Những bức tranh thật đẹp, tranh do Dusty vẽ từ khi anh mới khởi đầu sự nghiệp, chúng ngự trị trên các bức tường của phòng khách tại Willow Hall. India đứng trước mỗi bức tranh trong nhiều phút, nghiên cứu thật kỹ rồi đi sang xem bức bên cạnh. Có cả thảy bốn bức tranh, cuối mỗi bức tường được treo một bức, và hai bức treo ở sau bức tường dài, nằm xem ở giữa là những bộ cửa rộng lớn kiểu Pháp mở ra hành lang và các khu vườn. Cô thích những bức tranh vẽ phong cảnh này, cảnh những cánh đồng có màu lục đậm, phì nhiêu và bầu trời xanh lơ, ánh sáng chan hòa rực rỡ. Bầu trời trong tranh của Dusty khiến cô nhớ đến bầu trời trong tranh của Turner treo ở biệt thự Pennistone Royal. Cô biết rất khó vẽ ánh sáng trên khung vải, thế mà Dusty đã vẽ lên tranh như thế này. Cô khâm phục bút pháp anh thể hiện trên tranh, bút pháp hiện thực theo trường phái cổ điển, và có lần anh đã nói với cô rằng khó mà thành công trong bút pháp này. "Vẽ cảnh vật thiên nhiên và người giống hệt không phải là điều dễ làm", anh đã nói như thế. Cô gật đầu xác nhận, muốn nói với anh rằng cảnh vật vùng quê nước Anh trong tranh của anh giống những tác phẩm cổ điển tuyệt tác của Constable. Nhưng cô không dám nói, vì sợ anh nghĩ rằng cô cho là anh sao chép tranh của Constable, dĩ nhiên là anh không sao chép. Có thể anh bị chạm tự ái. Trên cái lò sưởi bằng đá cẩm thạch chạm trổ đẹp đẽ, treo bức thứ năm. Đây là bức chân dung vẽ một phụ nữ xinh đẹp mặc áo quần của thời đại George và trông như thể bức tranh được vẽ trong thập niên 1700, nhưng trong góc phía tay phải của bức tranh có chữ ký nhỏ của Dusty đã phủ nhận ý nghĩ trên. Nhìn bức tranh, người ta nghĩ đến bức chân dung nổi tiếng của George Romney vẽ phu nhân Hamilton treo ở phòng sưu tập Frick ở New York. Tên con gái của phu nhân là Emma Hart, không có chữ "e" ở đằng đuôi. Vì có sự trùng hợp kỳ lạ với tên của bà cố của India, cho nên Lady Hamilton, tình nhân của Lord Nelson, luôn luôn làm cho cô quan tâm đến. Cô đến ngồi trên ghế nệm dài trước lò sưởi, nhìn bức chân dung của người thiếu nữ, nhưng tâm trí của cô không chú ý đến nội dung bức tranh, mà tập trung hết vào người họa sĩ vẽ tranh. Sáng nay cô đã lái xe đến bệnh viện ở Harrogate, chở Dusty về nhà. Sau khi ăn bữa trưa đạm bạc, do bà quản gia Angelina nấu, Dusty đi đến phòng vẽ. Anh nói rằng: "Anh đến xem lại bức tranh, để xua đuổi hết ma vương quỷ sứ đi". Cô biết anh không muốn nói với cô rằng anh muốn đi một mình đến đấy. Đây là điểm đáng quý nhất của India, cô ý thức được tâm trạng của người khác, cô có khả năng hiểu được ý nghĩ của họ, thậm chí đoán được ý nghĩ của họ, thấu cảm được họ. Cô nghe có tiếng chân người đi ngoài hành lang lát đá cẩm thạch, cô quay đầu nhìn ra phía bộ cửa bằng gỗ óc chó đẹp đẽ, hai cánh cửa mở rộng. Cô rạng rỡ mặt mày vì cứ nghĩ đấy là bước chân của Dusty, nhưng cô cụt hứng, vì người hiện ra trên ngưỡng