Cô gái có hình xăm rồng
Chương 23 : Thứ năm, 10 tháng bảy
Họ im lặng ăn lót dạ ở ngoài vườn và cà phê không có sữa. Salander đã lấy máy ảnh số Cannon chụp cái cảnh ma quái trước khi Blomkvist lấy túi rác dọn sạch đi. Anh để con mèo vào cốp xe Volvo. Anh phải làm một cái đơn gửi cảnh sát về sự đối xử độc ác với loài vật, có thể là nhằm đe dọa nhưng anh nghĩ không muốn sẽ lại phải giải thích tại sao có chuyện đe dọa.
8 rưỡi, Isabella Vanger đi qua để tới cầu. Bà không trông thấy hai người, hay ít nhất vờ ra thế.
- Em thế nào? – Blomkvist hỏi.
- Ồ, em được, - Salander nhìn anh băn khoăn. Ok, được rồi. Anh ta nghĩ mình rụng rời. – Khi nào em tìm ra được cái thằng bỏ mẹ nào hành hạ đến chết một con mèo vô tội chỉ để cảnh cáo chúng ta thì em sẽ quật cho nó bằng cái gậy đánh bóng chày.
- Em nghĩ đó là một cảnh cáo à?
- Anh tìm ra được giải thích nào hay hơn không? Dứt khoát là nó muốn nói một cái gì.
- Trong chuyện này, dù sự thật là gì đi nữa thì chúng ta cũng đã làm phiền một ai đó đủ để cho hắn làm một việc đáng nôn ọe. Nhưng cũng có một vấn đề khác nữa.
- Em biết. Đây là một con vật hiến tế theo kiểu năm 1954 và 1960, nhưng xem ra thì khó có thể tin nổi rằng một ai đó hoạt động từ những năm 50 mà bây giờ lại vẫn đem xác một con vật bị hành hạ đến đặt ở lối vào cửa nhà anh.
Blomkvist đồng ý.
- Trong vụ này những người duy nhất có thể nghĩ được là Harald Vanger và Isabella Vanger. Ở phía Johan Vanger có một số họ hàng nhiều tuổi hơn nhưng không ai sống ở khu vực này.
Blomkvist thở dài.
- Isabella là một con chó cái thô bỉ chắc chắn là có thể giết con mèo nhưng anh không tin bà ta trong những năm 50 đã chạy quanh khắp nơi để giết phụ nữ. Harald Vanger… anh không biết, ông ta nom kiệt sức lắm khó mà đi bộ được, anh không thể hình dung nổi đêm hôm qua ông ta lại lén đến tận nhà anh bắt con mèo rồi làm tất cả các chuyện kia.
- Trừ phi hai người, một già, một trẻ hơn.
Nghe tiếng xe hơi đi qua gần, Blomkvist ngước lên nhìn thấy Cecilia lái xe qua cầu. Harald và Cecilia, anh ta nghĩ nhưng hai người này hiếm nói với nhau. Mặc dù Martin Vanger hứa nói chuyện với chị ta nhưng Cecilia vẫn không trả lời bất cứ tin nhắn nào trên điện thoại của anh.
- Phải là người biết chúng ta đang làm công việc này và đang có tiến triển, - Salander nói, đứng lên để đi vào trong nhà. Khi quay lại, cô đã mặc bộ quần áo da vào người.
- Em đi Stockholm. Đêm về.
- Em đi làm gì?
- Kiếm một ít máy móc hiện đại. Nếu ai đó đủ rồ dại để giết mọt con mèo ghê tởm đến thế thì lần sau có thể hắn hay ả ta sẽ tấn công đến chúng ta. Hay phóng hỏa đốt căn nhà gỗ khi chúng ta đang ngủ. Em muốn hôm nay anh vào Hedestad để mua hai bình cứu hỏa và hai máy báo động khói. Một bình cứu hỏa phải có chất halon.
Không nói thêm nửa lời, cô đội mũ bảo hiểm, đạp nổ chiếc xe máy rồi rú qua cầu.
Blomkvist giấu xác con mèo cùng cái đầu và ruột gan mèo vào một thùng rác ở bên trạm xăng dầu trước khi lái xe vào Hedestad la cà tìm kiếm. Anh đến bệnh viện. Anh đã hẹn gặp Frode ở trong một quán cà phê, kể với ông chuyện xảy ra hồi sáng ngay lập tức. Mặt Frode trở nên trắng nhợt.
- Mikael, tôi không bao giờ ngờ chuyện lại có thể quay ra thành thế này.
- Sao lại không? Muốn gì thì chúng ta cũng đang tìm một tên giết người cơ mà.
- Nhưng thế này thì kinh tởm, vô nhân đạo. Nếu có nguy hiểm gì đến tính mạng anh hay cô Salander thì chúng ta phải bảo thôi đi. Để tôi nói chuyện với Henrik.
- Không, tuyệt đối không. Tôi không muốn ông ấy lại có thể lên một cơn nữa.
- Ông ấy hỏi mãi tôi về công việc của anh ra sao rồi.
- Nói giúp tôi lời chào ông ấy, làm ơn và bảo là tôi đang tiến lên.
- Rồi sau đây thì thế nào?
- Tôi có một ít câu hỏi. Việc đầu tiên xảy ra ngay khi Henrik lên cơn đau tim và tôi thì hôm ấy đang xuống Stockholm, một ai đó đã vào lục buồng làm việc của tôi. Tôi đã in ra các câu thơ trong Kinh thánh và các ảnh chụp ở Jarnvagsgatan ở trên bàn làm việc của tôi. Ông biết và Henrik biết, Martin có biết một phần vì anh ấy tổ chức cho tôi đến tòa soạn báo Courier. Còn bao nhiêu người khác nữa biết đây?
- Được, tôi không biết Martin đã nói với ai. Nhưng cả Birger lẫn Cecilia cũng biết hết. Họ bàn chuyện anh lùng sục hồ sơ ảnh. Alexander cũng biết. Và nhân thể cả Gunnar và Helena Nilsson cũng biết. Họ đến chào Henrik và bị kéo vào câu chuyện. Rồi Anita Vanger nữa.
