
Blomkvist lấy kính phóng to ra cố cho nổi rõ mọi chi tiết. Bức ảnh chụp từ một khoảng cách quá xa khiến cho anh không thể cầm chắc hoàn toàn nhưng không như mọi người ở xung quanh, mặt Harriet không hớn hở. Miệng cô thành một đường ngang mỏng. Mắt cô mở to. Hai tay buông thõng vô hồn. Cô nom có vẻ sợ. Sợ hay giận dữ.
Blomkvist lấy bức ảnh in ở album ra cho vào một cặp nhựa cứng rồi chờ chuyến xe buýt sau quay về Hedestad. Anh xuống xe ở Jarnvagsgatan, đứng ở dưới cái cửa sổ là nơi có thể đã chụp bức ảnh kia. Nó là ở rìa của trung tâm thị trấn Hedestad. Đó là một tòa nhà gỗ ba tầng, trong là cửa hàng video cùng với hiệu Haberdashery của Sundstrom thành lập năm 1932 theo như ghi trên tấm biển ở trên cổng chính. Anh đi vào, thấy cửa hàng là ở trên tầng ba, có một cầu thang xoáy trôn ốc đưa lên tầng thượng.
Hai cửa sổ trên đỉnh cầu thang xoáy trôn ốc nhìn ra phố.
- Tôi có thể giúp gì ông không? – một nhân viên bán hàng có tuổi hỏi khi anh lấy cái cặp nhựa cùng tấm ảnh ra. Chỉ có vài ba người trong cửa hàng.
- Tôi chỉ muốn xem bức ảnh này được chụp ở chỗ nào. Tôi mở cửa sổ ra một lát thôi có được không ạ?
Người đàn ông nói có thể được. Vậy là Blomkvist có thể trông thấy chính xác cái chỗ Harriet đã đứng. Một trong những tòa nhà gỗ ở đằng sau cô đã không còn, thay vào là một tòa nhà góc cạnh. Tòa nhà gỗ khác từng là một cửa hàng bán văn phòng phẩm năm 1966 thì nay là một cửa hàng bán thực phẩm bổ dưỡng và một tiệm săn sóc da. Blomkvist đóng cửa sổ lại, cảm ơn người nhân viên và xin lỗi đã làm mất thì giờ của ông.
Anh qua đường và đứng vào chỗ Harriet đã đứng. Anh đã có được những cột mốc ở giữa cửa sổ của tầng thượng nhà Haberdashery và cửa ra vào cửa tiệm săn sóc da. Anh quay đầu và nhìn theo hướng nhìn của Harriet. Cô gái nhìn về góc của tòa nhà có cửa hiệu Haberdashery, một cái góc hoàn toàn bình thường của một tòa nhà, nó che khuất một ngã tư phố. Harriet, chị nhìn thấy cái gì ở đằng ấy đấy?
Blomkvist cho bức ảnh vào trong ba lô rồi đi đến quảng trường gần ga. Anh bước vào một quán cà phê vỉa hè. Anh bỗng thấy hồi hộp.
Ở tiếng Anh họ gọi đó là “bằng chứng mới”, rất khác với tiếng Thụy Điển: ”vật liệu chứng minh mới”. Anh đã nhìn thấy một cái hoàn toàn mới, một cái mà trong suốt cuộc điều tra kéo dài ba mươi bảy năm, không ai khác ngoài anh đã để ý thấy.
Vấn đề là anh không chắc cái thông tin mới này của anh nó có giá trị gì nếu quả như có một giá trị nào đấy. Nhưng anh cảm thấy sắp chứng minh được là nó có ý nghĩa.
Cái ngày tháng Chín mà Harriet mất tích kia đã thành ra quan trọng ở nhiều mặt. Nó là ngày lễ Hedestad với một đám đông hàng nghìn người, trẻ già, trên đường phố. Nó là ngày gia đình gặp mặt ở trên đảo Hedeby. Riêng hai việc ấy đã làm cho khu vực này ra khỏi nếp sống quen thuộc của nó. Vụ đâm xe đã che khuất đi mất mọi chuyện khác.
Sĩ quan cảnh sát Morell, Henrik Vanger và những người khác từng nghiền ngẫm về vụ Harriet mất tích đã tập trung chú ý vào đảo Hedeby. Morell thậm chí viết ông không sao dứt đi nỗi nghi ngờ rằng hai vụ mất tích và đâm xe là có dính líu đến nhau. Nay Blomkvist tin rằng ông đã nghĩ sai.
Dây chuyền sự việc không phải bắt đầu ở trên đảo Hedeby mà là ở Hedestad trước đó vài giờ. Harriet đã trông thấy một cái gì khiến cô khiếp sợ và giục giã cô về nhà, đi thẳng đến nhà ông chú nhưng không may là ông chú lại không có thì giờ nghe cô. Rồi xảy ra tai nạn xe trên cầu. Rồi tên giết người giáng đòn xuống.
Blomkvist nghĩ ngợi. Đây là lần đầu tiên anh có ý thức nói ra thành lời cái ý nghĩ cho rằng Harriet bị ám sát. Anh chấp nhận niềm tin của Henrik, Harriet đã chết và anh đang săn lùng một kẻ giết người.
Anh quay lại với các báo cáo của cảnh sát. Trong cả nghìn trang giấy chỉ có một phần xét đến các sự kiện ở Hedestad. Harriet đã ở đây với ba cô bạn học, cả ba đều đã được thẩm vấn. Họ đã gặp nhau ở quảng trường gần ga lúc 9 giờ. Một cô còn mua quần jean và có các bạn đi cùng. Các cô đã uống cà phê ở quán cà phê của nhà hàng EPA rồi đi thẳng đến sân vận động, loăng quăng trong những lán của liên hoan hóa trang và các ao câu cá, ở đấy họ lại tình cờ gặp một số bạn khác ở trường. Trưa họ dễu dện về lại thị trấn để xem diễu hành. Ngay trước 2 giờ chiều, Harriet thình lình bảo họ cô phải về nhà. Họ chia tay nhau ở bến xe gần Jarnvagsgatan.
Không cô bạn nào của cô để ý thấy có điều gì khác thường. Một trong họ, Inger Stenberg, người đã tả sự thay đổi của Harriet trong năm trước bằng câu nói rằng cô ấy đã rất “bàng quan cuộc sống”. Cô nói hôm ấy Harriet lì xì, không bình thường, phần lớn là làm theo người khác.
Sĩ quan Morell đã nói chuyện với tất cả những ai gặp Harriet hôm ấy, cho dù họ chỉ là chào nhau nhân có cuộc gặp mặt của gia đình. Một bức ảnh của cô đã được đăng trên tờ báo địa phương khi cuộc tìm kiếm đang tiếp diễn. Sau khi cô gái mất tích, mấy người dân ở Hedestad đã gặp cảnh sát để nói họ đã trông thấy cô gái trong hôm diễu hành, nhưng không ai báo được gì khác thường cả.
Sáng hôm sau, Blomkvist tìm Henrik Vanger ở bàn ăn điểm tâm của ông.
- Ông nói gia đình Vanger vẫn có một món lãi trong tờ Hedestad Courier?
- Đúng.
- Tôi muốn xem hồ sơ ảnh của nó. Từ 1966.
Vanger đặt cốc sữa xuống, lau miệng rồi hỏi:
- Mikael, anh đã phát hiện ra cái gì rồi?
Anh nhìn thẳng vào mắt ông già.
- Không có gì là chắc chắn. Nhưng tôi nghĩ chúng ta đã bị lầm cả một chuỗi các sự kiện.
Anh đưa cho ông già xem bức ảnh và nói những điều anh đang suy nghĩ. Vanger ngồi nghe im lặng một hồi lâu.
- Nếu tôi đúng, chúng ta cần phải nhìn xa tới những gì đã xảy ra ở Hedestad hôm ấy chứ không phải chỉ ở đảo Hedeby. – Blomkvist nói, - Tôi không biết làm chuyện đó như thế nào sau một thời gian quá dài như vậy nhưng nhiều ảnh chắc là đã được chụp trong Ngày Trẻ con mà chưa đăng lên bao giờ. Tôi muốn xem các bức đó.
Vanger dùng điện thoại trong bếp. Ông gọi Martin, nói rõ ông muốn gì và hỏi ai là biên tập viên ảnh hôm ấy. Trong mười phút đã xác định được người cần tìm và thu xếp xong việc tìm trong hồ sơ ảnh.
Biên tập viên ảnh của tờ Hedestad Courier là Madeleine Blomberg, thường gọi là Maja. Chị là nữ biên tập viên ảnh đầu tiên mà Blomkvist gặp trong nghề báo, nơi mà nhiếp ảnh trước hết vẫn được coi là loại hình thức nghệ thuật dành cho đàn ông.
Do là chủ nhật, tòa soạn vắng tanh nhưng Maja Blomberg lại sống cách đấy có năm phút, chị gặp Blomkvist ở cổng tòa báo. Chị làm cho Hedestad gần hết đời mình. Chị bắt đầu làm người đọc bản in thử năm 1964, đổi sang làm việc in tráng ảnh và đã qua nhiều năm tháng trong buồng tối, thỉnh thoảng có được cử ra ngoài làm phóng viên ảnh khi nguồn ảnh quen thuộc không đủ. Chị lên được chức biên tập viên, kiếm được một ghế chính thức ở bộ phận ảnh tại tờ báo, mười năm trước, khi người biên tập viên ảnh về hưu, chị tiếp quản vai trưởng ban ảnh.
Blomkvist hỏi hồ sơ ảnh ở đây sắp đặt thế nào.
- Nói thật với anh, hồ sơ khá là lộn xộn. Từ khi chúng tôi có máy tính và ảnh kỹ thuật số thì hồ sơ là ở trong các đĩa. Chúng tôi có một nhân viên tập sự ở đây quét các bức ảnh cũ quan trọng hơn, chỉ có một ít ảnh trong đống kho lộn xộn kia là đã được xếp loại. Các ảnh cũ hơn được xếp theo ngày tháng trong các hồ sơ âm bản. Chúng đang ở trong tòa soạn này hay ở trong nhà kho trên tầng áp mái.
- Tôi đang cần đến các ảnh chụp trong cuộc diễu hành Ngày Trẻ con năm 1966, nhưng kể cả bất cứ ảnh nào chụp trong tuần ấy.
Blomberg kỳ quặc nhìn anh.
- Anh muốn nói cái tuần Harriet Vanger mất tích chăng?
- Chị biết chuyện?
- Anh không biết chuyện ấy thì anh không làm ở đây cả đời được, sớm hôm nay là ngày nghỉ của tôi mà Vanger gọi là tôi đã rút ra kết luận. Có cái gì mới rồi thế?
Blomberg có cái mũi thính tin. Blomkvist mỉm cười lắc đầu rồi kể cho chị một câu chuyện hỏa mù.
- Không, tôi cho rằng không ai tìm ra được lời giải cho bài đố này đâu. Chuyện này khá riêng tư, nhưng sự thật là tôi đang viết tự truyện cho Henrik Vanger. Chuyện cô gái mất tích là một đề tài lạ nhưng nó là một chương thật sự không thể lờ đi. Tôi đang tìm một cái gì trước đây chưa được dùng đến mà lại có thể làm sáng tỏ cái ngày hôm ấy – về Harriet và các bạn của cô ấy.
Blomberg có vẻ nghi hoặc nhưng lời giải thích nghe hợp lý nên chị không hỏi thêm, vả chăng cũng là do chị đã biết vai trò của Blomkvist.
Một phóng viên nhiếp ảnh ở một tờ báo nhận chừng từ hai đến mười cuộn phim một ngày. Với các sự kiện lớn có thể gấp đôi. Mỗi cuộn được băm sáu âm bản và chỉ có một số ít trong đó được đăng lên mà thôi cho nên thường thường một tờ báo địa phương không tích quá ba trăm hình ảnh một ngày. Một ban ảnh giỏi tổ chức đem cắt rời các cuộn phim ra và để các âm bản ở trong một ống măng sông sáu khung ảnh. Một cuộn phim chiếm chừng một trang ở cặp hồ sơ âm bản. Một cặp hồ sơ giữ chừng 110 cuộn phim. Âm bản trong một năm được cất đầy trong chừng hai mươi tư cặp hồ sơ. Sau nhiều năm, một lượng lớn cặp hồ sơ đã tích lại và thường không có giá trị thương mại nên chúng được xếp đầy các ngăn giá của ban ảnh. Nhưng mỗi phóng viên ảnh và ban ảnh lại đinh ninh các bức ảnh đó đang chứa đựng một tư liệu lịch sử vô giá nên không vứt bất kì một tấm ảnh bao giờ.
Hedestad Courier thành lập năm 1922, bán ảnh thì tồn tại từ 1937. Kho ảnh trên tầng áp mái chứa chừng 1,200 cặp hồ sơ, dược Blomberg sắp xếp theo ngày tháng. Các âm bản của tháng Chín 1966 để ở trong bốn cặp lưu trữ bằng bìa các tông rẻ tiền.
