Cô gái có hình xăm rồng

Chương 17 : Thứ ba, 10 tháng sáu

Sau sáu tháng nghiền ngẫm không hiệu quả, vụ Harriet bỗng nứt rạn. Tuần đầu tháng Sáu, Blomkvist phát hiện ra ba miếng mới toanh trong bảng ghép hình. Hai trong ba miếng đó la anh tìm ra. Miếng thứ ba có người giúp. Sau lần Berger đến thăm vào tháng Năm, anh lại nghiên cứu quyển album lần nữa, ngồi hàng ba giờ đồng hồ liền, xem lần lượt từng tấm ảnh một, cố phát hiện thêm những chi tiết đã từng gây ấn tượng cho anh. Vẫn không ăn thua cho nên anh để quyển album sang bên và quay về với quyển biên niên của gia đình. Một hôm vào tháng Sáu, ở Hedestad anh đang nghĩ đến một chuyện hoàn toàn khác thì chiếc xe buýt nhỏ chở anh rẽ vào Jarnvagsgatan và cái điều đang ủ mầm trong đầu anh bỗng hiện ra như sét đánh giữa trời xanh. Anh thấy bàng hoàng đến nỗi cứ đứng đực ra ở trên xe buýt cho tới tận trạm đỗ sau cạnh ga xe lửa. Anh bắt ngay chuyến xe buýt đầu tiên quay về Hedeby để kiểm tra xem anh nhớ có đúng hay không. Đó là bức ảnh đầu tiên trong album, bức Harriet Vanger chụp lần cuối cùng vào cái ngày định mệnh ấy, ở Jarnvagsgatan tại Hedestad trong khi cô đang xem cuộc diễu hành của Ngày Trẻ con. Bức ảnh này là một bức lạ lùng đã được cho vào album. Nó được để vào đây vì nó được chụp cùng ngày hôm ấy, nhưng nó là bức duy nhất không phải về tai nạn xe trên cầu. Mỗi lần Blomkvist và mỗi ai khác (anh cho là vậy) xem quyển album thì sự chú ý đều bị hút mất vào con người và các chi tiết trong các bức ảnh của cây cầu. Không có kịch tính nào trong bức ảnh về một đám đông tại cuộc diễu hành Ngày Trẻ Con, vài giờ trước đó. Blomkvist xem bức ảnh dễ có đến cả nghìn lần, một việc làm nó cứ gợi cho anh đau buồn nhớ rằng anh sẽ không còn bao giờ thấy lại cô gái nữa. Nhưng Blomkvist không phản ứng lại với điều đó. Nó được chụp từ bên kia đường, chắc là từ một cửa sổ tầng hai. Ống kính mở ở góc độ rộng nên đã chụp được mũi đằng trước của một trong những con thuyền diễu hành. Trên thuyền là những phụ nữ mặc những bộ đồ bơi lấp lánh hay những quần áo của cung tần thị nữ, ném kẹo xuống cho đám đông. Một số người trong họ nhảy múa. Ba anh hề nhảy nhót ở trước mũi con thuyền. Harriet ở trong hàng đầu của đám đông đứng trên đường lát đá. Cạnh cô là ba cô gái, rõ ràng là bạn học của cô, và ít nhất một trăm người xem khác ở quanh và sau lưng họ. Từ trong tiềm thức Blomkvist đã lưu lại điều này và khi chiếc xe buýt đi qua vào đúng chỗ ấy thì nó chợt bừng tỉnh. Đám đông cũng giống như một công chúng khán, thính giả vậy. Mắt họ dõi theo quả bóng trên sân tennis hay quả cầu trên mặt băng đánh khúc côn cầu. Những người ở đầu cùng bên trái bức ảnh nhìn những anh hề ngày đằng trước mặt họ. Những người ở gần con thuyền hơn thì đều nhìn vào những cô gái ăn mặc hở hang. Vẻ mặt của họ bình thản. Trẻ con chỉ trỏ. Một vài người cười toe toét. Nom đều vui vẻ. Trừ một. Harriet lại nhìn chéo sang bên. Ba cô bạn và những người khác ở quanh cô đều đang nhìn những anh hề. Mặt Harriet quay đi gần đến 30, 35 độ sang bên phải. Mắt cô