cửa là Paddy Whitaker. - Tôi không quấy rầy cô chứ, Lady India? - Bác ta đứng ngoài cửa hỏi vào, thái độ thận trọng như bao giờ. - Không, bác không quấy rầy đâu, Paddy, - cô đáp. - Tôi đang ngồi ngắm bức chân dung trên lò sưởi. - Phải, bức tranh rất đẹp, - bác ta đáp rồi bước vào phòng. - Ông Rhodes muốn mời cô đến phòng vẽ. Ông gọi cho tôi qua máy nội đàm ở trong phòng của quản gia. Ở đây không có máy nội đàm, chắc cô thấy rồi. - Dĩ nhiên, - cô đáp. - Bây giờ tôi mới có cơ hội để cám ơn cô về việc cô cho tôi được gặp Jack Figg, - Paddy nói. - Ông ấy đến xem xét Willow Hall rồi phái đến đây một toán chuyên gia. Những người rất giỏi. Cô biết không, lâu nay tôi đóng vai trò người bảo vệ an ninh cho ông Rhodes ở đây. Ai muốn ra vào khi nào cũng được. Bây giờ thì tình hình cải thiện rồi. - Người quản lý nhà cửa nhìn thẳng vào cô và nói thêm: - Cô đã cứu mạng sống của ông Rhodes, Lady India, và chúng tôi rất cám ơn cô. ° ° ° Khi India đi vào xưởng vẽ, Dusty Rhodes đang đứng gần bên giá vẽ, anh bước tới, dang rộng hai cánh tay về phía cô, miệng cười thật tươi: - India, rốt cục ở đây tất cả đều yên ổn. Không có ma vương quỷ sứ, vì vậy không có dấu hiệu xấu. Cô nắm hai tay anh, cười lại với anh, để cho anh kéo cô vào sát người anh. Dusty cúi sát vào người cô và nói bên má cô: - Cám ơn em. - Rồi anh nhích người ra nhìn vào mặt cô, dịu dàng nói tiếp: - Em đã trải qua một thời gian rất khó khăn. Anh thật ân hận. - Dusty, không có gì phải ân hận! Chuyện đã xảy ra rồi. Ơn Chúa là anh bình an. Anh khỏe không? - Khỏe, còn em? - Anh lo lắng hỏi. - Rất khỏe. Em khỏe... khi nào anh khỏe. - Anh tưởng anh sẽ cảm thấy bất an ở đây, nhưng không. Cho nên ngày mai anh sẽ làm việc trở lại, em yêu quý à. - Anh có chắc sẽ làm việc được không? - Ồ, rất chắc. Vả lại, anh vẽ bằng tay phải, chứ không phải bằng tay trái. Cô gật đầu, đi qua phòng vẽ, đến ngồi xuống chiếc ghế bành. Dusty đứng bên cạnh giá vẽ một lát, rồi cũng đến ngồi vào chiếc ghế khác, duỗi thẳng hai chân. Hai người ngồi im lặng một lát anh mới lên tiếng: - Trước đây anh không muốn nói đến chuyện anh bị đâm với em, mặc dù anh biết em rất muốn nói đến chuyện này. - Phải, em rất muốn nói chuyện này với anh. - Hôm xảy ra chuyện ấy dĩ nhiên anh không thể nói được, vì anh không đủ bình tĩnh để nói, nhưng bâu giờ thì anh nói được rồi. India à, có chuyện này anh phải nói cho em rõ. Anh biết cô ta... người đàn bà đâm anh. India gật đầu. Anh nói: - Anh và cô ta đã dan díu với nhau, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn thôi. Cách đây khoảng một năm rưỡi thì anh và cô ta xa nhau. Cô ta nghiện ma túy, tự hủy hoại đời mình, và thành thật mà nói, anh cố giúp cô ta xa lánh heroin nhưng không được, cô ta không bỏ ma túy. Anh không gặp cô ta suốt một năm trời, mãi cho đến cách đây chừng sáu tháng, mẹ cô ta gọi điện cho anh. Melinda, tên cô ta, rất tệ, mẹ cô ta cần