- Chúng ta làm thế nào với những cái này nhỉ? – Blomkvist nói. - Tôi thật sự cần một cái bàn làng nhàng để ngồi sao lại những cái gì hay hay.
- Chúng tôi không còn buồng tối nữa rồi. Mọi cái đều đã cho scan. Anh có biết dùng máy scan âm bản không?
- Có, tôi đã làm và có riêng một máy scan âm bản Agfa. Tôi làm Photoshop trên máy tính.
- Vậy là anh dùng các thiết bị giống của chúng tôi.
Blomberg đưa anh đi một vòng quanh căn phòng nho nhỏ của ban ảnh, cho anh một chiếc ghế và một chiếc bàn gọn nhẹ rồi mở máy tính và máy scan hình. Chị chỉ cho anh chỗ máy cà phê trong khu căng tin. Họ nhất trí để Blomkvist tự làm lấy một mình nhưng khi nào anh muốn đi thì anh cần gọi chị để cho chị có thể đặt hệ thống báo động. Rồi chị chào “Thú vị nha!” và để anh ở lại.
Ngược trở lại giai đoạn ấy, Courier có hai phóng viên nhiếp ảnh. Người trực hôm ấy là Kurt Nylund và Blomkvist có quen biết anh ta. Vào năm 1966, Nylund chừng hai mươi tuổi. Rồi anh chuyển đến Stockholm trở thành một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng vừa làm tự do vừa là nhân viên của Scanpix Thụy Điển ở Marieberg. Trong những năm 90, Blomkvist đã có những lần gặp Nylund khi Millennium còn dùng ảnh của Scanpix. Anh nhớ Nylund là một người xương xẩu góc cạnh, tóc thưa. Hôm diễu hành, Nylund dùng phim ánh sáng ngày, không nhanh quá, loại nhiều phóng viên ảnh tin tức thường dùng.
Blomkvist lấy ra các âm bản ảnh chàng Nylund trẻ tuổi chụp, đặt chúng lên bàn. Anh xem kĩ từng khuôn hình bằng một kính phóng đại. Đọc âm bản ảnh là một nghệ thuật đòi hỏi kinh nghiệm mà Blomkvist thì không có. Để quyết định ảnh có giá trị thông tin hay không anh phải rà quét từng hình ảnh và xem xét nó trên màn hình máy tính. Việc này phải mất hàng giờ. Cho nên anh xem lướt trước tất cả các bức ảnh mà anh có thể thấy ra điều gì lý thú ở đó.
Anh xem dần những bức chụp vụ tai nạn xe cộ mà bộ sưu tập ảnh của Henrik Vanger không đầy đủ. Người sao ảnh làm sưu tập – có thể là chính Nylund – đã bỏ ra khoảng ba chục bức hoặc bị lóa hoặc bị coi là kém chất lượng không đáng đăng báo.
Blomkvist tắt máy tính, cắm máy scan Agfa vào iBook của mình. Anh bỏ hai giờ để scan chỗ ảnh còn lại.
Có một bức đập ngay vào mắt anh tức khắc. Khoảng giữa 3 giờ 10 và 3 giờ 15 chiều, đúng vào lúc Harriet tan biến đi, một người đã mở cửa sổ của buồng cô. Vanger cố tìm mãi không ra đó là ai. Trên màn hình của Blomkvist có một bức ảnh mà chắc đã được chụp vào đúng vào lúc cửa sổ mở ra. Có một người và một bộ mặt lờ mờ không rõ. Anh quyết định scan hết các ảnh trước khi quay sang phân tích tỉ mỉ chi tiết bức ảnh này.
Rồi anh xem xét các ảnh về Ngày Trẻ con. Nylund đã để ra sáu cuộn phim, khoảng hai trăm lần chụp cho chuyện này. Có một dòng vô tận những trẻ con với những quả bóng, người lớn, sinh hoạt đường phố với những người bán xúc xích nóng, cuộc diễu hành, một nghệ sĩ trên sân khấu và một cuộc trao phần thưởng gì đó.
Blomkvist quyết định scan toàn bộ sưu tập. Sáu giờ sau, anh có một cặp giấy đựng chín chục ảnh nhưng anh sẽ còn phải quay lại nữa. 9 giờ anh gọi Blomberg, cảm ơn chị và đáp xe buýt về nhà ở đảo Hedeby.
9 giờ sáng Chủ nhật anh quay lại. Tòa soạn vẫn vắng khi Blomberg để anh vào. Anh không nhận ra đây là ngày lễ Whitsuntide trùng vào cuối tuần, và sẽ không có tờ báo nào cho tới thứ Ba hết. Anh bỏ cả ngày ra để scan ảnh. 6 giờ chiều vẫn còn lại bốn chục bức chụp Ngày Trẻ con. Blomkvist đã dò các âm bản và quyết định những bức cận cảnh mặt đám trẻ xinh xắn hay các bức tranh của một họa sĩ xuất hiện trên lễ đài không phải là mục tiêu chú ý của anh. Những cái anh cho scan là các ảnh về sinh hoạt đường phố và đám đông.
Blomkvist đi qua ngày lễ Whitsuntide với đống “vật liệu mới”. Anh có mười phát hiện. Phát hiện đầu làm cho hết sức ngạc nhiên. Cái thứ hai làm cho tim anh đập rộn.
Cái thứ nhất là bộ mặt ở cửa sổ buồng Harriet Vanger. Ảnh hơi nhòe nên anh bỏ nó ra ngoài. Người chụp đứng ở trên đồi nhà thờ và hướng nhìn về cây cầu. Các tòa nhà lớn là bối cảnh. Blomkvist cắt cúp bức ảnh để chỉ còn lại cái cửa sổ rồi anh thử điều chỉnh độ sáng tối và tăng độ nét cho đến khi đạt tới chất lượng tốt nhất.
Kết quả là một bức ảnh lấm chấm gần như ngả trắng cho thấy một bức rèm, một phần cánh tay và một bộ mặt tròn tròn mờ nhạt ở bên trong gian phòng. Bộ mặt không phải của Harriet Vanger vốn tóc đen, còn người này tóc lại sáng màu hơn.
Không thể phân biệt rõ được các nên mặt nhưng anh chắc chắn đây là một phụ nữ, phần mặt sáng hơn tiếp tục xuống đến ngang vai chỉ ra một bộ tóc phụ nữ lượn sóng bồng bềnh và người phụ nữ này mặc quần áo sáng màu.
Anh tính chiều cao của người này với khung cửa sổ, đó là một phụ nữ cao chừng mét sáu.
Anh bấm sang các ảnh khác chụp sau vụ tai nạn thì thấy có một người hợp với miêu tả ở trong bức ảnh bên cửa sổ: cô Cecilia Vanger hai mươi tuổi.
Nylund đã chụp mười tám bức ở cửa sổ nhà Haberdashy Sundstrom. Harriet là cái thứ mười bảy trong đó. Blomkvist thừa nhận rằng các ảnh này đã được chụp trong vòng năm phút. Trong các ảnh đầu, ở trong khuôn hình, Harriet và các cô bạn đang đi xuôi phố xuống. Trong các ảnh 2 – 7 họ đứng yên xem diễu hành. Rồi họ chuyển chừng ba bốn mét xuống dưới phố. Trong bức cuối cùng, có lẽ được chụp sau một thời gian đã trôi qua thì không còn các cô gái nữa.
Blomkvist in một loạt ảnh trong đó anh lược bỏ đi nửa đầu của Harriet và gia công chúng để có được độ tương phản trắng đen tốt nhất. Anh để các bức ảnh này vào một hồ sơ riêng, mở chương trình đồ họa Graphic Converter và bắt đầu cho các ảnh lần lượt hiện lên, mỗi hình ảnh được hiện ra hai giây.
Harriet đến, hình ảnh với chiều nghiêng mặt. Harriet đứng lại, nhìn xuôi xuống dưới phố, Harriet mở miệng nói gì với các bạn, Harriet cười. Harriet giơ tay trái lên tai, Harriet mỉm cười. Harriet thình lình nom ngạc nhiên, mặt cô ở một góc 20 độ về bên trái camera. Mắt Harriet mở to và cô thôi cười. Miệng Harriet mím lại thành một đường mỏng. Mắt Harriet tập trung nhìn. Trên mặt cô có thể đọc được ra… cái gì đây? Buồn, sốc, giận dữ? Harriet cụp mắt xuống. Harriet đã đi.
Blomkvist quay đi quay lại trường đoạn này. Anh xác định khá mạnh mẽ cái lý lẽ vừa chợt đến với anh. Một cái gì đó xảy ra ở Jarnvagsgatan.
Harriet đã nhìn thấy một cái gì – một ai đó - ở bên kia đường phố. Phản ứng lại là cô thấy sốc. Cô gặp Henrik Vanger để nói chuyện riêng nhưng không được. Cô biến đi không một tăm tích.
Một cái gì đã xảy ra nhưng bức ảnh không nói rõ là gì.
2 giờ sáng thứ Hai Blomkvist ăn bánh kẹp và cà phê ở ghế dài trong bếp. Anh vừa nản lại vừa háo hức. Trái với chờ đợi anh đã đi tới được bằng chứng mới. Có điều là tuy nó rọi ánh sáng vào chuỗi sự kiện nhưng nó không đưa anh lại gần hơn tới bước giải được bí mật.
Anh nghĩ lung mãi về vai trò mà Cecilia Vanger có thể đã sắm ở trong vở bi kịch. Henrik Vanger lập biểu đồ về hoạt động của mọi người liên quan đến hôm đó, không chừa một ai và Cecilia cũng không là ngoại lệ. Chị đang sống ở Uppsala nhưng chị đến Hedeby hai hôm trước cái ngày định mệnh kia. Chị ở với Isabella Vanger. Chị từng nói có thể chị đã gặp Harriet sớm buổi sáng hôm đó nhưng không trực tiếp nói chuyện với Harriet. Chị không thấy Harriet ở đó, và chị quay về đảo Hedeby vào khoảng 1 giờ chiều, vào cái lúc Nylund chụp các ảnh kia ở Jarnvagsgatan. Chị thay quần áo và khoảng 2 giờ thì giúp bày biện bàn ghế cho bữa tiệc lớn tối hôm đó.
Tạo một bằng chứng ngoại phạm – nếu cần phải có – thì nó khá là yếu. Các khoảng thời gian là tương đối đúng, đặc biệt về thời gian chị trở lại đảo Hedeby, nhưng Henrik không tìm ra được điều gì cho thấy là chị nói dối. Cecilia là một trong những người nhà được ông chú Henrik thương nhất. Vả lại giờ chị đã là người tình của anh. Blomkvist khách quan sao nổi được cơ chứ? Anh chắc chắn không thể tưởng tượng ra chị lại là một kẻ giết người.
Bây giờ một bức ảnh mà cho đến nay không ai biết đang bảo với anh rằng chị đã nói dối khi bảo hôm ấy chị không vào phòng Harriet. Blomkvist rối đầu lên với cái ý tại sao chị lại phải dối trá như thế.
Và nếu chuyện đó em đã nói dối thì em còn có thể nói dối những gì khác nữa đây?
Anh soát lại trong đầu những điều anh đã biết về Cecilia. Một con người hướng nội rõ ràng là đã bị quá khứ tác động. Sống một mình, không có đời sống tình dục, khó gần gũi tiếp xúc với người đời. Giữ khoảng cách và khi đã buông lỏng thì không kìm hãm nổi. Chị đã chọn một người xa lạ làm người tình. Nếu chị phải kết thúc chuyện đó thì là vì chị không thể sống với cái ý nghĩ rằng anh sẽ bất ngờ đi khỏi đời chị cũng như khi anh bất ngờ hiện ra. Blomkvist cho rằng chị dám mở ra câu chuyện yêu đương với anh thì chính xác là vì anh chỉ ở đây có một thời gian. Chị không phải lo anh về lâu dài sẽ làm cho đời chị thay đổi đi bằng một cách nào đó.
Anh thở dài và gạt môn tâm lý học nghiệp dư sang một bên.
Trong đêm ấy, anh có cái phát hiện thứ hai. Chìa khóa cho bí mật này là điều Harriet đã trông thấy ở Hedestad. Anh sẽ không tìm ra cái đó trừ phi anh sáng chế ra được một cỗ máy thời gian hay đứng ở ngay đằng sau cô gái, nhìn qua vai cô.
Và thế rồi một ý đã nảy ra. Anh vỗ trán rồi mở iBook. Anh bật mở các bức ảnh chưa cắt cúp trong xê ri ảnh chụp ở Jarnvagsgatan ra thì… đây!
Đằng sau Harriet và ở bên phải cô chừng non một mét là một cặp trẻ tuổi, người đàn ông mặc áo len kẻ sọc, người phụ nữ mặc áo jacket lơ nhạt. Người đàn bà cầm máy ảnh. Khi Blomkvist phóng to bức ảnh, thì đó là một chiếc Khôngdak Instamatic chụp lấy liền có đèn – một máy ảnh làm quà rẻ tiền vào Noel cho những người không biết gì về nhiếp ảnh. Người phụ nữ cầm máy ảnh ở ngang cằm. Rồi chị ta giơ lên chụp đám hề đúng vào lúc Harriet thay đổi vẻ mặt. Blomkvist so vị trí chiếc máy ảnh với hướng nhìn của Harriet. Người phụ nữ chụp đúng cái thứ mà Harriet đang nhìn vào.