như đang tập trung vào một cái gì ở bên kia đường nhưng ở ngoài rìa trái của bức ảnh. Blomkvist lấy kính phóng to ra cố cho nổi rõ mọi chi tiết. Bức ảnh chụp từ một khoảng cách quá xa khiến cho anh không thể cầm chắc hoàn toàn nhưng không như mọi người ở xung quanh, mặt Harriet không hớn hở. Miệng cô thành một đường ngang mỏng. Mắt cô mở to. Hai tay buông thõng vô hồn. Cô nom có vẻ sợ. Sợ hay giận dữ. Blomkvist lấy bức ảnh in ở album ra cho vào một cặp nhựa cứng rồi chờ chuyến xe buýt sau quay về Hedestad. Anh xuống xe ở Jarnvagsgatan, đứng ở dưới cái cửa sổ là nơi có thể đã chụp bức ảnh kia. Nó là ở rìa của trung tâm thị trấn Hedestad. Đó là một tòa nhà gỗ ba tầng, trong là cửa hàng video cùng với hiệu Haberdashery của Sundstrom thành lập năm 1932 theo như ghi trên tấm biển ở trên cổng chính. Anh đi vào, thấy cửa hàng là ở trên tầng ba, có một cầu thang xoáy trôn ốc đưa lên tầng thượng. Hai cửa sổ trên đỉnh cầu thang xoáy trôn ốc nhìn ra phố. - Tôi có thể giúp gì ông không? – một nhân viên bán hàng có tuổi hỏi khi anh lấy cái cặp nhựa cùng tấm ảnh ra. Chỉ có vài ba người trong cửa hàng. - Tôi chỉ muốn xem bức ảnh này được chụp ở chỗ nào. Tôi mở cửa sổ ra một lát thôi có được không ạ? Người đàn ông nói có thể được. Vậy là Blomkvist có thể trông thấy chính xác cái chỗ Harriet đã đứng. Một trong những tòa nhà gỗ ở đằng sau cô đã không còn, thay vào là một tòa nhà góc cạnh. Tòa nhà gỗ khác từng là một cửa hàng bán văn phòng phẩm năm 1966 thì nay là một cửa hàng bán thực phẩm bổ dưỡng và một tiệm săn sóc da. Blomkvist đóng cửa sổ lại, cảm ơn người nhân viên và xin lỗi đã làm mất thì giờ của ông. Anh qua đường và đứng vào chỗ Harriet đã đứng. Anh đã có được những cột mốc ở giữa cửa sổ của tầng thượng nhà Haberdashery và cửa ra vào cửa tiệm săn sóc da. Anh quay đầu và nhìn theo hướng nhìn của Harriet. Cô gái nhìn về góc của tòa nhà có cửa hiệu Haberdashery, một cái góc hoàn toàn bình thường của một tòa nhà, nó che khuất một ngã tư phố. Harriet, chị nhìn thấy cái gì ở đằng ấy đấy? Blomkvist cho bức ảnh vào trong ba lô rồi đi đến quảng trường gần ga. Anh bước vào một quán cà phê vỉa hè. Anh bỗng thấy hồi hộp. Ở tiếng Anh họ gọi đó là “bằng chứng mới”, rất khác với tiếng Thụy Điển: ”vật liệu chứng minh mới”. Anh đã nhìn thấy một cái hoàn toàn mới, một cái mà trong suốt cuộc điều tra kéo dài ba mươi bảy năm, không ai khác ngoài anh đã để ý thấy. Vấn đề là anh không chắc cái thông tin mới này của anh nó có giá trị gì nếu quả như có một giá trị nào đấy. Nhưng anh cảm thấy sắp chứng minh được là nó có ý nghĩa. Cái ngày tháng Chín mà Harriet mất tích kia đã thành ra quan trọng ở nhiều mặt. Nó là ngày lễ Hedestad với một đám đông hàng nghìn người, trẻ già, trên đường phố. Nó là ngày gia đình gặp mặt ở trên đảo Hedeby. Riêng hai việc ấy đã làm cho khu vực này ra khỏi nếp sống quen thuộc của nó. Vụ đâm xe đã che khuất đi mất mọi chuyện khác. Sĩ quan cảnh sát Morell, Henrik Vanger và những người khác từng nghiền ngẫm về vụ Harriet mất tích đã tập trung chú ý vào đảo Hedeby. Morell thậm chí viết ông không sao dứt đi nỗi nghi ngờ rằng hai vụ mất tích và đâm xe là có dính líu đến nhau. Nay Blomkvist tin rằng ông đã nghĩ sai. Dây chuyền sự việc không phải bắt đầu ở trên đảo Hedeby mà là ở Hedestad trước đó vài giờ. Harriet đã trông thấy một cái gì khiến cô khiếp sợ và giục giã cô về nhà, đi thẳng đến nhà ông chú nhưng không may là ông chú lại không có thì giờ nghe cô. Rồi xảy ra tai nạn xe trên cầu. Rồi tên giết người giáng đòn xuống. Blomkvist nghĩ ngợi. Đây là lần đầu tiên anh có ý thức nói ra thành lời cái ý nghĩ cho rằng Harriet bị ám sát. Anh chấp nhận niềm tin của Henrik, Harriet đã chết và anh đang săn lùng một kẻ giết người. Anh quay lại với các báo cáo của cảnh sát. Trong cả nghìn trang giấy chỉ có một phần xét đến các sự kiện ở Hedestad. Harriet đã ở đây với ba cô bạn học, cả ba đều đã được thẩm vấn. Họ đã gặp nhau ở quảng trường gần ga lúc 9 giờ. Một cô còn mua quần jean và có các bạn đi cùng. Các cô đã uống cà phê ở quán cà phê của nhà hàng EPA rồi đi thẳng đến sân vận động, loăng quăng trong những lán của liên hoan hóa trang và các ao câu cá, ở đấy họ lại tình cờ gặp một số bạn khác ở trường. Trưa họ dễu dện về lại thị trấn để xem diễu hành. Ngay trước 2 giờ chiều, Harriet thình lình bảo họ cô phải về nhà. Họ chia tay nhau ở bến xe gần Jarnvagsgatan. Không cô bạn nào của cô để ý thấy có điều gì khác thường. Một trong họ, Inger Stenberg, người đã tả sự thay đổi của Harriet trong năm trước bằng câu nói rằng cô ấy đã rất “bàng quan cuộc sống”. Cô nói hôm ấy Harriet lì xì, không bình thường, phần lớn là làm theo người khác. Sĩ quan Morell đã nói chuyện với tất cả những ai gặp Harriet hôm ấy, cho dù họ chỉ là chào nhau nhân có cuộc gặp mặt của gia đình. Một bức ảnh của cô đã được đăng trên tờ báo địa phương khi cuộc tìm kiếm đang tiếp diễn. Sau khi cô gái mất tích, mấy người dân ở Hedestad đã gặp cảnh sát để nói họ đã trông thấy cô gái trong hôm diễu hành, nhưng không ai báo được gì khác thường cả. Sáng hôm sau, Blomkvist tìm Henrik Vanger ở bàn ăn điểm tâm của ông. - Ông nói gia đình Vanger vẫn có một món lãi trong tờ Hedestad Courier? - Đúng. - Tôi muốn xem hồ sơ ảnh của nó. Từ 1966. Vanger đặt cốc sữa xuống, lau miệng rồi hỏi: - Mikael, anh đã phát hiện ra cái gì rồi? Anh nhìn thẳng vào mắt ông già. - Không có gì là chắc chắn. Nhưng tôi nghĩ chúng ta đã bị lầm cả một chuỗi các sự kiện. Anh đưa cho ông già xem bức ảnh và nói những điều anh đang suy nghĩ. Vanger ngồi nghe im lặng một hồi lâu. - Nếu tôi đúng, chúng ta cần phải nhìn xa tới những gì đã xảy ra ở Hedestad hôm ấy chứ không phải chỉ ở đảo Hedeby. – Blomkvist nói, - Tôi không biết làm chuyện đó như thế nào sau một thời gian quá dài như vậy nhưng nhiều ảnh chắc là đã được chụp trong Ngày Trẻ con mà chưa đăng lên bao giờ. Tôi muốn xem các bức đó. Vanger dùng điện thoại trong bếp. Ông gọi Martin, nói rõ ông muốn gì và hỏi ai là biên tập viên ảnh hôm ấy. Trong mười phút đã xác định được người cần tìm và thu xếp xong việc tìm