- Anita? Người ở London ấy ư?
- Em của Cecilia. Khi Henrik lên cơn đau tim, cô ấy quay về đây với Cecilia nhưng trọ ở khách sạn, và không ra đảo như tôi biết. Giống Cecilia, cô ấy không thích gặp ông bố. Nhưng khi Henrik thôi nằm chế độ hồi sức cấp cứu thì cô ấy liền bay đi.
- Hiện giờ, Cecilia đang ở đâu? Sáng nay tôi thấy chị ấy đi xe qua cầu nhưng nhà lúc nào cũng tối om.
- Cô ấy không có gan làm cái trò ấy đâu, đúng không?
- Đúng, tôi chỉ là nghĩ chị ấy đang ở đâu.
- Cô ấy đang ở chỗ ông anh, Birger. Ở đấy đi bộ là đến thăm được Henrik.
- Ông có biết ngay hiện nay chị ấy đang ở đâu không?
- Không. Dầu gì thì cũng không thấy cô ấy đến thăm Henrik.
- Cảm ơn. – Blomkvist nói rồi đứng lên.
Nhà Vanger xúm lại quanh bệnh viện Hedestad. Trong sảnh, Birger đang đi đến thang máy. Chờ ông ta đi khuất rồi Blomkvist mới vào phòng tiếp tân. Thay vì lại đâm phải Martin Vanger ở cửa, đúng vào cái chỗ anh đã đâm phải Cecilia lần thăm trước. Họ chào rồi bắt tay nhau.
- Anh đã lên gặp Henrik chưa?
- Không, tôi chỉ gặp có Derich Frode.
Martin nom mệt, hai mắt hõm xuống. Mikael nghĩ trong sáu tháng nay anh ta già rõ đi từ khi anh gặp anh ta.
- Với anh thì tình hình ra sao, Mikael? – Martin hỏi.
- Mỗi ngày qua là một ngày lý thú hơn. Khi Henrik khỏi, tôi hy vọng có thể thỏa mãn được sự tò mò của ông ấy.
Nhà của Birger Vanger là một nhà mái bằng cách bệnh viện chừng năm phút đi bộ nhìn ra biển và ra vùng đậu tàu thuyền của Hedestad. Không ai trả lời khi Blomkvist bấm chuông. Anh gọi di động của Cecilia nhưng cũng không có trả lời.
Anh ngồi trong xe một lúc, gõ ngón tay lên vô lăng. Birger là cha hung hăng trong câu chuyện này: sinh năm 1939, vậy là lên mười khi Rebecka Jacobsson bị giết; hai mươi bảy tuổi khi Harriet mất tích. Theo Henrik, Birger và Harriet hiếm khi gặp nhau. Ông ta lớn lên với gia đình ở Uppsala và chỉ chuyển đến Hedestad để làm việc cho công ty. Sau hai ba năm, ông ta đổi tàu và dành hết cho chính trị. Nhưng ông ta ở Uppsala khi Lena Andersson bị giết.
Vụ con mèo làm cho anh cảm thấy như có điềm báo gở, tựa như anh đang hóa ra thành bất lực.
Otta Falk ba mươi sáu khi Harriet mất tích. Ông nay bảy mươi hai, trẻ hơn Henrik Vanger nhưng tình trạng trí não thì tồi tệ hơn nhiều. Blomkvist tìm thấy ông ở nhà điều dưỡng Svalan, một tòa nhà gạch màu vàng gần sông Hede ở cuối thị trấn. Blomkvist tự giới thiệu với người tiếp tân rồi đề nghị cho được nói chuyện với mục sư Falk. Anh giải thích là anh biết mục sư bị bệnh già lú rồi hỏi thăm mục sư nay sáng suốt thế nào. Một nữ y tá trả lời là ba năm trước lần đầu tiên mục sư Falk được chuẩn đoán nhưng thương thay bệnh tình cứ nặng ra. Mục sư có thể nói chuyện nhưng trí nhớ rất kém, chỉ nhớ những cái mới đây và không nhận ra được hết họ hàng thân thuộc. Ông ta cũng sẵn sàng lên những cơn sợ nếu như nghe phải những câu hỏi ông không thể trả lời.
Falk đang ngồi trên một cái ghế dài ở trong vườn với ba người bệnh khác và một y tá nam. Blomkvist bỏ ra một giờ đồng hồ để cố làm cho ông ta bập được vào chuyện.
Ông nhớ Harriet Vanger hoàn toàn tốt. Mặt ông sáng lên và ông tả cô là một cô gái hấp dẫn. Nhưng Blomkvist sớm nhận ra ông mục sư đã quên việc Harriet mất tích ba mươi bảy năm trước đây. Ông nói về cô ta như vừa mới gặp, còn nhờ Blomkvist chuyển lời chào cũng như giục cô đến thăm ông. Blomkvist hứa làm việc này.
Rõ ràng ông không nhớ vụ tai nạn trên cầu. Mãi đến cuối buổi nói chuyện ông mới nói một câu gì đó khiến Blomkvist dỏng tai lên.
Đó là lúc Blomkvist lái câu chuyện sang việc Harriet quan tâm đến tôn giáo và Falk chợt có vẻ ngập ngừng. Tựa như có một bóng mây lướt qua mặt ông. Falk ngồi đu đưa trước sau một lúc rồi ngước nhìn Blomkvist hỏi anh là ai. Blomkvist lại tự giới thiệu mình lần nữa.
Mãi rồi ông nói:
- Cô ấy còn là một người tìm tòi. Cô ấy cẩn thận cho bản thân và anh phải cảnh báo cho cô ấy như thế.
- Tôi nên cảnh báo về cái gì?
Falk thình lình nhớn nhác. Ông nhăn mặt lại và lắc đầu.