anh giúp đưa cô ta vào bệnh viện. Anh đã cố sức tìm một bệnh viện thật tốt, và may thay là cô ta chịu vào bệnh viện để cai ma túy. Anh tưởng mọi việc sẽ tiến hành tốt đẹp, nào ngờ cô ta đã tìm cách đến đây, rồi khi thấy em, cô ta nổi điên lên. - Chắc cô ta vẫn còn muốn dan díu với anh, - India nói, mắt nhìn thẳng vào mắt anh. - Anh không biết, có lẽ còn. Nhưng anh không biết làm sao cô ta ra khỏi bệnh viện được, - anh đáp, giọng hơi bối rối. - Bây giờ cô ta đã trở về lại đấy chưa? - India hỏi. - Rồi, mẹ cô ta là người tốt, bà tìm Melinda trong một ngày, thuyết phục cô ta trở về bệnh viện. Cô ta được bác sĩ Jeffers chăm sóc điều trị lại. - Cô ta có thể lành bệnh được không, Dusty? - Nếu cô ta muốn, và nếu cô ta chịu khó làm theo lời bác sĩ. Anh hy vọng cô ta sẽ khỏi. - Phải, em cũng nghĩ vậy. - India đằng hắng giọng, nhìn anh và hỏi: - Anh không tố cáo cô ta chứ, phải không? - Làm sao anh tố cáo? India, hôm ấy cô ta mất trí! Anh tin rằng cô ta đang thèm thuốc, và chắc em biết cô ta muốn đâm bức tranh, chứ không phải đâm anh. - Phải, em biết. - India dịu dàng đáp. Cô cắn môi rồi hạ giọng nói: - Em nghĩ anh làm thế là đúng. Thật đấy. Anh nhìn cô, ngạc nhiên và ngồi yên lặng, nhìn vẻ lo âu trên nét mặt cô. Khi cô nói, giọng cô buồn buồn. Anh hy vọng cô sẽ không nói với anh là cô sẽ chia tay anh. Anh muốn cô ở lại với anh, muốn cô là một phần của đời anh. Khi nằm trong bệnh viện, anh đã nghĩ đến điều này. Và bây giờ, anh tin rằng cô đã trở thành quan trọng hơn cho anh. Anh nghiêng người qua ghế cô, nắm bàn tay cô. - Đưa cô ta ra tòa là hành động không hay ho gì, em yêu à. - Em cũng nghĩ thế. Em còn nghĩ rằng việc anh bị đâm chỉ là tai nạn. - India nuốt nước bọt rồi hỏi: - Nhưng anh có nghĩ cô ta sẽ là người quấy rầy anh không? Cô ta có thể làm cho đời anh khổ sở. - Và em cũng khổ? Có phải em lo sợ như thế không? - Phải, đúng thế, Em lo cho cả hai chúng ta. - Cô ta sẽ ở trong bệnh viện một thời gian dài. Ngoài ra, nhờ Jack Figg, người của em, mà cô ta hay bất cứ ai đều không có cánh để vào trong khuôn viên nhà anh mà không bị phát hiện. An ninh rất nghiêm ngặt. India bật cười. - Tội nhiệp Jack, ông ta giúp cho Linnet, rồi bây giờ trở thành chuyên viên an ninh cho cả gia đình, và cho anh nữa. Ôi trời đất, chắc Jack sẽ nguyền rủa chúng ta thậm tệ. Nghe cô cười và nhìn nụ cười tươi vui trên gương mặt cô, Dusty liền cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Anh nghĩ chắc mọi chuyện giữa India với anh sẽ êm thấm trở lại. Muốn làm cho cô hài lòng, anh hỏi: - Chuyện hồi nãy em hỏi anh ra sao? Chuyện đi ăn tối với bà nội em? India liền hỏi: - Anh có đi không? - Nghe bà có quyết tâm cao, giống như mẫu người của anh, em có nghĩ như thế không? - Đúng. Và nếu anh nhận lời mời, bà sẽ rất vui. Khi nào anh cảm thấy đi được, bà rất muốn chúng ta đến ăn tối với bà. Bà ở không xa lắm, giữa Harrogate và