trong hồ sơ ảnh. Biên tập viên ảnh của tờ Hedestad Courier là Madeleine Blomberg, thường gọi là Maja. Chị là nữ biên tập viên ảnh đầu tiên mà Blomkvist gặp trong nghề báo, nơi mà nhiếp ảnh trước hết vẫn được coi là loại hình thức nghệ thuật dành cho đàn ông. Do là chủ nhật, tòa soạn vắng tanh nhưng Maja Blomberg lại sống cách đấy có năm phút, chị gặp Blomkvist ở cổng tòa báo. Chị làm cho Hedestad gần hết đời mình. Chị bắt đầu làm người đọc bản in thử năm 1964, đổi sang làm việc in tráng ảnh và đã qua nhiều năm tháng trong buồng tối, thỉnh thoảng có được cử ra ngoài làm phóng viên ảnh khi nguồn ảnh quen thuộc không đủ. Chị lên được chức biên tập viên, kiếm được một ghế chính thức ở bộ phận ảnh tại tờ báo, mười năm trước, khi người biên tập viên ảnh về hưu, chị tiếp quản vai trưởng ban ảnh. Blomkvist hỏi hồ sơ ảnh ở đây sắp đặt thế nào. - Nói thật với anh, hồ sơ khá là lộn xộn. Từ khi chúng tôi có máy tính và ảnh kỹ thuật số thì hồ sơ là ở trong các đĩa. Chúng tôi có một nhân viên tập sự ở đây quét các bức ảnh cũ quan trọng hơn, chỉ có một ít ảnh trong đống kho lộn xộn kia là đã được xếp loại. Các ảnh cũ hơn được xếp theo ngày tháng trong các hồ sơ âm bản. Chúng đang ở trong tòa soạn này hay ở trong nhà kho trên tầng áp mái. - Tôi đang cần đến các ảnh chụp trong cuộc diễu hành Ngày Trẻ con năm 1966, nhưng kể cả bất cứ ảnh nào chụp trong tuần ấy. Blomberg kỳ quặc nhìn anh. - Anh muốn nói cái tuần Harriet Vanger mất tích chăng? - Chị biết chuyện? - Anh không biết chuyện ấy thì anh không làm ở đây cả đời được, sớm hôm nay là ngày nghỉ của tôi mà Vanger gọi là tôi đã rút ra kết luận. Có cái gì mới rồi thế? Blomberg có cái mũi thính tin. Blomkvist mỉm cười lắc đầu rồi kể cho chị một câu chuyện hỏa mù. - Không, tôi cho rằng không ai tìm ra được lời giải cho bài đố này đâu. Chuyện này khá riêng tư, nhưng sự thật là tôi đang viết tự truyện cho Henrik Vanger. Chuyện cô gái mất tích là một đề tài lạ nhưng nó là một chương thật sự không thể lờ đi. Tôi đang tìm một cái gì trước đây chưa được dùng đến mà lại có thể làm sáng tỏ cái ngày hôm ấy – về Harriet và các bạn của cô ấy. Blomberg có vẻ nghi hoặc nhưng lời giải thích nghe hợp lý nên chị không hỏi thêm, vả chăng cũng là do chị đã biết vai trò của Blomkvist. Một phóng viên nhiếp ảnh ở một tờ báo nhận chừng từ hai đến mười cuộn phim một ngày. Với các sự kiện lớn có thể gấp đôi. Mỗi cuộn được băm sáu âm bản và chỉ có một số ít trong đó được đăng lên mà thôi cho nên thường thường một tờ báo địa phương không tích quá ba trăm hình ảnh một ngày. Một ban ảnh giỏi tổ chức đem cắt rời các cuộn phim ra và để các âm bản ở trong một ống măng sông sáu khung ảnh. Một cuộn phim chiếm chừng một trang ở cặp hồ sơ âm bản. Một cặp hồ sơ giữ chừng 110 cuộn phim. Âm bản trong một năm được cất đầy trong chừng hai mươi tư cặp hồ sơ. Sau nhiều năm, một lượng lớn cặp hồ sơ đã tích lại và thường không có giá trị thương mại nên chúng được xếp đầy các ngăn giá của ban ảnh. Nhưng mỗi phóng viên ảnh và ban ảnh lại đinh ninh các