- Cô ấy cần đọc sola scriptura để hiểu sufficientia scripturae. Có như thế cô ấy mới duy trì được sola fide. Josef chắc chắn sẽ trục đuổi chúng. Chúng không bao giờ được chấp nhận vào kinh bổn.
Blomkvist không hiểu một tí gì về chuyện này nhưng vẫn ghi chép đủ hết vào giấy. Rồi mục sư Falk ngả người về phía anh thở dài:
- Tôi nghĩ cô ấy là một tín đồ Thiên chúa giáo. Cô ấy yêu phù phép và chưa tìm ra được Chúa của mình. Cô ấy cần có người hướng dẫn.
Chữ thiên chúa giáo rõ ràng mang một ngụ ý tiêu cực với mục sư Falk.
- Con nghĩ cô ấy quan tâm đến phong trào Pentecost. Cô ấy đi tìm chân lý bị cấm đoán. Cô ấy không phải là một tín đồ cơ đốc.
- Không, không, không, không phải đám Pentecost. Cô ấy đi tìm chân lý bị cấm đoán. Cô ấy không phải là một tín đồ Cơ đốc.
Rồi mục sư Falk hình như quên mất mọi sự về Blomkvist, bắt đầu quay sang chuyện với ba người bệnh khác.
Đúng sau 2 giờ chiều anh lại về tới đảo Hedeby. Anh đi thẳng đến nhà Cecilia và gõ cửa nhưng không kết quả. Anh lại thử di động của chị nhưng không trả lời.
Anh gắn một báo động khói lên tường ở trong bếp và một cái ở gần cửa chính. Anh đặt một bình cứu hỏa ở gần bếp lò bên cạnh cửa buồng ngủ và một cái nữa ở cạnh cửa buồng tắm. Rồi anh làm bữa trưa, cà phê với sandwich rồi ngồi ở vườn đánh máy lại những điều trong cuộc chuyện trò với mục sư Falk. Làm xong, anh ngước nhìn nhà thờ. Tòa nhà mục sư mới của Hedeby là một tòa nhà ở hiện đại bình thường cách nhà thờ một quãng đi bộ. 4 giờ chiều Blomkvist gõ cửa và giải thích với sơ Margareta Strandh rằng anh đến xin lời khuyên về một vấn đề thần học. Xơ là một phụ nữ có mái tóc sẫm màu trạc tuổi anh, mặc quần jean và áo sơmi flanen. Bà đi chân trần, móng chân sơn. Anh đã vài lần tình cờ gặp bà trước đây ở quán Cà phê và bánh đầu cầu Susanne và nói chuyện với bà về mục sư Falk. Bà tiếp anh thân mật, mời vào ngồi ở trong sân nhà bà.
Blomkvist bảo bà là anh đã phỏng vấn mục sư Otto Falk và kể lại những điều mục sư đã nói. Xơ Strandh nghe rồi yêu cầu anh nhắc lại từng lời.
- Tôi được phái đến đây phục vụ mới ba năm và chưa thực sự gặp mục sư Falk. Ông đã về hưu trước đó vài năm nhưng tôi tin rằng ông khá là coi trọng giáo lễ cùng uy quyền giám mục. Điều mục sư nói với anh có nghĩa một điều gì đó đi theo đường lối “chỉ có giữ Thánh thư không thôi” - sola scriptura – và đó là sufficientia scripturae. Câu sau là nói xây dựng cho các tín đồ phàm tục nắm đầy đủ thánh thư. Sola fide có nghĩa là chỉ lòng tin không thôi hay là lòng tin chân thực.
- Con hiểu.
- Các điều này là những giáo điều cơ bản, tạm nói như vậy. Nói chung đó là nền móng của nhà thờ và không hề lạ lẫm chút nào. Ông ấy chỉ đơn giản nói: Hãy đọc Kinh thánh – nó sẽ cho kiến thức đầy đủ và bảo đảm cho có lòng tin chân thực.
Blomkvist cảm thấy hơi lúng túng một chút.
- Nay ta phải hỏi anh là câu chuyện này xảy ra trong quan hệ như thế nào?
- Con đang hỏi xơ về một người mà xơ đã gặp nhiều năm trước, một người mà con đang viết đến.
- Một người đang tìm hiểu đạo?
- Đại khái như vậy.
- Được. Ta nghĩ ta đã hiểu được bối cảnh. Anh bảo ta là mục sư Falk còn nói hai điều nữa – rằng “Josef sẽ trục đuổi chúng đi” và “chúng sẽ không bao giờ được chấp nhận vào kinh bổn”. Có lẽ anh đã hiểu lầm Josefus mà ông ấy nói ra thành Josef? Thật ra cũng cùng là một tên thôi.
- Có thể là thế. – Blomkvist nói. – Con ghi âm câu chuyện lại nếu xơ muốn nghe nó.
- Không, ta thấy không cần thiết. Hai câu này nêu khá là thẳng băng ra cái điều mà ông ấy ám chỉ tới. Josefus là một sử gia người Do thái và câu “chúng sẽ không bao giờ được chấp nhận vào kinh bổn” có thể có nghĩa là chúng không bao giờ được vào trong kinh bổn Do thái.
- Và có nghĩa?
Bà cười to lên.
- Mục sư Falk nói rằng con người này đang bị mắc phải các nguồn bí truyền, đặc biệt là kinh tà Apocrypha. Chữ Hy lạp Apokryphos có nghĩa là “che dấu” do đó chữ Apocrypha là những sách phải che giấu mà một số người coi là rất trái nghịch nhưng một số khác lại cho là nên nạp vào Kinh cựu ước. Các sách này là Tobias, Judidth, Esther, Baruch, Sirach, các sách về Maccabees và một vài cuốn khác nữa.
- Xin tha cho tội ngu dốt của con. Con đã nghe nói đến các sách bí truyền nhưng chưa được đọc chúng bao giờ. Chúng có gì đặc biệt ạ?