Tim anh đập loạn. Anh ngả lại đằng sau, cắm thuốc lá trượt cả ra ngoài túi ngực. Ai đó đã chụp một bức ảnh. Anh làm sao nhận dạng và tìm ra nổi người phụ nữ? Anh có thể nắm được bức ảnh này của chị ta không? Cuộn phim ấy có được tráng rửa và nếu có thì liệu có còn lại các bức ảnh hay không?
Anh mở hồ sơ có các ảnh của Nylund chụp đám đông ra. Trong hai giờ sau anh phóng to từng bức và soi kĩ từng li một. Cho đến các bức cuối cùng anh không còn thấy cặp nam nữ này nữa. Nylund đã chụp một anh hề khác cầm bóng đứng cười hềnh hệch ở trước máy ảnh của anh. Các bức ảnh được chụp ở một bãi đỗ xe gần cửa ra vào sân vận động, nơi diễn ra các lễ hội. Chắc đã phải là sau 2 giờ chiều. Ngay sau đó Nylund được tin xe đâm nhau trên cầu và nhanh chóng kết thúc các chân dung của Ngày Trẻ con.
Người phụ nữ gần như ẩn đi nhưng người đàn ông áo len sọc vẫn thấy rõ, ở chiều nghiêng mặt. Ông ta cầm chùm chìa khóa trong tay và đang cúi xuống mở cửa một chiếc xe. Máy ảnh tập trung vào anh hề đứng ở đằng trước và chiếc xe thì hơi bị mờ nhòa. Biển số bị che mất một phần nhưng anh có thể đọc thấy nó bắt đầu với “AC3”. Biển số trong những năm 60 bắt đầu với một mã hiệu theo hạt và lúc bé, Blomkvist đã nhớ các mã hiệu hạt này “AC” cho Vasterbotten.
Rồi anh nhận ra một cái khác nữa. Trên cửa sổ đằng sau có một tờ quảng cáo gì đó. Anh phóng to thì dòng chữ nhòa đi không còn. Anh cắt rời tờ quảng cáo, điều chỉnh trắng đen, độ nét. Phải mất một lúc. Anh vẫn chưa đọc được phần có chữ viết nhưng anh dựa trên những hình mờ nhòa này mà hình dung ra các chữ đó. Nhiều chữ nom giống nhau kì lạ. Một chữ “O” có thể bị lầm thành “D” hay “B” hay “E”, vân vân. Anh lấy giấy bút ra và sau khi loại đi một số chữ, anh còn lại được một bản viết không thể đọc ra, ở trong cùng một dòng.
R JO NI K RIFA RIK
Anh nhìn chăm chăm vào cái hình cho đến khi chảy nước mắt. Rồi anh xem chữ viết. “NORSJO SNICKERIFABRIK”, tiếp theo sau là những con số cỡ bé hơn đến mức khó mà đọc ra nổi, chắc là số điện thoại.
17
Thứ Tư, 11 tháng Sáu
Thứ Bảy, 14 tháng Sáu
Blomkvist có được miếng thứ ba trong trò chơi ghép hình là nhờ một nguồn tin bất ngờ.
Sau khi làm việc với các bức ảnh thực tế gần như hết đêm anh ngủ một mạch tới chiều. Lúc thức dậy anh thấy đau đầu, anh tắm và đi đến quán Susanne ăn sáng. Anh còn phải đến Vanger để báo cáo anh đã phát hiện ra những gì. Thay vì, khi quay về, anh lại đến nhà Cecilia, gõ cửa. Anh cần hỏi chị sao đã nói dối anh về việc đã có ở trong phòng Harriet. Không ai ra cửa.
Vừa bỏ đi thì anh nghe thấy có tiếng nói:
- Con điếm của ông không ở nhà.
Một lão già hom hem, gớm ghiếc thò ra khỏi cái hang của lão. Lão ta từng có thời cao lớn gần hai mét, nhưng đã khòng đi vì tuổi tác. Và nay mắt lão chỉ ngang tầm với mắt Blomkvist. Mặt và cổ lão đầy những vết đồi mồi sẫm đen. Lão mặc bộ pyjama với một cái áo khoác nâu, chống gậy nên càng thêm quái dị.
- Ông vừa nói gì vậy?
- Tôi bảo con điếm của ông không ở nhà.
Blomkvist sấn lên, mũi anh gần như gí vào mũi ông già.
- Ông nói con gái của ông như thế ư, đồ con lợn bẩn thỉu!
- Tôi không phải người ban đêm lén lút đến đây. – Harald nói, cái miệng không răng nhe ra cười. Ở lão ta sặc mùi rồ dại. Blomkvist đi sạt qua Harald xuống đường không ngoái lại. Anh thấy Henrik Vanger ở trong văn phòng.
- Tôi vừa có hân hạnh được gặp anh trai ông. – Mikael nói.
- Harald? Tốt, tốt, thế hả, anh ấy đã liều đi ra ngoài. Mỗi năm anh ấy liều như thế một hai lần.
- Tôi đang gõ cửa nhà Cecilia thì có người ở đằng sau tôi nói: “Con điếm của ông không có nhà”.
- Nghe thì là Harald đấy. – Henrik bình thản nói.
- Lạy Chúa, ông ta gọi con gái mình là điếm.
- Gọi như thế nhiều năm rồi. Vì thế mà hai bố con không trò chuyện với nhau nhiều.
- Sao ông ấy lại gọi như thế?
- Cecilia mất trinh năm hai mươi mốt tuổi, ngay ở Hedestad đây sau một chuyện tình mùa hè, sau năm Harriet mất tích.
- Rồi?
- Người đàn ông mà nó yêu ấy tên là Peter Samuelsson. Anh ta là trợ lý tài chính ở Tập đoàn Vanger. Một chàng trai xuất sắc. Hiện nay anh ta làm cho ABB. Kiểu người mà tôi khá tự hào là bố vợ nếu như Cecilia là con gái tôi. Harald đại loại đã kiểm tra dòng họ Samuelsson rồi phát hiện ra Peter có một phần tư máu là Do Thái.
- Trời đất!
- Toàn gọi là con điếm miết từ đấy.
- Ông ấy có biết tôi và Cecilia có…
- Chắc ai ở trong làng cũng biết chuyện đó trừ có Isabella, vì chẳng ai đầu óc lành lặn lại đi kể một cái gì cho bà ấy và nhờ trời bà ấy cũng khá là tốt để toàn lên giường từ 8 giờ tối. Mặt khác nghe nói Harald đang theo dõi mỗi bước chân đi của anh.
Blomkvist thộn mặt ngồi xuống.
- Ông nói ai cũng biết…
- Dĩ nhiên rồi…
- Mà ông không quan tâm?
- Mikael thân mến, đấy thật sự không phải việc của tôi.
- Cecilia ở đâu?
- Năm học đã hết. Hôm thứ Bảy nó đi London để thăm người em sau đó thì nghỉ ở… hừm… hừm… tôi nghĩ là ở Florida. Sẽ trở về chừng một tháng nữa.
Blomkvist nom lại càng ngu ngơ.
- Chúng tôi đã bập vào nhau phần nào trong một thời gian.
- Tôi biết nhưng không phải là việc của tôi. Công việc của anh đến đâu rồi?
Blomkvist rót cho mình một tách cà phê.
- Tôi nghĩ đã tìm ra được vài cái mới.
Anh lấy iBook ở trong ba lô ra rồi lần lượt đưa xê ri ảnh cho thấy Harriet đã phản ứng như thế nào ở Jarnvagsgatan. Anh nói rõ đã tìm thấy các khán giả khác như thế nào cùng với máy ảnh, xe của họ và quảng cáo của cửa hàng Đồ mộc Norsjo.
Khi anh nói xong, Henrik bảo muốn xem lại tất cả một lần nữa. Khi ông ngửng đầu lên khỏi máy tính, mặt ông xám ngoét. Blomkvist chợt hoảng hốt đặt một tay lên vai ông. Vanger hất tay anh ra rồi ngồi im một lúc.
- Anh đã làm được cái điều mà tôi cho là không thể làm được. Anh đã xoay ra được một cái gì hoàn toàn mới. Anh sẽ làm gì tới đây?
- Tôi sẽ tìm cái ảnh này, nếu như nó vẫn còn.
Anh không nói tới bộ mặt trong khung cửa sổ.
Harald Vanger quay về cái hang của ông ta thì Blomkvist đi ra. Khi rẽ ở góc nhà, anh thấy một ai đó khá lạ ngồi đọc báo ở cổng căn nhà gỗ của anh. Trong một tích tắc anh ngỡ là Cecilia nhưng cô gái tóc sẫm màu ở cổng là con gái anh.
- Chào bố. – Pernilla Abrahamsson nói.
Anh ôm con gái hồi lâu.
- Ở đâu mà vọt tới thế này?
- Ở nhà chứ còn ở đâu nữa. Con đang đi đến Skelleftea. Con ở lại một đêm được không?
- Dĩ nhiên là được chứ, nhưng làm sao con đến đây được?
- Thì mẹ biết bố ở đâu mà. Và con hỏi quán cà phê họ có biết bố đang ở đâu không. Bà chủ quán bảo con cách đi chính xác đến đây. Gặp con bố có vui không?
- Chắc chắn vui chứ. Vào đi. Con nên báo trước để bố mua một cái gì đó ăn ngon hay một thứ gì đó.
- Con bốc đồng dừng lại. Con muốn chào mừng bố ra tù về nhà nhưng bố không gọi bao giờ.
- Bố xin lỗi.
- Thôi mà. Mẹ bảo con tại sao bố luôn cứ chìm đắm vào trong ý nghĩ của bố.
- Mẹ bảo con như thế?
- Đại loại thế. Nhưng không quan trọng. Con vẫn yêu bố.
- Bố cũng yêu con nhưng con biết…
- Con biết chứ. Con nay đã khá là người lớn rồi mà.
Anh pha trà và mang bánh ngọt ra.
Con gái anh nói đúng. Cô chắc chắn không còn là một cô gái bé nhỏ nữa rồi; cô gần tới mười bảy, thực tế đã là một thiếu nữ. Anh phải biết thôi đối xử với cô như một đứa bé.
- Thế nó ra sao?
- Cái gì ra sao?
- Nhà tù ấy.
Anh cười thành tiếng.
- Con có tin không nếu bố nói cứ y như đi nghỉ có trợ cấp vậy, suốt ngày đêm con muốn nghĩ hay viết là tùy con?
- Con tin. Con cho rằng không có gì khác nhau nhiều lắm giữa nhà tù và nhà tu kín, con người ta thường đến nhà tu kín để ngẫm.
- Tốt, con đã đến. Bố hy vọng chuyện đó, bố thành con chim trong lồng, với con không thành vấn đề.
- Không hề nhé. Con tự hào về bố, hễ có cơ hội khoe bố vào tù vì cái điều mà bố tin là con không có chịu để lỡ đâu.
- Tin?
- Con thấy cô Erika Berger trên tivi mà.
- Pernilla, bố không phải là vô tội. Bố ân hận đã nói với con những chuyện từng xảy ra nhưng bố không bị kết tội oan. Dựa trên những cái mà tòa nghe nói đến trong phiên xét xử để ra quyết định.
- Nhưng bố không bao giờ nói đến phía của bố trong câu chuyện.
- Đúng, vì quay ra thế nào bố lại không có bằng chứng cơ chứ.
- OK, vậy trả lời con câu này: Wennerstrom có xấu không?
- Ông ta là một trong những tên vô lại xấu xa nhất mà bố chưa từng bao giờ chuyện trò cùng.
- Đủ hay cho con rồi. Con có quà cho bố đây.
Pernilla lấy ở trong túi xách ra một gói. Blomkvist mở ra và thấy một đĩa CD: Những giai điệu hay nhất. Pernilla biết đó là một trong những băng nhạc ông bố mình ưa thích nhất ngày xưa. Blomkvist cho đĩa vào iBook và cả hai cùng nghe Những giấc mơ êm đềm.
- Con đến Skelleftea làm gì?
- Lớp học Kinh thánh ở một trại hè cùng với giáo đoàn có tên là Ánh sáng Cuộc sống. – Pernilla nói, tựa hồ đó là sự lựa chọn rõ ràng nhất ở trên thế gian.
Blomkvist thấy một luồng lửa lạnh buốt chạy dọc xuống sống lưng anh. Anh nhận thấy con gái anh và Harriet Vanger mới giống nhau làm sao. Pernilla mười sáu, đúng cái tuổi của Harriet khi cô biến mất. Cả hai đều có những ông bố vắng mặt. Cả hai đều bị lôi cuốn đến sự cuồng tín tôn giáo của các giáo đoàn kỳ lạ - Harriet tới Pentecostals còn Pernilla thì tới một cái mầm mới nhú của một cái gì đó đúng là lập dị chẳng khác gì Tiếng nói Cuộc sống.