bức ảnh đó đang chứa đựng một tư liệu lịch sử vô giá nên không vứt bất kì một tấm ảnh bao giờ. Hedestad Courier thành lập năm 1922, bán ảnh thì tồn tại từ 1937. Kho ảnh trên tầng áp mái chứa chừng 1,200 cặp hồ sơ, dược Blomberg sắp xếp theo ngày tháng. Các âm bản của tháng Chín 1966 để ở trong bốn cặp lưu trữ bằng bìa các tông rẻ tiền. - Chúng ta làm thế nào với những cái này nhỉ? – Blomkvist nói. - Tôi thật sự cần một cái bàn làng nhàng để ngồi sao lại những cái gì hay hay. - Chúng tôi không còn buồng tối nữa rồi. Mọi cái đều đã cho scan. Anh có biết dùng máy scan âm bản không? - Có, tôi đã làm và có riêng một máy scan âm bản Agfa. Tôi làm Photoshop trên máy tính. - Vậy là anh dùng các thiết bị giống của chúng tôi. Blomberg đưa anh đi một vòng quanh căn phòng nho nhỏ của ban ảnh, cho anh một chiếc ghế và một chiếc bàn gọn nhẹ rồi mở máy tính và máy scan hình. Chị chỉ cho anh chỗ máy cà phê trong khu căng tin. Họ nhất trí để Blomkvist tự làm lấy một mình nhưng khi nào anh muốn đi thì anh cần gọi chị để cho chị có thể đặt hệ thống báo động. Rồi chị chào “Thú vị nha!” và để anh ở lại. Ngược trở lại giai đoạn ấy, Courier có hai phóng viên nhiếp ảnh. Người trực hôm ấy là Kurt Nylund và Blomkvist có quen biết anh ta. Vào năm 1966, Nylund chừng hai mươi tuổi. Rồi anh chuyển đến Stockholm trở thành một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng vừa làm tự do vừa là nhân viên của Scanpix Thụy Điển ở Marieberg. Trong những năm 90, Blomkvist đã có những lần gặp Nylund khi Millennium còn dùng ảnh của Scanpix. Anh nhớ Nylund là một người xương xẩu góc cạnh, tóc thưa. Hôm diễu hành, Nylund dùng phim ánh sáng ngày, không nhanh quá, loại nhiều phóng viên ảnh tin tức thường dùng. Blomkvist lấy ra các âm bản ảnh chàng Nylund trẻ tuổi chụp, đặt chúng lên bàn. Anh xem kĩ từng khuôn hình bằng một kính phóng đại. Đọc âm bản ảnh là một nghệ thuật đòi hỏi kinh nghiệm mà Blomkvist thì không có. Để quyết định ảnh có giá trị thông tin hay không anh phải rà quét từng hình ảnh và xem xét nó trên màn hình máy tính. Việc này phải mất hàng giờ. Cho nên anh xem lướt trước tất cả các bức ảnh mà anh có thể thấy ra điều gì lý thú ở đó. Anh xem dần những bức chụp vụ tai nạn xe cộ mà bộ sưu tập ảnh của Henrik Vanger không đầy đủ. Người sao ảnh làm sưu tập – có thể là chính Nylund – đã bỏ ra khoảng ba chục bức hoặc bị lóa hoặc bị coi là kém chất lượng không đáng đăng báo. Blomkvist tắt máy tính, cắm máy scan Agfa vào iBook của mình. Anh bỏ hai giờ để scan chỗ ảnh còn lại. Có một bức đập ngay vào mắt anh tức khắc. Khoảng giữa 3 giờ 10 và 3 giờ 15 chiều, đúng vào lúc Harriet tan biến đi, một người đã mở cửa sổ của buồng cô. Vanger cố tìm mãi không ra đó là ai. Trên màn hình của Blomkvist có một bức ảnh mà chắc đã được chụp vào đúng vào lúc cửa sổ mở ra. Có một người và một bộ mặt lờ mờ không rõ. Anh quyết định scan hết các ảnh trước khi quay sang phân tích tỉ mỉ chi tiết bức ảnh này. Rồi anh xem xét các ảnh về Ngày Trẻ con. Nylund đã để ra sáu cuộn phim, khoảng hai trăm lần chụp cho chuyện này. Có một dòng vô tận những trẻ con với những quả bóng, người lớn, sinh hoạt đường phố với những người bán xúc xích nóng, cuộc diễu hành, một nghệ sĩ trên sân khấu và một cuộc trao phần thưởng gì đó. Blomkvist quyết định scan toàn bộ sưu tập. Sáu giờ sau, anh có một cặp giấy đựng chín chục ảnh nhưng anh sẽ còn phải quay lại nữa. 9 giờ anh gọi Blomberg, cảm ơn chị và đáp xe buýt về nhà ở đảo Hedeby. 