- Thật ra chẳng có chút nào là đặc biệt ở các sách này trừ cái điều là chúng ra mắt từ một cái gì đó muộn hơn phần còn lại của Kinh Cựu ước. Apocrypha đã bị loại khỏi Kinh thánh Do thái – không phải vì các học giả Do thái không tin nội dung của chúng mà đơn giản chỉ là vì chúng được viết ra sau khi Chúa đã kết thúc công trình vạch lộ của Chúa. Mặt khác, trong bản dịch cũ của Hy Lạp về Kinh thánh có dung nạp cả Apocrypha. Chúng không bị coi, thí dụ trong nhà thờ Cơ đốc Roma, là trái nghịch.
- Con hiểu.
- Nhưng ở trong nhà thờ Tin lành thì chúng là trái nghịch. Trong cuộc Đổi mới đạo, các nhà thần học hướng vào Kinh thánh cổ Do thái. Martin Luther loại Apocrypha ra khỏi Kinh thánh của Đổi mới rồi sau đó Calvin tuyên bố rằng tuyệt đối không được dùng Apocrypha làm cơ sở xây dựng xác tín trong các vấn đề của đức tin. Vậy là nội dung của chúng trái nghịch lại hay ở một mặt nào đó xung đột với claritas scripturae – sự trong sáng của Thánh thư.
- Nói cách khác là những sách bị kiểm duyệt.
- Hoàn toàn đúng. Thí dụ, Apocrypha tuyên bố có thể dùng ma thuật và ở trong một số trường hợp có thể được phép làm điều này; dĩ nhiên thì các lời nói này đã làm choáng váng các nhà diễn giải Thánh thư theo kiểu giáo điều chủ nghĩa.
- Vậy nên, với một ai đó ham mê tôn giáo thì không thể nào nghĩ được trong danh sách đọc sách của họ lại có nổi lên Apocrypha, một người như mục sư Falk sẽ bị choáng váng lên vì chuyện này.
- Nếu đang nghiên cứu Kinh thánh của đức tin Cơ đốc mà gặp phải Apocrypha thì chuyện đó cũng gần như là khó tránh; cũng có thể là những ai bận tâm đến sách bí truyền thì nói chung đều có thể đọc chúng.
- Xơ tình cờ có một bản Apocrypha đấy không ạ?
Bà lại cười to lên lần nữa. Một tiếng cười sáng sủa, thân mật.
- Dĩ nhiên có chứ. Trong những năm 80, Ủy ban Kinh thánh đã phát hành Apocrypha thật sự như là báo cáo của nhà nước.
Armansky nghĩ chắc lại sắp có chuyện gì đây khi Salander đề nghị gặp riêng ông. Ông đóng cửa lại ở đằng sau cô và chỉ cho cô chiếc ghế dành cho khách. Cô bảo ông rằng việc cô làm với Mikael đã xong – luật sư nên trả công cho cô trước cuối tháng – nhưng cô đã quyết định làm tiếp với cuộc điều tra đặc biệt này. Blomkvist đã cho cô một khoản lương cao hơn đáng kể trong một tháng.
- Tôi đã tự mướn tôi. – Salander nói. – Cho tới nay, theo đúng thỏa thuận của ông và tôi, tôi chỉ làm công việc gì mà ông giao, nay tôi muốn hỏi là nếu tôi một mình tự ý làm việc cho tôi thì quan hệ giữa chúng ta có bị làm sao không?
Armansky nhún vai.
- Cô là một người làm tự do, cô có thể nhận bất cứ việc gì mà cô muốn và nó đáng bao nhiêu thì cô đòi công bấy nhiêu. Tôi chỉ vui thấy cô tự kiếm ra được tiền. Nhưng nếu cô bắt khách qua công việc của chúng ta thì có thể sẽ là không trung thực.
- Tôi không định làm chuyện đó. Tôi đã theo đúng hợp đồng làm xong cái việc với Blomkvist. Có điều là tôi muốn ở lại trong vụ này. Thậm chí tôi làm không vì gì cả.
- Chớ có làm một cái gì mà không vì gì sất.
- Ông hiểu ý tôi đấy. Tôi muốn biết câu chuyện này sẽ đi đến đâu. Tôi đã thuyết phục Blomkvist đề nghị ông luật sư giữ tôi lại làm trợ lý điều tra.
Cô đưa bản thỏa thuận cho Armansky, ông đọc nhanh nó:
- Với lương thế này thì cũng như là cô làm không lương. Lisbeth, cô có tài. Cô không phải làm việc lấy đồng tiền còm nữa. Cô biết cô sẽ còn làm nhiều ghê gớm hơn nữa nếu cô đến đây làm chính thức với tôi.
- Tôi không muốn làm chính thức toàn bộ thời gian. Nhưng Dragan, lòng trung thành của tôi là dành cho ông. Ông là nhất với tôi từ ngày tôi bắt đầu làm việc ở đây. Tôi muốn biết một bản hợp đồng giống như thế này thì liệu có OK với ông không, rằng sẽ không có bất cứ va chạm gì giữa chúng ta hết chứ.
- Tôi biết. – Ông nghĩ một lúc. – Được, trăm phần trăm. Cám ơn cô đã hỏi. Trong tương lai lại có thêm tình hình như thế này mà cô hỏi tôi để cho không xảy ra hiểu lầm thì tôi sẽ tán thành chứ.
Salander nghĩ xem có còn gì cần nói thêm không. Cô đăm đăm nhìn Armansky, im lặng. Thay vì cô chỉ gật đầu rồi đứng lên đi, không chào tạm biệt như thường lệ. Cô đã có được câu trả lời mà cô mong muốn và lập tức không bận tâm đến Armansky. Ông mỉm cười với chính mình. Rằng cô đã không xin ông lời khuyên và điều này đánh dấu một thành tích cao trong quá trình xã hội hóa của cô.