Knaresborough. Em nói với bà anh nhận lời nhé? Có thể cuối tuần được không? - Em báo cho bà biết anh nhận lời mời. - Anh đáp, cười, rồi họ đứng dậy. - Thôi bây giờ ta lên nhà. Họ rời khỏi xưởng vẽ, tay trong tay, đi về phía hàng hiên sau nhà. India nghĩ thế nào bà nội cô cũng rất vui khi được gặp Dusty. Còn dusty thì nghĩ rằng anh là kẻ hèn nhát vì không nói thật cho India biết anh có với Melinda một đứa con. Anh cầu trời sao báo chí không phanh phui ra được chuyện này và đăng lên báo. Hy vọng họ không phanh phui ra, anh nhủ thầm. Hy vọng và cầu may. ° ° ° - Tôi thích căn hộ này, - Lorne nói bằng một giọng du dương dịu dàng, vừa đi qua phòng khách lớn và mở cánh cửa ở cuối phòng. - Ôi Tessa, nhìn này, đây có thêm phòng ngủ khác nữa. Trời đất, thật là ưu tiên số một. - Anh quay người lại nhìn người chị song sinh và nói thêm: - Ngày hôm kia khi tôi nói chuyện với bố ở New York, ông hứa sẽ dành cho chúng ta một căn hộ lớn để chúng ta có thể ở chung, và quả thật ông đã làm đúng theo lời hứa. - Căn hộ còn đẹp nữa, - Tessa đáp, vừa đưa mắt nhìn quanh phòng khách trang hoàng lộng lẫy của khách sạn Paris O�Neill nằm ngay ở cuối đại lộ Montaigne. - Và có chỗ ngắm cảnh tháp Eiffel. Nàng vội bước nhanh đến ôm ghì em trai. - Lorne, tôi mừng vì đã đi với cậu, cám ơn cậu khuyên tôi đi. Đang lúc tinh thần tôi xuống thấp thì cậu lôi tôi đi chơi, đúng như lời cậu nói, chuyến đi này sẽ làm cho tôi vui. - Chị sẽ được nghỉ ngơi, không lo sợ gì về Adele hết. Nó sẽ hoàn toàn yên ổn với Elvira và Linnet tại Pennstone Royal, có cả Evan nữa phải không? - Phải, chị ấy đang làm tại cửa hàng Leeds với India, nhưng tôi đoán India hiện giờ đang ở với Dusty Rhodes, chứ không có mặt ở Pennistone Royal. Gideon và Julian sẽ nghỉ cuối tuần với Evan và Linnet. Linnet đã nói với tôi đêm mai họ sẽ đến, cho nên tôi rất yên tâm. Bây giờ cậu muốn ở phòng nào? Lorne quay đầu lại nhìn căn phòng anh vừa khám phá và nói: - Tôi nghĩ phòng này rộng hơn và hợp cho phụ nữ hơn trong số hai phòng. Chị nên ở phòng này, Tessa à, còn tôi sẽ dùng phòng ở phía bên kia phòng khách. Chuông cửa reo, Lorne ra mở cửa. Anh dẫn người phục vụ mang hành lý vào, chỉ chổ cho anh ta để, rồi cho anh ta tiền boa. Khi còn lại hai chị em, Lorne nói: - Bây giờ chị Tessa thân yêu này, tôi muốn chị tắm rửa sạch sẽ rồi ăn mặc lịch sự vào. Chúng ta sẽ có một bữa tối đặc biệt. - Thế à? Chúng ta sẽ đi đâu? Khi ngồi trên máy bay, sao tôi không nghe cậu nói gì hết? - Tôi nghĩ, để làm cho chị ngạc nhiên cho vui. Trước hết là chúng ta sẽ đi dự bữa tiệc ký chữ ký của tác giả vào sách - loại tiệc cocktail kết hợp với việc ký vào sách - rồi sau đó chúng ta đi ăn tối theo lời mời của tác giả. - Tác giả là ai thế? Chắc tác giả là một phụ nữ xinh đẹp có quen biết với cậu, em trai của tôi. - Nàng nói, nhìn anh với ánh mắt xoi mói. - Không, - Lorne đáp, lắc đầu, cười với nàng, mắt ánh lên vẻ tinh nghịch. - Tác giả là Jean Claude Deléon. Tessa cau mày, nhìn anh với ánh mắt gay gắt. - Cậu làm như thể tôi phải biết tên của ông ta. Phải không? - Chị đã gặp anh ta một lần rồi. Ngắn ngủi thôi. Tại buổi lễ khai mạc bộ phim đầu tiên của tôi. Nhưng tôi không biết đêm đó chị có chú ý đến anh ta không. Tuy nhiên, chị nên biết anh ta, Tessa à, vì anh ta là nhà tri thức nổi tiếng nhất ở Pháp, chỉ sau Bernard Henry Lévy thôi. - Tôi cũng chưa bao giờ nghe tiếng ông này. Bernard Henry Lévy là ai thế? - Ôi, Tessa, đừng u mê như thế. Lévy là nhà trí thức nổi tiếng hàng đầu ở Pháp, và mọi người đều biết hai người này. Họ là những người nổi tiếng. - Tôi không muốn đến dự buổi tiệc này. Tiệc này không hợp với tôi. - Rất hợp với chị, đừng ngốc như thế. Vả lại, buổi tiệc chỉ đến chín giờ kém bảy phút là xong. Cho nên chúng ta phải có mặt lúc tám giờ mười lăm phút để dự buổi tiệc trong vòng bốn mươi lăm phút, rồi sau đó đi ăn tối với anh ta và một số ít bạn bè của ảnh. - Tôi thấy bốn mươi lăm phút là đã quá lâu đối với tôi. Tôi có thể đến dự vào mười phút sau cùng có được không? - Không, không được, - Lorne gay gắt đáp. - Sắp đến giờ chúng ta đi rồi. Chúng ta đang ở Paris, trước khi đến đây chị đã đồng ý làm theo bất cứ điều gì tôi muốn, cho nên bây giờ chúng ta phải đến dự buổi tiệc ký sách. Lúc tám giờ mười lăm phút. - Được rồi, được rồi, đừng nổi cáu nữa! - Tessa thốt lên, rồi nhìn đồng hồ. - Bây giờ là sáu giờ ba mươi phút, sớm hơn ở Anh một giờ, vậy tôi gọi điện thoại cho Elvira và Adele, rồi sau đó sẽ chuẩn bị. - Tôi muốn chị phải trang điểm thật rực rỡ và lộng lẫy, - Lorne nói rồi đi nhanh về phòng mình để chuẩn bị. ° ° ° Một giờ sau, Tessa đứng ngắm nhìn trong phòng tắm, bốn bức tường trong phòng tắm đều lắp gương soi. Nàng quay người qua phía này rồi qua phía khác, lòng phân vân tự hỏi không biết bộ quần áo nàng mặc có hợp không. Có lẽ nàng phải mặc bộ áo nào cho sang hơn một chút mới đúng. Lorne đã nói với nàng rằng Jean Claude Deléon là nhà văn nổi tiếng khắp nước và được giới say mê văn học, kịch nghệ và hoạt động xã hội mến chuộng nhất. Vì thế, chắc buổi tiệc sẽ có nhiều nhà văn, nhà trí thức nổi tiếng và giới thượng lưu ở Paris, cũng như các diễn viên đến tham dự. Và chắc có lẽ bộ áo quần này có vẻ quá khiêm nhường. Thế nhưng khi nhìn mình trong gương, nàng thấy nàng xinh đẹp, và nàng cảm thấy hài lòng. Nàng không thấy mình được xinh đẹp trong thời gian khá lâu rồi, vì bị xuống cân do quá lo âu về cuộc ly dị, vì đau khổ do cuộc hôn nhân tan vỡ. Rồi vì chuyện Adele bị bắt cóc. Nàng phải công nhận chính sự lo sợ đã làm cho sắc đẹp nàng giảm sút. Một trong những lý do khiến nàng chọn bộ áo quần này là vì thời tiết. Thời tiết ở đây cũng nóng như ở nước Anh, cho nên nàng mặc cái váy và chiếc áo hở cổ bằng voan trắng này. Vải voan là loại gạc mỏng nhẹ như sương. Còn cái váy xõa xuống trên mắt cá chân, tương