Anh không biết anh nên kiểm soát sự thích thú mới về tôn giáo của con gái anh như thế nào. Anh sợ ngăn cản vào quyền tự định đoạt của con gái. Đồng thời Ánh sáng Cuộc sống cũng chắc chắn là cái loại giáo phái mà anh sẵn sàng quật ngã không chút do dự ở trên tờ Millennium. Hễ có cơ hội là anh bàn chuyện này với mẹ của Pernilla ngay.
Pernilla ngủ vẹo cổ và một mình ở trên giường còn anh thì quấn chăn nằm ở trên ghế dài trong bếp. Bị sái cổ và đau mình mẩy, anh tỉnh dậy. Pernilla khăng khăng đòi đi nên anh làm điểm tâm và đi với con gái ra ga. Hai bố con có ít thì giờ nên mua cà phê ở siêu thị mini rồi ngồi trên ghế dài ở cuối sân ga chuyện gẫu về mọi thứ ở đời. Cho đến khi Pernilla nói:
- Bố không thích việc con đến Skelleftea sao?
Anh không thích.
- Không nguy hiểm đâu mà. Nhưng bố không theo đạo Cơ đốc, đúng không?
- À, muốn gì thì bố cũng không phải là một người ngoan đạo.
- Bố không tin Chúa?
- Bố không tin Chúa nhưng bố trọng việc con tin Chúa. Ai cũng có một cái gì để mà tin vào cả.
Tàu đến, hai bố con ôm nhau lâu cho tới khi Pernilla lên tàu. Một chân trên bậc lên xuống, cô quay lại.
- Bố, con sẽ không đổi đạo. Bố tin hay không, chuyện ấy không quan trọng với con, con luôn yêu bố. Nhưng con nghĩ bố nên nghiên cứu tiếp Kinh thánh đi.
- Sao con nói thế?
- Con thấy các câu bố trích dẫn ở trên tường. – Cô nói. – Nhưng ủ ê với căng đầu óc lên làm gì thế chứ hả bố? Hôn bố nhiều. Gặp nhau sau.
Cô vẫy tay rồi đi khuất. Anh đứng trên sân ga, thẫn thờ, nhìn con tàu kéo đi. Nó chưa kịp biến vào sau khúc quành, thì ý nghĩa đã bị chìm nghỉm mất.
Mikael nhào ra khỏi nhà ga. Phải gần một tiếng nữa chuyến xe buýt cuối cùng mới lăn bánh. Anh quá sốt ruột để có thể chờ lâu như thế. Anh ra trạm xe buýt tìm Hussein người lái có cái giọng Norrland.
Mười phút sau anh ở trong phòng làm việc của mình. Anh tính toán cái mẩu giấy để ở trên bàn:
Magda – 32016
Sara – 32109
R.J. – 30112
R.L. – 32027
Mari – 32018
Anh nhìn quanh phòng. Rồi anh nhận ra là anh có thể tìm được một cuốn Kinh thánh ở đây. Anh mang tờ giấy kia đi tìm các chìa khóa mà anh để trong một cái bát trên thành cửa sổ rồi rảo chân đi sang căn nhà gỗ của Gottfried. Tay anh thật sự run run khi anh cầm quyển Kinh thánh xuống khỏi giá sách.
Harriet không viết số điện thoại. Các con số chỉ các chương và khổ thơ trong Leviticus, quyển ba trong Pentateuch 1.
(Magda) Leviticus, 20:16
“Nếu một người đàn bà lại gần và nằm với một con thú thì ngươi phải giết người đàn bà cùng con thú; chúng phải bị xử chết, chúng phải bị nhuốm máu chính chúng”.
(Sara) Leviticus, 21:9
“Nếu con gái của bất cứ thầy tế nào, tự làm ô uế nó bằng hành nghề đĩ thì cũng làm ô uế chính cả bố nó; đứa con gái sẽ bị lửa thiêu”.
(R.J.) Leviticus, 1:12
“Và nó sẽ bị tùng xẻo cùng với đầu và mỡ của chính nó rồi thầy tế sẽ đặt chúng lên trên củi của ngọn lửa trên bàn thờ”.
(R.L.) Leviticus, 20:27
“Một người đàn ông hay một người đàn bà làm đĩ hay phù thủy thì sẽ bị xử chết, chúng sẽ bị ném bằng đá, máu sẽ nhuốm người chúng”.
(Mari) Leviticus, 20:18
“Nếu một người đàn ông nằm với một người đàn bà đang đau ốm và phơi trần truồng người đàn bà ra, làm lộ cái giếng của người đàn bà và người đàn bà cũng để lộ ra máu tháng của mình thì cả hai sẽ bị đồng loại ruồng bỏ”.
Anh ra ngoài ngồi ở cổng mái. Mỗi khổ thơ ở trong cuốn Kinh thánh của Harriet đều được gạch dưới. Anh châm một điếu thuốc và nghe chim hót xung quanh.
Anh đã có các con số. Nhưng anh chưa có tên. Magda, Sara, Mari, R.J., R.L.
Trong khi đầu óc Blomkvist làm một cú nhảy đầy linh cảm thì một vực thẳm thình lình mở ra. Anh nhớ đến nạn nhân hỏa hoạn ở Hedestad mà sĩ quan điều tra Morell đã bảo với anh. Vụ của Rebecka xảy ra cuối những năm 40. Cô gái bị hiếp dâm và giết, đầu bị đặt lên trên đống than đá mốc meo. “Và nó sẽ bị tùng xẻo cùng với đầu và mỡ của chính nó rồi thầy tế sẽ đặt chúng lên trên củi của ngọn lửa trên bàn thờ”. Rebecka. R.J. Họ của cô ta là gì?
Nhân danh Chúa Harriet đã dính líu vào chuyện gì đây?
Vanger đổ bệnh. Ông nằm trên giường khi Blomkvist gõ cửa. Nhưng Anna cho anh vào, bảo anh có thể thăm ông già vài phút.
- Bị cảm mùa hè ấy mà. – Vanger giải thích, sụt sịt. – Anh muốn gì?
- Tôi muốn hỏi một câu.
- Thế hả?
- Ông có nghe nói đến một vụ giết người xảy ra ở Hedestad vào một lúc nào đó hồi những năm 40 không? Một cô gái tên là Rebecka – đầu cô ta bị đặt trên lửa.
- Rebecka Jacobsson, - Henrik nói ngay, không ngập ngừng. Cái tên này tôi không bao giờ quên, tuy trong nhiều năm, tôi không nghe nhắc đến.
- Nhưng ông có biết vụ án mạng này?
- Thì biết chứ. Khi chết Rebecka Jacobsson hai mươi ba hay hai mươi tư tuổi. Phải là vào quãng… Đó là năm 1949. Người ta la hét quát tháo ghê gớm lắm, tôi cũng góp một phần nho nhỏ ở trong đó.
- Ông có góp?
- Ô có. Rebecka là ở trong bộ phận thư ký của chúng tôi, một cô gái được lòng dân và rất hấp dẫn. Nhưng sao anh lại hỏi chuyện này?
- Henrik, tôi không chắc lắm, nhưng có thể có một cái gì đó. Tôi sẽ phải nghĩ đến nơi đến chốn chuyện này.
- Anh đoán là giữa Rebecka với Harriet có một quan hệ gì đó ư? Đã gần… mười bảy năm chia cách hai người ấy rồi còn gì.
- Để tôi nghĩ và mai nếu ông khỏe hơn tôi sẽ đến gặp.
Ngày hôm sau Blomkvist không gặp Henrik. Ngay trước 10 giờ sáng khi đang ngồi ở bàn bếp đọc cuốn Kinh thánh của Harriet thì anh nghe thấy tiếng xe hơi phóng nhanh qua cầu. Anh nhòm qua cửa sổ thấy ánh đèn xanh nhay nháy của xe cứu thương.
Như linh tính báo trước, anh chạy ra ngoài. Chiếc xe cứu thương đỗ ở bên nhà Henrik Vanger. Đèn tầng trệt đều bật hết. Anh lao tới bậc tam cấp của cổng mái và thấy Anna đang run lẩy bẩy ở gian sảnh.
- Tim ông ấy, - bà nói. – Trước đây một lát ông ấy đánh thức tôi dậy, kêu là bị đau ở ngực. Rồi quỵ xuống.
Blomkvist quàng tay ôm người quản gia, vừa lúc các thầy thuốc đi ra với Henrik Vanger bất tỉnh ở trên một cái cáng. Martin Vanger nom căng thẳng ra mặt, đi ở đằng sau. Anh đã đi nằm thì Anna gọi.
Chân anh không bít tất sục vào đôi dép lê và anh cũng không đóng cả khóa quần. Anh khẽ chào Blomkvist rồi quay sang Anna.
- Tôi đi với ông đến bệnh viện. Gọi Birger và xem bà có liên hệ được với Cecilia ở London sáng nay không, - anh nói. – Và báo cả Dirch.
- Tôi có thể đến nhà Dirch. – Blomkvist nói. Anna gật đầu cám ơn.
Phải mất vài phút thì Frode ngái ngủ mới trả lời tiếng chuông cửa Blomkvist bấm.
- Tin xấu đây, Dirch. Henrik phải đi bệnh viện rồi. Hình như bị một cơn đau tim. Martin muốn tôi báo cho ông.
- Lạy Chúa. – Frode nói. Ông liếc đồng hồ - Thứ Sáu ngày 13. – Ông nói.
Phải đến sáng hôm sau, sau khi chuyện vắn với Dirch Frode qua di động và yên tâm rằng Vanger vẫn sống, Blomkvist mới gọi Berger cho tin đối tác mới của Millennium đã bị đưa đến bệnh viện vì một cơn đau tim. Không tránh khỏi là Berger đã buồn rầu và lo lắng nhận cái tin này.
Sắp tối thì Frode đến gặp anh để cho biết tình hình cụ thể của Henrik Vanger.
- Ông ấy sống nhưng còn mệt nhiều. Ông ấy bị một cơn đau tim nghiêm trọng và lại bị cả viêm nhiễm gì đó.
- Ông có gặp ông ấy không?
- Không. Ông ấy đang trong chế độ hồi sức cấp cứu. Martin và Birger hiện ngồi với ông ấy.
- Có qua khỏi được không?
Frode huơ huơ bàn tay.
- Ông ấy sống qua cơn đau tim, đó là tin vui. Tình hình Henrik là tốt nhưng ông ấy đã già. Chúng ta cứ chờ xem.
Họ ngồi im lặng, chìm trong suy nghĩ. Blomkvist pha cà phê. Frode nom rất không vui.
- Tôi cần hỏi ông là bây giờ chuyện sẽ thế nào. – Blomkvist nói.
Frode ngước lên nhìn.
- Ông vẫn cứ được thuê mướn, không có gì thay đổi. Việc này đã được quy định trong hợp đồng có giá trị đến cuối năm nay, dù Henrik sống hay chết thì vẫn thế.
- Không, tôi không có ý ấy. Tôi nghĩ là khi ông ấy vắng mặt thì tôi báo cáo với ai.
Frode thở dài.
- Mikael, anh biết rõ cũng như tôi mà, tất cả câu chuyện về Harriet chỉ là trò giải trí trong lúc nhàn rỗi của Henrik.
- Đừng nói thế, Dirch.
- Thế anh định nói gì?
- Tôi tìm ra bằng chứng mới. – Blomkvist nói. – Hôm kia tôi đã nói một ít với Henrik, tôi rất sợ là việc ấy đã góp phần làm cho ông ấy lên cơn đau tim thôi.
Frode nhìn anh với cái vẻ lạ lùng.
- Anh nói đùa, anh chắc…
Blomkvist lắc đầu.
- Trong ít ngày qua, tôi đã tìm ra một vài chứng cớ có ý nghĩa về việc Harriet mất tích. Tôi lo là chúng ta chưa bàn tới việc tôi sẽ báo cáo với ai khi Henrik không còn ở đây.
- Anh báo cáo với tôi.
- OK. Tôi sẽ cứ theo như thế mà tiếp tục. Tôi có thể cho ông thấy qua tình hình bây giờ chứ?
Blomkvist cố hết sức nói cho cụ thể những gì anh đã tìm thấy và cho Frode xem xê ri ảnh ở Jarnvagsgatan. Rồi anh giải thích việc con gái anh đã giải mã bí mật những cái tên trong cuốn sách có ngày tháng như thế nào. Cuối cùng anh đề nghị, như anh đã đề nghị với Vanger ngày hôm trước, gắn vụ Harriet vào với vụ giết chết Rebecka Jacobsson năm 1949, R.J.
Điều duy nhất anh giữ cho riêng anh là khuôn mặt của Cecilia Vanger ở cửa sổ buồng Harriet. Anh cần nói chuyện với chị trước để báo chị biết rằng anh đặt chị vào một vị trí mà chị có thể bị nghi ngờ về một điều gì ở đó.