Ông mở một hồ sơ với một báo cáo về an ninh ở một nhà bảo tàng, nơi sắp sửa một cuộc triển lãm lớn các danh họa trường phái Ấn tượng Pháp. Rồi ông đặt hồ sơ xuống và nhìn ra cửa mà Salander vừa mới bước qua. Ông nghĩ đến việc cô đã cười to như thế nào với Blomkvist ở trong văn phòng làm việc của cô, thầm hỏi đó là rút cục cô đã trưởng thành hay Blomkvist có sức hấp dẫn. Ông cũng cảm thấy một cảm đôi chút không dễ chịu là lạ. Ông không bao giờ có thể rũ bỏ được cái cảm giác rằng Lisbeth Salander là một nạn nhân hoàn hảo. Thì bây giờ kia, cô đang săn lùng cho kỳ được một thằng điên ở tại một nơi đèo heo hút gió.
Trên đường lại ngược lên bắc, Salander bốc đồng vòng đến nhà dưỡng lão Appelviken để thăm mẹ. Từ Noel, trừ lần thăm dịp tết. Giữa hè, cô chưa gặp mẹ và cô cảm thấy mình thật tệ vì đã ít tranh thủ thời gian. Trong vòng một ít tuần thăm hai lần là việc hoàn toàn không bình thường.
Mẹ cô đang ở trong phòng sinh hoạt chung, Salander ở một giờ đẫy với mẹ và đưa mẹ đi dạo xuống phía ao thả vịt thuộc vùng đất của bệnh viện. Mẹ vẫn lẫn cô với chị cô. Như mọi lần, mẹ vẫn xa vắng nhưng đã có vẻ xúc động vì con đến thăm.
Khi Salander chào tạm biệt, mẹ không muốn buông tay cô. Salander hứa sẽ lại đến thăm mẹ nhưng mẹ buồn và lo lắng nhìn cô đăm đăm. Tựa như bà cảm thấy điềm báo về một thảm họa đang đến gần.
Blomkvist bỏ hai giờ ra ở trong vườn đằng sau căn nhà gỗ đọc Apocrypha mà chẳng hiểu tí nào những cái nói ở trong đó. Nhưng một ý nghĩ đã đến với anh, Harriet Vanger đã thực sự mộ đạo đến mức nào? Cô quan tâm đến các nghiên cứu Kinh thánh bắt đầu vào cái năm trước năm cô mất tích. Cô đã gắn một số khổ thơ với một xê ri các vụ án mạng và rồi không chỉ đọc kỹ càng Kinh thánh mà còn đọc cả Apocrypha và một mối bận tâm đến đạo Cơ đốc đã phát triển ở trong cô. Cô đã thật sự làm một cuộc điều tra cũng giống như cuộc điều tra mà Blomkvist và Salander đang làm ba mươi bảy năm sau không đây? Cô quan tâm đến các thứ này có phải chủ yếu để săn lùng một hung thủ chứ không phải vì tinh thần tôn giáo? Mục sư Falk đã nói là ở trong mắt cô người ta thấy một kẻ kiếm tìm hơn là một tín đồ Cơ đốc ngoại đạo.
Anh đã phải ngừng lại vì Erika gọi di động cho anh.
- Em chỉ muốn báo anh là em và Greger đi nghỉ phép tuần sau. Em sẽ đi bốn tuần.
- Hai người đi đâu?
- New York. Greger triển lãm tranh rồi bọn này nghỉ đi Caribbean. Bọn này may là mượn được của một người bạn của Greger một căn nhà ở Antigua và sẽ ở đấy hai tuần.
- Nghe tuyệt đấy. Chúc vui vẻ nhé. Và chào Greger.
- Số mới đã xong và bọn này gần như đã đóng gói cả số tiếp nữa rồi. Em hy vọng anh sẽ tiếp quản cái chức chủ bút nhưng Christer nói anh ấy sẽ làm.
- Anh ấy có thể gọi anh nếu cần giúp đỡ. Janne Dahlman thì thế nào rồi?
Cô có vẻ ngập ngừng.
- Anh ấy cũng nghỉ phép. Em đã đùn Henry vào làm quyền Trưởng ban biên tập. Anh ấy và Christer lo lắng cho việc phát hành.
- OK.
- Mồng bảy tháng Tám em về.
Xẩm tối, Blomkvist cố gọi điện thoại cho Cecilia Vanger năm lần. Anh gửi lời nhắn cô gọi lại cho anh. Nhưng anh không nhận được trả lời.
Anh buông quyển Apocrypha, mặc bộ đồ chạy vào, khóa cửa lại rồi đi ra. Anh đi theo con đường mòn hẹp dọc bờ biển rồi quay vào rừng. Anh cố hết sức đi nhanh qua các bụi cây và quanh các gốc cây trốc rễ, nhoi ra Pháo đài thì thở như đứt hơi và nhịp tim đập gấp. Anh đứng lại ở bên một trong những cỗ pháo cổ và nằm thẳng cẳng ra một lúc.
Thình lình anh nghe thấy một tiếng “crắc” gọn đanh và bức tường xi măng xám gần đầu anh vỡ. Rồi anh cảm thấy đau khi mảnh xi măng và đạn ghém xé một miếng rách sâu ở da đầu anh.
Blomkvist đứng ngay đơ ra ngỡ như cả thế kỷ. Anh đang ở giữa pháo đài. Rồi anh nhào vào đường hào pháo binh, lấy vai đỡ người khi rơi mạnh xuống, thở như cháy cả phổi. Loạt bắn thứ hai đến cùng với lúc anh bổ nhào xuống. Đạn găm vào móng xi măng bức tường.
Anh đứng lên nhìn quanh. Anh đang ở giữa pháo đài. Ở bên trái và bên phải, những đoạn đi hẹp, sâu một mét cây cỏ um tùm đưa tới các cỗ pháo bày dàn ra dọc theo một tuyến gần 250 mét. Co gập người lại anh chạy vội trong đám mê cung xuống phía nam.