9 giờ sáng Chủ nhật anh quay lại. Tòa soạn vẫn vắng khi Blomberg để anh vào. Anh không nhận ra đây là ngày lễ Whitsuntide trùng vào cuối tuần, và sẽ không có tờ báo nào cho tới thứ Ba hết. Anh bỏ cả ngày ra để scan ảnh. 6 giờ chiều vẫn còn lại bốn chục bức chụp Ngày Trẻ con. Blomkvist đã dò các âm bản và quyết định những bức cận cảnh mặt đám trẻ xinh xắn hay các bức tranh của một họa sĩ xuất hiện trên lễ đài không phải là mục tiêu chú ý của anh. Những cái anh cho scan là các ảnh về sinh hoạt đường phố và đám đông. Blomkvist đi qua ngày lễ Whitsuntide với đống “vật liệu mới”. Anh có mười phát hiện. Phát hiện đầu làm cho hết sức ngạc nhiên. Cái thứ hai làm cho tim anh đập rộn. Cái thứ nhất là bộ mặt ở cửa sổ buồng Harriet Vanger. Ảnh hơi nhòe nên anh bỏ nó ra ngoài. Người chụp đứng ở trên đồi nhà thờ và hướng nhìn về cây cầu. Các tòa nhà lớn là bối cảnh. Blomkvist cắt cúp bức ảnh để chỉ còn lại cái cửa sổ rồi anh thử điều chỉnh độ sáng tối và tăng độ nét cho đến khi đạt tới chất lượng tốt nhất. Kết quả là một bức ảnh lấm chấm gần như ngả trắng cho thấy một bức rèm, một phần cánh tay và một bộ mặt tròn tròn mờ nhạt ở bên trong gian phòng. Bộ mặt không phải của Harriet Vanger vốn tóc đen, còn người này tóc lại sáng màu hơn. Không thể phân biệt rõ được các nên mặt nhưng anh chắc chắn đây là một phụ nữ, phần mặt sáng hơn tiếp tục xuống đến ngang vai chỉ ra một bộ tóc phụ nữ lượn sóng bồng bềnh và người phụ nữ này mặc quần áo sáng màu. Anh tính chiều cao của người này với khung cửa sổ, đó là một phụ nữ cao chừng mét sáu. Anh bấm sang các ảnh khác chụp sau vụ tai nạn thì thấy có một người hợp với miêu tả ở trong bức ảnh bên cửa sổ: cô Cecilia Vanger hai mươi tuổi. Nylund đã chụp mười tám bức ở cửa sổ nhà Haberdashy Sundstrom. Harriet là cái thứ mười bảy trong đó. Blomkvist thừa nhận rằng các ảnh này đã được chụp trong vòng năm phút. Trong các ảnh đầu, ở trong khuôn hình, Harriet và các cô bạn đang đi xuôi phố xuống. Trong các ảnh 2 – 7 họ đứng yên xem diễu hành. Rồi họ chuyển chừng ba bốn mét xuống dưới phố. Trong bức cuối cùng, có lẽ được chụp sau một thời gian đã trôi qua thì không còn các cô gái nữa. Blomkvist in một loạt ảnh trong đó anh lược bỏ đi nửa đầu của Harriet và gia công chúng để có được độ tương phản trắng đen tốt nhất. Anh để các bức ảnh này vào một hồ sơ riêng, mở chương trình đồ họa Graphic Converter và bắt đầu cho các ảnh lần lượt hiện lên, mỗi hình ảnh được hiện ra hai giây. Harriet đến, hình ảnh với chiều nghiêng mặt. Harriet đứng lại, nhìn xuôi xuống dưới phố, Harriet mở miệng nói gì với các bạn, Harriet