Lông mày Frode cau rúm lại suy nghĩ.
- Anh thật sự nghĩ vụ giết Rebecka là có liên quan gì đó với chuyện Harriet mất tích chứ?
- Xem có vẻ thì như là không, nhưng sự thật là Harriet đã viết hai chữ tắt R.J. trong sổ ngày tháng của cô ấy bên cạnh các quy chiếu đến luật của Kinh Cựu ước về việc hỏa thiêu để hiến tế. Rebecka Jacobsson bị thiêu chết. Có một mối liên hệ với nhà Vanger mà không thể tránh né được – đó là cô ta làm việc cho tập đoàn.
- Nhưng liên quan với Harriet ở cái gì mới được chứ?
- Tôi chưa biết. Nhưng tôi muốn tìm ra. Tôi sẽ nói ông mọi cái mà tôi đã nói với Henrik. Ông phải quyết định thay cho ông ấy.
- Có lẽ chúng ta phải báo cảnh sát.
- Không. Ít nhất phải được phép của Henrik đã. Vụ Rebecka đã hết thời hiệu rồi, điều tra của cảnh sát cũng đã đóng lại. Họ không đời nào đi mở lại một cuộc điều tra đã thôi từ năm mươi tư năm về trước.
- Đúng. Vậy anh định làm gì?
Blomkvist đi một vòng quanh bếp.
- Thứ nhất, tôi muốn lần theo manh mối bức ảnh này. Nếu tôi xem được cái mà Harriet đã trông thấy… thì nó có thể là cái chìa mở. Tôi cần một cái xe để đi Norsjo lần theo manh mối này, bất kể nó dẫn tôi đến đâu. Và tôi cũng muốn nghiên cứu từng khổ thơ trong Leviticus. Chúng ta có một móc xích với một vụ án mạng. Chúng ta có bốn khổ thơ, có thể là bốn đầu mối khác. Để làm việc này… tôi cần giúp đỡ.
- Anh cần giúp kiểu gì?
- Tôi thật sự cần một trợ lý nghiên cứu có lòng kiên nhẫn sục kỹ vào tất cả các hồ sơ báo chí cũ để tìm “Magda” và “Sara” và các tên khác. Nếu như tôi đúng khi nghĩ rằng Rebecka không phải là một nạn nhân.
- Anh định nói là anh muốn để một người nào đó tham gia…
- Có nhiều việc phải làm và cần nhanh. Nếu tôi là một sĩ quan cảnh sát liên quan đến một cuộc điều tra tích cực thì tôi sẽ chia thì giờ và tài lực ra và sẽ có người đào bới cho tôi. Tôi cần một người chuyên môn am hiểu công việc hồ sơ và có thể tin cậy được.
- Tôi hiểu… Tôi thật sự có biết một chuyên gia nghiên cứu. – Frode nói và chưa kịp ngừng lại ông đã tiếp luôn. – Cô ta là người đã điều tra về quá khứ của ông.
- Ai làm cái gì cơ? – Blomkvist nói.
- Tôi buột miệng thôi. – Frode nói. – Không có gì cả. – “Mình già mất rồi”, ông nghĩ.
- Ông nhờ ai điều tra về tôi?
- Không có gì quan trọng cả, Mikael. Chúng tôi muốn mướn anh thì chúng tôi cần kiểm tra xem anh là người thế nào thôi.
- Thảo nào mà Henrik biết là tìm được tôi chính xác ở đâu. Điều tra ấy kỹ đến mức nào?
- Khá là kỹ.
- Nó có nhòm vào các vấn đề của Millennium không?
Frode nhún vai.
- Nó có một ý nghĩa.
Blomkvist châm thuốc lá, điếu thứ năm của hôm nay.
- Một báo cáo viết ư?
- Mikael, không có gì để phải bận tâm về nó đâu mà.
- Tôi muốn đọc bản báo cáo. – Anh nói.
- Ô thôi, toàn là chuyện thường thường cả. Chúng tôi muốn kiểm tra về anh trước khi mướn.
- Tôi muốn đọc bản báo cáo. – Blomkvist nhắc lại.
- Tôi không thể cho phép việc đó.
- Thật ư? Vậy thì tôi sẽ nói với ông điều này: Hoặc trong một giờ tôi có báo cáo đó trong tay hoặc tôi bỏ tất. Tôi sẽ đi chuyến tàu tối trở về Stockholm. Bản báo cáo ấy đâu?
Hai người nhìn nhau một lúc. Rồi Frode thở dài quay đi.
- Ở văn phòng tôi, tại nhà.
Frode đã quan trọng hóa lên ghê gớm. Phải tới 6 giờ tối hôm ấy Blomkvist mới cầm được bản báo cáo của Lisbeth Salander. Nó dài gần tám chục trang, cộng vài chục ảnh, những bài báo và các ghi băng khác về các chi tiết của đời sống và nghề nghiệp của anh.
Đọc chính ngay đời mình dưới dạng vừa có phần là tự truyện vừa có phần là do thám tình báo là một trải nghiệm kỳ lạ. Càng đọc anh càng ngạc nhiên với bản báo cáo làm sao mà chi tiết được đến thế. Salander đã đào bới lên những việc anh ngỡ đã bị vùi sâu lâu rồi ở trong mùn trong cặn của thời gian. Cô đã bới lên quan hệ thời trẻ của anh với một phụ nữ từng là một người hoạt động công đoàn rực lửa và nay là một chính trị gia. Cô ta đã nói chuyện với ai đây? Cô ta đã tìm ra băng nhạc rock Bootstrap của anh, điều mà chắc chắn nay chả còn ai nhớ nữa. Cô đã soi vào tài khoản của anh chi li cho đến đồng xu cuối cùng. Cái quỷ gì mà cô ta lại làm được như thế chứ?
Là nhà báo, Blomkvist đã từng bỏ nhiều năm ra săn thông tin về những người khác và anh có thể đánh giá được chất lượng của việc săn lùng này thuần túy chỉ ở trên lập trường nghiệp vụ. Rõ ràng cái cô Salander này là một dân điều tra siêu thủ đây. Nếu phải tìm hiểu về một người hoàn toàn xa lạ thì chính anh cũng khó có thể làm được bản báo cáo chi tiết đến vậy. Bản báo cáo cũng làm cho anh sáng ra là chả có lý do gì khiến cho anh và Berger cứ phải giữ kẽ trước mặt Henrik Vanger; ông đã biết tới quan hệ của hai người. Bản báo cáo còn đi tới chỗ đánh giá chính xác đến mức phiền toái hoàn cảnh tài chính của Millennium; lần đầu tiếp xúc với Berger, Henrik đã biết tỏng tình trạng của tờ tạp chí lung lay ra sao. Ông ta đang chơi trò gì đây?
Vụ Wennerstrom đã được tóm tắt lại nhưng rõ ràng bất cứ ai viết báo cáo này đều phải là một người dự phiên tòa. Bản báo cáo thắc mắc việc Blomkvist từ chối bình luận trong phiên tòa. Người đàn bà này thông minh đây.
Ngay giây phút sau đó, Blomkvist đã bổ chửng ra, không tin nổi con mắt mình. Salander đã viết một đoạn ngắn đưa ra những đánh giá của cô về điều sẽ xảy ra sau phiên tòa. Cô đã cho nhắc lại từng lời một bản thông cáo báo chí nói rằng anh và Berger đã đầu hàng sau khi anh từ chức chủ bút của Millennium.
Nhưng cô ta đã dùng chữ nghĩa độc đáo của mình. Anh lại liếc vào bìa bản báo cáo. Nó được thảo ra ba hôm trước ngày tòa nghị án Blomkvist. Thật là không thể nào có được. Lúc ấy thông cáo báo chí chỉ tồn tại có ở một nơi trên toàn thế giới. Là ở trong máy tính của Blomkvist. Ở trong iBook của anh, và không ở trong máy tính của văn phòng. Bản báo cáo không bao giờ được in ra. Bản sao Berger cũng không có, tuy hai người đã nói đến vấn đề này.
Blomkvist đặt bản báo cáo của Salander xuống. Anh mặc jacket vào và đi ra ngoài vào trong đêm, trước lễ Giữa Mùa hè một tuần, đêm rất sáng. Anh đi dọc bờ của eo biển, qua cơ ngơi của Cecilia Vanger và chiếc thuyền máy lộng lẫy ở bên dưới biệt thự của Martin Vanger. Anh bước thong thả, vừa đi vừa ngẫm nghĩ. Cuối cùng anh ngồi lên một tảng đá nhìn ánh sáng nhấp nháy của phao chỉ đường trong vịnh Hedestad. Chỉ có duy nhất một kết luận mà thôi.
- Cô đã vào máy tính của tôi, cô Salander. – Anh nói to lên. – Cô là một hacker chết rấp.
--- ------ ------ ------ -------
1 Pentateuch là năm quyển trong Kinh Cựu ước
18
Thứ Tư, 18 tháng Sáu
Salander giật mình tỉnh dậy sau một giấc ngủ không mộng mị. Không phải quay đầu cô cũng biết Mimmi đã đi làm nhưng mùi của cô ta vẫn lẩn quất trong không khí ngột ngạt của phòng ngủ. Đêm qua Salander đã uống quá nhiều bia với nhóm. Những Ngón tay Tội lỗi ở Mill, Mimmi đã hiện ra không lâu trước giờ đóng cửa rồi cùng với cô về nhà và lên giường.
Không giống Mimmi, Salander không bao giờ nghĩ mình là một đồng tính nữ. Cô không bao giờ loay hoay nghĩ xem mình là bình thường, đồng tính nữ hay là cả nữ lẫn nam. Cô không thèm bận tâm đến những cách gọi ấy, hàng đêm cô ngủ với ai là việc của cô. Nếu phải chọn thì cô thích bọn con trai hơn – và xét theo thống kê thì bọn chúng là vai chính. Vấn đề duy nhất là tìm ra một đứa không phải là một thằng cả ngố và tốt được cả ở trên giường. Mimmi là một thỏa hiệp ngon lành. Hai người gặp nhau ở một lều vải bán bia trong Liên hoan Tự hào năm ngoái. Và Mimmi là người duy nhất mà Sanlander giới thiệu vào Những Ngón tay Tội lỗi. Nhưng nó vẫn chỉ là một chuyện phất phơ với cả hai. Nằm sát vào thân người ấm, mềm mại của Mimmi thì thích nhưng Sanlander không thiết thức dậy cùng với Mimmi rồi ăn điểm tâm với nhau.
Đồng hồ cho biết là 9 rưỡi và cô đang nghĩ xem cái gì đã đánh thức cô thì chuông cửa réo. Cô ngạc nhiên ngồi lên. Không ai bấm chuông vào nhà cô giờ này xưa nay. Rất ít người bấm chuông nhà cô thật. Cô quấn một mảnh vải quanh người rồi uể oải đi ra gian sảnh để mở cửa. Cô va ngay phải mắt Mikael Blomkvist, cảm thấy sự hoảng hốt chạy qua người, cô lùi lại một bước.
-Chào cô Salander. – Anh chào cô nồng nhiệt. – Đêm ngủ muộn, tôi thấy mà, tôi có vào được không?
Không đợi cô trả lời, anh đi ngay vào, đóng cửa lại. Anh tò mò nhìn chồng quần áo ở trên sàn gian sảnh và một bức tường thành những ba lô nhồi đầy báo; rồi anh nhòm qua cửa phòng ngủ trong khi thế giới của Salander bắt đầu quay tít vào một phương hướng sai. Sao đây? Cái gì? Ai? Blomkvist thú vị nhìn vẻ hoang mang của cô.
-Tôi cho là cô chưa ăn điểm tâm cho nên đã mang đến vài ổ bánh mì có nhân đây. Tôi có một cái với thịt bò quay, một với gà tây và mù tạc Dijon Pháp, một cái chay với quả bơ, không biết cô thích thứ gì, - Anh đi vào bếp và bắt đầu cọ rửa máy pha cà phê. – Cà phê cô để ở đâu? – Anh hỏi.
Sadander đứng như trời trồng ở gian sảnh cho đến khi nghe thấy tiếng nước chảy. Cô nhảy vội ba bước vào.
-Ngừng! Ngừng ngay! – Cô nhận thấy mình quát lên nên hạ giọng xuống. – Cái quỉ gì thế này, anh không được đâm bổ vào đây như là chủ của chỗ này vậy. Anh và tôi chưa hề biết nhau cơ mà.
Blomkvist dừng tay, cầm một cái bình to quay lại nhìn cô.
-Sai! Cô biết tôi gần như hơn bất kể một ai khác đấy. Có phải thế không? – Anh quay lưng lại cô, đổ nước vào máy pha cà phê. Rồi anh mở tủ li tìm cà phê. – Nói lại chuyện kia, tôi biết cô làm như thế nào. Tôi biết các bí mật của cô mà.