Anh thình lình nhớ lại tiếng vọng của cái giọng không thể bắt chước nổi của đại úy Adolfsson trong các buổi tập trận mùa động tại trường bộ binh ở Kiruna. Blomkvist, cúi cái đầu chết rấp của cậu thấp xuống nếu cậu không muốn cái mông khốn kiếp của cậu bị bắn văng đi. Hàng năm sau anh vẫn nhớ các bài huấn luyện thực hành ngoại khóa của đại úy Adolfsson.
Anh dừng lại để thở, tim đập thình thịch. Anh không nghe thấy gì khác ngoài tiếng thở của mình. Mắt người bắt lấy vận động nhanh hơn hình thú và mặt mũi nhiều. Khi đi trinh sát hãy chậm hơn nữa. Blomkvist thong thả nhô lên khỏi đầu một cỗ pháo chừng một đốt ngón tay. Mặt trời ngay ở giữa đỉnh đầu nên không nhận ra được chi tiết nhưng anh không nhìn thấy cử động nào.
Anh thụt đầu xuống rồi chạy tới cỗ pháo sau. Vũ khí của kẻ thù tốt đến đâu cũng không quan trọng. Nếu nó không nhìn thấy cậu thì nó không thể bắn trúng cậu. Che kín, che kín, che kín. Cầm chắc là cậu không bao giờ đem bày cậu ra. Anh còn cách khu trại Ostergarden chừng 250 mét. Cách chỗ anh đang quỳ khoảng 35 mét có một bụi cây thấp, rậm gần như khó mà chui vào lọt. Nhưng để tới được bụi rậm đó anh phải từ cỗ pháo chạy nhanh xuống một sườn dốc đầy cỏ và thế là người anh sẽ lộ hết cả ra. Chỉ còn có lối ấy. Sau lưng anh là biển.
Anh thình lình nhận ra đau ở thái dương, rồi phát hiện mình đang chảy máu, chiếc áo phông của anh đẫm máu. Vết thương trên đầu không bao giờ ngừng chảy máu, anh nghĩ trong khi vẫn tập trung chú ý ở tại chỗ của mình. Một phát bắn có thể chỉ là một sự cố, hai phát bắn thì tức là có người nào đó đang định giết anh. Anh không sao mà biết được cái người bắn lén đó có còn đang chờ anh lại hiện ra nữa không.
Anh cố bình tĩnh, suy nghĩ tỉnh táo. Chỉ còn hai ngả chọn là hoặc chờ hoặc ra khỏi cái chỗ khốn nạn này. Nếu người bắn lén còn rình đó thì ngả chọn thứ hai chắc chắn không phải là một ý hay. Nếu anh cứ chờ ở đây, người bắn lén có thể bình tĩnh đi lên Pháo đài tìm anh và bắn anh sát sạt.
Hắn (hay ả) không thể biết ta đi sang trái hay phải. Khẩu súng có thể là súng bắn nai sừng tấm. Chắc nó có kính ngắm xa. Nghĩa là tầm nhìn của người bắn lén sẽ bị hạn chế nếu hắn tìm Blomkvist qua kính ngắm.
Nếu anh ở một chỗ kín – hãy chủ động. Tốt nhất là chờ. Anh quan sát và nghe các tiếng động trong vòng hai ba phút rồi vọt lao ra khỏi cỗ pháo, cố gắng hết sức chạy thật nhanh xuống dốc.
Khi anh đến lưng chừng dốc thì phát đạn thứ ba nổ nhưng anh chỉ nghe thấy một tiếng va đập mơ hồ ở sau anh. Anh quăng mình bẹp dí qua các bụi cây rồi lăn mình qua một biển những cây tầm ma. Rồi anh lại đứng lên đi xa khỏi hướng súng bắn, cúi rạp xuống, chạy, mấy chục mét lại ngừng để nghe ngóng. Anh nghe thấy một cành cây gẫy ở đâu đó giữa Pháo đài và anh. Anh nằm bẹp dí xuống.
Bò trườn bằng khủyu tay là một câu ưa thích khác nữa của đại úy Adolfsson. Blomkvist đi hết quãng 100 mét sau bằng đầu gối và ngón chân qua các cây cối rậm rịt. Anh gạt sang bên các cành cây to nhỏ. Hai lần anh nghe thấy tiếng cành cây gẫy thình lình ở trong bụi cây đằng sau anh. Tiếng “rắc” đầu tiên nghe như rất gần, cỡ chừng hai chục bước ở bên phải. Anh lạnh toát người, nằm im hoàn toàn. Một lúc sau anh thận trọng ngẩng đầu lên nhìn quanh nhưng không thấy một ai. Anh nằm im một lúc, đầu óc hết sức cảnh giác, sẵn sàng chuồn hay có thể phải làm một trận đánh trả tuyệt vọng nếu như kẻ thù hiện ra. Tiếng “rắc” thứ hai ở xa hơn. Rồi im lặng.
Hắn biết mình đang ở đây. Hắn đến một chỗ nào đó chờ mình hay hắn đã rút đi?
Blomkvist cố bò qua các chỗ cây cỏ thưa cho đến khi đến hàng rào ở Ostergarden.
Bây giờ là lúc gay go tiếp theo. Một đường mòn chui qua hàng rào. Anh nằm thẳng trên mặt đất quan sát. Khu trại ở xa gần 400 mét bên dưới một con dốc thoai thoải. Anh trông thấy mấy con bò gặm cỏ ở bên ngoài ngôi nhà. Tại sao không có ai nghe thấy tiếng súng mà ra xem chứ nhỉ? Mùa hè. Có thể không có ai ở nhà lúc này.
Không có chuyện đi qua bãi cỏ rồi, anh không có gì che chắn ở đó. Đường mòn thẳng bên dưới hàng rào là chỗ sẽ khiến anh trở thành điểm ngắm bắn dễ dàng. Anh lùi lại vào trong bụi cây cho đến khi anh ra tới đầu đằng kia gần một khu rừng thông thưa thớt.