cười. Harriet giơ tay trái lên tai, Harriet mỉm cười. Harriet thình lình nom ngạc nhiên, mặt cô ở một góc 20 độ về bên trái camera. Mắt Harriet mở to và cô thôi cười. Miệng Harriet mím lại thành một đường mỏng. Mắt Harriet tập trung nhìn. Trên mặt cô có thể đọc được ra… cái gì đây? Buồn, sốc, giận dữ? Harriet cụp mắt xuống. Harriet đã đi. Blomkvist quay đi quay lại trường đoạn này. Anh xác định khá mạnh mẽ cái lý lẽ vừa chợt đến với anh. Một cái gì đó xảy ra ở Jarnvagsgatan. Harriet đã nhìn thấy một cái gì – một ai đó - ở bên kia đường phố. Phản ứng lại là cô thấy sốc. Cô gặp Henrik Vanger để nói chuyện riêng nhưng không được. Cô biến đi không một tăm tích. Một cái gì đã xảy ra nhưng bức ảnh không nói rõ là gì. 2 giờ sáng thứ Hai Blomkvist ăn bánh kẹp và cà phê ở ghế dài trong bếp. Anh vừa nản lại vừa háo hức. Trái với chờ đợi anh đã đi tới được bằng chứng mới. Có điều là tuy nó rọi ánh sáng vào chuỗi sự kiện nhưng nó không đưa anh lại gần hơn tới bước giải được bí mật. Anh nghĩ lung mãi về vai trò mà Cecilia Vanger có thể đã sắm ở trong vở bi kịch. Henrik Vanger lập biểu đồ về hoạt động của mọi người liên quan đến hôm đó, không chừa một ai và Cecilia cũng không là ngoại lệ. Chị đang sống ở Uppsala nhưng chị đến Hedeby hai hôm trước cái ngày định mệnh kia. Chị ở với Isabella Vanger. Chị từng nói có thể chị đã gặp Harriet sớm buổi sáng hôm đó nhưng không trực tiếp nói chuyện với Harriet. Chị không thấy Harriet ở đó, và chị quay về đảo Hedeby vào khoảng 1 giờ chiều, vào cái lúc Nylund chụp các ảnh kia ở Jarnvagsgatan. Chị thay quần áo và khoảng 2 giờ thì giúp bày biện bàn ghế cho bữa tiệc lớn tối hôm đó. Tạo một bằng chứng ngoại phạm – nếu cần phải có – thì nó khá là yếu. Các khoảng thời gian là tương đối đúng, đặc biệt về thời gian chị trở lại đảo Hedeby, nhưng Henrik không tìm ra được điều gì cho thấy là chị nói dối. Cecilia là một trong những người nhà được ông chú Henrik thương nhất. Vả lại giờ chị đã là người tình của anh. Blomkvist khách quan sao nổi được cơ chứ? Anh chắc chắn không thể tưởng tượng ra chị lại là một kẻ giết người. Bây giờ một bức ảnh mà cho đến nay không ai biết đang bảo với anh rằng chị đã nói dối khi bảo hôm ấy chị không vào phòng Harriet. Blomkvist rối đầu lên với cái ý tại sao chị lại phải dối trá như thế. Và nếu chuyện đó em đã nói dối thì em còn có thể nói dối những gì khác nữa đây? Anh soát lại trong đầu những điều anh đã biết về Cecilia. Một con người hướng nội rõ ràng là đã bị quá khứ tác động. Sống một mình, không có đời sống tình dục, khó gần gũi tiếp xúc với người đời. Giữ khoảng cách và khi đã buông lỏng thì không kìm hãm nổi. Chị đã chọn một người xa lạ làm người tình. Nếu chị phải kết thúc chuyện đó thì là vì chị không thể sống với cái ý nghĩ rằng anh sẽ bất ngờ đi khỏi đời chị cũng như khi anh bất ngờ hiện ra. Blomkvist cho rằng chị dám mở ra câu chuyện yêu đương với anh thì chính xác là vì anh chỉ ở đây có một thời gian. Chị không phải lo anh về lâu dài sẽ làm cho đời chị thay đổi đi bằng một cách nào