Salander nhắm mắt lại, mong sàn nhà sẽ thôi sụt xuống ở dưới chân mình. Cô rơi vào trạng thái mụ mị. Cô như bị treo lơ lửng. Tình thế này là không thật mà đầu óc cô thì nó đực ra. Chưa bao giờ cô gặp một trong những đối tượng điều tra của cô mà lại đối mặt như thế này. Hắn biết mình ở đâu! Hắn đang đứng ở trong bếp của cô. Không thể có được. Thật là xúc phạm. Hắn lại biết mình là ai nữa chứ! Cảm thấy mảnh vải tụt xuống, cô bèn quấn chặt nó lại vào người. Anh nói cái gì đó nhưng cô thoạt đầu không hiểu.
-Chúng ta phải nói chuyện. – Anh lại nói. – Nhưng tôi thấy trước hết cô nên đi tắm đi đã.
Cô cố nói cho mạch lạc.
-Anh nghe tôi nói này – nếu anh định gây lôi thôi rắc rối thì tôi không phải là người để mà nói chuyện đâu. Tôi đúng là đang có việc làm. Anh có thể nói chuyện với ông chủ của tôi.
Anh giơ hai tay lên. Một tín hiệu có tính toàn cầu về hòa bình hay là tôi không có vũ khí.
-Tôi đã nói chuyện với Armansky. Nhân đây, ông ấy muốn cô gọi cho ông ấy – đêm qua ông ấy gọi và cô không trả lời.
Không cảm thấy bị đe dọa nhưng cô vẫn lùi lại một bước khi anh đến cầm tay cô đưa tới cửa buồng tắm. Cô ghét ai sờ vào người mà không được phép của cô.
-Tôi không muốn làm lôi thôi rắc rối, - anh nói, - Nhưng tôi rất sốt ruột muốn nói chuyện với cô. Sau khi cô đã dậy, là nói như thế. Cô mặc quần áo xong thì cà phê cũng xong. Trước hết hãy tắm đi. Nào, phới lẹ!
Cô bị động nghe theo. Lisbeth Salander không bao giờ bị động, cô nghĩ.
Cô tựa vào cửa buồng tắm cố sắp xếp lại ý nghĩ. Cô run chứ không như cô tưởng là mình có thể kiềm chế. Dần dần cô nhận ra tắm không chỉ là một lời khuyên hay mà còn là một tất yếu cho mọi trò quấy rối đêm qua. Tắm xong cô lẻn vào buồng ngủ, mặc quần jean và cái áo phông có chạy dòng chữ ARMADEDDON WAS YESTERDAY, TODAY WE HAVE A SERIOUS PROBLEM. 1
Nghỉ chừng một tích tắc, cố tìm trong túi áo jacket da vắt trên ghế, cô lấy khẩu súng bắn điện ra kiểm tra xem nó có nạp điện không nhét vào túi sau quần jean. Mùi cà phê lan đi khắp căn hộ. Cô hít một hơi dài rồi trở vào trong bếp.
-Cô không dọn dẹp bao giờ ư?
Anh đã để các đĩa bẩn và gạt tàn thuốc lá vào đầy chậu rửa, anh đã cho những hộp sữa cũ vào một túi rác và lau sạch bàn bằng báo chí của năm tuần rồi bày ra mấy cái bình và bánh mì – thế ra anh ta nói thật kìa. Ok, để xem rồi dẫn đến đâu. Cô ngồi xuống trước mặt anh.
-Cô chưa trả lời tôi. Bò quay, gà tây hay chay?
-Bò quay.
-Vậy thì tôi ăn gà tây.
Họ ăn lặng lẽ, quan sát lẫn nhau. Ăn xong suất mình, cô làm luôn một nửa suất chay. Cô nhặt lên một bao thuốc lá nhàu nát ở trên bậu cửa sổ moi ra một điếu. Anh phá bầu không khí im lặng trước.
-Tôi có thể không giỏi điều tra bằng cô nhưng ít nhất tôi cũng tìm thấy cô không phải là dân ăn chay hay chê ăn như ông Frode tưởng. Tôi sẽ nạp thông tin này vào bản báo cáo của tôi.
Salander trừng trừng nhìn anh nhưng nom anh quá vui nên cô cũng mỉm cười một cái cho phải lệ. Tình hình thật sự là khó hiểu và khó đối phó. Cô nhấp cà phê. Anh ta có con mắt hiền. Cô cả quyết rằng anh ta có thể là bất cứ cái gì nhưng không phải là người hiểm độc. Và trong điều tra về anh ta cũng không có cái gì cho thấy anh ta là một tên vô lại xấu xa lạm dụng các bạn gái hay bất cứ điều gì tương tự. Cô nhớ ra mình là kẻ đã biết mọi sự. Hiểu biết là quyền lực.
-Anh cười cái gì?
-Tôi xin lỗi. Thật ra tôi không có ý ra mắt theo kiểu này. Tôi không muốn làm cho cô sợ. Nhưng cô nên nhìn mặt cô lúc mở cửa. Không ra thế nào cả.
Im lặng. Salander ngạc nhiên thấy cô có thể chấp nhận được việc anh đường đột không mời mà đến – ít nhất thì cũng không thấy nó là khó chịu.
-Chắc cô nghĩ tôi đến trả thù việc cô đã thọc vào đời sống riêng của tôi – Anh nói. – Cô có sợ không?
-Không chút nào.
-Tốt. Tôi đến đây không phải để gây lôi thôi cho cô.
-Cho là anh cố làm cho tôi bị tổn hại đi nữa thì chắc là tôi cũng sẽ phải làm cho anh bị tổn hại một cái gì đó tương tự.
Blomkvist quan sát kỹ cô gái. Cô chỉ cao thước rưỡi hay nhỉnh hơn chút ít và nom vẻ chả có mấy nả để chống cự nếu anh là một kẻ tấn công đã xộc được vào nhà cô. Nhưng không để lộ một vẻ gì, mắt cô trông bình thản.
-Được, việc đó là không cần thiết. – Cuối cùng anh nói. – Tôi chỉ cần nói chuyện với cô. Nếu cô muốn tôi đi thì cô cứ việc nói. Như thế thì ngộ đấy nhưng…, à không có gì cả…
-Cái gì?
-Cái này nghe điên đây nhưng bốn hôm trước tôi thậm chí chả biết là có cả cô nữa kia. Rồi tôi đọc bản báo cáo cô phân tích về tôi. – Anh tìm trong chiếc ba lô và lấy bản báo cáo ra. – Cái này không phải là thứ đọc thú vị.
Anh nhìn ra ngoài cửa sổ bếp một lúc.
-Tôi hút thuốc lá được chứ?
Cô hẩy bao thuốc trượt trên mặt bàn.
-Cô nói rằng chúng ta không biết nhau nhưng tôi nói là có đấy, chúng ta có biết nhau. – Anh chỉ vào bản báo cáo. – Tôi không đọ được với cô. Tôi chỉ kiểm tra theo nếp quen làm gấp gáp để cho cô ngày tháng năm sinh và địa chỉ của một ai đó, các thứ đại khái thế. Nhưng chắc cô biết nhiều về tôi. Phần lớn những điều ấy là riêng tư, khỉ thế, những điều chỉ có bạn tôi biết. Thế rồi bây giờ tôi ở đây, ngồi ở trong bếp của cô ăn bánh mì với cô. Chúng ta mới biết nhau có nửa giờ nhưng tôi có cảm giác chúng ta đã là bạn bè nhiều năm rồi. Cái đó có nghĩa gì với cô không?
Cô lắc.
-Mắt cô đẹp. – Anh nói.
-Mắt anh cũng hay. – Cô nói.
Im lặng hồi lâu.
-Tại sao anh đến đây? – Cô nói.
Kalte Blomkvist – cô nhớ lại biệt hiệu này và kìm không nói to nó ra – thình lình nom vẻ nghiêm chỉnh. Cũng có vẻ mệt. Vẻ tự tin anh cho thấy lúc mới đến đã không còn. Trò hề đã hết, hay ít nhất đã được cất đi. Cô cảm thấy mình đang bị anh quan sát kỹ lưỡng.
Salander cảm thấy điệu bộ mình chỉ là xốc nổi bề ngoài, mình hoàn toàn không tự kiểm soát được thần kinh gân cốt. Cuộc đến thăm hoàn toàn không chờ đợi này đã làm cô lay động theo một kiểu mà cô chưa từng bao giờ trải qua, xét về mặt công việc. Cơm áo của cô là nhờ do thám mọi người. Trong thực tế cô chưa từng coi điều cô làm cho Armansky là một công việc đích thực, cô nhiều phần coi nó là một trò tiêu khiển phức tạp, một thú vui cá nhân như đã bị nghiền.
Sự thật là cô thích đào bới vào cuộc đời người khác, khám phá các bí mật mà họ đang cố che giấu. Như cô có thể nhớ thì cô làm chuyện đó hoặc với cách này hoặc với cách kia mà thôi. Và hiện bây giờ cô cũng đang làm chuyện đó, không phải cô chỉ làm khi nào Armansky trao cho cô mà đôi khi cô còn làm vì cái sự hay hay thuần túy của nó nữa. Nó kích động cô. Nó giống như một trò chơi game máy tính phức tạp, trừ một điều là nó dính đến cuộc đời thực sự của con người ta. Và nay một trong những thú vui riêng của cô lại đang ngồi ngay chính tại nhà cô đây, trong gian bếp này, cho cô ăn bánh nhân thịt bò quay. Thật là phi lý hết nói.
-Tôi có một vấn đề hấp dẫn, - Blomkvist nói. – Cô hãy cho tôi biết điều này, là khi cô điều tra nghiên cứu về tôi cho ông Frode, cô có biết người ta sẽ dùng nó vào chuyện gì không.
-Không.
-Mục đích tìm ra tất cả thông tin về tôi là vì lẽ Frode, hay đúng hơn vì chủ của ông ấy, muốn cho tôi làm một công việc tự do.
-Tôi thấy.
Anh mỉm một nụ cười héo hon với cô.
-Một hôm nào đó tôi với cô nên thảo luận về đạo đức học của việc rình mò vào cuộc đời của thiên hạ. Nhưng ngay bây giờ tôi có một vấn đề khác. Cái việc người ta trao cho tôi, mà không hiểu sao tôi đã nhận làm, rõ ràng là một việc lạ lùng nhất tôi từng gánh vác. Trước khi nói thêm nữa, tôi cần tin được cô, Lisbeth.
-Ý anh là gì?
-Armansky bảo tôi rằng cô trăm phần trăm đáng tin cậy. Nhưng tôi vẫn muốn hỏi cô. Tôi có thể kể với cô những chuyện bí mật mà không bị cô đem kể ra với bất cứ ai khác, bằng bất cứ một kiểu gì, được không?
-Khoan đã. Anh đã nói chuyện với Dragan? Có phải ông ta là người bảo anh đến đây không? “Ta sẽ giết ngươi, cái tên Armenia ngu ngốc chết giẫm này”.
-Không đúng. Không phải chỉ cô duy nhất mới tìm được địa chỉ của người khác, tôi đã tự làm lấy việc đó. Tôi tìm cô ở trong sổ danh bạ quốc gia. Trong đó có ba Lisbeth Salander nhưng hai người không khớp lắm. Nhưng hôm qua tôi có nói chuyện với Armansky. Ông cũng nghĩ tôi sẽ gây lôi thôi cho cô vì đã đi chọc ngoáy vào đời sống riêng tư của tôi. Cuối cùng tôi đã thuyết phục được ông rằng tôi có mục đích hợp lệ.
-Là gì?
-Như tôi đã nói đấy, ông chủ của Frode mướn tôi làm một việc. Tôi đã đến bước cần có một điều tra viên giỏi. Frode nói với tôi về cô, bảo cô là người khá tốt. Ông ấy không có ý nói tung tích cô, chỉ là buột ra tự nhiên thôi. Tôi nói rõ với Armansky là tôi cần gì. Ông ta chấp nhận tất cả và cố gọi cho cô. Giờ thì tôi đây, ở nhà cô. Gọi ông ấy đi nếu cô muốn.
Sờ lần mất một lúc trong đống quần áo, Salander mới tìm thấy chiếc di động mà Mimmi đã lấy ra nghịch.
Blomkvist vừa thú vị nhìn cô lóng ngóng tìm vừa quan sát căn hộ. Tất cả đồ đạc nội thất của cô hình như đều là lạc đường quên lối mà đến đây. Cô có một máy tính PowerBook cực hiện đại đặt ở trên một cái được cho là bàn làm việc ở trong phòng khách. Một máy quay đĩa trên giá sách. Sưu tập các đĩa CD của cô là một tổng số đáng thương hại gồm các CD chia làm mười nhóm anh chưa nghe bao giờ, các nhạc công trên bìa đĩa nom như những ma cà rồng đến từ ngoài không gian. Nhạc chắc không phải là thích thú lớn của cô.
Salander nhìn thấy Armansky đã gọi cô bảy lần đêm qua và hai lần sáng nay. Cô bấm vào số điện thoại của ông trong khi Blomkvist tựa khung cửa nghe câu chuyện.