Anh làm một đường vòng dài quanh các cánh đồng ở Ostergarden và Soderberget để về nhà. Khi đi qua Ostergarden anh có thể nhìn thấy các xe của họ đã đi. Đến đỉnh Ostergarden anh dừng lại, nhìn xuống Hedeby. Trong những căn nhà đánh cá gần vùng đậu tàu thuyền có các vị khách: phụ nữ mặc quần áo ắm ngồi trò chuyện trên cầu tàu. Anh ngửi thấy mùi nướng rán gì đó trên một cái lò ở ngoài nhà. Trẻ con nhảy thi thòm xuống nước gần các cầu tàu của bến tàu thuyền.
Vừa mới sau 8 giờ. Từ những phát súng bắn đến nay đã năm chục phút. Nilsson mặc quần soóc và không sơmi đang tưới các thảm cỏ. Anh ở đây bao lâu rồi? Nhà Vanger trống không trừ Anna. Nhà Harald vắng lặng như mọi khi. Rồi anh trông thấy Isabella Vanger ở trong vườn đằng sau nhà bà ta. Bà ta ngồi đó, rõ là đang nói chuyện với một ai. Mất một thoáng Blomkvist mới nhận ra người ấy là Gerda Vanger ốm đau, sinh năm 1922 và sống với con trai Alexander trong một ngôi nhà ở bên kia ngôi nhà của Henrik. Anh chưa bao giờ gặp bà ta nhưng đã nom thấy bà ta dăm ba lần. Nhà của Cecilia Vanger nom trống không nhưng rồi Mikael trông thấy một cử động ở trong bếp. Chị ấy ở nhà. Người bắn lén có là một phụ nữ không đây? Anh biết Cecilia biết sử dụng súng. Anh có thể trông thấy xe của Martin Vanger ở khúc đường cho xe ra vào ở trước mặt nhà anh ấy. Anh ấy đã ở nhà được bao lâu rồi?
Hay đấy là một ai khác mà anh chưa nghĩ tới? Frode? Alexander? Quá nhiều khả năng.
Anh tụt từ trên Ostergarden xuống rồi theo đường vào làng về nhà anh không gặp ai. Điều đầu tiên anh nhìn thấy là cánh cửa nhà gỗ hé mở. Gần như bản năng anh cúi rạp người xuống đi vào. Rồi anh ngửi thấy mùi cà phê và qua cửa sổ nhà bếp anh thấy Salander.
Nghe thấy anh vào lối cửa chính, cô quay lại. Cô cứng sững người lên. Mặt anh nom đang sợ, nhem nhuốc máu đã bắt đầu khô. Bên trái chiếc áo phông của anh đỏ lòm. Anh đang dịt một chiếc khăn tay đẫm máu ở trên đầu.
- Chảy máu cứ như bị chọc tiết nhưng không nguy hiểm. – Blomkvist nói trước khi cô kịp hỏi.
Cô quay đi lấy đồ cứu thương sơ bộ ở trong tủ; có hai gói băng chun, một que hương chống muỗi và một cuộn băng phẫu thuật nhỏ. Anh cởi quần áo ra, ném chúng xuống sàn rồi vào buồng tắm.
Vết thương ở thái dương là một vết rách khá sâu. Nó vẫn chảy máu và cần phải khâu nhưng anh nghĩ nó chắc chắn sẽ lành nếu anh băng chặt lại. Anh dấp khăn tay dưới vòi nước lạnh rồi lau mặt. Rồi anh ấn chặt chiếc khăn tay vào thái dương trong khi đứng dưới vòi hoa sen, nhắm mắt lại. Anh đấm mạnh vào gạch men đến nỗi mu bàn tay trầy ra. Mẹ mày, muốn cho mày là ai đi, tao sắp tìm ra mày đây, tao sẽ chộp được mày. Khi Salander sờ vào anh, anh giật nảy lên tựa như bị điện giật, mặt anh tức giận khiến cho Salander phải lùi lại. Cô đưa xà phòng cho anh rồi lẳng lặng ra bếp.
Anh băng chỗ đau bằng ba lớp băng phẫu thuật. Anh vào buồng ngủ, lấy quần jean sạch và áo phông mới, đem hồ sơ anh đã in thêm rồi đi. Anh cáu quá đến nỗi người như vẫn run lên
- Ở nguyên đấy, Lisbeth. – Anh quát.
Anh đi bộ đến nhà Cecilia Vanger và bấm chuông. Nửa phút sau chị mới ra mở cửa.
- Tôi không muốn gặp anh. – Chị nói. Rồi chị nhìn thấy máu vẫn rỉ ra từ lớp băng.
- Hãy để tôi vào. Chúng ta cần nói chuyện.
Chị do dự.
- Chúng ta chẳng có gì để nói sất cả.
- Bây giờ thì có và chị có thể cãi ở trên bậc tam cấp đây hay ở trong nhà bếp.
Giọng Blomkvist quá cương quyết khiến Cecilia lùi lại để anh vào. Anh ngồi bên bàn bếp nhà chị.
- Anh đã làm gì? – Chị hỏi.
- Chị nói tôi đào bới sự thật về vụ Harriet mất tích là một kiểu điều trị vô tích sự cho Henrik Vanger. Có thể là thế đi, nhưng trước đây một giờ một ai đó khát máu đã suýt nữa bắn bay mất đầu tôi và đêm nọ thì một ai đó – có thể vẫn là anh chàng khôi hài nọ - đã để xác một con mèo kinh khủng ngay ở cổng nhà tôi.
Cecilia mở miệng nhưng Blomkvist cắt nghiến luôn.
- Cecilia, tôi không bận tâm đến các day dứt của chị hay cái sự nó đang làm chị lo phiền hay việc chị thình lình trông thấy tôi là ghét. Tôi sẽ không bao giờ đến gần chị nữa và chị không phải lo tôi sẽ lại quấy chị hay đeo đuổi chị. Ngay từ phút này, tôi mong không bao giờ phải nghe thấy chị hay một cái gì ác của gia đình Vanger. Nhưng tôi yêu cầu phải trả lời những điều tôi hỏi. Càng trả lời sớm chị càng chóng hết nợ với tôi.