đó. Anh thở dài và gạt môn tâm lý học nghiệp dư sang một bên. Trong đêm ấy, anh có cái phát hiện thứ hai. Chìa khóa cho bí mật này là điều Harriet đã trông thấy ở Hedestad. Anh sẽ không tìm ra cái đó trừ phi anh sáng chế ra được một cỗ máy thời gian hay đứng ở ngay đằng sau cô gái, nhìn qua vai cô. Và thế rồi một ý đã nảy ra. Anh vỗ trán rồi mở iBook. Anh bật mở các bức ảnh chưa cắt cúp trong xê ri ảnh chụp ở Jarnvagsgatan ra thì… đây! Đằng sau Harriet và ở bên phải cô chừng non một mét là một cặp trẻ tuổi, người đàn ông mặc áo len kẻ sọc, người phụ nữ mặc áo jacket lơ nhạt. Người đàn bà cầm máy ảnh. Khi Blomkvist phóng to bức ảnh, thì đó là một chiếc Khôngdak Instamatic chụp lấy liền có đèn – một máy ảnh làm quà rẻ tiền vào Noel cho những người không biết gì về nhiếp ảnh. Người phụ nữ cầm máy ảnh ở ngang cằm. Rồi chị ta giơ lên chụp đám hề đúng vào lúc Harriet thay đổi vẻ mặt. Blomkvist so vị trí chiếc máy ảnh với hướng nhìn của Harriet. Người phụ nữ chụp đúng cái thứ mà Harriet đang nhìn vào. Tim anh đập loạn. Anh ngả lại đằng sau, cắm thuốc lá trượt cả ra ngoài túi ngực. Ai đó đã chụp một bức ảnh. Anh làm sao nhận dạng và tìm ra nổi người phụ nữ? Anh có thể nắm được bức ảnh này của chị ta không? Cuộn phim ấy có được tráng rửa và nếu có thì liệu có còn lại các bức ảnh hay không? Anh mở hồ sơ có các ảnh của Nylund chụp đám đông ra. Trong hai giờ sau anh phóng to từng bức và soi kĩ từng li một. Cho đến các bức cuối cùng anh không còn thấy cặp nam nữ này nữa. Nylund đã chụp một anh hề khác cầm bóng đứng cười hềnh hệch ở trước máy ảnh của anh. Các bức ảnh được chụp ở một bãi đỗ xe gần cửa ra vào sân vận động, nơi diễn ra các lễ hội. Chắc đã phải là sau 2 giờ chiều. Ngay sau đó Nylund được tin xe đâm nhau trên cầu và nhanh chóng kết thúc các chân dung của Ngày Trẻ con. Người phụ nữ gần như ẩn đi nhưng người đàn ông áo len sọc vẫn thấy rõ, ở chiều nghiêng mặt. Ông ta cầm chùm chìa khóa trong tay và đang cúi xuống mở cửa một chiếc xe. Máy ảnh tập trung vào anh hề đứng ở đằng trước và chiếc xe thì hơi bị mờ nhòa. Biển số bị che mất một phần nhưng anh có thể đọc thấy nó bắt đầu với “AC3”. Biển số trong những năm 60 bắt đầu với một mã hiệu theo hạt và lúc bé, Blomkvist đã nhớ các mã hiệu hạt này “AC” cho Vasterbotten. Rồi anh nhận ra một cái khác nữa. Trên cửa sổ đằng sau có một tờ quảng cáo gì đó. Anh phóng to thì dòng chữ nhòa đi không còn. Anh cắt rời tờ quảng cáo, điều chỉnh trắng đen, độ nét. Phải mất một lúc. Anh vẫn chưa đọc được phần có chữ viết nhưng anh dựa trên những hình mờ nhòa này mà hình dung ra các chữ đó. Nhiều chữ nom giống nhau kì lạ. Một chữ “O” có thể bị lầm thành “D” hay “B” hay “E”, vân vân. Anh lấy giấy bút ra và sau khi loại đi một số chữ, anh còn lại được một bản viết không thể đọc ra, ở trong cùng một dòng. R JO NI K RIFA RIK Anh nhìn chăm chăm vào cái hình cho đến khi chảy nước mắt. Rồi anh xem chữ viết. “NORSJO SNICKERIFABRIK”, tiếp theo sau là những con số cỡ bé hơn đến mức khó mà đọc ra nổi, chắc là số điện thoại.