-Tôi đây… xin lỗi… vâng… nó bị tắt… Tôi biết, anh ấy định mướn tôi… không, anh ấy đang đứng ở giữa phòng khách mẹ kiếp của tôi, vì Chúa… - Cô cao giọng lên. – Dragan, tôi đang lơ mơ vi vu mà đầu thì đau cho nên xin nào, không đùa, việc này ông có OK hay không đấy? Cám ơn.
Salander nhìn qua cửa vào phòng khách, Blomkvist đang ở đó rút các đĩa CD ra và lấy sách ra khỏi giá. Anh vừa tìm thấy một lọ thuốc màu nâu đã mất nhãn và đưa lên ánh sáng xem. Anh đã sắp vặn nút lọ nên cô nhào ra giật nó về. Cô quay lại bếp ngồi lên một chiếc ghế xoa xoa trán cho đến khi anh vào.
-Quy định thì đơn giản thôi, - cô nói. – Bất cứ cái gì anh đã bàn với tôi hay với Armansky thì không được tiết lộ với bất cứ ai. Sẽ có một hợp đồng khẳng định rằng An ninh Milton cam kết giữ kín chuyện riêng tư. Tôi muốn biết trước đó là việc gì để xem tôi có muốn làm cho anh hay không. Như thế cũng có nghĩa là tôi bằng lòng giữ những điều anh nói với tôi cho riêng tôi còn tôi có nhận việc đó hay không thì còn phải xem liệu anh đang có một hành động phạm pháp nghiêm trọng gì đó nữa hay không. Trong trường hợp này tôi sẽ báo cáo với Dragan và đến lượt ông ấy sẽ báo cáo với cảnh sát.
-Tốt. – Anh do dự. – Aramansky có thể không biết hết cái việc mà tôi muốn mướn cô vì…
-Một nghiên cứu lịch sử nào đó, ông ấy nói thế.
-À, vâng, thế thì ổn thôi. Tôi muốn cô tìm ra cho tôi một kẻ giết người.
Blomkvist phải mất cả một giờ để nói rõ mọi chi tiết chằng chịt trong vụ Harriet Vanger. Anh không bỏ sót một chi tiết nào. Anh đã được Frode cho phép mướn Salander và như thế có thể là anh phải tin cậy được cô hoàn toàn.
Anh nói với cô mọi sự về Cecilia Vanger, cả việc thấy mặt chị ở cửa sổ buồng Harriet. Anh cố hết sức tả rõ tính cách của chị cho cô. Chị đã nhích cao ở trên bảng nghi can mà anh dựng ra. Nhưng anh vẫn lâu mới tin được rằng chị lại có thể cộng tác bằng một cách nào đó với một tên sát nhân đang hoành hành khi chị mới là một cô gái hai mươi tuổi.
Anh cho Salander bản sao danh sách ở trong quyển sổ ngày tháng: “Magda – 32016; Sara – 32109; R.J – 30112; R.L – 32027; Mari – 32018” và anh cho cô bản sao mấy khổ thơ trong Leviticus.
-Anh muốn tôi làm gì?
-Tôi đã nhận dạng được R.J là Rebecka Jacabsson. – Anh cho cô hay năm con số là chỉ cái gì. – Nếu tôi đúng thì chúng ta sẽ tìm ra bốn nạn nhân khác nữa. – Magda, Sara, Mari và R.L.
-Anh nghĩ là bị giết cả?
-Điều tôi nghĩ là chúng ta đang tìm một ai đó – nếu các con số khác và các chữ viết tắt đầu tên học kia cũng là cách viết tắt về bốn vụ giết khác của một tên sát nhân đang hoạt động trong những năm 50 và có thể cả ở những năm 60 nữa. Và là người mà bằng một cách nào đó có liên hệ với Harriet Vanger. Tôi đã quay lại các số báo Hedestad Courier. Vụ án mạng Rebecka là cái tội ác duy nhất kỳ cục mà tôi thấy có liên quan với Hedestad. Tôi muốn cô tiếp tục đào bới, khắp Thụy Điển nếu cần, cho đến khi cô hiểu được các tên họ và các khổ thơ kia.
Salander bình thản suy nghĩ trong im lặng một lúc lâu khiến cho Blomkvist đã sốt ruột. Anh nghĩ hay là đã chọn lầm nơi nhờ vả thì cuối cùng cô ngửng đầu lên.
-Tôi nhận việc này. Nhưng trước hết anh phải ký một hợp đồng với Armansky.
Armansky in bản hợp đồng ra để Blomkvist mang về Hedestad cho Frode ký. Khi trở lại phòng làm việc của Salander ông thấy hai người đang chúi xuống chiếc PowerBook của Salander. Tay Blomkvist đặt trên vai Salander – anh ta đang chạm vào cô ta – và chỉ trỏ. Armansky dừng lại ở hành lang. Blomkvist nói cái gì đó có vẻ làm cho Salander ngạc nhiên. Rồi cô cười phá lên.
Armansky chưa từng nghe cô cười to như thế trước đây và trong nhiều năm ông đã cố tranh thủ lòng tin của cô. Blomkvist gặp cô mới có năm phút và thực tế là cô đã rúc rích với anh ta. Lúc ấy ông thấy ghét Blomkvist đến độ ông phải ngạc nhiên với cả chính mình. Ông đằng hắng khi đứng ở lối ra vào cửa rồi đặt hồ sơ có bản hợp đồng xuống.
Buổi chiều Blomkvist ghé thăm nhanh Millennium. Đây là lần anh quay về lại đầu tiên. Chạy trên các bậc thang quen thuộc lên gác anh có một cảm giác kỳ lạ. Họ không thay mã số ở các cửa buồng và anh có thể lẻn vào đứng nhìn xung quanh một lúc mà không ai hay.
Các buồng của Millennium bố trí theo hình chữ L. Chỗ vào là một gian sảnh chiếm mất nhiều không gian có thể dùng vào được nhiều việc. Ở đây có hai ghế sofa nên có thể làm chỗ tiếp khách. Trong nữa là một bếp con cho các bữa trưa nho nhỏ rồi phòng mắc áo kiêm nhà vệ sinh và hai buồng kho với những giá sách và các tủ hồ sơ. Cũng có một bàn làm việc cho người thực tập. Bên phải lối vào là bức tường kính của phòng ảnh của Malm, nơi choán mất trăm rưỡi mét vuông với lối ra vào riêng ở đầu cầu thang. Ở bên trái là buồng biên tập khoảng một trăm mét vuông với các cửa sổ mở ra Gotgatan.
Berger đã thiết kế mọi cái, tạo nên các vùng phân cách bằng kính để có những khu vực riêng biệt cho ba bốn nhân viên và một mặt bằng không che chắn cho những nhân viên khác. Cô lấy cho mình cái phòng lớn nhất ở tận cuối nhà và cho Blomkvist cái buồng cũ của anh ở đầu cùng đối lại. Đó là buồng duy nhất anh có thể nhìn thấy ngay khi bước vào tòa soạn. Hình như không có ai dọn đến đó.
Buồng thứ ba hơi ở tách ra khỏi các buồng khác và nó là của Sonny Magnusson, người từ bao nhiêu lâu nay vốn là người rao bán quảng cáo có kết quả nhất của Millennium. Berger đã tự tay kén anh; cô cho anh một đồng lương khiêm tốn và một khoản hoa hồng. Qua năm ngoái, không thấy có sự khác biệt nào về việc anh, với tư cách là một người bán dạo, đã năng nổ đến đâu, thu nhập quảng cáo của họ đã bị thất bát lớn, thu nhập Magnusson cũng theo cùng. Nhưng thay vì nhòm đến nơi khác, anh đã thắt lưng buộc bụng và trung thành trụ lại. Không như mình, kẻ đã gây nên trận lở đất, Blomkvist nghĩ.
Anh lấy dũng khí đi vào tòa soạn. Nó gần như vắng teo. Anh có thể trông thấy Berger ngồi ở bàn làm việc, điện thoại áp vào tai. Monika Nilsson ở bàn làm việc, một phóng viên như con dao pha nhiều kinh nghiệm chuyên đảm đương các vấn đề chính trị; chị có lẽ là người hoài nghi chán đời bậc nhất mà anh từng gặp. Chị đã ở Millennium chín năm và đang gắng phấn đấu. Henry Cortez là nhân viên trẻ nhất trong ban biên tập. Hai năm trước anh đi thẳng từ JMK đến thực tập ở tạp chí, nói anh thích làm ở đây chứ không ở đâu cả, Berger không có ngân sách để mướn anh nhưng Berger cho anh một bàn giấy ở một góc rồi mau chóng nhận anh làm một người chuyên sinh sự và không lâu thì là một phóng viên.
Cả hai bên đều kêu lên vui sướng. Má Blomkvist nhận những cái hôn, còn lưng anh thì bị vỗ dồn dập. Mọi người hỏi ngay anh là về làm việc hẳn lại rồi phải không. Không, anh chỉ dừng lại để chào nhau một tiếng và nói với sếp một lời.
Berger vui được gặp anh. Cô hỏi về bệnh tình Vanger. Blomkvist không biết gì ngoài những cái Frode bảo với anh: bệnh tình của ông nghiêm trọng gần như là khó qua khỏi.
-Vậy anh làm gì ở thành phố?
Blomkvist lúng túng. Anh đã ở An ninh Milton, cách đây chỉ có vài khu phố và anh quyết định vào đó thuần túy chỉ là vì cao hứng nhất thời. Hình như giải thích việc anh ở đấy để thuê một trợ thủ điều tra, cái người vốn là một tư vấn an ninh từng đột nhập máy tính của anh, là một điều quá ư phức tạp. Nên thay vì anh nhún vai nói anh về Stockholm vì có việc liên quan đến Vanger và anh sẽ ngược lên bắc ngay bây giờ. Anh hỏi công việc ở tạp chí ra sao.
-Ngoài tin vui về quảng cáo và thêm khách hàng đặt mua báo ra thì ở đằng chân trời có một đám mây.
-Là gì?
-Janne Dahlam.
-Tất nhiên thôi.
-Tháng Tư em có nói chuyện với anh ta, sau đó bọn này ra một thông cáo báo chí nói Vanger là đối tác. Em không biết liệu có phải vì tính khí tay Janne Dahlam này tiêu cực hay là có một chuyện gì đó nghiêm trọng hơn đang diễn ra hay không, liệu tay này có đang chơi một trò gì đó không.
-Xảy ra chuyện gì?
-Không là chuyện mà em phải nhúng tay vào, đúng ra là em không tin anh ta nữa. Sau khi chúng ta ký bản thỏa thuận với Henrik Vanger, Christer và em đã phải quyết định hoặc thông báo cho tất cả tòa soạn biết rằng chúng ta không còn bị nguy cơ chìm nghỉm trong mùa thu này hoặc…
-Hoặc chỉ nói với một số ít người được chọn.
-Đúng. Có thể là em bị tâm thần phân lập nhưng em không muốn có nguy cơ bị Dahlam cho rỉ chuyện này ra. Cho nên bọn em quyết định thông báo cho toàn tòa soạn vào đúng hôm công bố bản thỏa thuận. Nghĩa là bọn em đã giữ bí mật trong hơn một tháng.
-Và rồi?
-Đây là mẩu tin hay họ có đầu tiên trong một năm nay. Ai cũng hoan hô trừ Dahlam. Em cần nói – ban biên tập của chúng ta không phải là cái ban lớn nhất thế giới. Chỉ có ba người hoan hô cộng cậu thực tập và một người bực bội vì chúng em thông báo muộn với mọi người.
-Anh ta có ý kiến…
-Em biết. Nhưng vấn đề là anh ta cứ chê miết chuyện ấy mà tinh thần trong tòa soạn thì bị ảnh hưởng. Sau hai tuần chết tiệt ấy, em gọi anh ta đến phòng Tổng biên tập bảo thẳng vào mặt anh ta rằng sỡ dĩ em thông báo với tòa soạn muộn vì em không tin anh ta giữ nổi được bí mật cái tin này.
-Anh ta nghe rồi sao?
-Ngỡ ngàng ghê gớm, dĩ nhiên chứ. Em kiên quyết và cho anh ta một tối hậu thư – hoặc là anh ta chịu phép hoặc anh ta tìm việc khác.
-Rồi?
-Rồi chịu phép em. Nhưng vẫn cứ ta đây lên mặt nên đã có sự căng thẳng giữa anh ta và mọi người. Christer không chịu được anh ta và nói toẹt ra chả giấu gì.
-Em nghi Dahlam đã làm gì?
-Em không biết. Ta mướn anh ta một năm trước đây, lúc chúng ta bắt đầu nói đến chuyện lôi thôi với Wennerstorm. Em không chứng minh được là có gì nhưng em có cảm giác khó chịu là anh ta không làm việc cho chúng ta.
-Đấy chỉ là cảm tính của em.
-Có thể chỉ là một con sâu tí teo thôi nhưng anh ta đã làm rầu nồi canh.
-Có thể. Nhưng anh đồng ý là chúng ta đã sai khi mướn anh ta.