- Anh muốn biết cái gì?
- Thứ nhất: một giờ trước đây chị ở đâu?
Mặt Cecilia tối lại.
- Một giờ trước đây tôi ở Hedestad.
- Có ai xác nhận được chỗ chị ở lúc đó không?
- Không phải vì tôi không nghĩ được ra mà là vì tôi không có việc gì lại phải đi kể với anh sất.
- Câu hỏi hai: hôm Harriet mất tích tại sao chị lại mở cửa sổ phòng ngủ chị ấy ra?
- Cái gì?
- Chị đã nghe rõ rồi. Suốt những năm qua Henrik đã cố tìm ra trong những giờ phút gay cấn nhất, ai đã mở cửa sổ buồng Harriet ra. Ai cũng chối. Có một người đang nói dối.
- Thế cái quỉ gì nó khiến anh nghĩ là tôi?
- Bức ảnh này. – Blomkvist nói, liệng tấm ảnh lòa nhòa lên bàn bếp.
Cecilia đi đến bên bàn xem kỹ bức ảnh. Blomkvist nghĩ sẽ thấy chị choáng ra mặt. Chị ngước lên nhìn anh. Anh cảm thấy một dòng máu lăn và rơi xuống áo sơmi.
- Hôm ấy có sáu chục người ở trên đảo. – Anh nói. – Trong đó có hai mươi tám người là phụ nữ. Năm hay sáu người trong đó để tóc dài ngang vai. Chỉ có một người mặc váy sáng màu.
Chị chăm chú nhìn vào bức ảnh,
- Và anh cho đây là tôi.
- Nếu không phải chị thì tôi muốn là chị bảo tôi theo chị người đó là ai. Chưa ai trước đây biết về bức ảnh này. Tôi có nó đã nhiều tuần nay và đã cố nói chuyện với chị về nó. Có thể tôi là một thằng ngu nhưng tôi không đưa nó cho Henrik hay ai đó khác vì tôi sợ ghê gớm rằng nó sẽ làm cho chị bị nghi ngờ hay để cho người ta làm điều gì đó không phải với chị. Nhưng tôi cần có một câu trả lời.
- Anh sẽ có câu trả lời. – Chị đưa lại bức ảnh cho anh. – Tôi không vào buồng Harriet hôm ấy. Trong ảnh không phải là tôi. Tôi không có mảy may liên quan gì đến việc cô ấy mất tích.
Chị đi ra cửa chính.
- Anh đã được trả lời. Bây giờ xin đi cho. Nhưng tôi nghĩ anh nên có bác sĩ chăm sóc cho vết thương này.
Salander lái xe đưa anh đi bệnh viện Hedestad. Chỉ mất một hai mũi khâu và băng bó tử tế để khép kín vết thương lại. Anh được cho thuốc mỡ cortisone để bôi các chỗ ở cổ và tay bị gai tầm ma cào cứa.
Sau khi họ rời bệnh viện, Blomkvist ngồi nghĩ một lúc lâu xem anh có nên đi báo cảnh sát hay không. Anh đã có thể đọc thấy các đầu đề “Nhà báo vu cáo trong tấn bi kịch bị bắn lén”. Anh lắc đầu.
- Về nhà thôi. – Anh nói.
Trời đã tối khi họ trở về đảo Hedeby, việc này rất hợp ý Salander. Cô nhấc một cái túi thể thao đặt lên bàn.
- Em mượn các trò này của An ninh Milton, đã đến lúc chúng ta cần dùng chúng rồi đấy.
Cô cắm ở quanh nhà bốn máy chạy pin phát hiện cử động, giải thích nếu có ai đến gần hơn sáu mét thì một tín hiệu vô tuyến sẽ làm cho chuông báo động réo lên vui như có hội có hè, chuông này cô để ở buồng ngủ của Blomkvist. Đồng thời các cây tại trước và sau căn nhà gỗ cô để hai camera chụp hình loại nhỏ cực nhạy, chúng sẽ gửi tín hiệu đến màn hình một máy tính xách tay cô để ở trên tủ li gần cửa chính. Cô giấu camera bằng những miếng vải tối màu.
Cô để một camera thứ ba ở gần chuồng chim trên cửa ra vào. Cô khoan một lỗ qua tường để luồn dây cáp. Ống kính được chĩa ra đường và ra con đường nhỏ đi vào cửa chính. Mỗi giây nó lại chụp một hình ảnh độ nét thấp và lưu lại trong đĩa cứng của một máy xách tay khác để ở trong tủ quần áo.
Rồi cô để ở trước lối vào nhà một tấm thảm bắt được mọi lực giẫm lên nó, nếu ai đó muốn tránh các máy phát hiện bằng tia hồng ngoại để vào nhà thì một còi báo động 115 đêxiben sẽ rú lên. Salander bảo anh cách tắt các máy phát hiện bằng một chìa khóa gắn vào một cái hộp để ở trong tủ quần áo. Cô cũng mượn một kính nhìn đêm.
- Em chả để cho cơ may có được nhiều cơ hội gì cả. – Blomkvist nói và rót cà phê cho cô.
- Một việc nữa. Không đi rảo bước để tập nữa cho tới khi chúng ta phá được chuyện này,
- Hãy tin anh, anh đã mất hết hứng thú với chuyện tập tành.
- Em không đùa. Chuyện này có thể bắt đầu như một bí mật lịch sử, nhưng qua việc con mèo chết và người ta định bắn tung đầu anh đi thì chúng ta có thể khẳng định rằng chúng ta đang ở đúng phải lõng của một ai đó rồi.
Họ ăn tối muộn. Blomkvist thình lình mệt phờ và đầu đau như muốn nứt ra. Anh khó nói chuyện thêm nên đi nằm.
Salander thức đọc báo cáo cho đến 2 giờ sáng.
Truyện khác cùng thể loại
68 chương
10 chương
11 chương
9 chương
22 chương
32 chương
11 chương