đối rộng và có những dãi đăng-ten nhỏ cách nhau. Những dãi đăng-ten nằm cách nhau chạy từ hông xuống. Cái áo thì không có tay và cổ áo khoét rộng xuống tận ngực trông rất hợp thời trang, nàng nghĩ thế. Quanh hông, nàng thắt sợi dây nịt bằng da trắng, hài hòa với đôi xăng-đan cao gót, và đồ nữ trang duy nhất nàng đeo là chiếc đồng hồ tay và đôi hoa tai lủng lẳng bằng ngọc trai. Ngắm mình trong gương lần nữa, nàng nghĩ trang điểm như thế này là quá tuyệt rồi, nàng bèn quay vào phòng ngủ. Lấy chiếc xắc bằng da trắng, nàng mở cửa thông ra phòng khách. Lorne đang nói chuyện trên điện thoại, khi nghe cửa mở, anh nhìn qua bên kia phòng khách nói: - Bây giờ tôi phải đi, Phil à. Tôi có hẹn, đã đến giờ rồi. Hẹn mai sẽ gặp nhau, - anh nói nhỏ rồi gác máy. Cậu em trai của nàng sải bước đi đến phía nàng, miệng xuýt xoa nho nhỏ với vẻ thán phục rồi nói: - Chị làm cho tôi quá hãnh diễn, "người cổ đại" à! Trông chị cực kỳ tuyệt vời! Tessa cười. - Còn cậu trông không tệ đâu, Lorne Fairley. Cậu mặc đồ đen trông không tuyệt hay sao? Chúng ta ăn mặc như thế này tương xứng, phải không? - Phải, thật may là tôi không mặc áo sơ-mi và quần trắng, vì nếu mặc thì bây giờ trông chúng ta hòa điệu kinh khủng. - Không bao giờ, - nàng đáp lại. - Chúng ta không bao giờ có vẻ "kinh khủng" được, Lorne. Tôi thì có thể, nhưng cậu thì không, em cưng à. - Ồ, chị có thành kiến vì chị là chị ruột của tôi. Tôi là diễn viên nổi tiếng mà chị cứ xem tôi bé bỏng, - anh nói với giọng bất bình như mọi khi, rồi cười. - Thôi, bây giờ ta phải đi, tôi không muốn đến sau tám giờ mười lăm. - Đang còn sớm mà, mới tám giờ kém hai mươi... - Nhưng xe cộ ở đây lưu thông tệ hơn ở London nhiều lắm, - anh cắt ngang lời nàng. - Và chúng ta phải đến ngoại ô Saint Germain. - Vậy chúng ta đi, đừng lải nhải nữa, ta đi thôi! - Tessa đáp rồi đi nhanh ra cửa. - Chắc cậu đã kiếm được xe hơi để đi. - Dĩ nhiên chúng ta có xe chứ, ngốc ơi là ngốc, - anh kêu lên, nắm cánh tay nàng và mở cửa. - Tôi tổ chức chu đáo. Đúng tinh thần của gia đình Harte. Nàng nhìn Lorne và bật cười, lần đầu tiên trong thời gian thật lâu nàng mới cảm thấy hạnh phúc, hạnh phúc vì được đi chơi với người thương yêu nàng, vì được đến Paris, thành phố nàng luôn luôn mơ ước. Khi họ còn nhỏ, mẹ họ đã dẫn họ đến đây chơi. Rồi khi khôn lớn họ cũng thường đến Paris chơi, đến thăm miền Nam nước Pháp và thăm biệt thự Vill Faviola, năm nào họ cũng đến thăm đây nhiều lần. Khi họ đi xuống thang máy, bỗng nàng cảm thấy lòng hân hoan, mà không biết lý do tại sao. ° ° ° Khi họ đã ngồi vào xe và tài xế đã lái ra khỏi khách sạn, Tessa nói: - Tôi thích khu vực quận Bảy. Thực vậy, tôi thường muốn có một căn hộ ở quận này. Đúng ra, thì có nhà ở bất cứ nơi nào ở phía tả ngạn cũng tuyệt hết, tôi thường thích tả ngạn, ở đấy tôi cảm thấy như ở tại quê nhà. Lorne nhìn nàng, ngạc nhiên đáp: - Bất cứ nơi nào ở quanh khu