Nửa giờ sau, anh đã ở trên con đường ngược lên phía bắc qua các nút ách tắc tại Slussen trong chiếc xe mượn của vợ Frode. Đó là một chiếc Volvo mười tuổi mà bà không bao giờ dùng. Blomkvist được phép mượn bất cứ lúc nào anh muốn.
Chính các chi tiết nho nhỏ anh mới dễ bỏ qua nếu như đầu óc anh không cảnh giác: một vài giấy tờ chất lên nhau không phẳng phiu như anh nhớ, một vài cặp hồ sơ không ngay ngắn trên giá, ngăn kéo bàn làm việc của anh đóng khít lại – anh chắc chắn là khi anh rời đi thì nó hở ra đến một đốt ngón tay.
Một ai đó đã vào căn nhà gỗ của anh.
Anh đã khóa cửa nhưng đó là một cái khóa cũ mà gần như ai cũng có thể cạy ra bằng một chiếc tua vít và ai mà biết được là hiện có bao nhiêu khóa đang lưu hành. Anh tìm kỹ càng trong phòng làm việc, xem có thể đã bị mất cái gì. Sau một hồi anh dứt khoát là mọi sự vẫn đâu ở đấy.
Nhưng một ai đó đã tới căn nhà gỗ và xem hết giấy tờ cùng các cặp hồ sơ của anh. Anh đã mang máy tính đi theo nên họ đã không thể vào được. Hai câu hỏi nổi lên: người ấy là ai? Và vị khách này của anh đã có thể tìm ra bao nhiêu thứ?
Các cặp hồ sơ là một phần ở trong sưu tập của Henrik Vanger, anh đã mang chúng về nhà khách khi ra tù. Không có gì là tài liệu mới ở trong đó. Các sổ tay của anh ở trên các giá sách đọc cứ như là mật mã với những ai chưa quen – nhưng cái người tìm tòi bàn làm việc của anh thì có phải là chưa quen không đây?
Trong một cặp ni-lông ở giữa bàn làm việc anh đã để bản sao bản danh sách và một bản sao mấy khổ thơ của quyển sổ đề ngày tháng. Cái đó quan trọng. Nó sẽ bảo ai đó rằng mã hiệu của quyển sổ ngày tháng kia đã bị bể vỡ.
Vậy người đó là ai?
Vanger đang nằm bệnh viện. Anh không nghĩ là Anna. Frode ư? Thì anh đã bảo với ông mọi chi tiết rồi mà. Cecilia thì đã bỏ chuyến đi Florida và đã từ London trở về - cùng với bà em. Blomkvist đã một lần thấy bà ta lái xe qua cầu hôm trước đây. Martin Vanger, Harald Vanger, Birger Vanger – anh đã nghĩ tới một cuộc họp gia đình cái hôm Henrik bị đau tim mà Blomkvist không được mời dự. Alexander Vanger, Isabella Vanger.
Frode đã nói với ai? Lần ấy ông ta có thể đã để xổng một cái gì không? Bao nhiêu người trong đám họ hàng lo lắng đã được mời tới nhân việc Blomkvist có một đội phá ở trong cuộc điều tra?
Đã quá 8 giờ. Anh gọi một thợ khóa ở Hedestad yêu cầu làm một cái khóa mới. Thợ khóa nói mai mới đến được. Anh nói nếu đến ngay thì được trả gấp đôi. Hai bên thỏa thuận thợ khóa sẽ đến vào khoảng 10 rưỡi đêm hôm ấy để lắp một cái khóa mới, đừng có ai hòng mà chọc với cạy.
Blomkvist lái xe đến nhà Frode. Vợ ông đưa anh vào mảnh vườn ở sau nhà và mời anh một chai bia Pilsner mát lạnh mà anh cảm ơn nhận. Anh hỏi thăm tình hình Henrik.
Frode lắc đầu.
-Ông ấy phải mổ, bị nghẽn các động mạch vành. Các bác sĩ nói mấy ngày tới là quyết định đây.
Họ im lặng suy nghĩ về điều này trong khi uống Pilsner.
-Ông đã nói với ông ấy, tôi cho là thế?
-Không. Ông ấy có khỏe gì đâu mà nói chứ. Việc ở Stockholm thế nào?
-Cô Salander nhận làm. Đây là hợp đồng của An ninh Milton. Ông phải ký vào đây rồi gửi nó qua bưu điện.
Frode đọc hết bản hợp đồng.
-Cô này đắt. - Ông nói.
-Henrik có thể cho phép đắt.
Frode gật đầu. Ông lấy bút ở túi ngực ra và ngoáy tên ông.
-Ông ấy đang còn sống mà tôi ký thế này là hay. Anh có thể trên đường về nhà bỏ nó vào thùng thư ở Khôngsum được không?
Nửa đêm Blomkvist đang ở trên giường nhưng anh không ngủ được. Đêm nay công việc của anh ở đảo Hedeby xem vẻ giống như là đi tìm một hiếu kỳ về lịch sử. Nhưng nếu việc làm đã khiến cho một ai đó đủ quan tâm đến mức phải đột nhập phòng làm việc của anh thì chắc lời giải là gần với hiện tại nhiều hơn anh tưởng.
Rồi anh lại nảy ý là cũng có thể có những người khác nữa quan tâm đến những việc anh làm. Vanger thình lình xuất hiện trong ban lãnh đạp Millennium, việc ấy không thể nào mà Wennerstrom lại không biết. Hay đó là anh bị tâm thần phân lập?
Blomkvist rời khỏi giường, trần truồng đi vào đứng ở cửa sổ bếp nhìn sang nhà thờ ở bên kia cầu, châm một điếu thuốc.
Anh không thể hình dung ra được Lisbeth Salander. Cô gần như kỳ dị. Những lúc ngừng lâu giữa chừng câu chuyện. Nhà cô bừa bộn, bên bờ của sự tanh bành. Túi đựng báo la liệt trong sảnh. Một gian bếp chưa vệ sinh hay dọn dẹp đã hàng năm nay. Quần áo đánh thành những đống ở trên sàn. Rõ ràng cô qua gần hết đêm ở quán bar. Cổ cô có những vết cắn yêu và rành rành là cô có bạn đồng hành suốt đêm. Có trời biết bao nhiêu các hình xăm và hai cái lỗ xâu khoen ở trên mặt cô và có lẽ còn ở cả nơi khác nữa. Cô khác người.
Armansky đảm bảo với anh cô là người điều tra giỏi nhất của họ và báo cáo của cô về anh đúng lã cặn kẽ vô cùng. Một cô gái dị thường.
Salander ngồi với chiếc PowerBook nhưng nghĩ tới Mikael Blomkvist. Trong đời trưởng thành của cô, cô chưa bao giờ cho ai xéo qua ngưỡng cửa nhà cô mà không có một lời mời đặc biệt và cô thì có thể đếm được trên đầu ngón tay những ai đã xéo qua. Blomkvist đã lửng khửng bổ nhào vào đời cô mà cô chỉ thốt ra lí nhí được có vài lời phản đối.
Nào chỉ thế, anh còn chế giễu cô.
Trong những trường hợp bình thường, kiểu ứng xử này đã làm cho cô lên thầm ngay cò súng ở trong đầu rồi. Nhưng cô không cảm thấy mảy may đe dọa hay thù địch nào ở phía anh. Anh có lý do tốt để đọc cho cô nghe luật cấm quậy phá, thậm chí báo cáo được cả với cảnh sát. Nhưng thậm chí việc cô đột nhập máy tính của anh, anh cũng đối xử như một trò đùa.
Đấy là cái khúc nhạy cảm nhất trong chuyện trò của hai người. Blomkvist có vẻ cố ý không đề cập chuyện này và cuối cùng cô không thể không hỏi:
-Anh bảo anh biết tôi đã làm gì.
-Cô đã vào máy tính của tôi. Cô là một hacker.
-Sao anh biết được? – Salander tuyệt đối tin rằng mình không để lại một dấu vết nào và bất cứ ai cũng không thể phát hiện ra việc cô sục vào trừ phi một cố vấn an ninh chóp bu ngồi xuống quét hình đĩa cứng cùng với lúc cô lọt vào máy tính.
-Cô bị sai một cái.
Cô đã trích một văn bản mà nó chỉ có ở trên máy tính của anh thôi. Salander ngồi im. Cuối cùng cô ngước nhìn anh, mắt bình thản như không.
-Sao cô làm thế? – Anh hỏi.
-Bí mật của tôi. Anh nghĩ làm như thế để làm gì?
Mikeal nhún vai.
-Tôi có thể làm gì?
-Làm đúng tư cách nhà báo của anh ấy.
-Dĩ nhiên. Vì thế mà đám nhà báo chúng tôi có một uỷ ban đạo đức cầm trịch cho các vấn đề về luân lý. Khi tôi viết một bài báo chẳng hạn về một tên vô lại trong ngành ngân hàng nào đó, chúng tôi loại đi chuyện đời tư của hắn ta hay ả ta. Chúng tôi không viết kẻ giả mạo con số kia là một đồng tính nữ hay đã đi tới chỗ làm tình cả với con chó của ả ta hay đại loại một cái gì đó cho dù những cái đó là có thật. Vô lại cũng có quyền có đời sống riêng của họ chứ. Nói thế cô có hiểu không?
-Có.
-Vậy là cô lẩn vào sự toàn vẹn của tôi. Người mướn tôi không cần biết tôi làm tình với ai. Đó là việc của tôi.
Salander nhếch mép cười khiến cho mặt cô cau lại.
-Anh nghĩ là tôi không nên nhắc tới chuyện đó ư?
-Trong trường hợp tôi, chuyện đó không có gì là khác nhau lắm. Cả nửa thành phố biết quan hệ của tôi với Erika. Nhưng đây là vấn đề nguyên tắc.
-Trong trường hợp kia, có thể anh sẽ thú vị nếu biết tôi cũng có các nguyên tắc so sánh được với các nguyên tắc của ủy ban đạo đức của anh. Tôi gọi chúng là Các nguyên tắc của Salander. Một cái ở trong đó là một tên vô lại thì cứ mãi là vô lại và nếu tôi có thể làm cho một tên vô lại đau đớn bằng bới tung cứt của nó lên thì nó cũng là đáng được cho hưởng cái đó.
-OK. – Blomkvist nói. – Lý lẽ của tôi không khác lắm với cô đâu nhưng…
-Nhưng vấn đề là khi tôi làm một điều tra cá nhân thì tôi cũng nhìn tới cái điều là nghĩ về con người ấy thế nào. Tôi không đứng giữa. Nếu người ấy có vẻ thuộc về loại tốt thì trong cuộc điều tra tôi có thể hạ giọng xuống.
-Thật không?
-Nếu là anh, tôi đã hạ giọng. Về đời sống tình dục của anh, tôi có thể viết hẳn ra một quyển sách. Tôi có thể nhắc cho Frode rằng Erika Berger đã có một quá khứ ở trong Câu lạc bộ Xtreme và đã chơi bời quanh quẩn với ăn chơi sa đọa bệnh hoạn trong những năm 80 – điều này sẽ làm xổng ra một số quan niệm khó lòng tránh khỏi về đời sống tình dục của anh và đời sống tình dục của chị ta.
Blomkvist nhìn vào mắt Salander. Một lúc rồi cười to.
-Cô tỉ mỉ kỹ càng thật đấy, đúng không? Tại sao cô không đưa việc đó vào trong báo cáo?
-Hai người đều đã trưởng thành và rõ ràng là thích nhau. Điều anh làm ở trên giường không phải là công chuyện của người khác, và chỉ cần tôi nói đến chị ta hay cho một ai đó những tài liệu để viết thư tống tiền thì riêng một điều ấy cũng sẽ làm tổn thương cho cả hai người rồi. Tôi không biết Frode – nhưng thông tin có thể đến Wennerstrom.
-Và cô không muốn cấp thông tin cho Wennewstrom?
-Nếu tôi phải chọn giữa anh và ông ta, chắc cuối cùng tôi sẽ đi đến cái sân nhà anh.
-Erika và tôi có một… quan hệ của chúng tôi là…
-Xin mà, tôi thật sự không đoái tí nào đến những loại quan hệ gì mà anh có. Nhưng anh chưa trả lời tôi là anh định làm gì với việc tôi đột nhập vào máy tính của anh?
-Lisbeth, tôi ở đây không phải để bắt chẹt tống tiền cô. Tôi đến đây để nhờ cô giúp tôi điều tra một vài chuyện. Cô có thể ừ hay không. Nếu cô nói không, tốt thôi, tôi sẽ tìm một ai đó và cô sẽ không bao giờ còn nghe thấy nói đến tôi.
--- ------ ------ ------ -------
1 Tiếng anh, có nghĩa là “Ngày tận thế đã là hôm qua rồi, hôm nay chúng ta có một vấn đề nghiêm trọng”
Truyện khác cùng thể loại
26 chương
31 chương
66 chương
13 chương
22 chương
22 chương
161 chương
45 chương
32 chương