vực Faubourg Saint Germain cũng đều đáng giá cả một đống vàng, những ngôi biệt thự ở đấy đều rất đẹp. - Tôi không nói đến những ngôi nhà riêng biệt, chỉ một căn gác cho tôi và con tôi là đủ. Để thỉnh thoảng làm chỗ thoát thân là thú vị rồi. - Thế thì dư sức được, - anh đáp, lòng phân vân không biết nàng có nói thật hay không. Anh nói tiếp: - Tôi cũng thích khu vực ấy, vì đây là một nơi hỗn hợp lý thú, vùng dành cho những nhà quý tộc và nơi ẩn trú của sinh viên, họa sĩ và văn sĩ. Và ngoài những kiến trúc thuộc về lịch sử như lăng mộ của Napoléon, Viện hàn lâm Pháp, Viện bảo toàng Rodin, còn có hai nơi được giới họa sĩ thường lui tới là quán "Café aux deux Magots" và quán "Café de Flore". Cả hai nơi này tôi rất thích. - Tôi biết, thế còn những tiệm đồ cổ, những hộp đêm và những phòng triển lãm hội họa thì sao? Các nơi này là những nơi lý tưởng cho ta đến ẩn mình trong chốc lát, vì đây là nơi tuyệt vời nhất. - Nếu chị muốn có một nơi như thế, thì ít ngày nữa ta đến các phòng môi giới địa ốc xem sao. Thực ra, tôi cũng muốn có ngôi nhà ở đây, - Lorne nói, lòng vẫn tự hỏi phải chăng Tessa chỉ là kẻ mộng du. - Có lẽ chúng ta sẽ làm thế. Phiêu lưu một chút cũng vui, - Tessa nói nhỏ. - Khi nào thì cậu phải đi làm việc? - Phim bắt đầu quay vào thứ Hai, nhưng đến sáng thứ Tư mới có vai của tôi. Mà chị hỏi làm gì? - Hỏi cho biết thôi, vì không nghe cậu nói gì hết. Nhưng Lorne này, nói cho tôi nghe về Jean Claude Deléon đi. - Tôi đã nói cho chị nghe rồi. - Không, cậu chưa nói. Cậu mới nói là anh ta nổi tiếng, là nhà trí thức, là bạn thân của cậu. Cậu nói cho tôi biết thêm về anh ta để khi gặp ảnh tôi khỏi ngỡ ngàng. - Này nhé... anh ta là nhà báo vừa là nhà văn, và là nhà thuyết giảng. Anh ấy được xem là nhà đại tư tưởng ở Pháp hiện nay, và ảnh được xem là một triết gia, đứng hàng nhì sau Bernard Henry Lévy. Ẳnh có tài, duyên dáng, tuyệt vời lắm. Chị sẽ thích ảnh, và tôi nghĩ chị sẽ vui thích buổi tối hôm nay. - Làm sao cậu biết anh ta? - Tôi gặp anh ta cách đây mấy năm, khi tôi ở tại Villa Faviola với Gideon, Toby, ông cậu Winston và bố. Chắc chị nhớ chúng tôi có lệ đi nghỉ cuối tuần chỉ có đàn ông với nhau thôi. Jean Claude đến chơi với một trong những người bạn của Toby, và chúng tôi thân nhau. Chúng tôi bàn nhiều về sân khấu và phim ảnh. Rồi khi nào anh ta đến London, ảnh gọi tôi, và nếu có thể gặp nhau được, là chúng tôi gặp nhau. - Và có Madame Deléon chứ? - Không, không có. Tôi nghĩ là anh chưa bao giờ có vợ. Chị nhớ rằng, Jean Claude có tiếng tăm... là người được rất nhiều bà để ý đến. - Ồ, vậy anh ta còn trẻ không? - Tessa hỏi. - Có lẽ khoảng bốn chín, năm mươi, tôi không chắc. - Và chúng ta sẽ đi ăn tối ở đâu? - Tôi không biết. Anh ta chỉ nói: "Đưa chị gái của cậu đến dự tiệc ký sách, rồi sau đó mời cả hai chị em đi ăn tối với vài người bạn". Cho nên việc đi ăn ở đâu tôi cũng chỉ đoán mò như chị thôi.